Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Phần I: Hiểu Đúng Những Vấn Đề Thiết Yếu: Chương 1: Làm Một Mình

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Có nhiều sách dạy bạn cách xây dựng một ngôi nhà, cách sửa chữa máy, cách viết một quyển sách. Nhưng tôi chưa thấy một quyển sách nào hướng dẫn cách xây dựng một đất nước với tập hợp đa chủng tộc di cư từ Trung Quốc, Ấn Độ thuộc địa Anh, và Đông Ấn thuộc địa Hà Lan, hay chỉ dẫn cách tạo kế sinh nhai cho dân chúng trong một quốc gia khi mà vai trò kinh tế trước đây của nó là một trạm trung chuyển hàng hóa trong khu vực đang ngày càng lụi tàn.

Tôi chưa bao giờ mong đợi vào năm 1965, lúc 42 tuổi, tôi lại đứng đầu một nước Singapore độc lập, chịu trách nhiệm về cuộc sống của 2 triệu người dân. Từ năm 1959, ở tuổi 35, tôi giữ cương vị thủ tướng của nhà nước Singapore tự trị. Chúng tôi đã gia nhập Liên bang Malaysia vào tháng 9/1963. Có nhiều bất đồng cơ bản về chính sách giữa Singapore và chính quyền liên bang. Một cách bất ngờ, vào ngày 9/8/1965, chúng tôi tách ra thành một quốc gia độc lập. Chúng tôi đã bị buộc tách khỏi Malaysia và đi trên con đường của riêng mình mà không có kim chỉ nam dẫn tới đích kế tiếp.

Chúng tôi đã đối mặt với những xung đột ghê gớm mà cơ hội tồn tại là vô vọng. Singapore không phải là một đất nước tự nhiên, mà là một đất nước do con người tạo nên, một trạm mậu dịch mà người Anh đã phát triển thành một điểm nút trong một đế quốc hàng hải rộng khắp thế giới. Chúng tôi thừa hưởng hòn đảo mà không có phần nội địa, một trái tim không thể xác.

Báo chí nước ngoài bình luận ngay sau khi độc lập, tất cả những tiên đoán về số phận càng làm tăng thêm nỗi lo âu trong tôi. Một tác giả so sánh sự rút lui của Liên hiệp Anh ra khỏi thuộc địa với sự suy tàn của đế chế La Mã, luật pháp và trật tự của xã hội đã sụp đổ khi đoàn quân La Mã rút lui và lũ người man di đến tiếp quản. Denis Warner viết trong tờ Sydney Morning Herald (xuất bản ngày 10/8/1965): “Cách đây ba năm, nước Singapore độc lập được đánh giá là không có khả năng tồn tại. Không có gì trong tình thế hiện tại cho thấy ngày nay nó có thể đứng vững hơn trước được”. Trong tờ Sunday Times ở London (ngày 22/8/1965), Richard Hughes đã viết, “Nền kinh tế Singapore sẽ sụp đổ nếu các căn cứ của Anh – trị giá hơn 100 triệu bảng Anh – đóng cửa”. Tôi cũng lo sợ nhưng không biểu lộ: Nhiệm vụ của tôi là mang đến cho nhân dân niềm hy vọng, chứ không phải là làm nản lòng họ.

Thật ra, trong đầu tôi luôn có một băn khoăn hơn hết là người Anh sẽ và có thể duy trì các căn cứ của họ ở Singapore trong bao lâu. Liệu họ có rút ngắn thời gian nán lại không, bởi vì đã xảy ra chia rẽ? Harold Wilson đang đối đầu với sự chống đối từ phía các nghị sĩ thứ yếu.2 Chính sách “Miền Đông Suez” rất hao tốn và không giúp Chính phủ đảng Lao động giành được thêm phiếu bầu. Họ cần tiền cho phúc lợi xã hội và nhiều chương trình tranh cử khác. Hoa Kỳ, nước duy nhất bảo đảm cho an ninh và ổn định ở Đông Á, đã bị lún sâu vào chiến tranh du kích ở Việt Nam, một cuộc chiến tranh ít được các đồng minh châu Âu và các chính phủ châu Á và châu Phi đồng tình. Tuyên truyền chống Mỹ của Liên bang Xô Viết và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có ảnh hưởng nhất trong Thế giới thứ Ba. Tôi cảm thấy sẽ bị phương hại về chính trị, nếu như Mỹ đảm nhận thay vai trò của người Anh tại Singapore. Úc và New Zealand tự họ không thể là những người bảo lãnh đáng tin cậy.

