Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Chú Giải Thuật Ngữ

Tác giả: Thomas Cathcart & Daniel Klein
Thể loại: Triết Học
Chọn tập

Bản chất luận (essentialism): Quan điểm triết học cho rằng mỗi đối tượng đều có những bản chất, hay các đặc tính thuộc bảnchất, có thể phân biệt với các đặc tính ngẫu nhiên, không bản chất. Chẳng hạn, đặc tính bản chất của một người đàn ông có vợ là anh ta có vợ (có khi là người vợ giống đực). Nhưng sự hiện diện của chiếc nhẫn cưới trên ngón tay người đàn ông có vợ chỉ là đặc tính ngẫu nhiên. Anh ta có thể vẫn là người có vợ mà không đeo nhẫn cưới, mặc dầu vợ anh ta có thể cãi vã về điều này.

Bản thể (Noumenal): liên quan đến sự vật tự thân, đối lập với những gì sự vật thể hiện trước cảm giác của chúng ta. Xem vật tự thân… nhưng một lần nữa, bạn không thể, đúng không? Trái nghĩa: Hiện tượng.

Chủ nghĩa duy lý (rationalism): Quan điểm cho rằng lý trí là con đường chính – hay duy nhất – dẫn đến tri thức. Nó thường tương phản với chủ nghĩa kinh nghiệm, quan điểm cho rằng kinh nghiệm tri giác là con đường chính dẫn đến tri thức. Theo truyền thống, các nhà duy lý thích lý trí hơn bởi vì cảm giác vốn mang tiếng không đáng tin cậy, và vì vậy tri thức dựa trên chúng là không chắc chắn. Họ thích sự chắc chắn tột độ của những kết luận đạt được nhờ lý trí, như “Đây là thế giới tốt nhất trong những thế giới có thể có.” Bạn cần phải đến đó…

Chủ nghĩa hiện sinh (existentialism): Trường phái triết học tìm cách mô tả thực trạng sự tồn tại của cá nhân con người chúng ta, thay vì những phẩm chất người phổ quát, trừu tượng. Theo khẳng định của Sartre, “tồn tại có trước bản chất”. Điều đó có nghĩa là đời sống thực của chúng ta là điều cốt yếu nhất trong chúng ta, và chúng ta tự tạo ra bản chất của chính mình. Tư tưởng này tác động sâu sắc đến đạo đức học hiện sinh, nó cổ vũ chúng ta luôn luôn sống “đích thực”, ý thức đầy đủ về việc chúng ta có thể chết và không lầm tưởng về những lựa chọn của chúng ta – tóm lại, những mối bận tâm đại loại là thích hợp nhất để nghiền ngẫm bên tách cà phê kèm điếu thuốc lá trong một tiệm cà phê Paris, hơn là, chẳng hạn, bên băng chuyền lắp ráp xe hơi trong một nhà máy ở Detroit.

Chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricism): Quan điểm cho rằng kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm cảm giác, là con đường chủ yếu – hay duy nhất – dẫn đến tri thức. “Làm sao anh biết có con kỳ lân?” “Bởi vì tôi vừa trông thấy một con trong vườn!” Giờ thì chúng ta gọi đấy là chủ nghía kinh nghiệm cực đoan. Trái nghĩa với chủ nghĩa duy lý.

Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism): Một trường phái triết học nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tế. Chẳng hạn, William James định nghĩa một lý thuyết đúng là một lý thuyết có ích, hay là một lý thuyết sinh ra nhiều hiểu biết mới. Một số người cho định nghĩa của James là hữu ích, một số khác thì không cho là vậy.

Chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism): Triết lý đạo đức cho rằng hành động đúng là hành động mang lại nhiều điều tốt lành cho những người chịu tác động của nó hơn bất kỳ hành động nào khác. Lợi ích có hạn của triết lý đạo đức này trở nên rõ ràng khi bạn cố gắng làm vừa lòng cả mẹ đẻ và mẹ vợ trong ngày Lễ Tạ Ơn.

Công án (koan): trong Thiền Phật giáo câu đố có mục đích khiến chúng ta bị sốc đến mức đốn ngộ. “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?” như thể một trò lừa. “Tiếng vỗ của hai bàn tay là gì?” thì không lừa nữa. Xem thêm Đốn ngộ (satori).

Đạo nghĩa học (deontologicai ethics): Môn đạo đức học đặt nền tảng trên lý thuyết cho rằng các nghĩa vụ đạo đức dựa trên bổn phận (lấy từ chữ deon của tiếng Hy Lạp) hoàn toàn không phụ thuộc vào hậu quả thực tế của hành động. Chẳng hạn, một lãnh tụ chính trị tin rằng bổn phận cao cả của ông ta là bảo vệ cộng đồng khỏi sự tấn công của bọn khủng bố có thể biện luận rằng để thực hiện bổn phận ấy ông ta phải cho đặt máy nghe trộm ở phòng ngủ của mọi người, bất kể hậu quả của việc này đối với đời sống tình dục của bạn.

