Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kinh Dịch Trọn Bộ

Quẻ Đại Súc

Tác giả: Ngô Tất Tố
Thể loại: Tử Vi - Phong Thủy

Cấn trên; Kiền dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Đại Súc, Tự quái nói rằng: Có không càn rồi sau mới có thể chứa, cho nên tiếp đến quẻ Đại Súc[1]. Không càn thì tức là có thực chất, cho nên có thể chứa họp. Vì vậy, quẻ Đại Súc mới nối với quẻ Vô Vọng. Nó là quẻ Cấn trên Kiền dưới, trời mà ở vào trong núi, là Tượng cái chứa rất lớn. Súc là chứa ngăn, lại là chưa họp, ngăn thì phải họp, lấy Tượng trời ở trong núi thì là chứa họp; lấy nghĩa Cấn mà ngăn Kiền thì là chứa ngăn. Ngăn rồi mới chứa, cho nên ngăn là nghĩa chứa.

LỜI KINH

大畜利貞,不家食,吉,利涉大川

Dịch âm. – Đại Súc lợi trinh bất gia thực, cát, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch nghĩa. – Quẻ Đại Súc lợi về sự chính, chẳng ăn ở nhà, tốt lợi sang sông lớn.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Chẳng gì lớn bằng trời, mà lại ở vào trong núi, Cấn ở trên mà ngăn Kiền ở dưới, đều là Tượng chứa đựng rất lớn. Ở người ta thì là đạo đức học thuật đầy chứa ở trong, tức là cái chứa lớn lắm. Phàm sự chứa họp, đều chuyên nói về cái lớn hơn. Sự chứa đựng, nên được chính đạo, cho nên nói là lợi về sự chính. Ôi những dị đoan, thiên học[2], họ chứa rất nhiều, mà sự bất chính vẫn có. Đã có đạo đức đầy chứa ở trong, nên ở ngôi trên, để hưởng lộc trời, thi thố với thiên hạ, thì chẳng những là tốt một mình, mà lại tốt cả thiên hạ. Nếu phải ở vào hoàn cảnh cùng mà ăn ở nhà, thì là đạo gặp lúc bĩ, cho nên, chẳng ăn ở nhà thì tốt. Cái chứa đã lớn, nên đem thi thố với đời, giúp sự gian hiểm của thiên hạ, ấy là sự dùng của cái chứa lớn, cho nên lợi sang sông lớn. Đây chỉ theo nghĩa dưới lớn mà nói, lời Thoán lại lấy tài đức của quẻ mà nói. Các hào thì chỉ có nghĩa chứa ngăn. Bởi vì Kinh Dịch chủ về thể đạo tùy nghi[3], chỉ lấy những điều rõ và gần hơn.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lớn tức là Dương, lấy Cấn chứa Kiền, lại là sự chứa to lớn. Lại nữa, trong là thể Kiền cứng mạnh, ngoài là thể Cấn dày đặc sáng sủa, cho nên có thể mỗi ngày mỗi làm cho đức của mình mới ra, mà thành sự chứa to lớn. Nói về sự biến hóa của quẻ, thì quẻ này do ở quẻ Nhu đi lại, hào Chín bởi tự hào Năm đi lên. Nói về thể quẻ, thì hào Sáu Năm tôn mà chuộng nó. Nói về đức quẻ, thì nó ngăn được sự mạnh. Bấy nhiêu điều đó, không phải là bậc cả chính thì không làm nổi. Cho nên lời Chiêm của nó là lợi về đường chính, không ăn ở nhà thì tốt. Lại, hào Sáu Năm dưới ứng với Kiền là ứng vớí trời, cho nên lời Chiêm của nó lại là lợi sang sông lớn. Chẳng ăn ở nhà nghĩa là ăn lộc ở triều, không ăn ở nhà.

LỜI KINH

彖曰:大畜剛健,駕實,輝光日新其德.

