Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Nam Cao

SAO LẠI THẾ NÀY

Tác giả: Nam Cao
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Bẩm ông…

Hiệp ngoái đầu ra. Đó là thằng Bản, đầy tớ nhà bà Hưng Phú. Nó chắp tay, đứng tận gần chỗ cửa…

Gì thế, anh?

Bẩm ông, ông con bảo con lên xem ông dậy chưa, mời ông xuống phòng khách xơi nước ạ!

Ông về bao giờ thế?

Hiệp cố lộ vẻ sửng sốt trong đôi mắt và trong giọng nói.

Bẩm ông, ông con về từ lúc mười hai giờ kia ạ. Ông con tắm xong, định lên chào ông nhưng bà con bảo: Ông còn ngủ ạ.

Hiệp ngấm ngầm hổ thẹn. Hắn thấy mình không thiệp. Đáng lẽ hắn phải xuống chào ông Hưng Phú trước. Nhưng hắn lại giả vờ ngủ mệt, không thèm xuống. Tính hắn như vậy: hắn sợ nhất sự khúm núm, xu nịnh người trên hoặc người giàu. Lễ phép vì lễ phép thôi, thì chẳng có một người giáo dục nào có thể bỏ qua. Nhưng cái sự lễ phép ấy phải đặt những người hèn ngang hàng với những người sang. Hiệp đã nhiều lần được trông thấy người ta cất mũ chào một cái xe tang. Ấy là một cử chỉ đáng khen. Nếu tay chẳng bận ôm xách gì thì hắn cũng làm theo. Nhưng hắn để ý, đến sự này hơn: hắn cố nhịn cả triệu ruồi nhặng bám, hắn kính cẩn cúi đầu hay nhắc mũ. Người ta có thể gàn muôn vạn cách. Hắn thích gàn kiểu ấy và cắt nghĩa: “Đối với một người nghèo, mình có lễ phép quá sự thường một chút, hẳn cũng không có ai có thể bảo, và không ai nỡ bảo: mình xu nịnh, đối với một anh giàu không thể, anh ta, và thiên hạ, rất dễ ngờ mình cầu cạnh. Vậy thì với hạng sau, chỉ lễ phép vừa vặn, đừng bao giờ quá. Ông Hưng Phú là một nhà thầu khoán kiêm lái gỗ. Ông có xe hơi, có nhà lầu, có đồn điền, lại có cả trại ở nhà quê. Vậy thì chính là một người giàu đứt đi rồi. Tuy Hiệp chưa biết mặt ông (trong khi điều đình để đến dạy mấy đứa trẻ nhà ông trong vụ nghỉ hè, hắn chỉ giao thiệp bằng thư và sau cùng thì được gặp người thư ký thay mặt ông Hưng Phú luôn luôn đi vắng), hắn cũng hình dung ra một người to béo, quần áo sang, cái mặt phinh phính vênh lên và đôi mắt híp nhìn người ta một cách bề trên lắm. Bởi vậy hắn coi là một cái nhục, cái việc tất tưởi chạy xuống đón ông Hưng Phú, cùng với vợ, con ông và bọn con hầu đầy tớ nhà ông, để kính cẩn cúi đầu chào khi ông bệ vệ từ trên cái xe hơi bước xuống, mắt nheo nheo vì khói một điếu xì gà lớn. Ờ! Mà nghĩ cho kĩ thì cũng chẳng cần gì phải hạ mình như thế thật. Hắn không phải là cậu giáo nhà ông. Hắn là đốc học một trường tư. Tuy cái trường tư ấy rất mèng nhưng ai biết đấy là đâu. Hắn dạy mấy đứa trẻ nhà ông tại cái nhà nghỉ mát của ông, chính để tiện việc đi nghỉ mát. Hắn đã bày tỏ với người thư ký nhà ông thế. Mà có lẽ sự thật là thế đấy. Bởi vì giả sử hắn không đi, cứ ở nhà, trông coi một lớp nghỉ hè, thì số tiền thu về có phần lớn hơn. Hắn có chết gì đâu? Hắn đi, chỉ vì sự nghỉ ngơi, không phải vì cơm áo. Vậy thì hãy liệu mà đối đãi! Tử tế thì hắn ở, không tử tế thì hắn tếch. Mà hắn không chỉ tếch thôi đâu. Hắn sẽ cho một bài học để mà sáng mắt ra. Cái bọn ngu dốt mà giàu đáng ghét vô cùng. Chúng chỉ biết có tiền, và coi người như rác, như rơm. Bỏ ra độ ba chục đồng để nuôi một cậu giáo cho con, chúng tưởng đã là nhiều, và cái kẻ lĩnh mỗi tháng ba mươi đồng bạc để mở mắt cho lũ con cháu chúng kia, chỉ đáng cho chúng coi hơn những thằng nhỏ, con sen một chút. Hiệp không đời nào chịu thế. Nếu hắn chịu khổ sở với cái nghề dạy học tư, có phải vì hắn học hành dở dang đâu? Chỉ vì hắn quá yêu mình, quá trọng mình, và trọng tự do. Vậy thì cần gì mà nịnh nọt ai, dẫu ai đó có là ông Hưng Phú! Đã đành Hưng Phú biết người, biết của. Bà quý Hiệp. Hắn được coi như khách. Mình hắn được một căn phòng riêng đồ đạc rất sang. Cơm nước hẳn hoi. Bọn đầy tớ hầu hạ và nói năng lễ phép. Những đứa trẻ rất ngoan. Bà chủ nhã nhặn và ý tứ. Bà có tư cách của một người quý phái, giao thiệp khéo. Dù ở cùng một nhà, nhưng gặp hắn ở trong vườn hay đi chơi về, hoặc đi ra… bao giờ bà cũng cúi chào. Mỗi sáng bà sai đem lên phòng hắn một bó hoa tươi cùng với bữa điểm tâm. Và mỗi trưa, khi hắn ngủ dậy, bà cho mời hắn xuống căn phòng khách mát rượi hương sen để uống bia, uống nước chanh, uống trà do chính bà pha, hoặc ăn một món ăn mát do bà làm lấy. Hai người nói chuyện. Bà lễ phép hỏi về sức học từng đứa cháu, hoặc trao đổi với hắn ít nhiều ý kiến về thời tiết, về thời sự, về những cảnh đẹp ở vùng này, về cuộc sống của dân quê ở chung quanh, về tất cả….Cái tài nói chuyện của bà thật hiếm có. Bà biết vui mà không lơi lả, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Cách trang điểm của bà cũng vậy: đẹp, nhưng nhũn nhặn. Thật là một người đàn bà kiểu mẫu. Và Hiệp mỉm cười khi nhớ lại cái ý nghĩ điên rồ của hắn hôm mới trông thấy bà…

