Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kinh Dịch Trọn Bộ

Quẻ Thăng

Tác giả: Ngô Tất Tố
Thể loại: Tử Vi - Phong Thủy

☷ Khôn trên;☴ Tốn dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Thăng, Tự Quái nói rằng: Tụy là họp, họp mà cao lên gọi là lên, cho nên tiếp đến quẻ Thăng[1]. Các vật tích tụ mà càng cao lớn, ấy là họp mà cao lên, vì vậy quẻ Thăng mới nối quẻ Tụy. Nó là quẻ Khôn trên quẻ Tốn dưới, cây ở dưới đất, tức là trong đất mọc dậy. Cây mọc trong đất, lớn thì càng cao, đó là Tượng “lên”.

LỜI KINH

升元亨,用見大人,勿恤,南征吉

Dịch âm.– Thăng nguyên hanh, dụng kiến đại nhân, vật tuất, nam chinh cát.

Dịch nghĩa. – Quẻ Thăng, cả hanh, dùng thấy người lớn, chớ lo, đi về phương Nam tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Thăng là tiến mà lên, tiến lên thì có nghĩa hanh, mà vì tài quẻ hay khéo, cho nên cả hanh. Dùng cách đó để thấy người lớn, không cần lo lắng, tiến lên phía trước thì tốt, Đi về phương Nam tức là tiến lên phía trước vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy, – Thăng tức là tiến mà lên. Quẻ này vốn tụ quẻ Giải lai, chất mềm lên ở ngôi Tư, trong nhún ngoài thuận, hào Chín Hai cứng giữa mà hào Năm ứng nhau với nó, cho nên lời Chiêm của nó như thế, Đi về phương Nam, tức là tiến lên phía trước vậy.

LỜI KINH

象曰: 柔以時升, 噀 而順, 剛中而應, 是以大亨.

Dịch âm.– Thoán viết: nhu dĩ thì thăng, tốn nhi thuận cương trung nhi ứng, thị dĩ đại hanh.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Mềm lấy thì lên, nhún mà thuận, cứng giữa mà ứng, cho nên cả hanh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây lấy hai thể mà nói “Mềm lên”, là Khôn đi lên. Tốn đã thể chấp mà tới dưới, Khôn bèn thuận thì mà lên trên, thế là lấy thì mà lên. Thì nghĩa là lúc đáng lên vậy. Chất mềm đã lên mà thành quẻ Thăng, thì dưới nhún mà lên thuận, lấy đạo nhún thuận mà lên, có thể gọi là phải thì vậy. Hào Hai lấy đạo cứng giữa ứng với hào Năm, hào Năm lấy đức thuận ứng với hào Hai, biết nhún mà thuận, tiến lên Phải thì, cho nên cả hanh. Chữ 元亨 (nguyên hanh) lời Thoán lầm ra 大亨 (đại hanh) đã giải ở quẻ Đại hữu.

LỜI KINH

用見大人,勿恤,有慶也;南征吉,志行也.

Dịch âm.– Dụng kiến đại nhân, vật tuất, hữu khanh dã, nam chinh cát, chí hành dã.

Dịch nghĩa. – Dùng thấy người lớn, chớ lo, có phúc vậy, đi về phương Nam tốt, chí được thi hành vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Phàm đạo “lên” ắt bởi các bậc người lớn, lên về ngôi thì bởi tước vương, tước công, lên về đạo thì bởi ông thánh ông hiền. Dùng đạo nhún thuận, cứng giữa mà thấy người lớn, ắt được thỏa mãn sự lên thì là phúc khánh của mình mà cũng là phúc khánh tới kẻ khác nữa. Nam là phương mà người ta thường vẫn ngoảnh trông, đi về phương Nam tức là tiến lên phía trước. Tiến lên phía trước thì thỏa mãn sự lên, mà được thi hành chí mình, vì vậy mới tốt.

LỜI KINH

象曰:地中生木, 升, 君子以順德, 積小而高大.

