I/ TRẠNG THÁI CẢM XÚC TỐT NIỀM TỰ HÀO
Niềm tự hào của cá nhân là những cảm xúc tốt được tạo ra từ các kinh nghiệm, từ những thành tựu, những thành công lớn của cá nhân, từ những yếu tố “hơn”: mạnh hơn, giàu hơn, giỏi hơn,. của các nhân hoặc, của tổ chức, của gia đình, của địa phương mà cá nhân đang gắn bó.
Niềm tự hào rất quan trọng đối với một cá nhân. Với niềm tự hào, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua những trở ngại và những khó khăn trong cuộc sống. Chính niềm tự hào là một tác nhân quan trọng tạo nên Sự Tự Tin và Niềm Tin của cá nhân.
Ở Nhật Bản vào cuối thể kỷ 18, nhà cải cách giáo dục Yukichi đã viết ra tác phẩm Khuyến Học và một số tác phẩm khác để kích hoạt lòng tự hào của người dân Nhật Bản, giúp dân tộc Nhật ý thức và có được niềm tự hào, sự tự tin vào bản thân. Ðây là một trong những nguyên nhân chính giúp tạo nên một cường quốc Nhật Bản ngày hôm nay. Yukichi được nước Nhật tôn làm vị thánh của dân tộc.
Hàn Quốc là một nước nghèo vào những năm 60. Người dân Hàn Quốc có cuộc sống khổ cực cũng không khác gì người dân Việt Nam hay Thái Lan khi đó.
Nhà độc tài Pắc-Chung-Hy trong thời gian nắm quyền đã làm được một việc rất quan trọng cho đất nước Hàn Quốc. Pắc-Chung-Hy đã hậu thuẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân hàng đầu của Hàn Quốc, đầu tư tập trung để xây dựng nên những tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc ngày nay như Hyundai, Lotte, Samsung, Daewo, LG,.
Bằng niềm tự hào với hàng loạt các thương hiệu hàng đầu thế giới này, chắc chắn người dân Hàn Quốc khi đứng trước các dân tộc khác đều có thể tự hào ngẩng mặt, dám tự tin đối mặt với thế giới, dù đối tác là châu Âu hay châu Mỹ. Ðây chính là tiền đề để tạo ra những thành công mới cho các công dân và cho đất nước Hàn Quốc hiện nay cũng như trong tương lai.
Ngược với sự tự hào là sự tự ti và mặc cảm. Khi một nhân viên không thể tự hào về công ty của mình, khi một công dân không thể tự hào về đất nước của mình, tự chê bai dân tộc mình, khi một thành viên không thể tự hào về gia đình mình thì họ sẽ thiếu hẳn sự tự tin và không có sức mạnh tinh thần. Các cá nhân này sẽ rất khó khăn để đối mặt với cuộc đời và khó tạo nên những thành công lâu bền được.
Vì vậy dù bạn là chủ doanh nghiệp hay bạn là chủ một gia đình, hãy ý thức để tạo nên những niềm tự hào đích thực cho tổ chức và cho chính bản thân mình.
NIỀM HY VỌNG
Khi chúng ta mong muốn sẽ xảy ra một viễn cảnh cụ thể – được tạo bằng những hiểu biết và trí tưởng tượng của mình về cái mà chúng ta đang phấn đấu, về những sự việc đang xảy ra quanh ta – chúng ta đang hy vọng.
Hy vọng chính là việc mong chờ và hướng về một sự việc có thể xảy ra và sẽ tạo cho chúng ta cảm xúc tốt. Niềm hy vọng khác niềm tin ở chỗ chúng ta không biết chắc và không thể kiểm soát được sự việc đang xảy ra. Có thể viễn cảnh đó sẽ xảy ra, mà cũng có thể là không.
Tuy nhiên niềm hy vọng sẽ luôn tạo ra được những mức độ cảm xúc tốt nhất định. Khi chúng ta có nó, niềm hy vọng chí ít cũng sẽ giúp cho chúng ta có cảm giác yên tâm trong thời gian thực tại.