Hồi mười tám, đôi mươi, Hiệp đã cưới một người vợ nhà quê. Để chiều ý mẹ mà thôi. Hắn cũng chẳng ưng. Bởi thời ấy, đầu hắn còn nhiều thơ mộng lắm. Hắn để ý đến những mớ tóc uốn quăn, những tà áo xanh, áo đỏ hơn. Khi người ta ra tỉnh học từ thủa chửa lên mười, thì làm thế nào mà thích được một cô vợ đặc nhà quê, quần nái áo nâu, đi chân không, da xám nắng và bàn tay đen thui? Vợ Hiệp lại cứng như một cái đanh, bẩn thỉu và cục mịch. Hắn sợ thị đến nỗi nghỉ hè cũng không dám về quê. Mỗi lần, vì một sự bắt buộc gì phải về nhà, hắn lại phải thấy một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh búng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, mà cắm cúi mặt chẳng lúc nào rời cái bát. Mới chỉ trông đã ghét! Đã vậy, mà lại còn mất nết, tuy mẹ hắn cố tình giấu giếm, nhưng hắn cũng biết rằng vợ mình rất hư. Bởi vì bà mẹ chỉ giấu con, chứ không giấu người ngoài. Cả làng chẳng ai còn không biết con dâu bà đủ mọi tật: đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng. Mà ăn vụng như thế nào? Thị bốc trộm gạo sống cho vào túi để ăn dần. Thị hớt cơm chó thật nhiều rồi bớt lại, giấu đi, để ăn cơm với cả nhà rồi lại lấy ra ăn. Thậm chí đến đổ cám cho lợn ăn mà thị cũng ăn vụng vài bát ngay ngoài chuồng lợn mới được. Ghê tởm quá! Hiệp không thể tưởng tượng trên đời này lại có những hạng đàn bà như thế ấy. Hắn chưa bao giờ phải đói. Hắn chưa bao giờ phải thèm cơm. Hắn không biết rằng mẹ hắn, và vợ hắn, và các em hắn ở nhà phải nhịn để lấy tiền cho hắn học hành: mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi, mà mỗi bữa, lệ của mỗi người hai lùm lùm bát. No dồn, đói góp. Hiệp đã từng biết cái nông nỗi ấy ở đâu? Bởi vậy hắn cho một người ăn vụng là quái vật. Chưa lần nào hắn dám ngủ chung một giường với vợ. Và hắn vẫn định, sau kì thi tốt nghiệp, được rảnh rang rồi, hắn sẽ bỏ vợ thẳng tay. Nếu mẹ không chịu, thì hắn sẽ đi. Không thể sống với một người đàn bà như thế được!… May cho hắn: một hôm vợ hắn trốn nhà đi. Chẳng biết đi đâu. Hình như do một trận đòn. Bà mẹ chồng bắt được nàng dâu trong lúc ghế cơm, xúc một ít cơm mới chương lên đổ vào miệng. Bà chạy vội vào, bóp chặt cổ con dâu rồi lu loa cho hàng xóm đến xem. Đứa con dâu phải nhả cơm ra, nước mắt chứa chan. Người ta chép miệng lắc đầu. Người ta bàn tán xôn xao. Có lẽ vì xấu hổ, nên thị chẳng còn mặt mũi nào ở nhà để trông thấy người ta nữa. Thị đi mất tích. Hiệp lấy làm may lắm. Và suốt từ ngày ấy đến hôm nay, hắn sống một thân một mình…

