Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 26: Liên Bang Xô Viết: Một Cường Quốc Sụp Đổ

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Tôi đang ở Jesselton (hiện nay là Kota Kinabalu) gần rừng Bắc Borneo thuộc địa của Anh quốc để tham gia một phiên tòa, thì có tin cho biết rằng vào tháng 10/1957 Nga đã phóng vệ tinh nhân tạo vào không gian. Đây quả là cuộc biểu dương ngoạn mục về sự hơn hẳn của công nghệ Liên Xô. Tôi xem xét sự thách thức của hệ thống xã hội chủ nghĩa một cách nghiêm túc. Người Liên Xô xông xáo mọi nơi ở châu Á và cùng với cộng sản Trung Hoa kích động quân du kích nổi dậy. Họ thậm chí hiện ra lớn lao hơn trong tâm trí tôi sau khi họ đưa người đầu tiên vào không gian vào tháng 4/1961. Sự kiện này đã củng cố thêm cho lời tuyên bố của họ rằng lịch sử ủng hộ họ. Tôi tò mò muốn biết họ là những người như thế nào và đã nắm lấy cơ hội sang thăm Moscow vào tháng 9/1962, sau một cuộc hội nghị của Khối thịnh vượng chung ở London. Tôi được một chuyến ngoại giao chính thức thăm Moscow gồm cả một đêm ở Nhà hát lớn (Bolshoi), nơi tôi đã thấy Stravinsky trong chuyến trở về Nga lần đầu tiên, chỉ huy dàn nhạc cho vở ba–lê Petrushka. Các viên chức tách biệt tôi khỏi người dân trên các đường phố, trong cửa hàng, khách sạn và tôi không gặp được ai khác ngoài các viên chức đó.

Ấn tượng lâu bền của tôi về Moscow và các viên chức nơi đây là sự buồn tẻ và khắc khổ. Có một bábushka, chính xác như tôi đã được đọc trong sách – một phụ nữ to lớn phốp pháp ngồi bên ngoài thang máy trên tầng của tôi ở khách sạn Quốc gia (khách sạn tốt nhất của họ, nơi Stravinsky cũng đang ở), và chẳng làm gì khác. Tôi được phục vụ bữa ăn sáng khá dư giả – trứng cá muối, cá tầm hun khói, vài lát hamburger và thịt, bánh mì, bơ, cà phê, trà, rượu vodka và cognac – trên bàn trải khăn nhung sậm màu. Tối hôm ấy, khi tôi trở về từ buổi biểu diễn ba–lê, thức ăn vẫn chưa được dọn dẹp. Và như tôi đã được cảnh báo trước, bồn tắm và lavabô không có vòi tắt. Tôi lập tức lấy một quả bóng cao su rắn thay cho vòi tắt. Nó không hiệu nghiệm đối với lavabô nhưng may thay, với bồn tắm, nó có tác dụng. Xe hơi loại Chaika (với khoang ngồi cỡ vừa) thật kinh khủng. Người

nhân viên đưa tôi đi loanh quanh là một thành viên của Bộ Văn hóa, đặc trách vùng Đông Nam Á và nhân vật cao cấp nhất mà tôi gặp là đại diện Bộ Ngoại giao Kuznetsov. Ở Moscow, tôi mang ấn tượng bị đe dọa từ bầu không khí nhưng có lẽ đó là sự tưởng tượng của tôi mà thôi. Việc Liên Xô đã trở thành một cường quốc to lớn là một thực tế.

Vì thế tôi khích lệ đứa con trai lớn của tôi, Loong, học tiếng Nga vì nó thích môn toán; khi đó, nó có thể đọc các sách báo xuất bản của nhiều nhà toán học tuyệt vời của Nga. Tôi cho rằng Nga sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của các con tôi. Loong đã học tiếng Nga 5 năm với một giáo sư di cư người Séc dạy ở Đại học Nanyang, được phóng viên Thông tấn xã Liên Xô theo sát và tiếp đến là những người Nga trẻ tuổi đang theo học tiếng Hoa ở đây. Cuối cùng một nhà ngoại giao người Anh đã dạy nó tiếng Nga chuẩn bị cho kỳ thi ở cấp độ O và nó đã đạt loại ưu.

