Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Nam Cao

NHỮNG CHUYỆN KHÔNG MUỐN VIẾT

Tác giả: Nam Cao
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Trong số bạn thân của tôi, thế nào chẳng có người đã trách tôi:

– Lớp này hắn đổ đốn hay sao mà lại đem chuyện hắn ra viết thế? Dơ dáng quá!

Vâng, dơ dáng thật. Chính tôi cũng đang trách tôi sự ấy. Nhưng biết làm sao được? Tôi đã hứa với tôi: chẳng bao giờ viết truyện mình. Tôi sẽ chẳng bao giờ thèm đả động đên cái tôi – cái tôi là đáng ghét. Vẫn biết nhiều bạn đồng nghiệp khả kính của tôi không nghĩ thế. Suốt đời họ. Mà họ làm thế nhất định không phải là vô ích. Nhưng họ khác, mà tôi khác. Cái nghề văn, kỵ nhất cái lối thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào. Khi người ta nói đến mình, là nhận ra mình có một cái gì đáng nói. Còn tôi chẳng có gì. Mà đời tôi thì không có chuyện. Cái tôi của tôi rất xoàng. Bởi tôi rất xoàng.

Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến những cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua nước mắm vào mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi..khỉ khỉ. Tôi cứ muốn vừa có thể phụng sự nghệ thuật, lại vừa có thể kiếm tiền về nuôi cả nhà. Nghĩa là tôi ham viết lắm. Nhưng giả thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi. Cái tôi của tôi sự thật là nó bỉ ổi như thế đấy. Tôi còn nói đến tôi làm gì? Tôi tìm những cái khác để mà nói vậy.

Thoạt tiên tôi viết truyện một người đàn ông có vợ rồi. Đó chỉ là một người đàn ông rất vô danh. Hắn có thể là tôi, là anh, hay bất cứ một anh nào có vợ. Nhưng một ông bạn tôi vơ chẳng ngay lấy. Ông ta bảo tôi định nói ông. Ông hục hặc với tôi. Ông khuyên tôi chớ đem in. Đem in thì vỡ mặt. Tôi trót dại, chưa học võ. Thôi thì đành chiều ông.

Tôi viết truyện một con chó mực. Tôi thề rằng: quả thực đó là chuyện một con chó mực. Nhưng chuyện vừa in ra thì tôi gặp một thằng say. Hắn trợn mắt lên. Mắt hắn đỏ ngầu ngầu. Hắn lè nhè hỏi tôi: sao lại bảo hắn là con chó? Rồi hắn chửi cho tôi một mẻ, vuốt mặt không kịp. Tôi ức quá, nhưng rồi tôi lại cười. Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết truyện một thằng say rượu.

Thằng say này say lắm. Nó uống rượu vào rồi nó chửi. Chửi lung tung cả. Thằng say nào chẳng vậy? Ấy thế mà có một bọn người rất tỉnh kêu bù lu bù loa lên rằng: tôi mượn rượu để chửi cả làng nhà họ. Và họ dọa tôi đủ thứ. Trời đất ơi!…

Vậy thì tôi biết viết cái gì? Một anh bạn tôi khuyên tôi đừng đả động đến một người nào. Cứ viết truyện buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, con lợn. Nhưng biết đâu đấy? Tôi vẫn sợ. Tôi sợ có người nào lại nhận mình là buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, hay là con lợn để mà không bằng lòng. Bởi thế, tuy chẳng muốn, tôi đành lại lấy tôi ra mà viết để cho yên chuyện.

Vậy thì tôi viết truyện tôi, đó chỉ là những chuyện mà thật ra tôi không muốn viết. Bởi chuyện tôi thì bao giờ nghe cũng buồn.

Các bạn tính: thế này thì tôi không buồn làm sao được? Tôi ở Hà Nội về quê. Tôi nhớ vợ con. Tôi đang ao ước được trông thấy vợ con cho thỏa cái lòng một chút. Tôi vừa đi vừa tưởng tượng: “Mười lăm phút nữa, tôi tới ngõ. Con tôi nhận ra tiếng bố, mừng rỡ reo lên. Vợ tôi tươi cười ra ngõ đón…”

Vợ tôi ra đón thật. Nhưng y không tươi cười. Mặt y nhăn như mặt hổ phù. Cái mũi phình ra, nó chứa đầy khí giận. Đôi mắt thì long sòng sọc, chúng toan nhảy vọt ra. Ghê gớm quá! Lại nghiến răng ken két nữa. Tôi toát mồ hôi trán. Mắt tôi nhìn xuống mũi, mũi tôi nhìn xuống miệng, còn miệng tôi thì bịu ra. Cái thằng tôi nó hèn thế đấy. Chẳng bao giờ nó dám nhìn nỗi nguy vào tận mắt. Nó chỉ nhìn xuống đất, để xem có cái lỗ nào thì chui tọt vào. Nó cứ tưởng nó là con giun.

