Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 34: Đài Loan: Một Trung Quốc Khác

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Sự cô lập đã khiến người Đài Loan sớm thiết tha phát triển các mối quan hệ với Singapore, về phần mình, chúng tôi không muốn hoàn toàn phụ thuộc vào người Israel trong việc luyện quân. Những cuộc thảo luận sơ bộ bắt đầu năm 1967. Họ đã cử một đại diện cấp cao đến gặp Keng Swee lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng và gặp tôi. Trước tháng 12, họ đã đưa ra đề nghị xây dựng lực lượng không quân. Chúng tôi rất quan tâm đến việc đào tạo các phi công và sĩ quan hải quân ở Đài Loan; người Israel không thể cung cấp những phương tiện như thế. Bộ Quốc phòng Đài Loan vui lòng giúp đỡ nhưng thỉnh thoảng lại nói bóng gió rằng khi Bộ Ngoại giao của họ nghe phong thanh về việc trợ giúp quốc phòng này thì họ sẽ đòi đáp lễ bằng một hình thức công nhận ngoại giao nào đó. Chúng tôi nói rõ chúng tôi không thể nhượng bộ về vấn đề này được.

Năm 1969, khi người Đài Loan thành lập “Văn phòng Đại diện Thương mại của Cộng hòa Trung Hoa” ở Singapore, hai bên đã thỏa thuận rõ ràng rằng việc trao đổi các phái bộ thương mại không có nghĩa là công nhận Nhà nước hay Chính phủ. Chúng tôi không muốn bị lâm vào thế kẹt với yêu sách của phía đại lục nói rằng họ là chính phủ duy nhất của Trung Quốc, kể cả Đài Loan.

Khi Liên Hiệp Quốc đưa ra nghị quyết kết nạp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng tôi đã bỏ phiếu thuận kết nạp Trung Quốc nhưng bỏ phiếu trắng về nghị quyết trục xuất Đài Loan. Chính sách của chúng tôi vẫn trước sau như một: “một nước Trung Quốc”, và việc thống nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan là vấn đề nội bộ do hai bên tự giải quyết.

Các mối quan hệ giữa Cục An ninh Quốc gia Đài Loan và Bộ Quốc phòng của chúng tôi đã dẫn đến việc họ cho chúng tôi mượn một số chuyên gia huấn luyện bay, kỹ sư cơ khí và chuyên viên kỹ thuật Đài Loan để giúp bộ phận bảo trì máy bay của chúng tôi đi vào hoạt động. Khi Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia đề nghị tôi thăm Đài Loan để gặp Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc của họ, con trai của Tổng

thống Tưởng Giới Thạch, ở Đài Bắc vào tháng 5/1973 thì tôi đã nhận lời. Thủ tướng Tưởng và phu nhân người Nga của ông ta đã ra đón Choo và tôi tại phi trường, chở chúng tôi về khách sạn Grand rồi đưa chúng tôi đến tận phòng. Ngày hôm sau, chúng tôi bay cùng với ông ta trên chiếc Boeing 707 chuyên phục vụ khách quan trọng (VIP) đến một căn cứ không quân. Ở đó ông ta cho một đơn vị không quân thực hiện một cuộc diễn tập, nhào lộn kéo dài nửa tiếng. Sau đó, xe chở chúng tôi đến Lake Sun Moon, một khu nghỉ dưỡng cuối tuần. Chúng tôi lưu lại đó hai hôm và trở nên quen biết nhau hơn.

Tại bữa ăn tối ở Đài Bắc, tôi đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kinh tế, Tổng Tham mưu trưởng và Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia và nhờ thế tôi đã làm quen được với các cố vấn cao cấp tin cẩn của ông ta. Ngoài cảm tình cá nhân của tôi với Tưởng Kinh Quốc, nền tảng cho mối quan hệ giữa chúng tôi là cả hai đều chống cộng. Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù sống mái của ông ta, và Đảng Cộng sản Malaysia, có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc lại là kẻ thù của tôi. Chúng tôi có chung sự nghiệp.

Ông ta nói tiếng Anh ngắc ngứ, và tiếng Quan thoại của ông ta thì quá khó hiểu vì chất giọng Triết Giang quá nặng. Ông ta hiểu tiếng Anh và tiếng Quan thoại của tôi nên cả hai có thể trao đổi với nhau mà không cần phiên dịch. Điều này rất quan trọng trong việc tạo nên sự đồng cảm giữa hai bên để về sau phát triển thành một sự hòa hợp. Tôi đã giải thích tình hình chính trị địa lý ở Đông Nam Á, giải thích tại sao Singapore bị xem là một Trung Quốc thứ ba, sau Trung Quốc và Đài Loan. Chúng tôi không thể chối bỏ những mối quan hệ chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ nhưng việc chúng tôi chống lại những người cộng sản Malaysia đã tái khẳng định với các nước láng giềng rằng chúng tôi sẽ không là con ngựa thành Troa của một nước Trung Quốc cộng sản.

Về sau, đại diện thương mại của chúng tôi ở Đài Bắc báo cáo rằng ngài Thủ tướng có ấn tượng tốt về Singapore và về tôi, và vui mừng đã được gặp tôi. Một yếu tố rõ ràng đã tạo thuận lợi: Con gái tôi, lúc bấy giờ là sinh viên y khoa còn rất trẻ, cũng cùng đi với chúng tôi. Nó học trường dạy bằng tiếng Hoa và nói tiếng Quan thoại lưu loát. Nhìn cách xử sự của nó người ta biết ngay nó là người Hoa. Điều này rất quan trọng đối với việc Tưởng Kinh Quốc hiểu vợ tôi, con gái tôi và tôi, và nhờ thế đã giúp định đoạt mối quan hệ giữa Singapore

và Đài Loan. Qua trao đổi thư từ giữa Tưởng Kinh Quốc và tôi đã phát triển một tình bạn thân thiết.