Singapore đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Nga34 vào năm 1968 nhưng rất ít liên lạc với nhau. Chúng tôi chẳng muốn mua gì của họ ngoại trừ cá từ đội tàu đánh cá đang rà soát ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Họ cộng tác với một công ty của chúng tôi để sản xuất cá hộp và sửa chữa tàu thuyền trong khu cảng của chúng tôi cũng như nhận các thực phẩm dự trữ. Tuy nhiên, người Liên Xô quan tâm đến Singapore bởi vị trí chiến lược. Tôi đã nhận thức thật đầy đủ điều này trong một đêm nghỉ ở Moscow vào tháng 1/1969.

Choo và tôi đang trên đường đến London trên chuyến bay của hãng hàng không Scandinavia qua Bangkok, Tashkent và Copenhagen lúc người phi công thông báo rằng máy bay không thể đáp xuống Tashkent do điều kiện thời tiết và phải đáp xuống Moscow. Thời tiết khá tốt khi chúng tôi bay qua Tashkent. Đang đợi trên đường băng của phi trường Moscow là các viên chức Bộ Ngoại giao cùng với Ilia Ivanovich Safronov, vị đại sứ được bổ nhiệm của Nga ở Singapore. Đêm ấy trời rất lạnh. Choo trượt chân và suýt nữa ngã trên đường băng đã bị đóng băng, hoàn toàn không có chút chuẩn bị nào cho tình huống này. Thư ký của tôi run lẩy bẩy vì lạnh nhưng rồi cũng được sưởi ấm dần lên trong căn phòng dành cho VIP bằng rượu cô–nhắc. Những gì mà họ muốn từ nghiệp vụ tinh vi này là để tôi gặp người đại sứ đầu tiên của họ sẽ đến Singapore. Đây cũng là cách đơn giản để gây ấn tượng cho tôi về tầm cỡ, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của họ.

Safronov nói tiếng Quan thoại, đã từng làm việc ở Trung Quốc và nhiệm vụ của ông ta rõ ràng là thực hiện một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về ảnh hưởng tiềm tàng mà Trung Quốc có thể tập trung ở Singapore. Ngay sau khi đến Singapore, ông ấy chuyển đến tôi lời mời đến thăm Liên bang Xô Viết của Thủ tướng Aleksei Nikolayevich Kosygin.

Tháng 9/1970, tôi đến Moscow vào quá nửa đêm trên chuyến bay của hãng Aeroflot từ Cairo, một đội danh dự những người Nga cao lớn gác dưới đèn pha đón tôi. Họ di chuyển như người máy và đồng thanh hô lớn khi tôi nói “Xin chào” với họ bằng tiếng Nga. Đội danh dự kết thúc duyệt binh khi họ diễu hành qua sát tôi với vẻ biểu dương sức mạnh. Toàn bộ được sắp xếp để gây ấn tượng và tôi cũng thấy thật ấn tượng.

Tôi gặp vị chủ tịch to béo, Nikolai Podgorny, tại điện Kremlin để thảo luận và dùng bữa trưa. Ông nói về các mối quan hệ cải cách văn hóa và kinh tế. Một tính cách khó xác định, ông chẳng để lại ấn tượng gì trong tôi. Ngày tiếp theo, họ đưa chúng tôi bay đến Sochi rồi sau đó lái xe chở chúng tôi từ nhà khách qua hơn hai dặm đường đồi sát Biển Đen đến một ngôi nhà nghỉ rộng lớn ở Pitsunda, ở đó, một vị Thủ tướng trông nghiêm túc nhưng lại rất thiện cảm đón chúng tôi. Kosygin tự hào chỉ cho chúng tôi các thiết bị của ngôi nhà nghỉ của ông, cụ thể là hồ nước nóng trong nhà có cửa trượt, hoạt động khi được nhấn nút. Tôi đã trò chuyện với ông khoảng hai giờ đồng hồ trước bữa ăn tối.

Kosygin có vẻ rất thích thú sự kiện chúng tôi đã chia tách khỏi Malaysia. Ông ta hỏi: “Liệu Singapore có thật sự nỗ lực để sống cùng với nhau trong Liên bang hay không?” Tôi cam đoan với ông ta rằng chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng có sự khác biệt cơ bản trong niềm tin chính trị của chúng tôi về các vấn đề hiện hành và chính sách mang tính cộng đồng. Ông hỏi liệu ông có đúng không khi cho rằng ý tưởng thành lập Liên bang với Malaysia vẫn chưa bãi bỏ. Tôi đề cập đến mối quan hệ địa lý và chủng tộc giữa hai đất nước, nhưng sau các cuộc bạo động về sắc tộc vào tháng 5/1969 ở Kuala Lumpur, tôi không nghĩ rằng sẽ có hiệu quả khi bàn về việc tái lập Liên bang. Những người lãnh đạo ở đó nghi ngờ Singapore. Sau đó, ông ta hỏi về sự ủng hộ đối với những người cộng sản (như những người theo chủ nghĩa cộng sản của Mao Trạch Đông) ở Singapore. Tôi trả lời điều này giảm dần từ khoảng 33% vào năm 1961–1962, và đến giờ có lẽ còn 15%.