Ở những trường hợp thực sự gay cấn, trong các tình huống đặc biệt, khi cảm xúc hy vọng kết hợp với các cảm xúc khác sẽ trở thành một loại cảm giác kích thích, tạo nên sự bồn chồn, hưng phấn cao độ. Nếu tình huống tạo cảm xúc này được lặp đi lặp lại, cá nhân sẽ bị nghiện cảm xúc, bị lệ thuộc vào cảm xúc này và luôn tìm cách để có lại nó một lần nữa, nhiều lần nữa.
Trong đời thật, niềm hy vọng được khai thác một cách triệt đểcả ở khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực:
+ Các loại bài bạc, lô tô, sổ số, cá độ đều được những người có chủ ý kích hoạt cảm xúc và tạo cho công chúng thói quen nghiện cảm xúc [Tham Lam + Hy Vọng] này.
+ Các mẫu quảng cáo thường chỉ ra những viễn cảnh, những cảm xúc tuyệt vời mà cá nhân sẽ có được khi mua và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ. Có nhiều loại hình quảng cáo rất tinh tế và sâu sắc, khéo léo tác động vào phần vô thức để tạo ra cảm xúc hy vọng của cá nhân đối với nhãn hiệu được quảng cáo.
+ Các chính sách khen thưởng, các kế hoạch tuyệt vời của những tổ chức, doanh nghiệp cũng là cách tạo ra những niềm hy vọng cho các cá nhân để duy trì sự đoàn kết, kích hoạt sự nỗ lực của nhân viên.
Có được Niềm Hy Vọng là một điều cần thiết để cá nhân dễ dàng chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn trong thực tại và tin tưởng, hào hứng hướng đến tương lai.
Tuy nhiên không phải mọi niềm hy vọng đều tốt đẹp. Chúng ta cần phải ý thức điều này.
SỰ HỨNG THÚ
Sự Hứng Thú là trạng thái mà bạn có các cảm xúc tốt của những tác động mới mẻ từ bên ngoài lên não bộ. Bạn sẽ cảm thấy mọi việc đều dễ dàng và thú vị. Ðây chính là lúc mà một cá nhân có thể đạt được năng suất cao nhất trong công việc của mình.
Do ảnh hưởng của qui luật Thích Nghi Cảm Xúc, sự hứng thú thường không tồn tại lâu dài. Một nhân viên mới trong công ty thường rất năng nổ, nhưng sau một thời gian ngắn, khi mọi sự đã trở thành quen thuộc, nhân viên đó sẽ rơi vào trạng thái ù lì, chậm chạp và trở nên kém hào hứng với công việc.
Trong gia đình cũng vậy. Khi sự việc diễn ra quá đều đặn và không đổi thì cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ. Trong những điều kiện buồn tẻ này, các cá nhân sẽ rơi vào tình trạng đói cảm xúc. Các em nhỏ sẽ tìm cách chơi bời giải trí thay cho học hành, các ông chồng sẽ bắt đầu chán cơm tìm phở, các bà vợ sẽ bực bội cáu bẳn. Trong các tổ chức, các nhân viên sẽ bắt đầu lo ra, cố tìm những nguồn cảm hứng ở môi trường bên ngoài công việc, qua các cuộc tán dóc, rỗi hơi trên điện thoại, qua hàng giờ đồng hồ chui vào internet để chát-chít, hay chuồn khỏi cơ quan để ra ngoài tìm cảm hứng.
