Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 21: Trong Khốl Thịnh Vượng Chung

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Khi chúng tôi độc lập, tôi cho rằng Singapore nên là một thành viên của Khối Thịnh vượng chung22. Chính phủ Anh giúp đỡ và Tunku nhiệt tình bảo trợ cho chúng tôi. Tôi không biết là ban đầu Pakistan đã phản đối việc kết nạp của Singapore để đáp lại việc Malaysia ủng hộ Ấn Độ trong cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir. Trong hồi ký của ông Arnold Smith, Tổng thư ký Khối Thịnh vượng chung có viết: Sự thù địch của Pakistan đối với Malaysia đã chĩa mũi sang chính phủ Singapore vì chính quyền này đã biểu lộ sự đồng tình đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, Smith đã thuyết phục được Pakistan bỏ phiếu trắng và không phản đối sự gia nhập của Singapore. Tháng 10/1965, Singapore đã được công nhận là thành viên thứ 22 của Khối Thịnh vượng chung. Tư cách thành viên này rất có giá trị. