☰ Kiền trên ; ☶ Cấn dưới
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trinh Di. – Quẻ Độn, Tự quái nói rằng; Hằng nghĩa là lâu, các vật không thể ở lâu nơi chốn của nó, cho nên tiếp đến quẻ Độn[1]. Độn tức là lui. Ôi, lâu thì phải đi, đó là cái lẽ “chờ nhau”. Vì vậy quẻ Độn mới nối quẻ Hằng. Độn là lui, là tránh, nghĩa là bỏ chỗ này đi chỗ kia. Nó là quẻ dưới trời có núi, trời là vật ở trên, tính Dương tiến lên; núi là vật cao vót, hình tuy cao vót mà thể thì là vật đậu, có Tượng lấn lên, mà bị đậu lại không tiến lên, trời bèn tiến lên mà bỏ nó. Dưới lấn lên mà trên bỏ đi, ấy là xa nhau, cho nên là nghĩa lánh đi. Hai hào Âm sinh ở phía dưới, là khí Âm đương lớn sắp thịnh, khí Dương phải tiêu mà lui, kẻ tiểu nhân thịnh dần, đấng quân tử lui mà tránh nó, cho nên là trốn.
LỜI KINH
遯恆,小利貞.
Dịch âm. – Độn hanh, tiểu lợi trinh.
Dịch nghĩa. – Quẻ độn hanh, nhỏ lợi trinh.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Quẻ Độn là lúc Âm lớn Dương tiêu, đấng quân tử trốn nấp. Đấng quân tử lui nấp, là để làm cho đạo của mình thẳng ra. Đạo không bị khuất thì là hanh, cho nên quẻ Độn có nghĩa hanh. Trong việc, cũng có khi vì sự trốn lánh mà hanh thông, dẫu là lúc đạo kẻ tiểu nhân đương lớn, đấng quân tử biết cơ lui tránh vẫn phải, nhưng mà việc đời có lúc không giống nhau, phải tùy theo thời thế, không cần phải ắt như nhau. Âm mềm đương lớn mà nó chưa đến thịnh lắm, đấng quân tử cũng có cách từ từ ra sức, tuy không thể trinh lớn mà còn lợi cho sự trinh nhỏ vậy.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Độn là lui tránh, nó là quẻ hai khí Âm lớn dần, khí Dương nên lui tránh, cho nên là trốn, tức là quẻ thuộc về tháng sáu. Dương tuy nên lánh, nhưng hào Chín Năm ở vào chính vị, phía dưới có hào Sáu Hai ứng với, giống như còn có thể làm việc. Có điều hai khí Âm lớn dần ở dưới, thì thế của mình không thể không lánh, cho nên lời Chiêm của nó là: Đấng quân tử lánh được thì thân mình dù lui, đạo mình vẫn hanh, kẻ tiểu nhân thì lợi về sự giữ đường chính đính, không thể lấy cớ lớn dần mà lấn bách khí Dương. Chữ “nhỏ” là chỉ về bọn Âm nhu tiểu nhân. Lời Chiêm quẻ này với hai hào Đầu và Hai của quẻ Bĩ giống nhau.
Lời bàn của Tiên Nho. – Có người hỏi rằng: chữ 小利貞 (tiểu lợi trinh) trong quẻ Độn, sách Bản nghĩa bảo là kẻ tiểu nhân, xét trong Kinh Dịch, chữ 小 (tiểu) chưa có khi nào dùng làm kẻ tiểu nhân, ví như 小利有攸往 (tiểu lợi hữu du vãng) 小貞吉 (tiểu trinh cát) đều nghĩa là nhỏ, như chữ 小 (tiểu) trong tiếng 大小 (đại tiểu). Chưa rõ nghĩa ấy ra sao? Chu Hy đáp rằng: Lời kinh vẫn không có lệ đó[2] nhưng lấy Thoán truyện mà suy, thì là chỉ về kẻ tiểu nhân, nay hãy theo lời kinh mà giữ nghĩa truyện.
LỜI KINH
彖曰:遯亨,遯而亨也.
Dịch âm. – Thoán viết: Độn hanh, Độn nhi hanh dã.
Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Quẻ Độn hanh, là lánh đi mà hanh vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Trong lúc đạo kẻ tiểu nhân, đương lớn lên, đấng quân tử lui tránh, tức là đạo mình được hanh, đấng quân tử tránh nấp, là để cho Đạo thẳng duỗi. Đây là nói về cách ở thì Độn, từ chữ “cứng đương ngôi mà ứng” trở xuống, thì bàn về lẽ “thì và tài quẻ còn có thể làm việc”.
LỜI KINH
剛當位而應,與時行也.