Dịch âm.– Tượng viết: Địa trung sinh mộc, Thăng, quân tử dĩ thuận đức, tích tiểu dĩ cao đại.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trong đất mọc cây là quẻ Thăng, đấng quân tử coi đó mà thuận đức, chứa điều nhỏ để cao lớn.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cây mọc trong đất, lớn mà lên trên, là Tượng “lên”, đó mà thuận sửa đức mình, chứa chất những cái nhỏ nhặt, cho đến cao lớn. Hễ thuận thì có thể tiến, mà nghịch thì là phải lụi, muôn vật tiến lên đều dùng đạo thuận cả. Điều thiện nếu không chứa lại thì không có thể thành danh, học nghiệp được đầy đặc đạo đức được cao thẳm, đều bởi chứa chất mà ra, chứa cái nhỏ để làm nên cái cao lớn, đó là nghĩa “lên”.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Bản của Vương Túc, chữ 順 (thuận) chép làm chữ 慎(thận), ý càng rõ ràng. Đó là cổ văn hai chữ vẫn thong dụng. Thuyết đó đã thấy ở quẻ Mông thiên trên.

LỜI KINH

初六:允升,大吉.

Dịch âm.– Sơ Lục: Doãn thăng, đại cát.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Tin lên, cả tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Đầu lấy chất mềm ở dưới quẻ Tốn, là chủ của quẻ Tốn, phía trên vâng hào Chín Hai là Một hào cứng, ấy là nhún đến tột bậc vậy. Hào Hai lấy đức cứng giữa, phía trên ứng nhau với vua, chính là kẻ gánh vác trách nhiệm cuộc “lên”. Tin là tin theo, hào Đầu mềm nhún, chỉ biết tin theo hào Hai, tin hào Hai mà theo nó cùng lên, thế là cả tốt. Hào Hai lấy đức mà nói, thì là người cứng giữa, lấy sức mà nó thì là kẻ gánh vác trách nhiệm, hào Đầu Âm mềm, lại không có kẻ ứng viện, không thể tự lên, ấy là nói đường cứng giữa vậy, còn sự tốt nào lớn hơn thế nữa?

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hòa Đầu lấy chất mềm thuận ở ngôi dưới, là chủ quẻ Tốn, đương thì “lên”, phải nhún với hai hào Dương, kẻ xem như thế thì chắc lên được mà cả tốt vậy.

LỜI KINH

象曰: 允升大吉上合志也.

Dịch âm.– Tượng viết: Doãn thăng đại cát, thượng hợp chí dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Tin lên cả tốt, trên hợp chí vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Tức là cùng kẻ ở trên họp chí cùng lên Trên chỉ vào hào Chín Hai, theo hào Hai mà lên, tức là cùng chí với hào Hai. Vì biết tin theo người hiền mà có đức cứng giữa, cho nên cả tốt.

LỜI KINH

九二:孚乃利,用鑰,無咎.

Dịch âm.– Cửu Nhị: Phu nãi lợi, dụng Thược, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Hai: Tin bèn lợi, dùng tế Thược, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Hai Dương cứng mà ở dưới, hào Năm Âm mềm mà ở trên, ôi lấy kẻ cứng, mà thờ kẻ mềm, lấy chất Dương mà theo chất Âm, tuy rằng có lúc phải thế, nhưng cũng không phải chính đạo. Lấy kẻ tối mà coi người sáng, lấy người cứng mà thờ kẻ mềm, chẳng qua cũng vì sự thế mà phải gắng gượng, không phải thành thực phục nhau. Sự giao kết của kẻ trên người dưới đã không do ở lòng thành, còn lâu được chăng? Còn có làm việc được chăng? Hào Năm tuy là Âm mềm, nhưng ở ngôi tôn, hào Hai tuy ở Dương cứng, nhưng vẫn phải thờ người trên, nên giữ lòng chí thành ở trong không cần văn sức ở ngoài, sự thành thật chứa ở bên trong, thì tự nhiên không cần chăm chỉ văn sức ở ngoài, cho nên nói răng: “lợi dùng tế Thược”, nghĩa là chuộng sự thành kính vậy. Từ xưa bề tôi cứng mạnh, phải thờ ông vua nhu nhược, chưa người nào không dùng đến sự kiểu sức. Thược là thứ tế giản dị chất phác, nói rằng “tin bèn”, nghĩa là “đã tin bèn nên”, không dùng đến sự văn sức, chỉ lấy lòng thành của mình, cảm thông với người trên vậy. Như thế thì được không lỗi. Lấy kẻ bề tôi cứng mạnh, mà thờ ông vua nhu nhược, lại đương thời lên, nếu không thực ý giao tiếp với nhau, thì khỏi lỗi chăng?

