Khảm trên; Kiền dưới
Bản nghĩa của Trình Di. – Quẻ Nhu, Tự quái nói rằng: Mông tức là đội, là vật còn non, vật non thì tất phải nuôi, cho nên tiếp đến quẻ Nhu. Nhu tức là việc ăn uống. Vật còn non nớt, phải đợi nuôi nấng mới lớn mà cái cần dùng trong sự nuôi nấng các vật thì là sự ăn uống, cho nên nói rằng quẻ Nhu là việc ăn uống. Mây[1] bay lên trời[2] có tượng hun bốc nhuần ướt, ăn uống là để nhuần ích cho các loài vật, cho nên quẻ Nhu – là việc ăn uống – sở dĩ nối dưới quẻ Mông. Đại ý quẻ này có nghĩa chờ đợi. Cái tính Kiền mạnh nhất định phải tiến, vậy mà nó lại ở dưới quẻ Khảm là tượng chỗ hiểm, chỗ hiểm làm ngăn trở nó, cho nên cần phải chờ đợi rồi sau mới tiến.
LỜI KINH
需,有孚,光,亨,貞,吉,利涉大川.
Dịch âm. – Nhu, hữu phu, quang, hanh, trinh, cát, lợi thiệp đại xuyên.
Dịch nghĩa. – Quẻ Nhu, có đức tin, sáng láng, hanh thông, chính bền, tốt! Lợi sang sông lớn.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Nhu là chờ đợi. Nói về hai thể, thì Kiền cứng mạnh cần tiến lên, mà gặp chỗ hiểm, chưa thể tiến được, cho nên là nghĩa chờ đợi. Nói về tài quẻ, thì hào Năm ở ngôi vua, là chủ sự chờ đợi, có đức cứng mạnh, trung chính, mà sự thành tín đầy đặc bên trong, tức là bên trong đầy đặc có đức tín; có đức tín thì sáng láng mà có thể hanh thông, được trinh chính và tốt. Dùng những cái đó mà chờ đợi, thì gì mà không qua: dù hiểm cũng không khó, cho nên mới lợi về việc sang sông lớn. Đại phàm trinh cát, có khi là đã chính lại tốt, có khi là có chính mới tốt, cần phải phân biệt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Nhu nghĩa là đợi. Quẻ Kiền gặp quẻ Khảm, Kiền mạnh Khảm hiểm, sức mạnh gặp chỗ hiểm mà không vội tiến cho mắc vào chỗ hiểm đó, ấy là cái nghĩa chờ đợi. Phu là đức tin ở trong. Quẻ này hào Chín Năm là thể Khảm bên trong đã đầy đặc, lại có những tính Dương cương, trung chính mà ở ngôi tôn, tức là cái tượng “có đức tin được ngôi chính”. Nước Khảm ở phía trước, Kiền mạnh kề tới, ấy là cái tượng “sắp sang sông lớn mà chưa tiến lên một cách khinh thường”. Cho nên, kẻ xem, nếu là có sự chờ đợi mà tự mình sẵn có đức tin thì sẽ sáng láng hanh thông; nếu lại được chính thì tốt mà lợi về việc sang sông lớn. Chính bền thì không cái gì không tốt, mà sự sang sông lại càng quý ở chờ đợi. Đó là không vì lòng muốn mau chóng mà phạm vào chỗ hiểm nạn.
LỜI KINH
彖曰:需須也,險在前也,剛健而不陷,其義不困窮矣.
Dịch âm. – Thoán viết: Nhu, tu dã; hiểm tại tiền dã; cương kiện nhi bất hãm, kỳ nghĩa bất khôn cùng hỹ.
Dịch nghĩa. – Lời thoán nói rằng: Nhu tức là đợi, chỗ hiểm ở trước vậy. Cứng mạnh mà không bị hãm, nghĩa là nó không khốn cùng rồi.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di – Nghĩa của quẻ Nhu là đợi, vì có chỗ hiểm ở phía trước, chưa thể vội tiến, nên phải chờ đợi rồi sau mới đi. Là hạng cứng mạnh như Kiền mà biết chờ đợi, không dám khinh thường mà động, cho nên không bị hãm vào chỗ hiểm, cái nghĩa của nó không đến khốn cùng.
Bản nghĩa của Chu Hy, – Đây dùng đức quẻ để thích nghĩa tên quẻ.
LỜI KINH
需有孚,光,貞,吉,位乎天位, 以正中也. 涉大川,往有功也.
Dịch âm. – Nhu hữu phu, quang, hanh, trinh, cát, vị hồ thiên vị, dĩ chính trung dã; lợi thiệp đại xuyên, vãng hữu công dã.
Dịch nghĩa. – Quẻ Nhu có đức tin, sáng láng, hanh thông, chính bền, tốt, là vì ở vào ngôi trời, để chính giữa vậy. Lợi về sự sang sông lớn, đi thì có công vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Hào Năm cứng đặc, ở giữa, là tượng đức tin, mà lại được cái nó vẫn chờ đợi, cũng là nghĩa có đức tin. Vì là Kiền cương, rất thành, cho nên đức nó sáng tỏ mà có thể hanh thông, được trinh chính mà tốt. Sở dĩ có thể như thế, là vì nó ở ngôi trời mà được chính giữa. Đã có đức tin là lại trinh chính, tuy qua chỗ hiểm mặc lòng, hễ đi thì có công, đó là điều chí thiện trong đạo Nhu.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây dùng thể và hai tượng của quẻ để thích lời quẻ.
LỜI KINH
象曰:雲上於天,需.君子飲食宴祟.
Dịch âm: – Tượng viết: Vân thướng ư thiên, Nhu, quân tử dĩ ẩm thực yến lạc.
Dịch nghĩa. – Lời tượng nói rằng: mây lên trời, là quẻ Nhu, đấng quân tử coi đó mà ăn uống yên vụi.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Hơi mây hun nấu mà bốc lên trời, phải đợi Âm Dương hòa hợp mới thành mưa; mây đương lên trời, thì chưa thành mưa, cho nên là nghĩa chờ đợi. Khí của Âm Dương cảm nhau mà chưa thành mưa, cũng như đấng quân tử còn nuôi tài đức chưa thi thố ra việc làm. Đấng quân tử coi tượng mây đương lên trời đợi để làm mưa, mà mang bọc đạo đức ở yên đợi thời, ăn uống để nuôi khí thể, yên vui để hòa tâm chí. Đó là “Ở cách bình dị để chờ số mệnh”.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Mây lên trời, không còn làm gì nữa, chỉ đợi Âm Dương hòa hợp tự nhiên sẽ mưa. Việc còn phải chờ, thì cũng đừng chờ làm gì nữa, chỉ hãy ăn uống yên vui, đợi nó đến mà thôi. Nếu lại làm một sự gì, thì không phải là chờ đợi nữa.
LỜI KINH
初九:需于郊,利用但,無咎.
Dịch âm. – Sơ Cửu: Nhu vu giao, lợi dụng hằng, vô cữu.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Đầu: Đợi ở đồng, lợi về dùng lẽ hằng. Không có lỗi.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Đi. – Kẻ đợi vì gặp chỗ hiểm cho nên đợi rồi mới tiến, Hào Đầu rất xa chỗ hiểm, cho nên là đợi ở đồng, đồng là một noi rộng rãi xa xôi, ở chỗ rộng rãi xa xôi, lợi ở yên giữ đạo thường thì không có lỗi. Nếu không yên giữ đạo thường mà nóng nẩy hành động, phạm vào hiểm nạn, há lại cố thể đợi ở chỗ xa mà không có lỗi được sao?
Bản của Chu Hy. – Đồng là chỗ đất rộng xa, tức là tượng chưa gần chỗ hiểm, mà hào Chín Đầu là hào Dương cương lại có tượng thường ở nơi chốn của nó; cho nên mới răn kẻ xem có thể như thế thì không có lỗi.
LỜI KINH
象曰: 需于郊,不犯難行也 利用恆,無咎,未失常也.
