Chân trên ;Khảm dưới
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Quẻ Giải, Tự quái nói rằng: kiển là khó, các vật không thể khó khăn đến cùng, cho nên tiếp đến quẻ Giải[1]. Các vật không lẽ khó khăn đến cùng, khó cực thì phải tan giải, vì vậy quẻ Giải mới nối quẻ Kiển. Nó là quẻ Chấn trên Khảm dưới. Chấn là động, Khảm là hiểm, động ở ngoài chỗ hiểm, tức là ra khỏi chỗ hiểm, cho nên là tượng hoạn nạn giải tán. Lại, Chấn là sấm, Khảm là mưa sấm nổi lên, tức là Âm Dương cảm nhau, hòa khắp, dãn tan, cho nên là giải. Giải tức là lúc hoạn nạn của thiên hạ đã giải tán vậy.
LỜI KINH
解利西南,無所往,其來復,吉,有攸往,夙吉.
Dịch âm. – Giải lợi Tây Nam, vô sở vãng, kỳ lai phục, cát, hữu du vãng, túc cát.
Dịch nghĩa. – Quẻ Giải lợi về phương Tây Nam, không thửa đi, thì lại lại, có thửa đi, sớm thì tốt.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Tây Nam là phương Khôn, thể Khôn rộng lớn bằng phẳng, đương khi nạn của thiên hạ mới giải, người ta mới lìa khỏi sự gian khổ, không thể lại dùng chính sách phiền hà nghiêm ngặt mà trị họ, phải giúp thêm bằng cách khoan hồng giản dị, đó là nên lắm. Như thế thì lòng người yêu mến mà lấy làm yên, cho nên lợi về Tây Nam. “Không thửa đi, thì trở lại, tốt, có thửa đi, sớm tốt” là nghĩa làm sao? “Không thửa đi” ý nói nạn của thiên hạ đã giải tan rồi, không phải làm gì nữa, “có thửa đi” ý nói hãy còn có việc phải giải vậy. Ôi, thiên hạ nhà nước, ắt là pháp độ hỏng loạn mà sau họa hoạn mới sinh ra, đấng thánh nhân đã gỡ nạn đó, mà được bình yên vô sự rồi, thế là “không thửa đi vậy”, thì nên sửa sang trị đạo, chỉnh đốn kỷ cương, tỏ rõ pháp độ, tiến lên mà khôi phục cuộc thịnh trị của đấng tiên vương. Thế là “lại lại” nghĩa là trở lại chính lý, đó là sự tốt lành của thiên hạ. Chữ 其 (kỳ) là tiếng phát ngữ, “có thửa đi, sớm, tốt” ý nói còn có việc phải giải, thì nên làm sớm mới tốt, Việc nên giải còn chưa giải hết, nếu không trừ sớm thì nó lại thịnh; việc lại sinh ra, nếu không trị sớm thì nó lại lớn dần; cho nên hễ sớm thì tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Giải là nạn đã tan rồi. Ở chỗ hiểm mà động được, thì ra được ngoài chỗ hiểm, đó là tượng của sự giải. Nạn đã giải thì lợi về bình dị yên tĩnh, không muốn làm phiền nhiễu lâu; vả lại, quẻ này vốn tự quẻ Thăng lại, hào Ba đi lên ở ngôi Tư vào thể Khôn, hào Hai ở nhằm chỗ của nó mà lại được giữa, cho nên lợi về Tây Nam là nơi bình dị. Nếu không đi đâu thì nên lại lại nơi chốn của mình mà cứ yên tĩnh; nếu có phải đi, thì nên đi sớm, về sớm, không thể phiền nhiễu lâu.
LỜI KINH
彖曰:解,險以動,動而免乎險,解.
Dịch âm. – Thoán viết: Giải, hiểm dĩ động, động nhỉ miễn hồ hiểm, giải.’
Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Quẻ Giải hiểm mà động, động mà khỏi chỗ hiểm, là giải.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Khảm hiểm, Chấn động, là hiểm mà động. Không hiểm thì không phải là nạn; không động thì không ra khỏi nạn, động mà ra thoát chỗ hiểm, ấy là khỏi được hiểm nạn, cho nên là giải.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây dùng đức quẻ để thích nghĩa tên quẻ.
