Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí mật của cảm xúc

Chương 23: Sự So Sánh Hơn Thua Giữa Các Cá Nhân Và Những Ảnh Hưởng Của Hệ Qui Chiếu Cảm Xúc

Tác giả: Nguyễn Nam Chung
Chọn tập

Sống ở một xã hội mà sự ganh đua và cạnh tranh ngày càng gay gắt, chúng ta luôn tự làm khó mình trong việc tạo ra cách cảm xúc tốt cho bản thân bằng những phản xạ có điều kiện. Nói cách khác, chúng ta đang là nô lệ tinh thần cho các thói quen, các phản xạ có điều kiện của mình, trong chính cái xã hội mà ta đang sống.

Chúng ta sống theo ý muốn của những người giàu có, chúng ta cố bắt chước họ trong mọi thứ bởi cuộc sống đầy đủ vật chất của họ chính là thứ mà mọi người ao ước. Người giàu có luôn bỏ tiền ra để mua những thứ “hàng hiếm”, “đồ xịn” với giá trên trời và làm cho mọi người phải ngưỡng mộ. Cuộc sống vật chất làm đa số trong chúng ta bị choáng và không ý thức được những giá trị đích thực của sự vật.

Rất nhiều người sống tại các nước đã phát triển, với mức thu nhập vài ngàn đô la mỗi tháng mà vẫn than thở về các khó khăn, các vấn đề bức xúc trong cuộc sống tinh thần của họ. Họ cũng khổ sở, chật vật về tinh thần chẳng kém gì với hoàn cảnh đời sống tinh thần của chúng ta – là những người ở các nước đang phát triển với mức thu nhập ít hơn vài chục lần.

Ðiều làm cho hầu hết mọi người hạnh phúc chính là cảm giác “được hơn” người ở bên cạnh: Nhà mình đẹp hơn nhà hàng xóm, con tôi học giỏi hơn con người khác, tôi có giàu hơn người khác, tôi “bảnh” hơn người khác,.

Vấn đề cốt lõi là tôi có được cái mà người khác không có và tôi muốn mọi người trầm trồ về điều này.

Các cảm xúc của cá nhân được tạo ra dựa trên sự so sánh theo một hệ qui chiếu mà cá nhân tự định ra. Nếu mức sống 5 triệu đồng mỗi tháng chả có ấn tượng gì đối với một anh chủ doanh nghiệp thì đó lại là cả một gia tài của người công nhân bình thường.

QUI LUẬT VỀ HỆ QUI CHIẾU CẢM XÚC

Cảm xúc sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi hệ qui chiếu cảm xúc mình. Tùy theo hệ qui chiếu cảm xúc của cá nhân mà cảm xúc được tạo ra sẽ tốt hơn nếu hệ qui chiếu thấp hơn, hay xấu hơn khi hệ qui chiếu cao hơn so với tác nhân tạo cảm xúc.

Xem một câu chuyện nhỏ sau đây:

“Trong quán nhỏ có một thanh niên ngồi uống nước và đau khổ ngặm nhấm cuộc đời. Anh chàng Quy này cảm thấy cuộc đời thật bất công. Cũng tốt nghiệp đại học loại tầm tầm, chạy khắp nơi mới xin được một chỗ làm với mức lương khiêm tốn một triệu rưỡi mỗi tháng. Phải chi tiêu bao nhiêu món nên lúc nào cũng thiếu. Nhu cầu thì mênh mang mà thu nhập lại quá eo hẹp. Nhìn sang quán nhậu bên cạnh thấy một đám doanh gia cụng ly, dô dô mà thấy sao đời khổ quá.

Một tiếng “ầm” bất chợt nổi lên phá vỡ bầu không gian náo nhiệt.