Tôi e ngại rằng sự ảnh hưởng của người Anh sẽ suy yếu và ảnh hưởng của Mỹ sẽ lan rộng, tuy chậm nhưng đó là điều không thể đảo ngược. Đối với thế hệ của tôi, được sinh ra và lớn lên trong thời đại đế chế, thật không phải là một sự thay đổi dễ dàng. Tôi đã phải chấp nhận kiểu quyền lực Mỹ không có sự tế nhị kiểu Anh. Người Anh củng cố quyền lực của họ với một chút ít lịch sự. Người Mỹ lại khác, như tôi có thể thấy từ cách họ đối xử với các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam, và ngay cả với các nhà lãnh đạo Thái và Philippines, những người không ở trong một tình thế khó khăn như các nhà lãnh đạo tại Sài Gòn. Mỹ là một cường quốc số một, với sức mạnh to lớn và có thói quen phô trương điều đó.

Đã có một gánh nặng về an ninh chặt chẽ hơn cho cá nhân tôi. Đó là điều gây cảm giác khó chịu. Ngay sau khi chia tách, nhân viên cảnh sát chịu trách nhiệm an ninh của tôi đã cảnh báo tôi rằng tôi là đối tượng bị thù ghét số một trên báo chí và các chương trình phát thanh và truyền hình bằng ngôn ngữ Malay của Malaysia, khi đó đang lưu truyền ở Singapore. Anh ta khuyên tôi di chuyển ra khỏi ngôi nhà ở đường Oxley cho đến khi cơ quan an ninh thực hiện một vài thay đổi đối với ngôi nhà của tôi. Tôi đã có một lớp nhân viên an ninh dày đặc thay vì chỉ cần một sĩ quan. Anh ta cũng mở rộng mạng lưới an ninh ngầm để bảo vệ cho vợ tôi – Choo, và các con của chúng tôi. Lời đe dọa từ những kẻ cuồng tín chủng tộc là không thể đoán trước được, không giống như những lời đe dọa từ cộng sản

– những người có chừng mực và đắn đo sẽ thấy không lợi lộc gì khi làm hại Choo và các con tôi. Trong khoảng ba đến bốn tháng, Choo và tôi ở tại Changi Cottage, một biệt thự của chính phủ cạnh bờ biển, gần sân bay Changi của Không quân Hoàng gia và trong một khu vực được bảo vệ. Trong thời gian này, tôi tổ chức các cuộc họp nội các bất thường, bởi vì việc tôi đến văn phòng ở Tòa Thị chính đã gây ra tắc nghẽn giao thông do một xe hơi an ninh và đoàn xe môtô hộ tống bất thường. Tôi ra những quyết định khẩn bằng điện đàm với các bộ trưởng liên quan, điều này giúp tôi bớt được những buổi họp chính phủ dài lê thê. Những trợ lý riêng của tôi và Wong Chooi Sen – một thư ký nội các đáng tin cậy của tôi, mỗi ngày đều đến căn nhà riêng nơi tôi vừa ở vừa làm việc. Trong khu vực tản bộ là một sân gôn 9 lỗ của Không quân Hoàng gia để thư giãn sau cả ngày miệt mài trên giấy tờ và biên bản. Tôi thích chơi gôn 9 lỗ, đôi khi với bạn, có lúc một mình, với Choo đi cùng cho có bạn.