LỜỊ KINH
:解巧西南,往得泉也.
Dịch âm. – Giải lợi Tây Nam vãng đắc chúng dã.
Dịch nghĩa. – Quẻ Giải lợi Tây Nam, đi thì được người vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di – Cách giải hoạn nạn, lợi ở chỗ rộng rãi bình dị, lấy cách khoan dị mà đi giúp cuộc giải thì được lòng người theo về.
LỜI KINH
其來復,吉,乃彳寻中也.
Dịch âm. – Kỳ lai phục, cát, nãi đắc trung đã.
Dịch nghĩa. – Thì lạí lại, tốt, bèn được giữa vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Không nói đến câu “không thửa đi” là rút đi đó. Cứu loạn trừ nạn, việc trong một lúc chưa thể xong, trị đạo ắt phải đợi khi nạn đã giải rồi, không cần đi, rồi sau trở lại việc “trị” của đấng tiên vương, thế mới được là trung đạo, nghĩa là hợp với sự thích nghi vậy.
LỜI KINH
有攸往,夙,吉,往有功也.
Dịch âm. – Hữu du vãng, túc, cát, vãng hữu công dã.
Dịch nghĩa. – Có thửa đi, sớm, tốt, đi thì có công vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Có việc phải làm thì sớm là tốt, sớm thì đi mà có công, chậm thì ác sinh thêm mà hại càng sâu.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây dùng sự biến đổi của quẻ để thích lời quẻ. Khôn là nhiều người, “được người” là hào Chín Tư đi vào thể Khôn: “được giữa” “có công” đều trỏ hào Chín Hai.
LỜI KINH
天地解而雷雨作,雷雨作而百果草木皆甲折.解之時大矣哉.
Dịch âm. – Thiên địa giải nhi lôi vũ tác, lôi vũ, tác nhi bách quả thảo mộc giai giáp triết, Giải chi thì đại hỹ tai!
Dịch nghĩa. – Trời đất giải mà sấm mưa nổi lên, sấm mưa nổi lên mà trầm quả cỏ cây đều vỏ nứt, thì của quẻ Giải lớn vậy thay?
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Đã tỏ rõ cách ở lúc giải, lại nói sự giải của trời đất, để thấy thì của quẻ ấy lớn lao! Khí của trời đất, tan ra, cảm nhau mà được hòa xướng thì thành sấm mưa, sấm mưa nổi lên mà muôn vật đều phát sinh, nứt vỏ: công của trời đất, do ở sự giải mà nên, cho nên khen rằng “thì của quẻ Giải lớn vậy thay!”.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây là nó cho cùng cực mà khen sự lớn lao của nó.
LỜI KINH
象曰:雷雨作,解,君子以赦過宥罪.
Dịch âm. – Tượng viết: Lôi vũ tác, Giải, quân tử dĩ xá quá hựu tội.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Sấm mưa nổi lên, là quẻ Giải, đấng quân tử coi đó mà xá lỗi, tha tội.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Trời đất giải tán mà thành sấm mưa, cho nên sấm mưa nổi lên mà là quẻ Giải. Xá là tha, hựu là khoan dong, lầm lỗi thì tha cũng được, tội ác mà tha thì không phải nghĩa, cho nên chỉ khoan dong mà thôi. Đấng quân tử coi tượng sấm mưa nổi lên thành quẻ Giải, thể theo sự phát dục của nó thì ân đức, thể theo sự giái tán của nó thì làm việc khoan thứ vậy.
LỜI KINH
初六:無咎.
Dịch âm. – Sơ Lục: Vô cữu.
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Không lỗi.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Sáu ở đầu thể Giải, là lúc hoạn nạn đã giải, Lấy chất mềm ở ngôi cứng, lấy hào Âm ứng hào Dương, là nghĩa mềm mà lại có thể cứng. Đã không có hoạn nạn, mà lại xử được cứng mềm phải chăng, ấy là hoạn nạn đã giải, yên ổn vô sự, tự cử được phải thì là không lỗi. Đương lúc đầu cuộc giải nên yên tĩnh để nghỉ ngơi, lời hào ít, là để tỏ rõ ý đó.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Nạn đã giải rồi, lấy chất mềm ở dưới, trên có chính ứng, thì còn lỗi gì? Cho nên lời Chiêm của nó như thế.
