Hóa ra, dù thế giới này tuyệt vời hay không, thì chúng ta cũng chỉ ghé qua trong một cuộc viếng thăm ngắn ngủi. Nhưng ngắn ngủi so với cái gì nhỉ? Với năm tháng vô tận ư?
___oOo___
Leibniz bước tới đối diện với Thượng đế hiện ra ở góc trái (đừng nhầm với Thượng đế trên kia). Là một nhà duy lý, Leibniz không hài lòng với việc nói rằng một cái gì đó chỉ đơn giản “xảy ra”, như thể một cái gì khác có thể dễ dàng xảy ra thay thế. Ông cảm thấy phải có một lý do khiến mọi hoàn cảnh là cần thiết. Tại sao ở Seattle mưa nhiều hơn ở Albuquerque? Bởi vì các điều kiện A, B và C khiến nó không thể xảy ra khác đi được. Với các điều kiện A, B và C, không thể có hoàn cảnh nào khác. Cho đến nay, đa phần chúng ta đều đồng ý với ông, đặc biệt là các cư dân Seattle. Nhưng Leibniz lập luận tiếp, rằng ngay cả các điều kiện cho trước này (A, B và C) cũng không thể khác. Và các điều kiện trước chúng, và trước chúng nữa, cứ thế và cứ thế liên tu bất tận. Đây là cái mà ông gọi là “Luật lý do đầy đủ”, nghĩa là lý do để bất kỳ trạng thái thực của sự việc nào là thực, không thể diễn ra theo cách nào khác. Một vũ trụ không có lượng mưa chênh lệch ở Seattle và tập hợp các điều kiện dẫn đến tình trạng mưa đó đơn giản không còn là một vũ trụ. Một vũ trụ mà không có cái “đơn nhất” thì chỉ là hỗn độn. [Tác giả chơi chữ: vũ trụ (universe), và cái đơn nhất (uni)]
***
Ý niệm về vô tận, trạng thái vĩnh hằng chẳng hạn vẫn làm cho các nhà siêu hình học bối rối. Tuy nhiên các nhà phi-siêu hình học thì không quan tâm lắm.
Hai con bò đang đứng trên bãi cỏ. Một con quay sang con kia nói, “Mặc dù pi thường được rút ngắn còn năm con số, thật ra nó kéo dài đến vô tận.”
Con bò thứ hai quay sang con thứ nhất và đáp, “Bòòòò.”
Truyện cười tiếp theo sau đây gắn tư tưởng về vĩnh hằng với một khái niệm triết học nổi tiếng khác là tính tương đối:
Một bà được bác sĩ cho biết bà ta chỉ còn sống thêm sáu tháng. “Liệu tôi có thể làm gì được nữa không?” bà ta hỏi.
“Có chứ,” bác sĩ đáp. “Bà có thể kết hôn với một viên kế toán thuế.”
“Việc ấy sẽ giúp tôi chữa bệnh thế nào?”
“Ồ, chữa bệnh thì không,” bác sĩ nói, “nhưng nó sẽ làm cho sáu tháng đó như thể vĩnh hằng!”
Câu chuyện nêu lên câu hỏi triết học “Làm thế nào mà một thứ hữu hạn, như sáu tháng, lại có thể tương tự một thứ vô tận, như vĩnh hằng?” Những ai đặt câu hỏi này hẳn chưa bao giờ phải sống với một viên kế toán thuế.