Dịch âm. – Cương đương vị nhi ứng, dữ thì hành dã.
Dịch nghĩa. – Cứng đương ngôi mà ứng, cũng thì đi vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Dù là thì trốn, đấng quân tử ở lúc đó cũng chưa có nghĩa ắt phải trốn, hào Năm lấy đức Dương cứng, ở ngôi trung chính, phía dưới lại có hào Sáu Hai lấy đức trung chính ứng nhau với nó, dẫu lúc khí Âm Dương lớn, như tài quẻ này, cũng còn có thể tùy thời nghe ngóng, nếu mà có thể ra sức, thì phải đem lòng chí thành phủ trì cho đạo, không nhất định là cứ phải lánh nấp không làm, cho nên nói là “cùng thì đi vậy”.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây dùng một hào Chín Năm thích nghĩa chữ “hanh”.
LỜI KINH
小利貞,浸而表也.
Dịch âm. – Tiểu lợi trinh, tẩm nhi trưởng dã.
Dịch nghĩa. – Nhỏ lợi trinh, dần dần mà lớn vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Từ đây trở xuống, lấy hai hào Âm thích chữ “tiểu lợi trinh”.
LỜI KINH
遯之時,義大矣哉.
Dịch âm. – Độn chi thì nghĩa đại hỷ tai!
Dịch nghĩa. – Thì nghĩa của quẻ Độn lớn vậy thay!
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Trong lúc khí Âm đương lớn, không thể trinh lớn mà còn lợi về trinh nhỏ, là vì khí Âm 1ớn lên, ắt phải dần dà chưa thể thịnh ngay, đấng quân tử còn có thể làm chính đạo mình bằng cách nho nhỏ. Gọi là “nhỏ lợi trinh” tức là phù trì cho nó, đừng để nó phải đến mất. Quẻ Độn là lúc đầu của khí Âm, đấng quân tử biết cơ từ khi nhỏ nhặt, cho nên phải răn cho sâu, mà ý của thánh nhân, thì chưa muốn cho vội thôi, cho nên mới có những lời dạy bảo như hai câu “cùng thì đi” và “nhỏ lợi trinh”.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Khí Âm đương lớn dần, ở vào cảnh đó cùng khó, cho nên thì nghĩa của nó càng lớn.
LỜI KINH
象曰:天下有山,遯君子以遠小人,不惡而嚴.
Dịch âm. – Tượng viết: Thiên hạ hữu sơn, Độn; quân tử dĩ viễn tiểu nhân, bất ác nhi nghiêm.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Dưới trời có núi, là quẻ Độn, đấng quân tử coi đó mà xa kẻ tiểu nhân, không ác mà nghiêm.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Dưới trời có núi, núi ở dưới nổi lên mà đậu, trời ở trên tiến lên mà lánh, ấy là cái tượng trốn lánh, đấng quân tử coi tượng đó mà lánh xa kẻ tiểu nhân. Cách xa kẻ tiểu nhân, nếu dùng tướng gắt, vẻ dữ, chỉ để làm cho nó oán, chỉ cần trang trọng uy nghiêm, khiến cho nó bỉết kinh sợ, tự nhiên phải xa.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Thể trời không cùng, núi cao có hạn, là Tượng “lánh”. Nghiêm là sự thường trong việc tự nhủ của đấng quân tử, mà kẻ tiểu nhân không dám gần.
LỜI KINH
初六:聽尾,萬,勿用有攸往.
Dịch âm. – Sơ Lục: Độn vỹ, lệ! Vật dụng hữa du vãng.
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Trốn đuôi, nguy! Chớ dùng có thửa đi.
GIẢI NGHĨA
Quẻ khác lấy “dưới” làm hào Đầu, “Trốn” là đi trốn, ở trước thì tiến trước, cho nên hào Đầu mới là “đuôi”. Đuôi là vật ở đằng sau. Đi trốn mà ở đằng sau, là kẻ không kịp, cho nên mới nguy! Hào đầu lấy chất mềm ở chỗ nhỏ, đã là sau rồi, không thể đi nữa, đi thì nguy. Kẻ nhỏ rất dễ ẩn nấp, đi đã nguy, không bằng không đi khỏi hại.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Trốn mà ở sau, là Tượng cái đuôi, cách nguy đó Kẻ xem không thể có đi, chỉ ẩn nấp, im lặng chờ đợi, có thể khỏi hại.
LỜI KINH
象曰:遯尾之属,不往何災也.
Dịch âm. – Tượng viết: Độn vỹ chi lệ, bất vãng hà tai dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Cái nguy của sự trốn đuôi, không đi hại gì vậy?
