Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 8: Giữ Vững Vị Thế

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Trong khoảng thời gian 40 năm kể từ năm 1959, Đảng PAP thắng liên tiếp 10 cuộc tổng tuyển cử. Đảng PAP đã không đi đến chỗ suy yếu hay tan rã. Làm thế nào chúng tôi thực hiện được điều đó? Giữa những năm 1959 và 1963, chúng tôi đã có những cuộc xung đột ghê gớm, trước tiên với những người cộng sản và sau đó là cộng đồng người Mã Lai. Sau khi hoàn toàn độc lập, chúng tôi phải đương đầu với những mối đe dọa khốc liệt, Indonesia đối đầu với chúng tôi và Malaysia cũng quyết định quay lưng lại. Chuỗi sự kiện này đã tạo nên sự tín nhiệm của thế hệ cử tri thời bấy giờ với những người lãnh đạo ban đầu của PAP.

Những người chỉ trích cho rằng chúng tôi nắm vững chính quyền bởi vì chúng tôi đã cứng rắn với những người đối lập. Điều này thật dễ hiểu, nếu chúng tôi phụ lòng tin của nhân dân thì chúng tôi sẽ bị loại bỏ. Chúng tôi đã đưa họ ra khỏi cảnh tuyệt vọng của những năm 60 để đi vào một kỷ nguyên tiến bộ và phát triển chưa từng thấy. Chúng tôi tận dụng sự mở rộng thương mại và đầu tư thế giới để đưa đất nước chúng tôi từ một nước thuộc Thế giới thứ Ba đạt tới những tiêu chuẩn của một nước thuộc Thế giới Thứ nhất chỉ trong một thế hệ.

Chúng tôi đã học hỏi được từ những đối thủ cứng rắn nhất – đó là những người cộng sản. Hiện nay, những người lãnh đạo của phe đối lập vẫn tiếp tục những cuộc vi hành để lựa chọn nơi nào họ sẽ làm tốt, dựa trên cách nhân dân hưởng ứng họ tại những khu bán hàng rong, quán cafe, tiệm ăn và siêu thị; và qua việc dân chúng có đón nhận những tờ truyền đơn họ phân phát hay không. Tôi không tin là họ sẽ thành công. Từ những lần chạm trán không mấy vui vẻ với những đối thủ cộng sản, tôi biết rằng trong khi việc lấy lòng dân chúng và tạo nên bầu không khí hòa hợp là vấn đề quan trọng, thì yếu tố quyết định vẫn là mạng lưới có thể chế và có tổ chức để tập hợp sự ủng hộ. Khi chúng tôi xem xét những khu vực do cộng sản quản lý, chúng tôi nhận ra mình đã bị cho ra rìa. Những người tham gia chủ chốt trong một khu vực bầu cử bao gồm những người đứng đầu bang hội, các quan chức thuộc những hiệp hội buôn bán lẻ và những người bán hàng rong, các tổ chức sắc tộc cũng như các tổ chức nam sinh, tất cả được những nhà hoạt động xã hội cộng sản quần tụ thành một mạng lưới và làm cho họ cảm thấy họ là một thành phần trong phe chiến thắng. Dù chúng tôi đã dốc toàn tâm toàn lực trong những cuộc bầu cử nhưng chúng tôi cũng khó gây được chút khó khăn nào cho họ. Cách duy nhất chúng tôi có thể ngăn chặn họ thống trị miền đất bầu cử là tiếp tục tác động lên cùng miền đất đó trong nhiều năm giữa các cuộc bầu cử.

Để cạnh tranh với những lớp học đêm tự nâng cao trình độ ở những đoàn thể và hiệp hội ủng hộ cộng sản, chúng tôi thành lập Hiệp hội Quần chúng (People’s Association – PA). Chúng tôi đưa vào PA nhiều hiệp hội, các phòng thương mại, câu lạc bộ giải trí và các nhóm hoạt động xã hội, nghệ thuật, tiêu khiển với tư cách hội viên đoàn thể. Họ tư vấn và phục vụ cho hơn một trăm trung tâm cộng đồng mà chúng tôi thành lập nhằm quản lý các lớp học bổ túc tiếng Hoa và tiếng Anh, các khóa học may, nấu ăn và sửa xe ô tô, thiết bị điện, radio và tivi. Bằng cách cạnh tranh và làm tốt hơn những người cộng sản, chúng tôi dần dần lấy lại được miền đất mà họ đã cày xới.

Suốt những chuyến vận động bầu cử những năm 1962 và 1963, tôi đã tập hợp được những nhà hoạt động xã hội ở các thị trấn và làng mạc khắp đảo này. Họ là những lãnh đạo địa phương của nhiều tổ chức và câu lạc bộ khác nhau, họ tự tuyển nhiệm thành các ủy ban giao tế trong khu vực để bàn với tôi và các viên chức trong đoàn về việc nâng cấp đường sá, đèn đường, ống cấp nước, cống thoát nước nhằm hạn chế lụt lội. Sau chuyến đi của tôi, các đội thi hành nhiệm vụ sẽ đến cung cấp quỹ để thực thi những dự án nêu trên.

Trong khi còn ở Malaysia, sau cuộc bạo động chủng tộc năm 1964, chúng tôi thành lập các “ủy ban thiện chí” nhằm giữ cho các mối quan hệ cộng đồng tránh xung đột. Các thành viên của ủy ban này được lấy ra từ những lãnh đạo quần chúng của các cộng đồng khác nhau trong vùng.