Khi không ý thức được tình trạng đói cảm xúc, chúng ta sẽ đưa ra những biện pháp rất tiêu cực để giải quyết, trấn áp đối tượng bằng cách đe dọa, phạt, kỷ luật mà kết quả là tạo ra thêm rất nhiều vấn đề mới trong khi vấn đề “đói cảm xúc” của các cá nhân thì không hề được quan tâm giải quyết. Nếu tình trạng này liên tục kéo dài, cảm xúc xấu sẽ bị dồn nén dần cho tới khi sự bức xúc lên tới điểm bùng nổ, vượt khỏi ngưỡng kiểm soát của cá nhân và tạo ra những cơn bộc phát tệ hại như bạo lực, cãi vã, trốn tránh trách nhiệm, bỏ việc, bỏ nhà đi bụi,.
Giải pháp duy nhất để tạo nên hứng thú chính là sự quan tâm một cách sáng tạo đến các cá nhân quanh ta. Chúng ta cần ý thức chủ động và tích cực tạo ra cảm xúc tốt bằng những cách như: thay đổi môi trường, thay đổi không gian sống, làm mới môi trường làm việc như thêm âm thanh, thay ánh sáng, màu sắc, bố cục sắp xếp, thay đổi các qui trình buồn tẻ bằng những cách thức mới, kích hoạt bằng sự quan tâm, chia sẻ cảm xúc và bằng những thông tin tốt và bằng những niềm hy vọng.
Ðiều gì sẽ xảy ra khi bạn nói một lời yêu thương thật chân thành với người thân trong gia đình? Hãy tặng hoa, quà cho nhân viên? Thay đổi, trang trí lại văn phòng? Mời mọi người một bữa ăn trưa? Thông báo một chương trình thi đua với những giải thưởng xứng đáng?…
Sự hứng thú sẽ luôn tồn tại trong một môi trường thực sự năng động và tích cực.
SỰ YÊN TÂM
Cảm xúc yên tâm là một cảm xúc nền tảng mà các cá nhân cần phải đạt được để có một cuộc sống tốt. Sự yên tâm được tạo nên những hiểu biết về các qui luật, các vấn đề đang xảy ra quanh cá nhân. Ðây là trạng thái cảm xúc giúp cá nhân giải tỏa được những cảm xúc xấu như lo lắng, sợ hãi.
[Sự Yên tâm] = [Bản lĩnh] + [Sự tự tin]
Sự yên tâm là một lý do tiền đề giúp cá nhân có thể dễ dàng thực hiện được những kế hoạch, những hành động để thỏa mãn một nhu cầu mới nhằm tạo ra các cảm xúc tốt. Nếu không có sự yên tâm, chúng ta sẽ mất đi sự tự tin cần có và dễ dàng mất tinh thần, làm hỏng mọi việc.
Ðã có bao giờ bạn thử leo lên đi dọc mép tường trên tầng ba của toà nhà mà không cần dây bảo hiểm? Nếu giả sử là bạn dám leo lên để đi thì liệu bạn sẽ đi được bao xa?
Rất ít người có thể tự tin thực hiện hành động trên đây. Ðiểm mấu chốt là nỗi sợ hãi bị ngã chết người đã làm chúng ta không giữ nổi bình tĩnh. Khi không còn sự yên tâm và mất đi sự tự tin thì chúng ta sẽ dễ dàng làm hư hỏng mọi việc. Khi không duy trì được trạng thái cảm xúc tự tin và chuyển sang các trạng thái như lo sợ, nóng giận, đau khổ,. thì khả năng tỉnh táo kiểm soát hành vi của cá nhân sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Nếu giả sử là bạn được đeo một dây đai an toàn và được người khác giữ chắc, bảo đảm là bạn không thể bị ngã, bạn sẽ dễ dàng và rất yên tâm khi leo lên đi trên mép bờ tường. Nếu thần kinh của bạn vững, bạn có thể đi được những đoạn dài.
Sau khi bạn đã được đeo dây an toàn và đã có sự yên tâm là mình không thể ngã được, lúc này thậm chí nếu người giữ dây an toàn có thả lỏng hoàn toàn đầu dây trong tay họ thì bạn vẫn rất tự tin mà thực hiện hành động mạo hiểm.