Ba đứa con tôi phải đi học, vì vậy chúng ở lại nhà và chịu đựng những bất tiện của việc các công nhân đang xây một bức tường gạch theo kiểu tổ ong nhằm che khuất cổng trước nhìn từ ngoài đường. Tạm thời, cho đến khi họ có được kính chống đạn, họ che chắn các cửa sổ bằng những tấm thép. Điều này khiến các căn phòng trông như một nhà tù, và cả gia đình cảm thấy thật sự nhẹ nhõm khi cuối cùng các cửa sổ kính cũng được lắp đặt xong sau đó vài tháng. Khi tôi trở lại đường Oxley, đội cảnh sát Gurkha (được người Anh tuyển mộ từ Nepal) được đặt ở vị trí gác cửa. Chuyện cảnh sát người Hoa bắn vào người Malay hay cảnh sát người Malay bắn vào người Hoa đều sẽ gây ra những hậu quả lớn. Trái lại, Gurkha là những người trung lập, ngoài ra lại có tiếng về kỷ luật và lòng trung thành. Tất cả những điều này khiến tôi càng cảm thấy bất an và nó cũng nhấn mạnh tầm khẩn cấp trong việc xây dựng một quân đội để bảo vệ nền độc lập còn non yếu của chúng tôi.

Tôi có nhiều mối quan tâm cấp bách: đầu tiên, phải đạt được sự công nhận của quốc tế đối với nền độc lập của Singapore, kể cả tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc. Tôi chọn Sinnathamby Rajaratnam (được chúng tôi gọi một cách trìu mến là Raja) làm Bộ trưởng Ngoại giao. Với phẩm chất của một người theo chủ nghĩa dân tộc chống thực dân từ những ngày còn là sinh viên ở London trước và trong chiến tranh nhưng không cực đoan, rõ ràng ông là người thích hợp. Thân thiện, lịch sự, thành thật, ông có sự cân nhắc đúng mực giữa những khi đứng lên bảo vệ các nguyên tắc và những lúc cần thiết thỏa hiệp ngoại giao. Ông được yêu mến và tôn trọng bởi tất cả những ai đã từng làm việc với ông ở trong nước cũng như ngoài nước. Khi các thông điệp về việc công nhận truyền về, Toh Chin Chye, Phó Thủ tướng, và Ngoại trưởng Raja, đã lên đường đến New York để bắt đầu vai trò của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9/1965.

Mối quan tâm kế tiếp của tôi là phải bảo vệ đất nước này. Chúng tôi không có quân đội. Hai tiểu đoàn của chúng tôi đều dưới quyền chỉ huy của Lữ đoàn trưởng người Malaysia. Chúng tôi phải làm thế nào để nhanh chóng xây dựng một số lực lượng phòng thủ, cho dù chỉ mới là bước đầu? Chúng tôi phải làm nhụt chí, và nếu cần thì ngăn chặn bất kỳ hành động điên cuồng nào của Malay Ultras (những kẻ quá khích) ở Kuala Lumpur xúi giục các lực lượng Malaysia tại Singapore đảo chính và thủ tiêu nền độc lập mà chúng tôi vừa đạt được. Nhiều nhà lãnh đạo người Malay ở Kuala Lumpur cho rằng không bao giờ cho phép Singapore được tách khỏi Malaysia mà phải đánh liên tục để nó phải quy phục. Nếu có điều gì xảy ra cho Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng của Malaysia, thì Tun Abdul Razak sẽ trở thành Thủ tướng và ông ta có thể bị những nhà lãnh đạo cực đoan cứng rắn buộc phải đảo ngược quyết định của Tunku. Đây là thời kỳ bất ổn lớn.

Trong khi vật lộn với những âu lo chính, tôi vẫn phải quan tâm đến điều cấp thiết khác – duy trì luật pháp và trật tự. Chúng tôi sợ rằng những người Malay ủng hộ UMNO3 sẽ điên cuồng khi họ nhận thấy chính phủ Malaysia đã bỏ rơi họ và một lần nữa khiến họ rơi vào thế thiểu số. Cảnh sát của chúng tôi hầu hết là người Malay xuất thân từ những ngôi làng của người Malaya và lòng trung nghĩa của họ có thể khiến họ không dễ có hành động chống lại những phần tử nổi loạn người Malay muốn hợp nhất lại với Malaysia. Quân đội của chúng tôi, gồm hai tiểu đoàn, hầu hết cũng là người Malay quê ở bán đảo Malaya.

