Tất cả chúng ta đều biết lãnh tụ nổi tiếng thể kỷ hai mươi Vladimir Lenin từng nói, “Mục đích biện minh cho phương tiện.” Thật trớ trêu, câu này khá gần với quan điểm của một trong những triết gia yêu thích của nhóm vận động theo Đảng Cộng hòa, John Stuart Mill. Mill và những nhà vị lợi chủ nghĩa đề xuất một thứ đạo đức học “vị kết quả”: Sự đúng đắn về mặt đạo đức của một hành động chỉ được xác định bằng kết quả của nó.
Nhân vật chính trong câu chuyện sau đây rõ ràng là một người vị lợi:
Bà O’Callahan đề nghị ông họa sĩ đã vẽ xong chân dung mình vẽ thêm đôi vòng vàng trên hai cổ tay, một chuỗi hạt trân châu quanh cổ, đôi bông tai hồng ngọc, và một mũ miện bằng kim cương.
Họa sĩ lưu ý bà rằng làm thế khác nào nói dối.
Bà O’Callahan nói, “Anh biết không, chồng tôi đang chạy theo một cô ả tóc vàng. Sau khi tôi chết, tôi muốn nó phát rồ lên mà đi tìm những món châu báu này.”
Lối biện minh này có thể khiến chúng ta thỏa hiệp với những vấn đề nghiêm trọng, nếu cảm thấy kỳ vọng được vào những kết quả đủ “tốt”.
Bà quả phụ Brevoort đang dạo vẩn vơ bên hồ bơi ở câu lạc bộ thì trông thấy một anh chàng đẹp trai đang tắm nắng. Bà rụt rè đến gần anh ta và thốt lên, “Ồ, tôi không nghĩ mình đã từng trông thấy anh ở đây.”
“Có lẽ vậy, người kia nói. “Tôi đã ở tù ba mươi năm.”
“Thật không? Vì tội gì?”
“Tôi giết vợ.”
“A!” bà Brevoort vui mừng. “Có nghĩa là anh đang độc thân!”
Triết gia vị lợi đương đại nổi tiếng Peter Singer thường so sánh để tìm sự giống nhau giữa các quyết định mà chúng ta đều đồng ý là dẫn đến hậu quả khủng khiếp và các quyết định có vẻ nhân từ hơn – về mặt đạo đức ông cho rằng chúng như nhau. Trong một tiểu luận, ông đặt ra tình huống trong đó một người có thể kiếm tiền mua ti vi mới bằng cách bán một đứa trẻ vô gia cư cho một nghiệp đoàn thu mua nội tạng để cấy ghép. Khủng khiếp, tất cả chúng ta đều nhất trí. Nhưng Singer lại lập luận tiếp, rằng khi một người lại đi mua ti vi mới thay vì góp số tiền đó cho quỹ từ thiện bảo vệ trẻ em vô gia cư, về bản chất hành động của anh ta là y hệt người kia. Bạn có thấy ghét khi ông ấy nói như vậy không? Đó là một lập luận loại suy đi từ trường hợp kịch tính cá biệt đến một tuyên bố đạo đức chung, giống như trong truyện cười kinh điển sau đây:
Chàng: Em có chịu ngủ với anh lấy một triệu đô la không?
Nàng: Một triệu đô ư? Chà! Em nghĩ là có.
Chàng: Thế hai đô la thì sao?
Nàng: Biến đi, ông kễnh! Anh nghĩ tôi là hạng người nào chứ?
Chàng: Hạng người nào thì chúng ta đã xác định xong rồi. Bây giờ chỉ là thỏa thuận xem giá cả thế nào thôi.