Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Nam Cao

RỬA HỜN

Tác giả: Nam Cao
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Mối hiềm bắt đầu từ một cái trần ngôn. Ông lý Nhưng ngờ cho ông khóa Mẫn làm. Ông khóa Mẫn thì chưa chắc đã làm: lời lẽ trong cái trần ngôn không phải là lời lẽ của một nhà nho đã đọc sách thánh hiền, nhưng cái tin kia đến tai ông, thì ông lại cười mà bảo rằng: cái thằng nào nó làm cái trần ngôn ấy, cũng không nên trách nó, ăn bẩn, nó chửi cho là phải…

Nguyên có vợ chồng nhà kia, lúc lấy nhau, bởi quá nghèo nên chẳng cưới cheo gì. Họ ăn ở với nhau theo kiểu vợ chồng theo. Mới đây chị vợ để được một đứa con. Ông lý nhà ta biết thóp anh chồng non mặt, nên đến lòe anh ta đủ thứ. Ông nhất định bảo rằng: đứa con của anh ta không thể khai sinh, bởi vì vợ chồng anh chưa làm giấy giá thú: mà anh có làm giấy giá thú cũng không thể được bởi vì người đàn bà có con ra rồi; không những thế, nếu việc phát giác ra, anh có lỗi…Kết cục thì anh chồng đành chạy ngược chạy xuôn biện cho ông lý hai chục bạc để ông làm ngơ cho việc ấy: rồi ngày một, ngày hai, khi nào xoay được vài, ba chục bạc nữa lại đến ông, ông sẽ liệu cách vào giá thú cho vợ chồng anh và khai sinh cho đứa con anh giúp. Để khỏi lo hậu hoạn.

Ông lý bóp được hai chục bạc, bỏ ra mấy đồng giết một con chó, mua mấy chai rượu, mời các cụ đến chè chén với nhau. Câu chuyện ấy bay đi, dân làng bàn tán rất nhiều. Ai cũng cho là ông lý Nhưng tệ quá: vợ nó đẻ, cơm đã chẳng có mà ăn, da trông mấm ra nước được; chồng thì cái khố chẳng có mà đeo; thế mà ông nỡ xoay của nó, thì còn gì là nhân đức nữa. Ấy là nhà ông còn thừa tiền, thừa thóc đấy! Giá mà ông phải đói như nhà người ta thì không biết còn bóp nặn dân làng đến đâu?… Nhưng nói lắm rồi người ta cũng thôi. Còn số tiền hai chục bạc thì có lẽ ông lý ăn vào đã lại nhả ra cho con chó nhà ông thừa lộc chủ rồi. Trời móc ra được nữa! Ai cũng tưởng thế là xong chuyện. Thì bỗng một buổi sáng người ta thấy một mảnh giấy con con dán ở cửa đình. Mới trông, người ta tưởng là một bản yết thị. Việc gì đây? À! Trần ngôn! Lại trần ngôn! Và người ta đọc được thấy mấy câu như sau này:

Trời ơi có thấu tình chăng?

Một con mẹ đẻ, mấy thằng ăn no!

Ai về tôi gửi cái mo

Lý Nhưng có thiếu thì cho mà dùng.

Lý Nhưng ơi hỡi lý Nhưng!

Tưởng là ông hóa ra thằng ăn dơ!

Đứa nào lật cái giấy này đi cả nhà nó chết.

Chỉ ba, bốn hôm sau là bài vè trên đây đã được truyền khẩu lan đi khắp cả làng. Lý Nhưng xám mặt. Ông nghĩ ngay đến ông khóa Mẫn…

Việc này không thằng Mẫn, cứ cổ ông mà chặt!… Ông đã biết ngay từ cái hôm ấy kia mà! Mình chỉ quên có một tí, quên không cho mời nó, ấy thế mà nó để ý thù mình được!… Cái quân nó sấp mặt! Cứ việc gì có nó thì nó im thin thít, động việc gì nó không được chấm mút gì vào đấy, là nó quay đầu lại cắn. Giống mõ! Đểu! Ba que! Xỏ lá!… Đồ lục súc!…

Chửi như thế ông vẫn chưa hả giận. Ông cười khểnh:

Hứ! Tưởng tức người ta thì làm được cái thá gì! Cái trò ném đá giấu tay ấy, ông chỉ vo viên, ông bỏ xuống dưới chiếu, ông ngồi….Không biết xấu! Cũng đòi là người chữ nghĩa!… Chữ nghĩa để làm những trò ăn mày ấy thì chữ nghĩa cũng vất xuống sông! Chữ nghĩa! Úi dà, chữ nghĩa! Sao cũng có bữa ông cho xích cổ lại, ông đập ghế vào mặt cho mà biết…

Bởi tức quá, nên bất cứ ngồi chỗ nào, ông cũng mạt sát ông khóa Mẫn. Hết mạt sát rồi lại dọa. Ông bảo: ông khóa Mẫn có lý sự mấy đi nữa, ông cũng không cần sợ; ông móc chỗ nào ra cũng được ngay một lúc dăm trăm bạc; ông khóa Mẫn đi ở tù!… Ông tuyên bố với nhiều người như thế. Cố nhiên là ông khóa Mẫn không thể không biết chuyện. Nhưng ông thâm lắm. Ông không làm om sòm, ngậu xị lên như kẻ địch. Ông chỉ cười nhạt và thủng tha thủng thẳng:

Nào ai biết được rằng: các ông ấy kiếm ăn cả ở chỗ vợ người ta đẻ! Ai rỗi hơi mà bới móc? Đứa nào nó chửi ông ấy, ông ấy không làm gì được nó, ông ấy cứ người ta ông ấy húc! Húc đâu chứ húc đây thì chỉ tổ biêu đầu mà thôi!

Nói của đáng tội, cái trần ngôn thì ông khóa Mẫn không làm. Nhưng ông cũng không thèm đến nhà ông lý Nhưng để phân trần ra trắng, ra đen, ông dấm dẳn nói thế thôi. Rồi ông tặc lưỡi, bảo thêm:

Với lại, nghĩ cho kỹ thì cái thằng nào nó làm cái trần ngôn, cũng không nên trách nó. Ăn bẩn, nó chửi cho là phải!…

Ấy thế là hai người bất hòa với nhau!….

Ông lý khai chiến trước. Ông chọc tức ông Khóa mẫn như thế này: Ông khóa Mẫn có một người họ hàng xa có cái mũi đỏ và sần sùi như một cái vỏ cam sành. Nhiều người bảo: chứng phong…Ông lý bèn làm giấy khám nghiệm. Nếu quả thật có bệnh tật, tất người ta tống ông vào trại hủi. Ông này sợ lắm. Ông biện chè đến van lạy ông lý. Ông lý nhất định không chịu nhận. Khấn bằng nào, ông cũng gạt ra mà bảo:

Những như ông thì tôi không nỡ. Ông xem đấy: tôi làm ngơ cho ông mãi. Nhưng khóa Mẫn nó sang mồm lắm! Nó khinh tôi như rác. Tôi không làm một cái, nó tưởng tôi sợ nó…

Giận cá, chém thớt là như vậy. Chỉ khổ ông mũi đỏ! Ông bị giải và lo xám người. Bà vợ ông vốn không phải tay vừa. Vợ chồng nhà bà xưa nay chỉ cặm cụi làm ăn, có trêu ghẹo ai đâu? Trâu bò chọi nhau thì mặc kệ trâu bò! Chết ruồi muỗi là chết làm sao được?… Bà ức lắm. Bà hầm hầm chạy một mạch đến nhà ông khóa Mẫn. Vừa đến ngõ, bà đã xốc váy lên đầu gối, giậm chân bèn bẹt và gào thật to:

Ới ông khóa ơi là ông khóa ơi! Vợ chồng nhà tôi làm gì ông mà ông làm khổ vợ chồng nhà tôi thế này!…

Ông khóa Mẫn ngạc nhiên. Ông hỏi đầu đuôi. Và khi ông đã thông tỏ đầu đuôi, ông tím mặt, ngồi ngẫm nghĩ một lúc, rồi bảo bà kia:

– Bà cứ về đi! Để mặc tôi….