Trong tập truyện Tam Quốc Chí, quân sư Khổng Minh của nước Thục bị mắc kẹt ở trong thành cùng với hơn một chục tên lính hầu và phải đối địch với 10 vạn quân của Tư Mã Ý. Với bản lĩnh và khả năng ứng biến phi thường, Khổng Minh đã ra lệnh mở toang cửa thành và lên lầu cao ngồi thư thả ngắm nhìn. Bằng năng lực kiểm soát một cách tuyệt vời các cảm xúc của mình, Khổng Minh đã tạo nên sự yên tâm cho toàn bộ lính hầu và làm cho Tư Mã Ý cùng 10 vạn quân phải hoảng hồn bỏ chạy vì sợ trúng kế độc.
Ðể giữ được sự yên tâm cho bản thân trong mọi tình huống, cá nhân phải có một nghị lực, một bản lĩnh chịu đựng cảm xúc xấu ở mức cao. Ðây cũng chính là yêu cầu hàng đầu đối với một người lãnh đạo, một chủ gia đình, hay người điều hành quản lý doanh nghiệp.
SỰ HY SINH
Sự hy sinh là một trong những hành động tuyệt vời nhất mà thường chỉ các động vật cấp cao mới có.
Bản chất của sự hy sinh là chấp nhận, chịu đựng các cảm xúc xấu, thậm chí ở mức xấu nhất là cái chết của bản thân để cho các cá thể khác được tồn tại, cá nhân chấp nhận nhường cho các cá thể khác được có những điều kiện tốt hơn để họ có được nhiều cảm xúc tốt hơn.
Sự hy sinh có một ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển nhân cách của con người.
Ở mọi thời đại, cũng như trong tất cả các loại sử sách, sự hy sinh là một đức tính cao cả và luôn được ca ngợi, vì đây chính là biện pháp tốt nhất để duy trì sự phát triển của giống nòi, của dân tộc, gia đình hay tổ chức.
Không nên lầm lẫn sự hy sinh với “Sự Nhịn Nhục”. Sự hy sinh là một quyết định chấp nhận chịu đựng các cảm xúc xấu hoàn toàn tự nguyện vì mục đích tốt đẹp và tạo ra những cảm xúc tốt. Còn “Sự Nhịn Nhục” làm cá nhân chịu bị ép buộc, phải chịu đựng các cảm xúc xấu như chấp nhận mất mát, bị tổn thương, bị nhục mạ,. mà kết quả nếu không giải tỏa được các cảm xúc, bị nhịn nhục thì những cảm xúc xấu này sẽ bị dồn nén và biết thành “Sự Thù Ghét”.
SỰ DŨNG CẢM
Ðây là trạng thái cảm xúc khi mà cá nhân dám đối mặt với các hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm – tức các tác nhân tạo nên những cảm xúc rất xấu. Cá nhân dám chấp nhận sự hy sinh để nỗ lực tạo nên các điều kiện tốt đẹp hơn, các cảm xúc tốt đẹp cho chính mình và cho người khác.
[Dũng cảm] = [Bản lĩnh cao độ] + [Niềm tự hào] + +[Kích hoạt] + [Hy sinh] + [Khát vọng]
Sự dũng cảm luôn là điểm khởi đầu cho những thay đổi lớn về bản lĩnh và sự tự tin của cá nhân. Sự dũng cảm sẽ mang lại những cảm xúc tốt từ những niềm tự hào sau đó. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa sự dũng cảm với sự chơi trội, khi một cá nhân thực hiện những hành động phi thường chỉ với mục đích khoe mẽ, chỉ để nâng cao uy tín của cá nhân.