Dịch âm. – Tượng viết: Nhu vu giao, bất phạm hành giã, lợi dụng hằng, vô cữu, vị thất thường giã.
Dịch nghĩa. – Đợi ở đồng không phạm vào chỗ hiểm nạn vậy, lợi dụng đạo thường, không lỗi, vì chưa sai mất đạo thường vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Ý nói kẻ ở nơi rộng xa, không dám xông pha vào chỗ hiểm nạn mà đi. Dương là vật cứng mạnh mà chỉ tiến lên, hào Đầu hết đợi ở chỗ rộng xa, không dám xông pha vào chỗ hiểm nạn mà tiến, lại nên ở yên, không sai đạo thường, thì không có lỗi. Tuy là không tiến, mà kẻ tấm chí thích động, thì không thể nào chịu yên đạo thường. Đấng quân tử chờ thời, phải nên yên tĩnh tự giữ, tâm chí tuy có chờ đợi, nhưng vẫn êm lặng như sẽ ở vậy đến trọn đời, thì mới có thể dùng được đạo thường.
LỜI KINH
九二:需于沙,小有言,終吉
Dịch âm. – Cửu Nhị: Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát
Dịch nghĩa. – Hào Chín Hai: Đợi ở bãi cát, hơi có điều tiếng, sau chót tốt.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Khảm là nước, nước gần thì có cát Hào Hai cách chỗ hiểm đã dần dần hơi gần, cho nên là đợi ở cát. Dần dần gần với hiểm nạn tuy là chư đến lo hãi, nhưng đã hơi có điều tiếng. Những lời thuộc về hoạn nạn cũng có lớn nhỏ khác nhau, nhỏ là hơi có điều tiếng, ấy là cái hại rất nhỏ về lời nói vậy. Hào hai là tài cương minh, ở chỗ mềm yếu, giữ ngôi chính giữa, mà tự xử một cách rộng rãi, đó là kẻ khéo chờ đợi, tuy cách chỗ hiểm đã gần dần dần, mà còn chưa tới chỗ hiểm, cho nên chỉ hơi có hại về điều tiếng, mà không có hại lớn, sau rốt vẫn được lành tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Bãi cát đã gần chỗ hiểm rồi. Hại về, điều tiếng, cũng là tai hại hạng nhỏ. Vì tiến dần dần gần với quẻ Khảm, cho nên mới có tượng ấy. Cương trung mà biết chờ đợi, cho nên sau chót được tốt. Đò lả răn kẻ xem phải nên như thế.
LỜI KINH
象曰:需于沙,衍在中也,雖小亨言,以終吉也.
Dịch âm. – Tượng viết: Nhu Vu sa, diễn tại trung dã, tuy tiểu hữu ngôn, dĩ trung cát dã,
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đợi ở cát là rộng rãi ở trong vậy, tuy là hơi có điều tiếng, về sau là được tốt vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Diễn là rộng rãi. Hào Hai tuy gần chỗ hiểm, mà vì rộng rãi ở giữa, cho nên, tuy là hơi có điều tiếng phạm tới, sau chót vẫn được tốt lành. Đó là khéo xử.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Diễn tức là ý rộng rãi. Lấy cách rộng rãi ở giữa, đó là không vội tiến lên.
LỜI KINH
九三:需于泥,至寇至.
Dịch âm. – Cửu Tam: Nhu vu nê, trí khâu chí.
Dịch nghĩa. – Hào Chín ba: Đợi ở bùn, dắt gỉặc đến
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Bùn là chỗ sát với nước: Đã tiến sát đến chỗ hiểm, cho nên lạ dắt giặc nạn đến nơi. Hào ba cứng mà không giữa, lại ở trên thể mạnh, có tượng tiến động, cho nên mới là dắt giặc. Nếu không kính thận, thì sẽ phải lên táng bại.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Bùn là nơi sắp sửa hãm vào chỗ hiểm, giặc thì là thứ hại lớn. Hào Chín Ba cách với chỗ hiểm càng gần, mà lại quá cứng không giữa, cho nên tượng nó như thế.