Người ta đã biết tính ông: ông không thích nói nhiều. Nếu bà kia hỏi một câu nữa, thế nào ông cũng mắng. Bởi vậy bà không hỏi. Bà cởi ruột tượng lần ra một cuộn giấy bạc, đếm đưa cho ông khóa hai chục cái, tay đưa miệng mếu:

Tôi gửi ông chỗ này để ông xe pháo, đò giang…Trăm sự nhờ ông..

Được rồi! Bà cứ yên lòng về…Tôi chịu nó, thà tôi làm giống chó!…

Lập tức ông đội khăn, mặc áo, đi ra tỉnh…Mấy hôm sau, ông mũi đỏ có họ với ông được về. Thế nghĩa là cái đấm của lý Nhưng không chạm được đến người ông. Nhưng ông vẫn còn căm. Bởi vì ông mới chỉ đỡ mà thôi. Ông chưa đánh. Có giả miếng được thì mới giỏi…Nửa tháng sau, ông giả miếng: ông phát đơn kiện lý trưởng tất cả mười tám khoản; ngót một trăm người kí, phần nhiều là học trò ông, cha chú học trò ông, và một số đàn em trong làng. Mấy khoản nặng nhất là: bao chiếm công điền, tự tiện bán thứ vị để lấy tiền bỏ túi, ăn bớt gạch ngói xây trường học đem về xây nhà cho vợ lẽ…

Vụ kiện giằng dai lắm. Việc trước chưa xong thì việc sau đã tòi ra. Cứ ông khóa Mẫn kiện ông lý Nhưng, rồi ông lý Nhưng lại kiện ông khóa Mẫn. Rồi vây cánh của hai người kiện lẫn nhau. Việc nọ dính líu đến việc kia, chằng chịt lẫn nhau, không sao gỡ ra được nữa. Cả hai bên cùng hại của. Ông lý Nhưng bán đi năm mẫu ruộng. Ông khóa Mẫn thì chẳng có gì để bán, nhưng bà con, anh em cũng phải bỏ ra cho cũng khá nhiều. Sát khí bừng bừng. Họ đã đe giết lẫn nhau. Mà sự thật thì cả hai ông, mỗi lần ra khỏi nhà, đều phải có người đi hộ vệ…

Kết cục thì ông lý Nhưng thua, thua một cách khá sâu cay. Ba tháng tù án treo; chân lý trưởng thì bị cách. Người ta nói: ông tức quá, thổ ra hàng bát máu…

Thật ra thì không phải thế. Chỉ tại dân làng ghét ông nên họ nói thế. Họ rủa mát ông chơi đó! Nhờ trời, ông được cái tạng người cũng khỏe. Ông không đến nỗi uất máu lên mà chết. Có điều ông cũng tức. Và cũng xấu hổ với làng nước nữa. Ông không dám ló mặt ra khỏi nhà…

Nhưng đã bảo rằng: ông khóa Mẫn là người rất mực thâm. Có đời nào ông lại để cho kẻ địch của mình yên? Tuy ông được kiện, nhưng ông vẫn còn căm lắm, bởi hắn đã làm ông hại của. Nhân lúc thừa thế, ông bèn vận động cho một người cháu ra làm lý trưởng…Hôm làm khao, ông nghĩ ra một kế ác vô cùng: ông sai người đem cau đến mời ông lý cựu. Cố nhiên là ông cựu hiểu. Ông đỏ bừng mặt mũi. Ông nghẹn cổ không nói được. Mãi đến lúc tên người nhà nhà ông khóa Mẫn ra rồi, ông mới bật ra một tiếng. Ông chửi tục. Ông nghiến răng lại mà chửi tục. Mắt ông nảy lửa. Mép ông xùi bọt. Người ông run lên vì giận. Ông đổ xuống cái giường như một cây gỗ đổ. Ông hậm hực. Đôi mắt ông ầng ậng nước. Ông nghĩ đến một con dao…Ông nghĩ đến một cái búa đinh…Ông nghĩ đến một cái chai…Ông nghĩ đến cả một mâm rượu hắt cả vào mặt ông khóa Mẫn…

Bỗng ông đập tay xuống giường thật mạnh, bật người lên. Ông hầm hầm ra khỏi nhà, nắm chặt hai tay, bước thật nhanh những bước nghe chắc nịch. Bà vợ ông hoảng hốt:

– Ông đi đâu đấy? Ông đi đâu đấy?