Ding an sich: Vật-tự-thân, đối lập với biểu hiện cảm quan của một sự vật. Ý niệm này cho rằng một sự vật bất kỳ hàm chứa trong nó nhiều hơn tổng số những dữ liệu cảm quan của nó (nghĩa là trông, nghe, ngửi, sờ, nếm nó như thế nào), và rằng có vật-tự-thân tồn tại đằng sau tất cả những dữ liệu cảm quan, và nó độc lập với các dữ liệu ấy. Một số nhà triết học cho rằng khái niệm vật-tự-thân thuộc cùng một phạm trù như con kỳ lân và ông già Noel.

Đốn ngộ (Satori): Trong Thiền tông Phật giáo, một kinh nghiệm giác ngộ trong đó chúng ta đột nhiên thấy rõ chân tính của chúng ta và thế giới. Trích dẫn Red Hot Chili Peppers (Ban nhạc rock của Mỹ, thành lập năm 1983): “Nếu anh phải hỏi, nghĩa là anh không biết.”

Hậu nghiệm (a posteriori): Biết nhờ kinh nghiệm, biết qua trải nghiệm. Để biết một loại bia nào đó uống ngon mà không gây đầy hơi, chúng ta phải từng có trải nghiệm (uống) ít nhất một loại bia ngon và không bị đầy hơi. Trái nghĩa với tiên nghiệm.

Hiện tượng (phenomenal): liên quan đến kinh nghiệm cảm giác của chúng ta về sự vật. “Đó là chiếc mũ đỏ” gắn với kinh nghiệm cảm giác của chúng ta về một vật thể có màu đỏ và có hình dạng chiếc mũ. Nhưng câu “Ôi! Chiếc mũ màu đỏ của cô đúng là một hiện tượng” thì có thể không phải vậy. Trái nghĩa với Bản thể.

Hiện tượng học (phenomenology): Phương pháp nghiên cứu cố gắng mô tả thực tại như nó được tiếp nhận và hiểu bởi ý thức con người, ngược lại với, chẳng hạn, mô tả có tính khoa học. Ví dụ, hiện tượng học mô tả hiện tượng “thời gian sống” hay thời gian như chúng ta trải nghiệm nó, so với “thời gian đồng hồ.” Trong phim Manhattan khi Woody Allen nói, “chúng ta hầu như chẳng mấy khi làm tình, chỉ có hai lần một tuần” thì anh ta nói đến “thòi gian sống”; cũng như khi người vợ trong phim của anh tuyên bố, “Anh ấy luôn luôn muốn làm tình – gần như hai lần một tuần!”

Lập luận hồi quy vô tận (infinite regress argument): Sự chứng minh không giải thích thỏa mãn được hiện tượng vì cần đến một chuỗi bất tận những “giải thích” tương tự nhau. Chẳng hạn, việc giải thích sự tồn tại của thế giới bằng cách thừa nhận có một “Đấng Sáng thế” làm phát sinh câu hỏi vậy phải giải thích được sự tồn tại của Đấng Sáng tạo đó như thế nào. Nếu thừa nhận có một Đấng Sáng tạo khác, sẽ có câu hỏi: “Ai sáng tạo ra Đấng Sáng tạo đó?” Và sẽ cứ như thế mãi, đến bất tận; hoặc đến lúc phát nôn, tùy cái gì xảy đến trước.

Logic diễn dịch (deductive logic): Lập luận từ một tập hợp các tiền đề mà từ đó có thể suy ra kết luận một cách hợp lý. Dạng cơ bản nhất của logic diễn dịch là tam đoạn luận, ví dụ “Mọi tác giả hài đều là triết gia; Larry, Moe, Curly là những tác giả hài; vậy Larry, Moe, Curly là những triết gia.” Trái nghĩa với logic quy nạp.

Logic quy nạp (inductive logic): Lập luận đi từ những trường hợp riêng đến một kết luận chung có hàm ý rộng hơn những gì có thể suy ra một cách hợp lý từ những trường hợp riêng ấy. Chẳng hạn, khi quan sát thấy mặt trời mọc hôm nay, hôm qua và mọi ngày từ hôm qua trở về trước, chúng ta đi đến kết luận rằng mặt trời đã luôn mọc và sẽ tiếp tục mọc lên hằng ngày, ngay cả khi kết luận này không thể suy ra được một cách hợp lý từ những trường hợp đã biết. Ghi chú: ví dụ này vô tác dụng với các độc giả của chúng ta ở Bắc Cực. Trái nghĩa với logic diễn dịch.

