Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Đức Tin Vào Thượng Đế

Tác giả: Thomas Cathcart & Daniel Klein
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Người theo thuyết Bất khả tri là người nghĩ rằng sự tồn tại của Thượng đế không thể chứng minh bằng những chứng cớ hiện có, nhưng người đó không phủ nhận khả năng Thượng đế có tồn tại. Người bất khả tri chỉ đứng sau người vô thần một bước, người vô thần coi nghi vấn về sự tồn tại của Thượng đẽ đã chấm dứt. Nếu hai người cùng phát hiện thấy một bụi cây bốc cháy có tiếng kêu, “Ta là cái mà ta là,” người bất khả tri sẽ đi kiếm cái máy ghi âm giấu trong bụi, còn người vô thần chỉ nhún vai và lấy kẹo ra nhai.

Theo sách Xuất hành hay Xuất Ê-díp-tô (quyển sách thứ hai trong Cựu Ước), Thiên Chúa đã hiện ra với Moses trong ngọn lửa giữa bụi cây, lựa chọn Moses làm thủ lĩnh để đưa dân Do Thái rời khỏi Ai Cập đến Đất Hứa.

Hai ông bạn Ireland đang nhậu trong quán thì trông thấy một ông hói ngồi uống một mình ở góc cuối quán.

Pat: Này, kia chẳng phải là Winnie Churchill đó sao?

Sean: Không. Không thể là ông ấy. Winnie sẽ không đến những chỗ như thế này.

Pat: Tớ không đùa cậu đâu. Nhìn kỹ đi. Tớ thề đó là Winnie Churchill. Cá với cậu mười đô là tớ đúng.

Sean: Cậu cứ thử đi!

Pat đi xuống cuối phòng và nói với người hói, “Ông là Winnie Churchill đúng không?”

Ông hói quát lên, “Biến ngay cho khuất mắt tao, thằng ngu!”

Pat quay lại chỗ Sean và nói, “Hừ, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được, đúng không?”

Winston Churchill (1874-1965): chính trị gia người Anh, nổi tiểng nhất với cương vị Thủ tướng Anh trong Thế chiến II. Ông từng là một người lính, nhà báo, nhà văn, họa sĩ. Churchill, nói chung, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh và lịch sử thế giới, ông là Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel văn học (1953).

Đó chính là tư duy của người bất khả tri.

Người vô thần thì lại khác. Từ lâu các nhà triết học đã nhất trí rằng thật vô ích nếu để người có đức tin và người vô thần tranh luận. Đó là bởi vì họ hiểu khác nhau về mọi thứ. Để tranh luận được, cần có một cơ sở chung, để cho một trong hai bên có thể nói, “A ha! Nếu anh đã công nhận X, thì anh cũng phải công nhận Y!” Người vô thần và người có đức tin không bao giờ tìm được một X mà họ có thể nhất trí. Tranh luận không bao giờ bắt đầu được, vì mỗi người nhìn mọi thứ từ điểm nhìn của riêng mình. Điều này hơi trừu tượng, nhưng câu chuyện dưới đây sẽ khiến nó gần với hiện thực, hay nói đúng hơn là đến thẳng nhà láng giềng.

Một bà cụ bé nhỏ theo Cơ Đốc giáo sáng nào cũng ra đứng trước cổng và kêu lên, “Đội ơn Chúa!”

Và sáng nào người vô thần nhà hàng xóm cũng hét lên đáp lại, “Làm gì có Chúa!”

Cứ tiếp diễn như thế hàng tuần liền. “Đội ơn Chúa!” bà già kêu lên. “Làm gì có Chúa!” người hàng xóm quát lại.

Thời gian trôi đi, bà cụ dần trở nên túng thiếu đến không có cả tiền mua thức ăn. Một hôm, bà đi ra cổng và kêu xin Chúa cứu giúp, rồi nói, “Đội ơn Chúa!”

Sáng hôm sau khi ra cổng, bà nhìn thấy những đồ ăn đã cầu xin. Tất nhiên, bà kêu lên, “Đội ơn Chúa!”

Người vô thần từ sau một bụi cây nhảy ra và nói, “Ha ha! Thực phẩm ấy là tôi mua đấy. Làm gì có Chúa!”

Bà già nhìn ông ta và mỉm cười. Bà kêu to, “Con cám ơn Chúa! Người không chỉ ban thức ăn cho con, Người còn bắt quỷ Satan phải trả tiền nữa!”

___oOo___

Trong cuốn sách bán chạy năm 2005 của mình, Sự cáo chung của đức tin, Sam Harris đã chia sẻ về sự cố chấp của đức tin tôn giáo dựa trên những quan sát của cá nhân ông: “Nói với một người Cơ Đốc ngoan đạo rằng anh ta đang bị vợ lừa, hoặc sữa chua đông lạnh có thể làm cho người ta tàng hình, thì như bất cứ ai, anh ta nhất định sẽ đòi hỏi những chứng cớ đủ thuyết phục. Còn nếu bảo rằng quyển sách anh ta để ở đầu giường do một vị thần vô hình viết ra, và vị thần này sẽ trừng phạt anh ta bằng ngọn lửa vĩnh cửu nếu anh ta không chấp nhận những tuyên bố khó tin trong đó, thì dường như anh ta không đòi hỏi bất cứ bằng chứng nào.”