Ông không đáp, vẫn cắm đầu đi như chạy. Bà vợ cố chạy theo ông, níu lấy ông, chắp hai tay lạy:

– Tôi lạy ông! Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy ông! Ông mặc người ta!…. Ông đừng lôi thôi nữa…

Ông hắt tay bà ra, quoắt mắt nhìn bà một cách tức tối và khinh bỉ. Ông đưa nắm tay vào ngực bà, dúi mạnh một cái gần ngã ngửa:

– Về ngay! Còn đi theo ông, ông đấm chết ngay lập tức!

Rồi ông lại hầm hầm bước. Ông bước mỗi bước bằng bốn bước. Ông đi nhanh lắm. Bà không theo kịp. Bà tất tưởi trở lại để nhờ người khác đi theo ông giúp. Ông lại càng rảo bước…Chỉ một thoáng ông đã ra tới ruộng. Rồi thì tới bãi tha ma. Bấy giờ đang giữa trưa nên cả cánh đồng chẳng có ai. Một dịp tốt vô cùng! Ông nhìn trước, nhìn sau. Không một bóng người. Những nấm mồ nhấp nhô. Ông đưa mắt nhìn hết nấm nọ đến nấm kia. A! Ông đã nhận ra rồi! Chính nấm này đây!…. Ông lại nhìn trước, nhìn sau. Rồi ông nhảy vọt sang. Ông cẩn thận nhìn thêm một lúc nữa. Không sai được! Chính là mộ bố ông khóa Mẫn…Ông lại nhìn trước, nhìn sau lần nữa. Lần này kĩ càng hơn. Rồi cả quyết, ông vén một ống quần lên. Rồi rất sung sướng, rất hể hả, cũng hồi hộp nữa, ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng….

Xong đâu đấy, ông mỉm cười đắc chí. Ông đi về.

Tiểu thuyết thứ Bảy.

Số 485, ngày 30-10-1943

Mối hiềm bắt đầu từ một cái trần ngôn. Ông lý Nhưng ngờ cho ông khóa Mẫn làm. Ông khóa Mẫn thì chưa chắc đã làm: lời lẽ trong cái trần ngôn không phải là lời lẽ của một nhà nho đã đọc sách thánh hiền, nhưng cái tin kia đến tai ông, thì ông lại cười mà bảo rằng: cái thằng nào nó làm cái trần ngôn ấy, cũng không nên trách nó, ăn bẩn, nó chửi cho là phải…

Nguyên có vợ chồng nhà kia, lúc lấy nhau, bởi quá nghèo nên chẳng cưới cheo gì. Họ ăn ở với nhau theo kiểu vợ chồng theo. Mới đây chị vợ để được một đứa con. Ông lý nhà ta biết thóp anh chồng non mặt, nên đến lòe anh ta đủ thứ. Ông nhất định bảo rằng: đứa con của anh ta không thể khai sinh, bởi vì vợ chồng anh chưa làm giấy giá thú: mà anh có làm giấy giá thú cũng không thể được bởi vì người đàn bà có con ra rồi; không những thế, nếu việc phát giác ra, anh có lỗi…Kết cục thì anh chồng đành chạy ngược chạy xuôn biện cho ông lý hai chục bạc để ông làm ngơ cho việc ấy: rồi ngày một, ngày hai, khi nào xoay được vài, ba chục bạc nữa lại đến ông, ông sẽ liệu cách vào giá thú cho vợ chồng anh và khai sinh cho đứa con anh giúp. Để khỏi lo hậu hoạn.