Cố nhiên là không có lỗ. Mà có lỗ thì cũng không chui lọt. Tôi đành đứng ỳ ra đấy. Vợ tôi càng ngứa mắt. Y gầm lên. Y xốc váy lên trên đầu gối. Y giậm chân bồ bồ. Rồi y lại buông váy xuống. Y vừa nhảy cẫng lên như một con gà chọi, vừa vỗ tay đen đét mà xỉa xói vào mặt tôi:

Đi chết đâu mà đi mãi thế? Sao không chết giấm chết giúi ở đâu đi cho rồi? Còn về đây làm gì? Còn vác mặt về đây làm gì ì i?…

Thôi chết, chắc là y biết tôi lên Hà Nội có đi hát cô đầu rồi. Không biết đứa nào ghét tôi đã mách với y chóng thế? Cái quân ác thật. Nó giết người không gươm. Khốn nạn cho cái thân tôi quá! Nào phải tôi có đắm say gì cho cam? Tôi thề rằng, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có biết cái xóm cô đầu nó ở chỗ nào thì tôi chỉ chết. Tôi mới đi lần này là một. Mà cũng chẳng phải vì cao hứng. Chẳng qua là để chiều ý một ông bạn đọc quá hào phóng mà thôi. Nguyên hôm ấy tôi có chút việc đến chơi nhà xuất bản. Ông V. đưa cho tôi một tấm danh thiếp mang một cái tên với tôi hoàn toàn lạ…

– Ông này muốn gặp ông có một việc gì cần lắm.

Tôi quay dây nói nhờ cho gọi cái số có biên trên tấm thiếp. Ở đầu kia, tiếng oanh thỏ thẻ:

Ông chủ tôi hiện lúc này mắc bận…Ông chủ tôi rất mong được tiếp ông vào bảy giờ chiều hôm nay…Việc cần ạ, vâng, ông chủ bảo cần…

Bảy giờ chiều, tôi đến. Tôi và anh Sen nữa, để phòng có biến. Thì cái việc cần đại khái như thế này: ông H. đọc sách của tôi. Ông thấy văn tôi, đoán tôi là một thằng…kháu lắm. Ông muốn gặp, gặp để cho biết. Còn bây giờ, thì cái việc cần là đưa nhau xuống Khâm Thiên để nói chuyện văn chương cho thỏa lòng. Chao ôi! Một chút tình tri kỷ ấy, dẫu tan xương nát thịt để mà đền đáp chưa chắc gì đã đủ. Huống chi là phụ vợ trong vài ba giờ đồng hồ thôi? Tôi nhận lời ông H. Tối hôm ấy, anh Sen rất ngây thơ của tôi và tôi đã được lạc vào động tiên. Nhưng có ông H. làm chứng đấy! Chúng tôi ngồi trong nhà hát không quá mười lăm phút. Trống không biết đánh. Hạt dưa không biết cắn. Cốt – nhắc không biết uống. Mà bọn cô đầu thì ác quá. Họ cậy họ có quần áo đẹp, tóc uốn quăn, họ cứ nhìn cái đầu thợ nhà quê xén vụng của tôi mà cười. Mặt tôi đỏ nhừ. Huống chi lại còn có bao nhiêu khách của ông H nữa. Toàn những phú thương cả. Họ nhìn chúng tôi tròng trọc như cố nhớ xem có phải chúng tôi đã có lần rụt rè đến nhà họ xin một chân đánh máy hoặc bán hàng hay không? Mặt chúng tôi rồm rộm. Người chúng tôi ngay đờ, cứng nhắc. Bởi thế, khi bắt đầu tiệc rượu, chúng tôi đứng lên xin kiếu và anh em dắt nhau ra về. Tôi thề đã kịp chấm đến một cô em nào thì giời cứ làm cụt tay!… Ấy thế mà cái đứa nào ác nghiệt đã phải vội đem chuyện về cho vợ tôi nó biết. Tôi cãi làm sao bây giờ? Tôi cứ ngây mặt ra như cán tàn. Y lại chỉ vào mặt tôi và bảo:

– Hôm nọ thì còn mải đi chết đây, chết đó. Hôm nay mới lù lù vác xác về. Còn về làm gì nữa. Cả nhà có mỗi một cái vé sợi nó nuốt trôi mất rồi.