Thật nhẹ cả người khi Goh Keng Swee bằng lòng và hăm hở đảm nhận trách nhiệm xây dựng lực lượng. Tôi quyết định bổ nhiệm ông ta trông nom nội vụ và quốc phòng, kết hợp vào một bộ gọi là MID (Ministry of Interior and Defense – Bộ nội vụ và quốc phòng). Điều này cho phép ông ta dùng lực lượng cảnh sát để huấn luyện tân binh. (Cho đến ngày nay, các bảng đăng ký xe của Lực lượng Quân đội Singapore vẫn còn mang chữ MID). Việc thuyên chuyển của Keng Swee để lại một chỗ trống trong Bộ Tài chính. Tôi thảo luận điều này với ông và quyết định bổ nhiệm Lim Kim San làm Bộ trưởng Tài chính. Kim San có cách tiếp cận thực tiễn đối với các vấn đề. Hơn nữa, ông có thể làm việc gần gũi với Keng Swee mà không xích mích, vì thế cho phép Keng Swee góp ý không chính thức vào các chính sách tài chính.

Vấn đề thứ ba và đau đầu nhất là vấn đề kinh tế – làm thế nào để tạo kế sinh nhai cho người dân Singapore? Indonesia đang “đối đầu” với chúng tôi và việc giao thương đã bị ngưng trệ. Người Malaysia muốn phớt lờ Singapore và giao dịch trực tiếp với đối tác thương mại, các nhà xuất nhập khẩu và chỉ thông qua những cảng của riêng họ. Làm thế nào để một đất nước Singapore độc lập tồn tại được khi nó không còn là trung tâm của một khu vực rộng lớn mà người Anh đã từng cai trị như một đơn vị thống nhất của họ? Chúng tôi cần phải sớm tìm ra giải pháp cho nạn thất nghiệp đang báo động ở mức 14% và đang tăng lên. Hơn nữa, chúng tôi phải tạo kế sinh nhai theo một phương cách khác so với thời chúng tôi còn nằm dưới sự cai trị của Anh. Tôi thường thấy nhà kho của chúng tôi chứa đầy tấm cao su, tiêu, cùi dừa khô, mây và các công nhân siêng năng rửa sạch, lựa chọn chúng để xuất khẩu. Chúng tôi sẽ không nhập khẩu những vật liệu thô này từ Malaysia và Indonesia để chế biến và phân loại nữa. Chúng tôi phải tạo một hình thức kinh tế mới, cố gắng áp dụng những phương pháp và kế hoạch mà trước đây chưa từng được thử ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, bởi vì không có quốc gia nào giống như Singapore. Hong Kong là một hòn đảo giống chúng tôi nhất, nhưng vẫn còn nằm trong sự cai trị của người Anh và có nội địa là Trung Quốc. Về khía cạnh kinh tế, nó giống một phần của Trung Quốc, đóng vai trò là một điểm tiếp xúc của Trung Quốc với thế giới tư bản trong giao thương với các quốc gia không theo cộng sản.

