NHẬT KÍ #29
(Tiếp theo)
IBARA
Bồng l
Không thể tìm được từ nào hay hơn để diễn tả Ibara. Đúng là một cõi bồng lai. Tất nhiên đó là cõi bồng lai mà mình suýt bị bầy ong sát nhân châm chích cho tới chết và đã bị bắt vì những tội mình không hề phạm. Ngoài hai vụ đó, đây quả là cõi bồng lai.
Bị dẫn ra khỏi túp lều mà mình đã được Telleo săn sóc, rồi bị lôi một cách thô bạo qua mặt cát phẳng, nhưng mình không chống lại. Chúng có ba thằng, mình chỉ có một. Tệ hơn nữa, mình chỉ hoạt động với hai mươi phần trăm sức lực. Lẳng lặng đi, mình cố quan sát chung quanh. Mình muốn biết càng nhiều về Ibara càng tốt. Nhưng không dễ. Ba cái gã đang “áp tải” mình đâu phải hướng dẫn viên du lịch. Mình phải cố gắng nhìn trong khi bị lôi xềnh xệch qua thị trấn
Đúng, thị trấn. Gọi là một làng nhiệt đới có lẽ chính xác hơn. Không nhà cao tầng, chỉ toàn lều gỗ mái cỏ, giống như nơi mình đã nằm điều dưỡng. Hàng trăm căn lều đủ kích cỡ, nối hàng thứ tự, tạo thành những con phố trên cát. Những căn lều này được dựng lên đằng sau những lối đi phủ đầy cát và cách xa nhau. Thay vì những khu vườn, chúng được bao bọc bằng cây lá xanh tươi, lấm tấm những bông hoa đầy màu sắc: đỏ rực, xanh dương sẫm, cam tươi chói lọi, và còn nhiều màu nữa, tất cả đều rực rỡ trong ánh mặt trời nhiệt đới. Mỗi căn lều trông như nằm gọn trong một tổ chim đầy màu sắc. Thơm như một cửa hàng hoa, nhưng không quá nồng mà dịu ngọt. Không khí thật trong lành.
Không xe cộ. Mọi người đều đi bộ. Có người đứng trước lều, đọc sách. Người khác xách giỏ đồ ăn, hoặc những cái hộp chứa đầy thứ – gì – đó – mình – không – biết. Mình thấy có người đang sửa lều, đan cỏ tươi vào mái. Có người đang dựng lều mới. Tất cả đều mặc những bộ đồ đơn giản như mình đã tìm thấy trong ống dẫn. Nhiều đàn ông không mặc áo hay đi giày. Một số phụ nữ mặc váy ngắn. Tất cả trang phục đều nhẹ và đầy màu sắc. Cũng có nhiều trẻ con đang chạy nhảy như, ừm…như trẻ con
Ngôi làng được xây dựng trên một bờ biển xanh êm ả. Bãi biển rộng, cát trắng như bột, ngăn cách những căn lều với mặt nước. Chỉ thoáng nhìn, mình thấy nhiều chiếc thuyền đủ cỡ bập bềnh ngoài bãi. Có thuyền buồm, có thuyền trông như thuyền chài nhỏ. Cũng có người đang câu trên bờ bằng cần câu dài. Bờ biển vòng cung tạo thành một vịnh lớn. Lối vào vịnh trông rộng chừng vài trăm mét. Nước trong vịnh êm như mặt hồ. Phía ngoài lối vào vịnh là những làn sóng trắng nhấp nhô. Đó là biển cả. Những căn lều dựng dọc theo bãi biển vòng cung. Nhưng không chen chúc. Rất nhiều khoảng xanh, cây cỏ và hoa. Những cây cọ cao cho đủ bóng râm, che á trời gay gắt
Ngôi làng dường như được xây dựng trên một vị trí khá là dễ thương. Một bên được vịnh bao la che chở. Bên kia, vượt sừng sững khỏi làng, là ngọn núi xanh hùng vĩ vươn thành đỉnh nhọn. Mình thấy nhiều thác nước đổ xuống từ trên cao, cắt ngang mặt núi xanh tươi. Dưới chân núi, thêm nhiều ngôi lều rải rác trên triền dốc thoai thoải. Thấy giống cảnh bồng lai chưa?
