Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Mục Đích Luận

Tác giả: Thomas Cathcart & Daniel Klein
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Vũ trụ có mục đích không?

Theo Aristotle, mọi vật đều có một telos, tức là một mục đích nội tại mà nó nhằm đạt tới. Một quả sồi có telos: một cây sồi. Đó là cái mà quả sồi “nhằm đạt tới”. Chim có mục đích của chim, ong có mục đích của ong. Người ta nói rằng ở Boston ngay đến những quả đậu cũng có mục đích. Mục đích là một phần trong chính cấu trúc của thực tại.

Nếu các lập luận trên có vẻ hơi trừu tượng, thì trong câu chuyện sau đây, bà Goldstein đã khiến telos trở nên cụ thể.

Bà Goldstein đang xuôi phố cùng hai đứa cháu nội. Một người bạn dừng lại hỏi bà lũ nhỏ mấy tuổi.

Bà đáp, “Thằng bác sĩ này lên năm, còn thằng luật sư kia lên bảy.”

Đời người có telos không?

Aristotle cho rằng có. Ông cho rằng telos của đời người là hạnh phúc, một quan điểm mà các nhà triết học khác đã tranh cãi suốt cả lịch sử loài người. Bảy thế kỷ sau, Thánh Augustine tuyên bố telos của đời người là yêu Chúa. Còn với một nhà hiện sinh thế kỷ hai mươi như Martin Heidegger, thì telos của con người chính là sống không chối bỏ bản chất người đích thực, đặc biệt là không chối bỏ cái chết. Hạnh phúc ư? Vớ vẩn!

Các truyện cười về ý nghĩa cuộc sống đua nhau sinh sôi cùng với các ý nghĩa của cuộc sống, thứ vốn dĩ cũng sinh sôi nảy nở nhanh như các nhà triết học.

Một kẻ tầm sư học đạo nghe nói vị guru thông thái nhất toàn cõi Ấn Độ sống trên đỉnh ngọn núi cao nhất của Ấn Độ. Vì vậy anh ta vất vả lặn lội khắp núi non và thành Delhi cho đến khi tới được ngọn núi trứ danh nọ. Ngọn núi dốc đứng quá sức tưởng tượng, anh ta trầy trật leo lên ngã xuống không ít lần. Lên được tới đỉnh núi, anh ta trầy xước thâm tím khắp cả mình mẩy, nhưng rốt cuộc đã gặp được vị guru đang ngồi kiết già trước cửa hang.

“Ôi, thưa tôn sư thông thái,” kẻ tầm sư học đạo lên tiếng. “Con đến để hỏi thầy bí mật của cuộc sống là gì ạ.”

“À, bí mật của cuộc sống,” vị guru nói. “Bí mật của cuộc sống là một tách trà.”

“Một tách trà? Con cực nhọc đi bao đường đất tới đây để tìm ý nghĩa cuộc sống, thế mà thầy lại bảo con rằng nó là một tách trà thôi ư!”

Vị guru nhún vai. “Vậy có thể nó không phải là một tách trà.”

Như vậy, vị guru thừa nhận rằng xác định được telos của cuộc sống là điều nan giải. Hơn nữa, không phải với ai nó cũng là một tách trà.

Có sự khác biệt giữa telos của cuộc sống – thứ mà con người được ấn định phải là – và những mục tiêu riêng của cá nhân trong cuộc sống – thứ mà anh ta muốn là. Liệu Sam, chàng nha sĩ trong câu chuyện dưới đây, thực ra đang tìm kiếm telos phổ quát của cuộc sống hay đơn giản chỉ giải quyết vấn đề của cá nhân mình? Nhưng bà mẹ anh ta thì rõ ràng là có hình dung riêng về telos của cuộc đời con trai bà.

Một nha sĩ người Philadelphia là Sam Lipschitz sang tận Ấn Độ để tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hàng tháng trời đã trôi qua mà mẹ anh ta không nhận được tin tức gì của con mình. Cuối cùng, bà bèn đáp máy bay sang Ấn Độ và hỏi thăm xem người thông thái nhất xứ đó sống ở đâu. Bà được chỉ đường đến một tịnh thất, nơi người canh cửa nói với bà rằng bà có thể phải đợi một tuần lễ để được tiếp kiến guru, và khi gặp, bà chỉ được phép nói ba từ với ông ấy. Bà mẹ đã đợi, cẩn thận chuẩn bị những lời định nói. Khi rốt cuộc cũng được dẫn vào gặp nhà thông thái, bà nói với ông ta, “Sam, về nhà!”

___oOo___

Hãy tra từ “Siêu hình học” (Metaphysics) trong từ điển, bạn sẽ thấy rằng nó xuất phát từ tên một khảo luận của Aristotle, và rằng nó giải quyết những vấn đề trừu tượng vượt ra ngoài (meta) quan sát khoa học. Nhưng đây hóa ra lại là một trường hợp mà trong tiếng Latin gọi là post hoc hokum (từ cái sai này dẫn đến cái sai khác). Trên thực tế, Aristotle chưa bao giờ gọi khảo luận của ông là “Siêu hình học”, hơn nữa cái tên này không dính dáng gì đến việc các vấn đề được đề cập đến trong khảo luận nằm ngoài phạm vi của khoa học. Thật ra, nó được người sắp xếp tuyển tập của Aristotle đặt cho cái tên này vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên. Ông ta chọn tên này vì chương đó “vượt ra ngoài” (có nghĩa là “có sau”) khảo luận của Aristotle về “Vật lý” (Physics).

***

 

Chọn tập
Bình luận