Tôi dựa vào các ủy ban “giáo tế” và “thiện chí” để kết nạp những thành viên tích cực và đầy hứa hẹn hơn vào ủy ban quản trị (Management Committees – MC) của các trung tâm cộng đồng và vào ủy ban tư vấn công dân (Citizens’ Consulative Committees – CCC). MC của các trung tâm cộng đồng tổ chức các hoạt động giải trí, giáo dục và những hoạt động khác. Còn CCC với quỹ do chúng tôi cấp đã thực thi những dự án nâng cấp địa phương cũng như các công trình công ích nhỏ hơn. Họ còn gây quỹ riêng để trợ cấp phúc lợi và học bổng cho người nghèo.

Lúc bấy giờ, những người đứng đầu các cộng đồng do dự, thậm chí còn sợ sệt khi công khai tự nhận có quan hệ với một đảng chính trị. Họ chỉ thích được cộng tác với chính quyền. Đó là sự ảnh hưởng từ thời thuộc địa, nhất là suốt những năm luôn trong tình trạng khẩn cấp khi những người cộng sản nắm thế chủ động và bất kỳ sự gắn bó nào với các đảng phái chính trị đối đầu với MCP (đảng Cộng Sản) đều có thể tự chuốc họa vào thân. Bằng cách tạo các thể chế nửa chính quyền như MC và CCC, chúng tôi huy động đại bộ phận những người lớn tuổi được kính trọng trong cộng đồng. Họ làm việc với các nghị sĩ của chúng tôi giữa các cuộc bầu cử, và suốt thời gian bầu cử, ảnh hưởng và sự ủng bộ của họ tác động nhiều đến việc bỏ phiếu, tuy rằng có vài người trong số họ giữ thái độ trung lập thay vì tích cực vận động.

Sau đó, khi dân chúng chuyển vào các khu chung cư HDB, tôi thành lập Ủy ban dân cư (Resident’s Committees – RC), mỗi ủy ban phục vụ một khu vực khoảng 6 đến 10 khu chung cư. Điều này tạo mối quan hệ gần gũi giữa những người lãnh đạo và cư dân trong các chung cư. Vì vậy, trong các khu phố mới HDB của chúng tôi có một mạng lưới dẫn từ RC đến MC, rồi CCC và đến trung ương, tức là văn phòng thủ tướng. Những người lãnh đạo phe đối lập trong những chuyến vi hành đã xem xét tỷ mỉ miền đất được cai quản tốt của PAP. Hiển nhiên sẽ có những cử tri tự do. Song có một lực lượng nòng cốt của những lãnh đạo địa phương biết rằng nghị sĩ của PAP được chính phủ hậu thuẫn sẽ phục vụ cho nhu cầu của họ cho dù trong hay giữa các cuộc bầu cử.

Bước ngoặt là cuộc tổng tuyển cử năm 1968, không lâu sau khi Liên hiệp Anh tuyên bố rút quân. Chúng tôi thắng trong tất cả khu vực với đa số phiếu. Bốn năm sau đó, vào năm 1972, dân chúng thở phào nhẹ nhõm và sung sướng vì chúng tôi đã hoàn thành được một kỳ công thấy rõ. Mặc dù sự rút lui của lực lượng Anh làm giảm 20% thu nhập quốc dân (GDP) và mất khoảng 50.000 chỗ làm nhưng chúng tôi lại có mức tăng trưởng kinh tế cao và nạn thất nghiệp thấp. Các công ty đa quốc gia Mỹ đã tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm trong các nhà máy điện và điện tử. Khi ra ứng cử vào tháng 9/1972, 57 trong tổng số 65 ghế có người tranh cử. Chúng tôi thắng tất cả các đảng khác và đạt được 70% tổng số phiếu.

Năm 1976, chúng tôi lặp lại hoàn toàn thắng lợi này, giành 37 ghế không ai tranh (không có đối thủ) và cả 38 ghế có đua tranh. Uy tín về khả năng lãnh đạo của PAP và những thành tích chúng tôi đạt được đã gây khó khăn cho đảng đối lập. Người dân hoàn toàn tin tưởng vào lãnh đạo của đảng PAP và không quan tâm đến việc có một đảng đối lập. Họ mong muốn kinh tế tiếp tục phát triển, thay những túp lều lụp xụp bằng những ngôi nhà mới mà họ sẽ mua bằng thu nhập gia tăng từ những công việc lương cao, và gửi con cái vào những ngôi trường tốt hơn do chúng tôi xây dựng. Xu hướng vì tất cả đang dâng cao. Vào năm 1980, chúng tôi thắng lợi toàn diện lần thứ tư với 37 ghế không có đối thủ và giữ được 38 ghế có đua tranh, chiếm 77,5% tổng số phiếu bầu.

Các chính trị gia phe đối lập không cộng sản nổi lên thế vào chỗ khuyết do những người cộng sản để lại. Đa phần họ là những kẻ cơ hội. Trong các cuộc bầu cử, họ tán thành các chương trình hấp dẫn những người ủng hộ cộng sản. Tuy nhiên, họ sẽ không nguy hiểm nếu như họ không bị dẫn dắt bởi những chuyên gia đã học ở trường Anh, những người có thể làm tăng uy thế cho mặt trận cộng sản như Đảng Công nhân của David Marshall trước đây. Trong bối cảnh này, luật sư J.B. Jeyaretnam nổi lên trong Đảng Công Nhân phục sinh. Với tư cách ứng cử viên của đảng này, trong cuộc bầu cử năm 1952, ông ta tán thành việc bãi bỏ Điều luật Bảo an Nội chính (Internal Security Act). Trước đây, vào những năm cuối của thập niên 60, ông ta có hứa tái sát nhập với Malaya. Ông ta khát khao trở thành hậu duệ của Marshall mặc dù không sắc sảo hoặc không có tài hùng biện bằng.

