Triết học đầu rỗng xuất hiện trong khung cảnh cuối thập niên 1960, trùng hợp với thời điểm giáo sư Harvard Timothy Leary tuyên bố rằng con đường tới khai sáng thông qua tiêu hóa nấm ma thuật. Sau này được mang tên “Triết học Kỷ Nguyên Mới”, chủ nghĩa đầu rỗng là hỗn hợp các triết học cổ phương Đông và một số tín ngưỡng thời Trung cổ như thuật chiêm tinh, bói bài tây, và Kabbalah [Do Thái giáo có Công truyền và Mật truyền. Công truyền là đạo Do Thái chính thống hiện nay, ra đời từ thời Moses (1250 trước Công nguyên). Phần Mật truyền hay Mật tông Do Thái được gọi là Kabbalah, hình thành vào khoảng thế kỷ XIII.] “Những khẳng định” – những mệnh đề kiểu như “Tôi đồng nhất với nhị nguyên của tôi” hay là “Vì tôi đã học tin vào Quá trình, tôi không còn cần mang súng nữa” – cũng là một phần quan trọng của triết học Kỷ Nguyên Mới. Điều này gợi nhắc cho chúng ta về một bà lão hồi đầu thập niên 1800, sau khi nghe một bài giảng đã tiến lại gần nhà thơ Anh Samuel Taylor Coleridge và nói, “Ông Coleridge, tôi đã tiếp nhận vào mình cả vũ trụ!!” Coleridge nhìn lên qua phía trên cặp kính và nói, “Lạy Chúa, bà nên như thế, thưa bà!”
May thay, chúng ta đã có các bậc thầy hài hước rọi sáng những mơ hồ của tư duy Kỷ Nguyên Mới.
Cần bao nhiêu triết gia Kỷ Nguyên Mới để thay một cái bóng đèn?
Không cần đâu, họ vừa lập nhóm hỗ trợ “Đương đầu với Bóng tối” rồi.
Nếu trong triết học Kỷ Nguyên Mới có gì đó phù hợp với tinh thần thời đại mới thì đó hẳn là niềm tin của họ về các sinh thể ngoài Trái Đất không chỉ đến thăm chúng ta mà còn mời chúng ta lên tàu không gian của họ để ăn tối và chuyện trò lãng mạn. Để đẩy giới hạn của những niềm tin Kỷ Nguyên Mới đó đến tột cùng logic của chúng thì cần phải có một tác giả châm biếm.
Một người Sao Hỏa hạ cánh khẩn cấp xuống Brooklyn và phát hiện ra phụ tùng then chốt, một troover cực kỳ quan trọng trong đĩa bay của mình đã hỏng. Anh ta vào một cửa hàng đồ ăn sẵn hỏi người bán hàng có biết ở đâu có thể kiếm được một troover không. Người bán hàng hỏi lại, “Trông nó như thế nào?”
Người Sao Hỏa đáp, “Nó hình tròn, bên ngoài cứng, bên trong mềm, có một lỗ nhỏ ở giữa.”
Người bán hàng nói, “Có vẻ giống cái bánh vòng. Đây, trông có giống thứ anh đang cần không?”
Người Sao Hỏa reo lên, “Tuyệt vời! Ở đây các anh dùng cái này để làm gì?”
Người bán hàng đáp, “Ờ, có thể anh khó mà tin được, nhưng chúng tôi ăn.”
Người Sao Hỏa kinh ngạc, “Anh đùa! Các anh ăn troover à?”
Người bán hàng nói, “Đúng thế, đây, anh thử xem.”
Người Sao Hỏa hơi nghi ngại, nhưng cũng cắn thử một miếng. “Này,” ông ta nói, “thêm ít pho mát kem, sẽ không tệ lắm.”
Một thứ khác nữa trong mớ đồ lề của các nhà Kỷ Nguyên Mới là sự đam mê những hiện tượng cận tâm lý của họ, chẳng hạn ngoại cảm. Trong khi đó nhiều người Kỷ Nguyên Cũ – còn gọi là những nhà tư tưởng duy lý – vẫn tiếp tục tin rằng luôn luôn có một cách giải thích có lý cho những hiện tượng như thế.
“Ông nội tôi biết chính xác giờ nào ngày nào năm nào mà ông sẽ chết.”
“Chà, một con người thấu thị! Làm sao ông có khả năng ấy?”
“Quan tòa thông báo.”
Hay!
xXx
DIMITRI: Tôi vẫn còn một câu hỏi: Nếu Zeus không tồn tại, Poseidon vẫn cứ là anh của ông ấy chứ?
TASSO: Dimitri ạ, cậu biết không, hoặc cậu là một Phật tử đã giác ngộ, hoặc cậu là đồ óc bã đậu.