Ít lâu sau, bác sĩ Zhivago viết:
“Chúng tôi thu xếp ăn ở trong hai phòng của cái chái nhà bằng gỗ, làm nối vào tường hậu của toà nhà vụ chủ trại ngày xưa Thuở bà Anna Ivanovna còn thơ ấu, cụ Cruyghe đã dành chái nhà này cho mấy người đầy tớ do cụ lựa: chị thợ may, chị quản gia và bà vú nuôi đã mất sức.
Chái nhà này đã bị thời gian làm cho hư nát khá nhiều. Chúng tôi tu sửa lại khá nhanh. Với sự trợ giúp của những người am hiểu, chúng tôi đã xoay lại cái bếp lò chung cho cả phòng theo kiểu mới, khiến nó đem lại hơi nóng nhiều hơn.
Ở góc này của hoa viên, mọi dấu vết lối quy hoạch ngày xưa đã bị cỏ cây trùm lấp. Bây giờ, giữa mùa đông, khi vạn vật xung quanh đều chết lặng, cái sống không che phủ được cái đã chết, thì các dấu xưa bị tuyết vùi lại nổi lên rõ rệt hơn.
Chúng tôi gặp may… Mùa thu vừa rồi rất khô ráo và ấm áp chúng tôi đã kịp bới khoai trước khi mùa mưa và các đợt rét ập đến. Sau khi trả số khoai đã vay của Miculisyn, chúng tôi còn được hai chục bao. Tất cả được chất trong gian chính của tầng hầm, bên dưới lót cỏ khô, bên trên phủ các tấm chăn cũ rách. Hai thùng dưa leo và hai thùng bắp cải do Tonia muối cũng được cất xuống hầm. Bắp cải tươi được treo từng đôi một suốt các cây cột chống. Cà rốt dự trữ được vùi dưới cát khô, cùng với số lượng tạm đủ về củ cải đường, củ cải chát, còn ở trên nhà thì trữ rất nhiều đậu ván và đậu Hà Lan. Củi chở về xếp trong vựa đủ dùng cho đến mùa xuân. Tôi thích hơi ấm của mùa đông ở dưới hầm nhà. Mùi củ, quả mùi đất và tuyết xộc ngay vào mũi khi ta vừa mở nắp xuống hầm vào lúc tảng sáng, trước hừng đông, với ánh sáng leo lét của cây nến ta cầm nơi tay.
Ra khỏi chài nhà, trời hãy còn tối. Ta khép cánh cửa nghe ken két, ta vô tình hắt hơi hoặc nghe tiếng tuyết lạo xạo dưới chân, và đằng kia, từ một luống rau có những bắp cải nhô lên từ dưới tuyết, mấy chú thỏ rừng sẽ vọt ra, chạy biến đi, để lại trên mặt tuyết, khắp xung quanh những vết chân chằng chịt. Và những con chó ở gần đâu đây cứ lần lượt sủa hồi lâu. Những con gà cuối cùng ngừng tiếng gáy vì trời bắt đầu sáng. Ngoài dấu chân thỏ, trên cánh đồng tuyết bát ngát còn vô số vết chân linh miêu, từng lỗ, từng lỗ nhỏ kế tiếp nhau, kéo dài được xâu cẩn thận bằng các sợi chỉ. Linh miêu đi hoang như mèo nhà, chân sau đặt vàp vết chân trước, người ta quả quyết rằng mỗi đêm chúng vượt được nhiều dặm đường.
Người ta đặt bẫy bắt chúng. Nhưng thay vì linh miêu, lại chỉ thấy các chú thỏ rừng đáng thương sa bẫy, khi gỡ ra, chúng đã chết cóng, cứng đờ, và bị vùi nửa mình dưới tuyết.
Thời kỳ đầu, dạo mùa xuân, mùa hè, đời sống thật cơ cực, chúng tôi kiệt sức. Còn bây giờ, các buổi chiều tối mùa đông, chúng tôi được nghỉ ngơi. Nhờ Samdeviatov cung cấp dầu hoả, chúng tôi quây quần quanh ngọn đèn dầu. Phụ nữ thì đan lát hay khâu vá, tôi hoặc giáo sư Gromeko đọc sách cho cả nhà nghe. Lò sưởi đang cháy. Tài nhóm lò của tôi được công nhận từ lâu nên tôi canh lò và đóng cửa lò đúng lúc để hơi nóng khỏi phí phạm ra ngoài. Nếu gặp thanh củi khó cháy, làm tắc lò thì tôi lôi nó ra mà chạy ra cửa và quẳng thanh củi còn đang bốc khói mù mịt xa mãi ngoài sân tuyết. Nó bay trong không khí như một cây đuốc, bắn ra vô số tia lửa nhỏ, rọi sáng cái mép hoa viên đang ngủ trong bóng tối có các ô tứ giác màu trắng của bồn cỏ, nó nổ lách ta lách tách và tắt ngấm khi rơi xuống đống tuyết.
Chúng tôi đọc đi đọc lại “Chiến tranh và hoà bình”, “Evgenhi-Oneghin” và tất cả các trường ca, chúng tôi đọc “Đỏ và Đen” của Standan, “Hai thành phố” của Dicken và các truyện ngắn của Clast qua bản dịch sang tiếng Nga”.