Sự dũng cảm luôn bắt nguồn từ mục đích hành động vì lợi ích của người khác, hoặc của cộng đồng. Trạng thái cảm xúc dũng cảm luôn rất cần thiết để tạo nên những thay đổi lớn lao cho xã hội, cho tổ chức và cho bản thân cá nhân. Trong một quốc gia mà các cá nhân lãnh đạo dám thể hiện sự dũng cảm quên mình, phấn đấu hoặc hy sinh vì lợi ích của dân tộc thì sẽ tạo nên được những làn sóng sức mạnh tinh thần vô địch, có thể dời non, lấp bể, hay đạt được những kỳ tích trong công cuộc phát triển và xây dựng quốc gia.
SỰ THA THỨ
Sự tha thứ là một trạng thái cảm xúc khi cá nhân đã bị sự thiệt hại, bị tổn thương bởi những tác nhân do đối tượng gây ra. Ðồng thời, các cá nhân quyết định chấp nhận những cảm xúc xấu này để mong cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn. Ðây là một trạng thái cảm xúc tốt giúp giải tỏa các cảm xúc xấu cho người khác và cho chính bản thân cá nhân.
[Sự tha thứ] = [Sự hy sinh] + [Tình bạn]<+ [Khát vọng]
Nếu có ai đó làm hại bạn, gây cho bạn những thiệt hại về vật chất hoặc những tổn thương về tinh thần thì bạn sẽ làm gì?
Có hai cách phản ứng thông thường: hoặc là chúng ta sẽ trả đũa bằng những hành động tương tự và hơn thế nữa, để khai mào cho một cuộc chiến. Hoặc là chúng ta sẽ chấp nhận cắn răng chịu đựng, chờ ngày phục thù.
Theo tư tưởng của hai tôn giáo lớn là Ðạo Phật và Ðạo Thiên Chúa, chúng ta nên chấp nhận tha thứ cho kẻ đã làm ta bị tổn hại.
Do thiếu sự giải thích nên chúng ta rất khó có thể chấp nhận được những lời khuyên trên đây.
Khi chúng ta bị nhận một cảm xúc xấu. Nếu chúng ta đáp trả bằng một cảm xúc xấu khác là chúng ta đã tuyên bố chiến tranh với kẻ ác kia và kết quả của cuộc chiến sẽ là đẫm máu. Nếu chúng ta cam chịu một cách thụ động, tương đương với việc chúng ta thừa nhận mình là một kẻ bại trận, chấp nhận vai trò thống trị của kẻ ác.
Theo qui luật cân bằng cảm xúc, sự tha thứ một cách tích cực của chúng ta đối với kẻ ác sẽ là một hành động dũng cảm, sẽ có thể kích hoạt được những tâm hồn đen tối nhất.
Vậy sự tha thứ tích cực là gì?
Khi chúng ta chấp nhận chịu đựng một cách thụ động, kẻ ác sẽ hiểu là chúng ta yếu hèn, không có bản lĩnh và không dám phản ứng. Cách phản ứng tích cực là chúng ta không hề sợ hãi, rất bản lĩnh và tự tin thông báo cho kẻ ác biết về những thiệt hại do hắn gây ra, tạo cho hắn phải ý thức về những cảm xúc xấu do hắn tạo ra mà chúng ta phải gánh chịu.
Ðối với một thiểu số những kẻ bệnh hoạn về cảm xúc thì sự tha thứ của chúng ta là vô nghĩa, nhưng với đa số những người bình thường. Sự tha thứ tích cực của chúng ta sẽ là một hành động cao thượng và làm cho họ phải hối hận về những điều xấu mà họ đã tạo ra. Sự tha thứ tích cực sẽ biến cảm xúc xấu mà chúng ta phải chịu đựng thành một món nợ cảm xúc cho đối phương. Họ sẽ cảm thấy phải làm một điều tốt đẹp nào đó để bù vào những thiệt hại mà chúng ta đã phải chịu. Nếu chúng ta có đủ hiểu biết và bản lĩnh thì đây chính là cơ hội để tạo nên mối quan hệ hợp tác tốt với đối tượng.
Do vậy, cần ý thức để làm cho sự tha thứ của chúng ta không trở thành vô nghĩa.
