Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kinh Dịch Trọn Bộ

Quẻ Ích

Tác giả: Ngô Tất Tố
Thể loại: Tử Vi - Phong Thủy

☴ Tốn trên; ☳ Chấn dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ ích, Tự Quái nói rằng: Tổn mà không thôi, ắt phải ích, cho nên tiếp đến quẻ Ích. Thịnh suy, tổn ích như lần vòng tròn, tổn cực thì ắt phải ích, là lẽ tự nhiên, vì vậy quẻ Ích mới nối quẻ Tổn. Nó là quẻ Tốn trên Chấn dưới, đó là hai vật sấm gió làm ích cho nhau. Gió dữ thì sấm mạnh, sấm động thì gỉó gắt, hai đằng giúp ích cho nhau, cho nên mới là quẻ Ích. Đấy là lấy tượng mà nói. Hai quẻ Tốn, Chấn đều bởi vạch dưới biến đi mà thành ra. Dương biến ra Âm là quẻ Tốn. Âm biến ra Dương là quẻ Ích. Quẻ trên bớt đi mà quẻ dưới thêm lên, bớt trên thêm dưới, vì vậy mới là quẻ Ích. Đó là lấy nghĩa mà nói. Bên dưới đầy thì bên trên yên, cho nên thêm cho phía dưới là ích.

LỜI KINH

益利有攸往,利涉大川.

Dịch âm. – Ích lợi hữu du vãng, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch nghĩa. – Quẻ Ích lợi có thửa đi, lợi về sang sông lớn.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Ích là đạo làm ích cho thiên hạ, cho nên lợi có thửa đi. Đạo ích có thể vượt qua hiểm nạn, đó là lợi sang sông lớn.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ích là thêm ích. Nó là quẻ bớt vạch Dương ở ngôi đầu quẻ trên thêm vào vạch Âm ở ngôi đầu quẻ dưới, tự quẻ trên mà xuống phía dưới cho nên là ích. Trong quẻ, hào Chín Năm và hào Sáu Hai đều là trung chính, dưới Tốn trên Chấn đều là Tượng của loài cây, cho nên lời Chiêm của nó là “lợi có thửa đi mà lợi sang sông lớn”.

LỜI KINH

彖曰:益,损上益下,民説無疆,

自上下下,其道大光.

Dịch âm. – Thoán viết: Ích, tổn thượng ích hạ, dân nguyệt vô cương tự thượng há hạ, kỳ đạo đại quang.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Quẻ Ích, bớt trên thêm dưới, dân đẹp lòng không bờ, tự trên xuống dưới, thửa đạo cả sáng.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây lấy nghĩa quẻ và tài quẻ mà nói. Quẻ này mà là quẻ Ích, vì nó bớt trên thêm dưới, bớt của trên để thêm cho dưới, thì dân đẹp lòng. “Không bờ” là không cùng cực vậy. Tự chỗ trên mà hạ mình xuống để xuống chỗ dưới, đó là đạo của nó cả sáng rệt vậy. Vạch Dương xuống ở ngôi Đầu, vạch Âm lên ở ngôi Tư, là nghĩa trên xuống dưới”.

Bán nghĩa của Chu Hy. – Đây lấy thể quẻ thích nghĩa tên quẻ.

LỜI KINH

利有攸往,中正有慶.

Dịch âm. – Lợi hữu du vãng, trung chính hữu khánh.

Dịch nghĩa. – Lợi có thửa đi, trung chính có phúc.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Năm lấy đức Dương cứng, trung chính, ở ngôi tôn, hào Hai lại lấy đức trung chính ứng nhau với nó, đó là dùng đạo trung chính làm ích cho thiên hạ, thiên hạ chịu phúc khánh của nó vậy.

LỜI KINH

利涉大川,木道乃行.

Dịch âm. – Lợi thiệp đại xuyên, mộc đạo nãi hành.