Ô…ra thế…Tôi hoàn hôi, tôi lau mồ hôi trán, thư thới hỏi:

Vé sợi nào? Người ta chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược thế nào thì đã làm sôi sì cả lên. Vợ tôi cười gằn, bảo:

Vé sợi khai hồi năm ngoái, chứ còn vé sợi nào? Nhà mình ở đấy nhưng nó lại bảo là tên nó thì làm gì nó tốt? Mình là thằng Cao, nó cũng là thằng Cao.

Tôi ngẩn người. Tôi giận cha tôi quá. Sao người chẳng đặt cho tôi một cái tên gì hiểm hóc để chẳng trùng tên ai? Nhưng sự đã trót, còn biết sao? Tôi tặc lưỡi bảo vợ:

Thôi! Đứa nào nuốt được thì cứ nuốt. Cả năm ngoái, mình không có vé sợi, khung cửi để mốc meo cũng không chết mà….Chúng nó ăn lắm thì phình bụng ra.

Vợ tôi không thèm đáp lại, Y sỳ môi và nguýt tôi. Tôi cười. Bởi tôi cũng biết nói thế là nói bướng. Nghe sao lọt? Ai chẳng biết: không có vé sợi cũng không chết đói? Phải, chết thì không chết, nhưng mà gầy. Sự thật thì cả nhà gầy. Tôi, cái ấy đã dĩ nhiên, tôi vẫn gầy. Con tôi thì cũng vậy: bởi nó giống tôi. Nhưng vợ tôi, vẫn có tiếng là phì nộn, lớp này xem ra cũng khô hạc lắm. Ăn đói luôn, còn gì? Tôi nhìn vợ tôi mà thương hại. Tôi an ủi y thế này:

Thôi, mình ạ. Ta không có sợi thì đi dệt thuê cũng được. Chẳng được cơm thì được cháo. Còn tôi cố cắm đầu viết suốt ngày. Mấy trăm bạc nợ lãi trả hết rồi, chỉ còn xoay gạo ăn thôi thì đỡ lo.

Vợ tôi lại bĩu môi ra, nghiêng nghiêng cái mặt:

Hừ! Coi thế mà buồn!…. Có đến đời sang tiểu sành thì hết nợ! Tôi dịu dàng:

Trả mãi cũng phải hết. Đừng lo.

Ấy là nói thế, chứ tôi lo làm sao được. Tôi chỉ mặc, không có tiền thì con đói. Tôi đói đã quen đi rồi.

Được được, mình mặc tôi.

Chỉ được cái nói là ra bộ lắm!

Y không buồn nói nữa. Y vùng vằng chạy sang hàng xóm. Vùng vằng thế đấy, nhưng bụng y tốt lắm. Bởi y đi vay gạo. Y biết tôi đã đói. Tôi cảm động. Tôi càng náo nức muốn làm để kiếm tiền trả nợ. Tôi tháo giày, cởi áo ngoài rồi ngồi vào bàn viết. Không nên để phí một tí thì giờ nào cả. Từ giờ đến lúc được ăn cơm, may ra được vài, ba chục đồng…

Tôi gọi cảm hứng về. Ngoại vật mờ mờ. Tư tưởng đến như một đàn ong, mới đầu còn lẻ tẻ, rồi đông hơn, rồi xôn xao. Chúng ngùn ngụt trong đầu tôi như một thứ rượu mới lên men. Bộn rộn và rối rắm biết bao. Tôi sắp sửa khơi nguồn cho những ý nghĩ có đường thoát ra đầu ngọn bút….Thì tiếng vợ tôi the thé:

Giời ơi là giời! Có chồng con nhà nào như thế không? Chỉ vác cái mặt lên như một con trâu nghênh suốt ngày. Chẳng nhìn rõ đến cái gì. Để cho con ăn đất ngoài sân kia kìa!…

Tiểu thuyết thứ Bảy.