Từ cử chỉ và các câu hỏi của ông về ảnh hưởng của Bắc Kinh lên những người Hán học của chúng tôi, tôi hiểu rõ là ông ta không nghĩ rằng một Singapore độc lập cuốn hút mối lưu tâm của Liên Xô. Ông đề cập thẳng đến những phương tiện sửa chữa quân sự do máy bay và tàu Mỹ sử dụng, và những chuyến viếng thăm để vui chơi và giải trí của những người phục vụ cho Mỹ từ Việt Nam. Tôi đáp lại rằng các phương tiện sửa chữa của chúng tôi được mở ra trên cơ sở thương mại. Ông thích sử dụng cảng tàu của chúng tôi, xét về tiện nghi của hải quân Anh trước đây, và nói rằng ông ta hy vọng sẽ mở rộng mối quan hệ song phương ở lĩnh vực chính trị và kinh tế. Ông chuẩn bị gửi đến tất cả các loại thuyền, bao gồm cả chiến thuyền Xô Viết để sửa chữa. Thứ trưởng phụ trách ngoại thương của ông sẽ đến thăm Singapore để đánh giá triển vọng tăng cường thương mại.

Ông ta gây ấn tượng với tôi là một người đàn ông tinh tế. Ông không đưa ra lời đề nghị của Xô Viết về một hệ thống bảo an cho châu Á mà Chủ tịch Podgorny đã nói với tôi ở Moscow. Vì tôi không biểu lộ niềm hân hoan nào, nên Kosygin chỉ đơn giản nói rằng họ là một nước châu Âu, cũng là một nước châu Á và đương nhiên quan tâm đến những gì diễn ra ở Đông Nam Á, mặc dù có một số người bác bỏ quyền là người châu Á của họ.

Một viên chức lo việc đối ngoại, người đồng hành với tôi, một chuyên gia Trung Hoa, Mikhail S. Kapitsa, đã làm hầu hết công việc chuyện trò và thăm dò suốt chuyến viếng thăm của tôi. Người Liên Xô thật hiếu khách. Trên chuyến bay từ Moscow đến Sochi, họ phục vụ trứng cá muối, cá tầm hun khói, rượu vodka và cognac ngay sau bữa điểm tâm. Khi tôi bảo rằng thói quen Anh khiến tôi chỉ uống trà vào bữa sáng, thế là rượu và thức ăn được dọn đi. Vị Bộ trưởng của họ, người cùng đi với tôi, nói ông ta cũng là người uống trà và ca tụng điều ấy.

Tôi có ấn tượng về đài tưởng niệm chiến tranh rất lớn ở Volgograd (Stalingrad trong Thế chiến Thứ hai) để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc phòng thủ kiên cường của thành phố khi bị bao vây. Là biên tập viên điện báo khi Nhật chiếm đóng Singapore – tôi đã từng đọc các bản tường thuật của các phóng viên chiến trường trong suốt chiến trận kéo dài từ năm 1943 đến 1944. Các bức phù điêu tuyệt đẹp trên tường gợi nhớ đến các hành động dũng cảm của quân đội và nhân dân Nga suốt cuộc bao vây. Đáng nhớ tương tự là đài tưởng niệm và nghĩa trang ở Leningrad (bây giờ là Saint Petersburg). Họ là những con người quả cảm, gan dạ và bền bỉ, những người đã trải qua những đòn tra tấn nặng nề của bọn phát xít Đức, đảo ngược tình thế của kẻ thù và cuối cùng đánh đuổi chúng tới tận Berlin.

