Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Bản Chất Luận

Tác giả: Thomas Cathcart & Daniel Klein
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Cấu trúc của thực tại là gì? Những thuộc tính đặc thù nào khiến sự vật là chính nó? Hay như các nhà triết học quen nói: Những thuộc tính nào không làm cho sự vật không phải là nó?

Aristotle rút ra sự khác biệt giữa đặc tính bản chất, và đặc tính ngẫu nhiên. Theo cách ông trình bày, đặc tính bản chất là những tính chất mà nếu không có chúng thì sự vật không còn là nó nữa, còn đặc tính ngẫu nhiên là những tính chất xác định sự vật như thế nào, chứ không phải nó là gì. Chẳng hạn, Aristotle cho rằng lý trí là bản chất để làm nên một con người, và vì Socrates là một con người nên lý trí của ông là phẩm chất thiết yếu để ông là Socrates. Không có đặc tính lý trí, thì Socrates đơn giản không phải là Socrates nữa. Thậm chí ông còn không thể là một con người, vậy thì sao có thể là một Socrates được? Mặt khác, Aristotle nghĩ rằng đặc tính mũi hếch của Socrates chỉ là ngẫu nhiên, cái mũi hếch chỉ là một phần của việc Socrates nom như thế nào, nhưng nó không có tính bản chất đối với việc ông ta là ai, hay là cái gì. Nói cách khác, lấy đi lý trí khỏi Socrates thì ông không còn là Socrates nữa, nhưng nếu giải phẫu thẩm mỹ cho ông thì ông sẽ là Socrates với chiếc mũi mới. Nó nhắc chúng ta nhớ đến một câu chuyện cười.

Khi Thompson tròn bảy mươi, ông ta quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống để thọ được lâu hơn. Ông duy trì một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, ông tập chạy bộ, bơi lội và tắm nắng. Mới được ba tháng, ông đã sút đi khoảng mười ba cân rưỡi, giảm vòng bụng đi 15 cm, và ngực nở thêm 13 cm. Người thon gọn và rám nắng, ông quyết định hoàn thành quá trình tân trang ấy bằng một kiểu đầu mới theo phong cách xì-po. Sau đó, vừa bước ra khỏi tiệm cắt tóc, ông bị xe buýt tông.

Giữa cơn hấp hối, ông kêu lên, “Ôi Chúa, Người nỡ lòng nào làm chuyện này với con?”

Và một giọng nói từ trên cao vọng xuống, “Nói thật với con, Thompson ạ, quả tình ta không nhận ra con.”

Ông lão Thompson khốn khổ dường như đã thay đổi một số đặc tính ngẫu nhiên cụ thể của bản thân, mặc dầu chúng ta biết rằng về bản chất ông ta vẫn là Thompson. Chính Thompson cũng không nghi ngờ gì về điều này. Thực ra, đối với câu chuyện cười, cả hai điều kiện đó đều quan trọng. Trớ trêu thay, nhân vật duy nhất trong truyện không nhận ra Thompson lại chính là Chúa, đấng mà ta nghĩ thực ra phải Toàn tri.

Sự khác nhau giữa các đặc tính bản chất và ngẫu nhiên được minh họa bằng khá nhiều truyện cười khác cùng một dạng như thế này.

Abe: Này Sol, tớ có câu đố này cho cậu. Cái gì màu xanh lá cây, được treo trên tường và huýt sáo?

Sol: Tớ chịu.

Abe: Con cá trích.

Sol: Nhưng cá trích đâu có xanh lá cây.

Abe: Thì cậu có thể sơn nó màu xanh lá cây.

Sol: Nhưng cá trích đâu có treo trên tường.

Abe: Cậu đóng một cái đinh và treo nó lên.

Sol: Nhưng cá trích đâu có huýt sáo!

Abe: Vậy hả? Thế thì nó không huýt sáo.

Dị bản dưới đây của truyện cười đó có lẽ không khiến bạn cười ha hả như ở Câu lạc bộ Hài kịch Caroline (Caroline’s Comedy Club: Một trong những câu lạc bộ hài kịch nổi tiếng ở New York), nhưng nó có thể giúp bạn ghi điểm ở hội nghị thường niên của Hội Triết học Hoa Kỳ.

Abe: Một vật thể “X” có các đặc tính xanh lá cây, treo trên tường, và có khả năng huýt sáo, là cái gì?

Sol: Tớ không nghĩ ra nổi một vật nào khớp với mô tả của cậu.

Abe: Con cá trích.

Sol: Cá trích đâu có màu xanh lá cây.

Abe: Đặc tính bản chất thì không, Solly ạ. Nhưng một con cá trích có thể ngẫu nhiên có màu xanh lá cây, đúng không? Thử sơn nó đi. Cậu sẽ thấy.

Sol: Nhưng con cá trích không phải vật treo trên tường.

Abe: Nếu cậu ngẫu nhiên đóng đinh nó lên tường thì sao?

Sol: Làm sao mà cậu có thể ngẫu nhiên đóng đinh nó lên tường?

Abe: Tin tớ đi. Mọi chuyện đều có thể. Thế mới là triết học.

Sol: Ô kê, nhưng dù ngẫu nhiên thế nào thì con cá trích cũng không huýt sáo.

Abe: Cậu có giỏi thì kiện tớ đi.

Abe và Sol quay về phía cử tọa của Hội Triết học Hoa Kỳ, lúc này đang im phăng phắc.

Sol: Cái gì thế nhỉ, hội nghị của các nhà Khắc kỷ à? Này các vị, lúc công kích Vatican, Nietzsche còn cười nhiều hơn các vị đấy.

Đôi khi sự vật có những đặc tính thoạt nhìn thì tưởng là ngẫu nhiên, nhưng hóa ra chỉ là ngẫu nhiên trong giới hạn nhất định, như được minh họa trong truyện cười này:

“Tại sao một con voi lại to, màu xám và nhăn nheo?”

“Bởi vì nếu nhỏ, trắng và tròn trịa, thì nó là một viên aspirin mất rồi.”

Chúng ta có thể tưởng tượng ra một con voi có kích thước nhỏ – gọi nó là “con voi nhỏ”. Thậm chí chúng ta có thể tưởng tượng ra một loại voi màu nâu xỉn, và gọi nó là “loại voi màu nâu xỉn”. Còn một con voi không nhăn nheo có thể gọi là “con voi trơn láng”. Nói cách khác, độ lớn, màu xám, và nếp nhăn hoàn toàn không thỏa mãn tiêu chuẩn của Aristotle về định nghĩa một con voi bản chất là gì. Thay vào đó chúng mô tả hình dung về lũ voi, một cách chung chung, và ngẫu nhiên. Tuy nhiên, suy ra từ truyện cười thì điều này chỉ đúng đến một chừng mực nhất định. Một cái gì đó nhỏ, trắng và tròn như một viên aspirin không thế là một con voi, và nếu bắt gặp một vật như thế, chẳng có lý do gì chúng ta lại hỏi, “Cậu đang cầm một viên aspirin phải không, Bob, hay là một con voi đột biến?”

Vấn đề là độ lớn, màu xám, và da nhăn không phải là những từ ngữ đủ chính xác chuyển tải những đặc tính bản chất của một con voi. Nó chỉ là một phạm vi nhất định của kích cỡ, một phạm vi nhất định của màu sắc, trong số nhiều phẩm chất khác xác định một vật nào đó có phải là một con voi hay không. Mặt khác, nói đến nhăn nheo, có thể là một con cá trích màu đỏ, hay biết đâu một con cá trích biết huýt sáo cũng nên.

 

Chọn tập
Bình luận