LỜI KINH
象曰:剛柔之睽,義無咎也.
Dịch âm. – Tượng viết: Cương nhu chi tế, nghĩa vô cửu dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Cứng mềm giao tế, nghĩa không lỗi vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Đầu hào Tư ứng nhau, ấy là cứng mềm giao tiếp với nhau. Cứng mềm giao tế với nhau là đúng với sự thích nghi. Nạn đã giải rồi, mà xử được cứng mềm vừa phải, nghĩa không lỗi vậy.
LỜI KINH
九二:田擭三狐,得黄矢, 貞吉.
Dịch âm. – Cửu Nhi: Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thi, trinh cát.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Hai: Săn được ba con cáo, được tên vàng, chính bền thì tốt.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Chín Hai lấy tài Dương cứng được chỗ giữa, phía trên ứng với ông vua. Sáu Năm, là kẻ được dùng với đời vậy. Ở thiên hạ, kẻ tiểu nhân thường nhiều, ông vua cứng sáng ở trên, thì sự sáng suốt đủ để soi rọi, sự oai nghiêm đủ để răn dọa, sự cương quyết đủ để phán đoán, cho nên những kẻ tiểu nhân không dám dụng tình. Nhưng mà cũng phải luôn luôn nhờ sự cảnh giới, lo rằng hễ có khe hẻ, họ sẽ làm lại chính nhân. Hào Sáu Năm lấy chất Âm mềm ở ngôi tôn, sự sáng suốt của nó dễ bị che, sự oai nghiêm của nó dễ phạm vào, sự phán đoán của nó không được quả quyết mà dễ bị mê hoặc, kẻ tiểu nhân mà gần đến nó, thì sẽ dời được bụng nó; huống chi lúc nạn mới giải, cuộc trị mới bắt đầu, còn dễ sinh biến; hào Hai gánh trách nhiệm, ắt phải trừ kẻ tiểu nhân thì mới chính được lòng vua mà thực hành cái đạo cứng giữa. Đi sau là việc trừ hại, con cáo là giống thú tà my, ba con cáo chỉ ba hào Âm trong quẻ, tức là nhưng kẻ tiểu nhân trong thời “Được” nghĩa là biến hóa trừ bỏ nó đi, như đi săn được ba con cáo vậy. Bắt được nó thì là đạo trung chính, thế là trinh chính mà tốt. Vàng là sắc trung chính, tên là vật thẳng, tên vàng nghĩa là trung chính ngay thẳng; nếu bọn gian tà không bị trừ khử, lòng vua đã tin chúng, thì sự trung chính ngay thẳng không bởi lối nào mà thi hành được.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Cái ý lấy tượng của hào này chưa rõ ra sao. Hoặc có người nói: Quẻ này cả thảy bốn hào Âm, trừ hào Sáu Năm là ngôi vua, còn ba hào Âm kia tức là Tượng ba con cáo. Đại để hào này là lời Chiêm tốt của quẻ bói việc đi săn, và cũng là tượng trừ kẻ tà my mà được trung chính ngay thẳng. Hễ giữ được chính thì không việc gì không tốt.
LỜI KINH
象曰:九二貞吉,得中道冬
Dịch âm. – Tượng viết: Cửu Nhị trinh cát, đắc trung đạo dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Hào Chín Hai chính bền thì tốt vì được trung đạo vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Bảo là “chính bền thì tốt” vì được trung đạo vậy. Trừ bỏ kẻ tà ác, khiến đạo trung chính ngay thẳng có thể thực hành, thế là chính mà tốt.
LỜI KINH
六三:負且乘,致寇至,貞吝.
Dịch âm. – Lục Tam: Phụ thả thừa, tri khấu trí, trinh lận.
