“Sốc cảm xúc” là trường hợp các nội tiết tố được tạo ra quá nhiều dưới tác động của một sự kiện nào đó, lượng nội tiết tố tăng cao trong một thời gian cực ngắn, vượt khỏi ngưỡng kiểm soát, làm cho não bộ của cá nhân gần như mất khả năng kiểm soát tình huống.
Theo những tư liệu lưu trữ, tổng thống J.F. Kennedy khi được tin Marilyn Monroe bị đột tử đã choáng váng, vội bỏ hết việc đại sự quốc gia để tới nhà nghỉ của Marilyn.
Stalin đã lặng người khi nghe nước Ðức tấn công Liên bang Xô Viết.
Hàng triệu người Việt Nam khi nghe tin Hồ chủ tịch từ trần đã bật khóc.
Hàng triệu người Pháp đã rú lên, reo hò cuồng nhiệt khi đội tuyển bóng đá Pháp đoạt chức vô định.
Và còn hàng triệu tình huống tương tự xảy ra mỗi ngày tạo nên các cơn sốc cảm xúc cả vui cũng như buồn.
Các cú sốc cảm xúc thường sẽ tạo ra dấu ấn suốt đời trong trí nhớ của bạn. Dưới tác động của một lượng rất lớn các nội tiết tố, hệ thần kinh trung ương của bạn sẽ bị tê liệt. Thông thường các cú sốc cảm xúc mạnh sẽ làm đứng tim, ngừng thở trong một thời gian ngắn. Ðiều này lý giải những hiện tượng chúng ta có thể bị ngất, choáng, đờ người ra khi bị sốc. Các cú sốc có thể tiêu diệt nhiều triệu tế bào thần kinh trong một khoảng thời gian ngắn.
Bất kể là với cảm giác tốt hay xấu, sốc cảm xúc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ vì các cú sốc sẽ làm ảnh hưởng mạnh tới tính cách và tâm lý của trẻ. Các hoàn cảnh tạo ra cơn sốc sẽ làm cho trẻ bị những ám ảnh kéo dài trong suốt cả cuộc đời về sau.
Tương tự như sốc cảm xúc, nhưng “Sự Bùng Nổ Cảm Xúc” lại bắt nguồn từ bên trong, từ các cảm xúc được tích lũy trong một thời gian đủ lâu. Trong tình trạng sốc cảm xúc, cá nhân hoàn toàn bị động trước tác nhân tạo cảm xúc, còn ở tình trạng bùng nổ cảm xúc, bắt đầu là cá nhân rất chủ động nhận thức vấn đề. Tuy nhiên do các hoàn cảnh khích bác nhau, hoặc do quá trình kích hoạt trí nhớ và trí tưởng tượng đã làm tăng nồng độ các nội tiết tố trong não. Khi nồng độ tăng vượt qua ngưỡng kiểm soát của não, các hoóc-môn sẽ làm tê liệt cơ chế tự kiểm soát của não bộ.
Trong tình trạng mất khả năng tự kiểm soát, cá nhân sẽ thực hiện hàng loạt hành động trả đũa theo những kịch bản xấu mà cá nhân vừa chợt nghĩ ra hay đã tưởng tượng ra từ trước.
Sự bùng nổ cảm xúc sẽ tạo ra các vấn đề mới và nghiêm trọng cho bất cứ cá nhân nào, bởi các hành vi tạo ra từ sự bùng nổ cảm xúc thường là những hành vi cực đoan nhất, tạo ra các cảm xúc xấu nặng nề nhất cho các đối tượng có liên quan như tấn công đối tượng bằng vũ lực, làm tổn thương tinh thần đối tượng bằng những lời lẽ, hành vi lăng nhục họ. Sự bùng nổ có thể tạo ra các phản ứng ở mức độ nhẹ hơn như bêu xấu, tác động gián tiếp hoặc dùng những thủ đoạn thâm độc. Sự bùng nổ cảm xúc có thể tạo ra các phản ứng ở dạng tiêu cực như tự tàn hại, hành hạ bản thân, tự tử, đốt nhà, hủy diệt gia đình,. như các bi kịch về tình cảm và quan hệ xã hội.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta rất dễ dàng bị rơi vào các tình huống bùng nổ cảm xúc bởi vì chúng ta chỉ chú ý giải toả các cảm xúc xấu của chính mình và không để ý tới cảm xúc của người khác. Kiểm soát được cảm xúc của bản thân đã là khó, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao chúng ta có thể thấy được, kiểm soát và quản lý được cảm xúc của những người xung quanh.
Ðể kiểm soát và ngăn chặn sự bùng nổ cảm xúc, chúng ta cần có những hiểu biết rõ ràng về cơ chế bùng nổ nêu trên đây để ý thức tránh các tình huống khích bác nhau, hoặc tự điều chỉnh các ý nghĩ, các bức xúc ra xa khỏi vấn đề. Ðiều cốt lõi là chúng ta phải kiểm soát được nồng độ các chất tạo nên sự bùng nổ cảm xúc không đượt vượt qua mức mà não bộ có thể kiểm soát được.