(Nhật ký)
19-10-47 – Thỉnh thoảng cơ giới của địch chạy rầm rập ở ngoài đường lớn cách chỗ chúng tôi chỉ độ ba cây số. Dân chúng đã làm vườn không nhà trống, đi ở lán bí mật cả rồi. Không còn một tiếng gà, một bóng người. Suối vẫn chạy ào ào tiếng vọng rõ hơn. Những tiếng ken két của cái cối nước vẫn điểm vào đây, hôm nay không còn nữa. Vắng vẻ cả tiếng rất quen thuộc của những cái nhạc gỗ lủng lẳng ở cổ những con trâu thả rông, kêu lốc cốc. Mình tiếng suối ào ào nhất thống khoảng vắng lặng mênh mông quá.
Công việc cất giấu của chúng tôi đã tạm xong. Luôn ba ngày khuân vác, mỏi dừ người. Đêm qua ngủ rừng, sáng dậy, mặt, cổ và chân tay be bét máu vì vắt cắn. Chưa buồn rửa ráy, chúng tôi mở một cuộc khai hội bất thường, bên cạnh một cái kho bí mật vừa làm xong. Cuộc họp không đầy mười lăm phút.
Cũng chẳng có gì phải bàn cãi lâu dài. Mọi việc được giải quyết gãy gọn và chóng vánh. Bộ phận quan trọng nhất của cơ quan sẽ rời ngay đến một địa điểm xa, dự bị từ lâu. Một bộ phận nhỏ sẽ ở lại đây, tiếp tục hoạt động theo một số chương trình mới: Tư, Khang và tôi thuộc trong số những người ở lại.
Ngay sau cuộc họp, chúng tôi sửa soạn ba lô lên Mán. Mán còn là một thế giới hoàn toàn bí mật đối với tất cả chúng tôi. Ngay người Thổ cũng rất ít khi lên. Làng Thổ ở ngay dưới chân ngọn núi có làng Mán ở trên. Thế mà có những ông già Thổ ngoài sáu mươi, chưa lên Mán một lần nào. Hỏi đến người Mán từ đồng chí chủ nhiệm Việt Minh xã là người đã bỏ được hết những thành kiến sai lầm xưa nay vẫn chia rẽ hai giống người sống sát cạnh nhau đã lên khai hội với các đồng chí Mán nhiều lần, còn hầu hết người Thổ chúng tôi quen đều lộ vẻ kinh sợ và khinh bỉ: Úi già! Ké không được biết Mán đâu! Không dám lên đâu! Mán nó ở nhà đất đấy, không ở nhà sàn như người Thổ đâu! Có con rắn bò vào nhà đấy! Mán không biết nói tiếng Kinh đâu! Mán có nhiều rận lắm! Mán nó bí mật lắm, không muốn cho ai lại gần đâu. Lại gần nó giết đấy!…
Cần phải nói ngay rằng tiếng “nó” người Thổ dùng không có ý gì khinh bỉ cả. Nói đến người trên, họ cũng dùng tiếng “nó”. Nhưng vẻ mặt và giọng nói của họ, khi nói đến người Mán tỏ rõ ý nghĩ sợ và khinh bỉ.
Nhưng Tư, người giữ cái nhiệm vụ đi tìm chỗ đặt cơ quan cho bọn chúng tôi, đã lên tận Mán. Anh chỉ cho chúng tôi một cái sườn dốc gần như dựng đứng. Không có đường đi. Cả đến lối mòn cũng gần như không có. Rất ít người qua lại đấy. Chúng tôi sẽ phải cố tìm ra những vết trên lá rơi, cỏ rậm mà đi.
Không có một cái mặt bằng bằng con dao nào để mà ngồi. Chỗ nào cũng là dốc cả. Luôn sáu cây số, người ta đi, đường đi lù lù ngay trước mũi. Tất cả cái đáng sợ chỉ thu vào có thế. Người Mán chẳng có gì đáng sợ. Họ khác người Thổ, người Kinh ở chỗ khỏe, tìm ra lối đi trong rừng rất giỏi, giỏi đến mức mắt họ có thể nhận thấy đường đi lại của một con chuột trên bãi cỏ. Họ mặc rách rưới hơn người Thổ, người Kinh. Họ ăn ở khổ hơn. Họ thích ở thật cao, thật xa lánh mọi người. Có thế thôi. Họ chẳng biết ai và cũng chẳng có gì là quái gở.
Vì mới đi lần đầu, nên những cẳng chân Hà Nội của chúng tôi đi chậm và khó nhọc lắm. Tháng Mười miền núi tiết trời khá lạnh. Chúng tôi để nguyên áo rét, ra đi. Qua một cái suối phải lội, anh nào cũng rùng mình.
Nhưng mới trên một quãng dốc xoàng xoàng, chúng tôi đã theo nhau hạ ba lô, cởi áo rét ra. Anh nào cũng mặt đỏ gay, mồ hôi vã đầm đìa. Nóng quá! Và khát! Anh đi đằng sau chỉ trông thấy gót chân anh đằng trước, nhưng nghe rất rõ tiếng anh đằng trước hồng hộc thở, có anh nghiến chặt răng để bước.
Mỗi bước là một động tác thể thao hạng nặng. Cứ độ vài trăm bước chúng tôi lại dừng lại, chân trước cong, chân sau thẳng, nhìn nhau thở phì phì và cười với nhau. Tôi cứ vừa đi vừa nắn bắp thịt đùi và có cảm giác như nó to ra, rắn lại, sờ thấy được.
Càng đi càng vào sâu trong rừng rậm. Đường cao rắc rối quanh co. Hết cây lại đến cây. Chẳng chỗ nào ra vẻ lối đi, nhưng nếu nhìn kỹ để tìm chỗ nào cũng có thể có ba bốn lối đi. Thế mới rầy! Vòng quanh vòng quẩn nhiều quá đến nỗi phương hướng cũng không biết lối nào mà nhận nữa. Nhìn lên thì những cành với lá. Cành lá chồng lên nhau, che kín cả trời. Ánh sáng âm u, không còn biết là trưa hay đã chiều. Chỉ thấy mỗi lúc một tối hơn. Rừng rậm thêm hay mặt trời đã nhạt? Không một túp lều, một người đi để hỏi đường. Tư qua lại bốn lần mà vẫn lạc, chúng tôi phải đi trở lại ba lượt. Chân đã mỏi nhừ, cổ đã khô cháy thì may quá, đến một chỗ kia, chúng tôi đột nhiên gặp một người. Tư reo lên:
– A! Nhình Pin!
Tư giảng cho chúng tôi biết Nhình là chị. Anh chàng phải giao thiệp với đồng bào địa phương luôn, đã học được ít nhiều tiếng Thổ. Để nói chuyện với người Thổ thì chẳng đủ đâu. Anh thích dùng tiếng Kinh, tiếng phổ thông để họ khỏi cười. Trừ những bà già, còn hầu hết người Thổ đều nói thạo tiếng Kinh. Nhưng người Mán nắm chắc cẳng keo. Tiếng Thổ họ cũng chỉ biết tạm đủ dùng thôi. Vì thế, tiếng Thổ của anh Tư rất có ích ở đây. Anh cũng thích nói tiếng Thổ với người Mán lắm.
Chị Pin là một thiếu nữ vào hạng “chân tròn như cột”. Người vạm vỡ, mặt tròn vành vạnh, trán nhẵn thín dưới cái khăn xếp màu đỏ thêu chỉ trắng che cái đầu cọc trọc. Nhình cũng mặc áo dài quần chàm như phụ nữa Thổ, nhưng cũ kỹ và rách rưới hơn. Cổ, cổ tay đeo vòng bạc, vòng đồng. Chị em miền núi ưa những đồ trang sức lắm.
Cái chúng mình không quen, chính là cái khăn to vành bọc vải thêu. Nó gợi trong tôi một cảm giác sờ sợ mơ hồ, cảm giác khi ta gần những cái man rợ và bí mật. Gần giống như ngày còn bé, tôi gần những bà đồng áo khăn sặc sỡ.
Nhưng chị Pin chẳng man rợ và bí mật một tí nào. Đứng trước mặt Tư, mặt chị đỏ bừng lên. Miệng chị, đôi mắt chị cười. Khi cười cũng đưa ngang cái tay che miệng như những cô gái e lệ dưới xuôi. Và khi Tư đùa hỏi “Kỷ lai pi” (Bao nhiêu tuổi), chị càng thẹn thò trả lời “Nắm chắc” (Không biết).
Nhình Pin ở rẫy về. Chị cõng một cái giỏ đầy thóc còn cả bông ở trên lưng. Tay chị cầm một quả dưa to. Tư hỏi:
Mắc ca lăng? (Quả gì?)
Mắc qua (Quả dưa).
Kin đầy bó? (Ăn được không?)
Kin đầy (Ăn được).
Chị đưa tay về phía đằng sau lưng, rút con dao, bổ quả dưa, đưa cho Tư.
Kỷ lai chèn? (Bao nhiêu tiền?)
Nắm âu chèn (Không lấy tiền).
Tư chỉ lấy một nửa thôi. Chị bảo Tư đưa nốt nửa kia cho bọn tôi ăn. Đang khát, trông thấy dưa, thích mê người. Nhưng quái lạ! Mình vẫn thấy ngài ngại, như sợ bẩn. Tại sao mà bẩn? Quả dưa vừa mới lấy ruộng về. Cái bàn tay to lớn và múp míp của người cho bẩn thỉu chăng? Mới đến giang sơn Mán, mình vẫn nhìn mọi cái với con mắt của người Hà Nội. Nhưng Tư đã cắn vào miếng da rồi. Chúng tôi cũng mỗi người một miếng, ngoạm ăn. Giống dưa to như dưa hấu, nhưng thịt và ruột lại giống dưa gang. Chất dai hơn. Và sau khi chúng tôi đã đỡ khát rồi, chúng tôi thấy nó có vị hơi chua, chứ không được ngọt.
Xẩm tối, chúng tôi bước vào nhà một ông già. Cái nhà bằng gỗ còn cả vỏ bương, tre, đứng đơn độc có một mình, ấy thế mà là cả một làng, có tên riêng của nó hẳn hoi. Chuồng lợn, chuồng gà ở ngay trong nhà, lẫn với người. Nhưng không có lợn gà. Chỉ có phân với bọ hung. Chủ nhà bảo Tư: “Gà lợn đã pây cơ”. Nghĩa là đi lán cả rồi. Tư cắt nghĩa thêm:
Cơ, tức là cơ quan. Tiếng này chắc có ngay từ thời kỳ bí mật trước đây. Người Mán đã phải làm vườn không nhà trống, ở lẩn lút ngay từ thời kỳ ấy kia rồi. Vì vậy, nhà nào cũng có cơ quan bí mật để giấu thóc lúa, lợn gà. Lán bí mật riêng của nhà họ, họ cũng gọi là cơ quan.
Anh Đức bảo Tư hỏi xem cơ của ông ké có xa không. Ông ké bảo “Quây lại” (Xa lắm)! Thế là khổ chúng tôi! Vẫn tưởng đến nơi có thể mua được một con gà làm thịt, thổi cơm ăn. Nhưng gà lại đi cơ mật cả rồi. Đành lại cơm với muối.
Cơm xong, cả bọn lăn quay ra đất, chung quanh bếp lửa. Ông già nhường cái giường độc nhất cả nhà ông cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không chịu nhận. Ông già bèn lẳng lặng đi lấy củi, thêm vào bếp, lại đốt một đống lửa nữa ở phía ngoài. Ấm cúng chán rồi. Hơi khói át hết cả những mùi xú uế đi. Vì vậy, tuy rải áo vét tông, đầu ghé ngay gần cái chuồng gà, tôi vẫn ngủ ngon lành lắm. Luôn mấy đêm lạnh và chập chờn rồi. Lại đến nửa ngày leo dốc, ba lô bị gạo nặng ê vai. Nằm một lúc, ngủ ngay. Nửa đêm, tỉnh dậy vẫn thấy lửa cháy đều. Bên đống lửa, một thiếu phụ ngồi. Người đàn bà còn xuân mà lúc mới đến chúng tôi đoán là vợ kế ông già. Nhà chỉ có hai người, một đàn ông, một đàn bà, thì tất nhiên là vợ với chồng. Nhưng hai tuổi chênh lệch nhau một cách đáng băn khoăn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau đôi ý chế nhạo tối hôm qua. Lúc đi ngủ, tôi thấy ông già vào buồng, còn người thiếu phụ nằm cong queo một mình ở trên giường. Lửa xa mà chăn chiếu cũng không. Bây giờ người đàn bà lại ngồi đây. Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt trái xoan điểm một cái miệng nhỏ thanh và đôi mắt lá răm hơi xếch. Người ta nghĩ đến những nàng công chúa Đông phương, đẹp lặng lẽ và bí mật, tả trên màn ảnh. Đêm khuya vắng lặng giữa những người ngủ mệt ngáy khò khò, người đàn bà thức một mình, ngồi coi đống lửa. Ánh lửa đỏ vờn nhau với những miếng tối lung linh. Tôi thấy buồn, nhơ nhớ, chẳng hiểu nhớ ai và buồn vì sao.
20-10-47 – Sáng sớm thức dậy đã thấy ông ké ra máng nước đầu nhà, lấy nước và đun cho chúng tôi rửa mặt. Ông già cao lớn, lúc nào cũng lom khom như sợ đụng mái nhà, cử chỉ chậm chạp, mắt chất phác, phúc hậu, lúc nào cũng cười và lầm rầm những tiếng ấp úng chúng tôi không hiểu nổi vì ông chỉ biết dăm ba tiếng Thổ, trông đẹp và đáng yêu đến nỗi anh chàng Khang họa sĩ tấm tắc khen và chỉ muốn thế nào vẽ được một bức chân dung của ông. Nhưng không hiểu họ có kiêng kỵ gì không, anh chàng không dám nhờ ông ngồi để cho anh vẽ. Vả lại cũng chẳng biết nói thế nào cho họ hiểu. Anh chàng đành để đến khi nào đôi bên quen thuộc nhau hơn đã.
Tôi ra ngoài để quan sát quanh nhà. Rừng, cỏ ngập đầu. Chỉ ba bước đã vào rừng. Mấy hôm trước còn một chỗ súng nổ loạn xạ, người chạy nháo nhác và hoảng hốt, đến đây tôi thấy an toàn, chắc chắn lạ lùng, mặc dầu vẫn nghe thấy tiếng súng rất gần. Giặc có bao giờ còn lập lại nổi chính quyền, nắm hết dân chúng trong tay? Chỉ khi ấy, chúng mới dám sục sạo đến đây. Đặt cơ quan ở chốn này, chúng tôi có thể yên lòng làm việc lâu dài được.
Tôi bỗng giật mình, chỉ vì đột nhiên thấy bóng người. Tôi không đợi gặp một người nào khác ở chỗ hoang vắng này. Một cái đầu nhấp nhô trên cỏ. Mặt to, da vàng xạm, hai mắt xếch, khăn quấn rối, trông như một cái đầu tướng Tàu nặn bằng bột, một anh Khách vẫn bán cho trẻ con chơi, hồi tôi còn nhỏ. Một cái mặt trông vừa buồn cười, vừa dữ dội, không ra già, không ra trẻ, không biết cho vào hạng tuổi nào cho đúng. Những cái búi tó bé ngắn ngủn cho tôi cái cảm giác anh chàng vừa mới lớn.
Đôi mắt xếch thao láo nhìn tôi. Một tiếng to tát và vồn vã:
Chào đồng chí!
Chào đồng chí!
Tôi đáp lại. Cái đầu bập bềnh trôi trên sóng cỏ, đến gần tôi. Một người to nhưng thấp hiện ra, gò cúi dưới một cái giỏ gì nặng lắm. Cái áo chàm ngắn cũn cỡn để hở một cái bụng lồi ra, và cái quần không thể bám vào cái bụng rồi trật cạp xuống gần đến háng. Học được mấy tiếng Thổ tối hôm qua, tôi hỏi:
Ca lăng à, đồng chí (Gì đấy, đồng chí)
Mắc qua.
Dưa! Dưa cũng tốt rồi. Cắt nhỏ ra, chấm muối mà ăn cơm còn tốt hơn chỉ có muối không. Tôi bảo anh đem vào để chúng tôi mua. Anh vào, đặt cái giỏ nặng xuống, rút hai tay ra khỏi cái dây đeo, thở dài thật to thành một tiếng rên. Anh ra máng rửa chân. Anh lại gần lửa để hơ. Bỗng anh kêu lên một tiếng.
– Ú già!
Anh tặc lưỡi. Chúng tôi hỏi:
Cái gì?
Con vắt! Con vắt cắn.
Anh gỡ nó cho vào bếp. Đức reo lên:
– A! Đồng chí biết tiếng Kinh!
– Không biết nói đâu! Biết ít thôi.
Chúng tôi xúm lại giỏ của anh. Hàng chục quả dưa. Lại có rau bí nữa. Chúng tôi hỏi:
Đồng chí lấy bao nhiêu?
Không lấy tiền đâu! Cho các đồng chí ăn thôi.
Đức cố nhét hai cái giấy mười đồng thật mới vào tận tay anh. Anh ngần ngừ mãi mới chịu cầm một cái.
Ông già thong thả đeo con dao vào thắt lưng, khoác khẩu súng kíp, cười cười, lắp bắp nói những tiếng lầm rầm, ý chừng là từ biệt chúng tôi. Ông đi rừng. Trông ông đeo dao, khoác súng vào, càng đẹp. Nhưng ra ngoài vẫn lom khom, cái đầu hơi hơi lao về đằng trước. Không phải vì già. Đó chỉ là dáng đi của một kẻ quen cái đời chui lách trong rừng rậm. Ông đi lừ đừ như một con thú dữ. Tôi mới chợt nhận ra rằng người đàn bà cũng đã biến đi mất từ lúc nào, chính tôi cũng không để ý. Trơ lại trong nhà còn bọn chúng tôi với anh chàng bán dưa. Tự anh đi tìm mẹt, xếp dưa, xếp rau ra cho chúng tôi. Anh quét. Anh thở dài thành tiếng rên (cứ độ 15 phút anh lại thở dài thật to như vậy, chẳng ra sao cả!).
– Nhà bẩn quá! Không có giường nằm. Các đồng chí ở dưới xuôi sướng, lên đây khổ quá!
Anh làm như anh là người nhà vậy. Nói chuyện với anh một lúc, chúng tôi mới biết anh là người nhà thật. Anh là con rể cụ. Người đàn bà trẻ tuổi là con gái ông cụ và là vợ anh ta. Ông cụ góa vợ đã lâu. Người ta gọi ông là ké Nhàn – ông già Nhàn – còn anh, tên như tên trong tiểu thuyết Tàu: Triệu Vân Hương. Và thật không ngờ, anh đã bốn mươi hai tuổi.
Tối hôm ấy, cả nhà ông ké Nhàn ngủ lán. Tối hôm sau cũng vậy. Ban ngày, có người nào về cũng chỉ một chốc một lát thôi, về để lấy một vật gì, hay lấy củi hộ chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn làm chủ cái nhà. Chúng tôi e mình có làm phiền đến đời sống họ chăng. Nhưng Tư bảo:
– Họ ưa như vậy. Vả lại ở, đối với họ có thành vấn đề đâu. Họ ngủ đây cũng được.
21-10-47 – Tư vẫn chưa cho chỗ ông ké Nhàn là kín! Anh dùng làm một chỗ tạm đó thôi. Hôm nay anh sẽ đưa Khang và tôi đi xem một chỗ khác để hỏi ý kiến chúng tôi. Cơm nước xong, thì một người Mán đeo súng đến. Anh chàng trạc độ ngoài ba mươi. Búi tó, quấn khăn, mặt sáng sủa, người nhàn như một anh đồ trẻ vào thời Nguyễn Trãi. Nhưng áo cũng ngắn cũn cỡn vào quần mòn mất gấu, luội thuội, lựng chựng những cái bắp chân chắc nịch nhưng bẩn và có những vết lở to rỉ mủ. Tư gọi anh ta là đồng chí Quân. Đồng chí Quân sẽ thay mặt cho đồng chí Chấn trưởng thôn đi vắng, để dẫn chúng tôi đi tìm địa điểm.
Sau ngót một giờ lội suối chui rừng, vắt bám gỡ ra không kịp, qua hết rừng cây lớn, rừng lau, rừng chuối rồi lại rừng cây lớn, men, lách, leo, trờ bở hơi tai, chúng tôi đến Vang Khẹt. Lại một làng! Ba nóc nhà như ba cái chuồng chim đeo lủng lẳng ở ngọn núi. Được cái quang đãng nhìn ra một phong cảnh sáng sủa và tuyệt đẹp. Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng mềm mại vờn trời. Chỉ có trời với núi. Tôi có cảm tưởng như trên trái đất chúng ta ở, ngoài núi ra, không còn gì nữa. Anh chàng Khang yêu màu sắc và ánh sáng chắc phải thỏa lòng. Những quả núi gần khoe những mảnh áo rất xinh. Từng miếng vàng tươi của ruộng. Những miếng khác màu vàng rơm. Và màu xanh, đủ các thứ xanh.
Những buổi chiều, ánh sáng chiếu rọi đúng như đèn pha rọi những phong cảnh rạp hát. Phong cảnh đổi từng khắc một, đúng như trên sân khấu. Khang ghi chép cẩn thận, nói là để dùng vào việc bài trí sân khấu khi về Hà Nội.
Đêm trăng. Một cây trụi lá, đen, rướn lên trời xanh phớt. Một nét đẹp đơn sơ. Núi đằng sau. Và trăng nằm giữa mây, mềm xốp như đệm gối.
Nhưng nhà thì bẩn ghê gớm quá. Chuồng lợn ở ngoài hè. Gà lợn đi lại, ăn nằm và phóng uế rất tự do, trong nhà ngập đất và rác rưởi. Cả bếp ở giữa một gian, thẳng hàng với chạn bát nhơm nhớp như phủ một lượt bùn ở đầu trong và cái lò nấu “ruốc mu” (thức ăn của lợn) ở đầu ngoài. Cối giã gạo cũng ở trong nhà. Mồ hóng khắp nơi. Ba cái buồng nhỏ vừa một cái giường, chưa bao giờ quét. Mạng nhện đầy tro, bụi, mồ hóng bám chằng chịt trên mái, trên các tấm phên làm vách. Đất lầm lên, rác rưởi ngập gầm giường và cả trên những cái giường không chiếu.