Bản nghĩa của Chu Hy. – Câu này đã thấy ở quẻ Tụy.

LỜI KINH

象曰: 往無,咎上巽也.

Dịch âm.– Tượng viết: Cửu Nhị chi phu, hữu hỷ dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Sự tin của hào Chín Hai, có mừng vậy.

GIẢI NGHĨA

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Hai biết lấy sự tín mà thờ người trên, thì chẳng những về đạo làm tôi không lỗi mà thôi, lại còn có thể thi hành được đạo cứng giữa, ơn tới thiên hạ, thế là có mừng.

LỜI KINH

九三:升虛邑.

Dịch âm.– Cửu Tam: Thăng hư ấp.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Lên làng trống không.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào BA lấy tài Dương cứng, đã chính đính lại nhún nhường, kẻ trên đều thuận với nó, mà nó lại có ứng viện, dùng tư cách đó mà lên, thì sẽ như vào cái làng không người, còn ai chống nó?

Bản nghĩa của Chu Hy. – Dương đặc, Âm rỗng, mà thẻ Khôn có Tượng làng nước, hào Chín Ba lấy chất Dương cứng, đương thì lên mà tiến tới thể Khôn, cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰: 升虛邑,無所疑也.

Dịch âm.– Tượng viết: Thăng hư ấp, vô sở nghi dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: lên làng trống không, không thửa ngờ vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Vào làng không người, sự tiến không còn nghi ngờ trở ngại gì nữa.

LỜI KINH

六四:王用亨于岐山,吉,無咎.

Dịch âm.– Lục Tứ: Vượng dụng hưởng[2] vu Kỳ Sơn, cát, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Vua dùng hưởng ở núi Kỳ, tốt, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư là tài mềm thuận, trên thuận với cuộc lên của vua,dưới thuận với cuộc tiến của kẻ dưới, mình thì đậu vào nơi chốn của mình, lấy chất Âm của ngôi mềm, mềm mà ở dưới, tức là đậu vào nơi chốn vậy. Xưa kia, vua Văn ở dưới núi Kỳ trên thì thuận với thiên tử, muốn đưa ông ta đến chỗ ở đạo, dưới thì thuận với người hiền thiên hạ mà khiến họ tiến, mình thì mềm thuận khiêm kinh, không dám vượt khỏi ngôi mình, có đức tột bậc như thế, cho nên nghiệp vua của nhà Chu, nhờ đó mà hanh. Hào Tư có thể như thế, thì Hanh và tốt vả không lỗi nữa.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ý nghĩa câu này đã thấy ở quẻ Tùy.

Lời bàn của Tiên Nho. – Có người hỏi: Hanh ở núi Kỳ là sao? Chu Hy đáp rằng: Chữ 亨 (hanh) đó chỉ là chữ 享 (hưởng). “Vua hưởng ở núi Kỳ” với “vua dùng hưởng ở núi tây”, chỉ là nói việc tế núi sông.

LỜI KINH

象曰: 王用亨于岐, 順事也.

Dịch âm.– Tượng viết: Vương dụng hưởng vu Kỳ Sơn, thuận sự dã.

Dịch nghĩa. – Lời tượng nói rằng: Vua dùng hưởng chưng núi Kỳ, việc thuận này.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào tư ở ngôi gần vua, đương thì lên, được tốt mà không lỗi, là vì ở đức thuận, lấy chất mềm ở thể Khôn, thuận đến tột cùng vậy. Vua Văn được hanh thông ở núi Kỳ, cũng vì thuận thì mà thôi. Trên thuận với người trên, dưới thuận với người dưới, mình thì thuận với nghĩa của mình, cho nên gọi là việc thuận.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Cứ thuận mà lên, là Tượng lên tế ở núi.

