Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kinh Dịch Trọn Bộ

Quẻ Đỉnh

Tác giả: Ngô Tất Tố
Thể loại: Tử Vi - Phong Thủy

☲ Ly trên; ☴Tốn dưới

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ Đỉnh, Tự quái nói rằng: Thay đổi các vật, không gì bằng cái vạc, cho nên tiếp đến quẻ Đỉnh[1]. Sự dùng của cái vạc, là để thay đổi các vật, biến thứ sống ra thứ chín, đổi cái rắn thành cái mềm. Nước lửa giống không thể cùng ở với nhau, mà lại có thể khiến nó hợp nhau làm việc, mà không hại nhau, ấy là nó đổi được các vật, vì vậy quẻ Đỉnh mới nối quẻ Cách. Nó là quẻ trên Ly dưới Tốn, sở dĩ là vạc, là lấy Tượng nó là lấy nghĩa nó. Sự lấy Tượng có hai cách: Nói về toàn thể, thì cắm xuống là chân, giữa đặc là lòng, tức là cái Tượng chứa nhận đồ vật; đối nhau mà dỏng lên ở trên là tai, nằm ngang ở trên là quai, đó là Tượng cái vạc. Nói về hai thể trên dưới thì bầu rỗng ở trên, phía dưới có chân đón lấy cũng là Tượng cái vạc. Còn sự lấy nghĩa, thì, cây là vật theo lửa, Tốn là vào, là nghĩa thuận theo. Lấy cây theo lửa, tức là Tượng cháy. Công dụng của lửa, có nướng với nấu, nướng không cần đồ, cho nên lấy về Tượng nấu mà là cái vạc; lấy cây vào lửa là Tượng ninh nấu vậy.

LỜI KINH

鼎, 元 吉 亨.

Dịch âm. – Đỉnh nguyên cát hanh.

Dịch nghĩa. – Quẻ Đỉnh, cả tốt hanh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Đây lấy tài quẻ mà nói. Như tài quẻ này, có thể đem đến được sự cả hanh vậy. Chỉ nên nói, “nguyên hanh”, chữ “cát” là thừa. Vì tài quẻ này có thể đem đến được sự cả hanh, chưa thể có sự cả tốt. Lời Thoán nói “nguyên hanh” nghĩa đó rõ lắm.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Vạc là đồ để ninh nấu. Trong quẻ, hào Âm ở dưới chân, hào Hai, hào Ba, hào Tư, thuộc Dương, là lòng; hào Năm thuộc Âm là tai, hào Trên thuộc Dương là quai, có Tượng cái vạc. Lại lấy cây Tốn vào lửa Ly, mà nên ninh nấu, cũng là công dụng của cái vạc, cho nên mới là quẻ Đỉnh. Thể Tốn ở dưới là nhún, thể Ly ở trên là mắt, mà hào Năm là tai, có Tượng trong nhún thuận mà ngoài sáng suốt[2]. Quẻ này do ở quẻ Tốn mà lại; hào Âm lên ở ngôi năm mà phía dưới ứng nhau với hào Chín Hai là một hào Dương, cho nên lời Chiêm của nó là “cả hanh” chữ “cát” thừa.

LỜI KINH

彖 曰: 鼎 象 也, 以 木 巽 火, 亨 飪 也, 聖 人 亨 以 亨 上 帝, 而 大 亨 以 養 聖 賢.

Dịch âm. – Thoán viết: Đỉnh tượng dã; dĩ mộc tốn hỏa, phanh nhẫm dã, Thánh nhân hanh dĩ hưởng thượng đế, nhi đại hanh dĩ dưỡng thánh hiền.

Dịch nghĩa. – Lời Thoán nói rằng: Quẻ Đỉnh là Tượng vậy; lấy cây nhún lửa, ninh nấu vậy, đấng thánh nhân dùng sự hanh để cúng đấng thượng đế, dùng sự cả hanh để nuôi bậc thánh hiền.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Quẻ này mà thành quẻ Đỉnh là lấy theo Tượng cái vạc; cái vạc mà thành ra đổ, là bắt chước Tượng của quẻ này “Lấy cây nhúm lửa” nghĩa là dùng cây theo lửa, để mà ninh nấu. Vạc là thứ đồ loài người phải nhờ, rất là cần thiết. Nói cho cùng cực công dụng lớn lao của nó, thì là “đấng thánh nhân dùng sự hanh để cúng đấng thượng đế, dùng sự cả hanh để nuôi bậc thánh hiền”. Chữ “thánh nhân” chỉ về các đấng thánh vương đời xưa, chữ “cả” là nói về sự rộng của nó.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây lấy hai Tượng trong thể quẻ thích nghĩa tên quẻ, nhân thể nói cho cùng cực sự lớn lao của nó. Cúng đấng thượng đế quý ở lòng thành, dùng con bê thôi; nuôi người hiền thì phải bữa sớm, bữa tối, có cỗ thịt bò, nên rất thịnh soạn, cho nên nói là “cả hanh”.

LỜI KINH

巽 而 耳 目 聰 明, 柔 進 而 上 行, 得 中 而 應 乎 剛, 是 從 元 亨.

Dịch âm. – Tốn nhi nhĩ mục thông minh, nhu tiến nhi thượng hành, đắc trung nhi ứng hồ cương, thị dĩ nguyên hanh.

Dịch nghĩa. – Nhún mà tai mắt suốt sáng, mềm tiến mà đi lên được giữa mà ứng nhau với hào cứng cho nên cả hanh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Trên đã nói về công dụng của cái vạc, đây lại lấy tài quẻ mà nói. Người ta có thể như tài quẻ này, thì sẽ có thể đem đến được sự cả hanh. Thể dưới là quẻ Tốn, tức là nhún thuận với lẽ; quẻ Ly sang mà rỗng giữa ở trên, là tượng tai mắt suốt sáng. Hễ mà quẻ Ly ở trên đều nói “mềm tiến mà đi lên” mềm là vật ở dưới, thế mà lại ở ngôi tôn, tức là tiến mà đi lên. Lấy chất sáng ở ngôi tôn mà được đạo giữa, ứng nhau với hào cứng, ấy là biết dùng cách Dương cứng Hào Năm ở giữa, lại lấy chất mềm ứng nhau với hào cứng là được đạo giữa. Tài nó như thế, cho nên mới được cả hanh.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Đây dùng tượng quẻ, sự biến đổi của quẻ và thể quẻ mà thích lời quẻ.

LỜI KINH

象 曰: 木 上 有 火, 鼎, 君 子 以 正 位 凝 命.

Dịch âm. – Tượng viết: Mộc thượng hữu hỏa, Đỉnh, quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Trên cây có lửa, là quẻ Đỉnh. Đấng quân tử coi đó mà chính ngôi đóng mệnh.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Trên cây có lửa, ấy là lấy cây vào lửa, tức là Tượng việc ninh nấu, cho nên mới là cái vạc. Đấng quân tử coi Tượng cái vạc đó mà tự chính ngôi, đóng mệnh. Vạc là thứ đồ bắt chước ở Tượng mà làm ra, hình nó ngay thẳng, thể nó yên lặng. Lấy về tượng ngay thẳng của cái vạc, thì phải làm cho chính đính cái ngôi của mình ở. Đấng quân tử đã ở, ắt phải chính đính từ cái nhỏ nhặt, chiếu không ngay không ngồi, không khếch chân, không dựa dẫm. Lấy về Tượng yên lặng của cái vạc, thì phải “đóng đọng” mệnh lệnh của mình, nghĩa là làm cho mệnh lên yên trọng vậy. “Đóng” là “tụ lại”, “đậu lại”, chỉ về sự an trọng vậy. Đây chỉ nói về mệnh lệnh mà thôi, thật ra hết thảy các sự hành động đều nên an trọng.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Vạc là vật nặng, cho nên có ý “chính ngôi đóng mệnh”. Chữ “đóng” này cũng như chữ “đóng” trong câu “chí đạo chẳng đóng”[3] của sách Lão Tử, tức là cái ý “hợp chưng trên dưới, để vâng mệnh của trời” ở Thư truyện vậy.

LỜI KINH

初 六: 鼎 顛 趾, 利 出 否, 得 妾 以 其 子, 無 咎.