Mệnh đề phân tích (analytic statement): Mệnh đề đúng theo định nghĩa. Chẳng hạn “Mọi con vịt đều là chim” là mệnh đề phân tích vì khi nói “vịt” chúng ta ngụ ý đến một loài thuộc họ chim. Mặt khác, “Mọi con chim đều là vịt” không phải là mệnh đề phân tích vì tính chất vịt không phải là yếu tố bắt buộc trong khái niệm “chim”. Hiển nhiên, “Mọi con vịt đều là vịt” là mệnh đề phân tích, cũng như “Mọi con chim đều là chim”. Thật phấn khởi khi thấy triết học có khả năng giúp ích thiết thực cho các môn khác, chẳng hạn điểu cầm học. Trái nghĩa với mệnh đề tổng hợp.

Mệnh đề tổng hợp (synthetic statement): Một mệnh đề không đúng theo định nghĩa. Chẳng hạn “Mẹ anh đi đôi giày quân dụng”. Nó thêm vào một thông tin vốn không có trong định nghĩa “mẹ anh”. Điều này cũng đúng với mệnh đề hệ quả “Mã Hữu Hữu đi đôi giày quân dụng”. Trái nghĩa với mệnh đề phân tích.

Mệnh lệnh tuyệt đối tối cao (supreme categorical imperative): Nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất của Immanuel Kant, rằng người ta chỉ nên hành động theo những châm ngôn đạo đức nào có thể nhất quán áp dụng như một quy luật phổ biến. Nó khá giống quy tắc vàng với đôi chút biến tướng, nhưng không hoàn toàn như vậy.

Nghịch lý (Paradox): a) một đoạn lập luận sử dụng logic có vẻ chặt chẽ và những tiền đề có vẻ đúng, nhưng vẫn dẫn đến mâu thuẫn; b) hai bác sĩ bất kỳ.

Post hoc ergo propter hoc: Một ngụy biện logic, có nghĩa nguyên văn là “xảy ra sau cái này, do đó, do cái này gây ra”; ngụy biện rằng vì A xảy ra trước B, do đó A phải là nguyên nhân của B. Cuốn sách Freakonomics (Kinh tế học hài hước) dẫn ra cho chúng ta vô số những ngụy biện như thế, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi dạy con cái. Một ông bố nói “Thằng bé nhà tôi thông minh bởi vì tôi chơi Mozart cho nó nghe khi nó còn trong bụng mẹ,” trong khi hai sự việc này thực sự chẳng có mối liên hệ nào. May ra thằng bé thông minh vì nó có bố mẹ đã nghe Mozart (tức là họ có giáo dục và do đó có thể cũng thông minh).

Quy luật phi mâu thuẫn (Law of Noncontradiction): Quy tắc logic của Aristotle, rằng một vật không thể đồng thời vừa là A vừa là không A. Sẽ là tự mâu thuẫn khi nói “Quần của anh đang cháy, với quần của anh không đang cháy.” Bất chấp luật này của Aristotle, trong hoàn cảnh này cứ dùng vòi mà tưới nước cho mạnh cũng không hại gì.

Telos: Mục đích nội tại. Mục đích nội tại của một quả sồi là trở thành một cây sồi. Tương tự, mục đích nội lại của một nghiên cứu sinh triết học là được phong hàm giáo sư ở Harvard. Đó là mục đích nội tại của anh hay chị ta, cho dù có những cơ hội thăng tiến tuyệt vời ở chuỗi siêu thị Wal-Mart.

Thuyết cảm xúc (emotivism): Khuynh hướng triết học đạo đức cho rằng các phán xét đạo đức không đúng cũng không sai, mà chỉ biểu hiện sự tán thành hay phản đối của chúng ta đối với một hành động hoặc một cá nhân thực hiện một hành động nhất định hay một loạt hành động. Theo quan điểm triết học này, mệnh đề “Saddam là kẻ ác” chỉ đơn giản có nghĩa là “Saddam không phải là thứ nằm trong bộ nhớ của tôi. Tôi không biết; tôi không quan tâm thằng cha đó.”

Tiên nghiệm (a priori): Biết trước kinh nghiệm, không phụ thuộc vào kinh nghiệm. Chẳng hạn, dù chưa từng xem một buổi biểu diễn American Idol nào, chúng ta vẫn có thể chắc chắn rằng, tất cả những người tham gia vào buổi diễn đều tin rằng mình là ca sĩ, vì American Idol là một cuộc thi hát cho những người – vì những lý do mà bản thân họ biết rõ nhất – tin rằng mình là ca sĩ. Trái nghĩa với Hậu nghiệm.

Triết học ngôn ngữ thông thường (ordinary lauguage philosophy): Trào lưu triết học tìm cách hiểu những khái niệm triết học thông qua khảo sát việc sử dụng ngôn ngữ thông thường. Theo các triết gia của trường phái này, nhiều vấn đề khiến các nhà tư tưởng rối trí suốt nhiều thiên niên kỷ, chỉ vì sự mơ hồ và lệch lạc logic tồn tại ngay trong cách nêu vấn đề. Trào lưu này đanh dấu sự chấm dứt của Kỷ nguyên hoang mang.

HẾT

Chọn tập
Bình luận
× sticky