Hôm ấy mới đến trại bà Hưng Phú, Hiệp ngạc nhiên vì nhận thấy một lúc kia, bà Hưng Phú đã có một lối nhìn xuống từa tựa như người vợ bỏ nhà ra đi của hắn. Và vốn giàu óc tưởng tượng, hắn phác ngay ra một câu chuyện ly kì: người vợ của hắn xưa kia, qua nhiều cuộc đổi thay đã trở nên bà Hưng Phú bây giờ, giàu có và sang trọng…Tưởng tượng điên rồ quá! Bởi càng ngày hắn càng nhận thấy ở bà Hưng Phú một người đàn bà có giáo dục, có tư cách, có tâm hồn… nói tóm lại là một người đàn bà thượng lưu. Hiệp sinh lòng kính trọng. Người ta tử tế thì mình cũng nên lấy sự tử tế mà đối lại. Cho nên khi nghe thấy tiếng còi xe hơi của ông Hưng Phú, Hiệp đã nghĩ đến việc xuống chào ông một tiếng. Nhưng rồi hắn lại không muốn xuống. Bởi vì rất có thể người chồng không giống vợ. Nếu người vợ khinh khỉnh chẳng hóa mình dại sao?…

Bây giờ Hiệp lại tự trách mình đã không lịch thiệp bởi thấy ông Hưng Phú tỏ ra người lịch thiệp: ông muốn lên chào hắn. Ông làm cho hắn thẹn. Hắn vội vàng nhỏm dậy, đi rửa mặt, chải đầu, thay quần áo để xuống nhà chào ông…

***

Hai người gặp nhau ở chân thang. Bởi vì ông Hưng Phú toan lên. Hiệp kính cẩn chào. Ông Hưng Phú cũng cúi chào. Hai người nắm tay nhau. Nhưng giữa lúc ấy thì ông Hưng Phú kêu lên:

– Ồ!… Anh Hiệp!

Hiệp giật mình, sửng sốt. Sao ông Hưng Phú lại biết tên thật hắn? Trong thư hắn viết cho ông, và lúc giáp mặt người thư ký, hắn không hề nói rõ tên mà chỉ xưng mình là hiệu trưởng trường Học – Hải. Hắn nhìn kỹ ông Hưng Phú. Quen lắm thật. Nhưng lòng hắn đang bối rối nên vẫn chưa nhớ ra được là ai. Ông vỗ vai hắn và vui vẻ:

Anh quên tôi hả? Rự, Rự chánh quay phim đây mà!