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Ba: Đội và cưỡi, dắt giặc đến, chính bền cũng đáng tiếc.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Ba là chất Âm mềm, ở trên quẻ dưới, tức là ở chỗ không phải ngôi, cũng như kẻ tiểu nhân nên ở ngôi dưới để cõng đội mà cưỡi xe, thế là không phải chỗ đáng giữ, ắt cho giặc cướp đến, dẫu việc nó làm là chính đính nữa, cũng đáng bỉ tiếc. Kẻ tiểu nhân ăn cắp được ngôi cao, dù có miễn cưỡng làm việc chính đính, mà khí chất của họ hèn thấp vốn không phải của đáng ở bậc trên, rút lại, vẫn đáng tiếc. Nếu họ có thể cả chính thì sao? Đáp rằng: cả việc cả chính, không phải là việc mà kẻ Âm mềm làm được, nếu làm được, thì đã hóa ra quân tử rồi. Hào Ba là kẻ tiểu nhân Âm mềm nên ở bậc dưới, mà lại ở trên quẻ dưới, cũng như kẻ tiểu nhân đáng phải đội mà lại được cưỡi, ắt là dắt giặc cướp đến.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Nghĩa của hào này, lời Hệ nói đủ rồi[2]. Chính bền đáng tiếc, ý nói dù được bằng cách chính đáng cũng là đáng thẹn. Chỉ có lánh mà đi đi mới khỏi mà thôi.
LỜI KINH
象曰:負且乘,亦可也.自我致戎,有誰咎也.
Dịch âm. – Tượng viết: Phụ thả thừa, diệt khả xũ dã; tự ngã tri nhung, hựu thùy cữu dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đội và cưỡi, cũng đáng xấu vậy; tự ta đem giặc đến, lại trách ai vậy?
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trinh Di. – Cái người cõng đội mà lại cưỡi chở là đáng xấu hổ, ở không phải chỗ đáng giữ, đức lại không xứng với đồ dùng, thì giặc cướp đến là do mình với nó tới, còn hòng trách ai? Đấng thánh nhân lại tỏ cách “đem giặc đến” ở lời Hệ, nói rằng: Người làm Kinh Dịch cũng biết ăn trộm chăng? Kẻ trộm phải nhân hía[3] mà đến, nếu không hía hẻ, thì kẻ trộm có phạm sao được? Đội là việc của kẻ tiểu nhân, cưỡi là đồ dùng của đấng quân tử: là kẻ tiểu nhân mà cưỡi đồ dùng của đấng quân tử, không phải là chỗ mà họ có thể ở yên, cho nên kẻ trộm nhân hía mà cướp. Kẻ tiểu nhân mà ở ngôi của đấng quân tử, không phải họ có thể kham nổi, cho nên, khi sự gá mượn đầy rồi mà họ khinh nhờn người trên, lấn cướp kẻ dưới, kẻ trộm sẽ nhân tội ác mà đánh; đánh là kể tội họ vậy, kẻ trộm là người ngang ngược mà đến vậy. Của cải mà cất giấu một cách khinh rẻ, là bảo kẻ trộm lấy đi; con gái mà lòe loẹt dụng nhan, là bảo kẻ dâm ghẹo mình; kẻ tiểu nhân mà cưỡi đồ dùng của đấng quân tử, là vời kẻ trộm đến mà cướp đi; đều là tự mình làm ra vậy.
LỜI KINH
九四:解而拇,朋至斯孚.
Dịch âm. – Cửu Tứ. Giải nhi mẫu, bằng chi tư phu.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Tư: Giải ngón chân cái mày, bằng đến ấy tin.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Chín Tư lấy tài Dương cứng, ở ngôi trên, vâng theo ông vua Sáu Năm, là bậc đại thần vậy, mà phía dưới lại ứng nhau với hào Sáu Đầu là hào Âm; ngón chân cái là vật ở dưới (?), chỉ hào Đầu vậy. ở ngôi trên mà thân với kẻ tiểu nhân, thì các hiền nhân, chinh sỹ sẽ đều lui xa. Ruồng bỏ kẻ tiểu nhân, thì đấng quân tử tiến lên mà thật bụng tượng đắc, hào Tư biết bỏ hào Sáu Đầu là hào Âm mềm, thì những bạn quân tử Dương cứng đều đến mà thật bụng hợp nhau. Không cởi bỏ kẻ tiểu nhân, thì lòng thành thật của mình chưa tới nơi, đâu được người ta tin mình? Hào Sáu Đầu ứng nhau với hào này, cho nên gọi sự xa nó là cởi.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Ngón chân cái chỉ hào Đầu. Hào Đầu với hào Tư đều không được ngôi mà cùng ứng nhau, ấy là ứng nhau không dùng cách chính đáng. Nhưng hào Tư là Dương mà hào Đầu là Âm, loài nó không giống nhau. Nếu cởi mà bỏ đi được, thì bạn quân tử sẽ đến mà cũng tin nhau.