Số 432, ngày 26-9-1942

Trong số bạn thân của tôi, thế nào chẳng có người đã trách tôi:

– Lớp này hắn đổ đốn hay sao mà lại đem chuyện hắn ra viết thế? Dơ dáng quá!

Vâng, dơ dáng thật. Chính tôi cũng đang trách tôi sự ấy. Nhưng biết làm sao được? Tôi đã hứa với tôi: chẳng bao giờ viết truyện mình. Tôi sẽ chẳng bao giờ thèm đả động đên cái tôi – cái tôi là đáng ghét. Vẫn biết nhiều bạn đồng nghiệp khả kính của tôi không nghĩ thế. Suốt đời họ. Mà họ làm thế nhất định không phải là vô ích. Nhưng họ khác, mà tôi khác. Cái nghề văn, kỵ nhất cái lối thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào. Khi người ta nói đến mình, là nhận ra mình có một cái gì đáng nói. Còn tôi chẳng có gì. Mà đời tôi thì không có chuyện. Cái tôi của tôi rất xoàng. Bởi tôi rất xoàng.

Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến những cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua nước mắm vào mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi..khỉ khỉ. Tôi cứ muốn vừa có thể phụng sự nghệ thuật, lại vừa có thể kiếm tiền về nuôi cả nhà. Nghĩa là tôi ham viết lắm. Nhưng giả thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi. Cái tôi của tôi sự thật là nó bỉ ổi như thế đấy. Tôi còn nói đến tôi làm gì? Tôi tìm những cái khác để mà nói vậy.

Thoạt tiên tôi viết truyện một người đàn ông có vợ rồi. Đó chỉ là một người đàn ông rất vô danh. Hắn có thể là tôi, là anh, hay bất cứ một anh nào có vợ. Nhưng một ông bạn tôi vơ chẳng ngay lấy. Ông ta bảo tôi định nói ông. Ông hục hặc với tôi. Ông khuyên tôi chớ đem in. Đem in thì vỡ mặt. Tôi trót dại, chưa học võ. Thôi thì đành chiều ông.

Tôi viết truyện một con chó mực. Tôi thề rằng: quả thực đó là chuyện một con chó mực. Nhưng chuyện vừa in ra thì tôi gặp một thằng say. Hắn trợn mắt lên. Mắt hắn đỏ ngầu ngầu. Hắn lè nhè hỏi tôi: sao lại bảo hắn là con chó? Rồi hắn chửi cho tôi một mẻ, vuốt mặt không kịp. Tôi ức quá, nhưng rồi tôi lại cười. Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết truyện một thằng say rượu.

Thằng say này say lắm. Nó uống rượu vào rồi nó chửi. Chửi lung tung cả. Thằng say nào chẳng vậy? Ấy thế mà có một bọn người rất tỉnh kêu bù lu bù loa lên rằng: tôi mượn rượu để chửi cả làng nhà họ. Và họ dọa tôi đủ thứ. Trời đất ơi!…

Vậy thì tôi biết viết cái gì? Một anh bạn tôi khuyên tôi đừng đả động đến một người nào. Cứ viết truyện buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, con lợn. Nhưng biết đâu đấy? Tôi vẫn sợ. Tôi sợ có người nào lại nhận mình là buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, hay là con lợn để mà không bằng lòng. Bởi thế, tuy chẳng muốn, tôi đành lại lấy tôi ra mà viết để cho yên chuyện.

Vậy thì tôi viết truyện tôi, đó chỉ là những chuyện mà thật ra tôi không muốn viết. Bởi chuyện tôi thì bao giờ nghe cũng buồn.

Các bạn tính: thế này thì tôi không buồn làm sao được? Tôi ở Hà Nội về quê. Tôi nhớ vợ con. Tôi đang ao ước được trông thấy vợ con cho thỏa cái lòng một chút. Tôi vừa đi vừa tưởng tượng: “Mười lăm phút nữa, tôi tới ngõ. Con tôi nhận ra tiếng bố, mừng rỡ reo lên. Vợ tôi tươi cười ra ngõ đón…”

Vợ tôi ra đón thật. Nhưng y không tươi cười. Mặt y nhăn như mặt hổ phù. Cái mũi phình ra, nó chứa đầy khí giận. Đôi mắt thì long sòng sọc, chúng toan nhảy vọt ra. Ghê gớm quá! Lại nghiến răng ken két nữa. Tôi toát mồ hôi trán. Mắt tôi nhìn xuống mũi, mũi tôi nhìn xuống miệng, còn miệng tôi thì bịu ra. Cái thằng tôi nó hèn thế đấy. Chẳng bao giờ nó dám nhìn nỗi nguy vào tận mắt. Nó chỉ nhìn xuống đất, để xem có cái lỗ nào thì chui tọt vào. Nó cứ tưởng nó là con giun.