Chuyến đi của tôi hoàn toàn được giữ kín với giới báo chí, cả ở Singapore lẫn Đài Loan. Đó là do yêu cầu của tôi nhằm tránh dư luận quốc tế chú ý và bàn cãi.

Khi tôi đến thăm Đài Loan một lần nữa vào tháng 12/1974, Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc đã đích thân quan tâm đến chương trình của tôi. Ông ta xếp đội hình các đơn vị quân đoàn hải quân và thủy quân diễu hành theo nghi thức duyệt binh, như vẫn thường dành cho các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm, nhưng tất cả đều không công khai. Ông ta còn hộ tống tôi đi quan sát sự tiến bộ của đất nước ông ta, kể cả những công trình xây dựng lớn như xa lộ Đông – Tây được xây dựng băng qua địa hình núi non hiểm trở.

Trong chuyến đi thứ hai này, tôi đã ướm hỏi đến vấn đề huấn luyện lực lượng vũ trang của chúng tôi ở Đài Loan, bởi vì Singapore quá chật hẹp. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các quan chức quân sự của ông ta từ nhiều tháng trước, ông ta tán đồng. Đến tháng 4/1975, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang Singapore huấn luyện ở Đài Loan dưới cái tên mật là “Cuộc diễn tập ánh sao”. Lúc đầu thỏa thuận có hiệu lực một năm, theo đó họ cho phép chúng tôi huấn luyện các đơn vị bộ binh, pháo binh, thiết giáp và biệt kích, phân tán ra khắp cả Đài Loan, trong những khu vực thuộc các lực lượng quân đội tương ứng của họ. Họ chỉ thu tiền đối với những gì chúng tôi tiêu dùng và chỉ có thế.

Tưởng Kinh Quốc có khuôn mặt tròn, trắng trẻo. Ông ta mang cặp kính gọng sừng và có dáng người khá phốp pháp. Ông ta là người trầm tĩnh, ít nói, giọng nhỏ nhẹ. Tưởng Kinh Quốc không tỏ vẻ là trí thức nhưng có một đầu óc thực tế và nhạy bén về xã hội. Ông ta có tài xét đoán tính cách con người, và nhờ thế đã tập hợp được quanh mình những con người đáng tin cậy có thể cho ông những lời khuyên trung thực ngay cả khi không được hoan nghênh. Ông ta cho phép mình chỉ phát ngôn sau khi đã suy nghĩ thấu đáo bởi vì ông ta không đưa ra những cam kết tùy tiện. Ông ta không thể tùy thích đi nước ngoài vì thế đã tìm thấy ở tôi một nguồn thông tin bổ sung về những diễn biến ở Mỹ và thế giới các nơi khác. Ông ta thường hỏi những câu hỏi sắc sảo nhằm thăm dò những biến chuyển trong lĩnh vực địa chính trị. Mãi cho đến khi sức khỏe yếu đi vào giữa những năm 1980 thì thôi, chứ trước kia hễ mỗi lần tôi đến

thăm chừng 3–4 ngày, ông ta vẫn thường cùng tôi vòng quanh Đài Loan. Những lúc trao đổi thoải mái, ông ta thường thông qua tôi để kiểm tra lại các đánh giá và quan điểm của mình về những sự kiện chính trị mà ông ta đọc được từ các bản báo cáo. Ông ta cảm nhận một cách sắc bén tình trạng cô lập của mình trong quan hệ quốc tế.

Từ năm 1973 đến 1990, tôi đến thăm Đài Loan một hoặc hai lần mỗi năm, gần như lần nào cũng quá cảnh ở Hong Kong. Quan sát những tiến bộ xã hội và kinh tế của người Hoa ở Đài Loan với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 8–10% thật là bổ ích và hứng thú! Từ một nền kinh tế sử dụng nhiều lao động chân tay với đồng lương rẻ mạt, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và công nghiệp dệt, may mặc và sản xuất giày thể thao, họ đã vững bước hướng tới kinh tế thị trường. Đầu tiên, họ in lậu các sách giáo khoa đắt tiền về y khoa, pháp luật và các lĩnh vực khác, bán ra với giá rẻ mạt đến lố bịch. Đến những năm 1980, họ in sách giấy tốt, bìa cứng và có giấy phép. Đến những năm 1990, họ đã sản xuất được vi mạch điện tử, bo mạch chính, máy điện toán cá nhân, máy điện toán xách tay và các sản phẩm công nghệ cao khác. Tôi đã quan sát thấy một sự phát triển tương tự của nền kinh tế và mức sống ở Hong Kong. Sự tiến bộ nhanh chóng của hai khối cộng đồng người Hoa nằm ở vùng biển này đã khích lệ tôi rất nhiều. Tôi đã rút ra được những bài học hữu ích. Nếu họ đã thực hiện được điều đó thì Singapore chúng tôi cũng có thể làm được.

Nhờ không bị bó buộc bởi nền kinh tế do trung ương hoạch định, người Hoa ở Đài Loan đã thi nhau tiến về phía trước. Đài Loan, cũng giống như Hong Kong, chỉ có chế độ phúc lợi tối thiểu. Điều này đã buộc phải thay đổi cùng với việc tổ chức bầu cử rộng rãi vào đầu những năm 1990. Sự đối lập trong cơ quan lập pháp đã thúc ép và buộc chính phủ phải thực hiện các phúc lợi y tế, hưu trí và các khoản trợ cấp an sinh xã hội khác; thế là ngân sách bị thâm thủng. Trong những năm 1990, sự đối lập cứng rắn trong cơ quan lập pháp đã khiến chính phủ gặp khó khăn trong việc tăng thuế để cân bằng ngân sách. May thay, từ trước đến nay công nhân Đài Loan cũng vẫn có động cơ thúc đẩy tốt hơn những đồng nghiệp của họ ở phương Tây.