Dịch nghĩa. – Lợi sang lớn, đạo ích[1] mới cả thi hành.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đạo ích, trong lúc bình thường vô sự, cái ích của nó còn nhỏ, đến khi gian nguy hiểm nạn, thì cái ích của nó càng lớn, cho nên lợi về sự sang sông lớn. Khi qua được chỗ hiểm nạn tức là lúc đạo ích cả được thi hành. Chữ 益 (ích) làm ra chữ 木 (mộc). Có người nói rằng: Trên Tốn dưới Chấn, cho nên gọi là “mộc đạo”. Không phải thế.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây lấy thể quẻ, tượng quẻ thích lời quẻ.

LỜI KINH

益動而巽,日進無疆.

Dịch âm. – Ích động nhi tốn, nhật tiến vô cương.

Dịch nghĩa. – Quẻ Ích động mà nhún, ngày tiến không bờ.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lại lấy hai thể nói tài quẻ dưới động mà trên nhún, là động mà nhún. Là đạo ích, hễ động nhún thuận hợp lẽ, thì sự ích của nó mỗi ngày mỗi tiến, rộng rãi không có bờ ngăn nào hết. Động mà không thuận với lý, có thể nên được ích lớn chăng?

LỜI KINH

天施地生,其益無方.

Dịch âm. – Thiên thi địa sinh, kỳ ích vô phương.

Dịch nghĩa. – Trời thi hành, đất sinh, thửa ích không phương.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lấy công trời đất mà nói cái lớn lao của đạo “ích”, đó là đấng thánh nhân thể theo công đó để làm ích cho thiên hạ vậy. Đạo trời giúp cuộc bắt đầu, đạo đất sinh ra các vật, trời thi hành, đất sinh, hóa nuôi muôn vật, nào đúng tính mệnh của vật ấy, cái ích đó có thể gọi là không phương. “Phương” là chốn, có phương chốn thì có hạn lượng, không phương chốn nghĩa là rộng lớn không cùng cực vậy. Trời đất ích cho muôn vật còn có cùng cực ư?

LỜI KINH

凡益之道, 與時偕行.

Dịch âm. – Phàm ích chi đạo, dữ thì giai hành.

Dịch nghĩa. – Phàm chưng đạo Ích, cùng thì đều đi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Ích của trời vô cũng, là lý mà thôi. Cái đạo thánh nhân làm ích cho thiên hạ, ứng thì, thuận lẽ, hợp với trời đất, thế là “cùng thì đều đi”.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Động và nhún là đức của hai quẻ, Kiền thi hành trở xuống, Khôn sinh trở lên, cũng là nghĩa thể quẻ ở đoạn trên. Đây lại lấy quẻ Tốn mà nói, để tán dương sự lớn lao của đạo “ích”.

LỜI KINH

象曰:風雨益, 君子以見善則遷,有過則改.

Dịch âm. – Tượng viết: Phong lôi Ích, quân tử dĩ kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Gió sấm là quẻ Ích, đấng quân tử coi đó mà thấy điều thiện thì dời sang, có lỗi thì đổi đi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Gió dữ thì sấm mạnh, sấm động thì gió nổi, hai vật ích lẫn cho nhau. Đấng quân tử xem Tượng gió sấm ích nhau đó mà cầu ích cho mình. Cái đạo làm ích cho mình, không gì bằng thấy điều thiện, thì dời sang[2], có lỗi thì đổi đi. Thấy điều thiện mà biết dời sang, thì có thể thu hết điều thiện trong thiên hạ, có lỗi biết đổi thì không lỗi nữa. Ích cho người ta, không gì lớn hơn thế.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Thế của gió sấm giúp ích lẫn nhau. Dời điều thiện, đổi lỗi là việc lớn lao trong đạo “ích” mà sự “ích nhau” của nó cũng giống như thế.

Lời bàn của Tiên Nho. – Chu Hy nói rằng: Dời điều thiện nên chóng như gió, đổi lỗi nên mạnh như sấm… Gió là vật mau kíp, thấy điều thiện của người ta, mình sẽ không kịp, thì dời sang cho kịp như gió, sấm là vật hăng mạnh, minh có điều lỗi, thì cả quyết mà đổi cho mạnh như sấm, không nên có tí trì hoãn.

