Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tuyển tập Nam Cao

ĐUI MÙ

Tác giả: Nam Cao
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Vào bàn ăn, thấy chỉ có mỗi mình bạn với tôi, tôi không sao giấu nổi sự ngạc nhiên. Hùng như cũng đoán ra điều ấy, mỉm cười hỏi tôi:

Chắc anh lấy làm lạ vì không có Nga cùng ngồi ăn với chúng ta như năm trước?

Quả có thế. Ý hẳn chị đi chơi đâu?

Hùng lắc đầu cười gượng:

– Tôi bỏ Nga từ năm tháng trước kia rồi!

Tôi sửng sốt như bị điện giật, mắt mở to, miệng há hốc. Vẫn với nụ cười chua chát, Hùng bảo tôi:

Anh không tin? Anh không tin là phải, vì tôi yêu Nga lắm, yêu hơn tất cả những tình nhân say đắm khác trên đời. Hồi ấy giá có ai bảo tôi rằng một ngày kia có thể bỏ Nga, thì tôi đã không ngần ngại gì mà cho người ấy là loạn óc? Ấy thế mà cái việc bất ngờ ấy đã xảy ra…xảy ra một cách đau đớn lắm… Nhưng anh cầm đũa đi đã chứ. Ta vừa ăn vừa nói chuyện…

Thường thường năm nào cũng vậy, mấy tháng nắng chúng tôi vẫn dọn ra “Ô Cấp” ở. Một ông bác tôi có một cái nhà ở ngoài đó bao giờ cũng sẵn lòng cho chúng tôi mượn không lấy tiền. Nhưng năm nay tôi đang soạn dở một cuốn tiểu thuyết để kịp cho đăng vào tờ tạp chí của anh Quang mới được phép ra, nên cần phải ở nán lại Sài – Gòn vài tuần nữa. Dù thế, tôi cố ép Nga đi ra “Cấp” trước, vì ở Châu thành bấy giờ nóng nực, khó chịu lắm, và nhất là vì tôi sợ bận rộn không săn sóc tới Nga luôn luôn được để Nga buồn. Mà chẳng nói tới anh cũng biết, tôi muốn Nga sung sướng luôn luôn, tôi không thể thấy nàng buồn nản, dù chỉ trong vài phút. Bởi vậy cho nên dù Nga năn nỉ đòi ở lại, đợi tôi và nói chỉ có thể sung sướng khi thấy tôi luôn luôn bên cạnh, tôi cũng nhất quyết nài Nga thu xếp ra đi. Tôi phải nói với Nga rằng tôi muốn Nga ra Cấp sửa sang chỗ ở trước, và hứa với nàng rằng sẽ ráng làm xong công việc cho mau chóng để ra với nàng ngay, nàng mới chịu nghe theo. Nhưng chúng tôi vẫn cứ còn dùng dằng mà không nỡ dứt. Nàng thì lúc chực ra đi, lúc lại đòi ở lại, có lúc hai con mắt van vỉ nhìn tôi như cầu xin, oán trách khiến tôi cảm động đến đáy lòng, và không bao giờ hiểu một cách sâu xa cái tình yêu tha thiết của nàng đối với tôi bằng lúc ấy. Nhưng rồi nàng cũng chịu ra xe. Còn tôi, sau khi đã cố gạt hết những nỗi buồn ly biệt, bèn lập tức quay vào công việc để làm khuây, và nhất là để mau hết, để có thể ra Cấp với người yêu được. Ngay chiều hôm ấy, tôi thu xếp sang Thị – Nghè: tôi cần ở cái xóm làm nơi trú ngụ cho một phần đông dân lao động ấy ít lâu để thu cóp tài liệu cần đến trong cuốn tiểu thuyết tôi đang viết, với cái giá tiền năm đồng một tháng. Vợ một bác thợ may nấu cơm tháng cho năm, sáu người lao động, cho tôi mỗi ngày hai bữa cơm thanh đạm và một cái bàn đã mọt kê ở sát cửa sau, cạnh bức tường làm bằng ván mỏng ghép lại với nhau. Cái bàn ấy mỗi ngày hai lần dùng làm bàn ăn cho cả nhà. Ăn xong, tôi lấy giẻ lau sạch đi, giải một tờ nhật trình lên làm bàn viết. Tối đến thì cái bàn viết ấy lại trở nên một cái giường cho tôi ngủ. Ấy thế mà tôi lại còn vào hạng “đàng hoàng” kia đấy! Mấy người khác, sau khi đã vất vả suốt ngày trong xưởng thợ hay ngoài đường nắng, tối đến chỉ rải một manh chiếu xuống thềm, rồi lăn ra nằm với nhau như heo vậy. Cái cảnh khổ cực luôn luôn bày ra trước mắt tôi làm tôi thấy nỗi nhớ nhung, đau khổ trong lòng tôi là nhỏ nhặt, và tôi đã gần khuây nỗi nhớ thì một sự gặp gỡ lại làm hình ảnh Nga trở về ám ảnh tôi. Một buổi trưa nắng chang chang, tôi đang ngồi nhìn mấy người đàn bà xắn quần lên quá đầu gối đem thùng ra giếng kéo nước, bỗng có tiếng hỏi mượn cái bình pha trà. Tôi quay lại và bỗng ngạc nhiên hết sức. Người con gái đứng sau lưng tôi giống Nga như đúc: cũng đôi mắt trong trẻo ngây thơ, cũng cái miệng nhỏ xinh xinh với làn môi hơi mỏng và nếu không có nước da hơi sạm nắng, bàn tay hơi lớn và thô, với dáng người nặng nề vì quen khó nhọc thì tôi đã tưởng đó chính là Nga, mặc bộ đồ mộc mạc ấy trở lại để làm tôi sửng sốt. Sự giống nhau ấy làm tôi có cảm tình với chị ta mà sau hỏi ra tôi mới biết là vợ một người lính ở ngay nhà bên cạnh. Tôi càng có cảm tình với chị ta khi tôi biết chị thật là cái hạnh phúc vô song của người chồng sung sướng nọ. Đã bao lần tôi nhìn qua khe những tấm ván ghép làm tường, sống cái cảnh êm đềm, vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ quyến luyến nhau và phải mỉm cười mơ màng nhớ lại những phút say sưa của tôi với Nga trong những lúc nhìn nhau bằng con mắt đầy âu yếm. Nhưng tôi cảm động nhất khi một buổi sáng vô tình dự vào cuộc tạm biệt của đôi uyên ương ấy. Tôi nhận lại hết những dáng điệu quyến luyến, dùng dằng buồn rầu không nỡ dứt của Nga và tôi hôm nọ. Tôi rỏ nước mắt khi nghe thấy câu thiết tha đầy vẻ thành thật của người vợ trẻ:

– Thôi mình đi đi…em lại đành ngồi mong từng phút cho ngày chóng hết!

Và tôi bỗng rầu rầu tưởng đến nỗi nhớ mong của Nga mỏi mắt đợi người yêu ngoài Cấp. Tôi lại vội vàng lấy bút mực cắm đầu viết cho mau xong cuốn truyện. Mới viết được chừng một trang thì tiếng cười rúc rích ở nhà bên cạnh làm tôi ngừng viết. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: “Chắc anh chồng ra đi một quãng, suy nghĩ thế nào lại còn muốn về hôn vợ thêm cái nữa!”. Rồi tôi cúi đầu nhìn trộm qua khe ván xem điều dự đoán của mình có đúng không. Nhưng người tôi bỗng run lên một cái. Cấy viết rơi xuống đất. Tôi giụi mắt lại ba cái và bàng hoàng không tin ở mắt mình. Người thiếu phụ có con mắt ngây thơ trong trẻo kia đang nũng nịu trên giường, cánh tay trần đu lấy cổ một chàng trai trẻ mà tôi nhận ra không phải là anh lính. Mặt nàng đỏ bừng bừng, đầu hơi ngả về đằng sau, khoe cái cổ tròn trĩnh và cái ngực nở đang hồi hộp, hai làn môi đỏ ướt hé mở như chờ một cái hôn. Tôi bỗng thấy trái tim như ngừng đập, người run rẩy, cổ khô, đầu choáng váng như chính Nga đang quằn quại trên giường với người khác vậy. Nhưng tôi còn tức tối hơn nữa khi chiều hôm ấy lúc chồng về con dâm phụ lại vẫn giữ được vẻ trong trẻo, ngây thơ, vồn vã xoắn xít chồng như không có chuyện gì xảy ra….