Tưởng Kinh Quốc và các vị bộ trưởng của ông ta tự hào nhất về sự phát triển giáo dục của họ. Mỗi học sinh được học ít nhất hết cấp trung học cơ sở, cả thảy là chín năm, và đến những năm 90, khoảng

chừng 30% học sinh là sinh viên tốt nghiệp đại học. Bộ trưởng Tài chính của họ, ông K.T. Li kêu than về nạn chảy máu chất xám. Từ những năm 60, trong số khoảng 4.500 sinh viên tốt nghiệp đại học sang Mỹ học lấy bằng tiến sĩ hàng năm chỉ có 500 người trở về. Khi Đài Loan đã nổi lên trong bảng xếp hạng các quốc gia về kinh tế, Li bắt đầu lôi kéo một số những người giỏi nhất trở về, bao gồm những người đã làm việc trong những phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu và trong những công ty điện tử đa quốc gia cỡ lớn. Ông ta xây dựng một trung tâm khoa học gần Đài Bắc và cho họ vay vốn với lãi suất thấp để họ khởi sự kinh doanh trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Công nghiệp điện toán của Đài Loan nhờ thế mà cất cánh. Những người này đã thiết lập mạng lưới quan hệ với người Mỹ trong công nghiệp điện toán và đã tiếp thu được kiến thức và hiểu biết chuyên môn giúp họ sánh kịp với những phát triển mới nhất và tiếp thị được các sản phẩm của mình. Hỗ trợ họ là những kỹ sư và kỹ thuật viên Đài Loan được đào tạo trong nước.

Trong số 2 đến 3 triệu người dân đại lục theo về với quân đội của tướng Tưởng Giới Thạch có một lớp đông đảo các trí thức, nhà quản trị, các học giả và các nhà doanh nghiệp. Họ là chất xúc tác giúp chuyển hóa Đài Loan thành một hòn đảo mạnh về kinh tế.

Tuy nhiên, tầng lớp ưu tú người đại lục ở Đài Loan biết rằng về lâu về dài họ sẽ rơi vào thế khó khăn. Họ chiếm thiểu số, chừng 10%. Một thực tế diễn ra từ từ nhưng không ai ngăn nổi là cả trong bộ máy hành chính và hàng ngũ sĩ quan lực lượng vũ trang vốn do người đại lục hoặc con cái của họ nắm giữ càng ngày càng có nhiều người Đài Loan. Việc người Đài Loan, bao gồm 90% dân số, nắm quyền chi phối chính trị chỉ còn là vấn đề thời gian. Tưởng Kinh Quốc và các phụ tá cao cấp của ông ta đã nhận ra điều này. Họ đang chọn trong số những người Đài Loan mà họ cho là kiên định, đáng tin cậy nhất, những người sẽ tiếp tục chính sách kiên quyết chống những người cộng sản ở đại lục, nhưng không bao giờ chủ trương một Đài Loan độc lập, tách biệt, điều mà người đại lục ghét cay ghét đắng.

Đến giữa những năm 80, một thế hệ người Đài Loan trẻ hơn, có học đã vươn lên qua hàng ngũ chức nghiệp. Chúng tôi đã thay đại diện thương mại xuất thân từ tỉnh Triết Giang cùng quê với Tưởng Kinh Quốc bằng một người khác có thể nói tiếng thổ ngữ Min–nan, một phương ngữ của tỉnh Phúc Kiến. Chúng tôi có thể thấy một Đài

Loan khác đang xuất hiện. Chúng tôi phải biết những người Đài Loan trong bộ máy nhà nước có dính dáng với Quốc Dân Đảng nhưng tránh xa những người Đài Loan có tư tưởng chống đối, đòi độc lập. Các tổ chức của họ là bất hợp pháp và nhiều người đã bị bỏ tù vì nổi loạn.

Vào giữa những năm 80, tôi để ý thấy sức khỏe Tưởng Kinh Quốc suy sụp rõ rệt. Ông ta không thể cùng tôi đi khắp Đài Loan được nữa. Thông qua những cuộc nói chuyện, tôi hiểu rằng ông ta đang bị giới truyền thông và quốc hội Mỹ thúc ép phải dân chủ hóa hệ thống chính trị. Tưởng Kinh Quốc đã bãi bỏ luật quân sự và bắt đầu quá trình này. Người con trai của ông ta, Hiếu Dũng, đại diện thương mại của họ ở Singapore đã nói hết cho tôi biết những suy nghĩ của cha anh ta. Tôi bảo Tưởng Kinh Quốc rằng để đảm bảo an ninh của Đài Loan, ông ta không những phải giữ cho được sự hậu thuẫn của tổng thống Reagan mà còn phải giữ cả sự hậu thuẫn của giới báo chí và Quốc hội Mỹ bởi vì Reagan cần sự ủng hộ của cả hai. Về sau Tưởng Kinh Quốc đã cho phép có những phe đối lập không chính thức – trước đó bị coi là bất hợp pháp được tham gia bầu cử Hội đồng lập pháp.

Tưởng Kinh Quốc qua đời vào tháng 1/1988. Ông ta có uy tín lớn ở trong nước và uy tín này đã giúp kiềm chế các lực lượng được buông thả do có lệnh bãi bỏ luật quân sự gần đây của ông ta. Tôi có đến dự lễ tang của ông ta. Nhiều vị lãnh đạo Nhật và Mỹ, các cựu thủ tướng và những quan chức cao cấp khác cũng đã có mặt tại tang lễ nhưng chẳng thấy bóng dáng của những nhân vật đương nhiệm. Tang lễ được cử hành theo nghi thức của người Hoa. Thi hài ông ta được đưa đến nơi an nghỉ tạm thời ngoài phạm vi Đài Bắc, giống như thân phụ ông, Đại tướng Tưởng Giới Thạch – để cuối cùng lại được cải táng ở quê nhà thuộc tỉnh Triết Giang, phía nam Thượng Hải.