Đây không là một làng nhỏ. Nó giống thành phố nhiệt đới hơn. Một thành phố được bảo vệ hoàn toàn với một bên là nước, một bên là cảnh núi non ngoạn mục. Nó có vẻ như một làng chài thứ thiệt. Tuy nhiên vẫn có những nét kỳ quặc làm cho nơi này có vẻ hơi… khác thường thế nào. Mình không thể đoán nền văn minh này tiến bộ tới đâu. Liệu có phải những ngư dân này chỉ đơn giản sống bằng hái lượm và đánh bắt những gì họ cần từ biển cả không? Hay còn nhiều điều khác nữa? Chắc phải có, căn cứ vào kỹ thuật mình đã thấy. Ngoài điện thoại Telleo đã sử dụng và đèn trong lều, còn có những bóng đèn trên cây cối trong làng. Chứng tỏ họ có điện. Mình cũng đã thấy người ta chăm sóc hoa lá quanh lều bằng vòi tưới. Chứng tỏ họ có máy bơm. Như mình đã kể rồi đó, mình thấy có người đọc sách, có nghĩa là họ có khả năng in ấn
Có những dấu hiệu, lúc đầu không nổi bật, nhưng càng suy nghĩ về chúng, mình càng mù mờ. Những người này không là một nòi giống cá biệt. Mình thấy đủ màu da màu tóc mà bạn có thể tưởng tượng được. Nét mặt cũng pha trộn lung tung. Rõ ràng không là một chủng tộc thuần nhất. Mình không là một nhà nhân chủng học. Nhưng thử nghĩ, nếu một ngôi làng hẻo lánh chỉ do một bộ lạc dựng lên, mọi người trông phải giống nhau chứ. Nhưng không. Những con người này chắc chắn đã đến từ những vùng khác nhau trên Ibara. Mình thật sự bắt đầu cho rằng, ý nghĩ đây là một nơi nghỉ dưỡng có thể không là một ý nghĩ quá xa vời. rất đúng tiêu chuẩn: cảnh đẹp, bãi biển mê hồn, đa sắc tộc, thuyền bè câu cá, thời tiết quá tuyệt và tất cả mọi tiện nghi nhà cửa. Chỉ thiếu những con thuyền kéo người lướt sóng và mấy tay đánh trống thép (Steel drum – một nhạc cụ bằng thép xuất xứ từ Trinidad và Tobago). Có một khúc mắc duy nhất trong giả thuyết của mình.
Tại khu nghỉ dưỡng, người ta không bị lừa gạt bắt bớ và giam giữ do nhầm lẫn. Điều đó sẽ làm hỏng kỳ nghỉ trầm trọng
Hầu hết những gì vừa kể lại đều là những gì mình đã thấy trong mấy phút bị kéo qua làng. Mình có quan sát, trong khi những người qua đường đều quay lại nhìn mình với ánh mắt đầy quan tâm. Tại sao không? Cảnh tượng một thằng lơ mơ, đầy những vết thẹo mới đóng vẩy, bị ba người kéo qua đường phố, đáng nhìn lắm chứ. Mấy người đứng ngoài vỗ tay, kêu lên ủng hộ những kẻ bắt mình:
– Giỏi lắm! Cám ơn các anh! Tuyệt vời!
Vậy là sao? Mình đã làm gì? Chẳng lẽ bị một bầy ong xơi tái là một trọng tội sao?
Trong khi di chuyển qua con đường cát, mình hỏi:
– Chúng ta đang đi đâu đây?
Gã to con càu nhàu:
– Đưa mi tới hội đồng thẩm phán. Họ sẽ quyết định làm gì với mi.
Hội đồng thẩm phán. Nghe như quan chức. Tốt hơn là mình nên bắt đầu nghĩ ra một chuyện hợp lý, như mình là ai, vì sao tới đây. Hình như điều tốt nhất có thể xảy ra với mình là được tống khứ khỏi đây. Ít ra, đó là theo lời Telleo. Mình không muốn nghĩ đến chuyện xấu nhất
Bỗng có tiếng đàn bà la lớn:
– Cứu với! Kẻ cắp!
