Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 10: Nhiều Tiếng Nói, Một Ngôn Ngữ

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Cả Choo và tôi đều được học ở những trường dạy bằng tiếng Anh. Lúc còn học ở Anh, khi chúng tôi gặp gỡ các sinh viên đến từ Trung Quốc, chúng tôi bỗng ý thức được chúng tôi cũng như đa phần sinh viên người Hoa đến từ Caribbean đã bị ngoại lai như thế nào. Chúng tôi đã ý thức được sự mất mát vì không được học hành bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như không hấp thụ hoàn toàn một nền văn hóa không phải của chúng tôi. Tôi cảm thấy mình bị tách biệt với những người Hoa bình thường, họ nói bằng thổ ngữ và tiếng Hoa phổ thông (tiếng Quan thoại). Thế giới sách vở và thầy cô của tôi hoàn toàn không ăn nhập gì với thế giới mà tôi đang sống trong đó. Chúng tôi giống như hàng trăm sinh viên tốt nghiệp Đại học Raffles, không những không được dạy dỗ chính thức trong nền văn hóa châu Á của chúng tôi, mà cũng không thuộc về nền hóa Anh, chúng tôi lạc lõng giữa hai nền văn hóa.

Tôi và Choo quyết định sẽ không để cho ba đứa con của chúng tôi chịu thiệt thòi về mặt văn hóa này, và đã gửi chúng vào trường tiếng Hoa để chúng trở thành một phần của cộng đồng đầy sức sống, mạnh mẽ và tự tin này, thậm chí chúng có thể chịu thiệt thòi về mặt tiếng Anh. Chúng tôi cứu vãn tình hình này bằng cách để Choo nói chuyện với chúng bằng tiếng Anh, còn tôi nói chuyện với chúng bằng tiếng Hoa phổ thông, nhằm trau dồi khả năng nói tiếng Hoa phổ thông của tôi!

Điều này hóa ra tốt cho cả ba đứa con của chúng tôi. Chúng được học hành bằng tiếng Hoa, được thấm nhuần những giá trị làm cho chúng trở thành những đứa con ngoan và những công dân tốt song song với khả năng lưu loát tiếng Anh. Chúng học giỏi ở trường, đoạt được những giải thưởng mà nhà trường và báo tiếng Hoa đăng tải để khuyến khích các bậc phụ huynh gửi con cái vào các trường tiếng Hoa. Điều này thuyết phục những người nói tiếng Hoa rằng tôi sẽ không tiêu diệt nền giáo dục tiếng Hoa ở Singapore. Những người được sinh ra và lớn trong các xã hội thuần nhất không thể hiểu được tại sao phương tiện ngôn ngữ mà tôi chọn để dạy dỗ con cái có liên quan đến chính trị.

Singapore chưa bao giờ có một ngôn ngữ chung. Đó là một cộng đồng nói nhiều thứ tiếng dưới thời thuộc địa. Người Anh để mặc dân chúng quyết định cách giáo dục con cái. Chính phủ xây dựng một số lượng giới hạn trường tiếng Anh nhằm đào tạo thư ký, thủ kho, người dự thảo và nhân viên cấp dưới, cũng như những trường tiểu học dạy bằng tiếng Malay cho người Malay.

Người Ấn điều hành các trường tiểu học hoặc các lớp học dạy bằng tiếng Tamil và các thứ tiếng Ấn khác. Người Hoa xây trường học nhờ vào tài chính của những người thành đạt trong cộng đồng để dạy tiếng Hoa. Do các sắc tộc khác nhau được dạy dỗ bằng chính ngôn ngữ của họ, cho nên sự gắn bó về mặt tình cảm với tiếng mẹ đẻ rất sâu sắc. Họ giống như 5 triệu người sống ở Quebec kiên trì gìn giữ tiếng Pháp trong một đại lục có đến 300 triệu người nói tiếng Anh.

Khi chúng tôi thành lập chính quyền vào năm 1959, chúng tôi đã quyết định dùng tiếng Malay làm quốc ngữ, chuẩn bị cho sát nhập với Malay. Song, chúng tôi nhận ra rằng tiếng Anh phải là ngôn ngữ ở nơi làm việc và là ngôn ngữ chung. Là một cộng đồng giao thương quốc tế, chúng tôi sẽ không kiếm sống được nếu chúng tôi dùng tiếng Malay, tiếng Hoa hay tiếng Tamil. Với tiếng Anh, không có chủng tộc nào có lợi thế. Tuy nhiên, đối với chúng tôi đây là một vấn đề quá nhạy cảm không thể thay đổi ngay được. Quả là một thảm họa nếu công bố rằng tất cả mọi người đều phải học tiếng Anh khi mà mọi sắc tộc đều nhiệt tình bảo vệ tiếng nói của họ. Vì thế, chúng tôi để nguyên tình trạng như thế, với bốn ngôn ngữ chính thức là tiếng Malay, tiếng Hoa (tiếng Hoa phổ thông), tiếng Tamil và tiếng Anh.