À, anh Rự, tôi nhớ rồi!

Cả hai cùng cười lớn. Ông Hưng Phú cười thẳng thắn. Hiệp cười kém thẳng thắn hơn một tí. Bởi vì ít có người một gặp lại một người bạn cũ trong một trường hợp tương tự thế. Nhưng ông Hưng Phú không để cho bạn có thì giờ ngượng nghịu. Ông kéo bừa hắn đi vào, toang toang bảo:

Thế này thì hả thật! Tôi nhớ anh ghê lắm… Có đến quá mười năm nay chúng mình chẳng gặp nhau… Tôi sướng quá! Anh ạ, chúng mình có tuổi một tí rồi mới hiểu: không có gì quý bằng tình bạn… Đã thế mai tôi chưa đi vội. Tôi ở lại đây với anh ba bốn hôm để nói chuyện cho thật hả. Mặc cha công việc!…

Gần đến cửa phòng khách, ông đã gọi vợ:

Mình đáng đánh đòn! Bạn cũ đến nhà mà không biết! Mình có biết ai đây không? Người thiếu phụ chúm chím cười, ngước đôi mắt nhung nhìn Hiệp. Người chồng bảo:
Anh Hiệp đấy!…

Hiệp?…

Ừ, anh Hiệp… Mình làm sao vậy?

Bởi vì tiếng kêu khàn khàn trong cổ họng, người đàn bà giương đôi mắt thật to nhìn Hiệp. Rồi mặt bà biến sắc. Đôi mắt luống cuống như muốn tìm đường lẩn trốn, chớp luôn mấy cái rồi nhìn xuống đất. Hiệp thấy mặt mình như lóe lên một cái. Đôi mắt nhìn xuống kia chính là đôi mắt người vợ cũ. Hắn đột nhiên bối rối… Ông Hưng Phú nhìn vợ rồi nhìn bạn. Ông không phải là người ngốc. Ông hỏi vợ:

Chắc mình cũng có quen anh Hiệp? Bây giờ mới nhớ, phải không?

Không! Không! Sao mình nói thế?

Ông Hưng Phú cười, nửa chua chát, nửa như chế nhạo:

Mình khỉ lắm!… Tại sao tôi lại không nói thế? Mà tại sao mình phải chối? Quen anh Hiệp không phải là một tội.

Bà toan cãi. Nhưng ông ra hiệu không được nói và nói lấp đi.

Mình là vợ, anh Hiệp đây là bạn. Còn tôi thì rất may mắn, không có những thành kiến ngu ngốc như kẻ khác. Nếu tôi giống những người đàn ông khác thì tôi đã không dám lấy mình làm vợ. Trước khi lấy mình, tôi đã biết mình qua tay nhiều kẻ, đã lăn hết phòng ngủ này đến phòng ngủ khác…

Ông quay về phía bạn…

Có phải không, anh Hiệp? Khi người ta đã phải bán những cái vuốt ve để sống?… Tôi có lạ gì chuyện ấy? Nhưng tôi thích lấy thì cứ lấy. Cái quá khứ của y, chỉ mình y mới có quyền quan tâm đến. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không khác nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi. Tôi đã tính không sai mấy. Bởi tôi có thể nói mà không phải ngượng: từ ngày lấy tôi, vợ tôi thật là một người đàn bà không thể trách. Tôi sung sướng lắm. Có phải thế không, anh Hiệp?

Vâng, phải lắm.

Hiệp gật đầu, đáp lại. Và hắn chua chát nghĩ: cả một người vợ hư với một người vợ không hư cũng thế, họ gần nhau lắm lắm!… Và hắn chợt thấy trong óc một chân trời vừa hé mở. Một quan niệm mới về người, về cuộc sống. Những ý nghĩ rất lan man về đời…

Bà Hưng Phú lợi dụng yên lặng ấy để mà cắt nghĩa:

Tôi với bác Hiệp đây là người đồng hương. Hèn chi mà hôm bác mới đến đây, tôi ngờ ngợ mãi. Trông nhang nhác… Nhưng lâu năm quá không được gặp, nên trông khác quá. Ngày xưa bác ấy còn trẻ lắm, mà mặc quần áo ta…

Tiểu thuyết thứ Bảy

Số 457, Ngày 26-6-1943

Bẩm ông…

Hiệp ngoái đầu ra. Đó là thằng Bản, đầy tớ nhà bà Hưng Phú. Nó chắp tay, đứng tận gần chỗ cửa…

Gì thế, anh?