Sau đó Phó Tổng thống Lý Đăng Huy lên kế nhiệm. Tôi gặp ông ta lần đầu tiên khi ông còn là thị trưởng Đài Bắc, rồi sau đó trở thành tỉnh trưởng tỉnh Đài Loan. Thỉnh thoảng chúng tôi có chơi gôn với nhau. Ông ta là người có năng lực, cần cù và tôn trọng cấp trên, đặc biệt là tổng thống và các bộ trưởng người đại lục. Hồi đó ông ta là một quan chức dễ thân thiện, khiêm tốn; người cao ráo, mái tóc nâu, mắt đeo kính dày cộm, miệng rộng, cười thoải mái. Trước khi Tưởng Kinh Quốc chọn ông ta làm Phó tổng thống vào năm 1984, nhiều nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng quê Đài Loan đã được xem xét

nhưng bị coi là không phù hợp. Tôi nghĩ rằng Tưởng Kinh Quốc hẳn đã hết sức hài lòng cho rằng Lý là người đáng tin cậy và có thể phó thác cho ông ta tiếp tục theo đuổi chính sách của Tưởng là không bao giờ cho phép một Đài Loan độc lập.

Trong một vài năm, Tổng thống Lý Đăng Huy vẫn tiếp tục chính sách không đổi của Quốc Dân Đảng là chỉ có một Trung Quốc và không có một Đài Loan độc lập. Ông ta bắt đầu tranh thủ được đủ số cận vệ già41 và một ít cận vệ trẻ42 người đại lục có chân trong Quốc Dân Đảng để nắm trọn quyền lực trong Đảng. Tất cả những ai nắm giữ các vị trí then chốt mà có quan điểm trái ngược hay những lời khuyên không mấy dễ chịu đều sớm bị thải loại, trong đó có thủ tướng Hầu Bắc Thôn và Bộ trưởng Ngoại giao Fredrick Chien Fu. Hai người này năm 1995 đã khuyên ông ta không thăm Mỹ. Lý nhanh chóng dân chủ hóa bộ máy nhà nước để đưa nhiều người Đài Loan hơn vào những vị trí then chốt và để tăng cường quyền kiểm soát của mình đối với Quốc Dân Đảng và đất nước. Những cận vệ già của Quốc Dân Đảng trước đó đã nói với tôi rằng họ trông đợi và chấp nhận điều chắc chắn phải đến này. Nhưng họ không biết Tổng thống Lý sẽ chuyển giao quyền lực chính trị nhanh đến mức nào cho đa số 90% đó thông qua những cuộc bỏ phiếu rộng rãi bầu quốc hội và hội đồng lập pháp. Ông ta đã cải tạo chính bản thân Quốc Dân Đảng cho đến khi rốt cuộc nhiều người đã bỏ Quốc Dân Đảng để lập ra Tân Đảng, một nước cờ đã làm suy yếu một cách trầm trọng khả năng nắm giữ quyền lực của Quốc Dân Đảng.

Một khi đã củng cố được vị thế của mình, Tổng thống Lý bắt đầu thể hiện tình cảm của mình bằng lời nói, khiến các nhà lãnh tụ Bắc Kinh kết luận rằng ông ta muốn giữ Đài Loan tách rời khỏi Trung Quốc càng lâu càng tốt. Năm 1992, Tổng thống Lý thông báo các điều kiện thống nhất đất nước. Ông ta định nghĩa: “một nước Trung Quốc” tức là Cộng hòa Trung Hoa, chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Việc thống nhất đất nước chỉ có thể đạt được trên cơ sở “một nước Trung Hoa tự do, giàu mạnh và dân chủ” – hoặc nói cách khác, trước hết nước Trung Quốc cộng sản phải trở thành một nước dân chủ như Đài Loan. Hồi đó tôi không biết điều này có dụng

ý là để đặt lập trường dứt khoát không thay đổi, chứ không hề là một điểm khởi đầu cho những vòng đàm phán.

Tháng 4/1994, Tổng thống Lý cho phép Ryotaro Shiba, một phóng viên nổi tiếng người Nhật, phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn đó đã được phát hành trên một tạp chí của Nhật và không bao giờ bị phủ nhận. Trong lần trả lời phỏng vấn đó, ông ta nói Quốc Dân Đảng là một đảng của người ngoài (ý nói người đại lục – ND), nhân dân Đài Loan đã chịu nhiều đau khổ dưới ách chiếm giữ của người ngoài trong đó có chính phủ Quốc Dân Đảng và rằng: “Khó khăn sẽ còn nằm phía trước Moses43 và nhân dân của ông ta… Cuộc ra đi có thể là một hình thức kết thúc thích hợp”. Là Tổng thống Đài Loan mà ông ta nói về việc Moses dẫn dắt dân mình đi về miền Đất Hứa là một tuyên bố mà Trung Quốc không thể bỏ qua.

Trong lòng những người Đài Loan bản xứ chất chứa những nỗi bất bình đối với những người đại lục vì sự kiện “28 tháng 2”. Vào ngày 28/2/1947 hàng nghìn người Đài Loan bị quân đội Quốc dân đảng giết hại vì đã bày tỏ sự phẫn uất về việc những người đại lục đã không hành động như những người giải phóng mà như những lãnh chúa. Mọi dư luận về thảm kịch này đã bị đàn áp nhưng nó vẫn sống trong ký ức của người dân địa phương và bùng nổ trở lại khi có một người Đài Loan trở thành Tổng thống. Nhờ uy tín của mình, Tổng thống Lý đã ngăn chặn được những mưu toan trả thù đòi thanh toán những món nợ trong quá khứ.