Nhu cầu thiết yếu phải có một ngôn ngữ chung thể hiện rất rõ trong Lực lượng vũ trang Singapore. Chúng tôi bị bức xúc với một tập thể gồm nhiều thổ ngữ và ngôn ngữ khác nhau, cũng như đương đầu với viễn cảnh bước vào trận chiến mà không hiểu nhau dù có sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào trong bốn ngôn ngữ chính thức đi chăng nữa. Nhiều người chỉ nói được thổ ngữ thì lại yêu cầu những trung đội chuyên nói tiếng Phúc Kiến. Ở nhà, người Hoa nói một trong khoảng hơn bảy thổ ngữ, nhưng ở trường thì học tiếng Quan thoại và tiếng Anh, những thứ tiếng họ không dùng ở nhà.

Không muốn khởi chiến về lĩnh vực ngôn ngữ, tôi đề ra việc dạy học ba thứ tiếng, đó là tiếng Quan thoại, tiếng Malay và tiếng Tamil cho các trường tiếng Anh và được các bậc phụ huynh hoan nghênh. Đổi lại, tôi giới thiệu việc dạy tiếng Anh trong các trường dạy tiếng Hoa, tiếng Malay và tiếng Tamil. Các bậc phụ huynh người Malay và người Ấn đón nhận điều này nhưng số phụ huynh thích gửi con vào các trường tiếng Anh vẫn gia tăng. Một lực lượng người Hoa nòng cốt học hành bằng tiếng Hoa không đón nhận những gì họ coi là một biện pháp để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ làm việc chung, và họ đã bày tỏ thái độ không hưởng ứng trong các tờ báo tiếng Hoa. Mới tám tuần sau khi chia tách, Phòng Thương mại người Hoa công khai yêu cầu chính phủ đảm bảo vị thế của tiếng Hoa như một ngôn ngữ chính thức ở Singapore. Ông Kheng Chin Hock, thủ quỹ Phòng Thương mại này đồng thời cũng là thành viên đấu tranh ủng hộ tiếng Hoa từ thời tiền Malaysia đã nhấn mạnh rằng hơn 80% dân số Singapore nói tiếng Hoa. Tôi chặn đứng ngay ý đồ này trước khi nó trở thành một chiến dịch, vì một khi Phòng thương mại của ngườỉ Hoa vào cuộc, thì từng ủy ban quản lý trường học của người Hoa và hai hiệp hội nhà giáo của người Hoa chắc chắn sẽ khích động miền đất này. Vào ngày 1 tháng Giêng, tôi phát biểu lại rằng tất cả bốn ngôn ngữ chính ở Singapore đều là những ngôn ngữ chính thức và như nhau. Tôi nhắc nhở những nhà hoạt động xã hội như Kheng ở Phòng Thương mại người Hoa rằng trong thời gian Singapore bị kiểm soát dưới chính sách cai trị của cảnh sát Malaysia và Trung đoàn Malay, họ đã im lặng trong vấn đề ngôn ngữ cũng như những vấn đề hệ trọng khác. Năm ngày sau đó, tràn ngập dưới ánh đèn truyền hình tôi đã gặp gỡ ủy ban của tất cả bốn phòng thương mại. Tôi làm cho các đại diện người Hoa tin rằng tôi không cho phép bất kỳ người nào khai thác tiếng Hoa trở thành vấn đề chính trị, và đặt một dấu chấm hết cho những âm mưu nâng cao vị thế tiếng Hoa.

Tuy nhiên, sự phản đối lại tiếp tục từ giới sinh viên học bằng tiếng Hoa ở Đại học Nanyang và Cao đẳng Ngee Ann. Vào tháng 10/1966, khi tôi tuyên bố mở một thư viện tại Đại học Nanyang (gọi tắt là Nantah) thì có 200 sinh viên phản đối. Nhiều ngày sau đó, các sinh viên Cao đẳng Ngee Ann biểu tình bên ngoài văn phòng của tôi và xô xát với cảnh sát, sau đó là một cuộc biểu tình ngồi trong trường. Sau khi tôi trục xuất những kẻ cầm đầu người Malaysia của hai cuộc biểu tình này, tình trạng khích động trong sinh viên giảm xuống.

