Mùa đông, khi có thời giờ thư thả hơn, bác sĩ Zhivago bắt đầu ghi chép những điều khác nhau. Chàng viết:
“Mùa hè vừa rồi đã bao lần tôi muốn cùng thốt lên với Chutchev(1):
Mùa hè, ơi cái mùa đẹp nhất.
Phép nhiệm màu của trời đất bao la.
Ta muốn hỏi người từ đâu đi đến.
Mà bất ngờ, người chả nói cùng ta?
Hạnh phúc thay khi được làm việc cho mình và gia đình suốt từ sáng đến tối, cất nhà, xới đất trong nỗi lo có đủ miếng ăn, tạo dựng cái thế giới riêng của mình như Robinson Cruseu, bắt chước đấng tạo hoá và noi theo người mẹ cứ luôn luôn tái tạo bản thân lình!
Biết bao tư tưởng, bao ý nghĩ mới mẻ diễn ra, nảy sinh trong tâm trí, khi ta miệt mài với công việc chân tay nặng nhọc của người thợ thổ hay thợ mộc, khi ta tự đặt cho mình những nhiệm vụ hợp lý, vừa với sức vóc của mình, mà khi hoàn thành ta sẽ được thưởng công bằng niềm vui và kết quả rõ rệt, khi suốt sáu giờ đồng hồ liên tiếp, ta đào đất hay đẽo cây dưới bầu trời phóng khoáng khiến ta nám mình vì hơi thở đầy sinh khí của nó. Và nếu như những tư tưởng, những suy đoán, những sự tiếp cận ấy không được ghi lại trên giấy, mà bị lãng quên bởi chúng chỉ thoáng vụt qua trong giây lát, thì đó chẳng phải là sự mất mát, mà còn ích lợi là đằng khác. Hỡi người ẩn sĩ nơi đô thị, quen dùng cà phê den đậm và thuốc lá nặng để kích thích suy nhược của bạn, bạn sẽ chẳng biết được một thứ ma tứy mạnh nhất hàm chứa trong những nhu cầu sinh hoạt thành thực và trong một sức khỏe dồi dào.
Tôi không đi xa hơn điều vừa nói, tôi chẳng thuyết giáo cho quan điểm tha thứ hết thảy và trở về với ruộng đất theo kiểu Tolstoy, tôi cũng không định bổ sung gì cho chủ nghĩa xã hội về vấn đề ruộng đất. Tôi chỉ ghi nhận sự kiện có thực và tôi không đề cao cái số phận tình cờ đưa đẩy của chúng tôi lên thành một hệ thống. Trường hợp của chúng tôi có thể chưa đúng và chưa cho phép rút ra kết luận. Nền kinh tế gia đình của chúng tôi quả không đồng nhất về thành phần. Bàn tay chúng tôi chỉ làm được một phần nhỏ của nó, đó là rau và khoai. Toàn bộ phần còn lại do nguồn khác tạo nên, việc chúng tôi sử dụng đất đai là phi pháp, là hành động cố ý trốn tránh sự kiểm soát theo quy định của chính quyền Nhà nước. Việc đốn gỗ của chúng tôi là trộm cắp tài sản của Nhà nước, không thể biện bạch rằng trước đây rừng cây ấy vốn là quyền của Cruyghe. Chúng tôi được che chở bởi sự dung túng của Miculisyn là người đang sống theo cách tương tự chúng tôi; sự xa cách thành phố đã cứu chúng tôi. Ở đó, may thay người ta vẫn chưa hay biết gì về các hành động sai trái của chúng tôi.
Tôi đã từ giã nghề y và lờ đi cái chuyện tôi là bác sĩ để khỏi trói buộc tự do của mình, nhưng luôn luôn vẫn có những kẻ từ tâm ở những nơi xa tít tắp biết rằng tại Varykino có một vị đốc tờ. Họ cất công lặn lội vài ba chục dặm đường tới đây xin một lời khuyên. Người thì đem theo con gà, kẻ đem theo chục trứng, hoặc hộp bơ hay một món quà gì đó. Dù tôi tha hồ làm bộ không cần thù lao, cũng không sao khước từ các thứ đó, bởi vì mọi người cấm chịu tin vào sự hiệu nghiệm của những lời khuyên không mất tiền. Vậy là việc khám bệnh đem lại cho tôi một khoản thu nhập. Nhưng chỗ dựa chủ yếu của chúng tôi và của Miculisyn vẫn là Samdeviatov.
Tôi không sao hiểu nổi con người ấy dung hoà trong bản thân mình những điều trái ngược. Ông ta chân thành ủng hộ cách mạng và hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy của Xô viết thành phố Yuratin. Với toàn bộ thẩm quyền của mình, ông ta có thể trưng dụng và chở đi hết số gỗ ở Varykino mà chẳng cần nói với chúng tôi và Miculisyn một lời, và chúng tôi cũng sẽ không dám ho he. Mặt khác, nếu muốn biển thủ công quỹ, ông ta có thể ung dung nhét vào túi bao nhiêu xấp tiền cũng được, mà chẳng ai hé răng. Ông ta chẳng có ai để chia chác hay quà cáp lấy lòng. Vậy điều gì buộc ông ta quan tâm đến chúng tôi, giúp đỡ gia đình Miculisyn và nâng đỡ hết thảy mọi người trong vùng, như giúp viên trưởng ga Torfianaia chẳng hạn.
Luôn luôn thấy ông ta đến nơi này nơi nọ, mang đi hoặc chớ đến cái này cái kia, ông ta phân tích và lý giải “Bầy Quỷ” của Dostoievsky và Tuyên ngôn Đảng cộng sản một cách say sưa như nhau, và tôi có cảm tưởng rằng, nếu ông ta không làm cho cuộc sống của ông ta trở nên rắc rối một cách không cần thiết, một cách không tính toán và hiển nhiên như thế, chắc ông ta sẽ chết vì buồn”.
Chú thích:(1) Chutchep F. I (1803 – 1873) nhà thơ Nga nổi tiếng.