Triết học về luật pháp, hay luật học, nghiên cứu những vấn đề nền tảng như “Mục đích của pháp luật là gì?”
Triết học luật pháp có một số học thuyết chính. “Luật đức hạnh”, bắt nguồn từ đạo đức học của Aristotle, quan niệm rằng luật pháp nên khuyến khích phát triển đức hạnh. Những người chủ trương áp dụng luật đức hạnh có thể lập luận rằng mục đích của Luật hành vi nơi công cộng (cấm đái ở quảng trường) là khuyến khích phát triển những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn trong mọi nhóm người, đặc biệt ở nhóm đái bậy nơi công cộng. (Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn gồm những người đái bậy có thể không đồng ý với lập luận này.)
Immanuel Kant ủng hộ quan điểm “nghĩa vụ luận” (deontology), cho rằng mục đích của luật pháp là luật hóa các nghĩa vụ đạo đức. Đối với những nhà nghĩa vụ luận, Luật chống đái bậy chủ trương mọi công dân phải có nghĩa vụ tôn trọng cảm giác của người khác.
Triết gia vị lợi thế kỷ mười chín Jeremy Bentham cho rằng mục đích của luật pháp là đem lại kết quả tốt đẹp cho nhiều người nhất. Theo quan điểm của các nhà vị lợi, Luật chống đái bậy đem lại kết quả tốt đẹp cho nhiều người (dân thành thị) hơn là gây bất tiện cho một số ít người ưa đái bậy sẽ phải thay đổi tập quán xã hội lâu dài của mình.
Tuy nhiên, như ta vẫn thường chứng kiến trong triết học, những người bình thường có lẽ sẽ có ngay câu hỏi đầu tiên dành cho các nhà lý luận, “Liệu có tồn tại khác biệt thực tế nào – theo quan điểm của Tòa Thẩm phán Judy (“Judge Judy’s court”: chương trình truyền hình phổ biến kiến thức pháp luật gia đình rất nổi tiếng của Mỹ, do cựu thẩm phán Judy Sheindlin dẵn dắt) chẳng hạn – giữa các lý thuyết sắc sảo mà các vị đề ra không?” Ba lý thuyết nêu trên đều có thể dùng để giải thích về sự cần thiết không chỉ của Luật hành vi nơi công cộng, mà cả của nhiều nguyên tắc pháp lý vững chắc khác, như quan điểm áp dụng hình phạt đối với tội nhân để làm thăng bằng cán cân công lý. Bạn có thể giải thích hình phạt theo quan điểm phát triển đức hạnh (phục hồi nhân cách), quan điểm nghĩa vụ luận (trừng phạt tội vi phạm nghĩa vụ công dân), hay quan điểm vị lợi (ngăn chặn hậu quả xấu trong tương lai).
Những người không liên quan gì đến triết học có thể hỏi, “Nếu các vị đều thống nhất với nhau ở kết cục, vậy thì lý do chúng ta áp dụng hình phạt có gì khác nhau không?” Vấn đề thiết thực duy nhất ở đây có lẽ là làm thế nào tạo được tương quan thích hợp giữa một hành vi phạm pháp, ví dụ như chửi mắng quan tòa, với một hình phạt như nộp hai mươi đô la chẳng hạn. Làm sao cho thích hợp đây?
Một người chầu chực suốt ngày ở tòa án giao thông để chờ xét xử vụ việc của mình. Cuối cùng cũng đến lượt anh ta đứng trước quan tòa – nhưng quan tòa chỉ nói với anh ta rằng ngày mai anh ta phải quay lại, vì phiên tòa hôm nay đã hoãn. Cáu tiết, anh ta quát lên, “Để làm cái chó gì?”
Quan tòa quát lại, “Hai mươi đô la vì xúc phạm tòa!”
Người đàn ông rút ví ra. Quan tòa nói, “Anh không phải trả ngay hôm nay.”
Người kia nói, “Tôi chỉ kiểm xem tôi còn đủ tiền để nói thêm hai từ nữa không thôi.”