– Gớm! Sao mình về trễ thế. Em đợi mình từng phút.

Ba hôm sau tôi đi Cấp, dù cuốn tiểu thuyết chưa xong một nửa. Nếu tôi có ở lại thì chắc cũng không viết được thêm một trang nào nữa. Tôi lấy cớ rằng tài liệu đã thu cóp đủ để an ủi lòng: “đủ tài liệu rồi thì ở đâu viết mà chả được”, tôi nghĩ thế rồi đáp xe đi ngay, không do dự. Tôi tới Cấp vào lúc bốn giờ sáng. Tuy đang ngái ngủ, Nga cũng tiếp tôi vồn vã vô cùng. Nhưng trái với mọi lần, hôm nay tôi thấy sự mừng rỡ xoắn xít của nàng hơi khó chịu. Có lẽ nàng cho vẻ mặt lãnh đạm của tôi lúc bấy giờ là do đi đường mệt nhọc nên không để ý. Còn tôi thấy bộ đồ ngủ quá hở của nàng và đưa mắt nhìn lên giường mền xốc xếch thì tự nhiên thấy lòng nôn nao một cách lạ thường. Nhưng một giấc ngủ êm đềm đến tận mười giờ đã làm tôi bình tĩnh lại. Nhìn Nga nhảy nhót khắp nhà như một con chim, đôi mắt ngây thơ trong trẻo như không bao giờ có điều hối hận, cái miệng xinh xinh líu lo những câu chuyện không đầu không cuối như con nít, tôi thấy lòng vui vẻ lại. Nàng nũng nịu hỏi tôi:

Nhà thi sĩ của em có muốn làm thơ không? Tôi mỉm cười.

– Nếu muốn thì Nga dẫn đến Thiên Thai cho mà ngâm vịnh!

Cái thiên thai của Nga là một đám cát mấp mô đầy những tảng đá nhẵn nhụi ở dưới chân núi, liền mặt biển. Cây cối um tùm che kín khiến nó tách biệt ra như một thế giới khác. Ở ngoài sóng biển xô nhau dào dạt chảy vào và bắn tung lên thành những đám bụi trắng xóa. Tôi không để ý đến vẻ nên thơ của cảnh, mà chỉ băn khoăn nghĩ đến sự kín đáo của một nơi có thể che đậy bao nhiêu cuộc ái ân lãng mạn. Thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ tôi, tôi thấy trong tim rung lên một cái như bị một mũi dao chạm phải. Rồi luôn luôn tôi sống những ngày khổ sở, băn khoăn trong sự nghi ngờ. Và sau cùng, tôi muốn biết:

Và tôi đã biết! Phải anh ạ, tôi đã biết!…. Trí sáng suốt, sự tò mò lòng tự ái tôi đều được thỏa….nhưng

trái tim tôi thì tan nát mất rồi!… Tôi đã nói dối Nga rằng tôi phải về Sài – Gòn có việc cần. Nhưng đi được một quãng, tôi bắt dừng xe lộn lại, và lần ra chỗ “thiên thai” nấp vào trong bụi rậm. Sự nghi ngờ của tôi không đến nỗi vô lý. Quả nhiên chiều hôm ấy tôi được thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ một chàng trai trẻ, như đã đu lấy cổ tôi cũng ở tảng đá cũ.

– Thế rồi anh ly dị?

Hùng không đáp. Anh ngồi cúi mặt, mắt đăm đăm nhìn xuống bàn, lộ một vẻ đau đớn lắm. Một lúc anh khẽ nói, giọng chán nản của một anh chàng bị đánh cắp ái tình:

Tôi hối hận. Thà rằng tôi cứ ở chúi xó thôn quê ấy để thầm ca tụng lòng chung thủy của Nga, thà rằng tôi cứ đui mù như anh lính nọ lại được hoàn toàn sung sướng hơn là tìm đến sự thực để rồi thất vọng vì sự thực.

