Sau khi bay lên những đỉnh cao trừu tượng, triết học lại hạ cánh bằng cuộc tiếp đất nhẹ nhàng xuống những kinh nghiệm bình thường của đời sống thường nhật. Điều này xảy ra với nhận thức luận vào đầu thế kỷ hai mươi, khi các nhà hiện tượng luận tranh cãi “biết một cái gì đó” thực sự nghĩa là gì. Là một phương pháp luận hơn là tập hợp các nguyên lý triết học, hiện tượng luận tìm cách hiểu kinh nghiệm con người như nó đang sống chứ không như những dữ liệu khách quan. Cách tiếp cận này giống của một tiểu thuyết gia hơn là của một triết gia thiên về trừu tượng.
Từ tiếng Đức einfühlung có nghĩa là “thấu cảm” hay “đồng cảm” được các nhà hiện tượng luận như Edmund Husserl dùng để nói về phương pháp nhận thức tìm cách thâm nhập vào kinh nghiệm của người khác để tri giác thế giới theo cùng cách mà người đó tri giác; hay nói cách khác là đặt mình vào vị trí của người khác.
“Bác sĩ Janet,” người phụ nữ bối rối nói. “Tôi có vấn đề về tình dục. Chồng tôi không thể làm tôi hứng lên được.”
Bác sĩ Janet nói, “Thôi được, ngày mai tôi sẽ khám kỹ. Hãy đưa cả chồng chị đến nhé.”
Hôm sau, người phụ nữ đến cùng với ông chồng. “Xin hãy cởi quần áo ra, ông Thomas,” bác sĩ nói. “Bây giờ hãy xoay một vòng. Tốt lắm, còn bây giờ xin hãy nằm xuống. À-há, tôi thấy rồi. Xong rồi, ông có thể mặc lại quần áo.”
Bác sĩ Janet kéo người phụ nữ sang một bên. “Chị hoàn toàn khỏe mạnh,” cô nói. “ông ấy cũng không làm tôi hứng lên được.”
xXx
DIMITRI: Phải công nhận, Tasso ạ, cái món nhận thức luận này đáng để biết lắm.
TASSO: Đáng? Về phương diện nào? Cậu nói “đáng” ý là sao?
DIMITRI: Trước khi trả lời, tôi có một câu hỏi cho cậu. Cậu có biết “nhọt mông” nghĩa là gì không?