Một nguyên tắc pháp lý nổi tiếng nữa là không thể luận tội dựa trên các chứng cớ gián tiếp. Lại một lần nữa, cả ba lý thuyết gia trừu tượng kia đều có thể ủng hộ nguyên tắc này. Một nhà lý thuyết theo quan điểm Luật đức hạnh có thể lập luận rằng tiêu chuẩn cao về tính công bằng trong phòng xử án sẽ trở thành mẫu mực đức hạnh cho toàn thể công dân noi theo. Đối với nhà nghĩa vụ luận, sử dụng chứng cớ gián tiếp có thể vi phạm nghĩa vụ chung của công dân là phải tuyệt đối công bằng đối với người khác. Đối với nhà vị lợi, việc sử dụng chứng cớ gián tiếp có thể gây hậu quả không mong muốn là bỏ tù người vô tội.
Lại một lần nữa, những người thực tế hơn trong chúng ta có thể hỏi, “Ai cần quan tâm đến lý do khiến chúng ta bàn về chứng cớ gián tiếp một cách thận trọng như vậy?” Một cách thiết thực, chúng ta chỉ cần vạch ra tính chất không đáng tin cậy của nó, như người phụ nữ trong câu chuyện sau đây đã làm. [Lưu ý cách vận dụng phép phản chứng (reductio ad absurdum) rất khôn ngoan của cô ấy].
Một đôi vợ chồng đi nghỉ ở một khu nghỉ dưỡng câu cá. Trong khi chàng chợp mắt, nàng quyết định lấy thuyền của chàng bơi ra hồ và đọc sách. Trong khi nàng đang tắm nắng thì có một cảnh sát bơi thuyền đến và bảo,“Ở đây không được câu cá, thưa bà. Tôi phải bắt giữ bà.”
Nàng nói, “Nhưng thưa ông, tôi có câu cá đâu?”
Cảnh sát trưởng nói, “Thưa bà, bà có tất cả dụng cụ cần thiết. Tôi buộc phải bắt giam bà.”
Nàng nói, “Nếu ông làm thế, thưa ông, tôi sẽ phải tố cáo ông tội cưỡng hiếp.”
“Nhưng tôi chưa hề chạm đến người bà,” viên cảnh sát nói.
“Tôi biết,” nàng nói, “nhưng ông có đủ dụng cụ cần thiết.”
Tuy nhiên vẫn tồn tại những nguyên tắc pháp lý trở nên rất khác biệt tùy thuộc vào việc chúng ta áp dụng lý thuyết nào trong số ba lý thuyết nêu trên, như trong câu chuyện sau đây:
Một quan tòa gọi hai luật sư của hai bên đến văn phòng của ông và nói, “Lý do tôi gọi các anh hôm nay là hai anh đều đã hối lộ tôi.” Hai luật sư cùng ngọ nguậy trên ghế. “Anh, Alain, đã đưa tôi 15.000$. Phil, anh đã đưa 10.000$.”
Quan tòa trao cho Alain một tấm séc trị giá 5.000$ và nói, “Bây giờ các anh ngang nhau, và tôi sẽ hoàn toàn dựa vào công lý để phán quyết vụ này.”
Nếu mục đích của việc cấm hối lộ chỉ là để loại trừ tình trạng vi phạm nghĩa vụ xét xử công bằng đối với tất cả các bên, thì chúng ta có thể đồng ý với ông quan tòa rằng việc nhận mức hối lộ ngang nhau có cùng kết quả như không nhận hối lộ. Cũng như vậy, nếu mục đích của việc cấm hối lộ là để đảm bảo đem lại những kết quả tốt đẹp một cách công bằng cho mọi người. Nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều nếu lập luận rằng nhận hối lộ ngang nhau sẽ khuyến khích đức hạnh ở cả quan tòa lẫn các luật sư. Lạ thật, sao chúng ta có thể dông dài mãi mà không kể một câu chuyện cười về các luật sư nhỉ? Ồ, nhưng cần gì băn khoăn, chúng ta chỉ là những con người thôi mà.
Một luật sư gửi thư cho thân chủ của mình: “Frank thân mến: Tôi nghĩ hôm qua tôi trông thấy anh ngoài phố. Tôi đã băng qua đường để chào anh, nhưng hóa ra không phải. 1/10 giờ: 50$.”
xXx
DIMITRI: Cậu khiến tôi hào hứng rồi đấy, Tasso ạ. Tôi đã quyết định ứng cử vào Lực lượng cảnh sát đạo đức. Cậu có ủng hộ tôi một phiếu không?
TASSO: Tất nhiên, bạn ạ. Nếu cuộc bầu cử tiến hành bằng bỏ phiếu kín.