II/ CÁC TRẠNG THÁI CẢM XÚC XẤU
SỰ SỢ HÃI
Sự sợ hãi chính là trạng thái cảm xúc rất xấu được tạo ra do cá nhân rơi vào các tình huống nguy hiểm đến tính mạng hoặc danh dự cá nhân.
Theo bản năng, sự sợ hãi chính là cơ chế giúp cá nhân lập tức tạo nên phản xạ có điều kiện nhằm bảo đảm sự tồn tại sống còn của cơ thể.
[Sự sợ hãi] = [Sự thiếu hiểu biết] + [Kém Bản lĩnh]
(tức mất khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân)
Sự sợ hãi luôn là nguyên nhân tạo ra các cảm xúc kích thích ở mức cao. Ðối với các loài động vật, sự sợ hãi là một cơ chế bảo vệ. Ðối với con người, sự sợ hãi vẫn còn giúp ích rất nhiều cho cá nhân. Nó giúp cho cá nhân luôn năng động, cơ thể luôn căng ra và phản ứng với tốc độ cao nhất. Nếu sự sợ hãi đi kèm theo cảm xúc tò mò sẽ tạo ra một cảm xúc kích thích ghê gớm. Bạn có thể thấy không phải vô tình mà những chuyện kinh dị lại thu hút được đông đảo người quan tâm đến như vậy.
Một biến thái khác của sợ hãi là trạng thái lo lắng.
LO LẮNG chính là sự sợ hãi ở cấp độ thấp, khi mức độ nguy hiểm còn thấp và cá nhân vẫn còn có khả năng kiểm soát được tình huống.
Cùng với cảm giác sung sướng, các cảm xúc lo lắng sợ hãi là hai hai động lực chính thúc đẩy và điều khiển các hành vi của chúng ta.
Khi chúng ta lo lắng, các cơ chế phản ứng của cơ thể luôn hoạt động ở mức cao. Các cơ sẽ được tập trung phát triển. Ngược lại, các mô mỡ thừa sẽ được cơ thể chuyển hóa bớt thành năng lượng, tạo điều kiện cho cá thể có khả năng phản ứng linh hoạt hơn.
Từ xa xưa con người đã phát hiện ra cơ chế tránh né các cảm xúc xấu này của cá nhân. Các giới cầm quyền, những người lãnh đạo trong các tổ chức đều áp dụng dạng cảm xúc xấu để trấn áp, đe dọa các cá nhân, áp đặt để các cá nhân tuân theo những luật lệ và những qui định. Bất kể là trong môi trường gia đình, công sở hay xã hội đều có những hình phạt từ thấp đến cao để các cá nhân phải ý thức, sợ hãi và tuân thủ luật lệ do xã hội đặt ra.
Trong quản lý, mọi người thường hay dùng khái niệm củ cà rốt và cái roi (đối với con lừa) để mô tả 2 cơ chế kích hoạt các cá nhân trong xã hội. Có thể so sánh cơ chế kích hoạt cá nhân nỗ lực phấn đấu để đạt được các phần thưởng – tương tự dùng củ cà rốt để dẫn dụ con lừa, còn dùng cái roi đối với con lừa là tương tự như cách qui định ra các loại hình phạt để đe dọa, tạo ra nỗi sợ nhằm ngăn chặn cá nhân không được vi phạm luật lệ.
Thực tế đã chứng minh rằng nếu chỉ một áp dụng một cơ chế đơn lẻ sẽ không thể tạo ra sự kích hoạt được cá nhân một cách bền vững. Chắc chắn sẽ tạo ra các vấn đề lớn nếu chỉ duy trì một cơ chế duy nhất. Nếu chỉ áp dụng cơ chế đe dọa thì cá nhân sẽ có những phản ứng tiêu cực và sẽ bị tác động xấu, luôn phải đối phó với sự sợ hãi và kết quả sẽ không kích hoạt được nội lực cũng như tính sáng tạo của cá nhân.