Ngay lúc đó, hai gã trẻ tuổi chạy ra từ bên kia đường. Mỗi gã vác một bao tải và chạy như… như kẻ cắp. Trông chúng trẻ hơn mình. Một tóc đen dài dợn sóng, da đen, gã kia cũng tóc dài nhưng vàng hoe. Cả hai đều không mặc áo, không mang giày. Hai tên cười ha hả như vừa thoát một trọng án của thế kỷ. Rẽ qua hướng bọn mình, thấy tụi mình, chúng ngừng phắt lại.. và tắt tiếng cười.
Gã tóc vàng hổn hển:
– Chết cha!
Chúng co giò chạy qua hướng khác. Mấy kẻ bắt mình sững sờ, không biết phải làm gì.
Mình đề nghị:
– Có lẽ các anh nên đuổi theo bọn tội phạm thật sự.
Gã to con quát tháo đồng đ
– Đi! Tôi lo nổi thằng này.
Hai gã kia lao theo tên trộm. Bây giờ chỉ còn một-chọi-một. Mình và gã to con. Rất ngượng phải nói là hắn có lý. Chắc chắn hắn có thể “lo nổi” mình. Cuốn sợi dây thừng mảnh qua cổ tay mình, hắn xiết chặt, rồi kéo cánh tay kia của mình ngoặt ra sau lưng, trói bằng đầu dây còn lại. Hắn khóa tay mình. Rất lành nghề. Hắn xô mạnh, mình loạng choạng tiến tới. Qua con đường hai kẻ cắp vừa tẩu thoát, mình thấy hai tay an ninh đã túm được tên trộm tóc đen. Hắn tiêu rồi. Tên bạn tóc vàng của hắn đã thoát. Nhìn cảnh này làm mình phân vân, thành phố nhiệt đới thanh bình này hình như không quá thanh bình. Hình như nơi này thật sự có vấn đề tội phạm.
Mình hỏi gã to con:
– Chính xác thì tôi đã làm gì sai?
Hắt nạt, đúng kiểu đang thi hành công vụ:
– Mi là người ngoài. Người ngoài thì phải đưa tới hội đồng thẩm phán.
Không hay rồi. Mình không có cách nào thuyết phục bất cứ ai mình không là… người ngoài. Vậy nếu người ngoài là xấu, mình sẽ gặp rắc rối. Ít ra, vậy có nghĩa mình không phải giả bộ biết bất cứ điều gì về thành phố của họ. Mình hỏi:
– Chính xác thì hội đồng thẩm phán là gì?
– Là chính quyền của Rayne.
– Thành phố này được gọi là Rayne?
Gã không trả lời. Mình hỏi:
– Sao các anh lại chống đối người ngoài?
Lại không trả lời.
– Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu hội đồng cho rằng tôi có tội chỉ vì là một người ngoài? Điều xấu nhất có thể xảy ra là gì?
Gã nó thẳng thừng:
– Mi sẽ bị tử hình.
Ồ! Chắc chắn đây không phải là nơi nghỉ dưỡng rồi. Bắt đầu lo là vừa.
Chúng mình không nói gì thêm suốt thời gian còn lại của chuyến đi (bị lôi kéo đi) qua làng. Càng xa bờ biển, rừng cây càng rậm rạp. Cây cối dày hơn, tạo thành mái che trên đầu. Qua một bãi trống trong rừng, nơi những đứa trẻ chơi đùa, những căn lều lớn trông như nơi cộng đồng hội họp và thậm chí còn có một khu cửa hàng bán quần áo, dụng cụ, thực phẩm. Một căn lều rộng, trông như một trường học với đám trẻ ngồi thành hàng, đang chăm chú nghe một bà già giảng bài. Chúng mình ngang qua một công trình kiến trúc lớn, có mái che ngoài trời, nơi đang có một buổi trình diễn. Khoảng một trăm người đang ngồi trên cát, lắng nghe một nhóm nhạc công chơi những nhạc cụ làm bằng vật liệu thiên nhiên, như tre và gỗ. nghe cũng khá hay. Có nhiều bộ gõ nhịp, nhịp điệu sôi nổi đã khiến nhiều người bật dậy và… nhảy. Mình không ngại ngừng lại nghe một lúc. Chắc chắn sẽ thú vị hơn là bị lôi tới một nơi rất có thể bị xử tử hình.