Những cuộc bầu cử rộng rãi có khuynh hướng khơi lại những vết thương cũ và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa người Đài Loan bản xứ và người đại lục. Để lôi kéo cái đa số 90% này, các nhà chính trị đang nhấn mạnh bản sắc địa phương của mình. Họ vận động bằng phương ngữ Min–nan và chế nhạo những đối thủ người đại lục vì những người này không nói được phương ngữ này. Một vài người còn đặt vấn đề nghi ngờ lòng trung thành của những người đại lục với Đài Loan.

Những cuộc tấn công mang đậm màu sắc chia rẽ này khiến các vị lãnh đạo người đại lục thuộc thế hệ già hơn cảm thấy bị xúc phạm. Các học giả người đại lục đã góp phần xây dựng các trường đại học và đã đào tạo nên nhiều người Đài Loan bản xứ có tài năng. Những nhà lãnh đạo xuất chúng người đại lục như các thủ tướng Y.S. Sun và Vũ Quốc Hoa và Bộ trưởng Tài chính K.T. Li đã khôn khéo thực thi những chính sách giúp biến đổi Đài Loan từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp. Họ đã đặt nền móng cho những thành tựu đáng kể của Đài Loan.

Một hậu quả đáng buồn hơn của chiến dịch bầu cử là nó góp phần thúc đẩy sự tham gia ngày càng tăng của các hội Tam hoàng (mafia Trung Quốc hay các hội kín). Các mối quan hệ của Quốc Dân Đảng với hội Tam hoàng xuất hiện từ những ngày trước chiến tranh ở Thượng Hải, khi tướng Tưởng Giới Thạch dùng họ để chống phá cộng sản. Bọn họ theo ông ta ra Đài Loan. Một mafia Đài Loan đã ra đời và bám rễ. Chừng nào những cuộc bầu cử chưa dẫn tới một quyền lực thật sự thì chính phủ còn kiểm soát được họ.

Khi hệ thống chính trị được mở toang vào cuối những năm 80 và những cuộc bầu cử trở thành những cuộc đua tranh giành quyền lực thật sự, thì chẳng bao lâu các hội Tam hoàng đã phát hiện rằng họ có thể thao túng để được bầu vào những cương vị chính quyền. Đến năm 1996, khi 10% thành viên hội đồng lập pháp toàn quốc và 30% thành viên các hội đồng lập pháp địa phương là người của các hội kín thì họ đã trở thành một lực lượng chính trị. Tham nhũng và việc mua phiếu bầu đã trở nên thâm căn cố đế. Một khi đã vào được nhiệm sở, họ phải tìm cách bù đắp những chi phí đã bỏ ra.

Tự do báo chí không thể ngăn cản được tham nhũng (“vàng đen” mà!) hoặc đè bẹp được các hội Tam hoàng là các hội kín mà nay có thể sánh với mafia đảo Sicile của Ý. Họ trở nên quá mạnh đến nỗi khi một thủ lĩnh khét tiếng của băng nhóm bí mật này bị một băng nhóm đối địch giết chết năm 1996, Quốc vụ khanh văn phòng chính phủ của Tổng thống Lý Đăng Huy phải tỏ lòng tôn kính công khai bằng cách gửi một bài vị tang lễ theo truyền thống để tranh thủ những người theo băng đảng. Phó chủ tịch quốc hội và các nghị sĩ nổi tiếng đều có mặt tại lễ tang; một số các vị lãnh tụ đối lập cũng có mặt. Mafia đã thâm nhập vào công nghiệp xây dựng, các hợp tác xã nông nghiệp và thậm chí cả liên đoàn bóng chày. Chúng đã đột nhập vào những cuộc họp tổng kết hàng năm của các công ty có niêm yết tên trên thị trường chứng khoán và những hội đồng nhà chùa nhiều tiền; thậm chí chúng đã bắt đầu tuyển mộ hội viên ở các trường học.

Vào tháng 6/2000, hai tuần sau khi được bổ nhiệm, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên không phải là đảng viên Quốc Dân Đảng, ông Trình Định Nam – phát biểu rằng: “Trong khu vực Đông Á, Đài Loan là nước có những vụ tham nhũng tồi tệ nhất, và 50 năm qua không hề làm gì để giải quyết vấn nạn này. Lý Đăng Huy là nguồn gốc của nền chính trị vàng đen ở Đài Loan. Ông ta biết nó ở đâu nhưng bàn

nhiều về sự cần thiết chống tham nhũng mà làm thì ít. Đó là lý do tại sao những Bộ trưởng Tư pháp trước kia đã buộc phải ra đi bởi vì họ thành tâm nghe theo những lời ông Lý nói và đã cố dọn sạch tham nhũng. Nào là bầu không khí, nền văn hóa và con người, tất cả đều ô nhiễm vì nó có thể tác động các quan tòa, cảnh sát và ngay cả các quan chức làm luật. Chúng ta cần họ nhận lấy trách nhiệm này.”

Tôi đã tiếp Tổng thống Lý ở Singapore năm 1989. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Đài Loan đến Đông Nam Á. Tôi dành cho ông ta mọi sự ân cần cá nhân dành cho khách thăm là nguyên thủ quốc gia. Nhưng mặc dù lúc đó chúng tôi chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tôi vẫn quyết định không đón tiếp ông ta theo nghi thức ngoại giao dành cho nguyên thủ quốc gia. Không có cờ, không có đội danh dự, không có trang trí theo nghi lễ dành cho một chuyến thăm ở cấp quốc gia. Trong tất cả các tuyên bố công khai, chúng tôi đều nhắc đến ông ta là Tổng thống Lý “từ Đài Loan” chứ không phải nói “của Đài Loan”. Mặc dù vậy chuyến đi ấy đã nâng cao hình ảnh chính trị của ông ta trong khu vực.