Sam Harris không nhắc đến khía cạnh bất lợi của người vô thần – anh ta không có ai để kêu tên khi cực khoái.

***

Nhà toán học và triết học Pháp thế kỷ mười bảy Blaise Pascal lập luận rằng quyết định có tin Chúa hay không thực chất là tham gia vào một cuộc cá cược. Nếu chúng ta chọn hành động như thể có một Đức Chúa nhưng rốt cuộc lại không có, thì chúng ta không mất mát gì nhiều lắm. Ờ, có thể chúng ta mất cơ hội tận hưởng những lạc thú liên quan tới Bảy Tội Trọng (Tức giận, tham lam, lười biếng, kiêu căng, dâm ô, ghen ghét, háu ăn), nhưng chuyện đó quá vặt vãnh so với những lựa chọn khác. Nếu chúng ta tin không có Chúa mà rốt cuộc lại có Chúa, thì chúng ta sẽ mất phần thưởng lớn nhất là phúc lạc vĩnh hằng. Do đó, theo Pascal, sống như thể có Chúa là chiến lược tốt hơn. Các học giả gọi đó là “Canh bạc của Pascal”. Đối với phần còn lại chúng ta, chiến lược đó được coi là bảo hiểm rủi ro.

Nảy ra ý tưởng từ cuốn Tư tưởng (Pensées) của Pascal, một bà già nhỏ thó ôm theo cái túi đựng 100.000$ tiền mặt vào ngân hàng yêu cầu mở tài khoản. Ông chủ ngân hàng thận trọng hỏi bà ta lấy đâu ra số tiền ấy. “Đánh bạc,” bà già nói. “Tôi chơi bạc giỏi lắm.”

Ông chủ ngân hàng tò mò hỏi tiếp, “Bà hay chơi trò nào thế?”

“Ồ, đủ các trò,” bà nói. “Chẳng hạn, ngay bây giờ tôi cá với ông 25.000$ là trưa mai mông bên phải của ông sẽ có hình xăm con bướm.”

“Được, tôi nhận vụ cá cược này,” ông chủ ngân hàng đáp, “nhưng tôi thấy không phải lẽ khi lấy tiền của bà trong một vụ cá cược phi lý như thế này.”

“Vậy để tôi nói với ông thế này,” bà già nói. “Nếu ông không nhận cá với tôi, thì tôi phải tìm một ngân hàng khác để gửi tiền.”

“Ấy, ấy, đừng vội vã thế,” chủ ngân hàng nói. “Tôi nhận cá với bà.”

Trưa hôm sau bà già quay lại ngân hàng cùng luật sư để làm chứng, ông chủ ngân hàng quay người đi, tụt quần ra để hai người thấy rằng ông ta đã thắng cược. Bà già nói, “Ô kê, nhưng ông cúi thấp chút nữa để nhìn cho rõ được không?” Ông chủ ngân hàng làm theo yêu cầu. Bà già công nhận thua cuộc, chi ngay ra 25.000$ tiền mặt.

Trong khi đó, ông luật sư ngồi hai tay ôm đầu. “Có chuyện gì với ông ấy thế?” chủ ngân hàng hỏi.

“À, chẳng qua ông ấy bị thua đau,” bà già đáp. “Tôi cá với ông ấy 100.000$ rằng trưa nay ông sẽ phải vạch quần khoe mông trong văn phòng của ông.”

Có một đường ranh giới mong manh giữa bảo hiểm rủi ro và ăn gian chênh lệch cá cược. Hãy xem chiến lược Pascal mới này:

Ngày đầu tiên của lễ Rosh Hashanah (Lễ năm mới của người Do Thái), một người mang con vẹt đậu trên vai bước vào thánh đường. Anh ta cược với mấy người rằng con vẹt có thể điều khiển buổi lễ hay hơn trưởng ca đoàn. Tuy nhiên đến thời điểm cần thiết thì con vẹt im lặng. Sau đó về nhà, người ấy mắng mỏ con vẹt và cứ than vãn mãi vì thua cuộc. Con vẹt bèn nói, “Phải động não đi chứ, đồ ngốc! Anh hãy nghĩ đến khả năng chúng ta sẽ thắng trong lễ Yom Kippur!”

Ồ, biết đâu con vẹt này sẽ đúng. Có lẽ chúng ta có thể ăn chênh lệch cá cược trong canh bạc Pascal để vẫn được chơi golf vào sáng Chủ nhật mà không làm Chúa Trời nổi giận, nếu như ngài tồn tại! Chúa biết tất cả chúng ta đều thử mánh này.

 

Chọn tập
Bình luận