Tuy nhiên, một năm sau cuộc tổng tuyển cử, trong một cuộc bầu cử bổ sung năm 1981, Jeyaretnam đã phá vỡ được sự ủng hộ tuyệt đối dành cho đảng PAP. Devan Nair nhường lại chiếc ghế đại biểu Anson để trở thành tổng thống. Tôi giao lại các kế hoạch vận động cho Phó Tổng bí thư mới của chúng tôi là Goh Chok Tong, ứng cử viên của chúng tôi là một nhà hoạt động xã hội PAP sắc sảo tuy không có tài diễn thuyết trước công chúng. Tôi không tham gia vào cuộc vận động bầu cử bổ sung này, mà giao nó hoàn toàn cho Goh và những lãnh đạo trẻ hơn. Họ tự tin chúng tôi sẽ thắng, nhưng khi đếm phiếu trong ngày bầu cử, chúng tôi đã thua. Đó là một cú sốc. Tôi lo âu không phải vì chúng tôi thất bại mà vì tôi không có dự báo nào từ Goh về khả năng thất bại của chúng tôi. Tôi lo lắng về tính nhạy cảm chính trị của anh ta. James Fu, thư ký báo chí nói với tôi rằng dân chúng bực tức về thái độ quá tự tin của những người lãnh đạo đảng PAP trong cuộc vận động. Một lý do của sự thất bại khá rõ. Một số đông thợ thuyền Singapore ở nhiều khu chung cư buộc phải dời nhà để lấy mặt bằng cho khu vực chứa container nhưng không được cấp chỗ ở khác. Cục Quản lý cảng Singapore và Ủy ban Phát triển Nhà ở đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Jeyaretnam (JBJ) ầm ĩ và cuồng nhiệt, ông ta tuyên bố những luận điệu ngông cuồng về sự hống hách của cảnh sát và lặp đi lặp lại những mối bất bình mà dân chúng gửi đến ông ta mà chẳng thèm kiểm chứng. Việc ông ta không có lập trường dựa theo nguyên tắc lại có lợi cho chúng tôi, vì ông ta dường như không có hứa hẹn nào để làm một kẻ thay đổi đáng được tin cậy. Tôi cho rằng ông ta có ích trong vai trò là người phản biện cho những nghị sĩ mới chưa có kinh nghiệm chạm trán với cộng sản và những kẻ cực đoan UMNO. Ngoài ra, ông ta thế vào chỗ trống của phe đối lập trong đấu trường chính trị và có thể tránh được những đối thủ giỏi hơn. Điểm yếu của ông ta là sự cẩu thả. Ông ta cứ nói lan man, rõ ràng các diễn văn của ông ta không được chuẩn bị. Khi bị thách thức dựa trên những lý lẽ chi tiết, ông ta chịu thua.

Tuy nhiên, dân chúng muốn có tiếng nói của phe đối lập trong nghị viện. Cảm giác về khủng hoảng trong những năm 60 và 70 đã qua. Người Singapore giờ đây tự tin hơn và họ muốn PAP biết rằng họ không mặc nhiên công nhận PAP. Trong cuộc bầu cử năm 1984, chúng tôi mất 2 ghế, một cho JBJ ở Anson và một cho Chiam See Tong, luật sư kiêm tổng thư ký Đảng Dân Chủ Singapore (SDP) ở Potong Pasir. Chiam theo đường lối sắc sảo hơn JBJ, biết hòa nhịp cùng tình cảm quần chúng hơn, ông ta cho rằng PAP đang đi đúng đường lối, tuy nhiên cần làm tốt hơn nữa và lắng nghe những lời chỉ trích nhiều hơn. (Ông ta đã chứng tỏ được khả năng diễn thuyết trước công chúng của mình, ông ta và những người thành lập SDP

không phải là những típ người do cộng sản dùng cho các hoạt động công khai của họ. Chúng tôi đối xử với ông ta khác hẳn, dành cho ông ta sự ngưỡng mộ và quyền chính trị rộng rãi. Chúng tôi hy vọng nếu ông ta lớn mạnh lên, những người chống đối chúng tôi có thể đứng về một phe đối lập không có tư tưởng lật đổ. Những nhân vật đối lập này không giống như những đối thủ dữ dội mà chúng tôi đã bắt gặp ở Lim Chin Siong và các đồng chí của ông ta, đó là những con người nghiêm nghị và cống hiến cho sự nghiệp. Còn Jeyaretnam là một kẻ điệu bộ, luôn tìm cách gây chú ý dù làm điều hay hoặc dở.

Vì không có nhiều đối thủ ở phe đối lập trong nghị viện nên tôi thiếu người phản biện cho những kế hoạch dự án. Tôi bù lại điều này bằng bài diễn văn chính hằng năm. Vào một tối Chủ nhật, khoảng một tuần sau buổi phát hình ngày Quốc khánh trên tivi, tôi có một cuộc nói chuyện trong một cuộc họp mặt trong nhà nhân ngày Quốc khánh với khoảng 1.200 lãnh đạo các cộng đồng. Đó là một buổi truyền hình trực tiếp. Chỉ với những bản ghi chép, tôi diễn thuyết từ một đến hai tiếng đồng hồ về những vấn đề quan trọng của ngày Quốc khánh. Dĩ nhiên, trong những ngày trước đó tôi đã đọc nhiều về chủ đề này và đã nghiền ngẫm kỹ cách trình bày vấn đề sao cho gãy gọn. Những cuộc thăm dò trên tivi cho thấy tôi có lượng khán giả rất đông. Tôi biết cách lôi cuốn khán giả, cả ở Nhà hát Quốc gia lẫn trên ti vi và dẫn dắt họ đi theo luồng suy nghĩ của tôi. Trước tiên tôi diễn thuyết bằng tiếng Malay, kế đó bằng tiếng Phúc Kiến (sau này là tiếng Phổ thông) và sau cùng là tiếng Anh, ngôn ngữ tôi thông thạo nhất. Tôi có được mối thiện cảm tốt hơn với khán giả khi diễn đạt những suy nghĩ hình thành và tuôn trào trong tôi. Giả sử tôi có một kịch bản trong tay, tôi không thể gửi thông điệp đi với sức thuyết phục và cảm xúc mạnh mẽ như thế. Buổi diễn thuyết thường niên này là cơ hội hiếm hoi để tôi bắt tay vào việc đưa dân chúng cùng làm việc với chính phủ và khắc phục những vấn đề của chúng tôi.