Thúy Rư

Tiểu thuyết thứ bẩy

Số 160 Ngày 19-6-1937

Vào bàn ăn, thấy chỉ có mỗi mình bạn với tôi, tôi không sao giấu nổi sự ngạc nhiên. Hùng như cũng đoán ra điều ấy, mỉm cười hỏi tôi:

Chắc anh lấy làm lạ vì không có Nga cùng ngồi ăn với chúng ta như năm trước?

Quả có thế. Ý hẳn chị đi chơi đâu?

Hùng lắc đầu cười gượng:

– Tôi bỏ Nga từ năm tháng trước kia rồi!

Tôi sửng sốt như bị điện giật, mắt mở to, miệng há hốc. Vẫn với nụ cười chua chát, Hùng bảo tôi:

Anh không tin? Anh không tin là phải, vì tôi yêu Nga lắm, yêu hơn tất cả những tình nhân say đắm khác trên đời. Hồi ấy giá có ai bảo tôi rằng một ngày kia có thể bỏ Nga, thì tôi đã không ngần ngại gì mà cho người ấy là loạn óc? Ấy thế mà cái việc bất ngờ ấy đã xảy ra…xảy ra một cách đau đớn lắm… Nhưng anh cầm đũa đi đã chứ. Ta vừa ăn vừa nói chuyện…

Thường thường năm nào cũng vậy, mấy tháng nắng chúng tôi vẫn dọn ra “Ô Cấp” ở. Một ông bác tôi có một cái nhà ở ngoài đó bao giờ cũng sẵn lòng cho chúng tôi mượn không lấy tiền. Nhưng năm nay tôi đang soạn dở một cuốn tiểu thuyết để kịp cho đăng vào tờ tạp chí của anh Quang mới được phép ra, nên cần phải ở nán lại Sài – Gòn vài tuần nữa. Dù thế, tôi cố ép Nga đi ra “Cấp” trước, vì ở Châu thành bấy giờ nóng nực, khó chịu lắm, và nhất là vì tôi sợ bận rộn không săn sóc tới Nga luôn luôn được để Nga buồn. Mà chẳng nói tới anh cũng biết, tôi muốn Nga sung sướng luôn luôn, tôi không thể thấy nàng buồn nản, dù chỉ trong vài phút. Bởi vậy cho nên dù Nga năn nỉ đòi ở lại, đợi tôi và nói chỉ có thể sung sướng khi thấy tôi luôn luôn bên cạnh, tôi cũng nhất quyết nài Nga thu xếp ra đi. Tôi phải nói với Nga rằng tôi muốn Nga ra Cấp sửa sang chỗ ở trước, và hứa với nàng rằng sẽ ráng làm xong công việc cho mau chóng để ra với nàng ngay, nàng mới chịu nghe theo. Nhưng chúng tôi vẫn cứ còn dùng dằng mà không nỡ dứt. Nàng thì lúc chực ra đi, lúc lại đòi ở lại, có lúc hai con mắt van vỉ nhìn tôi như cầu xin, oán trách khiến tôi cảm động đến đáy lòng, và không bao giờ hiểu một cách sâu xa cái tình yêu tha thiết của nàng đối với tôi bằng lúc ấy. Nhưng rồi nàng cũng chịu ra xe. Còn tôi, sau khi đã cố gạt hết những nỗi buồn ly biệt, bèn lập tức quay vào công việc để làm khuây, và nhất là để mau hết, để có thể ra Cấp với người yêu được. Ngay chiều hôm ấy, tôi thu xếp sang Thị – Nghè: tôi cần ở cái xóm làm nơi trú ngụ cho một phần đông dân lao động ấy ít lâu để thu cóp tài liệu cần đến trong cuốn tiểu thuyết tôi đang viết, với cái giá tiền năm đồng một tháng. Vợ một bác thợ may nấu cơm tháng cho năm, sáu người lao động, cho tôi mỗi ngày hai bữa cơm thanh đạm và một cái bàn đã mọt kê ở sát cửa sau, cạnh bức tường làm bằng ván mỏng ghép lại với nhau. Cái bàn ấy mỗi ngày hai lần dùng làm bàn ăn cho cả nhà. Ăn xong, tôi lấy giẻ lau sạch đi, giải một tờ nhật trình lên làm bàn viết. Tối đến thì cái bàn viết ấy lại trở nên một cái giường cho tôi ngủ. Ấy thế mà tôi lại còn vào hạng “đàng hoàng” kia đấy! Mấy người khác, sau khi đã vất vả suốt ngày trong xưởng thợ hay ngoài đường nắng, tối đến chỉ rải một manh chiếu xuống thềm, rồi lăn ra nằm với nhau như heo vậy. Cái cảnh khổ cực luôn luôn bày ra trước mắt tôi làm tôi thấy nỗi nhớ nhung, đau khổ trong lòng tôi là nhỏ nhặt, và tôi đã gần khuây nỗi nhớ thì một sự gặp gỡ lại làm hình ảnh Nga trở về ám ảnh tôi. Một buổi trưa nắng chang chang, tôi đang ngồi nhìn mấy người đàn bà xắn quần lên quá đầu gối đem thùng ra giếng kéo nước, bỗng có tiếng hỏi mượn cái bình pha trà. Tôi quay lại và bỗng ngạc nhiên hết sức. Người con gái đứng sau lưng tôi giống Nga như đúc: cũng đôi mắt trong trẻo ngây thơ, cũng cái miệng nhỏ xinh xinh với làn môi hơi mỏng và nếu không có nước da hơi sạm nắng, bàn tay hơi lớn và thô, với dáng người nặng nề vì quen khó nhọc thì tôi đã tưởng đó chính là Nga, mặc bộ đồ mộc mạc ấy trở lại để làm tôi sửng sốt. Sự giống nhau ấy làm tôi có cảm tình với chị ta mà sau hỏi ra tôi mới biết là vợ một người lính ở ngay nhà bên cạnh. Tôi càng có cảm tình với chị ta khi tôi biết chị thật là cái hạnh phúc vô song của người chồng sung sướng nọ. Đã bao lần tôi nhìn qua khe những tấm ván ghép làm tường, sống cái cảnh êm đềm, vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ quyến luyến nhau và phải mỉm cười mơ màng nhớ lại những phút say sưa của tôi với Nga trong những lúc nhìn nhau bằng con mắt đầy âu yếm. Nhưng tôi cảm động nhất khi một buổi sáng vô tình dự vào cuộc tạm biệt của đôi uyên ương ấy. Tôi nhận lại hết những dáng điệu quyến luyến, dùng dằng buồn rầu không nỡ dứt của Nga và tôi hôm nọ. Tôi rỏ nước mắt khi nghe thấy câu thiết tha đầy vẻ thành thật của người vợ trẻ:

– Thôi mình đi đi…em lại đành ngồi mong từng phút cho ngày chóng hết!

Và tôi bỗng rầu rầu tưởng đến nỗi nhớ mong của Nga mỏi mắt đợi người yêu ngoài Cấp. Tôi lại vội vàng lấy bút mực cắm đầu viết cho mau xong cuốn truyện. Mới viết được chừng một trang thì tiếng cười rúc rích ở nhà bên cạnh làm tôi ngừng viết. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: “Chắc anh chồng ra đi một quãng, suy nghĩ thế nào lại còn muốn về hôn vợ thêm cái nữa!”. Rồi tôi cúi đầu nhìn trộm qua khe ván xem điều dự đoán của mình có đúng không. Nhưng người tôi bỗng run lên một cái. Cấy viết rơi xuống đất. Tôi giụi mắt lại ba cái và bàng hoàng không tin ở mắt mình. Người thiếu phụ có con mắt ngây thơ trong trẻo kia đang nũng nịu trên giường, cánh tay trần đu lấy cổ một chàng trai trẻ mà tôi nhận ra không phải là anh lính. Mặt nàng đỏ bừng bừng, đầu hơi ngả về đằng sau, khoe cái cổ tròn trĩnh và cái ngực nở đang hồi hộp, hai làn môi đỏ ướt hé mở như chờ một cái hôn. Tôi bỗng thấy trái tim như ngừng đập, người run rẩy, cổ khô, đầu choáng váng như chính Nga đang quằn quại trên giường với người khác vậy. Nhưng tôi còn tức tối hơn nữa khi chiều hôm ấy lúc chồng về con dâm phụ lại vẫn giữ được vẻ trong trẻo, ngây thơ, vồn vã xoắn xít chồng như không có chuyện gì xảy ra….