Trong môi trường gia đình, nếu chỉ dùng biện pháp đe doạ, phạt, roi vọt thì tâm lý trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng, góp phần tạo nên nhân cách xấu, tạo xu hướng lạm dụng bạo lực ở tính cách của trẻ sau này
Cần hết sức cẩn thận trong việc áp dụng nỗi sợ hãi trong việc đe dọa và áp đặt luật lệ cho người khác.
SỰ THẤT VỌNG
Khi mà cá nhân đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu, mong tạo ra được những cảm xúc tốt nhưng không đạt được. Với những kết quả không như mong muốn, cá nhân cảm thấy nản chí và đành chấp nhận chịu đựng các cảm xúc xấu do vấn đề tồn đọng tạo ra.
[Sự Thất Vọng] = [Khát Vọng] + [Sự Thất bại] + [Sự nản chí]
Thất vọng là một trạng thái cảm xúc xấu. Ở hướng chủ động, sự thất vọng sẽ là tiền đề tạo nên cảm xúc giận dữ, theo hướng bị động, sự thất vọng sẽ là điều kiện tạo nên tâm trạng chán nản, suy sụp tinh thần của cá nhân.
SỰ CHÁN NẢN
Trong một khoảng thời gian mà não bộ đã thích nghi toàn phần với các tác động, mọi việc trở nên quen thuộc và não bộ trở về trạng thái thụ động. Trạng thái chán nản sẽ xảy ra khi cá nhân đã nỗ lực nhiều lần mà không giải quyết được vấn đề, hoặc rơi vào các tình huống phải thực hiện lặp đi lặp những công việc nhàm chán mà cá nhân không có đủ khả năng hoặc có đủ bản lĩnh để thoát ra.
Khi rơi vào tình trạng cảm xúc này cá nhân mất hết hứng thú với mọi thứ xung quanh và sẽ có thái độ bất lực.
[Sự chán nản] = [Kém bản lĩnh] + [Sự thất vọng]
SỰ GIẬN DỮ
Sự giận dữ là một trạng thái bùng nổ cảm xúc. Khi các hoóc-môn tạo cảm xúc thất vọng tăng cao vượt ngưỡng kiểm soát của bản thân, cá nhân bị kích hoạt đến mức cao độ và sự bùng nổ cảm xúc xảy ra. Cá nhân sẽ hành xử theo bản năng để giải toả các bức xúc bằng cách thực hiện các hành động dữ dội như gào thét, đập phá, thể hiện những hành vi bất bình thường chợt xuất hiện trong đầu, hoặc thực hiện các hành động trả đũa đã được dự tính trước đó.
[Sự giận dữ] = [Sự thất vọng] + [Sự bùng nổ cảm xúc]
Trong hầu hết các trường hợp, sự giận dữ luôn tạo ra những vấn đề lớn cho cả bản thân cá nhân lẫn cho người khác. Sự giận dữ còn là một dạng stress ở mức cao nhất. Nếu không được giải toả, sự giận dữ sẽ làm tổn hại nặng nề sức khoẻ của cá nhân, về thể lực lẫn trí lực của cá nhân.
SỰ CAY CÚ
Khi cá nhân có một nhu cầu và phấn đấu để được thỏa mãn, nhưng ngoại cảnh không cho phép, hoặc sự việc đã xảy ra nhưng kết quả không thuộc về cá nhân mà lại thuộc về các cá nhân khác. Cá nhân bị rơi vào trạng thái thất vọng.
Trong trường hợp cá nhân nuối tiếc, tiếp tục suy nghĩ về sự việc, so sánh ở khía cạnh hẹp về sự thiệt thòi, về sự không công bằng theo tiêu chí ích kỷ của mình, cảm xúc thất vọng công với cảm xúc nuối tiếc sẽ tạo nên trạng thái cảm xúc cay cú.