Dù họ khá thân thiện và hiếu khách như vậy, Choo và tôi vẫn nghi ngờ rằng phòng của chúng tôi có đặt máy ghi âm. Sau bữa ăn tối vào đêm đầu ở Moscow, Choo nói khi ở trong phòng ngủ của chúng tôi ở nhà khách: “Lạ thật, họ rất để ý đến em. Ắt hẳn họ cho rằng em có ảnh hưởng lớn đến anh. Họ lại ít lưu tâm đến Raja”. Ngày tiếp theo, Rajaratnam, Bộ trưởng Ngoại giao của tôi bị chú ý nhiều hơn và Choo bị những người chủ lơ là. Tôi thật sự tự hỏi liệu họ có muốn chúng tôi biết là họ đang nghe trộm chúng tôi không. Suốt thời gian còn lại của chuyến đi, thậm chí cả trong phòng tắm, tôi cũng cảm thấy rằng họ đang giám sát suy nghĩ của tôi.

Sau năm 1970, chúng tôi không có cuộc tiếp xúc nào với cấp cao hơn ngoại trừ 4 cuộc viếng thăm của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Xô Viết N.P.Firyubin đến Singapore giữa năm 1974 đến 1980. Tôi trách ông vì đã không ủng hộ Asean khi ngay cả đại lục Trung Quốc đã lên tiếng giúp đỡ. Họ nghi ngờ Asean là một tổ chức chống Xô Viết và ủng hộ Hoa Kỳ. Firyubin cực kỳ thông minh và dễ trò chuyện nhưng không có quyền quyết định chính sách.

Khoảng thời gian này chúng tôi cũng phát hiện ra rằng nhân viên mật vụ của chúng tôi ở Moscow đã thỏa hiệp với một phụ nữ Nga và đã trao cho cô ta các thông tin đã giải mã của đại sứ quán. Ắt hẳn họ đã làm điều này thường xuyên với các đại sứ quán, dù bạn hay thù. Điều họ muốn biết từ việc đọc các thông tin với đại sứ quán của chúng tôi làm tôi bối rối, chúng tôi không mong muốn gì hơn được đứng ngoài các rắc rối với họ.

Sau khi Liên Xô chiếm Afghanistan, chúng tôi tham gia vào cuộc tẩy chay Thế vận hội Moscow năm 1980, dừng lại chương trình giao lưu văn hóa và trì hoãn tất cả các cuộc thăm viếng của những đoàn đại biểu kinh tế của họ. Chúng tôi cũng khước từ sửa chữa và thậm chí từ chối cung cấp nhiên liệu cho hải quân và các tàu trợ chiến của họ trong các xưởng sửa chữa và đóng tàu của chúng tôi, và cả các chuyến bay ngang qua hay các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho máy bay Liên Xô khi dừng lại trên đường bay đến Indonesia.

Mối quan hệ lạnh nhạt này vẫn kéo dài gần một thập kỷ cho đến khi Gorbachev ban hành chính sách cải tổ và công khai hóa. Khi Thủ tướng Nikolai Ryzhkov đến thăm Singapore vào tháng 2/1990, ông đại diện cho một đất nước và một chính phủ khác hẳn. Ông không có sự tự cao và thái độ phách lối của vị lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh, ông đã gặp Thủ tướng Ong Teng Cheong35 xin vay 50 triệu đôla để mua các hàng tiêu dùng của Singapore. Tôi không đồng ý và yêu cầu Ong Teng Cheong không đáp lại. Đến lúc Thủ tướng của Liên Xô phải viện đến một Singapore bé nhỏ để vay 50 triệu đôla, ắt hẳn họ đã để mất lòng tin của các nước lớn khác. Cho Liên Xô vay là vô ích.

Ông được đưa đến siêu thị “Giá phải chăng” do NTUC sở hữu. Khi tôi mời ông ăn tối hôm ấy ở Istana, ông bày tỏ sự ngạc nhiên rằng công nhân chúng tôi có thể mua thoải mái thịt, trái cây và rau xanh được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Việc Liên Xô đang chịu đựng sự thiếu hụt lương thực vào lúc đó khiến ông trăn trở nhiều về vấn đề này.

Ryzhkov là người ăn nói nhẹ nhàng và thân thiện. Ông thừa nhận sự đòi hỏi quá đáng về nền kinh tế chỉ huy của Stalin và sự cô lập của Liên Xô trong hoàn cảnh tự cung tự cấp đã gây ra tác hại. Chính phủ của ông vì thế phải thay đổi chính sách. Giờ đây, họ đã thấy được mối quan hệ quốc tế quan trọng như thế nào và đã quyết định tăng cường hội nhập các mối quan hệ kinh tế quốc tế không phân biệt hệ thống chính trị xã hội.