Dịch âm. – Thoán viết: Đại Súc cương kiện, đốc thực, huy quang, nhật tân kỳ đức.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Quẻ Đại Súc cứng mạnh, dầy đặc, sáng sủa ngày ngày làm mới đức nó.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây nói về tài đức của quẻ. Thể Kiền cứng mạnh, thể Cấn dầy đặc, tài của người ta cứng mạnh dầy đặc, thì cái chứa của họ dầy đặc mà có ánh sáng, chứa mãi không thôi, thì đức của họ một ngày một mới.

Bản nghĩa của Chu Hy. . Đây lấy đức quẻ để thích nghĩa tên quẻ.

LỜI KINH

剛上而尚賢,能止健,大正也..

Dịch âm. – Cương thượng nhi thượng hiền, năng chỉ kiện, đại chính dã.

Dịch nghĩa. – Cứng lên mà chuộng trời, hiền, ngăn được sự mạnh, cả chính vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cứng lên là Dương ở trên. Dương cứng ở trên ngôi tôn là nghĩa chuộng người hiền; sự đậu ở trên sự mạnh là nghĩa ngăn được sự mạnh. Ngăn đậu sự mạnh, không phải là bậc cả chính thì làm không nổi. Lấy đức Dương cương ở trên và tôn chuộng người hiền đức, ngăn được sức rất mạnh, đều là đạo cả chính..

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây dùng sự biến hóa của quẻ và thể thích lời quẻ.

LỜI KINH

不家食, 吉, 養賢也

Dịch âm. – Bất gia thực, cát, dưỡng hiền dã.

Dịch nghĩa. – Chẳng ăn ở nhà, tốt, là nuôi người hiền vậy.

GIẢI NGHĨA

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây cũng láy tượng chuộng người hiền.

LỜI KINH

利涉大川,應乎天也

Dịch âm. – Lợi thiệp đại xuyên, ứng hồ thiên dã.

Dịch nghĩa. – Lợi về sự sang sông lớn, là ứng với trời vậy.

GIẢI NGHỈA

Truyện của Trình Di. – Người có chứa lớn, nên phải đem cái chứa ra để giúp thiên hạ, cho nên không ăn ở nhà thì tốt, nghĩa là ở ngôi tôn, hưởng lộc trời vậy. Đó là nhà nước nuôi người hiền, người hiền được thi hành cái đạo của mình. Lợi sang sông lớn, nghĩa là những người có chứa đựng lớn nên giúp cho thiên hạ vượt qua sự gian hiểm. Lời Thoán lại phát minh tài quẻ mà rằng “Sở dĩ sang được sông lớn là vì nó ứng với trời”, hào Sáu Năm phía dưới ứng với hào giữa của quẻ Kiền, ấy là ông vua chứa lớn theo trời mà làm việc. Việc làm đã ứng với trời, thì không có sự gian hiểm nào mà không thể vượt qua, huống chi việc khác.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây cũng lấy thể quẻ mà nói.

LỜI KINH

象曰夺山中,大事,事以多識前會往行,以畜莫德.,

Dịch âm. – Tượng viết: Thiên tại sơn trung, Đại Súc, quân tử dĩ đa chí tiền ngôn vãng hạnh, dĩ súc kỳ đức.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trời ở trong núi, là quẻ Đại Súc, đấng quân tử coi đó mà ghi nhiều lời trước, nết xưa, để nuôi đức mình.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Trời là vật rất lớn mà ở trong núi, đó là Tượng “thửa chứa rất lớn” đấng quân tử coi Tượng đó mà làm cho lớn cái chứa đựng của mình. Sự chứa đựng của người ta bởi học mà lớn, cốt ở nghe nhiều lời nói và việc làm của các thánh hiền đời xưa, khảo nghiệm để xem sự dùng của họ, xét lời họ để tìm bụng họ, ghi cho được những cái ấy để nuôi nên cái đức của mình, đó là nghĩa “đại súc”.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Trời ở trong núi, chẳng cứ thật có việc đó, chỉ lấy cái tượng mà nói đó thôi..

