Nhiều sai lầm triết học nảy sinh từ việc nhìn nhận những chân lý tương đối như thể tuyệt đối. Thomas Jefferson, ảnh hưởng từ nhà triết học Anh John Locke, tuyên bố rằng quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là “hiển nhiên”, có lẽ vì ông nghĩ chúng là những giá trị phổ quát và tuyệt đối. Nhưng điều này rõ ràng không phải là hiển nhiên đến mức như thế đối với một người từ nền văn hóa khác – ví dụ, một tín đồ Hồi giáo cực đoan coi mưu cầu hạnh phúc chính là bản tính của những kẻ dị giáo.
Cũng có thể có sai lầm ngược lại. Chúng ta có thể quy tính tương đối cho một thứ tuyệt đối.
Người gác trên một chiếc tàu chiến phát hiện ra có ánh sáng phía trước mũi tàu. Viên thuyền trưởng bảo anh ta đánh tín hiệu cho tàu kia. “Yêu cầu anh đổi hướng hai mươi độ ngay lập tức!”
Câu trả lời đáp lại, “Yêu cầu anh đổi hướng hai mươi độ ngay lập tức!”
Viên thuyền trưởng nổi cáu, ông ta đánh tín hiệu, “Tôi là thuyền trưởng. Chúng ta sắp đâm vào nhau. Hãy đổi hướng hai mươi độ ngay tức khắc!”
Câu trả lời đáp lại, “Tôi là thủy thủ binh nhì, tôi khẩn thiết yêu cầu ông thay đổi hướng tàu của ông đi hai mươi độ.”
Lúc này viên thuyền trưởng giận điên người. Ông ta đánh tín hiệu, “Tôi là một tàu chiến!”
Câu trả lời nhận được, “Tôi là một hải đăng.”
Lần tới hãy nghiền ngẫm các ý tưởng sâu sắc này về tính tương đối, khi bạn gọi món ăn Trung Hoa, hay nói đúng hơn là thứ mà người Trung Hoa gọi là món ăn.
xXx
DIMITRI: Vậy là, Tasso ạ, cậu có vẻ là một trong những gã cho rằng không có chân lý tuyệt đối, vì mọi chân lý đều tương đối.
TASSO: Cậu nói đúng.
DIMITRI: Cậu chắc chắn về điều đó chứ?
TASSO: Tuyệt đối.