Cả làng đã đi gặt vắng. Chỉ còn một ông già, một người đàn bà bận con thơ, và một thằng bé mười một tuổi mũi quệt đất vẽ hề trên mặt. Thấy có người lạ đến, tất cả trốn vào rừng. Chúng tôi thấy nhà không. Nhưng một lát sau, nghe tiếng đồng chí Quân, người đàn bà ẵm con về tiếp chúng tôi. Thằng bé con cũng chạy về hếch mặt nhìn vào mặt chúng tôi một cách rất tò mò, khẽ chạm ngón tay vào tay áo tôi rồi vội rụt lại như ta sờ một con vật lạ để xem nó động tĩnh ra sao, rồi lè lưỡi ra một cái, cười nhăn nhó cả mặt nhưng không thành tiếng. Một hôm sau tôi mới biết cái điệu lè lưỡi và cười câm ấy cũng thịnh hành ở nó chẳng kém gì tiếng thở dài của đồng chí Vân Hương. Cho tận đến lúc đó, tôi không nghe thấy nó nói lần nào. Không hiểu có phải nó câm không. Người đàn bà không biết tiếng Thổ. Đồng chí Quân đưa chúng tôi đến cái nhà ở trên cùng, gặp ông già đã lò dò ở bụi rậm chui ra. Quân gọi ông là ké Xếch. Nói gì ông cũng chỉ cười. Quân bảo, mới biết ông ta điếc. Chẳng chuyện trò gì được với ông. Đồng chí Quân cứ tự tiện đưa chúng tôi đi xem cả ba nhà và bảo chúng tôi tùy ý muốn ở nhà nào cũng được. Chúng tôi chọn cái nhà đầu tức là cái nhà ngoài phòng chính hình thước thợ, còn có ba phòng nhỏ tả ở đoạn trên. Nó rộng rãi nhất và sạch nhất.
Ngay từ sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu chuyển vận gạo, muối, đồ dùng từ đằng nhà ông ké Nhàn sang. Vẫn không thấy chủ nhà nhưng nhà đã được dọn sạch sẽ hơn. Chúng tôi chỉ cần quét dọn thêm một lượt nữa là ở cũng tạm được rồi.
Chủ nhà tên gọi là Kinh, anh ta đi rừng, đi ruộng suốt ngày. Vợ anh ta ngủ ở cơ. Từ hôm chúng tôi đến, anh cũng ngủ cơ. Thỉnh thoảng mới về nhà một hôm, vác theo một đoạn cây chuối thật to. Anh ta kê đoạn chuối nghiêng nghiêng, cưỡi lên trên, mồm ngậm một cái tẩu thuốc lá bằng đồng lấy một cái cán làm bằng một đoạn cành tre, cả hai tay cầm một con dao dài và mỏng xoèn xoẹt thái cây chuối rất nhanh, rất nhẹn. Thái xong, anh hót tất cả, cho vào một cái chảo to đặt trên lò, đổ nước vào ninh. Anh ninh suốt một ngày cho cây chuối nhừ tươm. Thế là thành ruốc mu, nấu một ngày đủ cho lợn ăn năm ngày. Lúc cho ăn, chỉ cần vầy với nước, rắc thêm vài nắm cám như rắc hạt tiêu. Thức ăn chỉ có vậy, nên phân người là mỹ vị đối với tu mu (con lợn). Mỗi buổi sáng ra ngồi ở gốc cây, phải cầm một cái roi để xua chúng nó đi. Lợn lớn, lợn con chực ở chung quanh, hầm hè nhau, liều chết xông vào, xộc ăn toang toác. Chúng nó tranh nhau, cắn nhau như chó vậy. Lại còn trâu! Một khám phá đối với chúng tôi, cứ thấy người ta đứng vén quần là các chú tu vài (con trâu) nghênh ngang hai cái sừng đến, hếch mõm lên nhìn và đợi. Dòng nước tiểu tía ra, các chú tranh nhau há mõm, lè lưỡi, đón lấy uống, thở phì phì.
Nước tiểu vào cả mũi. Xong rồi, còn chũi mõm, liếm những giọt vương trên đất. Mới đầu, tôi tưởng trên núi xa nước nên chúng nó khát. Nhưng trước cửa nhà, có những vũng nước đầm đìa mà trâu không uống. Có lẽ trâu thèm chất muối.
Muối trên này quý lắm. Chúng tôi cho mỗi nhà một bát. Họ rất mừng. Thế mà muối chúng tôi để ở nhà họ có hàng bồ, họ không động đến bao giờ. Có lần chúng tôi đi vắng mấy ngày luôn. Lúc về thấy thằng Hùng – Lý Kỳ Hùng – con ông ké Xếch, mách với chúng tôi, vợ anh Kim, người đàn bà có đôi mắt to và môi nở như đầm thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy về nhà, hết muối ăn, định lấy muối của chúng tôi.
Kể chị ta có lấy cũng chẳng sao, vì chúng tôi đã dặn anh ta khi cần thì cứ lấy mà ăn. Nhưng người chồng bảo vợ: “Việt Nam độc lập, không ăn trộm của nhau”. Và vợ chồng nhà anh ăn cơm nhạt.
Anh ở nhà bên cạnh cũng tên là Kim. Kim này đã đi giao thông hồi bí mật. Chiều chiều, tôi nghe thấy anh hát Tiến quân ca. Gần đúng giọng, nhưng mất chữ luôn. Anh là bố thằng bé hay lè lưỡi và là anh ruột Nhình Pin. Cô con gái cho chúng tôi dưa hôm nọ.
Nhình Pin vẫn hay đỏ mặt. Chị hay nói chuyện với Tư. Một lần chị cho Tư mấy bắp ngô. Tư không lấy, bởi vì thấy một lần hỏi mua, chị không chịu lấy tiền. Chị hỏi Tư:
– Ngô già, có phải không?
Tư không để ý đến câu nói ấy. Nhưng chiều hôm ấy khi chúng tôi ngồi quây quần với ông ké Xếch và hai đồng chí Kim, cùng nướng ngô ăn. Tư kêu ngô già thì ông ké Xếch cười mà bảo:
– Ngô không già, người già
Hai anh Kim cùng cười to. Tư bỗng sinh ngờ. Một lối nói tình tứ chăng?
Nếu Tư đi là tôi với Khang gặp khó khăn ngay. Bởi vì ở Vàng Kheo người ta không biết tiếng Kinh. Tiếng “Tày” cũng biết ít thôi. Chúng tôi cũng chẳng biết được bao nhiêu. Họ nói hơi dài, ngoài mấy tiếng thường dùng, là mình ngẩn mặt ra. Mình nói, họ cũng lắc đầu: nắm chắc! (không biết!). Nhưng hỏi đến cụ Hồ thì ai cũng chắc (biết). Chắc cả đồng chí Văn (tức là đại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Thạch.
Vì không nói cho họ hiểu được, mới đầu Khang với tôi cứ ăn cơm muối tràn. Hỏi mua gì họ cũng năm mi (không có) về sau học được lối của Tư: muốn gì, cứ bảo họ pày đông (đi rừng) hay pây cơ du hở khỏi (đi cơ lấy cho tôi). Quả nhiên có rau ăn. Họ bán rất rẻ, ít thì cho không, không chịu lấy tiền. Rau cải luộc chấm muối, ăn mãi cũng chán mồm. Tôi phát minh ra lối nấu canh rau cải với muối và nước lã, cho thêm một ít gừng. Cũng tốt. Gà cu, thịt dai như thịt trâu cũng không mua được. Ở đây nuôi gà đến lúc nó hết sức lớn rồi cũng không chịu bán đi, nuôi gà nhỏ cho có lãi. Những cụ gà già, phú quý ra thì con cháu tế thượng thọ cũng đáng rồi, vẫn được sống như thường. Họ nuôi, như để làm cảnh vậy.
Cũng may mà mật ong thì được ăn luôn. Có lần mua được của một người đi giao thông cả một cái tổ ong, anh ta gặp ở rừng, dúm lá đem về. Cầm cả cái hoai mà ăn, thú vô cùng. Có khi ăn cơm trộn mật ong. Thuốc lá Mán tẩm mật ong, hút thì ngon tuyệt. Chẳng bao lâu, Khang và tôi đã nổi tiếng khắp mấy làng Mán là những thằng đốt thuốc lá chứ không phải là hút nữa.
Một cái thú nữa ở Vàng Kheo là đi tắm. Quãng suối chảy xiết, đá sỏi trắng và vàng óng ánh dưới lòng. Những hòn đá tròn trĩnh nhẵn nhụi để ngồi. Có một chỗ, những tảng đá kết chung quanh thành một cái bồn ngồi lọt cả người. Một thác nước trắng xóa đổ trên đầu. Nước rất trong. Mặc dầu trời lạnh, ngày nào tôi cũng đến chỗ ấy tập thể thao, rồi nhoai người xoai xoải dưới thác nước cho nước chảy từ cổ đến chân. Khoái lắm!
Nhưng từ nhà đến suối, phải đi qua một cái hốc chừng vài trăm thước. Mỗi ngày trèo mấy lượt có mệt thật, nhưng lấy làm thích vì đó cũng là một cách vận động để cho đùi to ra. Càng thấy phải khuân vác, phải vất vả, càng vui. Cách mạng đã đổi hẳn óc mình. Kháng chiến chẳng những làm già dặn thêm khối óc đã đổi mới kia, còn thay đổi ngay chính thân thể mình, một ngày kia khi trở về!…
1-11-47 – Trong khi đợi anh em công nhân thu xếp cơ quan in, Khang và tôi in đá. Nhưng mới làm việc được độ một tuần thì Tư lại lên, bàn nên thiên lại chỗ nhà đồng chí Chẩn, liên lạc ở dưới tiện hơn.
Lại chuyển vận gạo, muối, vải, đá luôn hai ngày. Mình khuân vác đã khá khỏe rồi. Đi núi, cũng nhanh hơn, đỡ mệt hơn. Đường đi đến nhà đồng chí Chẩn, bây giờ mình thấy thường rồi. Nhưng đường lên cơ thì thật là cơ cực. Hoàn toàn không có đường đi. Dốc chết người. Nhiều chỗ phải bám lấy cây, đánh đu lên. Thế mà mình vẫn đeo nửa bị dó gạo, cố đi cho bằng được. Đi ba, bốn chuyến liền, mỗi chuyến vừa lên vừa xuống đến một giờ. Lúc này mình mới biết được sức của mình. Thì ra mình cũng khỏe chẳng kém gì ai. Thường thường, người ta chưa bao giờ dùng đến tất cả sức lực của mình. Một phần khả năng của người ta vẫn bỏ phí hoài, đến nỗi ta không biết rằng ta có nó. Tôi thấy rằng sau kháng chiến, nếu tôi thích đi cày, đi cuốc hơn cầm bút, tôi có thể đi cày, đi cuốc được. Cực nhọc không đáng sợ.
Anh bạn hỡi! Hôm đi Phú Thọ, mới phải ngồi thuyền chật, anh đã cằn nhằn suốt cuộc hành trình. Anh thật là thảm hại!
Thiên ơi! Cha sẽ mạnh dạn ném con vào cuộc đời và cuộc đời sẽ luyện cho con chóng hơn cha luyện.
Con sẽ không chết. Con sẽ thành cứng rắn.
Tôi nghĩ đến Liên. Vợ tôi từ trước đến nay chưa bao giờ rời quê hương. Làng tôi, địch chiếm rồi. Liên đã tay bồng tay dắt, bỏ nhà cửa vườn đất, đưa con nhỏ và một bị quần áo ra đi. Tôi đã bỏ liều Liên ở một chỗ đối với Liên hoàn toàn xa lạ, Liên có oán tôi chăng? Riêng tôi, mặc dầu có thương Liên, tôi vẫn đinh ninh rằng Liên sẽ chẳng chết đói đâu. Liên sẽ đổi, như tôi đã đổi. Phải bơi mới biết rằng mình bơi khỏe. Và thật ra, ai cũng bơi được cả.
2-11-47 – Đêm qua, hơi đau mình mẩy. Nửa đêm trăng sáng. Dậy uống nước rồi thao thức mãi không ngủ được. Gần sáng, lạnh.
Sáng dậy, cơm nước xong rồi đi chặt tre, chặt cây về điểm lại nhà. Nhà: lán bí mật của đồng chí Chẩn, đứng giữa hai lán nữa. Vừa bằng một cái quán bán báo Tết ở Sài Gòn. Cành cây làm cột, buộc sơ sài. Mái lợp bương tươi, trông đẹp. Sàn hơi thấp, bằng một cái giường to. Cạnh sàn, một khoảng đất trống chạy từ cửa nọ sang cửa kia, dùng làm bếp. Hai người ở vừa thích.
Lán bên cạnh: ba đứa trẻ con, một anh Mán. Tội nghiệp! Anh ta sốt rét nặng quá rồi. Bụng báng to phình. Mặt phù. Chân tay phù. Da bủng và mốc meo. Mấy hôm sau, biết tên anh, chúng tôi gọi anh là đồng chí Minh. Anh ốm quá, không đi làm được, nên lên lán ở với mấy đứa con. Sang chơi bên lán chúng tôi, anh ta chỉ ngồi lừ thừ nhìn chúng tôi làm việc, mồm ngậm một cái tẩu giống như cái tẩu của Kim, thong thả hút và thở khói. Hiếm họa lắm anh ta mới nói. Tiếng anh rạn vỡ.
Làm được một cái giá để giầy, ba lô, sách vở, một cái nữa để bát đĩa, thức ăn, vừa lát tre chung quanh cái bếp để chân cho sạch xong thì vừa trưa. Buổi chiều, nghỉ ngơi cho lại sức. Mình định đọc sách. Nhưng viết nhật ký xong thì đã gần hết chiều rồi. Ngày nào cũng ngắn, vì mình muốn làm việc nhiều quá.
Đồng chí Chẩn mang một cuộn giấy và một cái chải lên để chúng tôi dùng, cho biết Tư bị sốt. Có lẽ vì hôm qua anh chàng làm gắng quá.
3-11-47 – Tư chỉ mệt xoàng, không sốt. Anh vẫn đi tìm một con đường bí mật đi xuống cơ quan dưới. Cơm chiều xong, tôi đi rửa bát về thì Khang, đang đọc mảnh giấy nhỏ Tư gửi bà mẹ Chẩn lên. Tối nào, bà cũng đèo thằng con mồ côi của Chẩn lên lán ngủ. Cùng với bức thư, bà cụ còn đem cho chúng tôi củi – Tội nghiệp! Củi ở trên này có thiếu gì! – Một mớ rau bí, hai quả bí ngô non, bốn củ sắn và một cái bị của Tư. Trong bị, ngoài mấy đồ dùng lặt vặt để in đá, có một cái chân giò. Thế có bực mình không? Lúc nãy, ăn nửa bát hết vừng, tôi tức mình rang hẳn một bát để ăn cả ngày mai. Khang thái thịt ra, kho với nước lã và muối, để ăn dè. Xương cho vào nồi với một nắm gạo ninh nhừ để sáng mai ăn.
Ông láng giềng tốt bụng, sợ đêm chó nhà ông ăn mất thịt của hai đồng chí, sang tận nơi dặn cất vào trong cho cẩn thận. Nhưng Khang đã cẩn thận lắm rồi. Liễn thịt để trên cao. Nồi cháo bắc xuống cạnh đống than, đã bịt lá lên trên vung và buộc chặt còn phủ một lượt tre tươi và đè những súc củi nặng trình trịch lên trên. Anh chó chắc phải rất sầu đời! Khang hứa sáng hôm sau sẽ cho một bữa xương xứng đáng. Nhưng sáng hôm sau, nó theo bào cụ về nhà. Đen nó quá!
Hôm nay, lạnh ngay từ chập tối. Chúng tôi đốt một đống lửa to, nhưng về khuya tắt mất. Cái chăn hơi hẹp, hai thằng nằm co quắp, xương đau mỏi.
Thức giấc, nghe gió thổi ào ào. Trăng xiên qua kẽ mái, qua bức phên thưa, lọt vào nhà. Tôi dậy thổi lửa, mũi hít phải tro. Sờ bếp, lạnh. Đành lại vào màn nằm đắp chăn, nhưng không sao ngủ được. Nghĩ lăng quăng. Vợ con. Bà cụ nhà Chẩn. Gia đình anh ta. Người Mán…
Băn khoăn rất nhiều đến thằng con đồng chí Chẩn. Nó gầy như một con nhái bén, mềm như một lá rau úa, suốt ngày vắt trên lưng bà cụ, trong khi bà cụ đun bếp cũng như lúc đi lấy nước, nhặt củi hay vò lúa.
Mẹ chết sớm. Có lẽ bà nuôi nó từ thủa mới sinh. Mỗi lần bà mớm cơm cho nó, tôi thấy nó khóc, sặc, ho rũ rượi. Không sữa, lại mang trong máu bao nhiêu vi trùng sốt rét rừng, thằng bé quặt quẹo và thiểu não. Nó sống được cũng là sự lạ.
Bố nó năm nay hăm tám tuổi. Trông anh già hơn thế. Từ hôm có chiến sự ở đây, không ngày nào không có người đến nhà anh tạm trú và nhờ dẫn lối. Anh tốt lắm. Một lần dẫn Tư đến một địa điểm kia, ngờ có Tây ở đó rồi, anh bắt Tư đứng chờ ở ngoài để anh một mình vào thăm dò trước. “Đồng chí vào, tôi không yên lòng!”, anh bảo Tư như vậy.
Một lần Tư hỏi anh
Sợ Tây không?
Không sợ!
Súng kíp bắn Tây chết không?
Chết chứ!
Sao đồng chí không đi đánh Tây?
Người Thổ không lên rủ.
Anh đợi người Thổ lên rủ đi đánh Tây, như rủ đi săn chung một con gấu vậy.
Anh có một em trai, đồng chí Bảo, hăm hai tuổi. Biết nhiều tiếng Kinh hơn tất cả những người khác ở đây. Đọc được chữ quốc ngữ và dạy được cả cho anh đọc. Bảo bị gấu vồ, hôm chúng tôi mới đến, anh đã gần lành. Nhưng vẫn ăn kiêng, ăn cơm nguyên với muối ớt, không dám chạm đũa đến món trứng tráng lẫn đậu nành đồng chí Chẩn chính tay làm để thết chúng tôi. Thường thường, chẳng ăn kiêng thì món ăn cũng chỉ có muối ớt thôi. Cơm gạo rẫy thổi nát, ăn dẻo như cơm nếp, nhưng chóng ngán. Họ quen thổi một bữa, nắm một nửa cất đi để bữa sau ăn. Họ ăn chậm rãi và ăn rất ít. Không dám ăn nhiều hay sức chỉ ăn được thế? Đời sống như vậy, chống lại với vi trùng sốt rét thế nào? Nếu nước mình không độc lập, đời sống của họ không được nâng cao, họ sẽ chết mòn hết mất thôi. Trông những làng Mán xơ xác, lèo tèo, buồn như một cái gì sắp tắt.
Thế mà người Mán tốt. Nhắc lại chuyện những nhà cách mạng hoạt động ở đây hồi bí mật, người vợ
Triệu Vân Hương luôn luôn bảo với Tư:
– Càn cách mạng khổ lai! (Người cách mạng khổ lắm!).
Chị cảm động nhắc lại lời của một đồng chí bảo chị ngày xưa:
– Người Mán đừng giết người cách mạng, đừng bắt người cách mạng nộp cho Tây nhé!
Người Mán không bắt người cách mạng. Người Mán đã cưu mang người cách mạng. Họ nhịn ăn, giấu cơm đem cho người cách mạng ăn. Tây mà bắt được cơm ấy thì họ mất đầu. Nhưng họ vẫn ủng hộ cách mạng như thường. Tôi nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nói chuyện với tôi.
Nếu khởi nghĩa chậm một tháng, cả một làng Mán sẽ chết đói vì nhịn ăn ủng hộ một đội quân giải phóng.
Cứ xem cách họ săn sóc chúng tôi, đủ biết họ có cảm tình với cách mạng thế nào… Thấy Khang cựa mình, tôi biết anh cũng thức dậy rồi. Tôi nói những ý nghĩ đang nghĩ ngợi với anh. Anh cũng ca tụng những nhà cách mạng say mê đã rọi ánh sáng giác ngộ vào tận rừng sâu, nhóm nổi ngọn lửa đấu tranh trong tâm hồn chất phác của những người gần như chưa có ý thức gì về xã hội. Những người ấy, trước kia xa lánh mọi người. Bây giờ họ cũng nói đến Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh
phúc, cũng biết Pháp dân chủ và Pháp thực dân, cũng treo ảnh cụ Hồ và viết khẩu hiện dán lên phên, cũng đi dự mít tinh và khai hội.
Một buổi tối chung quanh bếp lửa, chúng tôi với anh em đồng chí Chẩn dạy nhau học lẫn tiếng của nhau. Tôi chỉ vào cái nồi đồng hỏi:
Cằng Tầy, cẳng ca lăng? (Tiếng Thổ gọi là gì?)
Mỏ toòng: Cẳng heo? (Nồi đồng, tiếng Kinh gọi là gì?)
Cẳng keo: Nồi đồng (Tiếng Kinh nói: Nồi đồng)
Anh dán to mắt nhìn tôi. Nồi đồng? Thế còn anh? Sao người ta lại gọi là hội đồng nhân dân?
Thật ngây ngô! Nhưng con người “ngây ngô” ấy đã ăn củ cả hàng tháng để nhường gạo cho những người cách mạng. Cả gia đình anh, cả làng anh, mọi người trìu mến, săn sóc, bảo vệ, chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi, cũng chỉ vì coi cúng tôi là những người cách mạng.
Nghĩ như vậy, tôi thấy rất phàn nàn về một bọn người xuôi qua đây, ngủ nhờ một đêm ở làng này. Họ tranh nhau, đòi mua hết thức nọ đến thức kia, người ta không muốn bán cũng cố vật nài. Trả tiền thì rẻ. Lúc ăn người ta ăn, người không có ngồi nhìn. Ăn xong, bày bừa ra nhà, phóng uế bừa bãi ở quanh nhà. Lúc đi, đem cả bát của nhà người ta đi.
Sau khi họ đi rồi, đồng chí Bảo bảo chúng tôi:
Nó không đoàn kết. Nó là cái đàn bò! Và anh nói những điều nhận xét của anh:
Các đồng chí với “bọn khỏi” (bọn tôi) tốt. Các đồng chí ăn, bọn khỏi ăn. Nhưng người kia không tốt. Người nào có ăn. Người không có, không được ăn. Không “đàn kết”.
Chúng tôi đỏ mặt, bởi vì chúng tôi thấy nhục lây. Nhưng nghĩ kĩ, chẳng qua bọn này vụng xử đấy thôi. Họ không chịu luôn luôn nhớ rằng dân chúng rất chú ý nhìn vào họ để phán đoán về tinh thần của người miền xuôi. Chúng tôi cố giải thích cho Bảo hiểu họ chỉ là số ít. Bảo gật đầu:
Đâu cũng thế. Có người tốt, có người không tốt. Người Mán cũng có người không tốt. Hồi bí mật, cũng có người Mán bắt người cách mạng nộp cho Tây. Người giác ngộ thì tốt.
