Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bác Sĩ Zhivago

Chương 138

Tác giả: Boris Pasternak
Chọn tập

Ông đưa tay đây và hãy ngoan ngoãn theo tôi. Ở đây có ai căn phòng tối om và chất đồ ngổn ngang, cao đến trần nhà.

Ông có thể bị vấp chân hoặc va người vào đâu đó.

– Đúng là một mê cung. Một mình chắc tôi chẳng lần ra lối đi.Tại sao vậy? Nhà đang sửa à?

– Đâu có. Không phải thế đâu nhà này là của người khác. Thậm chí tôi chả biết chủ cũ là ai. Trước kia chúng tôi có chỗ riêng, trong toà nhà của trường trung học, do Nhà nước cấp. Khi Ban nhà đất của Xô viết thành phố lấy trường trung học, thì họ chuyển hai mẹ con tôi đến ở một góc của ngôi nhà bỏ không này. Đây, đồ đạc của chủ cũ còn chất cả ở đây. Rất nhiều đồ gỗ. Tôi chẳng cần đến tài sản của kẻ khác. Tôi chất đồ đạc của họ vào hai căn phòng này rồi sơn trắng các cửa sổ. Đừng buông tay tôi mà lạc bây giờ. Thế. Quẹo phải. Giờ thì thoát cái mê cung. Kia là cửa phòng tôi. Vào đây sẽ thấy sáng hơn. Coi chừng, bậc cửa đấy.

Khi Zhivago theo Lara bước vào phòng nàng, chàng kinh ngạc vì phong cảnh nhìn thấy qua cái cửa sổ đối diện với cửa ra vào. Cửa sổ nhìn xuống sân, xuống phần sau các ngôi nhà bên cạnh và khu đất trống của thành phố ở ven sông. Ở đó, các bầy dê và cừu đang gặm cỏ, bộ lông dài của chúng quét đất hệt như các vạt áo lông không cài cúc. Ngoài ra, ở đó, trên hai cây cột đối diện với cửa sổ, treo lủng lẳng một tấm biển quảng cáo mà Zhivago đã biết: “Moro và Vetchinkin. Máy gieo hạt. Máy đập lúa”.

Dưới ảnh hưởng của tấm biển vừa nhìn thấy, Zhivago bèn kể luôn cho Lara nghe về chuyến đi của chàng cùng gia đình tới miền Ural này. Chàng quên mất rằng có dư luận đồn Strelnikov với chồng nàng là một, nên chả nghĩ ngợi gì, chàng bèn kể luôn cuộc gặp gỡ giữa chàng với Strelnikov trên toa tàu bọc sắt. Đoạn này của câu chuyện đã gây ấn tượng đặc biệt tới Lara.

– Ông đã gặp Strelnikov thật ư? – Lara hỏi lại. – Bây giờ tôi sẽ không nói thêm gì nữa với ông điều đó. Nhưng đó là một điều rất có ý nghĩa! Đúng là một sự tiền định nào đấy buộc hai ông phải gặp nhau. Một ngày kia tôi sẽ giải thích cho ông nghe, lúc ấy ông sẽ hết sức kinh ngạc. Nếu tôi không lầm, thì Strelnikov đã gây cho ông một ấn tượng tốt hơn là xấu phải không?

– Vâng. Có lẽ vậy. Đáng lẽ ông ta phải làm cho tôi căm ghét mới đúng. Chúng tôi đã đi ngang qua những nơi bị ông ta đàn áp và phá huỷ. Tôi tưởng sẽ gặp một kẻ tàn sát binh lính hoặc một gã cuồng tín cách mạng chỉ quen đàn áp mọi người, song tôi không thấy ông ta thuộc hai loại đó. Kể cũng hay, khi ta gặp một người khác hẳn điều ta chờ đợi, khác hẳn với quan niệm có sẵn của ta về họ. Một kẻ bị xếp vào loại nào đó, thế thì là hết, là bị lên án với tư cách làm người rồi. Nếu người ta không thể liệt họ vào loại nào, nếu họ không tiêu biểu, thì như thế chứng tỏ họ có được một nửa những gì con người phải có. Họ được giải phóng khỏi bản thân mình, họ đạt được một chút, dù chỉ là một chút, sự bất tử.

– Nghe nói ông ta không có chân trong Đảng.

