Tùy theo từng thời điểm, các nội tiết tố khác nhau, mà thực chất là các chất hoá học được tiết ra, sẽ có tác dụng khác nhau lên não bộ, cụ thể là lên hệ thần kinh cảm nhận, và sau đó làm ảnh hưởng tới các quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Các cảm xúc được tạo ra từ những thay đổi rất phức tạp của não bộ và hệ thần kinh dưới tác động của các nội tiết tố và những loại hoá chất khác. Tuy nhiên, có một yếu tố ảnh hưởng rất mạnh đến cách mà não bộ cảm nhận được cảm xúc, đó là tốc độ dẫn truyền thông tin giữa các nơ-ron thần kinh (tức các tế bào thần kinh).
Dựa vào tính chất của các nội tiết tố được tạo ra mà tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh sẽ nhanh hay chậm. Tùy vào tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh, não bộ sẽ cho ta các dạng cảm xúc khác nhau. Chúng ta có thể phân các cảm xúc ra làm 3 dạng cơ bản là cảm xúc tốt, cảm xúc trung tính và cảm xúc xấu.
1/ Cảm xúc tốt – Thức ăn bổ dưỡng cho não bộ
Ðây chính là các cảm xúc mà mọi người đều khao khát để có được.
Cảm xúc tốt là những cảm xúc mà các loại nội tiết tố được tạo ra sẽ tác động có ích cho cơ thể, giúp tăng nhanh tốc độ dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Cảm xúc tốt sẽ tăng cường và hoàn thiện các quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể hồi phục, đào thải các chất độc hại, trẻ hóa các tế bào, giúp các cơ quan chức năng hoạt động hoàn hảo.
Các trạng thái cảm xúc tốt bao gồm: hào hứng, vui vẻ, tự hào, sung sướng, hài lòng, yêu đương, hạnh phúc,. và đặc biệt là các khoái cảm tình dục. Hoạt động tình dục là cách nhanh chóng giúp cho con người đạt được cảm xúc tốt ở mức cao nhất.
Các cảm xúc tốt giúp rút ngắn thời gian lành bệnh và kéo dài tuổi thọ. Các nghiên cứu khoa học tại Canada, New Zealand và Australia cho thấy cho thấy ở những người lớn tuổi nếu vẫn duy trì kéo dài được đời sống tình dục (khoảng 30% trong số các cụ ông từ 70 tới 80 tuổi được hỏi đã có sinh hoạt tình dục trung bình 5 lần trong một tháng – theo Psychology Today) thì tình trạng sức khoẻ của nhóm những người này tốt hơn và họ sống hạnh phúc hơn nhóm người không duy trì được đời sống tình dục.
Cảm xúc tốt chính là kim chỉ nam, là mục đích cho tất cả hoạt động, các nỗ lực của cá nhân trong cuộc sống.
2/ Cảm xúc trung tính – Sự cân bằng của cơ thể
Trong những điều kiện bình thường, cơ thể của con người là một bộ máy sinh học và có các hoạt động cần thiết để duy trì sự sống, sự tồn tại của bản thân. Trong tình trạng cảm xúc này, tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh được duy trì ở mức đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu của cơ thể.
Trạng thái cảm xúc bình thường này chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của bạn. Ðây chính là loại cảm giác trung tính. Trong trạng thái này, tất cả các cơ quan đều hoạt động bình thường, tạo cho chúng ta cảm giác “mọi việc đều ổn”.
Cảm xúc trung tính giúp bạn nhận thức được sự hoạt động bình ổn của cơ thể và đây là trạng thái cân bằng về tinh thần và năng lượng.
3/ Cảm xúc xấu – Những liều thuốc độc
Cảm xúc xấu sẽ tạo ra những chất độc hại, có tác dụng xấu đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tắc nghẽn các dòng dẫn truyền tín hiệu thần kinh, làm rối loạn vòng tuần hoàn máu và dưỡng khí. Cảm xúc xấu sẽ phá vỡ sự cân bằng của quá trình trao đổi chất, dẫn đến tình trạng làm suy yếu các cơ quan chức năng của cơ thể, hủy hoại các tế bào, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tạo ra hàng loạt các loại vấn đề về sức khỏe và các loại bệnh tật.
Trừ một số trường hợp đặc biệt, các cảm xúc xấu luôn là mối hiểm nguy, ảnh hưởng và đe doạ sự tồn tại của cá nhân. Do vậy cảm xúc xấu là loại cảm xúc mà tất cả mọi người đều né tránh, phòng ngừa hay tìm cách triệt tiêu những ảnh hưởng xấu của nó.
Ở một khía cạnh khác, cảm xúc xấu sẽ tạo ra tâm bệnh, mà đây lại là nguyên nhân chính tạo ra hầu hết các loại bệnh tật của con người.
Trong cuộc sống, các loại cảm xúc của con người là những trạng thái tâm lý rất phức tạp. Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng mỗi một cảm xúc đều được tạo ra từ việc bắt nguồn hay pha trộn lẫn nhau giữa những trạng thái cảm xúc khác nhau.
Có một số giả thuyết nêu ra rằng giống như việc hòa các màu sắc cơ bản với nhau, tùy theo tỷ lệ, chúng ta sẽ có hàng triệu màu sắc khác nhau, cảm xúc cũng sẽ có bốn loại căn bản: vui, buồn, yêu, ghét.
Tuy nhiên trong quá trình thử áp dụng để phân tích thì giả thuyết này không thể lý giải được những trạng thái cảm xúc khác nhau như: tự hào, dũng cảm, tin tưởng, tò mò,.
Dưới góc độ khoa học của lý thuyết về cảm xúc, các loại cảm xúc khác nhau mà chúng ta có được là do những tỷ lệ khác nhau của một số hoóc-môn chính trong não bộ mà endorphin và serotonin là hai loại đóng vai trò quan trọng nhất.