Gần gũi với những người Mán đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành sốt sắng và tận tụy, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng. So sánh họ với mấy thằng “bố vấu” mà Khang gọi là trí thức nửa mùa, Khang rất bất bình đối với hạng này. Chúng nó chẳng yêu một cái gì, chẳng làm gì. Chúng nó chỉ tài chửi đổng.
4-11-47 – Mở mắt ra, trăng lấp ló qua kẽ mái bên mặt. Lạnh, gió to, nghe ở lán bên cạnh có tiếng thổi lửa phù phù, chúng tôi cũng thức dậy đốt lửa cho đỡ rét.
– Dên lai! (Rét lắm!)
Khang kêu lên thế. Mấy người đàn bà ở lán bên cười, nhắc lại
– Dên lai!
Nướng mấy củ sắn, ăn xong vừa sáng hẳn. Sau khi rửa ráy, Khang mài đá, mài mực viết. Tôi ghi nhật ký. Gà bay loạn xạ, kêu quang quác ở chung quanh. Có tiếng máy rền: ô tô hay máy bay?
Có lẽ Tư đi Píc Cáy, hay đi hội nghị tỉnh ở Lùng Trang? Nếu ở nhà, thế nào chẳng lên. Định để ngày nay đọc sách. Nhưng chẳng biết có thì giờ đọc không. Lát nữa phải đi chặt củi, sắp sửa thổi nấu ăn. Rồi gì nữa? Có lẽ cũng nên hạ sơn, lấy thêm gạo hay một thứ gì để luyện chân cho dẻo.
6-11-47 – Đêm qua, thằng bé bên cạnh khóc, nghe giống Thành khóc quá! Buồn… Nhớ con!
Sáng nay, trời u ám. Tập thể thao và tắm xong, trời hơi mưa. Đọc nốt một quyển sách nói về Liên Xô.
Đẹp đẽ biết bao công trình xây dựng của nước Xô viết đầu tiên ấy.
Hai thằng xuống nhà đồng chí Chẩn lấy gạo. Bà cụ nhìn khắp nhà, chẳng tìm được thức gì cho, đong cho một ống gạo rẫy và đưa cho một củ gừng. Lên lán được một lúc thì mưa to. Rừng có bao nhiêu lá! Lá rừng rên rỉ dưới những giọt mưa tới tấp. Thanh âm rậm và buồn.
12-11-47 – Tư gửi một con vịt lên, rồi lên định ở với chúng tôi vài ngày. Tôi lấy làm ưng ý vì thấy mình tự nhiên thành một tay đầu bếp khá. Pha thịt gọn. Rán thịt khéo. Thổi cơm nếp đậu xanh không nát. Món bí ngô nấu với đậu xanh và gạo nếp để làm món ăn tráng miệng, anh em cho là tuyệt lắm. Làm bếp thành một cái thú. Tôi là tay bếp trên “cơ quan Một” này. tô giặc chạy rầm rập dưới đường. Súng nổ nhiều. Lắm lúc nghe như ngay ở chân núi chúng tôi. Nhưng Tư bảo: thật ra còn cách những năm quả núi. Chúng tôi cứ ung dung hút thuốc và nói chuyện.
Bỗng Noọng Liễu, em gái Chẩn và Bảo, lên tìm Tư xuống. Có người muốn gặp. Cơ quan dưới đã gặp sự gì chẳng hay chăng? Chúng tôi rất nóng ruột, vì công việc xếp đặt mãi chưa xong. Tờ báo định ra vẫn chưa ra được. Cơ quan “nhận tin” cũng chưa bắt đầu làm việc được. Hàng tháng nay, chỉ biết ít tin tức quanh vùng, do Tư liên lạc với các cơ quan địa phương, lấy về. Một tiểu đoàn hoạt động ở quãng này. Một đại đội luôn luôn chú ý bảo vệ mấy cơ quan, trong đó có cả cơ quan của chúng tôi. Địch chết lẻ tẻ khá nhiều, nghe chừng chúng chẳng ăn thua gì cả. Ta chặn giữ, chúng không tiến được. Mặt Cao Bằng nhờ mượn đường của Tàu[3] để tiến, chúng lợi thế hơn, nhưng cũng bị mấy vố điếng người rồi.
chợ Mới, chợ Đồn, chúng nó thiệt nhiều. Đánh Việt Bắc quả là chẳng dễ. Mình hở cơ tí chút, một vài cơ quan bị thiệt hại ít nhiều. Thế thôi!
Người tìm Tư chỉ là một chú giao thông, nghe súng sợ tái mặt chạy một mạch lên đây. Tư cáu lắm. Không thể nhút nhát, hoảng hốt như thế được. Cơ quan đặt sát địch, cần những người gan dạ, luôn bình tĩnh. Tư tin rằng địch không dám tiến vào chỗ cơ quan dưới.
Anh lại lên họp mặt với chúng tôi. Cơm chiều xong, đốt lửa. Đốt lửa thật to rồi nằm nhìn, đó là một cái thú mới của chúng tôi. Hôm nào ấm, không đốt lửa được, hơi buồn. Ba thằng nằm, hát bố láo đủ mọi thứ bài, từ cổ chí kim. Nhiều bài chỉ nhớ một vài câu. Lũ trẻ bên cạnh cùng hát với chúng tôi. Chúng thuộc một bài điệu lạ chúng tôi không biết, một bài nữa theo điệu Hướng đạo sinh tạm biệt chúng tôi có thể hòa theo bằng lời riêng của chúng tôi, mấy câu trong bài Hồ Chí Minh muôn năm và trọn bài Tiến quân ca, thành thử gặp nhau nhiều nhất, chỉ ở bài Quốc ca.
Quên chưa nói rằng: tối hôm nay, hàng xóm đông hơn. Có lẽ vì tiếng súng nổ dữ lúc ban chiều. Thêm ba đứa trẻ nữa. Và bà cụ nhà đồng chí Quân.
Thằng con đồng chí Quân mặt mũi sáng sủa nhưng bẩn lắm. Những đứa kia cũng bẩn. Riêng con Pú, ở với chúng tôi luôn, đã theo chúng tôi rửa mặt hàng ngày và rửa cả cho thằng Lý, em trai nó, cho nên hai đứa sạch sẽ hơn. Chúng nó cởi truồng. Con gái cũng vậy tuy đội khăn và đeo vòng, nhẫn. Có đứa trần truồng ngồi sưởi, mặc dầu trời rét. Quần áo thiếu.
Họ cho chúng tôi gạo nếp, bánh chưng, chanh, sắn, bí, rau. Ai có gì cho thức ấy. Họ cho luôn. Chúng tôi có gì ở dưới gửi lên cho, cũng cho lại họ. Thân mật như người nhà. Nhiều khi con Pú nấu đậu nành, cũng đong cho chúng tôi một bát. Cười, lẳng lặng đưa, không nói, bởi vì nó không biết tiếng Thổ. Lần đầu, cầm cho vui lòng nó.
Hát, đùa với lũ trẻ một lúc, thấy mệt và buồn. Tư nghĩ đến làng, đến những nơi làng quê ngày trước đi gặp gỡ người yêu. Khang nghĩ đến Hà Nội, ánh sáng của Nhà hát lớn, sân khấu, người xem. Tôi, đến vợ con. Những ngày nghèo khổ sống bên nhau. Ngày trở về, gặp nhau… Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy một cái… Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi mặt vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng. Nghĩ đến những lúc ở nhà, mình mắng mỏ con Hồng, thương nó quá… Nghĩ loăng quăng, đôi lúc nhớ đến Sâm. Ôi! Thằng đàn ông!…
13-11-47 – Tư đổi ý. Anh sốt ruột. Anh không thể ngồi đây nghỉ vài hôm như đã định. Cơm sáng rồi anh đi.
Khang và tôi bắt đầu in truyền đơn cho cô Vẩu. Chúng tôi gọi đùa chị là cô Vẩu. Hơi vẩu thật, nhưng thùy mị và nhanh nhẹn. Con nhà đặc! Người mảnh khảnh, da trắng xanh, đã sốt rét nhiều, nhưng say mê công tác, có tư cách và hăng hái lắm. Chị thuộc vào lớp cán bộ đầu tiên, xung phong lên Việt Bắc. Đồng bào địa phương rất mến.
Bóc tờ giấy ở phiến đá lên, Khang có vẻ vừa ý lắm.
– Rõ và đẹp lắm. Cô Vẩu tha hồ thích nhé!
Giọng anh âu yếm. Lần đầu tiên tôi thấy anh như vậy. Quen anh rất lâu, tôi chưa nghe thấy anh nói chuyện trai gái bao giờ. Người họa sĩ đã ngoài ba mươi tuổi ấy hình như chưa bao giờ nghĩ đến tình. Anh ghét vẽ đàn bà. Đứng trước một phụ nữ, mặt anh lạnh như tiền. Nói như Tư thì giáp mặt mỹ nhân, mấy cái râu chuột trên mép không hề động đậy. Cảnh hiu quạnh hay cái gì đã xui dại anh buột miệng nói ra câu nói êm ái ấy! Tôi cười nụ.
Chúng tôi vừa in vừa cắn hạt bí bà cụ Quân cho. Bà cụ sang xem chúng tôi in, nói chuyện. Người phúc hậu, mặt đẹp. Hay chuyện. Âu yếm cháu.
Buổi chiều, thấy chúng tôi không có rau ăn, chỉ có một ít nấu canh lõng bõng, bà ái ngại. Bà chạy vào rừng, lấy về một cái hoa chuối và một nắm lá gì trông giống lá ngội. Bà gọi là “phiếu phan” – rau phan vậy. Bà bảo chúng tôi đợi bà xào cho một bát. Ăn hơi chát, vì hoa chuối không luộc trước. Cũng cứ khen là ngon đi! Một lần Chẩn mời ăn thịt chuột nướng rồi nấu với muối và nước lã. Tư cũng gắp ăn không nhăn mặt và khen ngon.
Tối nay, nôn nao và mệt rũ. Làm nhiều? Hút thuốc lá nhiều? Hay say hạt bí?… Đi nằm sớm, chuyện lẻ tẻ. Lửa tắt cũng không buồn dậy thổi. Nhưng một lúc sau, buồn quá, tôi lại dậy thổi lửa, chất thêm củi cho cháy thật to, cuộn thêm một điếu thuốc lá nữa, trầm ngâm hút. Có lửa, vui hơn một chút.
Con hươu lại kêu. Nó kêu luôn mấy đêm rồi. Tiếng man rợ và thảm thiết. Nghe gần lắm, sao không ai đi bắn nó?
14-11-47 – Trẻ con người lớn lại xuống hết cả, trừ con Pú, thằng Lý và thằng em chúng nó, địu trên lưng con Pú. Vắng, thức ăn hết. Cơm gạo tẻ trộn lẫn đậu xanh rắc vừng. Tư và Khang vẫn gọi đùa tôi là bác sĩ, vì khi ăn tôi hay tính xem bữa ăn có đủ chất bổ không. Thiếu thịt tôi cố tìm đậu để thay. Chất mỡ ở vừng. Đủ lắm.
Hôm nay nghỉ in li-tô, đọc sách. Tôi muốn nhân lúc này, học thật nhiều, để có đủ một số vốn tri thức giúp tôi khi cần có thể trông coi một tờ tuần báo chẳng hạn.
Chiều nay lại nôn nao và mỏi mệt. Viết nhiều? Thuốc lá? Ký ninh vàng? Đói? Hay là thể thao nặng quá?
15-11-47 – Đêm qua, bà ké Chẩn ho nhiều, rên và lảm nhảm nói mê luôn. Thằng bé con anh Chẩn ho rũ rượi, ho như xé phổi, không còn khóc được.
Sáng nay, súng liên thanh nổ ran. Chừng hơn chục phát đại bác tiếp theo. Nghe rất gần, súng tắt một lúc, có tiếng động cơ.
Trời giở mưa. Con Pú mải mốt cầm dao đi chặt lá chuối về che lán. Em vẫn địu ở trên lưng. Con bé mới tám, chín tuổi mà làm đủ việc: kiếm củi, thổi cơm, giữ hai em. Nó là nội trợ. Bố mẹ nó đi ruộng, đi rẫy suốt ngày. Nó phải quán xuyến tất cả các công việc ở nhà. Đứa em bé không lúc nào rời lưng nó, có thể vẫn ngủ lắc lư cái đầu ngoẹo xuống hết bên nọ đến bên kia trong khi con chị làm các việc, kể cả việc chặt những cành cây súc. Thằng em lớn muốn khóc lúc nào thì khóc, rồi khắc lặng. Mới độ ba, bốn tuổi, nó đã và cơm lấy. Tôi thấy nó gắp mấy miếng bí ngô xào, chấm muối ớt, rồi trộn vào bát cơm rẫy, lắm nhựa như cơm nếp. Trên này, ớt như muối vậy, trẻ con cũng ăn mà không xuýt xoa. Ớt nướng, có một cái vị hay hay, chúng tôi thích lắm.
Mưa. Mưa thì buồn. Nhà có thể dột. Rừng nhiều vắt. Lần mưa trước, tôi đã bị một con vắt chui vào tận háng lúc nào không biết, máu đầm đũng quần và chảy đến tận chiều mới cầm lại được.
19-11-47 – Nhiều lần chúng tôi bắt gặp lũ trẻ đọc khá đúng những bài đọc trong những quyển sách quốc ngữ của Bình dân học vụ. Tưởng chúng nó học, nhưng chạy sang xem, không có sách. Chúng nó đọc thuộc lòng. Chắc là nghe người lớn học. Ai? Chỉ có Bảo đã học hai mươi ngày ở cơ quan bí mật của cán bộ bên rừng Vang Kheo ngày trước.
Anh chàng ấy tối hôm qua lên chơi với chúng tôi. Nhân tiện mang cho chúng tôi cái va li xách chúng tôi chưa kịp đem lên. Lân la nói chuyện và Bảo nói nhỏ cho biết rằng cả nhà đồng chí Quân có ma gà. Có ma gà, không tốt. Hay “làm cắn” lắm. Đến nhà ai cũng “làm cắn”, không trẻ con thì trâu, bò, gà, lợn.
Ma gà là thế đấy! Người trên này, ai chẳng có vi trùng sốt rét trong người? Bệnh có thể đến bất cứ lúc nào. Ốm đột ngột là thường. Họ bảo ma làm.
Vô phúc cho anh, nếu luôn mấy lần, sau khi anh đến chơi nhà một người nào, tự nhiên một người trong nhà sinh ra ốm hay lợn, gà nhà ấy chết. Họ nhất định bảo nhà anh có ma gà. Tiếng dữ ấy đồn đi. Mọi người sợ anh, ghét anh, coi anh như người hủi. Có ma gà là một cái khổ, cái nhục của ông cha truyền lại. Không ai muốn có. Không ai muốn lấy vợ, lấy chồng có ma gà, như người không có mả hủi lấy những người mả hủi. Người ta cho rằng có ma gà thì phải cúng nó vào mỗi năm nhuận. Ít nhất phải cho nó vật chết một người hay một con gì, nếu không thì nó vật chết người nhà hay gà lợn của nhà.
Tôi hỏi:
Đồng chí Quân làm ma gà cắn tôi có được không? Bảo trả lời:
Muốn làm gì cũng được.
Ma gà cắn có chết không?
Trẻ con chết. Người lớn, cúng thì khỏi.
Thật là dễ hiểu. Trẻ con, sức chống bệnh yếu, dễ chết vì bệnh sốt. Người lớn khỏe và đã quen với bệnh hơn, ốm ốm, khỏi khỏi là thường. Cứ theo Bảo thì trong số những người Mán chúng tôi quen, có đến sáu, bảy người có ma gà. Tôi thấy họ đều rất hiền lành. Chưa ma gà, ma rừng nào cắn chúng tôi. Tôi cười, bảo người bạn Mán.
– Chúng tôi mới chập tối đã vào màn, mỗi tuần lại uống ba viên ký ninh vàng, ma không làm ốm được.
Cố nhiên là Bảo không tin. Trách gì anh? Chán người miền xuôi, học khoa học hẳn hoi, nhưng vẫn sợ ma gà đấy!
20-11-47 – Lớp này rau hiếm lắm. Mỗi lần lên, trông thấy chúng tôi, bà cụ lại cười ngượng nghịu:
– Nằm mì phiếc (Không có rau).
Bà có vẻ băn khoăn, bịn rịn vì nỗi không có gì để cho chúng tôi ăn. Chúng tôi cười bảo:
Cơm với muối cũng ngon, ké ạ! Bà cười:
– Cơm với muối, ăn khổ lắm. Các đồng chí ở đây, khổ lắm.
Hôm nay bà đem cho chúng tôi một dúm lớn đậu đen. Không giống hẳn đậu đen ở dưới xuôi. Hạt nhỏ hơn. Tôi hỏi nấu thế nào, bà không đủ tiếng để nói cho tôi hiểu. Khang bảo:
– Chắc lại như món đậu nành: rang qua, cho một tí mỡ vào, đổ nước rồi bỏ muối thôi chứ gì?
Mỡ cũng hết rồi. Tôi cho đậu với nước vào, đun dừ rồi bỏ muối. Chỉ có thế mà vẫn nuốt nổi năm, sáu bát cơm. Từ ngày chui vào rừng ở, phát minh ra nhiều món lạ!
Và cũng phát minh ra nhiều điều lạ nữa. Lạ nhất là chúng tôi thấy rừng núi chẳng có gì lạ cả! Hồi còn dưới xuôi, cứ nghe mấy ông hàng xóm đi bè về nói chuyện rừng rú, hổ báo, gấu, trăn là đủ rợn tóc gáy lên rồi. Mình tưởng lên đến rừng là phải ở nhà sàn thật cao, rào giậu kiên cố ở chung quanh, đi đâu phải đông người và phải mang theo cái thanh la để dọa hùm, đêm đến muốn đi đái cũng không dám mở cửa ra ngoài, đành cứ đứng trong nhà đái! Bây giờ chúng tôi ở những chỗ sâu thẳm trong rừng rậm, chót vót trên đỉnh núi. Nhà ở không bao giờ đóng cửa, vì không có cửa. Nhiều đêm chỉ có hai người. Đi đâu cũng chỉ có hai người, đôi khi lại chỉ một mình tôi. Hay chỉ một cái gậy nhỏ, để chống mà trèo núi chứ không phải để phòng thân. Thế mà vẫn ung dung như ở trong nhà mình, đi trong vườn nhà mình vậy. Mà “nhờ giời thương thánh độ”, cũng chưa một anh nào trong bọn chúng tôi được táng hàm hổ cả!
Anh chàng Khang ngạo mạn với các ngài chúa sơn lâm, thỉnh thoảng lại hỏi tôi:
Mẹ kiếp! Chúng nó đi đâu hết nhỉ? Ở rừng hàng nửa năm giời, chẳng trông thấy mặt chú cọp, chú beo nào cả!
Có đêm con Pú, thằng Lý và cả đến “con tằm lơ lơ” (con chó nhà Pú) cũng xuống nhà để “mo phi” (cúng ma) mà còn trơ lại hai thằng trên lán. Khang cười, bảo:
Quái lạ! Sao không có hồ ly tinh nào đến trêu chúng mình? Một lần tôi hỏi Bảo:
Rừng này có hổ không?
Đã lâu không thấy. Năm ngoái có bắn được một con.
Sao năm nay không thấy?
Không biết. Hôm nọ bên Píc Cáy bắn được một con. Nó về tha một con bò, người ta biết.
Có gấu không?
Nhiều lắm.
Sao không thấy?
Mùa rét nó ở nhà, không đi đường.
Không ra ngoài, nó lấy gì mà ăn?
Nó không ăn.
Không ăn, sao sống được?
Sống, nhưng nó không có mỡ. Đi ăn được, nó nhiều mỡ lắm. Mấy hôm sau, họ rủ nhau đi giết gấu. Tôi hỏi
Ở đâu?
Ở rẫy đồng chí Quân. Nó đến ăn ngô. Bẫy được.
Chẩn trả lời tôi vậy, rồi anh hỏi:
Đồng chí có thấy nó không?
Không
Nó đi qua lán đồng chí đấy.
Sao biết?
Xem vết chân. Nó ở trên núi đi qua đây để xuống rẫy đồng chí Quân. Nó ăn ngô. Ái chà! Nó ăn mất nhiều ngô lắm. Đêm nào cũng ăn.
Khang cười
Cũng lạ, người anh em toàn đi ăn mảnh. Qua nhà mà không vào rủ chúng mình cùng đi, làm mấy bắp nướng ăn.
Chúng tôi bảo nhau: từ rầy coi chừng, đêm lơ mơ ra ngoài mà có khi nát mặt. Nhưng chỉ giữ được mấy hôm, rồi lại cứ ra vào bạt mạng. Và tặc lưỡi.
– Bao nhiêu Giải phóng quân hồi trước, có thấy nói đến một người nào chết vì hùm, vì gấu đâu?
23-11-47 – Đang sốt ruột mãi chưa ra được báo thì Tư và Tâm lên. Hai cậu mang theo một con vịt, măng khô, một nắm thư, sách báo mới và tin tức.
Quý nhất là tin tức. Quân ta thắng lớn ở Sông Lô. Hạ máy bay ở Cao Bằng. Các mặt trận khác cũng lãi rất nhiều. Các anh em đã về đến cơ quan mới đều được vô sự và đã bắt đầu làm việc ngay.
vùng chúng tôi, địch đã bỏ mấy đồn. Ở những đồn còn giữ, chúng nó chỉ cố thủ, không dám xông xáo nữa. Tiếp tế hoàn toàn bằng máy bay.
Tình hình như vậy, chúng tôi phân tán lắm, chỉ mất thì giờ. Chúng tôi sắp hạ sơn để tiện việc hơn. Cơ quan dự bị.
Khang thấy sắp phải rời chỗ tu tiên, ngày nào cũng đem giá vẽ ra, chăm chú vẽ.
30-11-47 – Nhà in đã có thể bắt đầu làm việc được rồi. Cơ quan nhận tin điện cũng gần xong. Chúng tôi xuống nhà đồng chí Chẩn đã hai hôm, đợi ngày trở về làng. Nay mai, báo ra chúng tôi sẽ bận hơn. Có lẽ khá lâu không có thì giờ đến chơi đây. Chúng tôi muốn xuống ở hẳn với họ mấy hôm để được chuyện trò với họ nhiều hơn.
Tối hôm nay, ngồi quây quần chung quanh bếp lửa với gần đủ mặt cả làng, chúng tôi hỏi đồng chí Văn, đồng chí Tống[4]. Họ tả lại mấy trận đánh đồn. Họ hát lại những bài hát cách mạng hồi ấy cho chúng tôi nghe.