Trong khi đương đầu với phe đối lập thuộc các hiệp hội nhà giáo người Hoa, các ủy ban quản lý trường tiếng Hoa, các chủ báo, chủ bút và phóng viên báo tiếng Hoa, cũng như lãnh đạo của những hiệp hội đảng phái và Phòng Thương mại người Hoa, chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi phụ huynh gửi con vào trường tiếng Anh gia tăng. Hằng năm, vào thời điểm các phụ huynh đăng ký trường học cho con cái, những nhóm trên vận động họ đăng ký trường tiếng Hoa cho con họ vì sự nghiệp bảo vệ đặc tính văn hóa. Họ nhiếc móc những người gửi con vào trường dạy tiếng Anh là những kẻ thực dụng và thiển cận.

Nhiều bậc cha mẹ nói tiếng Hoa gắn bó sâu sắc với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Họ không thể hiểu được tại sao con cái họ được phép học hành hoàn toàn bằng tiếng Hoa dưới thời Anh cai trị, song dưới chính quyền do họ chọn, chúng phải học thêm tiếng Anh. Tuy nhiên, vì những triển vọng tìm được việc làm tốt hơn, nhiều phụ huynh đã gửi con vào các trường dạy bằng tiếng Anh. Những giằng co mâu thuẫn này luôn là nguồn gốc dễ dàng gây ra sự khích động.

Vào cuối năm 70, tờ báo tiếng Hoa lớn nhất là tờ Nanyang Siang Pan chuyển sang ủng hộ cộng sản, ủng hộ ngôn ngữ và văn hóa của người Hoa quyết liệt. Họ tấn công vào chính quyền, buộc tội chính quyền đang ra sức đàn áp ngôn ngữ, nền giáo dục và văn hóa của người Hoa, họ vẽ lên chân dung của tôi như một kẻ đàn áp trong một chính phủ “toàn những kẻ ngoại lai quên tổ tông”. Chúng tôi phải bắt giữ tổng giám đốc Lee Mau Seng, tổng biên tập Shamsuddin Tung Tao Chang và cây bút thâm niên Ly Singko vì tội lấy danh nghĩa ngôn ngữ và văn hóa của người Hoa để tán dương chủ nghĩa cộng sản và khơi dậy quan điểm chủ nghĩa sô–vanh. Những bằng chứng cho thấy họ làm điều đó chỉ nhằm chống Singapore vì những ấn bản bằng tiếng Malaysia thuộc tờ báo trên không đăng tải việc kích động này.

Những người tốt nghiệp đại học Nantah là nguồn đối lập khác. Ở cả hai cuộc tổng tuyển cử 1972 và 1976, họ đã dấy động lên vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của người Hoa. Khi tôi cố thay đổi ngôn ngữ giảng dạy ở Đại học Nantah từ tiếng Hoa sang tiếng Anh, thì chủ tịch hội sinh viên Ho Juan Thai đã xúi giục bạn học dùng tiếng Hoa thay vì tiếng Anh trong bài kiểm tra của họ. Trường đại học đã cách chức chủ tịch hội sinh viên của anh ta. Sau khi tốt nghiệp, anh ta ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử 1976 với tư cách ứng cử viên Đảng Công nhân, buộc tội chính phủ hủy diệt nền giáo dục Trung Hoa và thúc giục người Hoa chống đối chính phủ nếu không sẽ có nguy cơ mất đi đặc tính văn hóa của họ. Anh ta biết chúng tôi sẽ không chống lại anh ta suốt cuộc vận động. Khi thất bại vì chỉ lấy được 31% số phiếu, anh ta trốn qua Anh.

Việc phản đối dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung đã không dịu xuống. Điều buồn cười là tôi cũng hăng hái và lo lắng không kém bất kỳ người nào cốt giữ lại những đặc tính tốt nhất của nền văn hóa Trung Hoa. Vào những năm của thập niên 50, khi tôi làm cố vấn pháp luật cho các lãnh tụ học sinh trường trung học tiếng Hoa, tôi bị ấn tượng bởi sức sống, tính năng động, tính kỷ luật và sự quan tâm về mặt xã hội cũng như chính trị của các em. Ngược lại, tôi bị choáng váng bởi tính thờ ơ, tự mãn và thiếu tự tin của các học sinh trường Anh. Điều then chốt của vấn đề là trong xã hội đa chủng tộc và đa ngôn ngữ của chúng tôi, tiếng Anh là ngôn ngữ trung lập duy nhất được chấp nhận, ngoài ra nó còn là ngôn ngữ giúp chúng tôi hội nhập với thế giới. Song, có vẻ như nó đã làm cho các sinh viên của chúng tôi bị ngoại lai và làm cho các em trở nên vô tình.