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Thấy cơ lánh trước, vẫn là phải rồi, đi lánh mà làm cái đuôi, là đạo nguy đó. Đi đã có nguy, chẳng bằng không đi mà nấp cho kín, có thể khỏi hại, vì rằng hào này ở chỗ nhỏ nhặt, cho nên mới thế. Người đời xưa ở chỗ nhỏ, ẩn chỗ thấp, đời loạn mà không đi cùng nhiều.
LỜI KINH
六二:執之用黄牛之革,莫之滕說.
Dịch âm. – Lục Nhị: Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách, mạc chi thắng[3] thoát.
Dịch nghĩa. – Hào Sáu Hai: Giữ đó, dùng da trâu vàng không ai trút nổi?
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Hai với hào Năm là chính ứng, dù ở lúc phải lánh xa nhau, mà hào Hai lấy đức trung chính thuận ứng với hào Năm, hào Năm lấy đức trung chính thân hợp với hào Hai, sự giao kết của nó tự nhiên vẫn bền. Vàng là sắc “giữa”, trâu là giống thuận, da là vật bền chắc. Hai hào Hai, Năm lấy đức trung chính, đạo xuôi thuận giao kết với nhau, sự bền chặt như ràng buộc bằng da trâu vậy. “Không thể xiết nổi” nghĩa là sự giao kết của nó bền chặt nói không thể xiết.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy đức trung thuận tự giữ, không ai có thể cởi được. Đó là cái chí nhất định phải trốn. Kẻ xem tự giữ cũng nên như thế.
LỜI KINH
象曰:執用黄牛,固志也.
Dịch âm. – Tượng viết: Chấp dụng hoàng ngưu, cố chí dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Giữ dùng trâu vàng, bền chí vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Kẻ trên người dưới lấy đạo trung thuận cố kết với nhau, tâm chí của họ rất bền, như thể ràng giữ bằng da trâu vậy.
LỜI KINH
九三:繫遯有疾,厲,畜臣妾,吉.
Dịch âm. – Cửu Tam: Hệ độn, hữu tật, lệ! Xúc thần thiếp, cát.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Vướng trốn, có tật nguy! Nuôi đầy tớ nàng hầu, tốt.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Chí Dương đẹp lòng với Âm, hào Ba với hào Hai liền sát với nhau: Sự trốn qui ở mau mà xa, đã có vướng víu thì không thể mau và xa. Thế là lại về sự trốn, cho nên là có tật, trốn mà không mau, cho nên bị nguy. Đầy tớ nàng hầu là bọn tiểu nhân con gái, thích được ơn mà không biết nghĩa, thân yêu họ thì họ hết lòng với người trên. Vướng víu riêng tây là cách làm ơn cho hạng tiểu nhân con gái, cho nên, dùng để nuôi bọn đầy tớ nàng hầu thì được lòng họ, thế là tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào này phía dưới liền nhau với hào Âm, là Tượng trốn mà có vướng, tức là cái cách có tật mà nguy. Nhưng dùng cách đó mà nuôi đầy tớ nàng hầu thì tốt. Bởi vì đấng quân tử đối với hạng tiểu nhân, chỉ có đầy tớ nàng hầu, bất tất phải hiền mới nuôi được, cho nên lời Chiêm của nó như thế.
LỜI KINH
象田:繫遯之属,有疾憊也.畜臣妾吉, 不可大事也.
Dịch âm. – Tượng viết: Hệ độn chi lệ, hữu tật bại dã; sức thần thiếp cát, bất khả đại sự dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Vướng trốn mà dữ, là có tật mệt vậy; nuôi đầy tớ nàng hầu, tốt, là không thể làm việc lớn vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Trốn mà có vướng víu, ắt phải vì sự mỏi mệt mà nguy, có tật là mỏi mệt, nghĩa là không đủ sức nữa. Dùng lòng yêu thương riêng tây đó mà nuôi đầy tớ nàng hầu thì tốt, nhưng có thể đương nổi việc lớn.
LỜI KINH
九四,好遯,君子吉,小人否.
Dịch âm. – Cửu tứ: Hiếu độn, quân tử cát, tiểu nhân phủ[4].