Chúng tôi nói với họ về miền xuôi, về Hà Nội, những ngày khởi nghĩa, về Trung Bộ, Nam Bộ, có ý cho họ hiểu nước mình rộng lớn thế nào, nhiều người nhiều của thế nào và họ thuộc vào một khối người dự vào một cái phong trào to lớn đến đâu. Chúng tôi nói với họ cả về thế giới, về phong trào cách mạng đang sôi nổi khắp từ Á sang Âu. Nói một cách thật giản dị, thật cụ thể thôi. Chúng tôi nói đến cụ Hồ nhiều lần cụ đi đêm. Đi đêm, những con đường dốc ngược, gồ ghề, quanh co và rậm rạp thế này? Thì ra chúng tôi mới chỉ là những anh chàng “con nhà” tập tọng sống cái đời gian khổ của những con người tranh đấu. Nỗi thiếu thốn vất vả của chúng tôi hiện nay chỉ như một hạt cát bụi bên cạnh trái núi lớn, nếu so với nỗi gian lao của những nhà cách mạng thời bí mật. Cuộc kháng chiến rồi đây có thể đẩy chúng tôi vào những hoàn cảnh khó khăn hơn hiện nay gấp nghìn lần. Nhưng chúng tôi không nản sợ một chút nào. Chúng tôi tin ở sức chịu đựng của chúng tôi và sự giúp đỡ, che chở của đồng bào. Khi mà ở tận chốn thâm sơn cùng cốc này, vẫn còn những người Mán sống nghèo khổ, lẻ tẻ, tha thiết với cách mạng và độc lập, tự do thì chúng tôi có quyền vững lòng và tin tưởng.
Câu chuyện mỗi lúc thêm náo nhiệt. Mắt những người Mán ngồi với chúng tôi sáng và nhanh nhẹn hẳn lên. Một cái gì như vừa thức dậy trong những tâm hồn rừng núi âm u. Chuẩn và Bảo hát vang. Họ bảo nhau: khi nào kháng chiến thành công sẽ kiếm tiền may mấy cái áo tốt, về dưới xuôi chơi. Triệu Vân Hương cũng hứng chí lên, nói toang toang. Anh ta hứa sẽ cố bắn một con hươu, lấy da may áo để mặc về Hà Nội.
Liên cũng tươi tỉnh hẳn lên. Cô thiếu nữ mảnh người như liễu ấy rất hay nhìn trộm Tư. Khi những tiếng cười nói đã ngớt rồi, cô rủ rỉ bảo Tư:
Kháng chiến thành công, đồng chí Tư giú nảy au mê cần đồng, thu mà (Kháng chiến thành công, đồng chí Tư ở đây rồi lấy vợ người Mán mà làm ruộng).
Muốn tránh tất cả những sự lôi thôi có thể làm cho chúng tôi đánh mất cảm tình của đồng bào địa phương, từ đấy mỗi lần ở đâu lâu, chúng tôi thường tìm cách khéo, cho mọi người biết tất cả chúng tôi đã có vợ, có con rồi. Nhưng khổ cho chúng tôi, những anh chàng trai trẻ vẫn khát khao chuyện yêu đương nhưng lại phải luôn luôn kiềm chế lòng mình! Các cô con gái Thổ da trắng đỏ, mắt rất xinh và cử chỉ hồn nhiên lại rất hay cười đùa, bảo chúng tôi
– Không phải đâu! Các anh ấy chưa có vợ! Việt Minh không lấy vợ.
Có những lúc con người cũ của chúng tôi chồm dậy, con người phóng túng và ích kỷ. Những lúc ấy là những lúc chúng tôi bảo nhau, nửa đùa cợt, nửa chua chát.
– Giá chúng mình không phải là Việt Minh!
Những cử chỉ đứng đắn, lễ độ của chúng tôi khiến mọi người chung quanh rất mến phục chúng tôi. Có người, khi nói chuyện với chúng tôi, đã đem cái tư cách gương mẫu của chúng tôi so sánh với những thằng Tây đồn ngày xưa, bắt các làng phải thay phiên nhau nộp cho nó mỗi ngày một cô con gái thật đẹp để hầu hạ nó và quạt cho nó ngủ. Chúng tôi lại càng thấy sự giữ gìn tư cách là cần lắm. Và mỗi khi gặp một người đẹp chỉ đành thở dài vụng thôi.
2-12-47 – Hôm nay xuống núi, cả làng Mán quyến luyến tiễn đưa. Nhà đồng chí Chẩn cho chanh, đậu nành với trứng gà. Bà ké nhà đồng chí Quân chạy theo, đưa cho một bó rau cải thật to. Đi được một quãng còn thấy thằng con trai đồng chí Minh đuổi theo, gọi ơi ới. Tưởng quên gì. Nhưng không. Nó vừa thở hồng hộc, vừa đưa cho một xâu gừng. Tuy đã “thồ” đủ mọi thứ nặng chết người, vẫn còn phải cầm tất, để cho vừa lòng họ. Mọi người bảo: bao giờ được nghỉ, các đồng chí lên chơi.
Chiều hôm sau, xuống đến chân núi. Những anh em đã lâu ngày chưa gặp chúng tôi, mới trông thấy chúng tôi, đều phải kêu lên. Họ cho rằng chúng tôi tu tiên đã gần đắc đạo, nghĩa là gần hóa ra gấu cả rồi. Tóc gần lấp cả vai, chờm xuống gáy. Da và quần áo ám khói, vàng khè, râu ria tua tủa. Chúng tôi có cảm giác như chợt đến một chỗ đông đúc, sáng sủa, văn minh lắm. Trông người nào người nấy cũng đẹp, quần áo ai cũng như mới cả. Đi đường ria núi, bờ ruộng đã cho là bằng phẳng lắm.
Hôm nay đi mượn cái “tông đơ” húi đầu lẫn cho nhau. Nhẹ hẳn người. Ra một cái suối thật to, ngụp cả đầu xuống gội. Khoái lắm, tuy rét tím cả da. Mặc quần áo mới đi về, thấy mình đã hoàn toàn lột xác. Gặp một chuỗi cô gái Thổ đi theo một ông già vào lán bí mật, mình chào:
Chào ông ké! Chào các đồng chí! Ông ké gật đầu “Ừ!”, các cô líu ríu.
Chào hai đồng chí!
Đồng chí đẹp lắm!
Các cô phá lên cười. Mình đỏ mặt lên, sướng tỉnh người. Tiếc rằng không tìm đâu ra một cái gương để xem mình có đẹp thật không. Nhưng ngay buổi chiều, tôi trở về biết rõ mình hơn. Bởi vì Tư cho rằng có đến quá nửa số anh em trong cơ quan được các cô khen là đẹp. Non nửa kia chưa được cái may mắn gặp một cô nào cả. Vai lệch lại trở về vai lệch!
2-3-48 – Từ hôm ra báo, bận nhiều việc quên hẳn việc ghi nhật ký. Và cũng chẳng có gì nhiều đáng ghi.
Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài. Từ bài “phòng” đến một cái tin vắn đều phải cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu, viết xong đưa cho một chú giao thông Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen, thay bằng chữ khác.
Đã từ lâu, tôi mong ước có một tờ báo nhỏ, hợp trình độ của người mới biết đọc, nghĩa là với số đông.
Trước ngày kháng chiến toàn quốc ít lâu, tôi đã bỏ Hà Nội về một tỉnh nhỏ để làm một cuộc xem sao. Dịp may mắn cho tôi thử thực hành đã đến đây. Tôi làm rất chăm chú, rất ham thích cái công việc mà giá bốn năm trước đây người ta bắt tôi làm, tôi có thể điên người lên được. Hồi ấy, tôi viết văn để cho người ta biết đến cái tên tôi. Tôi ao ước tạo một cái gì đó sẽ sống lại sau tôi. Tôi thèm lời khen của các bạn văn, của những kẻ sành văn, của những nhà phê bình có tiếng. Những người ấy là tất cả. Tôi không hề quan tâm đến sự được những người sơ học đọc. Họ đọc để làm gì? Họ hiểu thế nào được văn chương? Và văn chương có ích gì cho họ, những người cằn cỗi về tình cảm, thấp kém về học thức. Họ muốn giải trí thì đã có đồ mười, lắc đĩa hay rượu và thịt chó. Họ không cần đến sách và đôi khi có đọc sách, cũng chẳng bao giờ thèm nhớ đến tác giả.
Tôi đã nghĩ đến tôi nhiều quá. Sau cuộc cách mạng tháng Tám, càng ngày tôi càng thấy rằng cái “tôi” của mình thật ra chẳng có nghĩa lý gì. Nó có một chút giá trị nào là khi nó biết hòa hợp nó vào với những người chung quanh. Nhiều khi phải biết quên mình đi. Quên cái tên tuổi của mình nếu muốn thành một người có ích. Có cần gì phải cầy cục tìm cách ghi tên mình lại cho lịch sử? Tạo ra lịch sử là một việc làm lớn lao hơn. Nhưng tạo ra lịch sử lại là sự nghiệp của số đông. Ta nên nghĩ đến số đông nhiều hơn ta. Tôi đã cố gắng rất nhiều và vẫn còn đang cố gắng để có thể thích những công việc nhũn nhặn, thầm lặng, nhưng có ích…
Tôi biết tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vẫn còn những lúc thằng nghệ sĩ cũ trong người tôi vùng dậy. Tôi chợt thấy buồn rầu vì luôn mấy năm nay không viết được một tác phẩm nào khiến cho các bạn tôi nhắc nhở! Hết làm Chủ tịch làng thì lại đi tuyên truyền lớn, không mấy đêm tôi không nghĩ đến, luôn mấy năm nay!
Nhưng cái tác phẩm mơ ước ấy, có phải tận đến bây giờ tôi mới phải gác nó lại đâu? Tôi đã gác nó lại ngay từ ngày nó mới chớm nở trong óc tôi. Phần lớn thì giờ của tôi trước đây đều dùng vào việc viết những truyện ngắn, truyện dài, truyện trẻ con tôi không vừa ý một chút nào, nhưng nó giúp tôi moi được tiền của bọn buôn văn, để đem về nuôi cái thân tôi và nuôi vợ con. Nước mình còn nô lệ thì nước mình còn bị chê khinh và bọn nhà văn còn bị rẻ rung, bạc đãi, coi như một hạng người không có cũng chẳng thiệt thòi gì. Tôi đã làm ngược hẳn ý muốn của tôi, chỉ vì cần duy trì đời sống của tôi. Sao tôi lại không thể dằn cái ý muốn kiêu căng của tôi xuống, để góp sức vào công việc “không nghệ thuật” lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn. Nếu tôi có đủ tài để viết cái tác phẩm lớn của đời tôi, nó sẽ được hàng chục triệu người đọc chứ không phải chỉ vài ba nghìn người như trước nữa.
Chiều chiều, các anh, các chị Thổ ở các lán chung quanh đến lán chúng tôi nói chuyện hay đọc báo. Tôi càng có dịp hiểu trình độ hiểu biết, lời ăn tiếng nói, cách làm ăn và những băn khoăn, mong muốn của họ hơn. Dựa vào đây, tôi uốn nắn lời văn và tìm ra những đầu đề viết. Nói được một điều thiết thực, đăng được một cái tin làm người ta phải kể lại với nhau, làm được những câu ca dao thật mộc mạc nhưng không đến nỗi thành vè, viết được một bài thật ít lời nhưng vẫn đủ ý và đọc lên đàn bà, trẻ con nghe cũng hiểu, tôi cũng thấy sung sướng như viết được một truyện ngắn chính tôi ưng ý. Đôi lúc, anh em và chính tôi cũng lo rằng lối viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích của tôi. Nhưng số người đọc tờ báo nhỏ của chúng tôi cứ mỗi ngày một tăng lên. Các bạn tuyên truyền, các cán bộ cho biết nó rất hợp với đồng bào ở trên này. Bốn năm nghìn người này ít ra cũng đọc hay nói lại cho bốn, năm nghìn người khác nghe. Làm sao có thể nói rằng hàng vạn độc giả trực tiếp lẫn gián tiếp mới này không đáng cho tôi chú ý bằng bốn, năm nghìn người đọc những tiểu thuyết của tôi ngày trước. Lúc nào tôi cũng rất băn khoăn về ảnh hưởng những tác phẩm cũ của tôi. Bây giờ đây, tôi thấy yên lòng về những bài cỏn con của tôi hơn. Nó chẳng nói được những điều gì sâu sắc lắm đâu. Nhưng nó làm cho người đọc hiểu biết hơn, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của ta hơn, nó đẩy họ cùng hăng hái giúp ích cho cuộc kháng chiến của toàn dân và gợi cho họ những việc họ có thể làm để giúp ích cho kháng chiến. Tôi chỉ mong có thế.
Ngoài thì giờ viết báo, tôi đọc sách. Chúng tôi tổ chức những lớp học trong nhóm anh em cùng trình độ và mở những lớp huấn luyện cho anh em trình độ kém ở “cơ quan ấn”. Buổi tối, ngồi bên bếp lửa, tôi dùng lối hỏi chuyện, giảng những điều thường thức về địa dư, lịch sử, chính trị… cho chú giao thông Thổ ở với tôi. Và nửa đêm, trong lúc chú giao thông ngủ, tôi lặng lẽ chui ra khỏi chăn, cần lấy ống tre đi chân không lần từng bước xuống một cái dốc khá lớn để đi lấy nước ở một cái vũng nước nhỏ, ban ngày cạn vì nhiều người lấy quá. Từ chủ nhiệm, chủ bút đến giao thông, tiếp tế, chúng tôi ăn ở với nhau thân mật và bình đẳng, hòa thuận hơn anh em ruột. Vì vậy mà ai cũng hết lòng cố gắng. Và mặc dầu khí hậu độc, ăn ở khổ, lương rất ít, xa gia đình, quê hương, chúng tôi đều vui vẻ và lưu luyến cơ quan lắm. Đồng bào ở chung quanh trông vào có lòng yêu. Nhiều người đem con em nhờ chúng tôi dạy học hay xin vào hẳn trong cơ quan, vừa học nghề vừa học chữ. Họ hứa cơ quan đi đâu, họ bằng lòng cho con họ theo đấy.
Trong khi ấy, Tư giao thiệp mật thiết với chính quyền, với các đoàn thể dân chúng và đồng bào địa phương. Anh nhận làm giảng viên các lớp huấn luyện và làm cán bộ phụ trách việc dân trong vùng ấy. Khang mở một lớp dạy in đá và trình bày báo cáo cho anh em tuyên truyền ở mấy tỉnh chung quanh về học. Cuộc đời cũng khá vui. Và cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Thỉnh thoảng anh, chị Mán xuống thăm cho rau cải, nấm hương, hạt bí, sắn, gừng, hay thịt gấu.
Chúng tôi gọi đùa trên Mán là nhà quê của chúng tôi. Tết đến, Tư bảo tôi phải cố gắng bỏ ra một ngày “Về quê” đi chúc Tết tất cả mọi nhà. Vớ được trong cái va li của một anh bạn gửi, mấy cái kiềng, xuyến mạ vàng, chúng tôi đem theo làm quà cho mấy cô gái chưa chồng và lũ trẻ con. Những bà mẹ trông thấy mừng rú lên. Thịt lợn sống để từ hôm nảo hôm nào ở trong bồ, họ lấy ra xào nấu cho chúng tôi ăn. Cũng phải cố ăn. Anh chàng Tư ăn quá thực thà, đêm hôm ấy nôn mửa và đi tả. Tôi nhờ lẩn khéo chỉ toàn ăn đậu nên không việc gì.
Mấy ngày nghỉ Tết, tôi dùng để viết một truyện ngắn cho đỡ nhớ. Truyện “Tiên sư thằng Tào Tháo”.
Nhưng sau tôi đặt cho nó một cái tên giản dị và đứng đắn “Đôi mắt”.
4-3-48 – Lợi nhận được thư nhà. Vùng ấy lập tề rồi. Thế là nửa năm trời, thằng Tây nhích được vừa đúng một làng! Nhưng nếu nó tiến song song cả hai mé sông như trước, thì làng tôi cũng ở trong vùng địch mất rồi. Tôi nghĩ đến bố mẹ, anh em, nhà cửa, ruộng vườn. Tôi nghĩ đến các đồng chí thanh niên. Các anh còn có giữ vững được tổ chức không? Các anh hãy bảo vệ lấy làng yêu quý của chúng ta…
Hồi Tây, tôi ghét làng tôi. Từ ngày độc lập, tôi thấy yêu làng tôi tha thiết. Khang và Tư đã khổ lắm vì cứ phải nghe tôi kể chuyện làng tôi và chuyện các anh thanh niên làng tôi.
7-3-48 – Trời mưa. Lớp này mưa nhiều quá. Vắt vào tận trong nhà.
Tôi xắn cao quần, mặc áo mưa, chống gậy đi sang một làng bên, nói về tình hình thế giới và trong nước cho một lớp huấn luyện, thay Tư có việc vừa mới về xuôi.
Hơn hai chục học viên vừa trẻ vừa già. Toàn anh em Thổ, Mán. Có người đã ngoài năm mươi, bệ vệ như chánh tổng. Hầu hết, chỉ biết vừa đủ tiếng Kinh. Giảng cách nào đây?
Tôi rất sung sướng khi thấy đôi mắt rất chú ý của một đồng chí có tuổi đột nhiên lóe sáng vì hiểu được điều tôi nói. Đến giờ nghỉ, đồng chí ấy vui vẻ bảo tôi:
– Giờ tôi mới được biết đấy. Trước kia không hiểu gì đâu. Không có báo đọc. Đọc không hiểu hết.
9-3-48 – Vẫn ở lớp huấn luyện. Ngồi bếp, hút thuốc lào, nói chuyện với an hem. Họ đều than phiền thuở bé không được học.
Nói là không được học, không ai tin. Không học, sao biết chữ, sao được đi làm cán bộ? Nhưng cán bộ có được đi học bao giờ đâu! Ngày bé, coi trâu, lớn lên đi phu, làm để đóng thuế. Con quan, con nhà giàu mới học.
Một anh sừng sộ bảo tôi như vậy. Các anh phần lớn đều tự học, nhiều anh vừa chăn trâu vừa vạch chữ lên mặt đất, thế mà rồi cũng biết.
Thế mà nhiều thằng con nhà giàu cho đi học chỉ chơi, ba, bốn năm không biết chữ. Tôi có vẻ không tin. Anh trợn mắt.
Thật đấy. Nó ngu quá. Không biết chim gái, lấy vợ, vợ bằng tiền đấy.
Các anh kể lại những chuyện Pháp khủng bố ngày xưa…
Người đi hoạt động khổ một phần, người ở nhà khổ mười phần. Nhưng đến lúc chúng nó đem gia đình các cán bộ tập trung cả vào một chỗ để giam giữ, thì các cán bộ không cần gì nữa. Không lo cho gia đình nữa, càng hoạt động già. Việt gian lo sốt vó.
16-3-48 – Cái giọng nghiện trong đài phát thanh của bù nhìn ở Hà Nội sáng nay cho biết: hôm qua, chúng nó đã ký với nhau hiệp ước năm trước. Trong cái mào đầu hiệp ước, có nói đến phẩm cách của con người, tự do của mỗi cá nhân trong xã hội… Mình như đột nhiên bị một cái cật nứa gại vào cân não. Y như hồi nào nghe chính miệng một thằng quản đề lao chuyên môn hành hạ những người bị giam để tống tiền, nói đến chuyện nhà nó ba đời tu nhân tích đức. Muốn chửi to một tiếng.
Những tin tối hôm qua cho biết Giải phóng quân Trung Hoa vẫn tiến. Khi mà làn sóng dân chúng đã đang lên! Nó cứ tràn đi mạnh mẽ và cuốn đi, và rửa sạch tất cả những nhây nhớp của một xã hội đã thối nát. Vàng của bọn tài phiệt sẽ vô hiệu quả. Hỡi những anh bạn chiến đấu đang tiến mạnh! Chúng tôi đợi ngày giờ nắm tay chào các anh…
19-3-48 – Vẫn mưa. Đêm qua càng mưa dữ dội hơn. Bị nước lọt qua màn rỏ vào mặt, tôi thức giấc, quay đầu lại phía chân. Cố thu hẹp người lại để tránh nước từ trên mái nhà dột xuống. Rất lâu không ngủ được. Mưa đến từng đợt như đợt sóng, ào ào rồi ngớt, rồi lại ào ào, rồi lại ngớt. Nước không gõ trống trên lá nữa. Nước chảy thành thác trên lá rậm. Tiếng dòng suối dưới gầm sàn như một cái nhọt vỡ mủ, ăn loang đêm tối.
Ôi chao! Cái giống bọ vô hình ở cái chăn bông rách bò ra, ngứa ran trên mặt, trên cổ. Không sao ngủ được. Cố nhiên là lại nhớ đến Liên, nhớ các con. Những lần mưa trong đời mình. Đời mình như toàn mưa cả, mưa vào những dịp quan trọng. Mưa vào những ngày bước ra đi. Mưa! Mưa! Cái đêm mưa trên thuyền mía. Những đêm mưa nhà dột trong cái lều nhà bà cụ Xoan…
Nhưng mỗi lúc ngớt mưa, lại nghe tiếng súng nổ ran. Tiếng súng đã nổ ran suốt ngày hôm qua, mặc dầu mưa. Trong cái đêm mưa tầm tã này, súng vẫn nổ như thường. Súng không biết có giời mưa. Lòng súng không ỉu xịu bao giờ. Ôi súng! Ôi những cây súng thép! Ôi những anh Vệ quốc quân. Tôi biết các anh nhiều khi phải nhịn cơm ăn cháo, đứng dưới trời mưa suốt ngày, suốt đêm mà đánh giặc. Lòng các anh cũng như lòng súng thép. Mưa có bao giờ cho làm ỉu xịu một tấm lòng bằng thép tôi già? Tôi xấu hổ cho tâm hồn ủy mị của tôi. Vẫn chưa mạnh hẳn ư? Các anh! Các anh chiến sĩ không tên! Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ đến cái tên mình, không nghĩ gì cả đến thân mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh sáng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh. Lòng tôi vẫn còn u ám lắm. Những đám mây đen xưa cũ vẫn còn lởn vởn. Các anh hãy quét sạch nó hộ tôi. Quét sạch! Để cho tâm hồn quang quẻ và mới hẳn!…
Súng vẫn nổ giòn. Tôi lắng tai, cố nghe tiếng súng. Tiếng súng máy cười khành khạch. Hôm qua hai lính Pháp ở Phủ Thông ra hàng. Chúng nó chịu làm sao nổi cảnh u ám và những ngày mưa ở miền rừng? Chúng nó chịu làm sao cảnh ăn cháo đánh nhau? Mưa! Mưa! Mày cứ mưa mãi cho tao! Chúng nó sẽ còn ra hàng nhiều nữa!…
1948
In trong tập “Đôi mắt”
(Nhật ký)
19-10-47 – Thỉnh thoảng cơ giới của địch chạy rầm rập ở ngoài đường lớn cách chỗ chúng tôi chỉ độ ba cây số. Dân chúng đã làm vườn không nhà trống, đi ở lán bí mật cả rồi. Không còn một tiếng gà, một bóng người. Suối vẫn chạy ào ào tiếng vọng rõ hơn. Những tiếng ken két của cái cối nước vẫn điểm vào đây, hôm nay không còn nữa. Vắng vẻ cả tiếng rất quen thuộc của những cái nhạc gỗ lủng lẳng ở cổ những con trâu thả rông, kêu lốc cốc. Mình tiếng suối ào ào nhất thống khoảng vắng lặng mênh mông quá.