Suốt thời gian bầu cử của những năm 70 và 80, tôi đã diễn thuyết vào buổi tối trước dân chúng trong các khu vực bầu cử, và dưới cái nóng của mặt trời nhiệt đới lúc 1–2 giờ trưa ở Quảng trường Fullerton với các viên chức văn phòng. Đôi khi, một cơn mưa lớn đổ xuống, thế là tôi bị ướt sũng, trong khi dân chúng được trú mưa dưới những chiếc dù hay mái che của các văn phòng xung quanh quảng trường. Dân chúng ở lại và tôi cứ tiếp tục nói. Mặc dù ướt sũng, nhưng tôi không cảm thấy lạnh; cảm giác hưng phấn cứ tuôn trào. Lời lẽ nói trên tivi có tác động mạnh hơn nhiều so với kịch bản viết trên báo. Ưu thế về diễn thuyết trước quần chúng là thế mạnh suốt sự nghiệp chính trị của tôi.

Khi đối phó với phe đối lập, tôi có hai mối bận tâm, đó là: Có phải họ do cộng sản giật dây? Và có phải đây là ‘’Chiến dịch đen” do một cơ quan tình báo nước ngoài tài trợ và điều hành để gây bất hòa? Kết quả của mối bận tâm thứ hai dẫn chúng tôi đến chỗ điều tra Francis Seow, một cựu quan chức cấp cao về cố vấn pháp luật. Nhóm Mác–xít được nói đến trước đây đã chiếm được ảnh hưởng trong Hội Luật gia. Họ vận động cho ông ta và bầu ông ta làm chủ tịch. Có Soew làm chủ tịch, phái Hội Luật gia tham gia chính trị, chỉ trích và tấn công nền lập pháp chính phủ không phải về mặt chuyên môn mà về nền tảng chính trị, điều trước đây nó chưa bao giờ làm với tư cách một tổ chức chuyên nghiệp được thành lập theo luật pháp để duy trì kỷ cương và các chuẩn mực trong giới pháp chế.

Năm 1987, trong bối cảnh đó, Hendrickson, một cố vấn của Đại sứ quán Mỹ gặp Seow, khuyến khích ông ta lãnh đạo một nhóm đối lập cho cuộc bầu cử kế tiếp. Cục An ninh yêu cầu tôi cho bắt giữ và thẩm vấn Seow để tìm ra nguồn gốc vấn đề và tôi đồng ý. Chúng tôi phải ngăn chặn ngay bất kỳ hành động can thiệp nào của nước ngoài vào nền chính trị quốc gia Singapore và lên tiếng cho biết điều này không thuộc quyền can thiệp của tất cả các nước, kể cả Mỹ. Sau cuộc thẩm vấn, Seow thú nhận trong bản khai có tuyên thệ rằng Hendrickson yêu cầu ông ta lãnh đạo một nhóm luật sư tranh cử chống PAP. Ông ta còn thú nhận rằng ông ta đã đến Washington gặp cấp trên của Hendrickson ở Bộ Ngoại giao của Chính phủ Hoa Kỳ, người này đã cam kết ông ta sẽ được tị nạn ở Mỹ trong trường hợp gặp rắc rối với chính phủ. Chúng tôi công bố lời nhận tội của ông ta trong bản khai có tuyên thệ rồi phóng thích Seow hai tháng trước cuộc tổng tuyển cử. Ông ta ra tranh cử nhưng thất bại. Cũng vào thời điểm đó, ông ta bị buộc tội gian lận tiền thuế thu nhập, song chúng tôi cho phép ông ta đến Mỹ để được tư vấn với một chuyên gia về tim mạch ở New York và tham dự hội nghị nhân quyền. Ông ta đã không trở về nước chịu xét xử, thay vào đó, các luật sư của ông ta đệ trình hồ sơ bệnh án do hai bác sĩ cung cấp. Người đầu tiên là Tiến sĩ Jonathan E.Fine, ký với chức danh “Giám đốc Điều hành” trên tờ giấy viết thư có tiêu đề “Các Bác sĩ vì Nhân quyền” cho rằng không nên để Soew di chuyển từ nước này sang nước khác; còn vị bác sĩ thứ hai cho rằng Seow không thể chịu đựng bất kỳ sự đi lại nào cho đến khi bệnh trạng tim mạch của ông ta được điều trị có kết quả. Khi bên khởi tố đưa ra bằng chứng Seow đã thực hiện ít nhất bảy chuyến bay từ tháng Mười Hai đến tháng Giêng, thì tòa án ra lệnh yêu cầu Soew đệ trình hồ sơ bệnh án chi tiết hơn. Vì Seow không thể cung cấp thêm hồ sơ bệnh án, nên các luật sư của ông ta – một luật sư Hoàng gia người Anh và một luật sư Singapore – đã yêu cầu tòa án bãi miễn. Sau này, có một bác sĩ thú nhận rằng thực ra ông ta đã không kiểm tra sức khoẻ cho Seow cũng như không đổi mới bằng hành nghề bác sĩ. Soew không có chỗ đứng trong nghề luật sư vì đã bị Hội Luật gia kỷ luật vì tội gian lận tài chính. Uy tín còn lại của ông ta ở Singapore đã bị hủy diệt. Trong khi các nhóm đấu tranh cho nhân quyền ở Mỹ thổi phồng ông ta lên như một nhân vật chống đối chính yếu thì dân chúng Singapore chẳng hề bị tác động gì. Sau đó nhiều năm, chúng tôi biết được rằng quả thực chính phủ Mỹ đã cho Seow tị nạn chính trị.