Mái hiên che mưa bằng bê-tông của quán bên cạnh sập xuống. Trước sự sững sờ của mọi người, toàn bộ bàn nhậu của đám dân kinh doanh bị đè bẹp. Không một tiếng động hay dấu hiệu nào của những người bị mái hiên đè lên. Quy rùng mình. May mà không phải là mình ngồi ở đó. Ngẫm đi ngẫm lại, Quy thấy mình còn quá may mắn. Dù gì thì mọi thứ cũng ổn định. Số phận con người biết thế nào là đủ. So với mấy người bị tai nạn thì Quy còn may mắn hơn rất nhiều.”

Câu chuyện ở đây cho thấy rằng: sướng hay khổ đều là do cách chọn hệ qui chiếu cảm xúc để bạn so sánh bản thân với các cá nhân khác. Lúc đầu hệ qui chiếu của Quy là cuộc sống dư thừa tiền bạc của người khác và Quy cảm thấy đau khổ vì không được như họ. Ngay sau đó, hệ qui chiếu được thay đổi thành chuyện sống hay chết và Quy cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều bởi thấy rằng mình vẫn còn sống khỏe mạnh, không bị chết thảm như mấy người ngồi bên cạnh.

Theo quan niệm của Phật giáo : “Tham – Sân – Si là bể khổ của cuộc đời”. Ða số chúng ta đều đem những điều kiện của một số người hơn chúng ta, hoặc những người nổi tiếng, giàu có ra làm hệ qui chiếu để so sánh. Việc so sánh này tạo cho chúng ta lòng “tham” tức sự ham muốn có những thứ mà mình không thể có được vào lúc này.

Từ lòng tham sẽ đưa đến sự ganh tị (tức sân), sự ganh tị khi lên đến cao độ sẽ trở thành sự mê muội, mù quáng (tức si). Trong tình trạng này, con người sẽ không thấy được điều gì khác ngoài ý muốn duy nhất là phải có được cái mình muốn bằng mọi giá. Khi đã có được thứ mình cần, sự so sánh lại làm phát sinh ra lòng tham mới và đẩy con người vào một vòng luẩn quẩn không bao giờ thoát ra được. Vì vậy cuộc đời của những người rơi vào vòng “tham-sân-si” chắc chắn sẽ là một bể khổ không có đáy.

Cách tốt nhất để tránh rơi vào bể khổ đau là hãy ý thức về giá trị nội tại của bạn. Tùy theo sự tự so sánh của bạn với những tiêu chí – những hệ qui chiếu mà bạn chọn sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc hay đau khổ, sẽ hài lòng hay bực bội.

Luôn có nhiều điều mà bạn có thể tự hào về bản thân mình. Có rất nhiều điều bạn có thể làm được nhưng lại không dám bởi không có đủ sự tỉnh táo để nhận định lại hoàn cảnh.

Ða số chúng ta đều đưa ra những mục tiêu cho sự phấn đấu và sự khát khao của mình. Việc khao khát đạt được những ước muốn sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn, những cảm nhận về sự thua kém sẽ tạo cho chúng ta các cảm xúc xấu. Sự ghen tỵ ở mức độ cao sẽ tạo cảm xúc rất xấu như tức tối, không hài lòng, bực dọc,. mà kết quả sẽ gây cho chúng ta hàng loạt những tổn hại về thể chất cũng như về tinh thần.

Cách tốt nhất để giải tỏa các cảm xúc xấu này thật đơn giản: Hãy sống thanh thản với thực tế và tự tin, nỗ lực hướng tới tương lai, đừng ganh tị và hãy chọn những đối tượng phù hợp với mình để so sánh. Hoặc bạn có thể so sánh ở diện rộng hơn, với tất cả mọi người tại nơi mình sống, với tất cả các quốc gia khác, với hàng trăm triệu người đang sống rất cực khổ và chật vật trên thế giới này. Ðây chính là cách mà các thánh nhân luôn ý thức thực hiện.

Nên tự ý thức về các giá trị tinh thần của bạn. Hãy tin tưởng vào năng lực của bản thân rằng chúng ta không phải là một người bỏ đi, để mình có thể ngẩng mặt lên tự hào với những gì đã đạt được trong cuộc sống.

Chọn tập
Bình luận