LỜI KINH

初九:利用為大作,元吉,無啓.

Dịch âm. – Sơ Cửu: Lợi dụng vi đại tác, nguyên cát, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Đầu: Lợi dùng làm việc lớn, cả tốt, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Chín Đầu chủ của thể động, là kẻ Dương cương đương thịhn, ở thì ích, tài đó đủ làm ích cho người, tuy ở chỗ rất thấp mà trên có bậc đại thần Sáu Tư ứng nhau với mình. Hào Tư chủ thể nhún nhuận, là kẻ trên biết nhún với vua, dưới biết thuận với bậc hiền tài, ở dưới thì không có thể làm gì, được ở kẻ ở trên ứng theo, thì nên đem đạo của mình, giúp cho người trên, làm việc cả ích cho thiên hạ. Thế là “lợi dùng làm việc lớn”. Ở dưới mà được người trên dùng đến, để thực hành chí mình ắt phải những điều mình làm cả thiện mà tốt lành, thì không tội lỗi. Nếu không cả thiện mà tốt lành, thì chẳng những ở mình có lỗi, mà còn lụy đến người trên, làm cho người trên có lỗi. Ở chỗ rất thấp mà gánh trách nhiệm lớn, sự hay nhỏ không đủ khen, ắt phải cả thiện mà tốt lành, rồi sau mới không có lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Đầu tuy ở dưới, nhưng nhằm thì “ích cho kẻ dưới”, nó tức là kẻ được chịu sự ích của người trên, không thể trơ ra mà không báo đáp. Cho nên lợi dùng làm việc lớn, ắt phải cả tốt, mới được không lỗi.

Lời bàn của Tiên Nho. – Chu Hy nói rằng: Tốt xấu là việc, lỗi là đạo lý. Bởi vì có việc tuy tôn mà lý thì sai lỗi, thế là tốt mà có lỗi.

LỜI KINH

象曰:元吉無咎,下不厚事也.

Dịch âm. – Tượng viết: Nguyên cát vô cữu, hạ bất hậu, sự dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Cả tốt không lỗi, kẻ dưới chẳng được dầy vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kẻ ở dưới vốn không xử được dầy, việc dầy tức là việc nặng lớn vậy – vì bị người trên dùng mình, cho nên phải gánh việc lớn, ắt phải làm cho xong việc của Người mà đem lại sự cả tốt, mới là không lỗi. Đem lại được sự cả tốt thì kẻ ở trên dùng mình là biết người, mình đương vào đó là làm nổi trách nhiệm. Nếu không thể thì trên dưới đều có lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Nó vốn không phải gánh vác việc to, cho nên hễ không như thế, thì không lấp được tội lỗi.

LỜI KINH

六二:或益之十朋之悉,弗克違 永貞,吉,王用亨于帝,吉.

Dịch âm. – Lục Nhị: Hoặc ích chi thập bằng chi qui, phất khắc vi vĩnh trinh cát, vương dụng hưởng vu đế, cát!

