Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bác Sĩ Zhivago

Chương 83

Tác giả: Boris Pasternak
Chọn tập

Mùa đông đã tới, đúng như người ta dự đoán. Nó không đến nỗi ghê sợ như hai mùa đông tiếp sau, nhưng đại loại cũng như vậy, một mùa đông tối tăm, đói kém, rét mướt, phá vỡ những gì đã quen và xây dựng lại mọi nền tảng của tồn tại, buộc con người phải có những nỗ lực ghê gớm để bám giữ lại cuộc sống đang trơn trượt.

Ba mùa đông liên tiếp, ba mùa đông kinh khủng như thế nối theo nhau và không phải tất cả những gì mà hiện nay ta tưởng là xảy ra vào cuối năm 1917 – đầu năm 1918, đều xảy ra vào thời ấy thực sự là xảy ra muộn hơn. Ba mùa đông liên tiếp ấy hoà lẫn vào nhau, nên ta khó lòng tách riêng chúng ra được.

Cuộc sống cũ và trật tự mới vẫn chưa trùng hợp nhau. Giữa chúng tuy vẫn chưa có sự đối nghịch dữ dội, như một năm sau, trong thời nội chiến, nhưng thiếu hẳn mối liên hệ. Đó là hai bình diện riêng biệt, đối diện nhau, không úp lên nhau được Việc bầu lại ban quản trị diễn ra ở khắp nơi: trong các khu nhà các loại tổ chức, ở nơi làm việc, ở các công sở lo thực hiện các dịch vụ cho dân cư. Thành phần các ban quản trị được thay đổi. Người ta bắt đầu bổ nhiệm vào mọi được các chính uỷ có thẩm quyền vô hạn, những người có ý chí gang thép, mặc áo da đen, được trang bị súng ngắn và các biện pháp đe doạ, râu ít khi cạo mà ngủ lại càng ít hơn.

Các vị chính uỷ ấy biết quá rõ hạng tiểu tư sản thị dân, bọn “cạo giấy” ở các công sở, những kẻ nhỏ nhen khúm núm sợ sệt và họ cư xử với bọn người ấy khồng chút nể nang thương hại, cứ mỉa mai độc địa như thể bọn người ấy là những tên ăn cắp bị bắt quả tang.

Các vị ấy thao túng, điều khiển mọi việc, theo chương trình của họ quy định, các xí nghiệp lần lượt được bolsevich hoá.

Bệnh viện Xiển Dương Thánh Giá (Crestovozdvigien) bây giờ đổi tên thành bệnh viện “Cải tổ số 2” với nhiều thay đổi. Một số nhân viên bị sa thải. Một số tự bỏ việc vì thấy rằng làm ở đây chẳng lợi lộc gì. Đấy là những bác sĩ hái ra tiền nhờ có phòng mạch hợp mốt, là con cưng của giới thượng lưu, khéo mồm khéo miệng theo kiểu “mồm miệng đỡ chân tay”.

Họ không quên làm cho sự bỏ việc vì lợi ích riêng ấy của họ mang ý nghĩa biểu tình phản đối, ra cái điều xuất phát từ ý thức công dân và họ bắt đầu lên mặt khinh bỉ, thậm chí tẩy chay, những người ở lại. Trong số những người ở lại, bị khinh bỉ, có bác sĩ Zhivago.

Tối tối, hai vợ chồng Zhivago thường trao đổi với nhau những câu đại loại như thế này:

– Em nhớ thứ tư này đến tầng hầm trụ sở Hội bác sĩ nhận khoai ướp lạnh nhé. Hai bao kia đấy. Anh sẽ hỏi lại xem vào giờ nào anh có thể rời bệnh viện để giúp em một tay. Phải hai người mới đẩy nổi một chiếc xe bằng ván trượt.

– Được rồi, còn kịp chán, anh ạ. Anh xếp dọn nhanh lên mà đi nằm. Khuya rồi đấy. Đằng nào cũng không thể làm hết mọi công việc. Anh cũng nên nghỉ ngơi đôi chút.

– Bệnh dịch đang lan tràn. Mọi người đều suy nhược, nên sức chống chọi bệnh tật có yếu đi. Trông ba và em gầy quá. Mình phải làm một cái gì. Nhưng cụ thể là gì kia chứ? Chúng mình chưa giữ gìn sức khỏe cẩn thận. Phải cẩn thận hơn em ạ. Em này, em ngủ chưa đấy?

– Chưa.

– Anh không sợ cho anh, anh khỏe như vậy, có sức chịu đựng nhưng nói dại, lỡ chẳng may anh ngã bệnh, thì em chớ có dại dột để anh nằm ở nhà nhé. Phải đem đến bệnh viện ngay lập tức.

– Đừng nói gở, anh yêu! Cầu Chúa phù hộ cho anh. Ai lại đi dại mồm dại miệng như thế?

– Em nên nhớ bây giờ chẳng còn ai tử tế, chẳng còn bạn bè gì. Những người am hiểu lại càng ít hơn. Nếu có chuyện gì xảy ra, chớ nên tin cậy ai, ngoài Pichuskin. Dĩ nhiên, nếu ông ấy không bị sao. Em chưa ngủ đấy chứ?

– Chưa…

– Bọn đê tiện, chúng tự bỏ việc vì tư lợi, thế mà bây giờ còn mở mồm bảo là chúng có tinh thần ái quốc và tính nguyên tắc. Gặp mình, chúng giơ tay bắt đã là khá lắm. “Ông vẫn phục vụ bọn họ à?”. Và chúng cau mặt cau mày. Anh đáp: “Phải, tôi vẫn phục vụ đấy, và nói ông thứ lỗi cho, chứ tôi rất kiêu hãnh chịu đựng các thiếu thốn của chúng tôi và tôi kính trọng những người đang cho chúng tôi cái vinh dự được chịu đựng các thiếu thốn ấy”.

Chọn tập
Bình luận