Dịch âm. – Sơ Lục: Đỉnh điên chỉ, lợi xuất bĩ, đắc thiếp dĩ kỳ tử, vô cữu.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Đầu: Vạc chổng chân, lợi ra vật hư xấu, được, nàng hầu, lấy thửa con, không lỗi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu ở dưới vạc, là Tượng cái chân, phía trên, nó ứng nhau vói hào Tư, chân mà ngảnh lên, là Tượng chổng ngược. Vạc đổ thì chân chổng, chân chổng thì đổ cái chứa của nó, đó không phải là cách thuận, nhưng cũng có khi nên chổng; nghĩa là giốc hết những vật hư xấu, để làm cho nó sạch sẽ và lấy cái mới mẻ, thì được. Cho nên, chổng chân lợi về vật hư xấu, “bĩ” nghĩa là “xấu”… “Được nàng hầu lây thửa con, không lỗi” là sao? Sáu là hào Âm mà thấp, cho nên là nàng hầu. “Được nàng hầu” nghĩa là được người. Nếu được nàng hầu tử tế, thì nó có thể giúp đỡ cho chủ, khiến chủ không lỗi. “Con” tức là chủ; “lấy thửa con” nghĩa là đưa chủ đến chỗ không lỗi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ở dưới quẻ Đỉnh là Tượng chân vạc, phía trên ứng với nhau với hào Chín Tư, thì là đổ rồi. Nhưng đương đầu quẻ, vạc chưa đựng gì, mà vật hư xấu, từ trước vẫn chứa ở đó, nhân nó đổ mà dốc hết ra, thì là lợi rồi. “Được nàng hầu, rồi được thửa con” cũng bởi cớ đó. Hào này Tượng như thế mà Chiêm thì không lỗi, vì nhân bị hỏng mà thành công, nhân hèn hạ mà nên sang.

LỜI KINH

象 曰: 鼎 顛 趾, 未 悖 也, 利 出 否, 以 從 貴 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Đỉnh điên chỉ, vị bội dã, lợi xuất bĩ, dĩ tòng quí dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Vạc chổng chân, chưa trái vậy, lợi ra vật hư xấu, vì theo sang vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Vạc đổ mà chân chổng lên, tức là trái đạo. Nhưng mà chưa hẳn là trái, vò nó có khi phải dốc hết vật hư xấu đi. Bỏ cái cũ mà đựng cái mới, đổ cái hư xấu mà nhận cái tốt, là nghĩa “theo sang”, ứng với hào Tư tức là lên theo kẻ sang.

LỜI KINH

九 二: 鼎 有 實, 我 仇 有 疾, 不 我 能 即, 吉.

Dịch âm. – Cửu Nhị: Đỉnh hữu thật, ngã cừu hữu tật, bất ngã năng tức, cát!

Dịch nghĩa. – Hào Chín Hai: Vạc có cái chứa, kẻ thù ta có tật, chẳng ta hay tới, tốt!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lấy chất cứng đặc ở giữa, tức là trong vạc có cái chứa. “Thù” nghĩa là đối nhau. Âm đối với Dương, chỉ về hào Đầu. Theo nó thì, không chính đính mà hại đến nghĩa, thế là “có tật”. Hào Hai nên tự giữ bằng cách chính đính, khiến nó – hào Đầu – không thể đi đến với mình, người ta hễ biết tự giữ bằng cách chính đính, thì kẻ bất chính không thể đi đến với mình, vì vậy mới tốt.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất cứng ở ngôi giữa, là Tượng trong vạc có đồ chứa. “Kẻ thù ta” chỉ hào Đầu. Âm Dương tìm nhau và không chính đính, thì sẽ hãm nhau vào sự ác mà thành ra thù. Hào Hai lấy đức cứng giữa tự giữ, thì hào Đầu tuy gần, không thể tới nói, Tượng như thế mà Chiêm như thế là tốt.

LỜI KINH

象 曰: 鼎 有 實, 慎 所 之 也, 我 仇 有 疾, 終 無 尤 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Đỉnh hữu thật, thận sở chi dã, ngã cừu hữu tật, chung vô vưu dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Vạc có đồ chứa, cẩn thận thửa đi vậy; kẻ thù ta có tật, trọn không lỗi vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Hai không chịu gần gũi với hào Đầu mà lên theo hào Sáu Năm là chính ứng của nó, thế là cẩn thận thửa đi. Kẻ thù là kẻ đối nhau với mình, chỉ về hào Đầu. Đã tự giữ bằng cách chính đính, thì nó không thể tới lại với ta. Vì vậy, sau chót không có sai lỗi.

LỜI KINH

九 三:鼎 耳 革, 其 行 塞, 雉 膏 不 食, 方 雨, 虧 悔 終, 吉.