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Hai: Hoặc ích đấy, chưng rùa mười bằng[3] chẳng hay trái, vĩnh viễn chính bền, tốt, vua dùng hưởng chưng trời, tốt!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Hai ở chỗ trung chính mà thể mềm thuận, có Tượng rỗng giữa. Cái đạo người ta ở chỗ trung chính phải để trống rỗng lòng mình đều cầu được ích mà biết thuận theo, thì thiên hạ ai không muốn bảo mà làm ích cho mình? Thầy Mạnh nói rằng: “Nếu mình thích điều thiện, thì trong bốn bể sẽ coi thường nghìn dặm mà đến bảo mình lấy điều thiện”. Ôi, đầy thì không nhận được gì, mà rỗng thì tới vật lý tự nhiên như thế, cho nên hoặc có điều gì có thể ích thêm, thì các bạn đều giúp vào mà làm ích mình. “Mười” là tiếng chỉ số nhiều! Nhiều người bảo phải, là rất đúng lý. Rùa là giống để xem dữ lành, phân biệt phải trái, ý nói việc đã rất phải, dẫu đến con rùa cũng không thể trái được[4]. “Vĩnh viễn chính bền thì tốt” là theo tài hào Sáu Hai mà nói, hào Hai trung chính rỗng giữa là kẻ được nhiều người làm ích cho, nhưng mà chất nó còn là Âm mềm, cho nên răn rằng: “Phải mãi mãi chính bền thì tốt”. Cái đạo cầu ích, nếu không mãi mãi chính bền, thì giữ sao được? Hào Sáu Năm quẻ Tổn, mười bạn giúp thì cả tốt, là vì nó ở ngôi tôn tự mình bớt mình để ứng với sự cứng của kẻ dưới, lấy chất mềm ở ngôi cứng thì mềm là trống rỗng, cứng là cố giữ, tức là cách rất phải trong đạo cần ích, cho nên cả tốt. Hào Sáu Hai để trống trong giữa để cầu ích, cũng có kẻ Dương cứng ứng với, nhưng nó lấy chất mềm ở ngôi mềm ngờ rằng sự ích chưa bền, cho nên răn rằng: “Có thể mãi mãi chí bền thì tốt”. “Vua dùng hưởng chưng trời, tốt” nghĩa là trống rỗng bên trong như hào Hai mà có thể vĩnh viễn chính bền dùng để cúng đấng thượng đế, cũng còn được tốt, huống chi giao thiệp với người ta, lại không được thông ý mình hay sao? Cầu ích với người ta, người ta lại không ứng lại hay sao? Tế trời là việc của đấng thiên tử, cho nên nói là “vua dùng”,.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đương lúc “ích cho kẻ dưới”, hào này rỗng giữa, ở ngôi dưới, cho nên Tượng, Chiêm của nó cũng giống như hào Sáu Năm quẻ Tổn, nhưng hào và ngôi đều là Âm, nên mới răn nó phải vĩnh viễn chính bền. Vì nó ở dưới mà chịu sự làm ích của người trên, cho nên lại là lời Chiêm tốt trong việc xem bói tế Giao.

LỜI KINH

象曰:或益之,自外來也.

Dịch âm. – Tượng viết: Hoặc ích chi, tự ngoại lai dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Hoặc ích đấy, tự ngoài đến vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đã trung chính rỗng giữa, biết nhân điều thiện của thiên hạ mà giữ cho Bền, thì có việc có ích, mọi người sẽ tự ngoài đến làm ích cho mình. Hoặc có người nói: “Từ ngoài đến” có phải là hào Năm chăng? Đáp rằng: “Trung chính rỗng giữa như hào Hai, thiên hạ ai không thuận theo mà làm ích cho nó? Hào Năm là chính ứng của nó, cố nhiên cũng phải ở trong đám ấy.

LỜI KINH

六三:益之,用凶事,無咎,有孚,中行用告公用圭.