Công việc cất giấu của chúng tôi đã tạm xong. Luôn ba ngày khuân vác, mỏi dừ người. Đêm qua ngủ rừng, sáng dậy, mặt, cổ và chân tay be bét máu vì vắt cắn. Chưa buồn rửa ráy, chúng tôi mở một cuộc khai hội bất thường, bên cạnh một cái kho bí mật vừa làm xong. Cuộc họp không đầy mười lăm phút.
Cũng chẳng có gì phải bàn cãi lâu dài. Mọi việc được giải quyết gãy gọn và chóng vánh. Bộ phận quan trọng nhất của cơ quan sẽ rời ngay đến một địa điểm xa, dự bị từ lâu. Một bộ phận nhỏ sẽ ở lại đây, tiếp tục hoạt động theo một số chương trình mới: Tư, Khang và tôi thuộc trong số những người ở lại.
Ngay sau cuộc họp, chúng tôi sửa soạn ba lô lên Mán. Mán còn là một thế giới hoàn toàn bí mật đối với tất cả chúng tôi. Ngay người Thổ cũng rất ít khi lên. Làng Thổ ở ngay dưới chân ngọn núi có làng Mán ở trên. Thế mà có những ông già Thổ ngoài sáu mươi, chưa lên Mán một lần nào. Hỏi đến người Mán từ đồng chí chủ nhiệm Việt Minh xã là người đã bỏ được hết những thành kiến sai lầm xưa nay vẫn chia rẽ hai giống người sống sát cạnh nhau đã lên khai hội với các đồng chí Mán nhiều lần, còn hầu hết người Thổ chúng tôi quen đều lộ vẻ kinh sợ và khinh bỉ: Úi già! Ké không được biết Mán đâu! Không dám lên đâu! Mán nó ở nhà đất đấy, không ở nhà sàn như người Thổ đâu! Có con rắn bò vào nhà đấy! Mán không biết nói tiếng Kinh đâu! Mán có nhiều rận lắm! Mán nó bí mật lắm, không muốn cho ai lại gần đâu. Lại gần nó giết đấy!…
Cần phải nói ngay rằng tiếng “nó” người Thổ dùng không có ý gì khinh bỉ cả. Nói đến người trên, họ cũng dùng tiếng “nó”. Nhưng vẻ mặt và giọng nói của họ, khi nói đến người Mán tỏ rõ ý nghĩ sợ và khinh bỉ.
Nhưng Tư, người giữ cái nhiệm vụ đi tìm chỗ đặt cơ quan cho bọn chúng tôi, đã lên tận Mán. Anh chỉ cho chúng tôi một cái sườn dốc gần như dựng đứng. Không có đường đi. Cả đến lối mòn cũng gần như không có. Rất ít người qua lại đấy. Chúng tôi sẽ phải cố tìm ra những vết trên lá rơi, cỏ rậm mà đi.
Không có một cái mặt bằng bằng con dao nào để mà ngồi. Chỗ nào cũng là dốc cả. Luôn sáu cây số, người ta đi, đường đi lù lù ngay trước mũi. Tất cả cái đáng sợ chỉ thu vào có thế. Người Mán chẳng có gì đáng sợ. Họ khác người Thổ, người Kinh ở chỗ khỏe, tìm ra lối đi trong rừng rất giỏi, giỏi đến mức mắt họ có thể nhận thấy đường đi lại của một con chuột trên bãi cỏ. Họ mặc rách rưới hơn người Thổ, người Kinh. Họ ăn ở khổ hơn. Họ thích ở thật cao, thật xa lánh mọi người. Có thế thôi. Họ chẳng biết ai và cũng chẳng có gì là quái gở.
Vì mới đi lần đầu, nên những cẳng chân Hà Nội của chúng tôi đi chậm và khó nhọc lắm. Tháng Mười miền núi tiết trời khá lạnh. Chúng tôi để nguyên áo rét, ra đi. Qua một cái suối phải lội, anh nào cũng rùng mình.
Nhưng mới trên một quãng dốc xoàng xoàng, chúng tôi đã theo nhau hạ ba lô, cởi áo rét ra. Anh nào cũng mặt đỏ gay, mồ hôi vã đầm đìa. Nóng quá! Và khát! Anh đi đằng sau chỉ trông thấy gót chân anh đằng trước, nhưng nghe rất rõ tiếng anh đằng trước hồng hộc thở, có anh nghiến chặt răng để bước.
Mỗi bước là một động tác thể thao hạng nặng. Cứ độ vài trăm bước chúng tôi lại dừng lại, chân trước cong, chân sau thẳng, nhìn nhau thở phì phì và cười với nhau. Tôi cứ vừa đi vừa nắn bắp thịt đùi và có cảm giác như nó to ra, rắn lại, sờ thấy được.
Càng đi càng vào sâu trong rừng rậm. Đường cao rắc rối quanh co. Hết cây lại đến cây. Chẳng chỗ nào ra vẻ lối đi, nhưng nếu nhìn kỹ để tìm chỗ nào cũng có thể có ba bốn lối đi. Thế mới rầy! Vòng quanh vòng quẩn nhiều quá đến nỗi phương hướng cũng không biết lối nào mà nhận nữa. Nhìn lên thì những cành với lá. Cành lá chồng lên nhau, che kín cả trời. Ánh sáng âm u, không còn biết là trưa hay đã chiều. Chỉ thấy mỗi lúc một tối hơn. Rừng rậm thêm hay mặt trời đã nhạt? Không một túp lều, một người đi để hỏi đường. Tư qua lại bốn lần mà vẫn lạc, chúng tôi phải đi trở lại ba lượt. Chân đã mỏi nhừ, cổ đã khô cháy thì may quá, đến một chỗ kia, chúng tôi đột nhiên gặp một người. Tư reo lên:
– A! Nhình Pin!
Tư giảng cho chúng tôi biết Nhình là chị. Anh chàng phải giao thiệp với đồng bào địa phương luôn, đã học được ít nhiều tiếng Thổ. Để nói chuyện với người Thổ thì chẳng đủ đâu. Anh thích dùng tiếng Kinh, tiếng phổ thông để họ khỏi cười. Trừ những bà già, còn hầu hết người Thổ đều nói thạo tiếng Kinh. Nhưng người Mán nắm chắc cẳng keo. Tiếng Thổ họ cũng chỉ biết tạm đủ dùng thôi. Vì thế, tiếng Thổ của anh Tư rất có ích ở đây. Anh cũng thích nói tiếng Thổ với người Mán lắm.
Chị Pin là một thiếu nữ vào hạng “chân tròn như cột”. Người vạm vỡ, mặt tròn vành vạnh, trán nhẵn thín dưới cái khăn xếp màu đỏ thêu chỉ trắng che cái đầu cọc trọc. Nhình cũng mặc áo dài quần chàm như phụ nữa Thổ, nhưng cũ kỹ và rách rưới hơn. Cổ, cổ tay đeo vòng bạc, vòng đồng. Chị em miền núi ưa những đồ trang sức lắm.
Cái chúng mình không quen, chính là cái khăn to vành bọc vải thêu. Nó gợi trong tôi một cảm giác sờ sợ mơ hồ, cảm giác khi ta gần những cái man rợ và bí mật. Gần giống như ngày còn bé, tôi gần những bà đồng áo khăn sặc sỡ.
Nhưng chị Pin chẳng man rợ và bí mật một tí nào. Đứng trước mặt Tư, mặt chị đỏ bừng lên. Miệng chị, đôi mắt chị cười. Khi cười cũng đưa ngang cái tay che miệng như những cô gái e lệ dưới xuôi. Và khi Tư đùa hỏi “Kỷ lai pi” (Bao nhiêu tuổi), chị càng thẹn thò trả lời “Nắm chắc” (Không biết).
Nhình Pin ở rẫy về. Chị cõng một cái giỏ đầy thóc còn cả bông ở trên lưng. Tay chị cầm một quả dưa to. Tư hỏi:
Mắc ca lăng? (Quả gì?)
Mắc qua (Quả dưa).
Kin đầy bó? (Ăn được không?)
Kin đầy (Ăn được).
Chị đưa tay về phía đằng sau lưng, rút con dao, bổ quả dưa, đưa cho Tư.
Kỷ lai chèn? (Bao nhiêu tiền?)
Nắm âu chèn (Không lấy tiền).
Tư chỉ lấy một nửa thôi. Chị bảo Tư đưa nốt nửa kia cho bọn tôi ăn. Đang khát, trông thấy dưa, thích mê người. Nhưng quái lạ! Mình vẫn thấy ngài ngại, như sợ bẩn. Tại sao mà bẩn? Quả dưa vừa mới lấy ruộng về. Cái bàn tay to lớn và múp míp của người cho bẩn thỉu chăng? Mới đến giang sơn Mán, mình vẫn nhìn mọi cái với con mắt của người Hà Nội. Nhưng Tư đã cắn vào miếng da rồi. Chúng tôi cũng mỗi người một miếng, ngoạm ăn. Giống dưa to như dưa hấu, nhưng thịt và ruột lại giống dưa gang. Chất dai hơn. Và sau khi chúng tôi đã đỡ khát rồi, chúng tôi thấy nó có vị hơi chua, chứ không được ngọt.
Xẩm tối, chúng tôi bước vào nhà một ông già. Cái nhà bằng gỗ còn cả vỏ bương, tre, đứng đơn độc có một mình, ấy thế mà là cả một làng, có tên riêng của nó hẳn hoi. Chuồng lợn, chuồng gà ở ngay trong nhà, lẫn với người. Nhưng không có lợn gà. Chỉ có phân với bọ hung. Chủ nhà bảo Tư: “Gà lợn đã pây cơ”. Nghĩa là đi lán cả rồi. Tư cắt nghĩa thêm:
Cơ, tức là cơ quan. Tiếng này chắc có ngay từ thời kỳ bí mật trước đây. Người Mán đã phải làm vườn không nhà trống, ở lẩn lút ngay từ thời kỳ ấy kia rồi. Vì vậy, nhà nào cũng có cơ quan bí mật để giấu thóc lúa, lợn gà. Lán bí mật riêng của nhà họ, họ cũng gọi là cơ quan.
Anh Đức bảo Tư hỏi xem cơ của ông ké có xa không. Ông ké bảo “Quây lại” (Xa lắm)! Thế là khổ chúng tôi! Vẫn tưởng đến nơi có thể mua được một con gà làm thịt, thổi cơm ăn. Nhưng gà lại đi cơ mật cả rồi. Đành lại cơm với muối.
Cơm xong, cả bọn lăn quay ra đất, chung quanh bếp lửa. Ông già nhường cái giường độc nhất cả nhà ông cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không chịu nhận. Ông già bèn lẳng lặng đi lấy củi, thêm vào bếp, lại đốt một đống lửa nữa ở phía ngoài. Ấm cúng chán rồi. Hơi khói át hết cả những mùi xú uế đi. Vì vậy, tuy rải áo vét tông, đầu ghé ngay gần cái chuồng gà, tôi vẫn ngủ ngon lành lắm. Luôn mấy đêm lạnh và chập chờn rồi. Lại đến nửa ngày leo dốc, ba lô bị gạo nặng ê vai. Nằm một lúc, ngủ ngay. Nửa đêm, tỉnh dậy vẫn thấy lửa cháy đều. Bên đống lửa, một thiếu phụ ngồi. Người đàn bà còn xuân mà lúc mới đến chúng tôi đoán là vợ kế ông già. Nhà chỉ có hai người, một đàn ông, một đàn bà, thì tất nhiên là vợ với chồng. Nhưng hai tuổi chênh lệch nhau một cách đáng băn khoăn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau đôi ý chế nhạo tối hôm qua. Lúc đi ngủ, tôi thấy ông già vào buồng, còn người thiếu phụ nằm cong queo một mình ở trên giường. Lửa xa mà chăn chiếu cũng không. Bây giờ người đàn bà lại ngồi đây. Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt trái xoan điểm một cái miệng nhỏ thanh và đôi mắt lá răm hơi xếch. Người ta nghĩ đến những nàng công chúa Đông phương, đẹp lặng lẽ và bí mật, tả trên màn ảnh. Đêm khuya vắng lặng giữa những người ngủ mệt ngáy khò khò, người đàn bà thức một mình, ngồi coi đống lửa. Ánh lửa đỏ vờn nhau với những miếng tối lung linh. Tôi thấy buồn, nhơ nhớ, chẳng hiểu nhớ ai và buồn vì sao.
20-10-47 – Sáng sớm thức dậy đã thấy ông ké ra máng nước đầu nhà, lấy nước và đun cho chúng tôi rửa mặt. Ông già cao lớn, lúc nào cũng lom khom như sợ đụng mái nhà, cử chỉ chậm chạp, mắt chất phác, phúc hậu, lúc nào cũng cười và lầm rầm những tiếng ấp úng chúng tôi không hiểu nổi vì ông chỉ biết dăm ba tiếng Thổ, trông đẹp và đáng yêu đến nỗi anh chàng Khang họa sĩ tấm tắc khen và chỉ muốn thế nào vẽ được một bức chân dung của ông. Nhưng không hiểu họ có kiêng kỵ gì không, anh chàng không dám nhờ ông ngồi để cho anh vẽ. Vả lại cũng chẳng biết nói thế nào cho họ hiểu. Anh chàng đành để đến khi nào đôi bên quen thuộc nhau hơn đã.
Tôi ra ngoài để quan sát quanh nhà. Rừng, cỏ ngập đầu. Chỉ ba bước đã vào rừng. Mấy hôm trước còn một chỗ súng nổ loạn xạ, người chạy nháo nhác và hoảng hốt, đến đây tôi thấy an toàn, chắc chắn lạ lùng, mặc dầu vẫn nghe thấy tiếng súng rất gần. Giặc có bao giờ còn lập lại nổi chính quyền, nắm hết dân chúng trong tay? Chỉ khi ấy, chúng mới dám sục sạo đến đây. Đặt cơ quan ở chốn này, chúng tôi có thể yên lòng làm việc lâu dài được.
Tôi bỗng giật mình, chỉ vì đột nhiên thấy bóng người. Tôi không đợi gặp một người nào khác ở chỗ hoang vắng này. Một cái đầu nhấp nhô trên cỏ. Mặt to, da vàng xạm, hai mắt xếch, khăn quấn rối, trông như một cái đầu tướng Tàu nặn bằng bột, một anh Khách vẫn bán cho trẻ con chơi, hồi tôi còn nhỏ. Một cái mặt trông vừa buồn cười, vừa dữ dội, không ra già, không ra trẻ, không biết cho vào hạng tuổi nào cho đúng. Những cái búi tó bé ngắn ngủn cho tôi cái cảm giác anh chàng vừa mới lớn.
Đôi mắt xếch thao láo nhìn tôi. Một tiếng to tát và vồn vã:
Chào đồng chí!
Chào đồng chí!
Tôi đáp lại. Cái đầu bập bềnh trôi trên sóng cỏ, đến gần tôi. Một người to nhưng thấp hiện ra, gò cúi dưới một cái giỏ gì nặng lắm. Cái áo chàm ngắn cũn cỡn để hở một cái bụng lồi ra, và cái quần không thể bám vào cái bụng rồi trật cạp xuống gần đến háng. Học được mấy tiếng Thổ tối hôm qua, tôi hỏi:
Ca lăng à, đồng chí (Gì đấy, đồng chí)
Mắc qua.
Dưa! Dưa cũng tốt rồi. Cắt nhỏ ra, chấm muối mà ăn cơm còn tốt hơn chỉ có muối không. Tôi bảo anh đem vào để chúng tôi mua. Anh vào, đặt cái giỏ nặng xuống, rút hai tay ra khỏi cái dây đeo, thở dài thật to thành một tiếng rên. Anh ra máng rửa chân. Anh lại gần lửa để hơ. Bỗng anh kêu lên một tiếng.
– Ú già!
Anh tặc lưỡi. Chúng tôi hỏi:
Cái gì?
Con vắt! Con vắt cắn.
Anh gỡ nó cho vào bếp. Đức reo lên:
– A! Đồng chí biết tiếng Kinh!
– Không biết nói đâu! Biết ít thôi.
Chúng tôi xúm lại giỏ của anh. Hàng chục quả dưa. Lại có rau bí nữa. Chúng tôi hỏi:
Đồng chí lấy bao nhiêu?
Không lấy tiền đâu! Cho các đồng chí ăn thôi.
Đức cố nhét hai cái giấy mười đồng thật mới vào tận tay anh. Anh ngần ngừ mãi mới chịu cầm một cái.
Ông già thong thả đeo con dao vào thắt lưng, khoác khẩu súng kíp, cười cười, lắp bắp nói những tiếng lầm rầm, ý chừng là từ biệt chúng tôi. Ông đi rừng. Trông ông đeo dao, khoác súng vào, càng đẹp. Nhưng ra ngoài vẫn lom khom, cái đầu hơi hơi lao về đằng trước. Không phải vì già. Đó chỉ là dáng đi của một kẻ quen cái đời chui lách trong rừng rậm. Ông đi lừ đừ như một con thú dữ. Tôi mới chợt nhận ra rằng người đàn bà cũng đã biến đi mất từ lúc nào, chính tôi cũng không để ý. Trơ lại trong nhà còn bọn chúng tôi với anh chàng bán dưa. Tự anh đi tìm mẹt, xếp dưa, xếp rau ra cho chúng tôi. Anh quét. Anh thở dài thành tiếng rên (cứ độ 15 phút anh lại thở dài thật to như vậy, chẳng ra sao cả!).
– Nhà bẩn quá! Không có giường nằm. Các đồng chí ở dưới xuôi sướng, lên đây khổ quá!
Anh làm như anh là người nhà vậy. Nói chuyện với anh một lúc, chúng tôi mới biết anh là người nhà thật. Anh là con rể cụ. Người đàn bà trẻ tuổi là con gái ông cụ và là vợ anh ta. Ông cụ góa vợ đã lâu. Người ta gọi ông là ké Nhàn – ông già Nhàn – còn anh, tên như tên trong tiểu thuyết Tàu: Triệu Vân Hương. Và thật không ngờ, anh đã bốn mươi hai tuổi.
Tối hôm ấy, cả nhà ông ké Nhàn ngủ lán. Tối hôm sau cũng vậy. Ban ngày, có người nào về cũng chỉ một chốc một lát thôi, về để lấy một vật gì, hay lấy củi hộ chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn làm chủ cái nhà. Chúng tôi e mình có làm phiền đến đời sống họ chăng. Nhưng Tư bảo:
– Họ ưa như vậy. Vả lại ở, đối với họ có thành vấn đề đâu. Họ ngủ đây cũng được.
21-10-47 – Tư vẫn chưa cho chỗ ông ké Nhàn là kín! Anh dùng làm một chỗ tạm đó thôi. Hôm nay anh sẽ đưa Khang và tôi đi xem một chỗ khác để hỏi ý kiến chúng tôi. Cơm nước xong, thì một người Mán đeo súng đến. Anh chàng trạc độ ngoài ba mươi. Búi tó, quấn khăn, mặt sáng sủa, người nhàn như một anh đồ trẻ vào thời Nguyễn Trãi. Nhưng áo cũng ngắn cũn cỡn vào quần mòn mất gấu, luội thuội, lựng chựng những cái bắp chân chắc nịch nhưng bẩn và có những vết lở to rỉ mủ. Tư gọi anh ta là đồng chí Quân. Đồng chí Quân sẽ thay mặt cho đồng chí Chấn trưởng thôn đi vắng, để dẫn chúng tôi đi tìm địa điểm.
Sau ngót một giờ lội suối chui rừng, vắt bám gỡ ra không kịp, qua hết rừng cây lớn, rừng lau, rừng chuối rồi lại rừng cây lớn, men, lách, leo, trờ bở hơi tai, chúng tôi đến Vang Khẹt. Lại một làng! Ba nóc nhà như ba cái chuồng chim đeo lủng lẳng ở ngọn núi. Được cái quang đãng nhìn ra một phong cảnh sáng sủa và tuyệt đẹp. Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng mềm mại vờn trời. Chỉ có trời với núi. Tôi có cảm tưởng như trên trái đất chúng ta ở, ngoài núi ra, không còn gì nữa. Anh chàng Khang yêu màu sắc và ánh sáng chắc phải thỏa lòng. Những quả núi gần khoe những mảnh áo rất xinh. Từng miếng vàng tươi của ruộng. Những miếng khác màu vàng rơm. Và màu xanh, đủ các thứ xanh.
Những buổi chiều, ánh sáng chiếu rọi đúng như đèn pha rọi những phong cảnh rạp hát. Phong cảnh đổi từng khắc một, đúng như trên sân khấu. Khang ghi chép cẩn thận, nói là để dùng vào việc bài trí sân khấu khi về Hà Nội.
Đêm trăng. Một cây trụi lá, đen, rướn lên trời xanh phớt. Một nét đẹp đơn sơ. Núi đằng sau. Và trăng nằm giữa mây, mềm xốp như đệm gối.
Nhưng nhà thì bẩn ghê gớm quá. Chuồng lợn ở ngoài hè. Gà lợn đi lại, ăn nằm và phóng uế rất tự do, trong nhà ngập đất và rác rưởi. Cả bếp ở giữa một gian, thẳng hàng với chạn bát nhơm nhớp như phủ một lượt bùn ở đầu trong và cái lò nấu “ruốc mu” (thức ăn của lợn) ở đầu ngoài. Cối giã gạo cũng ở trong nhà. Mồ hóng khắp nơi. Ba cái buồng nhỏ vừa một cái giường, chưa bao giờ quét. Mạng nhện đầy tro, bụi, mồ hóng bám chằng chịt trên mái, trên các tấm phên làm vách. Đất lầm lên, rác rưởi ngập gầm giường và cả trên những cái giường không chiếu.