Dịch âm. – Cửu Tam: Đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc, trĩ cao bất thực, phương vũ, khuy hối chung, cát.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Ba: Tai vạc đổi, thửa đi lấp, mỡ con chim trĩ không ăn, đang mưa, ăn năn về thiếu, chọn tốt.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Tai vạc tức hào Sáu Năm, là chủ quẻ Đỉnh. Đổi là thay đổi cho thảnh khác nhau; hào Ba với hào Sáu Năm khác nhau mà không hợp nhau vậy. Thửa đi lấp, nghĩa là không được hanh thông; không hợp với vua, thì không được có trách nhiệm để thi hành tài dụng của mình. Mỡ là vật ngon ngọt, tức là lộc vị vậy; con chim trĩ chỉ hào Năm, hào ấy có văn vẻ sáng sủa, cho nên gọi là chim trĩ; hào Ba có tài dụng mà không được lộc vị của hào Năm, đó là “không được mỡ con chim trĩ mà ăn” Âm Dương hòa họp với nhau thì mưa, đang mưa nghĩa là đang sắp mưa, ý nói hào Năm với hào Ba dương sắp hòa hợp. Ăn năn về thiếu trọn tốt nghĩa là có, cái ăn năn về sự chẳng đủ, sau chót nên được tốt lành. Hào Ba có tài mà không gặp thì, cho nên có sự ăn năn về lỗi không được như nguyền, nhưng nó có đức Dương cứng, người trên là bậc sáng suốt, kẻ dưới là thể nhún thuận, sau chót ắt tương đắc với nhau, cho nên được tốt.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Lấy chất Dương ở trong bụng vạc, vốn là sự tốt đẹp đầy đặc, nhưng vì nó quá cứng, mất giữa, vượt hào Năm mà ứng nhau với hào Trên, lại ở chỗ chót thể dưới, là thời biến đổi, cho nên mối là tai vạc đương đổi, không thể nhắc mà dời đi. Dầu nó được cái “béo” về sự văn vẻ sáng sủa của quẻ trên mà không được dùng làm đồ ăn cho người. Song nó lấy chất Dương ở ngôi Dương là được chỗ chính, nếu biết tự giữa, thì Âm Dương sẽ hòa hợp nhau mà làm mất sự ăn năn. Kẻ xem như thế, thì lúc đầu tuy chẳng lợi, nhưng về sau ắt được tốt.

LỜI KINH

象 曰: 鼎 耳 革, 失 其 義 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Đỉnh nhĩ cách, thất kỳ nghĩa dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Tai vạc đổi, mất thửa nghĩa

vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Lúc đầu đổi khác với tai vạc, là mất cái nghĩa tìm nhau; không phải kẻ ứng với hào Năm, là mất cái đạo cầu hợp với nhau; không được giữa, là Tượng không phải cùng chí với nhau. Vì thế sự đi của nó bị lấp không thông. Nhưng trên sáng mà dưới có tài, sau cùng ắt hòa hợp, cho nên “sắp mưa mà tốt”.

LỜI KINH

九四: 鼎折足, 覆公錬, 其形屋, 凶.

Dịch âm. – Cửu Tứ: Đỉnh chiết túc, phúc công tốc, kỳ hình ốc, hung!.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Tư: Vạc gẫy chân, đổ đồ ăn của Ông, thửa tội giết kín[4] hung!

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trinh Di. – Hào Tư phía dưới ứng với hào Đầu, hào Đầu là kẻ tiểu nhân Âm nhu không thể dùng được, mà hào Tư dùng nó, thì không gánh nổi công việc, cũng như vạc gẫy chân vậy. Vạc bị gẫy chân ắt làm nghiêng đổ đồ ăn của đấng công thượng; đồ ăn tức là cái chứa trong vạc vậy. Ở ngôi đại thần, gánh vác việc cửa thiên hạ, mà dùng không phải người đáng dùng, đến nỗi sụp đổ, không làm nổi việc, đáng hổ thẹn lắm. “Thửa hình đầm đìa” nghĩa là xấu hổ dơ dáy vậy. Đủ biết là hung.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Họ Triều nói rằng: Hai chữ 形屋 (hình ốc: hình dáng đầm đìa), các bản đều chép là 形屋 (hình ốc: tội giết kín), chỉ về hình phạt nặng, nay theo thuyết đó. Hào Tư ở ngôi trên, là kẻ gánh vác việc nặng, mà nó lại ứng với hào Đầu ở dưới là một hào Âm, thì không gánh nổi trách nhiệm, cho nên Tượng nó như thế mà Chiêm thì hung.

LỜI KINH

象 曰: 覆 公 觫, 信 如 何 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Phúc cộng tốc, tín như hà dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Đổ đồ của Ông, tin đường sao

vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Kẻ đại thần gánh lây cái trách nhiệm của thiên hạ, ắt phải làm nên cuộc thịnh trị cho thiên hạ, thì mới không lỡ sự nương tựa của đấng quân thượng, sự trông mong của kẻ hạ dân, và chí “đem thân gánh đạo” của mình, chẳng sai sự hẹn, là “tin”. Nếu không được thế, thì là bỏ mất chức việc, làm lỡ sự ủy thác của người trên, còn được là “tin” nữa chăng? Vì vậy mới nói: “tin dường sao vậy”.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Ý nói mất sự tin.