Bẩm ông, ông con bảo con lên xem ông dậy chưa, mời ông xuống phòng khách xơi nước ạ!

Ông về bao giờ thế?

Hiệp cố lộ vẻ sửng sốt trong đôi mắt và trong giọng nói.

Bẩm ông, ông con về từ lúc mười hai giờ kia ạ. Ông con tắm xong, định lên chào ông nhưng bà con bảo: Ông còn ngủ ạ.

Hiệp ngấm ngầm hổ thẹn. Hắn thấy mình không thiệp. Đáng lẽ hắn phải xuống chào ông Hưng Phú trước. Nhưng hắn lại giả vờ ngủ mệt, không thèm xuống. Tính hắn như vậy: hắn sợ nhất sự khúm núm, xu nịnh người trên hoặc người giàu. Lễ phép vì lễ phép thôi, thì chẳng có một người giáo dục nào có thể bỏ qua. Nhưng cái sự lễ phép ấy phải đặt những người hèn ngang hàng với những người sang. Hiệp đã nhiều lần được trông thấy người ta cất mũ chào một cái xe tang. Ấy là một cử chỉ đáng khen. Nếu tay chẳng bận ôm xách gì thì hắn cũng làm theo. Nhưng hắn để ý, đến sự này hơn: hắn cố nhịn cả triệu ruồi nhặng bám, hắn kính cẩn cúi đầu hay nhắc mũ. Người ta có thể gàn muôn vạn cách. Hắn thích gàn kiểu ấy và cắt nghĩa: “Đối với một người nghèo, mình có lễ phép quá sự thường một chút, hẳn cũng không có ai có thể bảo, và không ai nỡ bảo: mình xu nịnh, đối với một anh giàu không thể, anh ta, và thiên hạ, rất dễ ngờ mình cầu cạnh. Vậy thì với hạng sau, chỉ lễ phép vừa vặn, đừng bao giờ quá. Ông Hưng Phú là một nhà thầu khoán kiêm lái gỗ. Ông có xe hơi, có nhà lầu, có đồn điền, lại có cả trại ở nhà quê. Vậy thì chính là một người giàu đứt đi rồi. Tuy Hiệp chưa biết mặt ông (trong khi điều đình để đến dạy mấy đứa trẻ nhà ông trong vụ nghỉ hè, hắn chỉ giao thiệp bằng thư và sau cùng thì được gặp người thư ký thay mặt ông Hưng Phú luôn luôn đi vắng), hắn cũng hình dung ra một người to béo, quần áo sang, cái mặt phinh phính vênh lên và đôi mắt híp nhìn người ta một cách bề trên lắm. Bởi vậy hắn coi là một cái nhục, cái việc tất tưởi chạy xuống đón ông Hưng Phú, cùng với vợ, con ông và bọn con hầu đầy tớ nhà ông, để kính cẩn cúi đầu chào khi ông bệ vệ từ trên cái xe hơi bước xuống, mắt nheo nheo vì khói một điếu xì gà lớn. Ờ! Mà nghĩ cho kĩ thì cũng chẳng cần gì phải hạ mình như thế thật. Hắn không phải là cậu giáo nhà ông. Hắn là đốc học một trường tư. Tuy cái trường tư ấy rất mèng nhưng ai biết đấy là đâu. Hắn dạy mấy đứa trẻ nhà ông tại cái nhà nghỉ mát của ông, chính để tiện việc đi nghỉ mát. Hắn đã bày tỏ với người thư ký nhà ông thế. Mà có lẽ sự thật là thế đấy. Bởi vì giả sử hắn không đi, cứ ở nhà, trông coi một lớp nghỉ hè, thì số tiền thu về có phần lớn hơn. Hắn có chết gì đâu? Hắn đi, chỉ vì sự nghỉ ngơi, không phải vì cơm áo. Vậy thì hãy liệu mà đối đãi! Tử tế thì hắn ở, không tử tế thì hắn tếch. Mà hắn không chỉ tếch thôi đâu. Hắn sẽ cho một bài học để mà sáng mắt ra. Cái bọn ngu dốt mà giàu đáng ghét vô cùng. Chúng chỉ biết có tiền, và coi người như rác, như rơm. Bỏ ra độ ba chục đồng để nuôi một cậu giáo cho con, chúng tưởng đã là nhiều, và cái kẻ lĩnh mỗi tháng ba mươi đồng bạc để mở mắt cho lũ con cháu chúng kia, chỉ đáng cho chúng coi hơn những thằng nhỏ, con sen một chút. Hiệp không đời nào chịu thế. Nếu hắn chịu khổ sở với cái nghề dạy học tư, có phải vì hắn học hành dở dang đâu? Chỉ vì hắn quá yêu mình, quá trọng mình, và trọng tự do. Vậy thì cần gì mà nịnh nọt ai, dẫu ai đó có là ông Hưng Phú! Đã đành Hưng Phú biết người, biết của. Bà quý Hiệp. Hắn được coi như khách. Mình hắn được một căn phòng riêng đồ đạc rất sang. Cơm nước hẳn hoi. Bọn đầy tớ hầu hạ và nói năng lễ phép. Những đứa trẻ rất ngoan. Bà chủ nhã nhặn và ý tứ. Bà có tư cách của một người quý phái, giao thiệp khéo. Dù ở cùng một nhà, nhưng gặp hắn ở trong vườn hay đi chơi về, hoặc đi ra… bao giờ bà cũng cúi chào. Mỗi sáng bà sai đem lên phòng hắn một bó hoa tươi cùng với bữa điểm tâm. Và mỗi trưa, khi hắn ngủ dậy, bà cho mời hắn xuống căn phòng khách mát rượi hương sen để uống bia, uống nước chanh, uống trà do chính bà pha, hoặc ăn một món ăn mát do bà làm lấy. Hai người nói chuyện. Bà lễ phép hỏi về sức học từng đứa cháu, hoặc trao đổi với hắn ít nhiều ý kiến về thời tiết, về thời sự, về những cảnh đẹp ở vùng này, về cuộc sống của dân quê ở chung quanh, về tất cả….Cái tài nói chuyện của bà thật hiếm có. Bà biết vui mà không lơi lả, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Cách trang điểm của bà cũng vậy: đẹp, nhưng nhũn nhặn. Thật là một người đàn bà kiểu mẫu. Và Hiệp mỉm cười khi nhớ lại cái ý nghĩ điên rồ của hắn hôm mới trông thấy bà…