Cả làng đã đi gặt vắng. Chỉ còn một ông già, một người đàn bà bận con thơ, và một thằng bé mười một tuổi mũi quệt đất vẽ hề trên mặt. Thấy có người lạ đến, tất cả trốn vào rừng. Chúng tôi thấy nhà không. Nhưng một lát sau, nghe tiếng đồng chí Quân, người đàn bà ẵm con về tiếp chúng tôi. Thằng bé con cũng chạy về hếch mặt nhìn vào mặt chúng tôi một cách rất tò mò, khẽ chạm ngón tay vào tay áo tôi rồi vội rụt lại như ta sờ một con vật lạ để xem nó động tĩnh ra sao, rồi lè lưỡi ra một cái, cười nhăn nhó cả mặt nhưng không thành tiếng. Một hôm sau tôi mới biết cái điệu lè lưỡi và cười câm ấy cũng thịnh hành ở nó chẳng kém gì tiếng thở dài của đồng chí Vân Hương. Cho tận đến lúc đó, tôi không nghe thấy nó nói lần nào. Không hiểu có phải nó câm không. Người đàn bà không biết tiếng Thổ. Đồng chí Quân đưa chúng tôi đến cái nhà ở trên cùng, gặp ông già đã lò dò ở bụi rậm chui ra. Quân gọi ông là ké Xếch. Nói gì ông cũng chỉ cười. Quân bảo, mới biết ông ta điếc. Chẳng chuyện trò gì được với ông. Đồng chí Quân cứ tự tiện đưa chúng tôi đi xem cả ba nhà và bảo chúng tôi tùy ý muốn ở nhà nào cũng được. Chúng tôi chọn cái nhà đầu tức là cái nhà ngoài phòng chính hình thước thợ, còn có ba phòng nhỏ tả ở đoạn trên. Nó rộng rãi nhất và sạch nhất.
Ngay từ sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu chuyển vận gạo, muối, đồ dùng từ đằng nhà ông ké Nhàn sang. Vẫn không thấy chủ nhà nhưng nhà đã được dọn sạch sẽ hơn. Chúng tôi chỉ cần quét dọn thêm một lượt nữa là ở cũng tạm được rồi.
Chủ nhà tên gọi là Kinh, anh ta đi rừng, đi ruộng suốt ngày. Vợ anh ta ngủ ở cơ. Từ hôm chúng tôi đến, anh cũng ngủ cơ. Thỉnh thoảng mới về nhà một hôm, vác theo một đoạn cây chuối thật to. Anh ta kê đoạn chuối nghiêng nghiêng, cưỡi lên trên, mồm ngậm một cái tẩu thuốc lá bằng đồng lấy một cái cán làm bằng một đoạn cành tre, cả hai tay cầm một con dao dài và mỏng xoèn xoẹt thái cây chuối rất nhanh, rất nhẹn. Thái xong, anh hót tất cả, cho vào một cái chảo to đặt trên lò, đổ nước vào ninh. Anh ninh suốt một ngày cho cây chuối nhừ tươm. Thế là thành ruốc mu, nấu một ngày đủ cho lợn ăn năm ngày. Lúc cho ăn, chỉ cần vầy với nước, rắc thêm vài nắm cám như rắc hạt tiêu. Thức ăn chỉ có vậy, nên phân người là mỹ vị đối với tu mu (con lợn). Mỗi buổi sáng ra ngồi ở gốc cây, phải cầm một cái roi để xua chúng nó đi. Lợn lớn, lợn con chực ở chung quanh, hầm hè nhau, liều chết xông vào, xộc ăn toang toác. Chúng nó tranh nhau, cắn nhau như chó vậy. Lại còn trâu! Một khám phá đối với chúng tôi, cứ thấy người ta đứng vén quần là các chú tu vài (con trâu) nghênh ngang hai cái sừng đến, hếch mõm lên nhìn và đợi. Dòng nước tiểu tía ra, các chú tranh nhau há mõm, lè lưỡi, đón lấy uống, thở phì phì.
Nước tiểu vào cả mũi. Xong rồi, còn chũi mõm, liếm những giọt vương trên đất. Mới đầu, tôi tưởng trên núi xa nước nên chúng nó khát. Nhưng trước cửa nhà, có những vũng nước đầm đìa mà trâu không uống. Có lẽ trâu thèm chất muối.
Muối trên này quý lắm. Chúng tôi cho mỗi nhà một bát. Họ rất mừng. Thế mà muối chúng tôi để ở nhà họ có hàng bồ, họ không động đến bao giờ. Có lần chúng tôi đi vắng mấy ngày luôn. Lúc về thấy thằng Hùng – Lý Kỳ Hùng – con ông ké Xếch, mách với chúng tôi, vợ anh Kim, người đàn bà có đôi mắt to và môi nở như đầm thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy về nhà, hết muối ăn, định lấy muối của chúng tôi.
Kể chị ta có lấy cũng chẳng sao, vì chúng tôi đã dặn anh ta khi cần thì cứ lấy mà ăn. Nhưng người chồng bảo vợ: “Việt Nam độc lập, không ăn trộm của nhau”. Và vợ chồng nhà anh ăn cơm nhạt.
Anh ở nhà bên cạnh cũng tên là Kim. Kim này đã đi giao thông hồi bí mật. Chiều chiều, tôi nghe thấy anh hát Tiến quân ca. Gần đúng giọng, nhưng mất chữ luôn. Anh là bố thằng bé hay lè lưỡi và là anh ruột Nhình Pin. Cô con gái cho chúng tôi dưa hôm nọ.
Nhình Pin vẫn hay đỏ mặt. Chị hay nói chuyện với Tư. Một lần chị cho Tư mấy bắp ngô. Tư không lấy, bởi vì thấy một lần hỏi mua, chị không chịu lấy tiền. Chị hỏi Tư:
– Ngô già, có phải không?
Tư không để ý đến câu nói ấy. Nhưng chiều hôm ấy khi chúng tôi ngồi quây quần với ông ké Xếch và hai đồng chí Kim, cùng nướng ngô ăn. Tư kêu ngô già thì ông ké Xếch cười mà bảo:
– Ngô không già, người già
Hai anh Kim cùng cười to. Tư bỗng sinh ngờ. Một lối nói tình tứ chăng?
Nếu Tư đi là tôi với Khang gặp khó khăn ngay. Bởi vì ở Vàng Kheo người ta không biết tiếng Kinh. Tiếng “Tày” cũng biết ít thôi. Chúng tôi cũng chẳng biết được bao nhiêu. Họ nói hơi dài, ngoài mấy tiếng thường dùng, là mình ngẩn mặt ra. Mình nói, họ cũng lắc đầu: nắm chắc! (không biết!). Nhưng hỏi đến cụ Hồ thì ai cũng chắc (biết). Chắc cả đồng chí Văn (tức là đại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Thạch.
Vì không nói cho họ hiểu được, mới đầu Khang với tôi cứ ăn cơm muối tràn. Hỏi mua gì họ cũng năm mi (không có) về sau học được lối của Tư: muốn gì, cứ bảo họ pày đông (đi rừng) hay pây cơ du hở khỏi (đi cơ lấy cho tôi). Quả nhiên có rau ăn. Họ bán rất rẻ, ít thì cho không, không chịu lấy tiền. Rau cải luộc chấm muối, ăn mãi cũng chán mồm. Tôi phát minh ra lối nấu canh rau cải với muối và nước lã, cho thêm một ít gừng. Cũng tốt. Gà cu, thịt dai như thịt trâu cũng không mua được. Ở đây nuôi gà đến lúc nó hết sức lớn rồi cũng không chịu bán đi, nuôi gà nhỏ cho có lãi. Những cụ gà già, phú quý ra thì con cháu tế thượng thọ cũng đáng rồi, vẫn được sống như thường. Họ nuôi, như để làm cảnh vậy.
Cũng may mà mật ong thì được ăn luôn. Có lần mua được của một người đi giao thông cả một cái tổ ong, anh ta gặp ở rừng, dúm lá đem về. Cầm cả cái hoai mà ăn, thú vô cùng. Có khi ăn cơm trộn mật ong. Thuốc lá Mán tẩm mật ong, hút thì ngon tuyệt. Chẳng bao lâu, Khang và tôi đã nổi tiếng khắp mấy làng Mán là những thằng đốt thuốc lá chứ không phải là hút nữa.
Một cái thú nữa ở Vàng Kheo là đi tắm. Quãng suối chảy xiết, đá sỏi trắng và vàng óng ánh dưới lòng. Những hòn đá tròn trĩnh nhẵn nhụi để ngồi. Có một chỗ, những tảng đá kết chung quanh thành một cái bồn ngồi lọt cả người. Một thác nước trắng xóa đổ trên đầu. Nước rất trong. Mặc dầu trời lạnh, ngày nào tôi cũng đến chỗ ấy tập thể thao, rồi nhoai người xoai xoải dưới thác nước cho nước chảy từ cổ đến chân. Khoái lắm!
Nhưng từ nhà đến suối, phải đi qua một cái hốc chừng vài trăm thước. Mỗi ngày trèo mấy lượt có mệt thật, nhưng lấy làm thích vì đó cũng là một cách vận động để cho đùi to ra. Càng thấy phải khuân vác, phải vất vả, càng vui. Cách mạng đã đổi hẳn óc mình. Kháng chiến chẳng những làm già dặn thêm khối óc đã đổi mới kia, còn thay đổi ngay chính thân thể mình, một ngày kia khi trở về!…
1-11-47 – Trong khi đợi anh em công nhân thu xếp cơ quan in, Khang và tôi in đá. Nhưng mới làm việc được độ một tuần thì Tư lại lên, bàn nên thiên lại chỗ nhà đồng chí Chẩn, liên lạc ở dưới tiện hơn.
Lại chuyển vận gạo, muối, vải, đá luôn hai ngày. Mình khuân vác đã khá khỏe rồi. Đi núi, cũng nhanh hơn, đỡ mệt hơn. Đường đi đến nhà đồng chí Chẩn, bây giờ mình thấy thường rồi. Nhưng đường lên cơ thì thật là cơ cực. Hoàn toàn không có đường đi. Dốc chết người. Nhiều chỗ phải bám lấy cây, đánh đu lên. Thế mà mình vẫn đeo nửa bị dó gạo, cố đi cho bằng được. Đi ba, bốn chuyến liền, mỗi chuyến vừa lên vừa xuống đến một giờ. Lúc này mình mới biết được sức của mình. Thì ra mình cũng khỏe chẳng kém gì ai. Thường thường, người ta chưa bao giờ dùng đến tất cả sức lực của mình. Một phần khả năng của người ta vẫn bỏ phí hoài, đến nỗi ta không biết rằng ta có nó. Tôi thấy rằng sau kháng chiến, nếu tôi thích đi cày, đi cuốc hơn cầm bút, tôi có thể đi cày, đi cuốc được. Cực nhọc không đáng sợ.
Anh bạn hỡi! Hôm đi Phú Thọ, mới phải ngồi thuyền chật, anh đã cằn nhằn suốt cuộc hành trình. Anh thật là thảm hại!
Thiên ơi! Cha sẽ mạnh dạn ném con vào cuộc đời và cuộc đời sẽ luyện cho con chóng hơn cha luyện.
Con sẽ không chết. Con sẽ thành cứng rắn.
Tôi nghĩ đến Liên. Vợ tôi từ trước đến nay chưa bao giờ rời quê hương. Làng tôi, địch chiếm rồi. Liên đã tay bồng tay dắt, bỏ nhà cửa vườn đất, đưa con nhỏ và một bị quần áo ra đi. Tôi đã bỏ liều Liên ở một chỗ đối với Liên hoàn toàn xa lạ, Liên có oán tôi chăng? Riêng tôi, mặc dầu có thương Liên, tôi vẫn đinh ninh rằng Liên sẽ chẳng chết đói đâu. Liên sẽ đổi, như tôi đã đổi. Phải bơi mới biết rằng mình bơi khỏe. Và thật ra, ai cũng bơi được cả.
2-11-47 – Đêm qua, hơi đau mình mẩy. Nửa đêm trăng sáng. Dậy uống nước rồi thao thức mãi không ngủ được. Gần sáng, lạnh.
Sáng dậy, cơm nước xong rồi đi chặt tre, chặt cây về điểm lại nhà. Nhà: lán bí mật của đồng chí Chẩn, đứng giữa hai lán nữa. Vừa bằng một cái quán bán báo Tết ở Sài Gòn. Cành cây làm cột, buộc sơ sài. Mái lợp bương tươi, trông đẹp. Sàn hơi thấp, bằng một cái giường to. Cạnh sàn, một khoảng đất trống chạy từ cửa nọ sang cửa kia, dùng làm bếp. Hai người ở vừa thích.
Lán bên cạnh: ba đứa trẻ con, một anh Mán. Tội nghiệp! Anh ta sốt rét nặng quá rồi. Bụng báng to phình. Mặt phù. Chân tay phù. Da bủng và mốc meo. Mấy hôm sau, biết tên anh, chúng tôi gọi anh là đồng chí Minh. Anh ốm quá, không đi làm được, nên lên lán ở với mấy đứa con. Sang chơi bên lán chúng tôi, anh ta chỉ ngồi lừ thừ nhìn chúng tôi làm việc, mồm ngậm một cái tẩu giống như cái tẩu của Kim, thong thả hút và thở khói. Hiếm họa lắm anh ta mới nói. Tiếng anh rạn vỡ.
Làm được một cái giá để giầy, ba lô, sách vở, một cái nữa để bát đĩa, thức ăn, vừa lát tre chung quanh cái bếp để chân cho sạch xong thì vừa trưa. Buổi chiều, nghỉ ngơi cho lại sức. Mình định đọc sách. Nhưng viết nhật ký xong thì đã gần hết chiều rồi. Ngày nào cũng ngắn, vì mình muốn làm việc nhiều quá.
Đồng chí Chẩn mang một cuộn giấy và một cái chải lên để chúng tôi dùng, cho biết Tư bị sốt. Có lẽ vì hôm qua anh chàng làm gắng quá.
3-11-47 – Tư chỉ mệt xoàng, không sốt. Anh vẫn đi tìm một con đường bí mật đi xuống cơ quan dưới. Cơm chiều xong, tôi đi rửa bát về thì Khang, đang đọc mảnh giấy nhỏ Tư gửi bà mẹ Chẩn lên. Tối nào, bà cũng đèo thằng con mồ côi của Chẩn lên lán ngủ. Cùng với bức thư, bà cụ còn đem cho chúng tôi củi – Tội nghiệp! Củi ở trên này có thiếu gì! – Một mớ rau bí, hai quả bí ngô non, bốn củ sắn và một cái bị của Tư. Trong bị, ngoài mấy đồ dùng lặt vặt để in đá, có một cái chân giò. Thế có bực mình không? Lúc nãy, ăn nửa bát hết vừng, tôi tức mình rang hẳn một bát để ăn cả ngày mai. Khang thái thịt ra, kho với nước lã và muối, để ăn dè. Xương cho vào nồi với một nắm gạo ninh nhừ để sáng mai ăn.
Ông láng giềng tốt bụng, sợ đêm chó nhà ông ăn mất thịt của hai đồng chí, sang tận nơi dặn cất vào trong cho cẩn thận. Nhưng Khang đã cẩn thận lắm rồi. Liễn thịt để trên cao. Nồi cháo bắc xuống cạnh đống than, đã bịt lá lên trên vung và buộc chặt còn phủ một lượt tre tươi và đè những súc củi nặng trình trịch lên trên. Anh chó chắc phải rất sầu đời! Khang hứa sáng hôm sau sẽ cho một bữa xương xứng đáng. Nhưng sáng hôm sau, nó theo bào cụ về nhà. Đen nó quá!
Hôm nay, lạnh ngay từ chập tối. Chúng tôi đốt một đống lửa to, nhưng về khuya tắt mất. Cái chăn hơi hẹp, hai thằng nằm co quắp, xương đau mỏi.
Thức giấc, nghe gió thổi ào ào. Trăng xiên qua kẽ mái, qua bức phên thưa, lọt vào nhà. Tôi dậy thổi lửa, mũi hít phải tro. Sờ bếp, lạnh. Đành lại vào màn nằm đắp chăn, nhưng không sao ngủ được. Nghĩ lăng quăng. Vợ con. Bà cụ nhà Chẩn. Gia đình anh ta. Người Mán…
Băn khoăn rất nhiều đến thằng con đồng chí Chẩn. Nó gầy như một con nhái bén, mềm như một lá rau úa, suốt ngày vắt trên lưng bà cụ, trong khi bà cụ đun bếp cũng như lúc đi lấy nước, nhặt củi hay vò lúa.
Mẹ chết sớm. Có lẽ bà nuôi nó từ thủa mới sinh. Mỗi lần bà mớm cơm cho nó, tôi thấy nó khóc, sặc, ho rũ rượi. Không sữa, lại mang trong máu bao nhiêu vi trùng sốt rét rừng, thằng bé quặt quẹo và thiểu não. Nó sống được cũng là sự lạ.
Bố nó năm nay hăm tám tuổi. Trông anh già hơn thế. Từ hôm có chiến sự ở đây, không ngày nào không có người đến nhà anh tạm trú và nhờ dẫn lối. Anh tốt lắm. Một lần dẫn Tư đến một địa điểm kia, ngờ có Tây ở đó rồi, anh bắt Tư đứng chờ ở ngoài để anh một mình vào thăm dò trước. “Đồng chí vào, tôi không yên lòng!”, anh bảo Tư như vậy.
Một lần Tư hỏi anh
Sợ Tây không?
Không sợ!
Súng kíp bắn Tây chết không?
Chết chứ!
Sao đồng chí không đi đánh Tây?
Người Thổ không lên rủ.
Anh đợi người Thổ lên rủ đi đánh Tây, như rủ đi săn chung một con gấu vậy.
Anh có một em trai, đồng chí Bảo, hăm hai tuổi. Biết nhiều tiếng Kinh hơn tất cả những người khác ở đây. Đọc được chữ quốc ngữ và dạy được cả cho anh đọc. Bảo bị gấu vồ, hôm chúng tôi mới đến, anh đã gần lành. Nhưng vẫn ăn kiêng, ăn cơm nguyên với muối ớt, không dám chạm đũa đến món trứng tráng lẫn đậu nành đồng chí Chẩn chính tay làm để thết chúng tôi. Thường thường, chẳng ăn kiêng thì món ăn cũng chỉ có muối ớt thôi. Cơm gạo rẫy thổi nát, ăn dẻo như cơm nếp, nhưng chóng ngán. Họ quen thổi một bữa, nắm một nửa cất đi để bữa sau ăn. Họ ăn chậm rãi và ăn rất ít. Không dám ăn nhiều hay sức chỉ ăn được thế? Đời sống như vậy, chống lại với vi trùng sốt rét thế nào? Nếu nước mình không độc lập, đời sống của họ không được nâng cao, họ sẽ chết mòn hết mất thôi. Trông những làng Mán xơ xác, lèo tèo, buồn như một cái gì sắp tắt.
Thế mà người Mán tốt. Nhắc lại chuyện những nhà cách mạng hoạt động ở đây hồi bí mật, người vợ
Triệu Vân Hương luôn luôn bảo với Tư:
– Càn cách mạng khổ lai! (Người cách mạng khổ lắm!).
Chị cảm động nhắc lại lời của một đồng chí bảo chị ngày xưa:
– Người Mán đừng giết người cách mạng, đừng bắt người cách mạng nộp cho Tây nhé!
Người Mán không bắt người cách mạng. Người Mán đã cưu mang người cách mạng. Họ nhịn ăn, giấu cơm đem cho người cách mạng ăn. Tây mà bắt được cơm ấy thì họ mất đầu. Nhưng họ vẫn ủng hộ cách mạng như thường. Tôi nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nói chuyện với tôi.
Nếu khởi nghĩa chậm một tháng, cả một làng Mán sẽ chết đói vì nhịn ăn ủng hộ một đội quân giải phóng.
Cứ xem cách họ săn sóc chúng tôi, đủ biết họ có cảm tình với cách mạng thế nào… Thấy Khang cựa mình, tôi biết anh cũng thức dậy rồi. Tôi nói những ý nghĩ đang nghĩ ngợi với anh. Anh cũng ca tụng những nhà cách mạng say mê đã rọi ánh sáng giác ngộ vào tận rừng sâu, nhóm nổi ngọn lửa đấu tranh trong tâm hồn chất phác của những người gần như chưa có ý thức gì về xã hội. Những người ấy, trước kia xa lánh mọi người. Bây giờ họ cũng nói đến Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh
phúc, cũng biết Pháp dân chủ và Pháp thực dân, cũng treo ảnh cụ Hồ và viết khẩu hiện dán lên phên, cũng đi dự mít tinh và khai hội.
Một buổi tối chung quanh bếp lửa, chúng tôi với anh em đồng chí Chẩn dạy nhau học lẫn tiếng của nhau. Tôi chỉ vào cái nồi đồng hỏi:
Cằng Tầy, cẳng ca lăng? (Tiếng Thổ gọi là gì?)
Mỏ toòng: Cẳng heo? (Nồi đồng, tiếng Kinh gọi là gì?)
Cẳng keo: Nồi đồng (Tiếng Kinh nói: Nồi đồng)
Anh dán to mắt nhìn tôi. Nồi đồng? Thế còn anh? Sao người ta lại gọi là hội đồng nhân dân?
Thật ngây ngô! Nhưng con người “ngây ngô” ấy đã ăn củ cả hàng tháng để nhường gạo cho những người cách mạng. Cả gia đình anh, cả làng anh, mọi người trìu mến, săn sóc, bảo vệ, chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi, cũng chỉ vì coi cúng tôi là những người cách mạng.
Nghĩ như vậy, tôi thấy rất phàn nàn về một bọn người xuôi qua đây, ngủ nhờ một đêm ở làng này. Họ tranh nhau, đòi mua hết thức nọ đến thức kia, người ta không muốn bán cũng cố vật nài. Trả tiền thì rẻ. Lúc ăn người ta ăn, người không có ngồi nhìn. Ăn xong, bày bừa ra nhà, phóng uế bừa bãi ở quanh nhà. Lúc đi, đem cả bát của nhà người ta đi.
Sau khi họ đi rồi, đồng chí Bảo bảo chúng tôi:
Nó không đoàn kết. Nó là cái đàn bò! Và anh nói những điều nhận xét của anh:
Các đồng chí với “bọn khỏi” (bọn tôi) tốt. Các đồng chí ăn, bọn khỏi ăn. Nhưng người kia không tốt. Người nào có ăn. Người không có, không được ăn. Không “đàn kết”.
Chúng tôi đỏ mặt, bởi vì chúng tôi thấy nhục lây. Nhưng nghĩ kĩ, chẳng qua bọn này vụng xử đấy thôi. Họ không chịu luôn luôn nhớ rằng dân chúng rất chú ý nhìn vào họ để phán đoán về tinh thần của người miền xuôi. Chúng tôi cố giải thích cho Bảo hiểu họ chỉ là số ít. Bảo gật đầu:
Đâu cũng thế. Có người tốt, có người không tốt. Người Mán cũng có người không tốt. Hồi bí mật, cũng có người Mán bắt người cách mạng nộp cho Tây. Người giác ngộ thì tốt.