[Sự cay cú] = [Sự thất vọng] + [Sự nuối tiếc] + [Sự thù ghét]
Cay cú là một trạng thái cảm xúc xấu cho cá nhân. Nó sẽ tạo nên một lăng kính cảm xúc xấu, làm cản trở cá nhân có được một cái nhìn khách quan về sự việc. Trong nhiều trường hợp, khi cảm xúc cay cú được tích lũy nó sẽ tạo ra cảm xúc căm thù.
SỰ THÙ GHÉT
Sự thù ghét chính là trạng thái cảm xúc tiêu cực ngược chiều của tình thương. Ở trạng thái này, cá nhân có một niềm tin rất rõ ràng rằng đối tượng kia là một nguồn cảm xúc xấu. Vì vậy, Cá nhân tự cam kết là một nguồn tác nhân tạo cảm xúc xấu cho đối tượng. Dựa trên qui luật vay trả cảm xúc, do cảm nhận là đối tượng đã tạo cảm xúc rất xấu cho cá nhân, đối tượng đang mắc nợ cảm xúc nhưng không trả, hoặc không muốn trả. Do vậy, cá nhân sẽ tìm cách tạo lập lại sự công bằng.
[Sự thù ghét] = [ Sự nhịn nhục] + [Khóa cảm xúc] + [Nguồn cảm xúc xấu cho đối tượng]
NỖI BUỒN
Trong các dạng cảm xúc, Nỗi Buồn là một dạng cảm xúc đặc biệt. Ngược lại với tâm trạng hứng thú, mỗi buồn làm cho cá nhân rơi vào một tình trạng trì trệ. Bản chất của nỗi buồn là sự pha tạp rất nhiều dạng cảm xúc khác nhau. Mức độ và cách cảm nhận của cá nhân về nỗi buồn sẽ tùy vào từng trường hợp mà loại cảm xúc nào được trộn vào. Có thể là Sự thất vọng, sự tiếc nuối, sự đau khổ, sự ăn năn hối hận, sự hẫng hụt do tình trạng nghiện cảm xúc nhưng không được đáp ứng, tình thương+ sự hận thù, tình yêu đơn phương,.
Nếu nỗi buồn bắt nguồn từ tình yêu, từ sự nhớ mong, sự tiếc nuối và sự đau khổ, khi ở một mức độ nhẹ sẽ trở thành một tác nhân kích thích, tạo ra tình trạng nghiện cảm xúc.
Dựa vào tính chất này, rất nhiều tiểu thuyết truyện, phim ảnh đã được con người viết ra nhằm mục đích cung cấp cho khác giả cảm xúc buồn. Những tác phẩm có khả năng tạo ra sự đồng cảm và nỗi buồn thường sẽ trở nên nổi tiếng và dễ thu hút được sự chú ý của con người.
SỰ ÐAU KHỔ
Ðây chính là loại cảm xúc xấu tác động mạnh và trực tiếp vào cơ quan cảm nhận của não bộ. Trong trạng thái này, các loại hoóc-môn và các chất sinh hoá gây tác động xấu, tiêu diệt các tế bào cảm nhận, tạo nên cảm giác đau đớn tương tự như cơ thể bị tổn thương do các tác động từ bên ngoài.
Sự đau khổ luôn là điểm khởi đầu cho một sự tổn thương, một sự thất bại của cá nhân. Khi sự đau khổ xảy ra trong tình huống đi kèm với cảm xúc tốt như tình thương, hay tình bạn, sự đau khổ sẽ chuyển sang hướng nhẫn nhục và đau khổ chịu đựng. Nhưng nếu đi cùng với sự cay cú hay thù ghét, sự đau khổ sẽ kích hoạt cho các phản ứng trả thù.
Tóm lại sự đau khổ là một trạng thái cảm xúc có khả năng kích hoạt cá nhân hành động để giải toả nỗi đau của mình.