Con người là một loài động vật cao cấp nhất trên trái đất. Do bắt nguồn từ thiên nhiên, bản thân con người cũng phải tuân theo những qui luật sinh tồn của thiên nhiên. Ðể tồn tại, có hai bản năng lớn mà các cá thể phải tuân theo:
1/- Bản năng quan trọng nhất cho sự tồn tại của mỗi cá thể là bản năng duy trì nòi giống. Trong thế giới động vật, với bản năng này, các cá thể luôn tìm mọi cách, nỗ lực hết sức, thậm chí hy sinh cả bản thân, để sinh sản và bảo vệ cho sự sinh tồn cho các thế hệ con cháu của mình. Ðây chính là ý nghĩa lớn nhất, vĩ đại nhất đối với cuộc đời của mỗi cá thể. Bản năng duy trì nòi giống luôn được xã hội và cộng đồng ca ngợi, khuyến khích.
2/- Ðể duy trì được giống nòi thì mục tiêu kế tiếp là phải duy trì được sự tồn tại của bản thân. Do vậy, tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại của bản thân là bản năng thứ hai của các loài.
Sự chọn lọc tự nhiên đã tạo ra cho các loài động vật cấp cao một cơ chế cảm nhận các tác động từ bên ngoài nhằm phát hiện ra những hiểm nguy và nhận biết các tình huống xấu, đe dọa sự sống còn. Từ đó, cá thể sẽ có những phản ứng thích hợp để duy trì sự tồn tại của bản thân.
Ở con người, cơ chế cảm nhận này chính là cái mà chúng ta gọi là các “cảm xúc” (emotion).
Như vậy, các cảm xúc chỉ đơn giản là những trạng thái của bộ não giúp con người cảm nhận được tình trạng sống của bản thân trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau.
Bắt đầu từ các các loại cảm xúc đơn giản: Khi bị đe doạ, chúng ta sẽ có cảm xúc sợ hãi và sẽ phản ứng lại bằng cách lẩn tránh, chạy trốn, hay tấn công. Khi bị lửa đốt, cơ chế cảm nhận sẽ cho ta cảm giác nóng bỏng, đau đớn và chúng ta sẽ tìm mọi cách để thoát ra xa ngọn lửa. Khi bị mưa ướt vào mùa đông, các giác quan sẽ tác động để chúng ta có cảm giác lạnh run, thôi thúc chúng ta tìm giải pháp tự bảo vệ bằng cách mặc thêm quần áo, tìm chỗ trú ẩn ấm áp, hay uống nước nóng để làm ấm cơ thể,.
Tất cả những cảm giác và cảm xúc có được đều nhằm phục vụ cho mục đích định hướng các phản ứng của cơ thể theo bản năng, để duy trì sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân.
Có thể xem xét một số trường hợp như khi chúng ta đói, khi năng lượng cạn kiệt, cơ chế phản xạ theo bản năng của cơ thể sẽ tự điều tiết và tạo ra các chất nội tiết tố tác động lên hệ thần kinh, để báo động cho chúng ta biết về nhu cầu cần được ăn và chúng ta có một cảm nhận là “đói”. Khi thấy một người khác giới tính phù hợp, vào giai đoạn trưởng thành, ta sẽ có những kích thích tính dục, thúc đẩy việc làm quen, tiếp cận. Tương tự như vậy, những cảm xúc khác của chúng ta như vui, buồn, đau khổ, lo lắng, giận dữ, hoảng hốt, bình yên.. đều là kết quả của các loại nội tiết tố khác nhau, được cơ thể chúng ta tiết ra, tác động lên hệ thần kinh nhận thức của não bộ.
Ði tìm lời giải đáp cho câu hỏi : “Ðiều gì đã tạo ra hành vi của con người”, tác giả đã phát hiện ra những tác nhân CẢM XÚC. Chính những xúc cảm của con người đang điều khiển và dẫn dắt tất cả các hành vi của chúng ta trong cuộc sống.
Có nhiều công trình nghiên cứu về hành vi và nhu cầu của con người, nhưng chưa có một tài liệu nào nghiên cứu một cách thấu đáo về bản chất của cảm xúc và tác động của nó lên các nhu cầu và hành vi. Mục đích của tập sách này nhằm giúp chúng ta giải mã được các bí ẩn của cảm xúc, giải thích được các nguyên nhân dẫn dắt hành vi và tạo ra nhu cầu của con người. Qua đó, chúng ta hiểu được và kiểm soát được bản năng cơ bản của mình, nhìn thấu được lòng người và tác động vào con người, dẫn dắt họ phải hành động theo những gợi ý của chúng ta, hay nói một cách khác là quản lý được mọi người.
Nếu ví các hiểu biết về nhu cầu của con người như hiểu biết các phân tử thì những phát hiện mới về cảm xúc chính là những kiến thức căn bản và sâu sắc về các hạt tạo nên hạt nhân.
Và vì vậy, muốn hiểu biết được các nhu cầu và hành vi của con người, chúng ta phải xuất phát từ những hiểu biết căn bản về cảm xúc.