– Gớm! Sao mình về trễ thế. Em đợi mình từng phút.

Ba hôm sau tôi đi Cấp, dù cuốn tiểu thuyết chưa xong một nửa. Nếu tôi có ở lại thì chắc cũng không viết được thêm một trang nào nữa. Tôi lấy cớ rằng tài liệu đã thu cóp đủ để an ủi lòng: “đủ tài liệu rồi thì ở đâu viết mà chả được”, tôi nghĩ thế rồi đáp xe đi ngay, không do dự. Tôi tới Cấp vào lúc bốn giờ sáng. Tuy đang ngái ngủ, Nga cũng tiếp tôi vồn vã vô cùng. Nhưng trái với mọi lần, hôm nay tôi thấy sự mừng rỡ xoắn xít của nàng hơi khó chịu. Có lẽ nàng cho vẻ mặt lãnh đạm của tôi lúc bấy giờ là do đi đường mệt nhọc nên không để ý. Còn tôi thấy bộ đồ ngủ quá hở của nàng và đưa mắt nhìn lên giường mền xốc xếch thì tự nhiên thấy lòng nôn nao một cách lạ thường. Nhưng một giấc ngủ êm đềm đến tận mười giờ đã làm tôi bình tĩnh lại. Nhìn Nga nhảy nhót khắp nhà như một con chim, đôi mắt ngây thơ trong trẻo như không bao giờ có điều hối hận, cái miệng xinh xinh líu lo những câu chuyện không đầu không cuối như con nít, tôi thấy lòng vui vẻ lại. Nàng nũng nịu hỏi tôi:

Nhà thi sĩ của em có muốn làm thơ không? Tôi mỉm cười.

– Nếu muốn thì Nga dẫn đến Thiên Thai cho mà ngâm vịnh!

Cái thiên thai của Nga là một đám cát mấp mô đầy những tảng đá nhẵn nhụi ở dưới chân núi, liền mặt biển. Cây cối um tùm che kín khiến nó tách biệt ra như một thế giới khác. Ở ngoài sóng biển xô nhau dào dạt chảy vào và bắn tung lên thành những đám bụi trắng xóa. Tôi không để ý đến vẻ nên thơ của cảnh, mà chỉ băn khoăn nghĩ đến sự kín đáo của một nơi có thể che đậy bao nhiêu cuộc ái ân lãng mạn. Thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ tôi, tôi thấy trong tim rung lên một cái như bị một mũi dao chạm phải. Rồi luôn luôn tôi sống những ngày khổ sở, băn khoăn trong sự nghi ngờ. Và sau cùng, tôi muốn biết:

Và tôi đã biết! Phải anh ạ, tôi đã biết!…. Trí sáng suốt, sự tò mò lòng tự ái tôi đều được thỏa….nhưng

trái tim tôi thì tan nát mất rồi!… Tôi đã nói dối Nga rằng tôi phải về Sài – Gòn có việc cần. Nhưng đi được một quãng, tôi bắt dừng xe lộn lại, và lần ra chỗ “thiên thai” nấp vào trong bụi rậm. Sự nghi ngờ của tôi không đến nỗi vô lý. Quả nhiên chiều hôm ấy tôi được thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ một chàng trai trẻ, như đã đu lấy cổ tôi cũng ở tảng đá cũ.

– Thế rồi anh ly dị?

Hùng không đáp. Anh ngồi cúi mặt, mắt đăm đăm nhìn xuống bàn, lộ một vẻ đau đớn lắm. Một lúc anh khẽ nói, giọng chán nản của một anh chàng bị đánh cắp ái tình:

Tôi hối hận. Thà rằng tôi cứ ở chúi xó thôn quê ấy để thầm ca tụng lòng chung thủy của Nga, thà rằng tôi cứ đui mù như anh lính nọ lại được hoàn toàn sung sướng hơn là tìm đến sự thực để rồi thất vọng vì sự thực.

Thúy Rư

Tiểu thuyết thứ bẩy

Số 160 Ngày 19-6-1937

Bình luận
× sticky