Cố nhiên là không có lỗ. Mà có lỗ thì cũng không chui lọt. Tôi đành đứng ỳ ra đấy. Vợ tôi càng ngứa mắt. Y gầm lên. Y xốc váy lên trên đầu gối. Y giậm chân bồ bồ. Rồi y lại buông váy xuống. Y vừa nhảy cẫng lên như một con gà chọi, vừa vỗ tay đen đét mà xỉa xói vào mặt tôi:

Đi chết đâu mà đi mãi thế? Sao không chết giấm chết giúi ở đâu đi cho rồi? Còn về đây làm gì? Còn vác mặt về đây làm gì ì i?…

Thôi chết, chắc là y biết tôi lên Hà Nội có đi hát cô đầu rồi. Không biết đứa nào ghét tôi đã mách với y chóng thế? Cái quân ác thật. Nó giết người không gươm. Khốn nạn cho cái thân tôi quá! Nào phải tôi có đắm say gì cho cam? Tôi thề rằng, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có biết cái xóm cô đầu nó ở chỗ nào thì tôi chỉ chết. Tôi mới đi lần này là một. Mà cũng chẳng phải vì cao hứng. Chẳng qua là để chiều ý một ông bạn đọc quá hào phóng mà thôi. Nguyên hôm ấy tôi có chút việc đến chơi nhà xuất bản. Ông V. đưa cho tôi một tấm danh thiếp mang một cái tên với tôi hoàn toàn lạ…

– Ông này muốn gặp ông có một việc gì cần lắm.

Tôi quay dây nói nhờ cho gọi cái số có biên trên tấm thiếp. Ở đầu kia, tiếng oanh thỏ thẻ:

Ông chủ tôi hiện lúc này mắc bận…Ông chủ tôi rất mong được tiếp ông vào bảy giờ chiều hôm nay…Việc cần ạ, vâng, ông chủ bảo cần…

Bảy giờ chiều, tôi đến. Tôi và anh Sen nữa, để phòng có biến. Thì cái việc cần đại khái như thế này: ông H. đọc sách của tôi. Ông thấy văn tôi, đoán tôi là một thằng…kháu lắm. Ông muốn gặp, gặp để cho biết. Còn bây giờ, thì cái việc cần là đưa nhau xuống Khâm Thiên để nói chuyện văn chương cho thỏa lòng. Chao ôi! Một chút tình tri kỷ ấy, dẫu tan xương nát thịt để mà đền đáp chưa chắc gì đã đủ. Huống chi là phụ vợ trong vài ba giờ đồng hồ thôi? Tôi nhận lời ông H. Tối hôm ấy, anh Sen rất ngây thơ của tôi và tôi đã được lạc vào động tiên. Nhưng có ông H. làm chứng đấy! Chúng tôi ngồi trong nhà hát không quá mười lăm phút. Trống không biết đánh. Hạt dưa không biết cắn. Cốt – nhắc không biết uống. Mà bọn cô đầu thì ác quá. Họ cậy họ có quần áo đẹp, tóc uốn quăn, họ cứ nhìn cái đầu thợ nhà quê xén vụng của tôi mà cười. Mặt tôi đỏ nhừ. Huống chi lại còn có bao nhiêu khách của ông H nữa. Toàn những phú thương cả. Họ nhìn chúng tôi tròng trọc như cố nhớ xem có phải chúng tôi đã có lần rụt rè đến nhà họ xin một chân đánh máy hoặc bán hàng hay không? Mặt chúng tôi rồm rộm. Người chúng tôi ngay đờ, cứng nhắc. Bởi thế, khi bắt đầu tiệc rượu, chúng tôi đứng lên xin kiếu và anh em dắt nhau ra về. Tôi thề đã kịp chấm đến một cô em nào thì giời cứ làm cụt tay!… Ấy thế mà cái đứa nào ác nghiệt đã phải vội đem chuyện về cho vợ tôi nó biết. Tôi cãi làm sao bây giờ? Tôi cứ ngây mặt ra như cán tàn. Y lại chỉ vào mặt tôi và bảo:

– Hôm nọ thì còn mải đi chết đây, chết đó. Hôm nay mới lù lù vác xác về. Còn về làm gì nữa. Cả nhà có mỗi một cái vé sợi nó nuốt trôi mất rồi.