Dịch âm. – Lục Tam: Ích chi, dụng hung sự, vô cữu, hữu phu, trung hàng, cáo công dụng khuê.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Ba: Ích đây, dùng việc hung, không lỗi, có tin, đường giữa, bảo tước. Công dùng ngọc khuê.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Ba ở trên thể dưới, ấy là kẻ ở trên đân, tức là chức thú lệnh vậy, ở ngôi dương, ứng với kẻ cứng, đứng chỗ tột bậc thể động, đó là kẻ ở trên dân, mà cương quyết và quả cảm về sự làm ích. Quả cảm về sự làm ích, tình đó dùng vào việc hung thì không có lỗi việc hung chỉ vào những việc hoạn nạn phi thường. Hào Ba ở trên thể dưới, kẻ ở dưới thì nên vâng bẩm người trên, đâu được tự tiện làm việc ích? Chỉ có những việc hoạn nạn phi thường, thì có thể cân lẽ nên chăng, ứng lúc sảng sốt, hăng hái không đoái đến mình, ra sức che chở cho dân, cho nên không lỗi. Kẻ dưới mà chuyên quyền tự nhiệm, người trên ắt ghen ghét, tuy là đương gỡ nạn, nghĩa vẫn đáng làm, nhưng mà phải có thành tín, mà điều mình làm phải hợp với trung đạo, thì cái ý thành, thực có thể thông với người trên, mà người trên mới tin mình. Tự tiện làm việc mà không có lòng chí thành của kẻ làm người trên, yên dân, đành không thể được, cho dẫu có ý thành thực mà điều mình làm không hợp trung đạo, cũng là không được. Ngọc Khuê là vật để thông tin. Kinh Lễ nói rằng: “Quan đại phu cầm ngộc khuê để nhắc lại sự tin”, phàm lúc tế tự triều sinh mà dùng ngọc khuê để thông đạt sự thành tín vậy. Có thành tín mà được trung đạo, thì có thể khiến người trên tin mình, cũng như tâu đấng công thượng mà dùng ngọc khuê, sự thành tín của mình có thể thông đạt lên trên. Cái đạo ở dưới mà làm việc lớn, chỉn nên có tin, chữ “đường giữa” là vì hào Ba là hào Âm mà không giữa, cho nên phát ra nghĩa đó.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Sáu Ba chất Âm mềm, không giữa không chính, là kẻ không đáng được ích. Nhưng đương lúc “ích cho kẻ dưới” nó ở trên thế dưới, cho nên có kẻ làm ích cho nó bằng việc hung. Nghĩa là răn bảo, nhắc nhở, tức là để làm ích cho nó. Kẻ xem như thế mới không có lỗi. Lại răn rằng phải có tin, theo đường giữa tâu lên tước công thì dùng ngọc khuê. Dùng ngọc khuê là để thông sự tin.

Lời bàn của Tiên Nho. – Chu Hy nói rằng: Y Xuyên giảng Kinh Dịch, có nhiều chỗ không sao hiểu được. Như câu “ích đây, dùng việc hung” giải làm chữ “hung” trong tiếng “hung hoang”, chỉ thẳng vào bọn thứ sử quận thú mà nói. Lúc ấy chưa thấy có chức thú lệnh, sợ rằng khó nói như thế.

LỜI KINH

象曰:益用凶事,固有之也.

Dịch âm. – Tượng viết: Ích dụng hung sự, cố hữu chi dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Ích dùng việc hung, cố có đây vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Ba “ích đây” mà chỉ có thể dùng vào việc chung, vì nó cố nhận là có, nghĩa là chuyên cố tự gánh lấy việc vậy. Kẻ ở dưới nên phải bẩm vâng người trên, thế mà tự tiện làm việc, thì chỉ cứu sự hung tai của dân, chữa sự nguy cấp của đời là được. Đó là lẽ quyền nghi trong khi gặp chuyện cấp nạn, biến cố cho nên mới được không lỗi. Nếu là hình thi, thì không thể thế.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ích dùng việc hung, là muốn mệt lòng nhược trí, cố giữ cho có vậy.

LỜI KINH

六四:中行,告公從,利用為依,遷國.

Dịch âm. – Lục Tứ: Trung hành, cáp công tòng, lợi dụng vi y thiên quốc.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Đường giữa, tâu tước công theo, lợi dụng làm tựa, dời nước.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Tư đương thì ích, ở ngôi gần vua ở được chỗ chính, lấy sự mền nhún giúp người trên, mà phía dưới thuận ứng với hào Đầu là kẻ cương Dương, như thế thì có ích cho người trên, chỉ vì ở không được giữa, mà kẻ nó ứng lại cũng không giữa, đó là không đủ đúc “giữa”, cho nên nói rằng: “Nếu đi được đường giữa thì có thể ích cho đấng quân thượng, tâu với bề trên mà được tin theo”. Lấy thể mềm nhún, không phải là kẻ có tiết tháo cứng mạnh đĩnh đạc, cho nên lợi dùng làm tựa, dời nước[5] “Tựa” là tựa nương vào bề trên, “dời nước” là xuôi xuống mà hành động vậy. Phía trên nương tựa vào ông vua cứng giữa, mà ra sức làm ích kẻ dưới thuận theo kẻ có tài Dương cương để làm việc mình, “lợi dùng” là như thế vậy. Từ xưa, nơi đô ấp của các nước, hễ dân không được ở yên, thĩ phải dời đi. “Dời nước” là thuận theo kẻ dưới mà hành động vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Ba, hào Tư đều không được giữa, cho nên lấy “đường giữa” mà răn. Đây nói: nếu bụng chỉ nghĩ về sự “ích cho kẻ dưới” mà hợp với đường giữa, thì tâu tước Công sẽ được nghe theo. Tả truyện nói rằng: “Nhà Chu dời sang bên đông, tựa vào nước Tống nước Trịnh”. Bởi vì đời xưa nước để làm ích cho kẻ dưới, ắt phải có chỗ nương tựa, mới có thể đứng. Hào này lại là lời Chiêm tốt về việc dời nước.