Chúng tôi có lý do chắc chắn khi đòi điều tra Francia Seow. Chúng tôi biết ông ta nợ một ngân hàng Singapore khoảng 350.000 đôla Singapore, đó là số tiền vay không trả trong nhiều năm. Vào năm 1986, khi ngày bầu cử đến gần, ngân hàng đòi nợ và ông ta đã có khả năng chi trả. Số tiền đó từ đâu ra? Chúng tôi tịch thu sổ sách của ông ta để kiểm tra thuế thu nhập, rõ ràng ông ta không có tiền để thanh toán món nợ. Ông ta thề trong bản khai rằng món nợ đó do một người bạn gái của ông ta, hay như cách ông ta gọi là hôn thê của ông ta, cô Mei Siah đã trả. Vào năm 1989, sau khi Seow đào tẩu khỏi Singapore, ở Bangkok cô ta kể với Keng Swee rằng cô ta được một thương nhân Singapore yêu cầu cho Seow mượn tiền. Một Tổng giám đốc điều hành của một công ty lớn từng là nhân tình của Mei Siah trong vài năm kể với chúng tôi rằng cô ta cực kỳ chi li chuyện tiền bạc và chẳng bao giờ bỏ ra 350.000 đôla Singapore cho ai, và rằng cô ta vẫn còn nợ ông ta nhiều hơn số tiền đó. Điều này làm nảy sinh ý nghĩ cho rằng số tiền đó đến từ một cơ quan vụ lợi nào đó.

Một vấn đề cấp thiết là trực tiếp đối đầu với những kẻ buộc tội tôi tham nhũng hay lạm dụng quyền lực. Tôi luôn luôn đương đầu với những luận điệu như vậy. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, những luận điệu tố cáo hối lộ và tham nhũng ngay tại thời điểm bầu cử là chiêu thức kinh điển và đừng bao giờ đối phó với những luận điệu như vậy, vì e rằng sẽ gây bất lợi lớn hơn nếu người kiện không đương đầu nổi cuộc thẩm vấn tại tòa. Tôi chỉ tiến hành sau khi đã tham khảo ý kiến của những nhà tư vấn cả ở Singapore lẫn ở Anh, bởi vì nếu hành động của tôi thất bại thì bản thân tôi phải gánh chịu những chi phí nặng cho các luật sư riêng của tôi và những luật sư của đối thủ. Mặt khác, tôi chưa bao giờ bị kiện vì tội Phi báng vì tôi không bao giờ bôi nhọ ai một cách sai quấy. Khi tôi nói điều gì đó về đối thủ, tôi đã có đủ chứng cứ để hậu thuẫn cho câu nói của tôi và đối thủ của tôi biết điều đó.

Vụ kiện chống lại sự Phi báng đầu tiên của tôi vào năm 1960 là nhằm bảo vệ văn phòng thủ tướng, chống lại Syed Ja’afar Albar, khi đó là Tổng Thư ký của UMNO. Lúc ấy chúng tôi vẫn còn thuộc Malaysia. Ông ta đã phát biểu trên tờ Utusan Melayu, một tờ báo Malay do UMNO sở hữu, rằng: “Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là một nhân viên của cộng sản và chế độ Djakarta, một chế độ có mưu đồ hủy diệt Malaysia. Lý Quang Diệu có mưu đồ hủy diệt Malaysia và chia rẽ người Malay với người Hoa ở Malaysia để họ chống lại nhau.” Albar và tờ Utusan Melayu không bào chữa, họ xin lỗi và chịu phí tổn hầu tòa cho tôi.

Tôi còn kiện các ứng cử viên phe đối lập đã buộc tội tôi tham nhũng trong các cuộc vận động bầu cử. Điển hình vào năm 1972, khi một người trong số họ phát biểu bằng tiếng Hoa rằng bất cứ ai muốn mua hoặc chuyển nhà kiểu HDB, hãy đến Lee & Lee, đó là công ty luật mà vợ tôi là một cổ đông lớn. Đa phần những ứng cử viên này là những người vô sản, họ không tự bảo vệ và chấp nhận mất tiếng tăm.

Luật sư J.B. Jeyaretnam là một ngoại lệ. Tại cuộc vận động bầu cử năm 1976, ông ta đưa ra luận điệu rằng tôi đã dành những khoản ưu đãi cho công ty Lee & Lee và gia đình tôi, rằng tôi thực hiện gia đình trị và tham nhũng, cũng như không thích hợp với cương vị thủ tướng. Tôi lại được tiền bồi thường và án phí. Jeyaretnam kháng án đến Hội đồng Cơ mật ở London và đã thất bại.

Vào năm 1988, sau hơn một thập niên, một lần nữa tại một cuộc vận động bầu cử, Jeyaretnam nói bóng gió rằng tôi đã đẩy Teh Cheang Wan (Bộ trưởng Phát triển Quốc gia) đến chỗ tự tử; rằng tôi muốn ngăn chặn một cuộc điều tra toàn diện về những luận điệu tố cáo tôi tham nhũng bởi vì những luận điệu như thế sẽ làm giảm lòng tin của dân chúng dành cho tôi. Ông ta đã có thể làm dấy lên vụ tự tử của Teh cách đó hai năm, nhưng đã không làm mà chờ mãi cho đến thời điểm bầu cử. Tôi lại được bồi thường danh dự và án phí.