LỜI KINH
象曰:需于泥,災在外也.自我致寇,敬慎不敗也.
Dịch âm. – Tượng viết: Nhu vu nê, tai tại ngoại dã; tự ngã trí khâu, kính thận bất bại dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đợi ở bùn, hại ở ngoài vậy; tự mình dắt giặc, kính thận thì không thất bại vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di Hào Ba bức sát vào chỗ hiểm nạn của thể trên, cho nên nói rằng: tại hại ở ngoài. Tai là tiếng chung về hoạn nạn, đối với chữ 眚(sảnh) mà nói, thì nó là một phần nhỏ. Hào Ba dắt giặc là tại tự mình tiến sát đến nơi, cho nên nói rằng: tự mình dắt giặc. Nếu biết kính thận, cân nhắc cơ nghi rồi sẽ tiến lên, thì không thất bại. Thời của quẻ Nhu là phải chờ đợi sẽ tiến, cốt xem thời thế mà động, không phải là răn người ta không được tiến, chỉ muốn khiến cho người ta chớ để lỗi mất cơ nghi mà thôi.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Ngoài là quẻ ngoài, kính thận không thất bại là nói rõ sự chiêm ở ngoài lời chiêm, cái ý thánh nhân dạy bảo người ta thật là thiết tha.
LỜI KINH
六四:需于血,出自穴.
Dịch âm. – Lục Tử: Nhu vu huyết, xuất tự huyệt
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Tư: Đợi chưng máu, ra tự hang.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Hào tư là chất Âm nhu, ở chỗ hiểm, phía dưới lại nhằm đường tiến của ba hào Dương, ấy là bị thương về hiểm nạn, cho nên nói rằng: đợi chưng máu. Đợi ở máu là đã bị thương về hiểm nạn, thì không thể yên, ắt mất chỗ ở, cho nên nói là ra tự hang.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Máu là chỗ giết hại, hang là nơi hiểm hãm. Hào Tư giao với thể Khảm, ấy là vào chỗ hiểm rồi, cho nên là tượng “đợi chưng máu”. Nhưng nó mềm được chính đạo, đợi mà không tiến, cho nên lại là tượng “ra tự hang”. Kẻ xem như thế, thì tuy ở chỗ bị hại, sau chót cũng ra được.
LỜI KINH
象曰 需于血, 順以聽也.
Dịch âm. – Tượng viết: Nhu vu huyết, thuận dĩ thính dă.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đợi chưng máu, thuận mà nghe vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Hào Tư là Âm nhu ở trong hiểm nạn, không thể cố ở, cho nên tự hang lui ra. Vì Âm nhu không tranh cạnh với đời, hễ không ở được thì lui, ấy là xuôi thuận để nghe theo thời, cho nên không đến nỗi hung.
LỜI KINH
九五:需于酒食,貞吉.
Dịch âm. – Cửu Ngũ: Nhu vu tử thực, trinh cát.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Năm: Đợi chưng rượu cơm, chính tốt!
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trinh Di. – Là Dương cương, ở giữa, được chính vị ở ngôi trời, mà làm được hết đạo mình, dùng kiểu ấy mà đợi,thì đợi gì mà không được? Nên chỉ yên vui cơm rượu để đợi, mà cái chờ đợi ắt là phải được. Đã trinh chính mà sự chờ đợi lại thỏa thuê, đáng gọi là tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Rượu cơm là đồ yên vui. Ý nói cứ yên mà đợi. Hào Chín Năm là bộc Dương cương trung chính, đợi ở ngôi tôn, cho nên có tượng ấy. Kẻ xem như thế mà chính bền thì được tốt lành.
LỜI KINH
象曰食貞吉,以中正也.
Dịch âm. – Tượng viết: Tửu thực trình cát, dĩ trung chính dã.
Dịch nghĩa. – Lời tượng nói rằng: Rượu cơm chính tốt, vì trung chính vậy.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Đợi ở rượu cơm mà trinh và tốt, là vì hào Năm được chỗ trung chính mà làm hết đạo của nó.