Tuy nhiên, nền giáo dục mà tôi nhận được trong hệ thống trường Anh đã cho tôi ưu thế về mặt chính trị, nó đã làm cho tôi thoải mái trong một thế giới của những người có trình độ ở trường Anh lẫn trường Malay, cũng như tôi không bị giới hạn trong những người nói tiếng Hoa. Điều này làm cho tôi dễ được chấp nhận như một lãnh tụ không chỉ của người Hoa, bởi lẽ người Malay và người Ấn xem tôi như một người theo chủ nghĩa dân tộc của người Malay (sau này thành người Singapore), chứ không phải một người theo chủ nghĩa sô–vanh của người Hoa. Và do sau này tôi cố học tiếng Hoa và những người Hoa có trình độ đã thấy được nỗ lực vượt bậc của tôi để thông hiểu cả tiếng Hoa phổ thông lẫn thổ ngữ, nên tôi có thể hiểu được họ và làm cho họ chấp nhận tôi như một lãnh tụ của họ.

Vào những năm 50, những người Hoa có trình độ cảm thấy tự hào về sự hồi sinh của Trung Hoa đại lục và của tiếng Hoa. Các thương gia thuộc Phòng Thương mại người Hoa thành công nhờ cơn sốt cao su từ cuộc chiến ở Triều Tiên. Vào năm 1953, Phòng Thương mại này đề nghị xây dựng một trường đại học tiếng Hoa ở Singapore cho các sinh viên người Hoa ở Đông Nam Á vào học. Do những học sinh tốt nghiệp trung học người Hoa bị ngăn cấm không cho đến Trung Hoa đại lục để học cao hơn, nên họ tin rằng một học viện như vậy ở Singapore sẽ thu hút được nhiều sinh viên đến học. Điều này lôi kéo sự ủng hộ của các thương gia người Hoa ở Singapore, Malaya và đảo Borneo. Người tiên phong của phong trào này là một thương gia cao su giàu có tên Tan Lark Sye, với tư cách cá nhân ông ký tặng 5 triệu đôla Singapore. Vì dự án này có liên quan đến toàn bộ cộng đồng người Hoa, nên đã tạo ra sự ủng hộ tự phát đến nỗi tài xế taxi, người bán hàng rong và người đạp xích lô đều đóng góp một ngày công tiền kiếm được. Hồi tháng 3/1956 khi chính quyền Anh mở Đại học Nanyang, từng hàng xe cộ nối đuôi nhau đi từ từ suốt con đường dẫn từ thành phố đến nơi toạ lạc của nó ở Jurong, cách thành phố 20 dặm về phía Tây Bắc. Nó đã trở thành biểu tượng về ngôn ngữ, văn hóa và giáo dục của người Hoa, một biểu tượng mà cộng sản đã nắm lấy thông qua ảnh hưởng của họ đối với những người có cảm tình ở Phòng Thương mại người Hoa, các hiệp hội cũng như các ủy ban quản lý trường học khác.

Tuy nhiên, Nantah phải đương đầu với những khó khăn. Cơ hội kiếm việc làm cho những người tốt nghiệp trường này rất ít. Khi các sinh viên chuyển sang học trường Anh thì càng ngày lượng sinh viên đến học ở Đại học Singapore dạy bằng tiếng Anh càng tăng lên. Những sinh viên giỏi hơn ở các trường tiếng Hoa thi lấy chứng chỉ Anh ngữ của trường Cambridge với tư cách là thí sinh tự do để có thể vào học ở Đại học Singapore hoặc một trường đại học hải ngoại nào đó bằng học bổng của chính phủ. Nantah đối phó vấn đề này bằng cách hạ điểm chuẩn đầu vào cũng như tiêu chuẩn tốt nghiệp, lại càng làm giảm đi hơn nữa uy tín đào tạo của trường và giá trị của những người tốt nghiệp từ trường này. Cuối cùng điều khiến tôi đi đến chỗ hành động là báo cáo của Hiệp hội Nhân dân. Báo cáo này cho rằng khi những người tốt nghiệp Nantah đi xin việc, họ trình ra chứng chỉ học vấn chứ không phải bằng cấp đại học.

Tôi quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy ở Nantah. Với sự đồng hành của Hội đồng Đại học Nanyang, vào năm 1975 tôi đề bạt Bộ trưởng giáo dục là Tiến sĩ Lee Chiaw Meng làm hiệu phó danh dự của trường. Ông là một người học bằng tiếng Hoa nhưng đã lấy bằng tiến sỹ kỹ thuật tại Đại học London. Công việc của ông ta là biến đổi Nantah thành đại học dạy bằng tiếng Anh. Đây quả là vấn đề khó khăn, vì đội ngũ giáo viên giảng dạy chủ yếu là những người tốt nghiệp trường tiếng Hoa và không thể dạy bằng tiếng Anh được. Mặc dù họ lấy bằng tiến sĩ ở các trường đại học Mỹ, song họ đã chuyển sang dạy bằng tiếng Hoa nên trình độ nói tiếng Anh không còn lưu loát nữa.