Tôi kiện tuần báo Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) do một người Mỹ làm chủ, đặt trụ sở ở Hong Kong và biên tập viên của tờ báo là Derek David. Ông ta từ chối rút lại và xin lỗi về việc trích dẫn câu nói của Edgar D’Souza, một vị giám mục bỏ đạo cho rằng Chính phủ đã tấn công Nhà thờ Công giáo bằng việc giam giữ 16 người phản loạn theo chủ nghĩa Mark. Tôi ngồi vào ghế nhân chứng và bị QC10 của tuần báo Review thẩm vấn liên tục hơn hai ngày. Rồi đến lượt biên tập viên Derek David trả lời, anh ta không cung cấp được chứng cứ khi bị thẩm vấn. Anh ta đã không yêu cầu D’Souza xác nhận những gì được đăng tải. Cuối cùng thẩm phán tuyên án chống lại tờ báo và biên tập viên.

Một trường hợp khác là vụ kiện tờ International Herald Tribune (IHT), tờ báo này thuộc sở hữu của tờ New York Times và tờ Washington Post, về việc cho xuất bản trong số ra ngày 2/8/1994 một bài viết Phi báng của Philip Bowring, anh ta là người phụ trách chuyên mục trước đây của tờ Far Eastern Economic Review. Bowring viết: “Trong hoàn cảnh của người Trung Hoa, lịch sử dường như bao gồm một trận chiến giữa nhu cầu tập thể của quốc gia với quyền lợi của những gia đình điều hành nó. Nền chính trị quân chủ hiển nhiên đã tồn tại ở Trung Hoa ‘Cộng sản’ cũng như ở Singapore, mặc cho những lời cam kết chính thức về một chế độ do những người có năng lực lãnh đạo”. Loong, con trai tôi được bầu vào nghị viện năm 1984 và rõ ràng đó là những gì Bowring muốn ám chỉ. IHT thừa nhận trên báo của họ rằng những lời nêu trên là Phi báng và có ý muốn nói tôi thu lợi cho dòng họ Lý bằng những thiệt hại trong nhu cầu chung của đất nước. IHT xin lỗi, bồi thường danh dự và án phí cho tôi.

Vào ngày 2/6/1996, tờ Yazhou Zhoukan (Tuần báo châu Á) tiếng Hoa trích dẫn lời phát biểu của luật sư Tang Liang Hong với giọng điệu cho rằng có sự tham nhũng trong việc tôi mua hai căn hộ. Ngay lập tức, tuần báo thừa nhận lời bôi nhọ và bỏ ra một số tiền lớn để dàn xếp vấn đề này. Tuy nhiên, Tang không chịu xin lỗi và rút lại lời nói. Sáu tháng sau đó, tại một cuộc mít tinh kết thúc cuộc vận động bầu cử, Tang càng lún sâu vào tội Phi báng bằng lời phát biểu rằng một khi anh ta chen chân vào được nghị viện, anh ta sẽ phanh phui vấn đề này ra, và rằng: “Đây là một đòn chết người”. Thẩm phán tòa án cho biết ngay sau khi bài phát biểu Phi báng được đăng trên báo, Tang đã chuyển một số tiền đáng kể từ tài khoản của vợ vào tài khoản của anh ta ở Johor Bahru, đây là nơi nằm ngoài pháp quyền của Singapore, để rút hết khả năng chi tiêu vượt mức của cô ta. Thẩm phán nói rằng: “Đây là chứng cớ rõ ràng của một thủ đoạn ranh ma”. Khi Tang trốn khỏi Singapore và không ra hầu tòa, phán quyết có lợi cho tôi. Về việc kháng án, luật sư Hoàng gia Anh của Tang ở London không phản đối ý nghĩa của lời bôi nhọ và kháng án được bãi miễn. Các đối thủ của tôi chờ những cuộc bầu cử được tiến hành để tuôn ra những lời vu khống, với hy vọng giáng cho tôi một đòn nặng nề. Nếu tôi không khởi kiện thì những luận điệu này sẽ giành được lòng tin của dân chúng. Những nhà chỉ trích tự do phương Tây thuyết phục tôi rằng uy tín của tôi không thể nào bị bôi nhọ, bởi vì không ai tin vào những điều xấu xa mà họ đã nói về tôi, vì thế tôi nên rộng lượng bỏ qua thay vì kiện tụng đòi bồi thường danh dự. Nhưng người ta không tin vào những lời bôi nhọ là vì chúng bị tôi phản bác lại một cách hùng hồn. Nếu tôi không kiện, tôi sẽ bị coi như có điều gì mờ ám bên trong.

Trong trường hợp Tang, việc tôi mua hai căn hộ đã một thời là vấn đề chính trị nóng bỏng. Nếu tôi không kiện Tang về bài phát biểu trên tờ Yazhou Zhoukan thì trong cuộc tổng tuyển cử tiếp sau đó anh ta sẽ bước vào chính trường với những luận điệu ngông cuồng hơn. Khi đó sẽ quá muộn để bác lại anh ta, và ngay cả những người ủng hộ PAP cũng lo lắng rằng liệu tôi có phạm sai lầm hay không. Song, do dân chúng Singapore biết tôi sẽ luôn đấu tranh với bất kỳ điều Phi báng dối trá nào, nên khi Tang Phi báng tôi, ngay lập tức anh ta chuẩn bị cho hậu quả của việc làm sai trái này bằng cách chuyển tất cả tiền bạc ra khỏi Singapore.

Còn có một lý do chính yếu nữa để khởi kiện những kẻ Phi báng tôi là vì từ những thập niên 50, chúng tôi đã thiết lập một bầu không khí chính trị mà trong đó các chính trị gia phải biện hộ trước bất kỳ luận điệu dối trá hay sai phạm nào.