LỜI KINH

初九:有厲,利已.

Dịch âm. – Sơ Cửu: Hữu lệ, lợi dĩ

Dịch nghĩa. – Hào Chín Đầu: Có nguy, lợi thôi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Đại Súc là Cấn ngăn chứa Kiền, cho nên ba hào quẻ Kiền, đều lấy về nghĩa bị ngăn, ba hào quẻ Cấn đều lấy về nghĩa ngăn người. Hào Đầu chất Dương cương, lại thể mạnh, mà ở dưới, là kẻ ắt phải tiến lên, nhưng bị hào Sáu Tư ở trên chứa ngăn mình, nó sao địch nổi cái thế “ở trên được ngôi” của hào kia? Nếu phạm vào đó mà tiến lên, thì phải có sự nguy nghèo, cho nên chi lợi về cách thôi dừng tiến nữa. Ở quẻ khác thì Hào Đầu với hào Tư là chính ứng, cứu viện cho nhau, ở quẻ Đại Súc thì sự ứng nhau lại thành ra ngăn chứa nhau. Hào Trên với hào Ba đều là hào Dương, thì là hợp với chí với nhau. Vì Dương là vật tiến lên, cho nên có Tượng cùng chí mà không có nghĩa ngăn chứa.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ba hào Kiền bị quẻ Cấn thửa ngăn, cho nên hai quẻ trong ngoài, quẻ nào lấy theo nghĩa của quẻ ấy. Hào Chín Đầu bị hào Sáu Tư thửa ngăn, cho nên lời Chiêm của nó là “đi thì cò nguy mà lợì về sự thôi”.

LỜI KINH

象曰:有属利已,不犯災也.

Dịch âm. – Tượng viết: Hữu lệ, lợi dĩ, bất phạm tai dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Có nguy lợi thôi, chẳng phạm vào tai vạ vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Có sự nguy thì nên thôi, không nên phạm vào vạ nguy mà đi. Chẳng lượng cái thế của mình mà đi, tất nhiên có nguy.

LỜI KINH

九二: 輿說輻

Dịch âm. – Cửu Nhị: Dư thoát bức.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Hai: Xe trút bánh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Hai bị hào Sáu Năm ngăn chứa, thế không thể tiến. Hào Năm giữ thế ở trên, há có thể phạm được vào nó? Hào Hai tuy là thể cứng mạnh, nhưng nó xử được sự trung đạo, cho nên dù tiến, dù thôi, đều không lầm lỗi. Dầu rằng chí nó vẫn ở sự tiến, nhưng nó liệu thế không thể tiến được, thì thôi không đi, như xe cộ trút bỏ các bánh, nghĩa là không đi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Chín Hai cũng bị hào Sáu Năm thửa ngăn, vì nó ở giữa, cho nên tự mình thôi không tiến nữa, có Tượng như thế.

LỜI KINH

象曰:輿說福,終無尤也.

Dịch âm. – Tượng viết: Dư thoát bức, trung vô vưu dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Xe trút bánh, được giữa thì không có lỗi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Xe trút bánh mà không đi, nghĩa là xử được trung đạo, cử động không sai với sự thích nghi, cho nên không có lầm lỗi. Hay không gì hay bằng cứng giữa, mềm giữa chỉ là không đến mềm quá mà thôi; cứng giữa thì là giữa mà có tài. Hào Chín Đầu ở không được giữa, cho nên răn là có nguy nên thôi. Hào Hai được ở chỗ giữa, tiến hay thôi tự nhiên không có sai lỗi, cho nên nói là “xe trút bánh” nghĩa là không đi, không đi thì không lỗi rồi. Hào Đầu với hào Hai thể Kiền cứng mạnh, mà không đủ để tiến lên, hào Tư với hào Năm là chất Âm mềm mà lại có thể ngăn cản, thời có thịnh suy, thế có mạnh yếu, kẻ học Dịch phải nên biết rõ.