Ông ta mời tôi đến thăm Liên Xô, và tôi đã đi vào tháng 9 năm đó. Lần này, lễ tiếp đón tại sân bay Moscow rất khác. Đội danh dự của họ không còn đồng bộ những người cao 1,9 mét nữa mà như một hỗn hợp những người cao, thấp, vừa, còn dàn nhạc thì như mới ngẫu nhiên hợp thành vậy. Tính đồng bộ nhịp nhàng của quân đội đã mất đi. Họ không còn bận tâm đến việc tạo ra nỗi kinh sợ cho khách viếng thăm nữa.

Ryzhkov đến trễ trong cuộc hẹn gặp với tôi và ông đã hết lời xin lỗi. Ông kẹt trong cuộc họp của Xô Viết Tối cao nhằm tìm ra một thỏa hiệp giữa hai hệ thống ngược đường nhau về việc chuyển đổi nền kinh tế Liên Xô thành một hệ thống thị trường tự do. Ông bày tỏ sự mất lòng tin hoàn toàn về hệ thống của Liên Xô và sự bối rối về việc làm thế nào để xâm nhập vào hệ thống thị trường, ông bảo rằng chính phủ của ông rất chú ý đến Singapore bởi vì giờ đây họ đang bắt tay vào việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và đã bị cuốn hút bởi những thay đổi nổi bật của Singapore. Họ cũng học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước để rút ra các yếu tố tích cực về việc các nước khác đã điều khiển nền kinh tế của họ như thế nào. Tôi nghĩ thật là thảm hại cho một nước lớn như Liên Xô lại nói đến vấn đề học hỏi về nền kinh tế thị trường từ các nước khác vào giai đoạn cuối của sự suy sụp.

Cuộc gặp gỡ của tôi với Tổng thống Mikhail Gorbachev bị đình lại nhiều lần vì ông đã bị kéo vào một loạt các cuộc thảo luận căng thẳng về bước kế tiếp tiến vào nền kinh tế thị trường. Các viên chức lễ tân của Liên Xô tỏ vẻ hối tiếc nhưng tôi nói với ngài đại sứ là đừng lo lắng. Chúng tôi đang chứng kiến sự kết thúc của một đế quốc. Tôi đã có dịp nhìn thấy một lần trước đây, đó là sự sụp đổ của đế quốc Anh vào tháng 2/1942 khi Nhật xâm chiếm chúng tôi. Tôi được đưa đến văn phòng của ông tại điện Kremlin khi ông tách ra được khỏi một trong các cuộc họp lê thê để gặp tôi nửa giờ đồng hồ. Tất cả các nghi lễ được đặt sang một bên vì chúng tôi gặp nhau trong một nhóm nhỏ, ông ta cùng với một trợ lý và một thông dịch viên, còn tôi có Phó Thủ tướng Goh Chok Tong và Bộ trưởng Ngoại giao Wong Kan Seng.

Ông không chắc bước kế tiếp của mình là gì để giải quyết các vấn đề nan giải này. Tôi tự nghĩ rằng ông đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng là công khai hóa (glasnost) trước khi cải tổ (perestroika). Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan hơn khi tiến hành ngược lại. Gorbachev trông có vẻ trầm tĩnh, lặng lẽ và chân thành khi ông bảo rằng mỗi quốc gia là đơn nhất và không một nước nào được thống trị quân sự trên nước khác. Ông ta nói rằng Liên Xô đang bước đầu cải tổ nên có nhiều vấn đề phải lựa chọn, cả về kinh tế lẫn chính trị, và nên tiến lên như thế nào. Liên Xô đã bắt đầu cải tổ từ năm 1917 nhưng đã không tìm ra được con đường mà họ mong muốn. Bây giờ, ông đang cố gắng làm lại tất cả. Ông hiểu rằng Singapore đã cải tổ nhiều năm trước đây. Ông đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ song phương.

Tôi nói điều kỳ diệu là sự chuyển đổi của Liên Xô quá bình yên. Nếu ông có thể vượt qua 3 đến 5 năm nữa mà không sử dụng bạo lực, chắc chắn ông sẽ thu được thắng lợi to lớn. Tôi ca ngợi ông là đã không dùng quyền lực quân sự để giải quyết vấn đề vì nó sẽ gây thảm họa cho thế giới. Ông ta đáp rằng dù cho sự phát triển về kinh tế và văn hóa của một nước đang ở giai đoạn nào chăng nữa thì không ai có thể nói đâu là hạng nhất và đâu là hạng nhì bởi vì mỗi quốc gia là một thực thể duy nhất theo cách riêng của nó.