Ông lý bóp được hai chục bạc, bỏ ra mấy đồng giết một con chó, mua mấy chai rượu, mời các cụ đến chè chén với nhau. Câu chuyện ấy bay đi, dân làng bàn tán rất nhiều. Ai cũng cho là ông lý Nhưng tệ quá: vợ nó đẻ, cơm đã chẳng có mà ăn, da trông mấm ra nước được; chồng thì cái khố chẳng có mà đeo; thế mà ông nỡ xoay của nó, thì còn gì là nhân đức nữa. Ấy là nhà ông còn thừa tiền, thừa thóc đấy! Giá mà ông phải đói như nhà người ta thì không biết còn bóp nặn dân làng đến đâu?… Nhưng nói lắm rồi người ta cũng thôi. Còn số tiền hai chục bạc thì có lẽ ông lý ăn vào đã lại nhả ra cho con chó nhà ông thừa lộc chủ rồi. Trời móc ra được nữa! Ai cũng tưởng thế là xong chuyện. Thì bỗng một buổi sáng người ta thấy một mảnh giấy con con dán ở cửa đình. Mới trông, người ta tưởng là một bản yết thị. Việc gì đây? À! Trần ngôn! Lại trần ngôn! Và người ta đọc được thấy mấy câu như sau này:

Trời ơi có thấu tình chăng?

Một con mẹ đẻ, mấy thằng ăn no!

Ai về tôi gửi cái mo

Lý Nhưng có thiếu thì cho mà dùng.

Lý Nhưng ơi hỡi lý Nhưng!

Tưởng là ông hóa ra thằng ăn dơ!

Đứa nào lật cái giấy này đi cả nhà nó chết.

Chỉ ba, bốn hôm sau là bài vè trên đây đã được truyền khẩu lan đi khắp cả làng. Lý Nhưng xám mặt. Ông nghĩ ngay đến ông khóa Mẫn…

Việc này không thằng Mẫn, cứ cổ ông mà chặt!… Ông đã biết ngay từ cái hôm ấy kia mà! Mình chỉ quên có một tí, quên không cho mời nó, ấy thế mà nó để ý thù mình được!… Cái quân nó sấp mặt! Cứ việc gì có nó thì nó im thin thít, động việc gì nó không được chấm mút gì vào đấy, là nó quay đầu lại cắn. Giống mõ! Đểu! Ba que! Xỏ lá!… Đồ lục súc!…

Chửi như thế ông vẫn chưa hả giận. Ông cười khểnh:

Hứ! Tưởng tức người ta thì làm được cái thá gì! Cái trò ném đá giấu tay ấy, ông chỉ vo viên, ông bỏ xuống dưới chiếu, ông ngồi….Không biết xấu! Cũng đòi là người chữ nghĩa!… Chữ nghĩa để làm những trò ăn mày ấy thì chữ nghĩa cũng vất xuống sông! Chữ nghĩa! Úi dà, chữ nghĩa! Sao cũng có bữa ông cho xích cổ lại, ông đập ghế vào mặt cho mà biết…

Bởi tức quá, nên bất cứ ngồi chỗ nào, ông cũng mạt sát ông khóa Mẫn. Hết mạt sát rồi lại dọa. Ông bảo: ông khóa Mẫn có lý sự mấy đi nữa, ông cũng không cần sợ; ông móc chỗ nào ra cũng được ngay một lúc dăm trăm bạc; ông khóa Mẫn đi ở tù!… Ông tuyên bố với nhiều người như thế. Cố nhiên là ông khóa Mẫn không thể không biết chuyện. Nhưng ông thâm lắm. Ông không làm om sòm, ngậu xị lên như kẻ địch. Ông chỉ cười nhạt và thủng tha thủng thẳng:

Nào ai biết được rằng: các ông ấy kiếm ăn cả ở chỗ vợ người ta đẻ! Ai rỗi hơi mà bới móc? Đứa nào nó chửi ông ấy, ông ấy không làm gì được nó, ông ấy cứ người ta ông ấy húc! Húc đâu chứ húc đây thì chỉ tổ biêu đầu mà thôi!

Nói của đáng tội, cái trần ngôn thì ông khóa Mẫn không làm. Nhưng ông cũng không thèm đến nhà ông lý Nhưng để phân trần ra trắng, ra đen, ông dấm dẳn nói thế thôi. Rồi ông tặc lưỡi, bảo thêm:

Với lại, nghĩ cho kỹ thì cái thằng nào nó làm cái trần ngôn, cũng không nên trách nó. Ăn bẩn, nó chửi cho là phải!…

Ấy thế là hai người bất hòa với nhau!….