Địa hình trở nên dốc hơn, rồi tụi mình phải leo lên những bậc đá. Mấy phút sau, chúng mình tới một vách đá thẳng đứng, trông như một đường cụt. Tới gần hơn, mình thấy tuốt trên cao, trên mặt đá dựng đứng là một lỗ hổng lớn cắt vào núi. Rốt cuộc, đây không phải là đường cùng. Tụi mình vào lòng núi. Quá đúng, con đường dẫn chúng mình vào một hang động đủ lớn để lái một ô tô xuyên qua. Không có gì đáng sợ, trừ khi bạn nghĩ trong đó có những con người quyết định bạn bị xử tử hay không. Một nơi tấp nập người ra vào. Tới gần hơn, mình thấy bên trong sáng trưng với những bóng đèn dài chạy dọc các vách tường. Gã to con đưa mình vào trong, đi học một hành lang dài, trông giống hang động đá đen nơi có ống dẫn. Có những cửa mở sang hai bên, dẫn vào những phòng lớn, nơi mọi người đang tất bật làm việc: may quần áo, chuẩn bị món ăn, sửa chữa những cỗ máy nhỏ. Quả núi này là một tổ ong với những căn phòng và đường hầm. Chắc chắn đây không là những đường hầm thiên nhiên, chúng quá phức tạp. Điều đó có nghĩa là dân làng đã cắt xuyên qua đá. Còn ấn tượng hơn nữa là chuyện có không khí mát mẻ, dù là ở sâu trong lòng núi. Họ có hệ thống thông gió. Ngọn núi sống này, một lần nữa, khẳng định sự thật: đây là một xã hội tiến bộ. Đây là một ngôi làng nguyên thủy hiện đại. Ibara là một điều bí ẩn.
Sau khi đi sâu vào lòng núi, gã to con đẩy mình tới một khoảng trống có những bậc đá lên trên. Mình đứng lại. Vẫn còn xây xẩm vì thuốc, khó chịu vì ong chích, và uể oải vì ngủ vùi suốt năm ngày muốn leo lên bậc thang tí nào. Khổ cho mình là bị thằng cha to con thô bạo xô đẩy. Hai chân mình bắt buộc phải tiến lên. Cầu thang như không bao giờ kết thúc. Cuối cùng mình và hắn cũng lên tới đầu cầu thang, và đụng mặt ngay hai gã bảo vệ lù lù chặn đường. Thấy gã to con áp tải mình, chúng lùi lại nhường lối.
Chúng mình phải qua một tầng và một hang động lớn nữa. Cuối hang là lỗ hổng mình đã thấy từ dưới mặt đất. Ánh sáng từ bên ngoài tràn ngập căn phòng rộng mênh mông, sáng gần như ban ngày. Không gian rộng lớn nhưng trống vắng. Dấu hiệu duy nhất của sự sống là ở cuối phòng, trước lỗ hổng. Ba người đang nói chuyện ở đó.
Gã to con cởi trói, đưa cho mình sợi dây, cảnh báo:
– Đừng giở trò ngu ngốc. Bảo vệ có mặt khắp nơi đó.
Mình gật, thoa nắn cổ tay, mừng vì dây thừng không còn cọ sát vào những vết ong chích đang lành nữa.
Mình hỏi:
– Hội đồng thẩm phán đó hả?
Hắn trả lời bằng cách xô mạnh mình tới phía họ. Thằng cha này bắt đầu làm mình bực. Chốc lát nữa thôi, tương lai của mình trên Ibara sẽ được quyết định. Mình phải nói gì với cái hội đồng này? Nếu là người ngoài là vi phạm luật pháp, thì mình có tội đứt đuôi rồi. Tội đó có đủ để mình phải bị tử hình không? Đầu óc mình rối lên, cố chế ra một câu chuyện hợp lý, vì sao mình không là người ngoài. Nhưng mình có biết tí gì về Ibara hay cái làng gọi là Rayne này đâu. Mình nhìn qua họ, qua cửa hàng. Lúc đầu, ngoài bầu trời mình chẳng thấy gì, rồi mình thấy bờ biển, cuối cùng là những túp lều của ngôi làng phía dưới. Cảnh tượng thật dễ sợ. Nó làm mình nhơ lại khi đứng trên võ đài cao ngất ngưởng trong trận đấy Tato ở Quillan. Nhưng cảnh lúc đó cũng đẹp đến bất ngờ. Mình hẳn đã thưởng thức nhiều hơn nếu không vì lên đó chiến đấu cho tính mạng mình. Hy vọng nguy nan đó không tái diễn trên Ibara
Một ý tưởng chợt đến với mình. Nhớ lại trận đấu Tato đã làm mình nghĩ ra ý đó. Chưa biết sẽ áp dụng ra sao, nhưng đây có thể là hy vọng duy nhất của mình.