– Vâng, tôi có cảm tưởng như vậy. Điều gì khiến ta cảm mến ông ta? Ấy là số phận bi đát của ông ta. Tôi cho rằng ông ta sẽ bị chết thảm. Ông ta sẽ phải chuộc những cái ác do mình gây ra. Những người cách mạng tự tiện xử trí là rất đáng sợ, không phải vì họ là những kẻ hung ác, mà vì họ là thứ máy móc nằm ngoài vòng kiểm soát, là những cỗ xe bị trật đường ray. Strelnikov cũng điên cuồng như bọn kia, nhưng ông ta điên cuồng không phải do mớ lý thuyết trong sách vở, mà là do những gì ông ta từng phải nếm trải và gánh chịu. Tôi không rõ các uẩn khúc của ông ta, nhưng tôi tin rằng ông ta có uẩn khúc. Sự liên minh của ông ta với những người Bolsevich là ngẫu nhiên. Chừng nào ông ta còn cần cho họ, họ sẽ chịu đựng ông ta và cho đi chung một đường. Nhưng ngay khi không cần đến ông ta nữa, lập tức họ sẽ gạt bỏ và giày xéo ông ta không chút hối tiếc, như họ đã xử nhiều chuyên gia quân sự trước ông ta.

– Ông tin như vậy ư?

– Chắc chắn sẽ như vậy.

– Ông ta không có cách gì thoát thân hay sao? Bỏ trốn chẳng hạn.

– Trốn đi đâu hở cô? Ngày xưa, dưới thời Sa Hoàng thì được. Còn thời nay cứ thử trốn xem!

– Thương thật. Chuyện ông kể khiến tôi thương ông ấy. Còn ông, ông thay đổi hẳn, trước đây ông luận xét về cách mạng không có vẻ gay gắt và khó chịu như vừa rồi.

– Cái gì cũng có mức độ của nó, cô Lara ạ. Vấn đề là ở đấy Sau một thời gian như vừa qua, đã đến lúc phải đi tới một cái gì đó. Đằng này, té ra đối với những người cổ vũ cuộc cách mạng, những sự thay đổi và đảo lộn tứ tung là một sự tự nhiên thân thiết độc nhất, đến nỗi họ chẳng thiết gì hết, ngoài việc hãy giao cho họ một cái gì đó cỡ như địa cầu này. Việc xây dựng các thế giới, các thời kỳ quá độ là mục đích tự thân của họ. Họ chưa học được cái gì khác, họ chẳng biết làm gì hết. Thế cô có biết tại sao có cái cảnh chuẩn bị tất bật, bất tận ấy không? Vì thiếu vắng những năng lực có sẵn nhất định, vì bất tài. Con người sinh ra để sống, hiện tượng đời sống, tặng phẩm đời sống hoàn toàn không phải là chuyện đùa! Vậy thì tại sao lại đem thay thế cuộc sống bằng trò múa rối con nít của những giả tưởng non nớt, bằng những trò trốn học sang Mỹ của đám học trò như Sekhov đã tả ấy? Nhưng thôi. Bây giờ đến lượt tôi hỏi. Chúng tôi đáp xe lửa tới gần thành phố vào cái buổi sáng thành phố này chuyển qua tay Hồng quân. Cô cũng có mặt trong biến cố lớn lao ấy chứ?

– Ôi, khỏi phải bàn? Dĩ nhiên. Lửa cháy rần rần tứ phía. Mẹ con tôi suýt nữa chết cháy. Cái nhà này, như tôi đã nói, bị rung dữ dội! Đến bây giờ ở ngoài sân, cạnh cổng ấy, vẫn còn một quả đại bác chưa nổ. Các vụ cướp phá, pháo kích, những trò xấu xa. Như mọi cuộc thay đổi chính quyền. Nhưng đến lúc ấy chúng tôi đã biết cả, đã quen cả rồi. Chả phải lần đầu. Cái hồi bọn bạch vệ còn đóng quân ở đây, thôi thì đủ trò tệ hại? Nào giết chóc ngoài phố vì tư thù cá nhân, nào tống tiền, nào điên loạn! À, mà tôi chưa kể với ông điểm chủ yếu. Anh chàng Galiulin của chúng ta! Một nhân vật quan trọng của quân Tiệp ở đây. Một thứ quan Toàn quyền.

– Tôi biết. Tôi có nghe. Cô gặp anh ta à?