Hồi mười tám, đôi mươi, Hiệp đã cưới một người vợ nhà quê. Để chiều ý mẹ mà thôi. Hắn cũng chẳng ưng. Bởi thời ấy, đầu hắn còn nhiều thơ mộng lắm. Hắn để ý đến những mớ tóc uốn quăn, những tà áo xanh, áo đỏ hơn. Khi người ta ra tỉnh học từ thủa chửa lên mười, thì làm thế nào mà thích được một cô vợ đặc nhà quê, quần nái áo nâu, đi chân không, da xám nắng và bàn tay đen thui? Vợ Hiệp lại cứng như một cái đanh, bẩn thỉu và cục mịch. Hắn sợ thị đến nỗi nghỉ hè cũng không dám về quê. Mỗi lần, vì một sự bắt buộc gì phải về nhà, hắn lại phải thấy một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh búng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, mà cắm cúi mặt chẳng lúc nào rời cái bát. Mới chỉ trông đã ghét! Đã vậy, mà lại còn mất nết, tuy mẹ hắn cố tình giấu giếm, nhưng hắn cũng biết rằng vợ mình rất hư. Bởi vì bà mẹ chỉ giấu con, chứ không giấu người ngoài. Cả làng chẳng ai còn không biết con dâu bà đủ mọi tật: đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng. Mà ăn vụng như thế nào? Thị bốc trộm gạo sống cho vào túi để ăn dần. Thị hớt cơm chó thật nhiều rồi bớt lại, giấu đi, để ăn cơm với cả nhà rồi lại lấy ra ăn. Thậm chí đến đổ cám cho lợn ăn mà thị cũng ăn vụng vài bát ngay ngoài chuồng lợn mới được. Ghê tởm quá! Hiệp không thể tưởng tượng trên đời này lại có những hạng đàn bà như thế ấy. Hắn chưa bao giờ phải đói. Hắn chưa bao giờ phải thèm cơm. Hắn không biết rằng mẹ hắn, và vợ hắn, và các em hắn ở nhà phải nhịn để lấy tiền cho hắn học hành: mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi, mà mỗi bữa, lệ của mỗi người hai lùm lùm bát. No dồn, đói góp. Hiệp đã từng biết cái nông nỗi ấy ở đâu? Bởi vậy hắn cho một người ăn vụng là quái vật. Chưa lần nào hắn dám ngủ chung một giường với vợ. Và hắn vẫn định, sau kì thi tốt nghiệp, được rảnh rang rồi, hắn sẽ bỏ vợ thẳng tay. Nếu mẹ không chịu, thì hắn sẽ đi. Không thể sống với một người đàn bà như thế được!… May cho hắn: một hôm vợ hắn trốn nhà đi. Chẳng biết đi đâu. Hình như do một trận đòn. Bà mẹ chồng bắt được nàng dâu trong lúc ghế cơm, xúc một ít cơm mới chương lên đổ vào miệng. Bà chạy vội vào, bóp chặt cổ con dâu rồi lu loa cho hàng xóm đến xem. Đứa con dâu phải nhả cơm ra, nước mắt chứa chan. Người ta chép miệng lắc đầu. Người ta bàn tán xôn xao. Có lẽ vì xấu hổ, nên thị chẳng còn mặt mũi nào ở nhà để trông thấy người ta nữa. Thị đi mất tích. Hiệp lấy làm may lắm. Và suốt từ ngày ấy đến hôm nay, hắn sống một thân một mình…