LỜI KINH

六 五: 鼎 黄 耳, 金 鉉 利 貞.

Dịch âm. – Lục Ngũ: Đỉnh hoàng nhĩ, kim huyên, lợi trinh.

Dịch nghĩa. – Hào Sáu Năm: Vạc tai vàng, quai màu vàng, lợi về chính bền.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Năm ở trên quẻ Đỉnh, là Tượng tai vạc. Cái vạc nhắc lên đặt xuống, cốt ở cái tai, nên nó là chủ quẻ Đỉnh, hào Năm có đức giữa, cho nên nói là tai vàng. Quai là vật để vào cái tai; hào Hai ứng với hào Năm, đến theo cái tai, tức là cái quai. Hào Hai có đức cứng giữa, thể Dương cứng giữa sắc vàng, cho nên nói là quai màu vàng. Hào Năm văn vẻ sáng sủa, được chỗ giữa mà ứng với kẻ cứng, hào Hai cứng giữa, thể nhún, mà ứng lên, tài nó không gì không đủ, thế là ứng nhau rất khéo, lợi ở chính bền mà thôi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Năm, về Tượng là tai, mà có đức giữa, cho nên nói rằng “tai vàng”. Vàng là vật cứng rắn, quai là cái xâu vào tai vạc để nhấc vạc lên, Hào Năm trống rỗng bên trong để ứng với hào Chín Hai là hào cứng rắn, cho nên Tượng nó như thế, mà Chiêm thì là lợi về chính bền.

LỜI KINH

象 曰: 鼎 黄 耳, 中 以 為 實 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Đỉnh hoàng nhĩ, trung dĩ vi thật dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Vạc tai vàng giữa lấy làm thật vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Hào Sáu Năm lấy sự được giữa làm hay, đó là lấy “giữa” làm đức thật vậy.

LỜI KINH

上 九: 鼎 玉 鉉, 大 吉, 無 不 利.

Dịch âm. – Thượng cửu: Đỉnh ngọc huyên, đại cát, vô bất lợi.

Dịch nghĩa. – Hào Chín Trên: Đỉnh quai ngọc, cả tốt, không gì không lợi.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Ở trên là Tượng cái quai, cứng mà ôn hòa là ngọc. Hào Chín tuy cứng mà ở ngôi Âm, xéo chỗ mềm, là không cứng quá mà biết ôn hòa. Cứng mềm vừa phải, động tĩnh không thái quá, thì là cả tốt, không gì không lợi.

Bản nghĩa của Chu Hy. – Hào Trên, về Tượng là cái quai, mà nó lấy chất Dương ở ngôi Âm, cứng mà lại biết ôn hòa, cho nên có Tượng “quai ngọc”, mà lời Chiêm thì là “cả tốt, không gì không hợp”.

LỜI KINH

象 曰: 玉 鉉 在 上, 剛 柔 節 也.

Dịch âm. – Tượng viết: Ngọc huyên tại thượng, cương nhu tiết dã.

Dịch nghĩa. – Lời Tượng nói rằng: Tai ngọc ở trên, cứng mềm có chừng độ vậy.

GIẢI NGHĨA

Truyện của Trình Di. – Cứng mà ôn hòa là có chừng độ. Hào Trên ở chỗ “nên công đến dùng” mà cứng mềm đúng với tiết độ, cho nên cả tốt, không gì không lợi.

Chú thích:

[1] Chữ 鼎 (đỉnh) nghĩa là cái vạc.

[2] Sáng là tinh mắt, suốt là thính tai, hai chữ khác nghĩa nhau.

[3] Nghĩa là cái đạo cùng tột, không có ngừng đọng.

[4] Theo Trình Di, thì chữ “hình ốc”, nghĩa là hình dáng đầm đìa. Đây địch theo ý Chu Hy. “Hình ốc” là tội nặng. Ở sách Chu lể Thiên Thu quan, có chữ ốc tru (ốc tru). Trịnh Tư Nông chua rằng: “Ôc tru tức là giết cả ba họ”. Trần Kiến thích hai tự truyện của Hán thư, thì cho “ốc tru” là giết kẻ đại thần trong nhà, không để lộ ra. Vậy chữ “ốc tru” có thể dịch là giết kín hay là giết cả ba họ.

Bình luận
1440
× sticky