Ô…ra thế…Tôi hoàn hôi, tôi lau mồ hôi trán, thư thới hỏi:

Vé sợi nào? Người ta chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược thế nào thì đã làm sôi sì cả lên. Vợ tôi cười gằn, bảo:

Vé sợi khai hồi năm ngoái, chứ còn vé sợi nào? Nhà mình ở đấy nhưng nó lại bảo là tên nó thì làm gì nó tốt? Mình là thằng Cao, nó cũng là thằng Cao.

Tôi ngẩn người. Tôi giận cha tôi quá. Sao người chẳng đặt cho tôi một cái tên gì hiểm hóc để chẳng trùng tên ai? Nhưng sự đã trót, còn biết sao? Tôi tặc lưỡi bảo vợ:

Thôi! Đứa nào nuốt được thì cứ nuốt. Cả năm ngoái, mình không có vé sợi, khung cửi để mốc meo cũng không chết mà….Chúng nó ăn lắm thì phình bụng ra.

Vợ tôi không thèm đáp lại, Y sỳ môi và nguýt tôi. Tôi cười. Bởi tôi cũng biết nói thế là nói bướng. Nghe sao lọt? Ai chẳng biết: không có vé sợi cũng không chết đói? Phải, chết thì không chết, nhưng mà gầy. Sự thật thì cả nhà gầy. Tôi, cái ấy đã dĩ nhiên, tôi vẫn gầy. Con tôi thì cũng vậy: bởi nó giống tôi. Nhưng vợ tôi, vẫn có tiếng là phì nộn, lớp này xem ra cũng khô hạc lắm. Ăn đói luôn, còn gì? Tôi nhìn vợ tôi mà thương hại. Tôi an ủi y thế này:

Thôi, mình ạ. Ta không có sợi thì đi dệt thuê cũng được. Chẳng được cơm thì được cháo. Còn tôi cố cắm đầu viết suốt ngày. Mấy trăm bạc nợ lãi trả hết rồi, chỉ còn xoay gạo ăn thôi thì đỡ lo.

Vợ tôi lại bĩu môi ra, nghiêng nghiêng cái mặt:

Hừ! Coi thế mà buồn!…. Có đến đời sang tiểu sành thì hết nợ! Tôi dịu dàng:

Trả mãi cũng phải hết. Đừng lo.

Ấy là nói thế, chứ tôi lo làm sao được. Tôi chỉ mặc, không có tiền thì con đói. Tôi đói đã quen đi rồi.

Được được, mình mặc tôi.

Chỉ được cái nói là ra bộ lắm!

Y không buồn nói nữa. Y vùng vằng chạy sang hàng xóm. Vùng vằng thế đấy, nhưng bụng y tốt lắm. Bởi y đi vay gạo. Y biết tôi đã đói. Tôi cảm động. Tôi càng náo nức muốn làm để kiếm tiền trả nợ. Tôi tháo giày, cởi áo ngoài rồi ngồi vào bàn viết. Không nên để phí một tí thì giờ nào cả. Từ giờ đến lúc được ăn cơm, may ra được vài, ba chục đồng…

Tôi gọi cảm hứng về. Ngoại vật mờ mờ. Tư tưởng đến như một đàn ong, mới đầu còn lẻ tẻ, rồi đông hơn, rồi xôn xao. Chúng ngùn ngụt trong đầu tôi như một thứ rượu mới lên men. Bộn rộn và rối rắm biết bao. Tôi sắp sửa khơi nguồn cho những ý nghĩ có đường thoát ra đầu ngọn bút….Thì tiếng vợ tôi the thé:

Giời ơi là giời! Có chồng con nhà nào như thế không? Chỉ vác cái mặt lên như một con trâu nghênh suốt ngày. Chẳng nhìn rõ đến cái gì. Để cho con ăn đất ngoài sân kia kìa!…

Tiểu thuyết thứ Bảy.

Số 432, ngày 26-9-1942

Bình luận
720
× sticky