Tình trạng này trở nên tồi tệ đến nỗi vào năm 1978, các nghị sĩ của chúng tôi (vốn là những người tốt nghiệp Nantah trước đây) đã yêu cầu tôi can thiệp trước khi đại học này tan rã. Người được tôi xem trọng chính kiến là Quốc vụ khanh Ch’ng Jit Koon. Ông ta giỏi về giao tiếp và đã làm việc bên cạnh tôi nhiều năm, cả việc giúp tôi trông nom khu vực bầu cử. Ông ta thuyết phục tôi rằng việc cho phép Nantah tiếp tục tồn tại sẽ tạo ra một rắc rối lớn hơn. Với sự thất bại về nghề nghiệp của hàng loạt sinh viên tốt nghiệp trường này, những người nói tiếng Hoa sẽ đổ lỗi cho chính phủ đã không quan tâm cứu vớt họ mà còn để cho Nantah sụp đổ nữa. Ho Kah Leong, Chin Harn Tong, Lee Yiok Seng – tất cả đều là thư ký nghị viện và những người tốt nghiệp Nantah – đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Ch’ng.

Hầu hết các đồng sự trong nội các của tôi đều chống lại can thiệp này. Chin Chye và Eddie Barker phản đối can thiệp này bởi vì về mặt chính trị điều này quá tai hại. Ngay cả Keng Swee là người có quan điểm cứng rắn và thiết thực, Kim San là người thực dụng đều không nhiệt tình lắm. Họ sẽ sát cánh cùng tôi nếu tôi chọn giải pháp can thiệp, nhưng tại sao phải gây ra một sự công kích chứ? Họ nhớ lại những rắc rối mà chúng tôi đã gặp phải với các trường học tiếng Hoa và Nantah trong những năm 60. Tôi sửng sốt khi Ong Pang Boon, một người học tiếng Hoa ở trường Trung học Confucian, Kuala Lumpur cũng tỏ ra nghi ngờ. Ông ta tán thành với các nghị sĩ từng tốt nghiệp ở Nantah của chúng tôi về tính nghiêm trọng của tình trạng này, nhưng lại âu lo vì phản ứng dữ dội về mặt chính trị của những người đóng góp và ủng hộ Nantah ở Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, tôi không thể chấp nhận viễn cảnh hàng trăm sinh viên ra trường mỗi năm bỏ phí tương lai của họ. Do Nantah không thể đổi chương trình dạy từ tiếng Hoa phổ thông sang tiếng Anh, nên tôi thuyết phục hội đồng Nantah và các thành viên trong ban giám hiệu chuyển toàn bộ đại học này từ giảng viên đến sinh viên sang khuôn viên Đại học Singapore. Cả giảng viên lẫn sinh viên đều sẽ bị buộc phải dùng tiếng Anh khi được gộp chung với đa phần giảng viên và sinh viên nói tiếng Anh ở khuôn viên Bukit Timah của trường.

Dù đội ngũ giảng viên và sinh viên Nantah có nghi ngờ điều gì đi nữa thì họ đã được hòa nhập vào một môi trường nói tiếng Anh ngay đầu năm học 1978. Đa số phụ huynh và sinh viên nói tiếng Hoa chấp nhận đổi từ một đại học nói tiếng Hoa sang một đại học nói tiếng Anh vì điều này là không thể tránh khỏi. Về mặt tình cảm, chống đối nhiều nhất là các nam sinh Nantah. Các nam sinh ở Singapore thông hiểu hơn mặc dầu họ không công khai ủng hộ sự thay đổi này. Song các nam sinh người Malaysia giận dữ và gay gắt trong việc lên án điều họ cho là phản bội. Về phần tôi, tôi buồn vì đã không thể hành động sớm hơn để có thể cứu được hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp Nantah khỏi tình cảnh kinh tế eo hẹp của họ, hoặc bị hụt hẫng bởi vốn liếng tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu công việc của họ.

Đó là một cuộc điều chỉnh gây khó khăn cho sinh viên nhiều hơn là cho đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên Đại học Singapore đảm trách phần lớn việc giảng dạy cho đến khi các giảng viên Nantah lấy lại khả năng lưu loát tiếng Anh của họ. Tôi đã hai lần nói chuyện với các sinh viên để bày tỏ sự cảm thông với những khó khăn của họ và khuyến khích họ bền chí. Cuối cùng khoảng 70% trong số họ đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp liên trường. Tôi thực hiện một cuộc thăm dò ở những sinh viên đã thi đỗ xem họ muốn nhận bằng của Đại học Singapore, bằng của Nantah hay bằng liên trường, đa số đều muốn nhộn bằng của Đại học Singapore. Tôi quyết định sáp nhập hai trường này thành Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và phát bằng NUS cho họ. Khuôn viên Nantah trở thành Học viện Công nghệ Nanyang, gắn liền với đại học NUS. Vào năm 1991, nó trở thành Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Một số nam sinh Nantah muốn nó được đổi tên lại là Đại học Nanyang, song điều này không còn là vấn đề có tính thiết yếu nữa. Tên gọi cũ có thể được phục hồi lại nếu đó là mong muốn của những người từng tốt nghiệp Nantah và NTU. Những người sử dụng Lao động hiểu rằng sinh viên tốt nghiệp NTU ngày nay hoàn toàn đủ tiêu chuẩn dù cho tên gọi trường học của họ là gì đi nữa.