Gần gũi với những người Mán đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành sốt sắng và tận tụy, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng. So sánh họ với mấy thằng “bố vấu” mà Khang gọi là trí thức nửa mùa, Khang rất bất bình đối với hạng này. Chúng nó chẳng yêu một cái gì, chẳng làm gì. Chúng nó chỉ tài chửi đổng.
4-11-47 – Mở mắt ra, trăng lấp ló qua kẽ mái bên mặt. Lạnh, gió to, nghe ở lán bên cạnh có tiếng thổi lửa phù phù, chúng tôi cũng thức dậy đốt lửa cho đỡ rét.
– Dên lai! (Rét lắm!)
Khang kêu lên thế. Mấy người đàn bà ở lán bên cười, nhắc lại
– Dên lai!
Nướng mấy củ sắn, ăn xong vừa sáng hẳn. Sau khi rửa ráy, Khang mài đá, mài mực viết. Tôi ghi nhật ký. Gà bay loạn xạ, kêu quang quác ở chung quanh. Có tiếng máy rền: ô tô hay máy bay?
Có lẽ Tư đi Píc Cáy, hay đi hội nghị tỉnh ở Lùng Trang? Nếu ở nhà, thế nào chẳng lên. Định để ngày nay đọc sách. Nhưng chẳng biết có thì giờ đọc không. Lát nữa phải đi chặt củi, sắp sửa thổi nấu ăn. Rồi gì nữa? Có lẽ cũng nên hạ sơn, lấy thêm gạo hay một thứ gì để luyện chân cho dẻo.
6-11-47 – Đêm qua, thằng bé bên cạnh khóc, nghe giống Thành khóc quá! Buồn… Nhớ con!
Sáng nay, trời u ám. Tập thể thao và tắm xong, trời hơi mưa. Đọc nốt một quyển sách nói về Liên Xô.
Đẹp đẽ biết bao công trình xây dựng của nước Xô viết đầu tiên ấy.
Hai thằng xuống nhà đồng chí Chẩn lấy gạo. Bà cụ nhìn khắp nhà, chẳng tìm được thức gì cho, đong cho một ống gạo rẫy và đưa cho một củ gừng. Lên lán được một lúc thì mưa to. Rừng có bao nhiêu lá! Lá rừng rên rỉ dưới những giọt mưa tới tấp. Thanh âm rậm và buồn.
12-11-47 – Tư gửi một con vịt lên, rồi lên định ở với chúng tôi vài ngày. Tôi lấy làm ưng ý vì thấy mình tự nhiên thành một tay đầu bếp khá. Pha thịt gọn. Rán thịt khéo. Thổi cơm nếp đậu xanh không nát. Món bí ngô nấu với đậu xanh và gạo nếp để làm món ăn tráng miệng, anh em cho là tuyệt lắm. Làm bếp thành một cái thú. Tôi là tay bếp trên “cơ quan Một” này. tô giặc chạy rầm rập dưới đường. Súng nổ nhiều. Lắm lúc nghe như ngay ở chân núi chúng tôi. Nhưng Tư bảo: thật ra còn cách những năm quả núi. Chúng tôi cứ ung dung hút thuốc và nói chuyện.
Bỗng Noọng Liễu, em gái Chẩn và Bảo, lên tìm Tư xuống. Có người muốn gặp. Cơ quan dưới đã gặp sự gì chẳng hay chăng? Chúng tôi rất nóng ruột, vì công việc xếp đặt mãi chưa xong. Tờ báo định ra vẫn chưa ra được. Cơ quan “nhận tin” cũng chưa bắt đầu làm việc được. Hàng tháng nay, chỉ biết ít tin tức quanh vùng, do Tư liên lạc với các cơ quan địa phương, lấy về. Một tiểu đoàn hoạt động ở quãng này. Một đại đội luôn luôn chú ý bảo vệ mấy cơ quan, trong đó có cả cơ quan của chúng tôi. Địch chết lẻ tẻ khá nhiều, nghe chừng chúng chẳng ăn thua gì cả. Ta chặn giữ, chúng không tiến được. Mặt Cao Bằng nhờ mượn đường của Tàu[3] để tiến, chúng lợi thế hơn, nhưng cũng bị mấy vố điếng người rồi.
chợ Mới, chợ Đồn, chúng nó thiệt nhiều. Đánh Việt Bắc quả là chẳng dễ. Mình hở cơ tí chút, một vài cơ quan bị thiệt hại ít nhiều. Thế thôi!
Người tìm Tư chỉ là một chú giao thông, nghe súng sợ tái mặt chạy một mạch lên đây. Tư cáu lắm. Không thể nhút nhát, hoảng hốt như thế được. Cơ quan đặt sát địch, cần những người gan dạ, luôn bình tĩnh. Tư tin rằng địch không dám tiến vào chỗ cơ quan dưới.
Anh lại lên họp mặt với chúng tôi. Cơm chiều xong, đốt lửa. Đốt lửa thật to rồi nằm nhìn, đó là một cái thú mới của chúng tôi. Hôm nào ấm, không đốt lửa được, hơi buồn. Ba thằng nằm, hát bố láo đủ mọi thứ bài, từ cổ chí kim. Nhiều bài chỉ nhớ một vài câu. Lũ trẻ bên cạnh cùng hát với chúng tôi. Chúng thuộc một bài điệu lạ chúng tôi không biết, một bài nữa theo điệu Hướng đạo sinh tạm biệt chúng tôi có thể hòa theo bằng lời riêng của chúng tôi, mấy câu trong bài Hồ Chí Minh muôn năm và trọn bài Tiến quân ca, thành thử gặp nhau nhiều nhất, chỉ ở bài Quốc ca.
Quên chưa nói rằng: tối hôm nay, hàng xóm đông hơn. Có lẽ vì tiếng súng nổ dữ lúc ban chiều. Thêm ba đứa trẻ nữa. Và bà cụ nhà đồng chí Quân.
Thằng con đồng chí Quân mặt mũi sáng sủa nhưng bẩn lắm. Những đứa kia cũng bẩn. Riêng con Pú, ở với chúng tôi luôn, đã theo chúng tôi rửa mặt hàng ngày và rửa cả cho thằng Lý, em trai nó, cho nên hai đứa sạch sẽ hơn. Chúng nó cởi truồng. Con gái cũng vậy tuy đội khăn và đeo vòng, nhẫn. Có đứa trần truồng ngồi sưởi, mặc dầu trời rét. Quần áo thiếu.
Họ cho chúng tôi gạo nếp, bánh chưng, chanh, sắn, bí, rau. Ai có gì cho thức ấy. Họ cho luôn. Chúng tôi có gì ở dưới gửi lên cho, cũng cho lại họ. Thân mật như người nhà. Nhiều khi con Pú nấu đậu nành, cũng đong cho chúng tôi một bát. Cười, lẳng lặng đưa, không nói, bởi vì nó không biết tiếng Thổ. Lần đầu, cầm cho vui lòng nó.
Hát, đùa với lũ trẻ một lúc, thấy mệt và buồn. Tư nghĩ đến làng, đến những nơi làng quê ngày trước đi gặp gỡ người yêu. Khang nghĩ đến Hà Nội, ánh sáng của Nhà hát lớn, sân khấu, người xem. Tôi, đến vợ con. Những ngày nghèo khổ sống bên nhau. Ngày trở về, gặp nhau… Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy một cái… Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi mặt vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng. Nghĩ đến những lúc ở nhà, mình mắng mỏ con Hồng, thương nó quá… Nghĩ loăng quăng, đôi lúc nhớ đến Sâm. Ôi! Thằng đàn ông!…
13-11-47 – Tư đổi ý. Anh sốt ruột. Anh không thể ngồi đây nghỉ vài hôm như đã định. Cơm sáng rồi anh đi.
Khang và tôi bắt đầu in truyền đơn cho cô Vẩu. Chúng tôi gọi đùa chị là cô Vẩu. Hơi vẩu thật, nhưng thùy mị và nhanh nhẹn. Con nhà đặc! Người mảnh khảnh, da trắng xanh, đã sốt rét nhiều, nhưng say mê công tác, có tư cách và hăng hái lắm. Chị thuộc vào lớp cán bộ đầu tiên, xung phong lên Việt Bắc. Đồng bào địa phương rất mến.
Bóc tờ giấy ở phiến đá lên, Khang có vẻ vừa ý lắm.
– Rõ và đẹp lắm. Cô Vẩu tha hồ thích nhé!
Giọng anh âu yếm. Lần đầu tiên tôi thấy anh như vậy. Quen anh rất lâu, tôi chưa nghe thấy anh nói chuyện trai gái bao giờ. Người họa sĩ đã ngoài ba mươi tuổi ấy hình như chưa bao giờ nghĩ đến tình. Anh ghét vẽ đàn bà. Đứng trước một phụ nữ, mặt anh lạnh như tiền. Nói như Tư thì giáp mặt mỹ nhân, mấy cái râu chuột trên mép không hề động đậy. Cảnh hiu quạnh hay cái gì đã xui dại anh buột miệng nói ra câu nói êm ái ấy! Tôi cười nụ.
Chúng tôi vừa in vừa cắn hạt bí bà cụ Quân cho. Bà cụ sang xem chúng tôi in, nói chuyện. Người phúc hậu, mặt đẹp. Hay chuyện. Âu yếm cháu.
Buổi chiều, thấy chúng tôi không có rau ăn, chỉ có một ít nấu canh lõng bõng, bà ái ngại. Bà chạy vào rừng, lấy về một cái hoa chuối và một nắm lá gì trông giống lá ngội. Bà gọi là “phiếu phan” – rau phan vậy. Bà bảo chúng tôi đợi bà xào cho một bát. Ăn hơi chát, vì hoa chuối không luộc trước. Cũng cứ khen là ngon đi! Một lần Chẩn mời ăn thịt chuột nướng rồi nấu với muối và nước lã. Tư cũng gắp ăn không nhăn mặt và khen ngon.
Tối nay, nôn nao và mệt rũ. Làm nhiều? Hút thuốc lá nhiều? Hay say hạt bí?… Đi nằm sớm, chuyện lẻ tẻ. Lửa tắt cũng không buồn dậy thổi. Nhưng một lúc sau, buồn quá, tôi lại dậy thổi lửa, chất thêm củi cho cháy thật to, cuộn thêm một điếu thuốc lá nữa, trầm ngâm hút. Có lửa, vui hơn một chút.
Con hươu lại kêu. Nó kêu luôn mấy đêm rồi. Tiếng man rợ và thảm thiết. Nghe gần lắm, sao không ai đi bắn nó?
14-11-47 – Trẻ con người lớn lại xuống hết cả, trừ con Pú, thằng Lý và thằng em chúng nó, địu trên lưng con Pú. Vắng, thức ăn hết. Cơm gạo tẻ trộn lẫn đậu xanh rắc vừng. Tư và Khang vẫn gọi đùa tôi là bác sĩ, vì khi ăn tôi hay tính xem bữa ăn có đủ chất bổ không. Thiếu thịt tôi cố tìm đậu để thay. Chất mỡ ở vừng. Đủ lắm.
Hôm nay nghỉ in li-tô, đọc sách. Tôi muốn nhân lúc này, học thật nhiều, để có đủ một số vốn tri thức giúp tôi khi cần có thể trông coi một tờ tuần báo chẳng hạn.
Chiều nay lại nôn nao và mỏi mệt. Viết nhiều? Thuốc lá? Ký ninh vàng? Đói? Hay là thể thao nặng quá?
15-11-47 – Đêm qua, bà ké Chẩn ho nhiều, rên và lảm nhảm nói mê luôn. Thằng bé con anh Chẩn ho rũ rượi, ho như xé phổi, không còn khóc được.
Sáng nay, súng liên thanh nổ ran. Chừng hơn chục phát đại bác tiếp theo. Nghe rất gần, súng tắt một lúc, có tiếng động cơ.
Trời giở mưa. Con Pú mải mốt cầm dao đi chặt lá chuối về che lán. Em vẫn địu ở trên lưng. Con bé mới tám, chín tuổi mà làm đủ việc: kiếm củi, thổi cơm, giữ hai em. Nó là nội trợ. Bố mẹ nó đi ruộng, đi rẫy suốt ngày. Nó phải quán xuyến tất cả các công việc ở nhà. Đứa em bé không lúc nào rời lưng nó, có thể vẫn ngủ lắc lư cái đầu ngoẹo xuống hết bên nọ đến bên kia trong khi con chị làm các việc, kể cả việc chặt những cành cây súc. Thằng em lớn muốn khóc lúc nào thì khóc, rồi khắc lặng. Mới độ ba, bốn tuổi, nó đã và cơm lấy. Tôi thấy nó gắp mấy miếng bí ngô xào, chấm muối ớt, rồi trộn vào bát cơm rẫy, lắm nhựa như cơm nếp. Trên này, ớt như muối vậy, trẻ con cũng ăn mà không xuýt xoa. Ớt nướng, có một cái vị hay hay, chúng tôi thích lắm.
Mưa. Mưa thì buồn. Nhà có thể dột. Rừng nhiều vắt. Lần mưa trước, tôi đã bị một con vắt chui vào tận háng lúc nào không biết, máu đầm đũng quần và chảy đến tận chiều mới cầm lại được.
19-11-47 – Nhiều lần chúng tôi bắt gặp lũ trẻ đọc khá đúng những bài đọc trong những quyển sách quốc ngữ của Bình dân học vụ. Tưởng chúng nó học, nhưng chạy sang xem, không có sách. Chúng nó đọc thuộc lòng. Chắc là nghe người lớn học. Ai? Chỉ có Bảo đã học hai mươi ngày ở cơ quan bí mật của cán bộ bên rừng Vang Kheo ngày trước.
Anh chàng ấy tối hôm qua lên chơi với chúng tôi. Nhân tiện mang cho chúng tôi cái va li xách chúng tôi chưa kịp đem lên. Lân la nói chuyện và Bảo nói nhỏ cho biết rằng cả nhà đồng chí Quân có ma gà. Có ma gà, không tốt. Hay “làm cắn” lắm. Đến nhà ai cũng “làm cắn”, không trẻ con thì trâu, bò, gà, lợn.
Ma gà là thế đấy! Người trên này, ai chẳng có vi trùng sốt rét trong người? Bệnh có thể đến bất cứ lúc nào. Ốm đột ngột là thường. Họ bảo ma làm.
Vô phúc cho anh, nếu luôn mấy lần, sau khi anh đến chơi nhà một người nào, tự nhiên một người trong nhà sinh ra ốm hay lợn, gà nhà ấy chết. Họ nhất định bảo nhà anh có ma gà. Tiếng dữ ấy đồn đi. Mọi người sợ anh, ghét anh, coi anh như người hủi. Có ma gà là một cái khổ, cái nhục của ông cha truyền lại. Không ai muốn có. Không ai muốn lấy vợ, lấy chồng có ma gà, như người không có mả hủi lấy những người mả hủi. Người ta cho rằng có ma gà thì phải cúng nó vào mỗi năm nhuận. Ít nhất phải cho nó vật chết một người hay một con gì, nếu không thì nó vật chết người nhà hay gà lợn của nhà.
Tôi hỏi:
Đồng chí Quân làm ma gà cắn tôi có được không? Bảo trả lời:
Muốn làm gì cũng được.
Ma gà cắn có chết không?
Trẻ con chết. Người lớn, cúng thì khỏi.
Thật là dễ hiểu. Trẻ con, sức chống bệnh yếu, dễ chết vì bệnh sốt. Người lớn khỏe và đã quen với bệnh hơn, ốm ốm, khỏi khỏi là thường. Cứ theo Bảo thì trong số những người Mán chúng tôi quen, có đến sáu, bảy người có ma gà. Tôi thấy họ đều rất hiền lành. Chưa ma gà, ma rừng nào cắn chúng tôi. Tôi cười, bảo người bạn Mán.
– Chúng tôi mới chập tối đã vào màn, mỗi tuần lại uống ba viên ký ninh vàng, ma không làm ốm được.
Cố nhiên là Bảo không tin. Trách gì anh? Chán người miền xuôi, học khoa học hẳn hoi, nhưng vẫn sợ ma gà đấy!
20-11-47 – Lớp này rau hiếm lắm. Mỗi lần lên, trông thấy chúng tôi, bà cụ lại cười ngượng nghịu:
– Nằm mì phiếc (Không có rau).
Bà có vẻ băn khoăn, bịn rịn vì nỗi không có gì để cho chúng tôi ăn. Chúng tôi cười bảo:
Cơm với muối cũng ngon, ké ạ! Bà cười:
– Cơm với muối, ăn khổ lắm. Các đồng chí ở đây, khổ lắm.
Hôm nay bà đem cho chúng tôi một dúm lớn đậu đen. Không giống hẳn đậu đen ở dưới xuôi. Hạt nhỏ hơn. Tôi hỏi nấu thế nào, bà không đủ tiếng để nói cho tôi hiểu. Khang bảo:
– Chắc lại như món đậu nành: rang qua, cho một tí mỡ vào, đổ nước rồi bỏ muối thôi chứ gì?
Mỡ cũng hết rồi. Tôi cho đậu với nước vào, đun dừ rồi bỏ muối. Chỉ có thế mà vẫn nuốt nổi năm, sáu bát cơm. Từ ngày chui vào rừng ở, phát minh ra nhiều món lạ!
Và cũng phát minh ra nhiều điều lạ nữa. Lạ nhất là chúng tôi thấy rừng núi chẳng có gì lạ cả! Hồi còn dưới xuôi, cứ nghe mấy ông hàng xóm đi bè về nói chuyện rừng rú, hổ báo, gấu, trăn là đủ rợn tóc gáy lên rồi. Mình tưởng lên đến rừng là phải ở nhà sàn thật cao, rào giậu kiên cố ở chung quanh, đi đâu phải đông người và phải mang theo cái thanh la để dọa hùm, đêm đến muốn đi đái cũng không dám mở cửa ra ngoài, đành cứ đứng trong nhà đái! Bây giờ chúng tôi ở những chỗ sâu thẳm trong rừng rậm, chót vót trên đỉnh núi. Nhà ở không bao giờ đóng cửa, vì không có cửa. Nhiều đêm chỉ có hai người. Đi đâu cũng chỉ có hai người, đôi khi lại chỉ một mình tôi. Hay chỉ một cái gậy nhỏ, để chống mà trèo núi chứ không phải để phòng thân. Thế mà vẫn ung dung như ở trong nhà mình, đi trong vườn nhà mình vậy. Mà “nhờ giời thương thánh độ”, cũng chưa một anh nào trong bọn chúng tôi được táng hàm hổ cả!
Anh chàng Khang ngạo mạn với các ngài chúa sơn lâm, thỉnh thoảng lại hỏi tôi:
Mẹ kiếp! Chúng nó đi đâu hết nhỉ? Ở rừng hàng nửa năm giời, chẳng trông thấy mặt chú cọp, chú beo nào cả!
Có đêm con Pú, thằng Lý và cả đến “con tằm lơ lơ” (con chó nhà Pú) cũng xuống nhà để “mo phi” (cúng ma) mà còn trơ lại hai thằng trên lán. Khang cười, bảo:
Quái lạ! Sao không có hồ ly tinh nào đến trêu chúng mình? Một lần tôi hỏi Bảo:
Rừng này có hổ không?
Đã lâu không thấy. Năm ngoái có bắn được một con.
Sao năm nay không thấy?
Không biết. Hôm nọ bên Píc Cáy bắn được một con. Nó về tha một con bò, người ta biết.
Có gấu không?
Nhiều lắm.
Sao không thấy?
Mùa rét nó ở nhà, không đi đường.
Không ra ngoài, nó lấy gì mà ăn?
Nó không ăn.
Không ăn, sao sống được?
Sống, nhưng nó không có mỡ. Đi ăn được, nó nhiều mỡ lắm. Mấy hôm sau, họ rủ nhau đi giết gấu. Tôi hỏi
Ở đâu?
Ở rẫy đồng chí Quân. Nó đến ăn ngô. Bẫy được.
Chẩn trả lời tôi vậy, rồi anh hỏi:
Đồng chí có thấy nó không?
Không
Nó đi qua lán đồng chí đấy.
Sao biết?
Xem vết chân. Nó ở trên núi đi qua đây để xuống rẫy đồng chí Quân. Nó ăn ngô. Ái chà! Nó ăn mất nhiều ngô lắm. Đêm nào cũng ăn.
Khang cười
Cũng lạ, người anh em toàn đi ăn mảnh. Qua nhà mà không vào rủ chúng mình cùng đi, làm mấy bắp nướng ăn.
Chúng tôi bảo nhau: từ rầy coi chừng, đêm lơ mơ ra ngoài mà có khi nát mặt. Nhưng chỉ giữ được mấy hôm, rồi lại cứ ra vào bạt mạng. Và tặc lưỡi.
– Bao nhiêu Giải phóng quân hồi trước, có thấy nói đến một người nào chết vì hùm, vì gấu đâu?
23-11-47 – Đang sốt ruột mãi chưa ra được báo thì Tư và Tâm lên. Hai cậu mang theo một con vịt, măng khô, một nắm thư, sách báo mới và tin tức.
Quý nhất là tin tức. Quân ta thắng lớn ở Sông Lô. Hạ máy bay ở Cao Bằng. Các mặt trận khác cũng lãi rất nhiều. Các anh em đã về đến cơ quan mới đều được vô sự và đã bắt đầu làm việc ngay.
vùng chúng tôi, địch đã bỏ mấy đồn. Ở những đồn còn giữ, chúng nó chỉ cố thủ, không dám xông xáo nữa. Tiếp tế hoàn toàn bằng máy bay.
Tình hình như vậy, chúng tôi phân tán lắm, chỉ mất thì giờ. Chúng tôi sắp hạ sơn để tiện việc hơn. Cơ quan dự bị.
Khang thấy sắp phải rời chỗ tu tiên, ngày nào cũng đem giá vẽ ra, chăm chú vẽ.
30-11-47 – Nhà in đã có thể bắt đầu làm việc được rồi. Cơ quan nhận tin điện cũng gần xong. Chúng tôi xuống nhà đồng chí Chẩn đã hai hôm, đợi ngày trở về làng. Nay mai, báo ra chúng tôi sẽ bận hơn. Có lẽ khá lâu không có thì giờ đến chơi đây. Chúng tôi muốn xuống ở hẳn với họ mấy hôm để được chuyện trò với họ nhiều hơn.
Tối hôm nay, ngồi quây quần chung quanh bếp lửa với gần đủ mặt cả làng, chúng tôi hỏi đồng chí Văn, đồng chí Tống[4]. Họ tả lại mấy trận đánh đồn. Họ hát lại những bài hát cách mạng hồi ấy cho chúng tôi nghe.