LỜI KINH

象曰:告公從,以益志也.

Dịch âm. – Tượng viết: Cáo công tòng, dĩ ích chí dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: “Tâu tước Công, theo lấy chí làm ích vậy”.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lời hào chỉ nói: “Được đường giữa thì tâu tước Công sẽ được nghe theo”, lời Tượng lại tỏ thêm rằng: “Tâu tước Công mà được nghe theo là tại bảo họ lẩy cái chí làm ích cho kẻ dưới”. Nếu mà chí ở làm ích cho thiên hạ, thì người trên ắt tin mà theo. Kẻ thờ vua chẳng lo người trên không theo mình, chỉ lo chí mình không được thành thực mà thôi.

LỜI KINH

九五:有孚,惠心,勿問,元吉,有手,惠我德.

Dịch âm. – Cửu Ngũ: Hữa phu, huệ tâm, vật vấn, nguyên cắt, hữu phu, huệ ngã đức.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Năm: Có tin lòng ơn, chớ hỏi, cả tốt, có tin, ơn đức ta.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Năm là bậc Dương cương trung chính, ở ngôi tôn, lại được hào Sáu Hai là kẻ trung chính, ứng nhau với nó, để thi hành cái chí của nó, thì còn cái gì không lợi? Lấy chất Dương đặc ở giữa là Tượng “có tin”. Lấy đức, tài và ngôi của hào Chín Năm mà trong lòng chí thành về làm ơn làm ích cho người, thì sự rất hay, cả tốt của nó, chẳng hỏi cũng có thể biết, cho nên nói rằng “chớ hỏi cả tốt”. Kẻ làm vua ở ngôi làm được, cầm quyền làm được, nếu chí thành làm ích cho thiên hạ, thiên hạ được chịu phúc lớn của nó, không cần phải nói. “Có tin, ơn đức ta” nghĩa là kẻ làm vua chí thành làm ích cho thiên hạ, thì người thiên hạ ai cũng chí thành yên đội, lấy đức trạch của vua làm ơn huệ vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Người trên có đức tin để làm ơn cho kẻ dưới, kẻ dưới cũng có đức tin để làm ơn cho người trên, không hỏi cũng biết cả tốt.

LỜI KINH

象曰:有孚惠心,勿問之矣.惠我德,大得志也.

Dịch âm. – Tượng viết: Hữu phu huệ tâm, vật vấn chi kỹ: huệ ngã đức, đại đắc chí dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Có tin, ơn lòng, chớ hỏi đấy vậy, ơn đức ta, cả được chí vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kẻ làm vua có lòng chí thành, làm điều ơn ích cho thiên hạ, thì sự cả tốt của hắn không cần phải nói, cho nên nói rằng: “Chớ hỏi đây vậy”. Thiên hạ chí thạnh nhớ đức ta để làm nên, đó là đạo của mình cả thực hành, thế chí của kẻ làm vua được toại vậy.

LỜI KINH

上九: 莫益之, 或擊之, 立新勿恆,凶

Dịch âm. – Thượng Cửu: Mạc ích chi, hoặc kích chi, lập tâm vật hằng, hung!

Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Chẳng ích nó, hoặc đánh nó, lập tâm chớ thường hung!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào trên ở chỗ không ngôi, không phải là kẻ làm ích cho người. Lấy chất cứng ở chỗ cùng tột ích, là kẻ cầu ích dữ qua, ứng với nó là chất Âm, không phải kẻ biết học điều thiện làm ích cho mình. Lợi là cái mà mọi người đều muốn, chuyện muốn ích mình, thì hại lớn lắm. Muốn lợi quá dữ thì tối lấp mà quên nghĩa lý, cầu lợi ích cùng cực thì phải lấn cướp mà gây oán thù, cho nên đấng Phu Tử nói rằng: “Tựa theo lời mà làm, nhiều oán”, thầy Mạnh Tử nói rằng: “Coi lợi là trước thì không cướp không đủ”, đó là điều răn sâu của thánh hiền. Hào Chín lấy chất cứng mà cầu ích đến cùng cực, ấy là mọi người cùng ghét, cho nên không ai làm ích cho nó mà hoặc có kẻ đánh nó. “Lập tâm chớ thường, hung” tức là thánh nhân răn rằng không thể để bụng chuyên nghĩ về lợi. Ý nói: Chớ thường như thế, đó là đạo phải nên mau mau đổi đi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Dương ở chỗ cùng tột cuộc ích, cầu ích không thôi, cho nên chẳng ai làm ích cho nó mà hoặc có kẻ đánh nó. “Lập tâm chớ thường”, ấy là răn người ta vậy.

LỜI KINH

象曰:莫益之,偏辭也;或擊之,自外來也.

Dịch âm. – Tượng viết: Mạc ích chi, thiên từ dã, hoặc kích chi, tự ngoại tại dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Chẳng ích nó, lời nói lệch[6] vậy, hoặc đánh nó, tự ngoài đến vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lý là sự chí công trong thiên hạ, lợi là sự mọi người cùng muốn, nếu giữ lòng cho công, không mất chính lý thì phải cùng mọi người chung điều lợi, không lấn của người, người cũng muốn chung với mình, nếu thiết tha về muốn lợi, bị che lấp về sự riêng, cầu lấy ích mình, để hại cho người, người cũng cố sức tranh nhau với mình, cho nên chẳng ai làm ích cho mình, mà có kẻ còn đánh cướp mình. Nói rằng: “Chẳng ích nó” không phải là lời thiên lệch về mình. Nếu không thiện lệch về mình, mà hợp với đạo công, thì người ta cũng làm ích cho mình, làm gì đến đánh mình? Đã cầu ích ở người ta đến đỗi, cực thậm, thì người ta đều ghét mà muốn đánh mình, cho nên, đánh nó là kẻ tự ở ngoài mà lại.

Bản nghĩa của Chu Hy. – “Chẳng ích nó” còn là lời lệch, chỉ theo về sự cầu ích của nó mà nói, chứ nếu nói cho tới cùng, thì lại có kẻ đánh nó nữa.

Chú thích:

[1] Đây là theo ý Trình Di, đổi chữ 大 (mộc) ở lời kinh ra làm chữ 益 (ích) cho nên dịch là “đạo ích”.

[2] Dời sang điều thiện nghĩa là bắt trước điều thiện của người ta.

[3] Câu này giống câu ở hào Chín Năm quẻ Tốn. Đây dịch theo ý Chu Hy, đã chứa ở quẻ Tốn. Nếu theo Trình Di thì phải dịch là “Hoặc ích đấy, mười bạn giúp đầy, rùa không thể trái”. Bởi vì trong văn chữ nho, Trình Di chấm là: “Hoặc ích chi, thập bằng chi, qui phất khắc vi”, ở hào Chín Năm quẻ Tốn. Nhưng Chu Hy giải chữ 朋 “bằng” là “hai chiếc mai rùa” có căn cứ ở sách Thực hóa chí, mà Trình Di không căn cứ vào đâu.

[4] Nghĩa là xem bói cũng thấy là phải.

[5] Tức là thiên đô.

[6] Theo ý Chu Hy, thì lời nói lệch nghĩa là mới nói một phần.

Bình luận