Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bí mật của cảm xúc

Chương 28: Hệ Thống Cảm Xúc – Cột Ðèn Giao Thông Ðịnh Hướng Các Hành Vi Của Cá Nhân

Tác giả: Nguyễn Nam Chung
Chọn tập

Về bản chất của tự nhiên, cảm xúc chính là hệ thống những tín hiệu cảnh báo. Các cảm xúc báo cho bạn biết cần phải có những phản ứng thích hợp nào để duy trì sự tồn tại tối ưu cho bản thân.

Khi cơ thể thiếu nước, cơ chế cảnh báo tự động sẽ tạo ra một tín hiệu cảm xúc “khát” để chúng ta đi tìm nước uống. Khi rơi vào tình huống bất hạnh như bị thất bại, bị mất người thân,. cơ chế phản ứng sẽ tác động để tạo cảm xúc đau khổ. Sự phản ứng theo bản năng sẽ làm chúng ta khóc để giải tỏa bớt tác động của cảm xúc xấu.

Các cảm xúc sẽ tạo ra những phản ứng tức thời theo bản năng tự bảo vệ của cơ thể.

Ý thức được điều này, các chuyên gia trong ngành quảng cáo đã khai thác những phản ứng theo bản năng của người tiêu dùng khi xem quảng cáo, tác động vào cảm xúc để làm cho họ “cảm” và chọn mua sản phẩm thông qua một số kỹ thuật quảng cáo tạo cảm xúc.

Một hãng sản xuất vỏ lốp xe đã dùng hình ảnh em bé rất kháu khỉnh và dễ thương đặt cạnh sản phẩm của họ trong các mẫu quảng cáo để tạo cho người xem cảm nhận thân thiện, vô hại và an toàn. Một hãng quần áo lót đã dùng hình ảnh những cô người mẫu sexy mặc sản phẩm để kích hoạt các ông chồng tác động ngược vào nhóm các bà vợ. Các hãng mỹ phẩm luôn dùng những hình ảnh quảng cáo sang trọng và đẹp đẽ để tạo cảm nhận cao cấp và quyến rũ.

Tương tự như vậy, hàng loạt nghiên cứu về con người đã được các tổ chức chính trị và kinh doanh áp dụng để đưa ra các kỹ thuật mới nhằm tác động vào cảm xúc các đối tượng mục tiêu của họ.

Các luật lệ, qui định và tiêu chí đạo đức của xã hội luôn có mục đích tạo ra sự an toàn và các cảm xúc tốt cho cộng đồng, ngăn chặn việc tạo ra cảm xúc xấu cho các thành viên.

Giống như luật giao thông, các cảm xúc tốt hay xấu mà chúng ta có được đều dựa theo các qui chế, luật pháp, theo các tiêu chí và ước lệ của xã hội, tạo nên những cột mốc qui định giới hạn hành vi của mỗi cá nhân. Các cá nhân sẽ được an toàn khi hoạt động trong những phạm vi, giới hạn đã được qui định. Nếu vượt ra ngoài giới hạn, cá nhân sẽ phải chịu các hình phạt – tức các cảm xúc xấu.

Trong những qui định về lương, thưởng tại các doanh nghiệp, cần có các điều mục nêu ra các khoản ích lợi về vật chất và tinh thần mà nhân viên sẽ được hưởng – tức các cảm xúc tốt mà nhân viên sẽ có được khi họ nỗ lực làm việc, để khích lệ họ đạt được kế hoạch đã đề ra.

Có một số nhận xét được rút ra từ luận điểm nói trên:

+ Trong một xã hội mà mọi người không hiểu biết về luật pháp thì các cá nhân sẽ không ý thức được những hậu quả mà họ phải gánh chịu, vì vậy mức độ vi phạm luật sẽ rất cao.

+ Cần phải tạo ra các tiêu chí, cách ứng xử, các đặc tính cần có cho nền văn hóa của doanh nghiệp hay của tổ chức như ca ngợi, tưởng thưởng cho các cá nhân có hành vi tốt hoặc cảnh cáo, tẩy chay các cá nhân có hành vi xấu để qua đó mọi người ý thức tự giác tuân thủ.

+ Trong bất cứ trường hợp nào, nên dùng chế độ khen thưởng để khuyến khích các cá nhân hơn là dùng hình phạt để đe dọa họ. Ðây cũng là 2 mặt của một vấn đề. Ở khắp mọi nơi, từ trong gia đình, trong doanh nghiệp, trường học và cả ở ngoài xã hội, việc thúc đẩy con người nỗ lực hơn, cố gắng hơn để được hưởng nhiều cảm xúc tốt, sẽ tạo nên những việc tốt đẹp cho cả người quản lý và người được quản lý. Nếu dùng các biện pháp trừng phạt để đe doạ, cá nhân sẽ tập trung vào việc làm sao đối phó với các cảm xúc xấu và mất hết cảm hứng cho công việc. Kết quả là công việc nếu đạt yêu cầu thì cũng sẽ chỉ được thực hiện ở mức yêu cầu tối thiểu và các cá nhân không có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, hay không thể hiện hết năng lực của họ.

Trong các mối quan hệ cá nhân thì sự việc thường phức tạp hơn. Tất cả các giao tiếp của chúng ta đều tạo nên cảm xúc cho cả hai bên. Thường chúng ta chỉ chú trọng tới bản thân, làm sao chúng ta có được nhiều cảm xúc tốt nhất. Trong nhiều trường hợp khác nhau, cảm xúc tốt mà chúng ta có được lại phát sinh từ việc chúng ta tạo ra một cảm xúc xấu cho người khác.

Cách hành xử của chúng ta sẽ được điều chỉnh bởi khả năng “đồng cảm” với người đối diện – tức khả năng cảm nhận được điều gì sẽ xảy ra với người đối diện nếu giả sử ta ở vị trí của họ.

Giả dụ nếu ta bêu xấu một người trước đám đông – người đó sẽ có cảm xúc rất xấu từ việc họ bị xúc phạm. Việc này có thể dẫn tới những phản ứng trả thù tùy theo tính cách của họ, có thể là: họ sẽ bêu xấu lại ta, hoặc họ sẽ nổi khùng đánh ta, hoặc họ sẽ tím mặt, căm hờn nuốt hận, đợi có dịp phục thù. Tất cả những khả năng này được ta cảm nhận thông qua các hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân.

Các nhà thông thái đã đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn muốn người ta đối xử với bạn ra sao – Hãy đối xử trước với họ như vậy”. Nếu bạn muốn họ đối xử tốt với bạn – bạn phải đối xử tốt với họ trước đã.

Khi mong muốn có cuộc sống tốt đẹp, điều cần có chính là luôn ý thức khôi phục và nâng cao khả năng cảm nhận được các trạng thái cảm xúc của người khác. Tác động qua lại trong sự tương tác giữa mọi người đều tuân thủ chính xác theo “Qui luật Cân Bằng Cảm Xúc”. Cần ý thức để chúng ta có thể tạo ra các tác động tốt tới người khác và tạo ra cảm xúc tốt cho bản thân mình.

Người xưa có câu “khôn – chết, dại – chết, biết thì sống”. Chúng ta cần phải biết đâu là đèn xanh và khi nào là đèn đỏ, thông qua các cảm nhận về cảm xúc của mình.

Chọn tập
Bình luận