Sau một bản dài và thấp là ba ghế rộng. Mặt bàn đầy giấy tờ và một điện thoại nhỏ. Đây là nơi làm việc của hội đồng. Mình thắc mắc vì sao họ phải dụng một căn phòng quá lớn đến thế. Mình đoán, đây là vấn đề an ninh. Không ai có thể tới gần họ mà không bị phát hiện từ xa. Nếu họ bị thần kinh hoang tưởng về người ngoài, còn nơi nào tốt hơn – để bảo vệ các cấp lãnh đạo – là giữa căn phòng mênh mông này?
Có hai phụ nữ và một đàn ông. Người đàn ông tóc hoa râm, còn hai phụ nữ trông giống như những bà mẹ bình thường. Một bà da rất đen, bà kia da trắng và có tàn nhang, đôi mắt hình trái hạnh. Quái lạ! Người đàn ông da trắng nhưng rất là rám nắng. Bộ râu muối tiêu làm ông trông như một thuyền trưởng già. Họ đều mặc y phục xanh lục, nhưng áo dài tay và quần dài. Mình đoán, chắc đây là quan niệm về sự trang trọng của họ. Cả ba bận rộn bàn bạc, cho đến khi người đàn bà da đen nhận ra mình. Bà tar a hiệu cho hai người kia. Họ ngồi ngay thẳng lại trên ghế. Người đàn ông ngồi giữa hai người phụ nữ. Mình được kéo tới một vạch đỏ trên sàn, rồi bị giật khựng lại.
Gã to con ra lệnh:
– Không được vượt qua vạch!
Mình đáp:
– Đừng lo.
Hội đồng thẩm phán bình thản nhìn mình. Mình cố làm ra vẻ vô tội, dù chẳng biết vô tội phải tỏ ra như thế nào. Chủ yếu là mình muốn được tôn trọng và không bị đe dọa. Mình và gã to con cứ đứng như thế trong mấy giây. Không biết họ đang cố làm mình mất tinh thần hay mình phải nói vài câu trước. Mình chọn sự im lặng và lặp đi lặp lại trong đầu những gì sẽ nói khi họ hỏi. Mình đã có một kế hoạch. Một điều chưa từng thử trên những lãnh địa khác. Dường như đây là thời điểm tốt nhất để thử.
Sau cùng người đàn ông ngồi giữa lên tiếng. Giọng trầm tĩnh, đầy uy quyền:
– Ta là Genj, chủ tịch hội đồng thẩm phán Rayne. Còn đây là Moman và Drea.
Người đàn bà da đen là Moman, bà da tàn nhang là Drea.
Sau cùng ông hỏi:
– Còn mi là ai?
Tới rồi. Thực hiện kế hoạch hay là chết. Đúng nghĩa đen. Mình trả lời:
– Tôi đang hy vọng các vị có thể cho tôi biết tôi là ai.
Rõ ràng cả ba đều bất ngờ. Genj nói:
– Ta không hiểu. Ta hỏi: mi là ai?
– Tôi nói là tôi không biết. Tôi nhớ tên tôi, nhưng chỉ thế thôi.
Drea hỏi:
– Tên mi là gì?
– Pendragon. Ít ra là tôi nghĩ vậy. Đầu óc tôi như… trống rỗng. Tôi nhớ là bị ong tấn công… nhưng chỉ lờ mờ. Sau đó, tôi nhớ là tỉnh dậy trong làng của các vị. Không biết đã tới đó bằng cách nào, không nhớ tôi là ai.
Ba thành viên hội đồng nhìn nhau. Không biết phải phản ứng thế nào. Phần mình, giả bộ mất trí là một hành động cực kỳ liều lĩnh. Nhưng không có cách nào có thể thuyết phục họ mình… không là người ngoài. Nếu là người ngoài đồng nghĩa với cái chết, thà mình để họ bán tín bán nghi, may ra mình còn đường thoát.
Moman hỏi:
– Mi định nói là không còn chút ký ức nào trước khi bị ong tấn công?