Chúng tôi nói với họ về miền xuôi, về Hà Nội, những ngày khởi nghĩa, về Trung Bộ, Nam Bộ, có ý cho họ hiểu nước mình rộng lớn thế nào, nhiều người nhiều của thế nào và họ thuộc vào một khối người dự vào một cái phong trào to lớn đến đâu. Chúng tôi nói với họ cả về thế giới, về phong trào cách mạng đang sôi nổi khắp từ Á sang Âu. Nói một cách thật giản dị, thật cụ thể thôi. Chúng tôi nói đến cụ Hồ nhiều lần cụ đi đêm. Đi đêm, những con đường dốc ngược, gồ ghề, quanh co và rậm rạp thế này? Thì ra chúng tôi mới chỉ là những anh chàng “con nhà” tập tọng sống cái đời gian khổ của những con người tranh đấu. Nỗi thiếu thốn vất vả của chúng tôi hiện nay chỉ như một hạt cát bụi bên cạnh trái núi lớn, nếu so với nỗi gian lao của những nhà cách mạng thời bí mật. Cuộc kháng chiến rồi đây có thể đẩy chúng tôi vào những hoàn cảnh khó khăn hơn hiện nay gấp nghìn lần. Nhưng chúng tôi không nản sợ một chút nào. Chúng tôi tin ở sức chịu đựng của chúng tôi và sự giúp đỡ, che chở của đồng bào. Khi mà ở tận chốn thâm sơn cùng cốc này, vẫn còn những người Mán sống nghèo khổ, lẻ tẻ, tha thiết với cách mạng và độc lập, tự do thì chúng tôi có quyền vững lòng và tin tưởng.
Câu chuyện mỗi lúc thêm náo nhiệt. Mắt những người Mán ngồi với chúng tôi sáng và nhanh nhẹn hẳn lên. Một cái gì như vừa thức dậy trong những tâm hồn rừng núi âm u. Chuẩn và Bảo hát vang. Họ bảo nhau: khi nào kháng chiến thành công sẽ kiếm tiền may mấy cái áo tốt, về dưới xuôi chơi. Triệu Vân Hương cũng hứng chí lên, nói toang toang. Anh ta hứa sẽ cố bắn một con hươu, lấy da may áo để mặc về Hà Nội.
Liên cũng tươi tỉnh hẳn lên. Cô thiếu nữ mảnh người như liễu ấy rất hay nhìn trộm Tư. Khi những tiếng cười nói đã ngớt rồi, cô rủ rỉ bảo Tư:
Kháng chiến thành công, đồng chí Tư giú nảy au mê cần đồng, thu mà (Kháng chiến thành công, đồng chí Tư ở đây rồi lấy vợ người Mán mà làm ruộng).
Muốn tránh tất cả những sự lôi thôi có thể làm cho chúng tôi đánh mất cảm tình của đồng bào địa phương, từ đấy mỗi lần ở đâu lâu, chúng tôi thường tìm cách khéo, cho mọi người biết tất cả chúng tôi đã có vợ, có con rồi. Nhưng khổ cho chúng tôi, những anh chàng trai trẻ vẫn khát khao chuyện yêu đương nhưng lại phải luôn luôn kiềm chế lòng mình! Các cô con gái Thổ da trắng đỏ, mắt rất xinh và cử chỉ hồn nhiên lại rất hay cười đùa, bảo chúng tôi
– Không phải đâu! Các anh ấy chưa có vợ! Việt Minh không lấy vợ.
Có những lúc con người cũ của chúng tôi chồm dậy, con người phóng túng và ích kỷ. Những lúc ấy là những lúc chúng tôi bảo nhau, nửa đùa cợt, nửa chua chát.
– Giá chúng mình không phải là Việt Minh!
Những cử chỉ đứng đắn, lễ độ của chúng tôi khiến mọi người chung quanh rất mến phục chúng tôi. Có người, khi nói chuyện với chúng tôi, đã đem cái tư cách gương mẫu của chúng tôi so sánh với những thằng Tây đồn ngày xưa, bắt các làng phải thay phiên nhau nộp cho nó mỗi ngày một cô con gái thật đẹp để hầu hạ nó và quạt cho nó ngủ. Chúng tôi lại càng thấy sự giữ gìn tư cách là cần lắm. Và mỗi khi gặp một người đẹp chỉ đành thở dài vụng thôi.
2-12-47 – Hôm nay xuống núi, cả làng Mán quyến luyến tiễn đưa. Nhà đồng chí Chẩn cho chanh, đậu nành với trứng gà. Bà ké nhà đồng chí Quân chạy theo, đưa cho một bó rau cải thật to. Đi được một quãng còn thấy thằng con trai đồng chí Minh đuổi theo, gọi ơi ới. Tưởng quên gì. Nhưng không. Nó vừa thở hồng hộc, vừa đưa cho một xâu gừng. Tuy đã “thồ” đủ mọi thứ nặng chết người, vẫn còn phải cầm tất, để cho vừa lòng họ. Mọi người bảo: bao giờ được nghỉ, các đồng chí lên chơi.
Chiều hôm sau, xuống đến chân núi. Những anh em đã lâu ngày chưa gặp chúng tôi, mới trông thấy chúng tôi, đều phải kêu lên. Họ cho rằng chúng tôi tu tiên đã gần đắc đạo, nghĩa là gần hóa ra gấu cả rồi. Tóc gần lấp cả vai, chờm xuống gáy. Da và quần áo ám khói, vàng khè, râu ria tua tủa. Chúng tôi có cảm giác như chợt đến một chỗ đông đúc, sáng sủa, văn minh lắm. Trông người nào người nấy cũng đẹp, quần áo ai cũng như mới cả. Đi đường ria núi, bờ ruộng đã cho là bằng phẳng lắm.
Hôm nay đi mượn cái “tông đơ” húi đầu lẫn cho nhau. Nhẹ hẳn người. Ra một cái suối thật to, ngụp cả đầu xuống gội. Khoái lắm, tuy rét tím cả da. Mặc quần áo mới đi về, thấy mình đã hoàn toàn lột xác. Gặp một chuỗi cô gái Thổ đi theo một ông già vào lán bí mật, mình chào:
Chào ông ké! Chào các đồng chí! Ông ké gật đầu “Ừ!”, các cô líu ríu.
Chào hai đồng chí!
Đồng chí đẹp lắm!
Các cô phá lên cười. Mình đỏ mặt lên, sướng tỉnh người. Tiếc rằng không tìm đâu ra một cái gương để xem mình có đẹp thật không. Nhưng ngay buổi chiều, tôi trở về biết rõ mình hơn. Bởi vì Tư cho rằng có đến quá nửa số anh em trong cơ quan được các cô khen là đẹp. Non nửa kia chưa được cái may mắn gặp một cô nào cả. Vai lệch lại trở về vai lệch!
2-3-48 – Từ hôm ra báo, bận nhiều việc quên hẳn việc ghi nhật ký. Và cũng chẳng có gì nhiều đáng ghi.
Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài. Từ bài “phòng” đến một cái tin vắn đều phải cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu, viết xong đưa cho một chú giao thông Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen, thay bằng chữ khác.
Đã từ lâu, tôi mong ước có một tờ báo nhỏ, hợp trình độ của người mới biết đọc, nghĩa là với số đông.
Trước ngày kháng chiến toàn quốc ít lâu, tôi đã bỏ Hà Nội về một tỉnh nhỏ để làm một cuộc xem sao. Dịp may mắn cho tôi thử thực hành đã đến đây. Tôi làm rất chăm chú, rất ham thích cái công việc mà giá bốn năm trước đây người ta bắt tôi làm, tôi có thể điên người lên được. Hồi ấy, tôi viết văn để cho người ta biết đến cái tên tôi. Tôi ao ước tạo một cái gì đó sẽ sống lại sau tôi. Tôi thèm lời khen của các bạn văn, của những kẻ sành văn, của những nhà phê bình có tiếng. Những người ấy là tất cả. Tôi không hề quan tâm đến sự được những người sơ học đọc. Họ đọc để làm gì? Họ hiểu thế nào được văn chương? Và văn chương có ích gì cho họ, những người cằn cỗi về tình cảm, thấp kém về học thức. Họ muốn giải trí thì đã có đồ mười, lắc đĩa hay rượu và thịt chó. Họ không cần đến sách và đôi khi có đọc sách, cũng chẳng bao giờ thèm nhớ đến tác giả.
Tôi đã nghĩ đến tôi nhiều quá. Sau cuộc cách mạng tháng Tám, càng ngày tôi càng thấy rằng cái “tôi” của mình thật ra chẳng có nghĩa lý gì. Nó có một chút giá trị nào là khi nó biết hòa hợp nó vào với những người chung quanh. Nhiều khi phải biết quên mình đi. Quên cái tên tuổi của mình nếu muốn thành một người có ích. Có cần gì phải cầy cục tìm cách ghi tên mình lại cho lịch sử? Tạo ra lịch sử là một việc làm lớn lao hơn. Nhưng tạo ra lịch sử lại là sự nghiệp của số đông. Ta nên nghĩ đến số đông nhiều hơn ta. Tôi đã cố gắng rất nhiều và vẫn còn đang cố gắng để có thể thích những công việc nhũn nhặn, thầm lặng, nhưng có ích…
Tôi biết tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Vẫn còn những lúc thằng nghệ sĩ cũ trong người tôi vùng dậy. Tôi chợt thấy buồn rầu vì luôn mấy năm nay không viết được một tác phẩm nào khiến cho các bạn tôi nhắc nhở! Hết làm Chủ tịch làng thì lại đi tuyên truyền lớn, không mấy đêm tôi không nghĩ đến, luôn mấy năm nay!
Nhưng cái tác phẩm mơ ước ấy, có phải tận đến bây giờ tôi mới phải gác nó lại đâu? Tôi đã gác nó lại ngay từ ngày nó mới chớm nở trong óc tôi. Phần lớn thì giờ của tôi trước đây đều dùng vào việc viết những truyện ngắn, truyện dài, truyện trẻ con tôi không vừa ý một chút nào, nhưng nó giúp tôi moi được tiền của bọn buôn văn, để đem về nuôi cái thân tôi và nuôi vợ con. Nước mình còn nô lệ thì nước mình còn bị chê khinh và bọn nhà văn còn bị rẻ rung, bạc đãi, coi như một hạng người không có cũng chẳng thiệt thòi gì. Tôi đã làm ngược hẳn ý muốn của tôi, chỉ vì cần duy trì đời sống của tôi. Sao tôi lại không thể dằn cái ý muốn kiêu căng của tôi xuống, để góp sức vào công việc “không nghệ thuật” lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn. Nếu tôi có đủ tài để viết cái tác phẩm lớn của đời tôi, nó sẽ được hàng chục triệu người đọc chứ không phải chỉ vài ba nghìn người như trước nữa.
Chiều chiều, các anh, các chị Thổ ở các lán chung quanh đến lán chúng tôi nói chuyện hay đọc báo. Tôi càng có dịp hiểu trình độ hiểu biết, lời ăn tiếng nói, cách làm ăn và những băn khoăn, mong muốn của họ hơn. Dựa vào đây, tôi uốn nắn lời văn và tìm ra những đầu đề viết. Nói được một điều thiết thực, đăng được một cái tin làm người ta phải kể lại với nhau, làm được những câu ca dao thật mộc mạc nhưng không đến nỗi thành vè, viết được một bài thật ít lời nhưng vẫn đủ ý và đọc lên đàn bà, trẻ con nghe cũng hiểu, tôi cũng thấy sung sướng như viết được một truyện ngắn chính tôi ưng ý. Đôi lúc, anh em và chính tôi cũng lo rằng lối viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích của tôi. Nhưng số người đọc tờ báo nhỏ của chúng tôi cứ mỗi ngày một tăng lên. Các bạn tuyên truyền, các cán bộ cho biết nó rất hợp với đồng bào ở trên này. Bốn năm nghìn người này ít ra cũng đọc hay nói lại cho bốn, năm nghìn người khác nghe. Làm sao có thể nói rằng hàng vạn độc giả trực tiếp lẫn gián tiếp mới này không đáng cho tôi chú ý bằng bốn, năm nghìn người đọc những tiểu thuyết của tôi ngày trước. Lúc nào tôi cũng rất băn khoăn về ảnh hưởng những tác phẩm cũ của tôi. Bây giờ đây, tôi thấy yên lòng về những bài cỏn con của tôi hơn. Nó chẳng nói được những điều gì sâu sắc lắm đâu. Nhưng nó làm cho người đọc hiểu biết hơn, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của ta hơn, nó đẩy họ cùng hăng hái giúp ích cho cuộc kháng chiến của toàn dân và gợi cho họ những việc họ có thể làm để giúp ích cho kháng chiến. Tôi chỉ mong có thế.
Ngoài thì giờ viết báo, tôi đọc sách. Chúng tôi tổ chức những lớp học trong nhóm anh em cùng trình độ và mở những lớp huấn luyện cho anh em trình độ kém ở “cơ quan ấn”. Buổi tối, ngồi bên bếp lửa, tôi dùng lối hỏi chuyện, giảng những điều thường thức về địa dư, lịch sử, chính trị… cho chú giao thông Thổ ở với tôi. Và nửa đêm, trong lúc chú giao thông ngủ, tôi lặng lẽ chui ra khỏi chăn, cần lấy ống tre đi chân không lần từng bước xuống một cái dốc khá lớn để đi lấy nước ở một cái vũng nước nhỏ, ban ngày cạn vì nhiều người lấy quá. Từ chủ nhiệm, chủ bút đến giao thông, tiếp tế, chúng tôi ăn ở với nhau thân mật và bình đẳng, hòa thuận hơn anh em ruột. Vì vậy mà ai cũng hết lòng cố gắng. Và mặc dầu khí hậu độc, ăn ở khổ, lương rất ít, xa gia đình, quê hương, chúng tôi đều vui vẻ và lưu luyến cơ quan lắm. Đồng bào ở chung quanh trông vào có lòng yêu. Nhiều người đem con em nhờ chúng tôi dạy học hay xin vào hẳn trong cơ quan, vừa học nghề vừa học chữ. Họ hứa cơ quan đi đâu, họ bằng lòng cho con họ theo đấy.
Trong khi ấy, Tư giao thiệp mật thiết với chính quyền, với các đoàn thể dân chúng và đồng bào địa phương. Anh nhận làm giảng viên các lớp huấn luyện và làm cán bộ phụ trách việc dân trong vùng ấy. Khang mở một lớp dạy in đá và trình bày báo cáo cho anh em tuyên truyền ở mấy tỉnh chung quanh về học. Cuộc đời cũng khá vui. Và cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Thỉnh thoảng anh, chị Mán xuống thăm cho rau cải, nấm hương, hạt bí, sắn, gừng, hay thịt gấu.
Chúng tôi gọi đùa trên Mán là nhà quê của chúng tôi. Tết đến, Tư bảo tôi phải cố gắng bỏ ra một ngày “Về quê” đi chúc Tết tất cả mọi nhà. Vớ được trong cái va li của một anh bạn gửi, mấy cái kiềng, xuyến mạ vàng, chúng tôi đem theo làm quà cho mấy cô gái chưa chồng và lũ trẻ con. Những bà mẹ trông thấy mừng rú lên. Thịt lợn sống để từ hôm nảo hôm nào ở trong bồ, họ lấy ra xào nấu cho chúng tôi ăn. Cũng phải cố ăn. Anh chàng Tư ăn quá thực thà, đêm hôm ấy nôn mửa và đi tả. Tôi nhờ lẩn khéo chỉ toàn ăn đậu nên không việc gì.
Mấy ngày nghỉ Tết, tôi dùng để viết một truyện ngắn cho đỡ nhớ. Truyện “Tiên sư thằng Tào Tháo”.
Nhưng sau tôi đặt cho nó một cái tên giản dị và đứng đắn “Đôi mắt”.
4-3-48 – Lợi nhận được thư nhà. Vùng ấy lập tề rồi. Thế là nửa năm trời, thằng Tây nhích được vừa đúng một làng! Nhưng nếu nó tiến song song cả hai mé sông như trước, thì làng tôi cũng ở trong vùng địch mất rồi. Tôi nghĩ đến bố mẹ, anh em, nhà cửa, ruộng vườn. Tôi nghĩ đến các đồng chí thanh niên. Các anh còn có giữ vững được tổ chức không? Các anh hãy bảo vệ lấy làng yêu quý của chúng ta…
Hồi Tây, tôi ghét làng tôi. Từ ngày độc lập, tôi thấy yêu làng tôi tha thiết. Khang và Tư đã khổ lắm vì cứ phải nghe tôi kể chuyện làng tôi và chuyện các anh thanh niên làng tôi.
7-3-48 – Trời mưa. Lớp này mưa nhiều quá. Vắt vào tận trong nhà.
Tôi xắn cao quần, mặc áo mưa, chống gậy đi sang một làng bên, nói về tình hình thế giới và trong nước cho một lớp huấn luyện, thay Tư có việc vừa mới về xuôi.
Hơn hai chục học viên vừa trẻ vừa già. Toàn anh em Thổ, Mán. Có người đã ngoài năm mươi, bệ vệ như chánh tổng. Hầu hết, chỉ biết vừa đủ tiếng Kinh. Giảng cách nào đây?
Tôi rất sung sướng khi thấy đôi mắt rất chú ý của một đồng chí có tuổi đột nhiên lóe sáng vì hiểu được điều tôi nói. Đến giờ nghỉ, đồng chí ấy vui vẻ bảo tôi:
– Giờ tôi mới được biết đấy. Trước kia không hiểu gì đâu. Không có báo đọc. Đọc không hiểu hết.
9-3-48 – Vẫn ở lớp huấn luyện. Ngồi bếp, hút thuốc lào, nói chuyện với an hem. Họ đều than phiền thuở bé không được học.
Nói là không được học, không ai tin. Không học, sao biết chữ, sao được đi làm cán bộ? Nhưng cán bộ có được đi học bao giờ đâu! Ngày bé, coi trâu, lớn lên đi phu, làm để đóng thuế. Con quan, con nhà giàu mới học.
Một anh sừng sộ bảo tôi như vậy. Các anh phần lớn đều tự học, nhiều anh vừa chăn trâu vừa vạch chữ lên mặt đất, thế mà rồi cũng biết.
Thế mà nhiều thằng con nhà giàu cho đi học chỉ chơi, ba, bốn năm không biết chữ. Tôi có vẻ không tin. Anh trợn mắt.
Thật đấy. Nó ngu quá. Không biết chim gái, lấy vợ, vợ bằng tiền đấy.
Các anh kể lại những chuyện Pháp khủng bố ngày xưa…
Người đi hoạt động khổ một phần, người ở nhà khổ mười phần. Nhưng đến lúc chúng nó đem gia đình các cán bộ tập trung cả vào một chỗ để giam giữ, thì các cán bộ không cần gì nữa. Không lo cho gia đình nữa, càng hoạt động già. Việt gian lo sốt vó.
16-3-48 – Cái giọng nghiện trong đài phát thanh của bù nhìn ở Hà Nội sáng nay cho biết: hôm qua, chúng nó đã ký với nhau hiệp ước năm trước. Trong cái mào đầu hiệp ước, có nói đến phẩm cách của con người, tự do của mỗi cá nhân trong xã hội… Mình như đột nhiên bị một cái cật nứa gại vào cân não. Y như hồi nào nghe chính miệng một thằng quản đề lao chuyên môn hành hạ những người bị giam để tống tiền, nói đến chuyện nhà nó ba đời tu nhân tích đức. Muốn chửi to một tiếng.
Những tin tối hôm qua cho biết Giải phóng quân Trung Hoa vẫn tiến. Khi mà làn sóng dân chúng đã đang lên! Nó cứ tràn đi mạnh mẽ và cuốn đi, và rửa sạch tất cả những nhây nhớp của một xã hội đã thối nát. Vàng của bọn tài phiệt sẽ vô hiệu quả. Hỡi những anh bạn chiến đấu đang tiến mạnh! Chúng tôi đợi ngày giờ nắm tay chào các anh…
19-3-48 – Vẫn mưa. Đêm qua càng mưa dữ dội hơn. Bị nước lọt qua màn rỏ vào mặt, tôi thức giấc, quay đầu lại phía chân. Cố thu hẹp người lại để tránh nước từ trên mái nhà dột xuống. Rất lâu không ngủ được. Mưa đến từng đợt như đợt sóng, ào ào rồi ngớt, rồi lại ào ào, rồi lại ngớt. Nước không gõ trống trên lá nữa. Nước chảy thành thác trên lá rậm. Tiếng dòng suối dưới gầm sàn như một cái nhọt vỡ mủ, ăn loang đêm tối.
Ôi chao! Cái giống bọ vô hình ở cái chăn bông rách bò ra, ngứa ran trên mặt, trên cổ. Không sao ngủ được. Cố nhiên là lại nhớ đến Liên, nhớ các con. Những lần mưa trong đời mình. Đời mình như toàn mưa cả, mưa vào những dịp quan trọng. Mưa vào những ngày bước ra đi. Mưa! Mưa! Cái đêm mưa trên thuyền mía. Những đêm mưa nhà dột trong cái lều nhà bà cụ Xoan…
Nhưng mỗi lúc ngớt mưa, lại nghe tiếng súng nổ ran. Tiếng súng đã nổ ran suốt ngày hôm qua, mặc dầu mưa. Trong cái đêm mưa tầm tã này, súng vẫn nổ như thường. Súng không biết có giời mưa. Lòng súng không ỉu xịu bao giờ. Ôi súng! Ôi những cây súng thép! Ôi những anh Vệ quốc quân. Tôi biết các anh nhiều khi phải nhịn cơm ăn cháo, đứng dưới trời mưa suốt ngày, suốt đêm mà đánh giặc. Lòng các anh cũng như lòng súng thép. Mưa có bao giờ cho làm ỉu xịu một tấm lòng bằng thép tôi già? Tôi xấu hổ cho tâm hồn ủy mị của tôi. Vẫn chưa mạnh hẳn ư? Các anh! Các anh chiến sĩ không tên! Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ đến cái tên mình, không nghĩ gì cả đến thân mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh sáng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh. Lòng tôi vẫn còn u ám lắm. Những đám mây đen xưa cũ vẫn còn lởn vởn. Các anh hãy quét sạch nó hộ tôi. Quét sạch! Để cho tâm hồn quang quẻ và mới hẳn!…
Súng vẫn nổ giòn. Tôi lắng tai, cố nghe tiếng súng. Tiếng súng máy cười khành khạch. Hôm qua hai lính Pháp ở Phủ Thông ra hàng. Chúng nó chịu làm sao nổi cảnh u ám và những ngày mưa ở miền rừng? Chúng nó chịu làm sao cảnh ăn cháo đánh nhau? Mưa! Mưa! Mày cứ mưa mãi cho tao! Chúng nó sẽ còn ra hàng nhiều nữa!…
1948
In trong tập “Đôi mắt”