LỜI KINH
上九: 入于穴, 有不速之客三人來,敬之,終吉
Dịch âm. – Thượng Lục: Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách tam nhân lại, kinh chi, chung cát,
Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Vào chung hang, có ba người khách không mời mà đến, kính trọng họ, sau chót tốt.
GIẢI NGHĨA
Bản nghĩa của Trình Di. – Quê Nhu vì có chỗ hiểm ở trước, chờ thời mới tiến, hào Sáu Trên ở chót chỗ hiểm, chót thì biến rồi, ấy là chờ đã cực lâu mà được. Âm đỗ ở số sáu, tức là ở yên nơi chốn, cho nên là vào trong hang, hang tức là chỗ yên ở. Ở yên và đã đỗ rồi, thì kẻ đi sau ắt tới. Ba người khách không mời, chỉ vào ba hào Dương ở dưới. Ba hào Dương của quẻ Kiền không phải là vật ở dưới, nó chỉ chờ thời mà tiến. Chờ đã lâu rồi, cho nên nó đều tiến lên; “không mời” tức là không giục mà nó tự đến. Hào Sáu Trên đã đợi được chỗ ở yên, khi các hào Dương tới nơi, nếu nó không nổi lòng ghen ghét cạnh tranh, mà cứ chí thành tận kính để chờ, thì những hào kia tuy rất cường bạo, há lại có lẽ xâm lăng với nó? Cho nên sau chót vẫn tốt. Có người ngờ rằng: Là Hào Âm, ở trên ba hào Dương, sao được là yên? Đáp rằng: ba hào Dương thuộc về thể Kiền, chì nó cốt ở tiến lên, hào Sáu là ngôi Âm, không phải chỗ nó đáng đỗ, không có ý muốn tranh cướp, kính nó thì tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Âm, ở chỗ hiểm cực, không còn chờ đợi, có tượng bị hãm mà vào hang; dưới thì ứng nhau với hào Chín Ba. Hào Chín Ba và hai hào Dương ở dưới chờ đợi đã cực mà cùng tiến lên, là tượng ba người khách không mời mà đến. Hào Sáu Trên là bậc Âm nhu, không thể chống nó mà biết xuôi thuận với nó, có tượng kính nó. Kẻ xem gặp chỗ hãm hiểm, nhưng với những người phi ý mà đến, cứ kính trọng mà đãi lại họ, thì sau được tốt.
LỜI KINH
象曰:不速之客來,敬之終吉. 雖不當位,未大失也.
Dịch âm. – Tượng viết: Bất tốc chi khách lai, kính chi chung cát, tuy bất đáng vị, vị đại thất dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Khách không mời mà đến, kính họ, sau tốt, tuy không đáng ngôi, mà chưa hỏng lắm vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di – Không đáng ngôi chỉ về Âm mà ở trên. Hào này là hào Sáu ở ngôi Âm đó là cái tượng yên ổn. Lại nói cho hết nghĩa, tỏ rằng: Âm nên ở dưới mà nó ở trên là không đáng ngôi.
Nhưng biết kính thật tự xử, thì hào Dương không thể lấn, sau vẫn được tốt, tuy không đáng ngôi, mà chưa đến nỗi hỏng lắm.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Là Âm ở trên, tức là đáng ngôi. Đây nó không đáng ngôi, chưa rõ là ý làm sao.
Lời bàn của Tiên Nho. – Có người hỏi: Không đáng ngôi là thế nào? Chu Hy đáp rằng: Đại phàm hai hào Đầu và Trên đều không có ngôi, hào Hai là ngôi kẻ sĩ, hào Ba là ngôi khanh đại phu, hào Tư là ngôi đại thần, hào Năm là ngôi vua. Hào Sáu Trên không đáng ngôi như phụ lão không coi gia chính mà lui về chỗ nhàn rỗi, nhà chùa có chốn tây đường v.v…”
Chú thích:
[1] Chỉ về Khảm.
[2] Chỉ về Kiền.