Song song với các sự việc trên đây, chúng ta có thể thấy thêm một khía cạnh nữa của cảm xúc: Mọi người đều mong muốn xác lập sự bình đẳng trong tất cả các trường hợp.
Bắt nguồn từ các phản ứng bản năng là sự tự vệ để duy trì sự tồn tại của bản thân, mỗi cá nhân sẽ có một phản xạ thích hợp trong các tình huống nhằm tạo nên lợi thế tốt nhất để có thể tồn tại.
Theo thuyết tiến hoá của Darwin, các loài sẽ phát triển theo hướng bảo vệ sự sinh tồn và gia tăng số lượng cá thể trong loài của mình càng nhiều càng tốt.
Trong một bầy thú rừng, khi một con thú bị thương, bị tai nạn thì nó sẽ nhận được sự hỗ trợ của đồng loại. Khi một cá thể nhận được sự giúp đỡ, tức nhận được một cảm xúc tốt từ một cá thể khác, nó sẽ hiểu rằng đây là “phe ta”, và bản năng sẽ thôi thúc nó đáp lại bằng một phản ứng tương tự – tức làm một điều tốt tương tự, để giúp cho bầy đàn của “phe ta” mạnh hơn, giúp duy trì giống nòi tốt hơn. Ở trường hợp ngược lại, khi cá thể bị một kẻ thù gây ra một cảm xúc xấu bằng cách tấn công hay làm tổn thương. Bằng bản năng, nó cũng sẽ đáp trả lại một hành động tương tự để làm đối thủ bị suy yếu hoặc bị tiêu diệt.
Do nguồn gốc của chúng ta là một loài động vật cao cấp nên con người cũng có các phản ứng theo bản năng như vậy. Trong quá trình tiến hoá, xã hội loài người đã phát triển ở mức rất cao.
Trí tuệ của con người phát triển rất sâu sắc và tương ứng, tạo ra các loại cảm xúc rất tinh tế và phức tạp trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với xã hội. Các phản ứng ăn miếng trả miếng theo bản năng được biến chuyển thành một khái niệm gọi là “SỰ CÔNG BẰNG”. Trong mỗi xã hội khác nhau, mức độ công bằng cũng được định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên cơ chế có vay có trả – tức ăn miếng trả miếng thì luôn tồn tại và tạo thành một qui luật.
QUI LUẬT CÂN BẰNG CẢM XÚC:
Ðối với người bình thường, khi người khác có tác động tạo cho cá nhân một cảm xúc tốt hay xấu thì cá nhân sẽ tìm cách đáp trả lại cho người đó một cảm xúc tốt hay xấu tương tự để xác lập lại sự cân bằng về cảm xúc.
Trong mỗi việc chúng ta làm, trong mỗi người hay vật mà chúng ta tác động tới đều tạo ra những giá trị cảm xúc khác nhau. Khối giá trị vô hình này cao hay thấp, có giá trị dương (+) tức cảm xúc tốt – hay giá trị âm (-) tức cảm xúc xấu – sẽ đều phụ thuộc vào cảm nhận của người bị tác động.
Tương tự như tiền bạc và vật chất, khi ai đó cho chúng ta mượn, giúp đỡ ta thì nghĩa vụ của chúng ta là phải đền đáp, phải trả lại đầy đủ. Khi ai đó lấy mất của chúng ta tiền bạc hay vật chất thì chúng ta cũng sẽ tìm cách lấy lại bằng cách này hay cách khác.
Do bản chất các mối quan hệ của con người là sự trao đổi và mua bán cảm xúc. Các giá trị vật chất hữu hình như của cải, tiền bạc thực chất đều được chúng ta định giá bằng các cảm xúc có được, tức các giá trị vô hình, là các cảm xúc tốt hay cảm xúc xấu. Vì vậy, dù cho sự vay mượn, sự trao đổi có ở dạng vật chất hay tiền bạc, hay thời gian, hay công sức nào đó thì cũng sẽ được chúng ta cảm nhận qua các giá trị cảm xúc.
Nếu ai đó giúp chúng ta trông em, chúng ta có thể sẽ tìm cách trồng rau giúp họ. Nếu một cá nhân cướp tiền của chúng ta thì theo Luật Cân Bằng Cảm Xúc, chúng ta sẽ tìm cách nào đó để lấy lại tiền của, vật chất, hoặc nếu không lấy lại được thì chúng ta cũng sẽ tìm cách làm cho đối tượng bị thiệt hại, phải chịu đựng những cảm xúc tệ hại tương tự như cái cảm xúc xấu mà họ đã gây ra cho chúng ta, để thiết lập nên “sự công bằng”.
Qui luật Cân Bằng Cảm Xúc luôn là cơ sở nền tảng để con người thực hiện các hành vi trao đổi và mua bán cảm xúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, mọi người đều muốn dành lấy phần càng nhiều càng tốt, do vậy khái niệm cân bằng luôn thường xuyên bị phá vỡ.