Nguyên tắc bao quát của Kant, tiêu chuẩn cho tất cả các châm ngôn đạo đức khác, là cái mà ông gọi là “mệnh lệnh tuyệt đối tối cao”. Thoạt nghe qua, mệnh lệnh này có vẻ như phiên bản tân trang của một quy tắc vàng cổ xưa.
Quy tắc vàng: “Hãy làm cho người khác điều mà anh muốn người khác làm cho anh.”
Mệnh lệnh tuyệt đối tối cao: “Hãy chỉ hành động theo châm ngôn nào mà anh đồng thời có thể muốn nó trở thành quy luật phổ quát.”
Tất nhiên, diễn đạt của Kant nghe nhất định là lạnh lùng hơn. Bản thân thuật ngữ “mệnh lệnh tuyệt đối tối cao” nghe đầy chất Đức. Nhưng Kant không làm khác được, ông là người Đức.
Tuy nhiên, mệnh lệnh tuyệt đối và quy tắc vàng thực sự có chung một lãnh địa khá rộng lớn trong triết học:
Nhưng giữa mệnh lệnh tuyệt đối và quy tắc vàng có một khác biệt cơ bản – và nó đã được lột tả rất xuất sắc trong câu chuyện cười ngắn sau đây:
Kẻ bạo dâm là một kẻ khổ dâm tuân theo nguyên tắc vàng.
Khi làm đau người khác, kẻ khổ dâm chỉ thực hiện điều mà nguyên tắc vàng đòi hỏi: làm cho người khác điều y muốn người khác làm cho y, với một ngọn roi thì càng thích. Nhưng Kant có lẽ sẽ nói rằng khó có kẻ khổ dâm nào dám thành thực tuyên bố rằng mệnh lệnh đạo đức “làm đau người khác”, có khả năng trở thành nguyên tắc chung cho một thế giới đáng để sống. Thậm chí người khổ dâm cũng thấy điều đó là phi lý.
Những kiến giải tương tự đã dẫn nhà soạn kịch người Anh George Bernard Shaw đến chỗ giễu nhại quy tắc vàng như sau:
“Đừng làm cho người khác điều mà anh muốn người khác làm cho anh; họ có thể có sở thích khác.”
___oOo___
Những biến thể của quy tắc vàng được bắt gặp không chỉ ở Kant, mà cả trong nhiều truyền thống tôn giáo trên khắp thế giới:
HINDU GIÁO (khoảng thế kỷ mười ba trước C.N):
Đừng làm cho kẻ khác những gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình… Đây là toàn bộ Dharma (Pháp). Hãy nhớ kỹ.
Mahabharata
Trong triết học Ấn Độ, Dharma (Pháp – luật và giáo pháp nói chung) có nhiều tầng ý nghĩa, được hiểu và giải thích từ những góc độ khác nhau. Theo truyền thống Hindu giáo, một người thực hành đúng Pháp là thực hành theo những gì đã được quy định trong các thánh điển. Trong Mahabharata, thực hành Pháp là thực hành theo tám nguyên tắc: sùng kính thần linh, học hỏi, bố thí, khổ hạnh, chân thật, tha thứ, từ mẫn và không tham lam..
DO THÁI GIÁO (khoảng thế kỷ mười ba trước C.N):
Điều ngươi không ưa thì chớ làm cho người bên cạnh; đó là toàn bộ Torah (Năm quyển đầu của bộ Kinh Thánh Do Thái, thường gọi là Luật Giao Ước hay Ngũ Kinh của Moses); phần còn lại đều là bình chú; hãy học lấy điều này.
Talmud Babylone
HỎA GIÁO (khoảng thế kỷ mười hai trước C.N):
Bản tính con người chỉ là thiện khi không gây cho kẻ khác bất kỳ điều gì không là thiện đối với chính mình.
Dadistan-i-Dinik
PHẬT GIÁO (khoảng thể kỷ sáu trước C.N):
Đừng gây cho người khác nỗi đau mà chính anh cảm thấy là đau đớn.
Dhamamapada Tây Tạng (Kinh Pháp Cú)
KHỔNG GIÁO (khoảng thế kỷ sáu trước C.N):
Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác).
Khổng Tử (Luận Ngữ)
HỒI GIÁO (khoảng thế kỷ bảy):
Không ai trong các ngươi thành tín đồ được cho tới khi các ngươi muốn cho người khác những gì các ngươi muốn cho chính mình.
“Sunnah”, trích Hadith
BAHÁ’Í (khoảng thế kỷ mười chín):
Chớ gây cho bất kỳ ai khác điều ngươi sẽ không tự gây ra cho chính mình, và chớ nói với bất kỳ ai điều ngươi sẽ không nói với mình. Đây là mệnh lệnh của ta dành cho ngươi, hãy tuân thủ.
Bahá’u’lláh, Ẩn Ngữ
THUYẾT SOPRANO (thế kỷ hai mươi mốt)
Hãy nện gã bên cạnh anh với lòng kính trọng mà anh muốn được hưởng khi bị nện, hiểu chưa?
Câu thoại của nhân vật Tony Soprano
[Một tên tội phạm người Mỹ gốc Ý trong bộ phim truyền hình nổi tiếng The Sopranos (đạo diễn David Chase)].
***