Bởi vì tôi đã hành động như chiếc cầu liên lạc giữa hai bên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan đã chọn Singapore là địa điểm cho cuộc đàm phán đầu tiên của họ vào tháng 4/1993. Người Trung Quốc đặt tên cho nó là “Cuộc đàm phán Wang – Ku”, lấy theo họ của các nhà lãnh đạo đại diện chính thức cho những tổ chức “không chính thức” của cả hai bên. Tôi đã gặp riêng cả hai trưởng đoàn và biết rằng họ được các vị tổng thống của mình giao phó làm việc theo những chương trình nghị sự khác nhau. Koo Chen–fu, đại diện Đài Loan, muốn chỉ giải quyết những vấn đề kỹ thuật như tính xác thực của các tài liệu và xác minh những lá thư bảo đảm bị thất lạc; tổng thống của ông ta không muốn có một cuộc thảo luận nào về việc nới lỏng thương mại nói chi đến thống nhất đất nước. Wang Daohan thì lại muốn những cuộc gặp sơ bộ này sẽ dẫn đến những cuộc thảo luận có thực chất về thống nhất đất nước. Như người ta chờ đợi, các cuộc đàm phán này đã không cải thiện được các mối quan hệ.

Tổng thống Lý là người mê đọc sách và có khả năng tiếp thu thông tin rất cao. Ông ta được học tại các trường Nhật ở Đài Loan, hồi nó còn mang tên Mả Tổ, một thuộc địa của Nhật. Trong thời còn chiến tranh, ông ta là một trong số rất ít người Đài Loan được chọn đi du

học ở các trường đại học tại Nhật và trong trường hợp ông ta là trường Đại học Kyoto Imperial, một trường có uy tín thứ hai, chỉ sau trường Đại học Tokyo Imperial mà thôi. Ông ta trở lại Đài Loan sau chiến tranh để hoàn tất chương trình đại học ở Đài Bắc. Sau đó, ông ta tiếp tục sang Mỹ để hoàn tất hai phần việc, trong đó phần việc thứ hai là lấy bằng tiến sĩ kinh tế nông nghiệp tại Cornell.

Về sở thích ưu tiên, ông ta tự hào nói với tôi rằng mỗi ngày ông ta đọc bốn tờ báo tiếng Nhật hàng đầu và xem chương trình tivi NHK qua vệ tinh từ Tokyo. Ngay cả sách, ông ta cũng thích đọc những bản dịch bằng tiếng Nhật hơn là nguyên bản tiếng Anh bởi vì ông ta thấy chúng dễ đọc hơn. Do thấm nhuần nền văn hóa và lịch sử Nhật nên ông ta không nghĩ nhiều về đại lục, cả về lịch sử và văn hóa, và các nhà lãnh đạo cộng sản hiện tại của nó. Ông ta nhìn họ bằng cặp mắt của một người thuộc tầng lớp ưu tú của xã hội được đào tạo theo kiểu Nhật, ông ta coi khinh những người cộng sản, và công khai gọi họ nào là những “cái đầu bã đậu”, “ngu xuẩn”, “những bộ óc bị làm hỏng”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chẳng bao giờ đếm xỉa tới những lời này, nhưng tôi cầm chắc rằng có người ở Bắc Kinh đã tận tụy ghi chép đầy đủ.

Tôi nhận thấy ông ta rất tự tin, uyên bác và nắm vững từng vấn đề mà ông ta quan tâm. Nhưng Đài Loan bị cô lập, ông ta không thể hiểu vì sao các nhà lãnh đạo thế giới lại không thông cảm với Đài Loan như người Nhật. Ông ta coi sự thông cảm và ủng hộ của Nhật giành cho Đài Loan là rất quan trọng. Ông ta cũng tin rằng nếu như ông ta tuân theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do Hoa Kỳ và Quốc hội Mỹ về nền dân chủ và nhân quyền thì Mỹ sẽ bảo vệ ông ta chống lại một Trung Quốc cộng sản.

Tôi không thể hiểu lập trường của Tổng thống Lý. Một người bạn cũ của ông ta giải thích rằng cách đào tạo của người Nhật đã làm cho ông ta thấm nhuần tinh thần võ sĩ đạo của những chiến binh Nhật. Và ông ta cho rằng ông ta có sứ mạng dẫn dắt nhân dân Đài Loan đến “miền Đất Hứa”. Người bạn này còn nói thêm rằng, Lý cũng là một tín đồ Kitô giáo sùng đạo, lại được nung nấu bởi tinh thần võ sĩ đạo nên ông ta làm theo ý Chúa với bất kỳ giá nào.

Tháng 6/1995, sau một cuộc vận động hành lang mạnh mẽ, Tổng thống Lý khiến cho Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết nhất trí cho phép cấp thị thực nhập cảnh cho ông ta sang thăm Cornell,

trường học cũ của ông ta. Chuyến viếng thăm đó và bài diễn văn ông ta đọc tại Cornell đã gây tác động nghiêm trọng hơn nhiều chứ không như Quốc hội Mỹ trông đợi. Tôi đã sợ sẽ có phản ứng nhưng không nhận ra chiều sâu của mối nghi ngờ mà Trung Quốc dành cho Tổng thống Lý và những ẩn ý mà họ suy ra từ quyết định của Tổng thống Mỹ cho phép thực hiện chuyến đi này. Cuối năm đó, vào tháng 10, tôi hỏi Thủ tướng Lý Bằng tại sao ông ta rất tin là Lý Đăng Huy muốn Đài Loan độc lập. Lý Bằng nói rằng họ đã xem toàn bộ cuốn băng video ghi lại bài diễn văn của Lý Đăng Huy tại Cornell. Lý Đăng Huy đã không hề đề cập tới “một nước Trung Quốc” nhưng lại nhấn mạnh về Đài Loan và gọi là Cộng hòa Trung Hoa khi đề cập đến Đài Loan. Sự kết tội này đã dẫn đến một cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1958 ở Quemoy vào tháng 3/1996 giữa hai bên. Phía Trung Quốc đã dàn quân và thực hiện những cuộc tập trận ở tỉnh Phúc Kiến đối diện với Đài Loan và đã bắn cho tên lửa rơi xuống vùng biển gần những cảng biển quan trọng dọc bờ biển phía Tây Đài Loan.