Hôm ấy mới đến trại bà Hưng Phú, Hiệp ngạc nhiên vì nhận thấy một lúc kia, bà Hưng Phú đã có một lối nhìn xuống từa tựa như người vợ bỏ nhà ra đi của hắn. Và vốn giàu óc tưởng tượng, hắn phác ngay ra một câu chuyện ly kì: người vợ của hắn xưa kia, qua nhiều cuộc đổi thay đã trở nên bà Hưng Phú bây giờ, giàu có và sang trọng…Tưởng tượng điên rồ quá! Bởi càng ngày hắn càng nhận thấy ở bà Hưng Phú một người đàn bà có giáo dục, có tư cách, có tâm hồn… nói tóm lại là một người đàn bà thượng lưu. Hiệp sinh lòng kính trọng. Người ta tử tế thì mình cũng nên lấy sự tử tế mà đối lại. Cho nên khi nghe thấy tiếng còi xe hơi của ông Hưng Phú, Hiệp đã nghĩ đến việc xuống chào ông một tiếng. Nhưng rồi hắn lại không muốn xuống. Bởi vì rất có thể người chồng không giống vợ. Nếu người vợ khinh khỉnh chẳng hóa mình dại sao?…

Bây giờ Hiệp lại tự trách mình đã không lịch thiệp bởi thấy ông Hưng Phú tỏ ra người lịch thiệp: ông muốn lên chào hắn. Ông làm cho hắn thẹn. Hắn vội vàng nhỏm dậy, đi rửa mặt, chải đầu, thay quần áo để xuống nhà chào ông…

***

Hai người gặp nhau ở chân thang. Bởi vì ông Hưng Phú toan lên. Hiệp kính cẩn chào. Ông Hưng Phú cũng cúi chào. Hai người nắm tay nhau. Nhưng giữa lúc ấy thì ông Hưng Phú kêu lên:

– Ồ!… Anh Hiệp!

Hiệp giật mình, sửng sốt. Sao ông Hưng Phú lại biết tên thật hắn? Trong thư hắn viết cho ông, và lúc giáp mặt người thư ký, hắn không hề nói rõ tên mà chỉ xưng mình là hiệu trưởng trường Học – Hải. Hắn nhìn kỹ ông Hưng Phú. Quen lắm thật. Nhưng lòng hắn đang bối rối nên vẫn chưa nhớ ra được là ai. Ông vỗ vai hắn và vui vẻ:

Anh quên tôi hả? Rự, Rự chánh quay phim đây mà!

À, anh Rự, tôi nhớ rồi!

