*Tiếng Latinh, có nghĩa là: “Đến sau do đó là hậu quả của cái trước” – một lỗi logic có thể diễn giải như sau: “Vì sự kiện đó đi sau sự kiện này, nên sự kiện đó do sự kiện này mà ra.”
Trước hết, xin nói qua về tập quán xã hội của thuật ngữ này: trong một số nhóm giao tiếp, khi được thốt lên kèm một bộ mặt nghiêm trang, câu này có thể giúp bạn gặp may ở một bữa tiệc. Thật thú vị, hiệu quả sẽ ngược lại hoàn toàn khi nó được nói bằng tiếng Anh: “After this, therefore because of this.” (“Đến sau, do đó là kết quả của cái trước.”) Hãy tự tìm hiểu đi.
Câu này mô tả lỗi giả định rằng vì một sự vật theo sau sự vật khác, nó phải do cái kia gây ra. Vì những lý do rõ ràng, cách suy luận sai lầm này phổ biến trong những diễn ngôn chính trị xã hội, như “phần lớn những người dính vào heroin đều bắt đầu từ cần sa”. Đúng, nhưng còn nhiều người bắt đầu từ sữa hơn.
Post hoc được luận giải khá thú vị trong một số nền văn hóa: “Mặt trời mọc khi gà gáy, do đó tiếng gà gáy làm mặt trời mọc.” Cảm ơn gà trống nhé. Hoặc đây, một câu chuyện của đồng nghiệp chúng tôi:
Sáng nào cô ấy cũng bước ra trước hiên nhà và trang trọng nói lớn, “Cầu cho ngôi nhà này không bị lũ hổ quấy nhiễu!” Rồi lại bước vào.
Cuối cùng, chúng tôi bảo cô ấy, “Cô nói cái gì thế? Trong bán kính một nghìn dặm quanh đây làm gì có hổ.”
Cô ấy đáp, “Các anh thấy chưa? Có tác dụng thế còn gì!”
Truyện cười theo mô tip post hoc sinh sôi tỷ lệ thuận với những nhầm lẫn của con người.
Một quý ông Do Thái lớn tuổi cưới một cô vợ trẻ, và họ yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, dù đức ông chồng nỗ lực cách mấy trên giường, chị vợ cũng không bao giờ đạt cực khoái. Vì một người vợ Do Thái có quyền hưởng khoái cảm tình dục, nên họ quyết định đến hỏi giáo sĩ. Nghe đôi vợ chồng trình bày xong, ông giáo sĩ vuốt râu, và đưa ra lời gợi ý sau đây:
“Hãy thuê một thanh niên to khỏe. Khi hai người làm tình, thì nhờ anh ta vẫy vẫy chiếc khăn tay ở phía trên. Việc đó sẽ giúp cho người vợ trở nên mơ màng và hẳn sẽ đem lại cực khoái.”
Đôi vợ chồng đi về nhà và làm theo lời khuyên của giáo sĩ, họ thuê một anh chàng đẹp mã vung vảy chiếc khăn khi họ làm tình. Vô ích, chị vợ vẫn không thỏa mãn.
Bối rối, họ lại tìm tới ông giáo sĩ. “Thôi được,” giáo sĩ nói với đức ông chồng, “hãy thử làm ngược lại. Để người thanh niên làm tình với vợ ông, còn ông thì vẫy khăn phía trên họ.” Một lần nữa, hai vợ chồng lại làm theo lời khuyên của giáo sĩ.
Anh chàng đẹp trai lên giường với chị vợ, còn ông chồng đứng vẫy khăn. Chàng trai vào việc hết sức khí thế, chẳng mấy chốc chị vợ đã cực khoái, la hét rung chuyển cả căn buồng.
Người chồng mỉm cười nhìn chàng trai, đắc thắng nói, “Thằng đần ạ, phải biết vẫy khăn như thế chứ!”
Tiếp nhé, một truyện cười post hoc cuối cùng. Chắc chắn đấy.
Trong nhà dưỡng lão, một ông lão ngoại bát tuần diện quần lửng màu hồng tươi đến gặp một bà sắp lên lão và nói, “Hôm nay là sinh nhật tôi!”
“Tuyệt,” bà kia đáp. “Tôi cá tôi có thể nói chính xác ông bao nhiêu tuổi.”
“Thật ư? Bao nhiêu?”
Bà kia nói, “Dễ lắm, ông cởi quần ra.”
Ông già cởi quần.
“Tốt lắm,” bà ta nói, “bây giờ cởi tiếp quần đùi ra.”
Ông lão làm theo lệnh của bà ta. Bà ta sờ mó ông một lúc rồi nói, “Ông tám mươi tư tuổi!”
Ông lão sửng sốt, “Sao bà biết?”
Quý bà đáp, “Ông nói với tôi hôm qua.”
Ông lão đã sập một cái bẫy cũ nhất trong những cái bẫy được mô tả trong sách này, post hoc ergo propter hoc: quý bà nói tuổi của ông lão sau khi sờ mó, còn ông lão nghĩ vì đã sờ mó nên bà ta đoán được… Những thứ gọi là nhân quả này lúc nào cũng khiến người ta lẫn lộn.
Nói chung, chúng ta thường bị post hoc ergo propter hoc đánh lừa vì không để ý đến tác động của một nguyên nhân khác.
Một thằng bé người New York được anh họ dẫn đi qua đầm lầy ở Louisiana. “Có phải cá sấu sẽ không tấn công nếu mình mang theo đèn pin không?” thằng bé thành thị hỏi.
Anh họ nó đáp, “Tùy mày mang đèn pin có nhanh không?”
Thằng bé thành thị nghĩ đèn pin là proter (nguyên nhân) trong khi nó chỉ là chỗ dựa tinh thần.