Ông lý khai chiến trước. Ông chọc tức ông Khóa mẫn như thế này: Ông khóa Mẫn có một người họ hàng xa có cái mũi đỏ và sần sùi như một cái vỏ cam sành. Nhiều người bảo: chứng phong…Ông lý bèn làm giấy khám nghiệm. Nếu quả thật có bệnh tật, tất người ta tống ông vào trại hủi. Ông này sợ lắm. Ông biện chè đến van lạy ông lý. Ông lý nhất định không chịu nhận. Khấn bằng nào, ông cũng gạt ra mà bảo:

Những như ông thì tôi không nỡ. Ông xem đấy: tôi làm ngơ cho ông mãi. Nhưng khóa Mẫn nó sang mồm lắm! Nó khinh tôi như rác. Tôi không làm một cái, nó tưởng tôi sợ nó…

Giận cá, chém thớt là như vậy. Chỉ khổ ông mũi đỏ! Ông bị giải và lo xám người. Bà vợ ông vốn không phải tay vừa. Vợ chồng nhà bà xưa nay chỉ cặm cụi làm ăn, có trêu ghẹo ai đâu? Trâu bò chọi nhau thì mặc kệ trâu bò! Chết ruồi muỗi là chết làm sao được?… Bà ức lắm. Bà hầm hầm chạy một mạch đến nhà ông khóa Mẫn. Vừa đến ngõ, bà đã xốc váy lên đầu gối, giậm chân bèn bẹt và gào thật to:

Ới ông khóa ơi là ông khóa ơi! Vợ chồng nhà tôi làm gì ông mà ông làm khổ vợ chồng nhà tôi thế này!…

Ông khóa Mẫn ngạc nhiên. Ông hỏi đầu đuôi. Và khi ông đã thông tỏ đầu đuôi, ông tím mặt, ngồi ngẫm nghĩ một lúc, rồi bảo bà kia:

– Bà cứ về đi! Để mặc tôi….

Người ta đã biết tính ông: ông không thích nói nhiều. Nếu bà kia hỏi một câu nữa, thế nào ông cũng mắng. Bởi vậy bà không hỏi. Bà cởi ruột tượng lần ra một cuộn giấy bạc, đếm đưa cho ông khóa hai chục cái, tay đưa miệng mếu:

Tôi gửi ông chỗ này để ông xe pháo, đò giang…Trăm sự nhờ ông..

Được rồi! Bà cứ yên lòng về…Tôi chịu nó, thà tôi làm giống chó!…

Lập tức ông đội khăn, mặc áo, đi ra tỉnh…Mấy hôm sau, ông mũi đỏ có họ với ông được về. Thế nghĩa là cái đấm của lý Nhưng không chạm được đến người ông. Nhưng ông vẫn còn căm. Bởi vì ông mới chỉ đỡ mà thôi. Ông chưa đánh. Có giả miếng được thì mới giỏi…Nửa tháng sau, ông giả miếng: ông phát đơn kiện lý trưởng tất cả mười tám khoản; ngót một trăm người kí, phần nhiều là học trò ông, cha chú học trò ông, và một số đàn em trong làng. Mấy khoản nặng nhất là: bao chiếm công điền, tự tiện bán thứ vị để lấy tiền bỏ túi, ăn bớt gạch ngói xây trường học đem về xây nhà cho vợ lẽ…

Vụ kiện giằng dai lắm. Việc trước chưa xong thì việc sau đã tòi ra. Cứ ông khóa Mẫn kiện ông lý Nhưng, rồi ông lý Nhưng lại kiện ông khóa Mẫn. Rồi vây cánh của hai người kiện lẫn nhau. Việc nọ dính líu đến việc kia, chằng chịt lẫn nhau, không sao gỡ ra được nữa. Cả hai bên cùng hại của. Ông lý Nhưng bán đi năm mẫu ruộng. Ông khóa Mẫn thì chẳng có gì để bán, nhưng bà con, anh em cũng phải bỏ ra cho cũng khá nhiều. Sát khí bừng bừng. Họ đã đe giết lẫn nhau. Mà sự thật thì cả hai ông, mỗi lần ra khỏi nhà, đều phải có người đi hộ vệ…