LỜI KINH
象曰:解而拇,未當位也.
Dịch âm. – Tượng viết: Giải nhi mẫu, vị đáng vị dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Giải ngón chân cái mày, chưa đáng ngôi vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Tư tuy là Dương cứng, nhưng ở ngôi Âm, về sự chính ngờ rằng chưa đủ, nếu lại gần gũi với kẻ tiểu nhân, thì ắt lỗi mất chính đạo, cho nên răn rằng: ắt phải ngón chân cái mình rồi mới có thể khiến cho đấng quân tử kéo đến, thế là tại mình ở chưa được đáng ngôi. Giải, nghĩa là vốn đương hợp nhau mà tự lìa ra, ắt phải giải ngón chân cái mà sau bạn mới tin, là vì đấng quân tử giao du với nhau, mà kẻ tiểu nhân xen vào, thì là lòng thành đối đấng quân tử, chưa được đến nơi.
LỜI KINH
六五:君子維有解,吉,有孚于小人.
Dịch âm. – Lục Ngũ: Quân tử duy hữu giải, cắt, hữu phu vu tiểu nhân.
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Năm: Đấng quân tử chỉ có giải, tốt, có tin chưng kẻ tiểu nhân.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Năm ở ngôi tôn, làm chủ quẻ giải, tức là ông vua làm việc giải vậy. Lấy đạo quân tử mà nói: Đấng quân tử gần gũi ắt lại là đấng quân tử, mà giải bỏ ắt phải là kẻ tiểu nhân, cho nên, đấng quân tử chỉ có giải đi thì tốt. Kẻ tiểu nhân lui xuống, thì đấng quân tử tiến lên, còn tốt gì bằng. “Có tin” cũng như người ta vẫn nói “thấy nghiệm” có thể nghiệm ở kẻ tiểu nhân, hễ đảng của tiểu nhân phải đi, thì quân tử tự nhiên tiến lên, chính đạo tự nhiên sẽ thực hành được, thiên hạ không đủ trị vậy.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Trong quẻ cả thảy bốn hào Âm, mà hào Sáu Năm đương vào ngôi vua, với ba hào Âm cùng loài, ắt phải giải mà bỏ đi, thì tốt, “Phu” nghĩa là nghiệm. Đấng quân tử mà có việc giải, lấy sự tiểu nhân lui đi làm hiệu nghiệm.
LỜI KINH
象曰:君子有解,小人退也.
Dịch âm. – Tượng viết: Quân tử hữu giải, tiểu nhân thoái dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đấng quân tử có giải, kẻ tiểu nhân lui vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Đấng quân tử mà giải là việc lùi bỏ kẻ tiểu nhân, tiểu nhân đi thì đạo quân tử thực hành được, cho nên mới tốt.
LỜI KINH
上六:公用射準于高墉之上,獲之,無不利.
Dịch âm. – Thượng lục: Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng, hoạch chi, vô bất lợi.