Các nghị sĩ ở phe đối lập cũng khởi kiện khi họ bị Phi báng. Chiam See Tong thắng kiện hai Bộ trưởng PAP là Howe Yoon Chong và S. Dhanabalan, người đã dàn xếp các vụ kiện cáo bên ngoài tòa án. Năm 1981, Jeyaretnam kiện Goh Chok Tong lúc đó là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, nhưng thất bại. Ông ta kháng án lên Hội đồng Cơ mật nhưng thua kiện. Các cử tri luôn chờ đợi bất kỳ luận điệu sai phạm hay dối trá nào được thử thách trước tòa. Các bộ trưởng PAP làm cho dân chúng phải nể trọng họ bởi vì họ sẵn sàng bị tra hỏi hay bị thẩm vấn trước tòa về bất kỳ việc làm sai trái nào bị lên án. Những người đưa ra luận điệu cho rằng các hành động chống lại sự bôi nhọ của tôi được đưa ra nhằm đập tan tiếng nói của phe đối lập đã không hiểu được rằng, trên đất nước này, nơi mà tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu và gia đình trị vẫn còn là một dịch bệnh thì những tố cáo dối trá về tham nhũng sẽ rất dễ được người ta tin.

Một vài người chỉ trích đưa ra luận điệu rằng các thẩm phán của chúng tôi quá dễ dãi và thiên lệch. Tuy nhiên, các thẩm phán xét xử những vụ kiện này là những thành viên lâu năm của tòa với vị trí và danh tiếng đã được công nhận. Những phán quyết của họ được đăng tải và phát hành trong các bản tin pháp luật và được trích làm án lệ trước sự xem xét kỹ lưỡng của hơn 2.000 luật sư tại tòa cũng như của các giáo sư và sinh viên khoa luật Đại học Quốc gia Singapore.

Luận điệu cho rằng chúng tôi dùng bộ máy tư pháp trong các vụ kiện Phi báng nhằm mục đích làm suy sụp những kẻ đối lập về chính trị của chúng tôi đã đến đỉnh điểm khi tờ International Herald Tribune (IHT) số ra ngày 7/10/1994 đăng bài viết của Christopher Lingle, một giảng viên người Mỹ thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ông ta tấn công tôi: “Những hệ thống cai trị cố chấp trong khu vực cho thấy sự khéo léo đáng kể trong các phương pháp đàn áp sự chống đối của họ… Những kẻ tinh tế hơn thì dựa vào bộ máy tư pháp sẵn sàng tuân theo họ để làm suy sụp những chính trị gia

thuộc phe đối lập”. Tôi kiện biên tập viên, nhà xuất bản và tác giả bài báo. Sự hiện diện của các phương tiện truyền thông của nước ngoài làm mở rộng tính công khai, cả biên tập viên lẫn nhà xuất bản thông qua luật sư của họ đã thừa nhận đó là điều Phi báng và đã xin lỗi tôi. Tòa xử IHT phải bồi thường. Để tránh bị thẩm vấn tại tòa, Lingle chuồn khỏi Singapore khi án lệnh ban hành.

Thay vì đàn áp phe đối lập hay các tờ báo tấn công một cách phi lý vào uy tín của tôi, tôi đã đặt cuộc sống riêng và những hoạt động xã hội của tôi dưới sự xoi mói khắt khe, bất cứ lúc nào tôi xuất hiện trước tòa với tư cách nguyên đơn. Không có lý lịch trong sạch, hẳn sẽ là một mối nguy không cần thiết. Nhờ giữ được lý lịch trong sạch và dùng các khoản tiền thắng kiện góp cho các tổ chức cứu tế xứng đáng được trợ giúp, nên tôi đã giữ được chỗ đứng của mình trong lòng nhân dân.

Để giữ vững trung lập và thắng cử, chúng tôi phải đảm trách các chương trình nghị sự chính trị. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách không để bị thua trong cuộc tranh luận với những người chỉ trích chúng tôi. Họ phàn nàn rằng tôi phê phán quá kịch liệt lập luận của họ. Song những ý kiến sai cần phải được làm rõ trước khi chúng ảnh hưởng đến dư luận và gây rắc rối. Những người vốn tỏ ra nhạy bén trong việc làm tổn hại chính phủ không nên than phiền nếu như những đối đáp của tôi cũng sắc sảo như những lời chỉ trích của họ.

Cùng lúc đó, đảng PAP tìm đến những người ngoài đảng, tìm đến thế hệ trẻ Singapore là những người được giáo dục tốt hơn và hiểu biết hơn, cũng như những người muốn tham gia bàn luận tình hình đất nước. Đa số phiếu trong nghị viện thuộc về đảng PAP cùng với một số lượng ít ỏi nghị sĩ của đảng đối lập đã khiến công chúng cảm thấy các quan điểm khác không được bộc lộ thích đáng trong nghị viện. Vào năm 1990, chúng tôi thay đổi hiến pháp nhằm tạo điều kiện cho một số ít nghị sĩ không tranh cử vào nghị viện, gọi là nghị sĩ được tiến cử (nominated), để phản ánh những quan điểm vô tư và trung lập của họ. Chiến lược này hóa ra rất hay, nó khuyến khích những người có phẩm chất tốt nhưng không thuộc đảng PAP bước vào nghị viện. Những nghị sĩ này đóng vai trò kiến thiết, xem xét thận trọng những sai sót của các chính sách nhà nước, phản biện để nhà nước nghiêm chỉnh sửa đổi. Điển hình là Walter Woon đã chuyển đến một dự luật được nghị viện thông qua và trở thành Đạo luật về tiền cấp dưỡng của cha mẹ.

Sau cuộc bầu cử 1984, chúng tôi thành lập Cơ quan Phản hồi để cho công chúng có thể bày tỏ quan điểm về các chính sách thông qua các diễn đàn và các phiên họp có phản hồi. Các nghị sĩ chủ trì các phiên họp tỏ ra nhiệt thành khẩn khoản xin ý kiến, chứ không phải thuyết phục công chúng. Điều này khuyến khích công chúng nói thẳng và nói thật. Không phải tất cả các ý kiến đối nghịch đều đảo lộn các chính sách của chính phủ, trái lại sự phản hồi giúp cho chính phủ cải tiến các chính sách của mình.