Mình đã có một lá bài nữa. Nếu gặp may, thì lá bài này sẽ làm họ bối rối hơn một chút.
– Tôi nhớ một điều nữa. Tôi nghĩ.. đó là một cái tên.
Genj hỏi:
– Là gì?
Mình biết chính xác một điều trên Ibara. Mình biết tên của một Lữ khách. Anh ta bị Nevva Winter lừa tới Quillan, bị giết chết trong trận tỉ thí Tato, một trò chơi chết người Quillan. Hy vọng anh sẽ vươn tay ra khỏi mồ để cứu mạng mình. Mình trả lời
– Remudi.
Hiệu quả tức thì. Cả ba thành viên hội đồng ngồi thẳng dậy. Thậm chí gã to con đã bắt mình cũng cứng đờ người. Mình không hiểu vì sao cái tên đó lại gây sốc như vậy, nhưng rõ ràng đã có hiệu quả. Mình tiếp tục.
– Tôi không thể rũ bỏ cái tên đó khỏi đầu. Remudi. Biết đâu, có thể đó mới là tên tôi, và tôi không là Pendragon. Các vị biết tôi là ai không? Các vị biết người nào tên là Remudi không?
Trông họ hoang mang ra mặt. Tốt. Mình cần họ bối rối và tò mò đủ để giữ mình lại, tìm hiểu thêm.
Nhìn gã to con đã áp giải mình, Genj hỏi:
– Báo cáo chúng ta vừa nhận được chính xác không?
Hắn trả lời:
– Tôi nghĩ là chính xác.
Genj ra lệnh:
– Đưa hắn tới gần đây ngay.
Gã to con kính cẩn lùi lại, rồi chạy đi. Mình bị bỏ lại đó, mấy ngón chân sát mí vạch đỏ. Họ đang nói về báo cáo nào? Ai đang được đưa tới đây? Ba thành viên hội đồng lom lom nhìn mình. Mình cảm thấy như đang đứng với chỉ một cái quần tà lỏn. Mình đã làm những gì quyết định làm: làm họ bối rối. Mình không muốn nói thêm điều gì khác nữa, có thể khiến mọi chuyện rối tinh lên.
Genj nói:
– Mi suýt chết. Rất có thể lượng nọc độc ảnh hưởng đến trí nhớ của mi.
Tuyệt! Nếu họ nghĩ hàng ngàn con ong chích làm mình mất trí càng tốt.
Drea hỏi:
– Ngoài ra mi còn thương tích nào khác không?
Mình đáp theo kiểu để ngỏ tình huống:
– Tôi nghĩ là không. Tello bảo, tôi được dân chài cứu. Cô ấy đã giúp tôi rất tận tình.
Với vẻ hài lòng, Moman nói:
– Tello có tài. Nghề của cô ấy là giúp đỡ mọi người. Thậm chí nếu cần, cô ấy cũng sẽ săn sóc cho cả một kẻ Đào tẩu.
Mình thành thật nói:
– Tôi không biết kẻ Đào tẩu là gì
Họ lại nhìn nhau. Họ tin mình không? Có lẽ không. Mình cũng chẳng tin nổi mình. Không biết kẻ Đào tẩu là gì, sao mình biết chắc mình không là một kẻ Đào tẩu?
Genj phát biểu:
– Mi không là dân Rayne. Chúng ta biết chắc chắn như vậy. Nhưng mi có thể đến từ một vùng khác của Ibara. Việc mi biết tên Remudi làm chúng ta tin vậy. Một kẻ Đào tẩu không biết cái tên đó.
Có lẽ cái tên Remudi đã cứu mạng mình. Nhưng Genj nói, có thể mình tới từ một vùng khác của Ibara. Nghĩa là sao? Nếu mình tới từ một vùng khác của Ibara, ông ta sẽ nghĩ mình từ đâu tớ? Họ có biết về những lãnh địa khác không?
Genj nói:
– Mi nên gặp một người. May ra có thể làm sáng tỏ vấn đề mập mờ này.
Mình cảm thấy có người đang bước tới phía sau. Mình không dám quay lại nhìn. Phải. Thú thật là… mình sợ. Mình nghe tiếng gã to con ra lệnh:
– Không được vượt qua vạch đỏ.