Kết cục thì ông lý Nhưng thua, thua một cách khá sâu cay. Ba tháng tù án treo; chân lý trưởng thì bị cách. Người ta nói: ông tức quá, thổ ra hàng bát máu…

Thật ra thì không phải thế. Chỉ tại dân làng ghét ông nên họ nói thế. Họ rủa mát ông chơi đó! Nhờ trời, ông được cái tạng người cũng khỏe. Ông không đến nỗi uất máu lên mà chết. Có điều ông cũng tức. Và cũng xấu hổ với làng nước nữa. Ông không dám ló mặt ra khỏi nhà…

Nhưng đã bảo rằng: ông khóa Mẫn là người rất mực thâm. Có đời nào ông lại để cho kẻ địch của mình yên? Tuy ông được kiện, nhưng ông vẫn còn căm lắm, bởi hắn đã làm ông hại của. Nhân lúc thừa thế, ông bèn vận động cho một người cháu ra làm lý trưởng…Hôm làm khao, ông nghĩ ra một kế ác vô cùng: ông sai người đem cau đến mời ông lý cựu. Cố nhiên là ông cựu hiểu. Ông đỏ bừng mặt mũi. Ông nghẹn cổ không nói được. Mãi đến lúc tên người nhà nhà ông khóa Mẫn ra rồi, ông mới bật ra một tiếng. Ông chửi tục. Ông nghiến răng lại mà chửi tục. Mắt ông nảy lửa. Mép ông xùi bọt. Người ông run lên vì giận. Ông đổ xuống cái giường như một cây gỗ đổ. Ông hậm hực. Đôi mắt ông ầng ậng nước. Ông nghĩ đến một con dao…Ông nghĩ đến một cái búa đinh…Ông nghĩ đến một cái chai…Ông nghĩ đến cả một mâm rượu hắt cả vào mặt ông khóa Mẫn…

Bỗng ông đập tay xuống giường thật mạnh, bật người lên. Ông hầm hầm ra khỏi nhà, nắm chặt hai tay, bước thật nhanh những bước nghe chắc nịch. Bà vợ ông hoảng hốt:

– Ông đi đâu đấy? Ông đi đâu đấy?

Ông không đáp, vẫn cắm đầu đi như chạy. Bà vợ cố chạy theo ông, níu lấy ông, chắp hai tay lạy:

– Tôi lạy ông! Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy ông! Ông mặc người ta!…. Ông đừng lôi thôi nữa…

Ông hắt tay bà ra, quoắt mắt nhìn bà một cách tức tối và khinh bỉ. Ông đưa nắm tay vào ngực bà, dúi mạnh một cái gần ngã ngửa:

– Về ngay! Còn đi theo ông, ông đấm chết ngay lập tức!

Rồi ông lại hầm hầm bước. Ông bước mỗi bước bằng bốn bước. Ông đi nhanh lắm. Bà không theo kịp. Bà tất tưởi trở lại để nhờ người khác đi theo ông giúp. Ông lại càng rảo bước…Chỉ một thoáng ông đã ra tới ruộng. Rồi thì tới bãi tha ma. Bấy giờ đang giữa trưa nên cả cánh đồng chẳng có ai. Một dịp tốt vô cùng! Ông nhìn trước, nhìn sau. Không một bóng người. Những nấm mồ nhấp nhô. Ông đưa mắt nhìn hết nấm nọ đến nấm kia. A! Ông đã nhận ra rồi! Chính nấm này đây!…. Ông lại nhìn trước, nhìn sau. Rồi ông nhảy vọt sang. Ông cẩn thận nhìn thêm một lúc nữa. Không sai được! Chính là mộ bố ông khóa Mẫn…Ông lại nhìn trước, nhìn sau lần nữa. Lần này kĩ càng hơn. Rồi cả quyết, ông vén một ống quần lên. Rồi rất sung sướng, rất hể hả, cũng hồi hộp nữa, ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng….

Xong đâu đấy, ông mỉm cười đắc chí. Ông đi về.

Tiểu thuyết thứ Bảy.

Số 485, ngày 30-10-1943

Bình luận