LỜI KINH

九三:良馬逐,利難貞,曰賢輿衡,利有攸往.

Dịch âm. – Cửu Tam: Lương mã trục, lợi gian trinh, nhật nhàn dư vệ, lợi hữu du vàng.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Ngựa hay ruổi, ngày quen xe, lại có thửa đi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Ba cứng mạnh tột bậc, mà Chín Trên hào Dương, cũng là vật tiến lên, lại ở vào cùng tột sự chứa mà muốn biến đổi, hào ấy với hào Ba không chứa nhau, lại cùng một chí là cùng ứng nhau để tiến, hào Ba là bậc có tài cứng mạnh, mà kẻ ở trên hợp bụng với mình thì tiến, thì sự tiến của nó như thể ngựa hay rong ruổi, nghĩa là nhanh lắm. Tuy là thế nó tiến nhanh, nhưng mà không thể cậy có tài mạnh, lại có người trên ứng với mà quên được sự phòng bị và sự thận trọng. Để mà tự phòng phải nên hàng ngày thường tập cho quen xe cộ và đồ phòng vệ của mình, thì sẽ lại có thửa đi. Hào Ba là thể Kiền, ở chỗ chính, là kẻ có thể chính bền, chắc phải có sự hăng tiến, cho nên răn nó bằng sự biết khó và không sai lỗi sự chính. Chí nó đă hăng về sự tiến lên, tuy là cương minh, có lúc lầm lỗi, không thể không bảo cho biết.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Ba lấy chất Dương, ở chỗ cùng tột thể mạnh, hào Trên lấy chất Dương ở chỗ cùng tột sự chứa. Đó là lúc cùng cực mà biến thông, hai hào đó lại đều là Dương, không chứa nhau mà cùng tiến lên, có Tượng ngựa hay rong ruổi. Nhưng nó quá cứng, hăng tiến, cho nên lời Chiêm của nó phải răn bằng sự “khó nhọc chính bền, luyện tập quen thuộc, mới lợi về có sự đi”. Chữ 曰 (viết) nên đổi làm chữ 日(nhật) như chữ 口 (nhặt) trong tiếng 日月 (nhật nguyệt).

LỜI KINH

象曰: 利有攸往, 上志合也.

Dịch âm. – Tượng viết: Lợi hữu du vãng, thựợng chí hợp dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Lợi có thửa đi, vì chí kẻ trên hợp vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Sở dĩ lợi có thửa đi, vì nó với kẻ ở trên hợp bụng cùng nhau, Hào Chín Trên tính Dương phải tiến lên, vả lại ở chỗ sự chứa đã cùng cực, cho nên nó không xuống chứa hào Ba cùng hào này hợp bụng tiến lên.

LỜI KINH

六四:童牛之接, 元吉.

Dịch âm. – Lục Tứ: Đồng ngưu chi cốc, nguyên cát.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Cái cùm trâu non, cả tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lấy ngôi mà nói thì hào phía dưới ứng với hào Đầu, là kẻ ngăn chứa hào Đầu, hào Đầu ở chỗ dưới nhất là Dương còn nhỏ, nó còn nhỏ mà chứa nó thì dễ kiềm chế, cũng như con trâu non mà bắc cùm vào, ấy là cả hay mà tốt. Bàn qua về đạo chứa, thì hào Tư là thể Cấn ở ngôi trên mà được chỗ chính, đó là kẻ lấy đức chính đính ở ngôi đại thần, gánh vác việc chứa. Trách nhiệm của kẻ đại thần, trên thì ngăn chỉ tà tâm của ông vua, dưới thì ngăn chỉ kẻ ác trong thiên hạ. Cái ác của người ta, ngăn từ lúc đầu thì dễ; đến khi đã quá mà mới cấm đoán, thì sẽ trở ngại mà khó thẳng được, cho nên ác của người trên đã tệ, thì dù ông thánh cứu hộ, cũng không tránh khỏi sự trái ý; Ác của kẻ dưới đã tệ, thì dù ông thánh trị họ, cũng không tránh khỏi sự giết chóc; chẳng gì bằng ngăn ngừa lúc đầu, như con trâu non mà bắc cùm vào, thì là cả tốt. Tính trâu hay dùng sừng để cày húc, đóng cùm ngăn nó, như con trâu non mới mới mọc sừng mà bắc cùm vào khiến cho cái tính cày húc của nó không phát ra nữa, thì dễ dàng mà không bị hại. Nói vậy để ví với hào Sáu Tư biết ngăn chỉ cái ác của kẻ trên người dưới trước khi chưa phát, thì là điều tốt trong việc cả hay.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đồng là tiếng gọi con trâu chưa mọc sừng. Cốc là bắc khúc gỗ ngang ở sừng để giữ cho nó khỏi húc. Ngăn sự húc của con trâu từ khi nó chưa mọc sừng thì dễ làm việc, ấy là điều tốt của sự cả hay, cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế.