Sau khi cân nhắc những vấn đề này và những chọn lựa giới hạn hiện có, tôi kết luận rằng một Nhà nước độc lập trên một hòn đảo bao gồm một thành phố và vùng phụ cận muốn tồn tại ở Đông Nam Á thì không thể làm một cách bình thường được. Chúng tôi phải nỗ lực phi thường để trở thành một dân tộc đoàn kết, khỏe mạnh, và dễ thích nghi, với một nguồn nhân lực có thể làm việc tốt hơn và rẻ hơn so với các nước láng giềng. Vì họ muốn phớt lờ chúng tôi và biến vai trò cũ của chúng tôi – một trung tâm xuất nhập khẩu và trạm trung chuyển cho việc giao thương trong khu vực – không còn tác dụng, nên chúng tôi phải đổi khác. Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin cậy của nhân dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng. Tôi cần sức mạnh chính trị này để tối đa hóa các tác dụng mà chúng tôi có thể tạo ra từ vốn liếng rất ít của mình – một cảng tự nhiên tầm cỡ thế giới thiết lập tại một vị trí chiến lược của một đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Một tài sản quý giá khác mà chúng tôi có là những người dân cần cù, tiết kiệm và ham học hỏi. Mặc dù bị chia thành nhiều chủng tộc, tôi vẫn tin tưởng rằng một chính sách công bằng hợp lý sẽ làm cho họ chung sống hòa bình, đặc biệt, nếu những khó khăn như nạn thất nghiệp được san sẻ đều nhau và không đè nặng lên một nhóm người thiểu số. Điều cốt yếu là phải gìn giữ tình đoàn kết trong một xã hội đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa tôn giáo của Singapore và làm cho nó mạnh mẽ, năng động để đủ sức cạnh tranh trong thị trường thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để xâm nhập vào thị trường này được? Tôi không biết câu trả lời. Không ai yêu cầu chúng tôi đẩy lùi người Anh. Được điều khiển bởi những thôi thúc của bản năng, chúng tôi đã hành động như vậy. Bây giờ trách nhiệm của chúng tôi là lo liệu sự an toàn và kế sinh nhai cho 2 triệu người dân dưới sự chăm sóc của chúng tôi. Chúng tôi phải thành công, vì nếu thất bại thì sự lựa chọn sinh tồn duy nhất của chúng tôi là phải tái liên kết, với những điều kiện của Malaysia, như một tiểu bang tương tự Malacca hoặc Penang.

Tôi ngủ không yên. Choo gọi bác sĩ kê toa cho tôi thuốc an thần, nhưng tôi cảm thấy bia và rượu trong bữa ăn tối tốt hơn thuốc. Lúc đó, tôi đang ở những năm đầu của tuổi bốn mươi, còn trẻ và sôi nổi; cho dù ngày đó khó khăn và còn nhiều bề bộn, tôi muốn nghỉ hai tiếng đồng hồ vào buổi chiều để tiếp tục thực tập phát bóng từ 50 đến 100 cú và chơi gôn 9 lỗ với một hoặc hai người bạn. Tôi vẫn ít ngủ. Một ngày nọ, gần trưa, viên cao ủy người Anh mới đến, John Robb, mang đến nhà cho tôi một thông điệp khẩn từ chính phủ của ông ta, tôi nằm trên giường đón ông ta, thân xác mệt rã. Harold Wilson, Thủ tướng Anh, chắc hẳn đã được báo trước về tình trạng của tôi nên ông ta biểu lộ sự quan tâm. Vào ngày 23/8/1965, tôi đáp lại, “Đừng bận tâm đến Singapore. Tôi và các đồng nghiệp đều là những người ôn hòa và biết lý lẽ cả trong lúc thống khổ. Chúng tôi cân nhắc mọi hậu quả có thể xảy ra trước khi chúng tôi có bất kỳ nước đi nào trên bàn cờ chính trị… Nhân dân chúng tôi có ý chí chiến đấu và bản năng sinh tồn”.

Trong khi nghiền ngẫm về những vấn đề làm nản chí này, đêm 30/9/1965, chuông báo động reo báo tin về một cuộc đảo chính xảy ra ở Indonesia. Các sĩ quan ủng hộ cộng sản đã giết chết sáu tướng người Indonesia. Tiếp theo là một trận chiến đẫm máu khi Tướng Suharto đến dập tắt cuộc đảo chính. Những bất ổn mới này làm tôi lo lắng hơn.

Vào ngày 9/8/1965, tôi bắt đầu một cuộc hành trình trên con đường không rõ rệt đến một nơi không được biết với nỗi lo to lớn.

Chọn tập
Bình luận