Tôi có ưu thế về mặt chính trị khi thực hiện những thay đổi ở Nantah, không giống như nhiều người ủng hộ tiếng Hoa gửi con vào trường Anh, ba đứa con tôi hoàn toàn được học hành ở các trường tiếng Hoa. Những năm cuối của thập niên 60, lúc tôi diễn thuyết trước sinh viên và giảng viên ở Nantah trong khuôn viên trường, tôi đã nói rằng tôi chưa bao giờ hy sinh nền giáo dục của các con tôi vì mục đích chính trị. Tôi nhận thấy rằng học ở trường tiếng Hoa rất tốt cho chúng bởi vì chúng có thể thông hiểu tiếng Anh ở nhà. Tuy nhiên, về mặt đào tạo đại học, tôi đã nói rằng tôi sẽ không cho chúng học trường tiếng Hoa. Bởi vì tương lai chúng phụ thuộc vào việc thông thạo ngôn ngữ dùng trong những quyển sách giáo khoa mới nhất, đó là tiếng Anh. Tất cả các bậc phụ huynh, dù là người được học hành bằng tiếng Hoa hay tiếng Anh sẽ có cùng kết luận như vậy. Nhờ tôi đã phát biểu điều này ở Nantah và được báo chí thuật lại, nên có thể tôi đã ảnh hưởng đến việc chọn lựa trường đại học của các bậc phụ huynh và sinh viên trường tiếng Hoa.

Nếu các con tôi không đỗ đạt ở các trường tiếng Hoa, tôi đã không thể phát biểu với vẻ quả quyết như vậy. Nhiều năm sau đó, tôi hỏi cả ba đứa con tôi xem chúng có hối tiếc vì đã học trường tiếng Hoa thay vì học trường tiếng Anh không, cả ba đều cho rằng chúng may mắn vì đã được học trường tiếng Hoa.

Nantah cho ra trường tổng cộng 12.000 sinh viên. Nếu tất cả sinh viên đều được học bằng tiếng Anh, có thể họ đã có những nghề nghiệp như mong muốn và có những đóng góp lớn hơn cho Singapore và Malaysia. Vấn đề là ở chuyện thể diện. Nhiều kỳ vọng đã được đặt vào Nantah từ những ngày đầu thành lập, song dòng lịch sử đã chống lại nó. Không một quốc gia nào ở Đông Nam Á cần một trường đại học tiếng Hoa. Ngược lại, họ đang từng bước hủy bỏ các trường này. Cơ hội kiếm việc cho những sinh viên tốt nghiệp các trường trung học và đại học tiếng Hoa đang giảm nhanh chóng. Thậm chí các ngân hàng giao dịch bằng tiếng Hoa cũng chuyển sang sử dụng tiếng Anh để duy trì công việc kinh doanh.

Sau khi hai trường đại học được sáp nhập, tôi bắt buộc mọi trường tiếng Hoa phải chuyển sang dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính, và lấy tiếng Hoa làm ngôn ngữ phụ. Điều này tạo nên một làn sóng tự vấn lương tâm ở những người học bằng tiếng Hoa, kể cả những nghị sĩ của đảng PAP. Không ai có thể chấp nhận được cảnh giảm giờ dạy tiếng Hoa ở các trường này, song tất cả đều nhất trí rằng các học sinh phải thông hiểu tiếng Anh để có thể tiếp tục học lên đại học và trường bách khoa mà không phải bỏ thêm một năm nữa vì trình độ tiếng Anh yếu kém. Tôi cảm thông với họ về tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, nhưng một khi họ đã chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc, thì phải chấp nhận những hệ quả kéo theo này.

Khi những thay đổi này xảy ra, tôi sợ chúng tôi đang dần mất đi điều gì đó quý giá trong hệ thống trường Hoa. Tôi muốn gìn giữ những gì tốt đẹp trong các ngôi trường này, chẳng hạn: tính kỷ luật, sự tự tin và những giá trị đạo đức và xã hội dựa trên những truyền thống, những giá trị và văn hóa của người Hoa mà họ thấm nhuần cho các sinh viên. Chúng tôi phải truyền những giá trị này vào các sinh viên ở những ngôi trường song ngữ, nếu không chúng tôi sẽ làm cho các em bị ngoại lai. Khi chúng tôi dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy, những giá trị nho giáo truyền thống không thể được củng cố trong trường học bởi vì cả giáo viên lẫn học trò đều là những người thuộc nhiều chủng tộc và sách giáo khoa không được viết bằng tiếng Hoa.