LỜI KINH

象曰: 六四元吉, 有喜也.

Dịch âm. – Tượng viết: Lục Tứ nguyên cát, hữu hỷ dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng : Hào Sáu Tư cả tốt, có mừng vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Ác của thiên hạ đã thịnh mà mới ngăn đón, thì trên phải nhọc về sự cấm chế, dưới phải hại về sự giết chóc cho nên ngăn chỉ ngay từ trước khi còn nhỏ, thì cả hay mà tốt, không phải nhọc mà không bị hại, cho nên đáng mừng. Hào Tư ngăn chỉ hào Đầu là vậy đó.

LỜI KINH

六五: 猪豕之牙, 吉

Dịch âm. – Lục ngũ: Phần thi chi nha, cát.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Năm: Nanh con lợn thiến, tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Năm ở ngôi vua, ngăn chỉ sự tà ác của thiên hạ. Ôi lấy số dân nhiều hàng ức triệu, đều phát những lòng tà dục của họ, ông vua muốn lấy sức mà trị, dù cho phép ngặt, hình nghiêm, cũng không thể nổi. Vật phải có chỗ tóm thu, việc thì phải có cơ hội, thánh nhân nắm được cái chốt, thì coi lòng của số người ức triệu, cũng như một lòng, dắt thì họ đi, ngăn thì họ thôi, cho nên không phải vất vả mà đâu vào đấy, như nanh con lợn thiến vậy. Lợn là loài vật hăng tợn, nanh là một vật mạnh sắc, nếu cưỡng chế cái nanh của nó, thì phải nhọc sức, mà không thể ngăn được hăng tợn của nó, dù cho trói nó, buộc nó, cũng không thể khiến nó đổi tính. Nếu thiến bỏ cái khung của nò, thì nanh nó dù còn, tính hăng tợn phải thôi, công dụng của nó như thế, cho nên mới tốt. Đấng quân tử phát minh cái nghĩa lợn thiến, biết rằng ác của thiên hạ, không thể lấy sức mà trị, thì phải xét rõ cơ hội, nắm lấy cái chốt, bịt lấp hẳn tự rễ gốc của nó, thì không cẩn mượn đến hình pháp nghiêm ngặt, mà kẻ ác tự nhiên mà thôi. Vả như ngăn sự trộm cắp: dân có lòng tham, thấy lợi động; nếu không biết biết dạy mà để cho họ phải bức bách về đói rét, thì hàng ngày chém giết, cũng không thể nào trị xiết cái bụng lợi dụng cúa ức triệu người. Đấng thánh nhân biết cách ngăn chỉ sự đó, không chuộng oai hình mà sửa chính giáo, khiến họ có nghề nông trang, biết đạo liêm sỉ, thì dẫu thưởng họ, họ cũng không chịu ăn trộm. Cho nên cách ngăn điều ác, cốt ở biết được cái gốc, nắm được cái chốt, không dùng nghiêm hình ở nơi kia, mà sửa chính giáo ở nơi này, cũng như sợ cái nanh sắc, không chế cái nanh mà thiến cái khung vậy.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây là Dương đã tiến rồi mà ngăn nó lại, không được dễ bằng hào Đầu. Nhưng hào này lấy chất mềm ở chỗ giữa, mà đương vào ngôi tôn, ấy là nắm được cơ hội mà có thể chế, cho nên Tượng, Chiêm như thế.