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Trên: Ông dùng bắn chim cắt ở trên, tường cao, được nó, không gì không lợi.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Trên là chỗ tôn cao mà không phải ngôi vua, cho nên nói rằng “ông”, đó là chỉ căn cứ vào chót cuộc giải mà nói vậy. Chim cắt là vật tợn hại, giống như kẻ tiểu nhân làm sự tai hại; tường là cái giới hạn của trong và ngoài. Sự tai hại còn ở trong, là lúc chưa giải, nếu ra ngoài tường thì là không hại, còn giải gì nữa? Cho nên, ở trên tường mới lìa khỏi bên trong mà đi hẳn. Nói rằng “cao”, tỏ sự phòng ngăn nghiêm ngặt, mà nó chưa đi. Ngôi Trên là chỗ cùng cực cuộc giải. Trong lúc cuộc giải đã cùng cực mà riêng có tài chưa giải, tức là đạo giải đã tột bậc, đỗ đã thành rồi, cho nên có thể bắn được. Đã bắn được, thì là sự lo của thiên hạ đã giải hết rồi. Còn gì không lợi? Đấng Phu Tử ở lời Hệ lại nói cho rõ thêm nghĩa đó phát động, thì bắt sao được nó? Cái đạo để giải là đồ, khi việc nên giải và khi cái đạo mà mình giải nó đã tới, là thời. Như thế mà động, cho nên không có vướng mắc, phát ra thì không gì không lợi”. Vướng mắc nghĩa là trở ngại. Thánh nhân ở đây lại phát minh cái nghĩa giấu đồ đợi chờ. Ôi, làm việc từ một mình mình cho đến thiên hạ, nếu không có đò và không chờ thời mà động, thời nhỏ thì vướng mắc, lớn thì hỏng thua, tử xưa những người có làm mà không thành công hoặc nghiêng đổ, đều bởi cớ đó.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Lời Hệ[4] giải đủ rồi.
LỜI KINH
象曰:公用射準,以解悖也.
Dịch âm. – Tượng viết: Công dụng xạ chuẩn, dĩ giải bồi dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Ông dùng bắn chim cắt, để giải trái vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Đến chót cuộc giải mà còn chưa giải, tức là kẻ trái loạn hạng lớn. Bắn nó là để giải nó. Giải thì thiên hạ bình.
Lời bàn của Tiên Nho. – Sái Tiết Trai nói rằng: “Trái” tức là bạo nghịch. “Giải trái” là giải sự bạo nghịch của hào Ba, mà cuối cùng được nó thuận theo.
Khấu Kiến An nói rằng: “Giải” là làm tan tức làm tan nạn của thiên hạ. Nhưng kẻ tiểu nhân là gốc sinh nạn, cho nên sau khi giải nạn, còn nên nghĩ việc trừ kẻ tiểu nhân. Quẻ Giải là quẻ trừ kẻ tiểu nhân. Trong quẻ lấy một hào Âm Sáu Ba làm chủ. Hào đó rằng: “Đội và cưỡi, đem giặc đến”, ý nói hào Ba lấy tài Âm hiểm của kẻ tiểu nhân, ở không phải chỗ đáng giữ, mà tự với quân của thiên hạ, đến đánh mình vậy. Ở các hào đều là kẻ muốn trừ hào Ba: hào Hai ở dưới hào Ba mà nói “bắt được còn cáo”,tức là bắt được hào Ba, hào Tư ở trên hào Ba mà nói “giải ngón chân cái” tức là giải hào Ba, hào trên ứng với hào Ba mà nói “bắn chim cắt” là bắn hào Ba, hào Năm là chủ cuộc giải mà nói “có tin chưng kẻ tiểu nhân” là làm cho hào Ba lui đi. Coi các hào trên dưới, hào nào cũng một mực muốn trừ hào Ba, thì biết kẻ tiểu nhân không đi, gốc nạn không trừ được, ấy là điều ông thánh làm Kinh Dịch rất sợ. Chỉ có hào Sáu Đầu tài mềm ngôi thấp, không phải gánh cái trách nhiệm giải nạn, cho nên trong hào không có lời khác, chỉ nói “không lỗi”, mà thôi. Đó là đại ý của sáu hào quẻ Giải.
Chú thích:
[1] Chữ 解 (giải) nghĩa là cởi ra, là giải tán, là gỡ ra.
[2] Tức là Lời Hệ mà truyện của Trình Di dẫn vào dưới lời Tượng của hào này.
[3] Nghĩa là khe hở, chỗ hở.
[4] Tức đoạn Lời Hệ mà Truyện của Trình Di dẫn vào ở trên.