Ngoài ra, những giá trị đạo đức truyền thống trong sinh viên chúng tôi đang mất dần đi qua việc gia tăng tiếp xúc truyền thông phương Tây, việc quan hệ với khách du lịch nước ngoài ở Singapore cũng như qua những chuyến đi nước ngoài của họ. Còn những giá trị của một xã hội tiêu thụ Mỹ thì đang lan khắp Singapore, lan nhanh hơn các quốc gia còn lại trong khu vực bởi nền giáo dục bằng tiếng Anh của chúng tôi.

Những giá trị và quan điểm đã đổi thay ở các giáo viên trẻ đã làm vấn đề này trầm trọng hơn lên. Thế hệ nhà giáo lớn tuổi hơn đã trải qua khó khăn và đã thấy được quả là khó khăn để đem lại sự ổn định và cân đối cho một xã hội đa sắc tộc của Singapore. Năm 1979, tôi viết cho Keng Swee khi ông ấy còn đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục rằng: “Họ dạy triết lý sống, gieo vào các học sinh ý thức quyết tâm, bổn phận và trách nhiệm.”11 Những giáo viên trẻ được học hành bằng tiếng Anh, còn tiếng Hoa chỉ là ngôn ngữ phụ nên họ đã quên đi những giá trị truyền thống này.

Chúng tôi muốn gìn giữ những giá trị truyền thống riêng biệt của các nền văn hóa khác nhau của chúng tôi. Người Nhật có thể hấp thụ ảnh hưởng của người Mỹ mà vẫn duy trì bản sắc của riêng họ. Thanh niên của họ lớn lên trong sung túc và không còn tận tụy với những công ty mà họ đang làm việc như cha ông họ, song bản chất họ vẫn là người Nhật, làm việc cần cù và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội hơn thanh niên châu Âu và người Mỹ. Tôi tin tưởng rằng nếu người Nhật làm được, chúng tôi cũng làm được.

Tôi quyết định giữ lại chín trường tiếng Hoa tốt nhất đặt dưới sự bảo trợ của một chương trình trợ giúp đặc biệt, hay còn gọi là SAP. Các trường thuộc diện SAP này sẽ nhận 10% học sinh dẫn đầu trong kỳ thi hết cấp tiểu học. Họ sẽ dạy tiếng Hoa theo trình độ ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng lại dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy như những trường khác. Chúng tôi điều thêm về cho họ giáo viên để khuyến khích các em học tiếng Anh và tiếng Hoa thông qua các chương trình mở rộng đặc biệt. Các trường này đã thành công trong việc gìn giữ lễ nghi, khuôn phép kỷ luật và những nghi thức xã hội của các trường tiếng Hoa truyền thống. Những đặc điểm này trong các trường tiếng Hoa cao hơn so với trường tiếng Anh, những trường Anh ngày càng chểnh mảng trong những vấn đề này. Ngày nay, hầu hết các trường thuộc diện SAP, kể cả trường trung học tiếng Hoa trước kia do cộng sản kiểm soát đều là những học viện hàng đầu với những dụng cụ hiện đại xứng đáng với lịch sử và truyền thống đáng tự hào của họ.

Sau khi hai đại học Nanyang và đại học Singapore sáp nhập năm 1978 tôi quyết định đây chính là thời điểm thích hợp để khuyến khích người Hoa dùng tiếng Hoa phổ thông thay vì thổ ngữ. Điều này giúp sinh viên ở trường dễ dàng thông hiểu tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông nếu như họ nói tiếng Hoa phổ thông ở nhà và không còn bị nặng gánh thổ ngữ nữa. Hằng năm, tôi phát động phong trào “Tháng nói tiếng Hoa phổ thông”.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Hoa phổ thông, tôi ngăn chặn những bài diễn văn bằng tiếng Phúc Kiến. Chúng tôi ngưng phát những chương trình bằng thổ ngữ trên tivi và radio. Tuy nhiên, vì có những người lớn tuổi, chúng tôi vẫn phát tin tức bằng thổ ngữ. Đáng tiếc là vào thời điểm bầu cử chúng tôi phải nói bằng thổ ngữ, nếu không các ứng cử viên phe đối lập sẽ chiếm lợi thế. Cho đến cuối cuộc chạy đua tổng tuyển cử tháng giêng 1997, một số bài dành được sự hưởng ứng nồng nhiệt nhất là những bài diễn văn bằng tiếng Phúc Kiến. Rõ ràng thổ ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ thật sự của thế hệ trước.