LỜI KINH

象曰: 六五之吉,有慶也.

Dịch âm. – Tượng viết: Lạc ngũ chi cát, hữu khánh dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Cái tốt của hào Sáu Năm, có phúc vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kẻ ở trên mà không biết mẹo ngăn cấm điều ác, dùng hình phạt nghiêm ngặt để chọi với lòng ham muốn của dân, thì hại nhiều mà không có công. Nếu biết cái gốc của nó, chế nó có cách, thì chẳng nhọc, không hại, mà thói tục biến đổi, ấy là phúc khánh của thiên hạ.

LỜI KINH

上九: 何天之衢亨

Dịch âm. – Thượng cửu: Hà thiên chí cù hanh.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Sao đường trời hanh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Ta nghe Hồ tiên sinh nói rằng; câu:天 之衢亨 (thiên chi cù hanh) lầm thêm chữ 何(hà). Việc đến cùng cực thì phải quay lại, đó là lẽ thường. Cho nên sự chứa cùng cực thì phải hanh thông. Quẻ Tiểu Súc là sự chứa lớn, cho nên cùng cực thì tan. Cùng cực đã đáng biến đổi, lại vì tính Dương đi lên, cho nên mới tan. Thiên cù tức là đường trời, nghĩa là trong chốn trống rống, hơi mây, chim bay đi lại, cho nên gọi là đường trời. Đường trời mà hanh, là nó thông suốt, khoáng đãng, không có ngăn lấp, ở đạo chứa thì biến đổi, biến đổi mà hanh thông, chứ không phải đạo chứa hanh thông.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Sao đường trời hanh, ý nói sao nó thông đạt lắm vậy. Sự chứa đã cùng cực mà hanh thông, thì nó khoáng đãng mà không có vướng mắc, cho nên Tượng Chiêm như thế.

LỜI KINH

象曰: 何天之衢亨, 道大行也.

Dịch âm. – Tượng viết: Hà thiên chi cù hanh, đạo đại hành dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Sao đường trời hanh! Đường cả thông hanh vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Sao gọi là đường trời? Vì nó không có ngăn vướng, đường sá cả thông hành. Bởi chữ “đường trời” không phải tiếng nói thường, cho nên lời Tượng đặt ra câu hỏi mà rằng: “Sao lại gọi là đường trời? Vì là đường sá rất thông, lấy về hình trạng trống rỗng, rộng rãi vậy”. Bởi lời Tượng có chữ 何(hà) cho nên lời hào cũng lầm thêm vào.

Lời bàn của Tiên Nho. – Cảnh Khai Phong nói rằng: Thể dưới là kẻ bị chứa, thể trên là kẻ ngăn chứa kẻ dưới, bị chứa đến hào Chín Ba thì là ngựa hay ruổi rồi, không như hào Đầu và hào Hai nữa; ngăn chứa kẻ dưới đến hào Chín Trên thì là đường trời hanh rồi, không như hào Tư và hào Năm nữa.

Chú thích:

[1] Đại Súc nghĩa là chứa lớn.

[2] Dị đoan nghĩa là mối khác. Tiếng của nhà Nho thì những học phái ngoài phái mình. Thiên học là học chuyên về một phương diện như Hình danh học, Âm Dương học v.v…

[3] Trong tiếng thể đạo, chữ thể là động từ (verbe), nghĩa là thể theo. Thế đạo tức uốn nắn, đo đắn cho đúng với đạo, như thể lấy đạo làm hình thể vậy. Nêu thể nào làm theo thể ấy, tức là tùy nghi.

Bình luận
1440
× sticky