Tưởng hắn nói với mình, rồi mình nhận ra hắn đang cảnh cáo người hắn vừa dẫn vào. Hắn báo cáo:
– Nó ăn trộm mấy bộ quần áo và một ụng cụ. Có hai tên. Nhưng tên kia đã chạy thoát.
Bước lên bên mình là gã an ninh to con cùng tên trộm tóc đen mà mình đã thấy bị bắt. Tên trộm trẻ giật tay ra khỏi gã to con, giận dữ nói:
– Buông ra. Tôi không chạy mất đâu.
Quay sang nhìn mình, hắn hỏi:
– Họ bắt anh vì tội gì?
Tên trộm trẻ chẳng chút e dè hội đồng thẩm phán. Hay mình.
Genj nói với hắn:
– Chuyện này đã thành một thói quen rồi đó, Siry. Một thói quen xấu.
Nhóc tên Siry bộp lại ngay:
– Tôi không làm gì xấu. Quần áo đó là của chúng tôi. Chúng tôi đã lao động để có được nó. Người đàn bà đó điên rồi.
Thụi một quả vào lưng Siry, gã to con ra lệnh:
– Lễ độ chút đi!
Siry phản đối:
– Ê! Tôi không có tội. Nói với bà ấy đi. Đáng lẽ bà ta phải trả lương cho chúng tôi.
Chú nhóc rất vênh váo. Vẻ nghiêm nghị trên mặt hội đồng cho thấy họ không tin lấy một lời hắn nói. Mình có cảm giác trước đây họ đã từng thấy trò này.
Chỉ thẳng mình, Genj ra lệnh cho Siry:
– Hãy nhìn người thanh niên này.
Siry liếc qua mình. Mắt trơ trơ. Mình chẳng có ý nghĩa gì với nó. Nó cáu kỉnh hỏi:
– Rồi, có chuyện
Drea hỏi:
– Trước đây mi từng thấy hắn chưa?
Chẳng thèm nhìn lại mình lần nữa, nhóc kia đáp:
– Sao? Hắn cũng lại đổ tội gì cho tôi sao?
Vẻ mất kiên nhẫn, Genj nói:
– Trả lời câu hỏi đơn giản đó ngay, Siry.
Siry cộc cằn đáp:
– Không hề biết hắn.
Moman nói:
– Hắn bảo tên hắn là Pendragon. Mi nghe tên này bao giờ chưa?
Siry bực bội gắt:
– Tôi nói rồi. Tôi không biết hắn.
Genj nói:
– Vậy mà hắn biết tên cha mi.
Mình vội nhìn Siry. Mình có nghe lầm không? Mình buột miệng hỏi:
– Đây là con trai Remudi?
Drea hỏi:
– Điều này có gợi cho mi nhớ thêm gì không?
Ôi trời, nếu có, đây không là điều mình muốn chia sẻ với họ. Mình đáp, đầu có quay cuồng:
– Có thể có nhiều Remudi.
Genj
– Chỉ có một Remudi tại Rayne. Jen Remudi. Đây là con trai của anh ấy. Nhìn hắn đi. Có nét nào quen thuộc không.
Mình chăm chú nhìn hắn. Trông hắn chán ngắt. Thái độ như một thằng du đãng ngoài đường phố. Mình chỉ được thấy Remudi trên màn hình rộng khi anh ta đấu trong trò chơi Tato trên Quillan. Trò chơi đã giết chết anh. Mình cố tìm nét giống nhau trên mặt Siry, nhưng không có tí gì nhắc mình nhớ lại Remudi. Rồi mình chợt nhớ. Remudi là Lữ khách của Ibara. Cho đến bây giờ, mình biết không Lữ khách nào biết cha mẹ ruột của họ. Như vậy có nghĩa: Lữ khách không có con ruột? Có thể Siry là con nuôi, vì vậy không có nét giống nhau?
Điều này dẫn đến một chi tiết khác. Một chi tiết mình rất cần được biết. Vô cùng muốn biết. Siry đang khoanh tay trước ngực, ra cái vẻ khó chịu và thách thức. Vì vậy mình không thể thấy hai bàn tay nó. Quăng sợi dây thừng mình đang cầm trong tay vào tên trộm, mình quát lớn:
– Bắt lấy.
Ngạc nhiên, Siry đưa tay đón bắt sợi dây. Trên ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay phải có một cái vòng xám quen thuộc.
Mình đã tìm ra Lữ khách mới của Ibara.