Chuyển đổi ngôn ngữ dùng trong các gia đình người Hoa bằng cách học tiếng Hoa phổ thông quả là điều khó khăn. Cho đến những năm 70, khoảng 80% người Hoa ở nhà vẫn còn nói thổ ngữ. Các thanh niên đi làm, khi được phỏng vấn trên tivi lại không thông thạo tiếng Hoa phổ thông, vì họ đã quen nói thổ ngữ ở nhà cũng như nơi làm việc. Tôi dùng uy tín của mình trong nhân dân để thuyết phục họ thực hiện cuộc chỉnh đổi. Họ biết rằng ba đứa con của tôi đều thông thạo tiếng Hoa phổ thông, tiếng Anh và tiếng Malay, vì thế họ ngưỡng mộ quan điểm giáo dục con cái của tôi. Trong những lần dạo chơi ở công viên và vườn hoa công cộng, các ông bố bà mẹ thường nói chuyện với con cái bằng thổ ngữ, nhưng khi thấy tôi và Choo họ có vẻ mắc cỡ và chuyển sang nói tiếng Hoa phổ thông, họ mắc cỡ vì đã không nghe theo lời khuyên của tôi. Công cuộc chỉnh đổi này đặc biệt gây khó khăn cho các ông bà cha mẹ, nhưng đa phần đã cố gắng nói chuyện với con cháu bằng thổ ngữ và hiểu chúng bằng tiếng Hoa phổ thông. Nếu không có phong trào nói tiếng Hoa phổ thông tích cực này, nhất định chính sách song ngữ của chúng tôi sẽ không đáp ứng được yêu cầu của các sinh viên người Hoa. Các gia đình nói tiếng Hoa phổ thông tăng từ 26% vào năm 1980 lên đến hơn 60% vào năm 1990, và vẫn còn tăng nữa. Tuy nhiên các gia đình nói tiếng Anh cũng tăng từ 20% năm 1988 lên đến 40% năm 1998.

Chính sách mở cửa của Trung Quốc đã đem lại một thay đổi quy định trong quan điểm học tiếng Hoa phổ thông của người Hoa. Những người có chuyên môn và những nhà giám sát thông hiểu cả hai thứ tiếng Anh và Quan thoại được một lợi thế lớn lao: Không còn sự than phiền về việc nói tiếng Hoa phổ thông và không được nói thổ ngữ. Năm 1965 khi hoàn toàn độc lập, chúng tôi đã thực hiện một quyết định đúng đắn là dạy tiếng Hoa phổ thông như ngôn ngữ thứ hai. Bảy thổ ngữ chính của người miền Nam Trung Hoa dùng ở Singapore giúp cho việc thuyết phục tất cả mọi người chuyển sang dùng tiếng Hoa phổ thông trở nên dễ dàng hơn. Nếu chúng tôi giống như Hong Kong với 95% người dân nói tiếng Quảng Đông thì việc chuyển đổi quả là điều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể được. Đối với nhiều người Singapore gốc Hoa, thổ ngữ là tiếng mẹ đẻ thật sự của họ, và tiếng Hoa phổ thông là ngôn ngữ phụ. Tuy nhiên trong hai thế hệ tiếp theo, tiếng Hoa phổ thông có thể trở thành tiếng mẹ đẻ.

Chính sách song ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Malay, tiếng Hoa hay tiếng Tamil đều là gánh nặng lên vai con cái chúng tôi. Ba ngôn ngữ mẹ đẻ này hoàn toàn không can hệ gì đến tiếng Anh. Song, nếu chúng tôi sử dụng một thứ tiếng trong các ngôn ngữ mẹ đẻ của mình thì chúng tôi không thể kiếm sống được. Nếu chúng tôi chỉ sử dụng mỗi tiếng Anh, thì chúng tôi sẽ gặp bất lợi lớn là đánh mất đi đặc tính văn hóa của mình, đó là lòng tự tin về bản thân cũng như về miền đất chúng tôi đang sống.

Do đó, mặc dù có nhiều chỉ trích cho rằng người dân chúng tôi chẳng thông thạo một ngôn ngữ nào, đó là cách tốt nhất để chúng tôi tiến lên. Tiếng Anh đóng vai trò như một ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn những xung đột nảy sinh giữa các sắc tộc với nhau và đã đem lại cho chúng tôi ưu thế cạnh tranh, vì đó là ngôn ngữ giao dịch, đàm phán và là ngôn ngữ của khoa học, kỹ thuật quốc tế. Không có nó, chúng tôi sẽ không có nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới cũng như hơn 200 ngân hàng hàng đầu thế giới ở Singapore. Và người dân chúng tôi sẽ không được tiếp cận với máy tính và Internet quá dễ dàng như vậy.

Chọn tập
Bình luận
× sticky