Để làm dịu tình hình, ngày 3/3/1996, tôi đã khẩn thiết giãi bày. “Các vị lãnh đạo Trung Quốc đã nói tới tôi như một người bạn cũ. Với Đài Loan tôi là người bạn cũ hơn. Nếu một trong hai bên bị thiệt hại, thì sẽ là mất mát đối với Singapore. Nếu cả hai cùng bị thiệt hại, thì mất mát của Singapore sẽ gấp bội. Singapore sẽ có lợi khi cả hai đều thịnh vượng, khi cả hai cùng hợp tác và giúp nhau thịnh vượng”. Tại một cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Tiền Kỳ Thâm kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đây là vấn đề nội bộ, và dù tôi biết rõ về Đài Loan hơn phần lớn những người ngoài, đây không phải là vấn đề dính líu tới những người bên ngoài. Lời đáp nhẹ nhàng này không làm tôi ngạc nhiên một chút nào vì nó nằm trong lập trường cơ bản của họ: đây là vấn đề nội bộ của “Trung Hoa” và sẽ phải được giải quyết trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của hai phía.

Trong khi đó, Tổng thống Lý bắt đầu bớt nhấn mạnh tính chất Trung Hoa của Đài Loan. Từ cuối cuộc chiến trong năm 1945 cho đến khi Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988, các trường trung tiểu học và đại học của họ đều sử dụng quốc ngữ (tiếng Quan thoại). Sinh viên, học sinh học lịch sử và địa lý của đại lục, theo đó Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Còn bây giờ thì các trường dạy lịch sử và địa lý của Đài Loan nhiều hơn còn lịch sử và địa lý của Trung Quốc thì ít đi. Vào đầu năm 1989, chẳng bao lâu sau khi Tưởng Kinh

Quốc qua đời, tôi đã cảm nhận được sự bối rối của Thủ tướng Vũ Quốc Hoa, một người đại lục khi ông ta tháp tùng tôi trong chuyến thăm Đài Trung, khu an dưỡng, chữa bệnh bằng nước khoáng trước kia của Nhật. Sau bữa ăn tối, trong lúc hát karaoke, các vị bộ trưởng người Đài Loan bản địa đã hát những bài hát bằng tiếng Min– nan mà Yu không hiểu.

Trong 12 năm làm Tổng thống, Lý đã nói lên tâm trạng muốn phân lập mà lâu nay vẫn âm ỉ tại Đài Loan. Ông ta đã đánh giá thấp ý chí của các vị lãnh đạo và nhân dân Trung Hoa đại lục kiên quyết giữ Đài Loan trong vòng kiểm soát của mình. Các chính sách của Lý chỉ có thể thắng thế khi có sự ủng hộ của Mỹ. Bằng những hành động tạo cảm giác bất cứ lúc nào cũng có thể nhận được một sự ủng hộ như vậy, ông ta đã dẫn nhân dân Đài Loan đến chỗ tin rằng họ chẳng cần phải đàm phán nghiêm túc với các vị lãnh đạo Trung Quốc về tương lai của Đài Loan. Cống hiến của ông ta đối với tương lai của Đài Loan là ở chỗ đã biến vấn đề thống nhất thành mục quan trọng nhất trong chương trình nghị sự quốc gia của Bắc Kinh.

Các vị lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi sát sao chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống sắp tới vào tháng 3/2000. Họ lo ngại trước sự ủng hộ ngày càng tăng đối với Trần Thủy Biển, ứng cử viên của đảng Tiến bộ Dân chủ. Những người Đài Loan bản địa theo chủ nghĩa dân tộc, sáng lập viên của Đảng này, đã từ lâu đấu tranh cho nền độc lập của Đài Loan và đã bị chính phủ Quốc Dân Đảng dưới thời Tổng thống Tưởng Giới Thạch và con trai ông ta là Tổng thống Tưởng Kinh Quốc cầm tù và trừng trị. Ngày 22/2/2000, báo chí Bắc Kinh đã phát hành sách trắng của Hội đồng Nhà nước cảnh báo rằng nếu Đài Loan từ chối thảo luận vấn đề thống nhất vô hạn định thì Trung Quốc sẽ phải dùng vũ lực. Điều đó nhắm vào Trần. Ngày 15/3, ba ngày trước bầu cử, Thủ tướng Chu Dung Cơ tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp đã cảnh cáo Đài Loan rằng Trung Quốc sẽ đổ máu để bảo vệ lãnh thổ của mình.

Trần Thủy Biển đắc cử với chưa đầy 40% phiếu bầu trong khi ứng cử viên độc lập James Soong được 36%. Ứng cử viên Quốc Dân Đảng Liên Chiến, Phó Tổng thống đương nhiệm bị thất bại thảm hại. Người ta nhận thấy bằng một bài diễn văn tranh cử chiếu lệ dành để ủng hộ Liên, Tổng thống Lý Đăng Huy đã bỏ rơi Liên Chiến. Mấy người bạn thân nhất của Lý đã tán thành Trần. Điều này càng làm tăng thêm sự hoài nghi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với