Sau khi tách khỏi Malaysia năm 1965 và khi lực lượng Anh bắt đầu rút quân vào năm 1968, các cuộc bầu cử thường là những cuộc trưng cầu dân ý để biết tỷ lệ người ủng hộ chúng tôi chứ không phải là liệu chúng tôi có thắng hay không. Tỷ lệ phần trăm số phiếu dành cho đảng PAP có khuynh hướng giảm xuống vào giữa thập niên 1980, chủ yếu vì số cử tri trẻ ngày càng gia tăng, những cử tri này vốn không trải qua các cuộc đấu tranh trước đây nên không gắn bó với đảng PAP. Họ muốn một đảng đối lập kiểm soát PAP, gây áp lực với chính quyền để có nhiều nhượng quyền hơn và để làm dịu đi các chính sách cứng rắn. Điều này chắc chắn dẫn đến ngày càng có ít người xứng đáng được bầu và quả thực điều này đã xảy ra.

Khi Thủ tướng Goh kêu gọi tổng tuyển cử năm 1991, phe đối lập thay đổi chiến thuật. Thay vì đưa ra những ứng cử viên, họ bỏ mặc cho đảng PAP giành đa số ghế không tranh trong ngày bổ nhiệm. Họ biết rằng dân chúng cần một vài nghị sĩ của phe đối lập nhưng cũng muốn chắc chắn có trong tay chính quyền PAP. Họ gọi đó là chiến lược bầu cử bổ sung và chiến lược đó có hiệu lực. Low Thia Khiang của đảng Công nhân, một người từng tốt nghiệp Đại học Nanyang và là một người Triều Châu giành được khu vực bầu cử Hougang với đa số người Triều Châu. Hóa ra anh ta là một lãnh tụ giỏi của quần chúng. Đảng SDP do Chiam đứng đầu thắng ba ghế và trở thành đảng lớn mạnh nhất của phe đối lập. Các nghị sĩ của đảng SDP mới không năng động và không đạt được những gì được mong đợi. Chiam thì có tính cầu tiến và có thể thiết lập một đảng chính trị tầm cỡ nếu như ông ta sắc sảo hơn trong việc đánh giá con người. Năm 1992, ông ta tự hào vì đã đào tạo được một diễn giả trẻ tuổi, đáng tin cậy làm ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử bổ sung của ông ta. Chỉ trong vòng hai năm, kẻ được ông ta bảo trợ đã hất cẳng ông ta để giành quyền lãnh đạo và buộc ông ta thành lập một đảng mới.

Trong cuộc bầu cử năm 1997, đảng PAP giành được 83 ghế, mất một ghế cho Khiang và một ghế cho Chiam, người lúc đó đại diện một đảng mới. Số phiếu hợp lệ của đảng PAP tăng khoảng 4% đến 65%, đảo ngược xu hướng đi xuống. Chúng tôi đánh bại hai nghị sĩ của đảng SDP, người đã từng chiến thắng vào năm 1991 nhưng bây giờ lại làm các cử tri của họ thất vọng. Đảng PAP phản công chiến lược “Bầu cử bổ sung” của phe đối lập bằng củ cà rốt bầu cử, đó là việc ưu tiên nâng cấp nhà cửa dân cư trong khu vực bầu cử phải phù hợp với lực lượng cử tri ủng hộ đảng PAP trong khu vực bầu cử đó. Chính sách này bị những người theo chủ nghĩa tự do Mỹ chỉ trích là không công bằng, như thể chính sách chi tiền của chính phủ cho các công trình công cộng để tranh thủ phiếu bầu không tồn tại ở những nơi khác.

Các lãnh đạo PAP hiện nay đang xúc tiến thiết lập các mối quan hệ với thế hệ trẻ. Khủng hoảng tài chính 1997 – 1999 trong khu vực là một thử thách đối với thế hệ này, vốn là những người chưa từng trải qua khó khăn gian khổ. Quần chúng và những người lãnh đạo cùng nhau khắc phục những khó khăn để xây dựng một chính quyền mạnh hơn. Cuộc khủng hoảng vừa qua và những khó khăn định kỳ của Malaysia khiến người dân Singapore nhận thức được thực trạng đời sống ở khu vực Đông Nam Á một cách sâu sắc.

Có phải hệ thống chính trị mà tôi và những người cùng chí hướng dày công tạo dựng sẽ ít nhiều còn nguyên vẹn trong thế hệ sau không? Tôi nghi ngờ về điều này. Kỷ nguyên khoa học công nghệ và toàn cầu hóa đang thay đổi cách sống và làm việc của người dân. Người Singapore sẽ có phong cách sống và làm việc mới. Là một trung tâm quốc tế có nền kinh tế dựa vào tri thức trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, chúng tôi luôn luôn bị những ảnh hưởng bên ngoài tác động.

Liệu trong tương lai đảng PAP có tiếp tục thống trị nền chính trị Singapore? Thử thách mà một phe đối lập dân chủ đưa ra sẽ to lớn như thế nào trong tương lai? Điều này sẽ tùy thuộc vào cách các nhà lãnh đạo PAP ứng phó với những đổi thay về nhu cầu và khát vọng của nhân dân có trình độ cao, cũng như những ước mơ dự phần lớn hơn vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Singapore không có nhiều chọn lựa đến mức sẽ có những bất đồng không thể vượt qua giữa những quan điểm chính trị khác nhau trong việc giải quyết những vấn đề của chúng tôi.

Chọn tập
Bình luận