– Gặp luôn là đằng khác. Nhờ anh ta, tôi đã cứu sống bao nhiêu người. Đã giấu trong nhà được bao nhiêu người! Phải công bằng mà nhận xét về anh ta. Anh ta đã xử sự rất hào hiệp, không chê trách vào đâu được, khác hẳn bọn vô lại lau nhau, bọn sỹ quan kỵ binh cô-dắc, bọn hạ sĩ quan cảnh sát. Nhưng hồi đó quyền thế lại thuộc về bọn vô lại lau nhau ấy, chứ không phải thuộc về những người tử tế. Galiulin giúp tôi nhiều việc. Cảm ơn anh ấy. Chúng tôi chẳng là chỗ quen biết cũ mà. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn qua chơi ở khu nhà, nơi anh ấy đã lớn lên. Các gia đình công nhân hoả xa sống ở khu nhà đó. Bấy giờ tôi đã chứng kiến cảnh nghèo khổ và sự lao động vất vả. Vì thế thái độ của tôi đối với cách mạng khác thái độ của ông. Cách mạng gần tôi hơn. Đối với tôi, cách mạng có nhiều điều thân thiết. Riêng Galiulin, con trai một bác lao công, lại đột nhiên trở thành đại tá, thậm chí thành ông tướng bạch vệ, thì lạ thật. Tôi là thường dân nên không hiểu gì về cấp bậc. Nghề của tôi là giáo viên dạy Sử. Vâng, đúng như thế đấy, ông Zhivago ạ. Tôi đã giúp nhiều người. Tôi thường đến gặp Galiulin. Chúng tôi vẫn nhắc đến ông luôn. Ấy là tại tôi bao giờ cũng có các mối quen biết và những người che chở dưới mọi chỉnh thể, và dưới chế độ nào cũng có những điều phiền muộn, mất mát. Chỉ trong những cuốn sách tồi, những người đang sống mới bị chia thành hai phe và không tiếp xúc với nhau. Còn trong thực tế, mọi thứ đều đan quyện vào nhau vô cùng mật thiết! Phải là một kẻ tầm thường ghê gớm, thì mới chỉ sắm một vai trong đời, giữ một vị trí trong xã hội, chỉ có cùng một giá trị kia thôi! Kìa, con đấy à?

Một bé gái độ tám tuổi, có hai bím tóc đuôi sam nhỏ, bước vào phòng. Kẽ mắt hẹp, góc mắt hơi xếch khiến cô bé có vẻ tinh quá Lúc cười, nó hơi ngước mắt lên. Lúc ở bên ngoài cửa, nó đã biết mẹ có khách, nhưng khi bước vào, nó thấy lại tỏ vẻ ngạc nhiên một cách vô tình. Nó nhún người xuống để chào rồi ném về phía bác sĩ Zhivago cái nhìn trân trân, dạn dĩ của một đứa trẻ lớn lên trong cảnh thiếu cha mẹ và sớm biết nghĩ.

– Đó là Katenka, con gái tôi. Mong hai bác cháu thân nhau.

– Cô đã cho tôi xem ảnh cháu, hồi ta ở Meliuzev. Cháu chóng lớn và thay đổi nhiểu quá nhỉ?

– Thì ra con ở nhà à? Mẹ cứ ngỡ con đang đi chơi. Con vào lúc nào, mẹ chả nghe thấy.

– Con đang lấy cái chìa khoá trong lỗ hổng, thì một con chuột to tướng phóng ra. Con hét lên và bỏ chạy! Sợ chết khiếp được mẹ ạ!

Lúc nói, Katenka có điệu bộ thật dễ thương, nó mở to cặp mắt láu cá và chúm tròn cái miệng như chú cá nhỏ vừa bị bắt ra khỏi nước.

– Thôi con về phòng con đi. Mẹ sẽ mời bác đây ở lại dùng bữa chiều, lúc nào bắc chảo trong bếp ra, mẹ sẽ gọi con.

– Cảm ơn, nhưng tôi không thể ở lại được. Kể từ khi tôi lên thành phố đọc sách, gia đình tôi ăn bữa trưa rất muộn, mãi sáu giờ chiều kia. Tôi đã quen không về trễ, mà riêng chuyện đi đã mất ba, bốn tiếng đồng hồ rồi. Vì vậy tôi mới đến thăm cô sớm thế này, mong cô tha lỗi. Có lẽ tôi sắp phải từ biệt cô ngay bây giờ.

– Thì ông ở lại nửa tiếng nữa thôi.

– Rất vui lòng.

Chọn tập
Bình luận
× sticky