Trong các cuộc thảo luận giữa tôi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tôi phát hiện quan điểm của họ về Gorbachev hoàn toàn khác – người đứng đầu của một siêu cường quốc đã lắng nghe tiếng gọi của kẻ thù. Lẽ ra ông ta phải cảnh giác khi kẻ thù đang ca tụng ông trên các phương tiện thông tin đại chúng mới phải. Thay vì vậy, ông ta lại theo lời hô hào của họ và chính việc công khai hóa đã khiến đất nước ông tan vỡ, đúng như những gì kẻ thù của ông mong đợi. Do đó, khi thông tin đại chúng của Mỹ hướng tới phó Thủ tướng Chu Dung Cơ, người được xem là Gorbachev của Trung Quốc, Chu đã nhanh chóng tách biệt ông ta khỏi những điều mà có thể bị xem là giống Gorbachev. Sự ca tụng mà ông hay bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào đều ưa thích là được xem như một Đặng Tiểu Bình với quan điểm chủ nghĩa xã hội hiện thực, rằng cả mèo đen và mèo trắng đều cùng bắt chuột. Ít có người Trung Quốc nào, dù là lãnh đạo hay dân thường, ái ngại cho Gorbachev khi ông bị chính nhân dân của ông chối bỏ với số phiếu bầu không đến 1% trong cuộc bầu cử tổng thống ở Nga năm 1996. Họ xem ông là người đã phá hoại đế chế Xô Viết theo cách mà CIA tự hào bảo rằng chính CIA đã làm.

Sự tan vỡ của Liên Xô không ảnh hưởng đến Singapore vì chúng tôi có rất ít quan hệ kinh tế với nước này. Dấu hiệu đầu tiên của sự tan vỡ là khi các thuyền đánh cá cập bến bắt đầu trở nên thất thường. Thuyền trưởng các tàu đã bán cá ở các nơi khác, đôi khi ngoài khơi, để trả lương cho các thủy thủ và các xưởng đã sửa chữa tàu cho họ rẻ hơn chúng tôi. Sự kiểm soát từ Trung tâm Moscow đã không còn nữa. Aeroflot, hãng hàng không Xô Viết cũng trong tình trạng khó khăn như thế. Nó không có ngoại tệ mạnh để trả cho nhiên liệu của ngành hàng không và phải xin tiền chi vặt từ chi nhánh ngân hàng Narodny của Moscow ở Singapore để trả tiền nhiên liệu để bay về lại Moscow.

Dù rối loạn ngày càng tăng, hãng Aeroflot vẫn có lượng khách du lịch người Nga rất đông. Những người này đi mua đồ điện tử mà họ có thể bán với giá cao gấp mấy lần khi qua được hải quan Moscow. Đây là những chuyến đi thu lợi cho những người buôn bán tự do.

Khi tôi thăm Liên Xô vào tháng 9/1970 và gặp Thủ tướng Kosygin ở nhà nghỉ của ông bên bờ Biển Đen, các nhà lãnh đạo Xô Viết thật cởi mở, quả quyết và tự tin rằng tương lai sẽ thuộc về họ. Nhìn đế quốc rộng lớn, quản lý chặt chẽ này rung lên, trở nên không thể quản lý và rồi tan vỡ quả là đáng khiếp sợ. Điều tương tự đã xảy ra với Trung Quốc vào những thập kỷ cuối cùng của triều đại nhà Thanh. Điều khác biệt là Nga vẫn còn khả năng về hạt nhân, yếu tố cuối cùng ngăn chặn các nước xâu xé nó. Và bất kỳ ai tin rằng người Nga là một dân tộc hùng cường thì hẳn đã phải nhớ đến các nhà khoa học hạt nhân và vũ trụ, các kiện tướng cờ quốc tế và các quán quân Olympic mà họ đã bồi dưỡng thay vì nhớ đến một nền kinh tế chỉ huy trung tâm lụn bại. Không giống như hệ thống cộng sản chủ nghĩa của họ, người Nga không phải là một dân tộc bị nhét vào thùng rác của lịch sử.

Chọn tập
Bình luận
× sticky