Dịch nghĩa. – Hào Chín Tư: Yêu trốn, đấng quân tử tốt, kẻ tiểu nhân không.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Hào Tư và hào Đầu là chính ứng, đó là kẻ mà nó yêu thích, đấng quân tử dù có yêu thích kẻ nào, nhưng mà hễ nghĩa phải nên trốn, thì bỏ thẳng mà không nghi ngờ, đó là nén lòng riêng tây, khôi phục lễ cũ, dùng đạo đức mà ngăn sự ham muốn, cho nên được tốt. Kẻ tiểu nhận không biết theo nghĩa mà xử, đắm đuối về sự ham thích, vướng víu với sự riêng tây, đến nỗi hãm nhục thân mình mà vẫn không thôi cho nên ở kẻ tiểu nhân thì bĩ, bĩ nghĩa là không hay.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào này phía dưới ứng nhau với hào Sáu Đầu mà lại ở vào thể Kiền cứng mạnh, đó là cái Tượng “có chỗ ham thích mà biết tuyệt đi, để “trốn”, chỉ có những đấng quân tử biết nén lòng riêng mới làm được như vậy, còn bọn tiểu nhân thì không làm nổi, cho nên lời Chiêm của nó là “đấng quân tử thì tốt mà kẻ tiểu nhân thì không tốt”.
LỜI KINH
象曰: 君子好遯,小人否也.
Dịch âm. – Tượng viết: Quân tử hiếu độn, tiểu nhân phủ dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đấng quân tử yên trốn, kẻ tiểu nhân thì không vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Đấng quân tử dù có yêu thích, nhưng biết trốn đi, không lỗi với nghĩa, kẻ tiểu nhân thì không thể đè nổi ý riêng, mà đến không hay.
LỜI KINH
九五:嘉遯,貞吉.
Dịch âm. – Cửu ngũ: Gia Độn, trinh cát.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Năm: Tốt trốn, chính tốt.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Chín Năm là hào trung chính, tức là cuộc trốn tốt đẹp, xử được hải đạo trung chính, lúc nên đỗ thì đỗ, lúc nên đi thì đi, như thế gọi là tốt đẹp, cho nên mới được trinh chính mà tốt lành. Hào Chín Năm không phải không có vướng ứng, nhưng nó với hào Chín Hai đều tự xử bằng cách trung chính, đó là tâm chí và sự động chỉ[5] của nó đều được trung chính mà không vướng về riêng tây, vì vậy mới tốt.
Bản nghĩa của Chu Hy. – Dương cứng trung chính, phía dưới ứng nhau với hào Sáu Hai, cũng là bậc mềm thuận trung chính, đó là cuộc trốn tốt đẹp, kẻ xem được thế mà là bậc chính đính, thì tốt.
LỜI KINH
象曰:嘉遯貞吉,以正志也.
Dịch âm. – Tượng viết: Gia độn trình cát, dĩ chính chí dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Tốt trốn chính tốt, vì chính chí vậy.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Tâm chí chính đính thì hành động ắt theo đường chính đính, cho nên là sự trốn tốt. Ở ngôi giữa, được chỗ chính, mà lại ứng nhau với kẻ trung chính, đó là tâm chí chính đính, cho nên được tốt. Người ta hành động hay ngừng trôi, thì cốt chính đính chí mình mà thôi.
LỜI KINH
上九:肥遯,無不利.
Dịch âm. – Thượng Cửu: Phì độn, vô bất lợi.
Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Béo trốn, không gì không lợi.
GIẢI NGHĨA
Truyện của Trình Di. – Béo là đầy lớn rộng rãi. Kẻ trốn chỉ nên nhẹ nhàng đi xa, không hề vướng mắc là hay. Hào Chín Trên là thể Kiền cương đoán, lại ở ngoài quẻ, và phía dưới không vướng víu gì, đó tức là kẻ trốn xa mà không hệ lụy, có thể gọi là rộng rãi dư dụ. Trốn tức là thời cùng khốn, khéo xẻ thì là béo. Trốn mà như thế, còn gì không lợi?
Bản nghĩa của Chu Hy. – Là Dương cương, ở ngoài quẻ, phía dưới không có hệ ứng, đó là trốn được xa mà xử được rộng, cho nên Tượng, Chiêm của nó như thế. Chữ “béo” là ý rộng rãi tự đắc.
LỜI KINH
象曰:肥釋無不利,無所疑也.
Dịch âm. – Tượng viết: Phì độn vô bất lợi, vô sở nghi dã.
Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Béo trốn, không gì không lợi, là không thửa ngờ vậy.
GIẢI HGHĨA
Truyện của Trình Di. – Sự trốn xa, mà không nghi ngờ đình trệ. Bởi vì, ở ngoài là đã xa, không có ứng là không hệ lụy, cho nên là nghĩa cương quyết không nghi ngờ.
Chú thích:
[1] Độn nghĩa là trốn, là tránh đi.
[2] Lệ dùng chữ 小 (tiểu) chỉ kẻ tiểu nhân.
[3] Đây là dịch theo Chu Dịch Bản nghĩa, còn theo Dịch truyện, chữ “thoát” đọc là “thuyết”, nghĩa là nói.
[4] Theo Chu dịch bản nghĩa và lời Tượng, chữ này đọc là “phủ”.
[5] Động cựa và ngừng đậu.