Trần. Bắc Kinh nói rằng họ sẽ chờ xem, lắng nghe những gì Trần sẽ nói và nhìn xem những gì ông ta sẽ làm. Sau khi được đắc cử, Trần đã có những lời mang tính hòa giải nhưng chẳng có lời nào cam kết là rốt cuộc sẽ thống nhất. Chủ tịch Giang Trạch Dân nói các cuộc đàm phán có thể được nối lại theo nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”. Trần lại nói “Một nước Trung Quốc” có thể là một tiết mục để thảo luận. Tại lễ nhậm chức của ông ta vào ngày 20/5, Trần tuyên bố: “Cả hai phía đã có đủ khôn ngoan và sáng tạo để cùng nhau giải quyết vấn đề ‘Một nước Trung Quốc’ trong tương lai.” Ông ta không tạo lý do cho bất kỳ một hành động nông nổi nào chống lại Đài Loan nhưng cũng không tuyên bố gì đủ để lung lạc niềm tin của các nhà lãnh đạo đại lục cho rằng ông ta sẽ tiếp tục “kỷ nguyên Lý Đăng Huy không có Lý Đăng Huy”. Hai giờ đồng hồ sau khi ông ta đọc bài diễn văn này, đại lục tuyên bố rằng ông ta thiếu thành ý. Chắc rằng Bắc Kinh sẽ chờ cho đến khi họ biết được vào tháng 11/2000, ai sẽ là Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới, rồi mới quyết định hướng hành động. Tình thế có thể đã sẵn sàng cho một sự xoay chuyển mạnh mẽ. Nếu như tổng thống mới nói mập mờ và không đồng ý chấp nhận rằng Đài Loan và đại lục là các phần lãnh thổ của một nước Trung Quốc, cho dù định nghĩa cách nào đi nữa, thì tình hình sẽ trở nên biến động. Không một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào có thể tồn tại nếu người ta thấy ông ta “làm mất Đài Loan”.

Tổng thống mới có hai lựa chọn: tiếp tục thực hiện những gì Lý Đăng Huy đã ngưng bỏ, nghĩa là xung đột, hoặc là đóng lại chương sử đó và mở ra một chương sử mới trên một cơ sở thực tế. Đài Loan đã bị tách khỏi đại lục hơn một trăm năm kể từ năm 1895. Không một người Trung Hoa nào ở Đài Loan thích được tái hòa nhập vào khối dân khổng lồ 1,2 tỷ này. Họ thích một cung cách quản lý đất nước và nếp sống riêng, khác với đại lục và một mức sống cao hơn mà họ đã tích cực đấu tranh để đạt được. Ngay cả những người đại lục đã sống ở Đài Loan từ năm 1949 và ủng hộ thống nhất đất nước cũng không muốn thống nhất trong tương lai gần. Mỹ có thể đủ sức ngăn chặn Trung Quốc dùng vũ lực trong vòng 20 đến 30 năm nữa. Trong thời hạn đó, có khả năng Trung Quốc sẽ phát triển được khả năng quân sự đủ để kiểm soát eo biển giữa đại lục và Đài Loan. Khôn ngoan hơn là, trước lúc cán cân quân sự nghiêng về phía đại lục, nên thương lượng những điều kiện cho việc thống nhất đất nước trong tương lai chứ không phải trước mắt.

Giả sử rằng tình hình xấu nhất xảy ra, đại lục sử dụng vũ lực, khiến Mỹ phải phản ứng và kiên quyết đánh bại quân đội giải phóng nhân dân (của Trung Quốc – ND) bằng kỹ thuật tiên tiến. “Phải chăng câu chuyện đến đây đã kết thúc?” Chẳng bao lâu sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, tôi có hỏi ba cố vấn chiến lược cao cấp của Mỹ như vậy. Một người trả lời rằng: “Đó là khởi đầu của câu chuyện”. Ông ta đã suy nghĩ xuyên thấu vấn đề. Nếu nền công nghệ siêu việt của Mỹ cản trở họ đạt mục đích của mình, thì không khó gì hình dung 1,2 tỷ người Trung Quốc sẽ xốc lên bởi một động lực mạnh mẽ là cho người Mỹ thấy rằng họ không phải là những kẻ hèn nhát, kém cỏi.

Đối với Tổng thống Trần Thủy Biển thì tiếp tục chính sách của Lý Đăng Huy là tạo ra một bản sắc dân tộc riêng biệt, nổi bật của Đài Loan sẽ xác nhận việc Bắc Kinh nghi là ông ta đã xác định tiến trình độc lập của Đài Loan. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ của một giải pháp vội vã cho vấn đề thống nhất đất nước. Nếu Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập, Lý Đăng Huy sẽ đi vào lịch sử Đài Loan như một anh hùng dân tộc. Nếu Đài Loan được tái thống nhất với đại lục bằng bạo lực, lịch sử sẽ không kiêng nể gì một con người đã mang đến cho người Trung Quốc ở Đài Loan những nỗi đau và mất mát không cần thiết.

Người dân Trung Quốc ở cả hai phía eo biển có thể làm giảm mức độ trầm trọng của vấn đề bằng cách tạo lập những mối quan hệ dễ chịu hơn qua nhiều năm tháng. Nếu là thống nhất đất nước trong hòa bình, thì phải làm lu mờ dần những khác biệt hiện đang chia rẽ và tách biệt hai xã hội chứ không phải nhấn mạnh những khác biệt đó. Cả hai cần thời gian để làm việc và thu hẹp những cách biệt xã hội, kinh tế và chính trị. Trong dân chúng ở Đài Loan, cảm giác mình thuộc dân tộc Trung Hoa không mạnh như ở Hong Kong. Đại lục có thế và lực để chấp nhận điều này và chọn thực thi một quan điểm cởi mở, cao thượng nhằm thúc đẩy quá trình hòa giải này. Thống nhất bằng vũ lực sẽ để lại những vết sẹo không thể tẩy xóa. Mặt khác các nhà lãnh đạo Đài Loan có trách nhiệm không hành động theo hướng tiến tới độc lập hoặc cố tình khuếch trương những khác biệt giữa hai xã hội.

Chọn tập
Bình luận
× sticky