LỜI KINH

六五:貞吉,升階.

Dịch âm.– Lục Ngũ: Trinh cát, thăng giai.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Năm: Chính bền, tốt, lên thềm[3].

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Năm vì ở dưới có kẻ cứng giữa ứng với, cho nên có thể ở ngôi tôn mà tốt. Nhưng mà chất nó vốn Âm mềm, ắt phải giữ được chính bền mới là được tốt. Nếu không giữ được chính bền, thì tin người hiền không dốc, dùng người hiền không chót, đâu có thể tốt? Thềm là chỗ để noi mà lên. Dùng người hiền cứng giữa giúp mình đi lên, cũng như trèo lên tự thềm, ý nói chỗ để noi mà dễ.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Âm ở ngôi Dương, đương thời lên mà ở ngôi tôn, ắt phải chính bền, thì có thể được tốt mà lên thềm, Thềm tức là chỗ lên dễ.

Lời bàn của Tiên Nho. – Trình Sa Tùy nói rằng: Hào này phía dưới ứng nhau với người bề tôi có đức cứng, từ ngôi Hai mà lên ngôi Năm, như thềm có bậc. Đây là tượng ông vua nâng nhắc người hiền.

Họ Lôi nói rằng: Hào Sáu Năm chính bền lên thềm, tiên nho cho là lên ngôi, bởi vĩ hễ có chính bền, rồi mới có thể lên ngôi thiên tử.

LỜI KINH

象曰: 貞吉,升階, 大得志也.

Dịch âm.– Tượng viết: Trinh cát, thăng giai, đại đắc chí dã.

Dịch nghĩa. – Lời tượng nói rằng: Chính bền, tốt lên thềm, cả được chí vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Tựa dùng kẻ hiền tài mà có thể chính, bền, như thé mà lên, có thể đưa thên hạ đến cuộc đại trị chí mình cả được thỏa vậy. Cuộc lên của đạo làm vua, chỉ lo không có người hiền tài giúp đỡ, thì cũng giống như tự thềm mà lên vậy.

LỜI KINH

上六:冥升,利于不息之升.

Dịch âm.– Thượng Lục: Minh thăng, lợi vu bất tức chi trinh.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Trên: Tối lên, lợi về sự chính bền chẳng nghĩ.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lấy chất Âm ở chỗ cùng cực của thì lên, tối về sự lên, ấy là kẻ biết tiến mà không viết lui bất minh lắm vậy. Nhưng lòng cầu tiến không thôi, có khi dùng về việc trinh chính, trọn ngày săng sắc, tự cường không nghỉ, nhưng lòng không thôi của hào Sáu Trên, dùng về việc đó thì lợi. Đem lòng tha cầu không thôi của kẻ tiểu nhân, mà dời sang đường tiến đức, còn gì hay bằng?

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Âm ở chỗ cùng cực của thì lên, là kẻ tối tăm không thôi vậy. Kẻ xem gặp hào đó, không còn đi đâu mà lợi, chỉ có thể quay lại cái lòng “chẳng thôi” ở ngoài mà thi hành vào sự chính đáng “không nghỉ” mà thôi.

LỜI KINH

象曰:冥升在上, 消不富也.

Dịch âm.– Tượng viết: Minh thăng tại thượng, tiêu bất phú dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Tối lên ở trên, tiêu chẳng giàu vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Tối tăm ở chỗ cùng tột bậc trên, mà không biết thôi, thì chỉ tiêu vong, há còn thêm ích? Chẳng giàu nghĩa là thêm ích Lên đã cùng cực, chỉ có lui không có tiến vậy.

Chú thích:

[1] Chữ 升(thăng) nghĩa là lên.

[2] Theo ý của Chu Hy.

[3] Có thể dịch là lên tháng.

Bình luận