Cả hai cùng cười lớn. Ông Hưng Phú cười thẳng thắn. Hiệp cười kém thẳng thắn hơn một tí. Bởi vì ít có người một gặp lại một người bạn cũ trong một trường hợp tương tự thế. Nhưng ông Hưng Phú không để cho bạn có thì giờ ngượng nghịu. Ông kéo bừa hắn đi vào, toang toang bảo:

Thế này thì hả thật! Tôi nhớ anh ghê lắm… Có đến quá mười năm nay chúng mình chẳng gặp nhau… Tôi sướng quá! Anh ạ, chúng mình có tuổi một tí rồi mới hiểu: không có gì quý bằng tình bạn… Đã thế mai tôi chưa đi vội. Tôi ở lại đây với anh ba bốn hôm để nói chuyện cho thật hả. Mặc cha công việc!…

Gần đến cửa phòng khách, ông đã gọi vợ:

Mình đáng đánh đòn! Bạn cũ đến nhà mà không biết! Mình có biết ai đây không? Người thiếu phụ chúm chím cười, ngước đôi mắt nhung nhìn Hiệp. Người chồng bảo:
Anh Hiệp đấy!…

Hiệp?…

Ừ, anh Hiệp… Mình làm sao vậy?

Bởi vì tiếng kêu khàn khàn trong cổ họng, người đàn bà giương đôi mắt thật to nhìn Hiệp. Rồi mặt bà biến sắc. Đôi mắt luống cuống như muốn tìm đường lẩn trốn, chớp luôn mấy cái rồi nhìn xuống đất. Hiệp thấy mặt mình như lóe lên một cái. Đôi mắt nhìn xuống kia chính là đôi mắt người vợ cũ. Hắn đột nhiên bối rối… Ông Hưng Phú nhìn vợ rồi nhìn bạn. Ông không phải là người ngốc. Ông hỏi vợ:

Chắc mình cũng có quen anh Hiệp? Bây giờ mới nhớ, phải không?

Không! Không! Sao mình nói thế?

Ông Hưng Phú cười, nửa chua chát, nửa như chế nhạo:

Mình khỉ lắm!… Tại sao tôi lại không nói thế? Mà tại sao mình phải chối? Quen anh Hiệp không phải là một tội.

Bà toan cãi. Nhưng ông ra hiệu không được nói và nói lấp đi.

Mình là vợ, anh Hiệp đây là bạn. Còn tôi thì rất may mắn, không có những thành kiến ngu ngốc như kẻ khác. Nếu tôi giống những người đàn ông khác thì tôi đã không dám lấy mình làm vợ. Trước khi lấy mình, tôi đã biết mình qua tay nhiều kẻ, đã lăn hết phòng ngủ này đến phòng ngủ khác…

Ông quay về phía bạn…

Có phải không, anh Hiệp? Khi người ta đã phải bán những cái vuốt ve để sống?… Tôi có lạ gì chuyện ấy? Nhưng tôi thích lấy thì cứ lấy. Cái quá khứ của y, chỉ mình y mới có quyền quan tâm đến. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không khác nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi. Tôi đã tính không sai mấy. Bởi tôi có thể nói mà không phải ngượng: từ ngày lấy tôi, vợ tôi thật là một người đàn bà không thể trách. Tôi sung sướng lắm. Có phải thế không, anh Hiệp?

Vâng, phải lắm.

Hiệp gật đầu, đáp lại. Và hắn chua chát nghĩ: cả một người vợ hư với một người vợ không hư cũng thế, họ gần nhau lắm lắm!… Và hắn chợt thấy trong óc một chân trời vừa hé mở. Một quan niệm mới về người, về cuộc sống. Những ý nghĩ rất lan man về đời…

Bà Hưng Phú lợi dụng yên lặng ấy để mà cắt nghĩa:

Tôi với bác Hiệp đây là người đồng hương. Hèn chi mà hôm bác mới đến đây, tôi ngờ ngợ mãi. Trông nhang nhác… Nhưng lâu năm quá không được gặp, nên trông khác quá. Ngày xưa bác ấy còn trẻ lắm, mà mặc quần áo ta…

Tiểu thuyết thứ Bảy

Số 457, Ngày 26-6-1943

Bình luận
720
× sticky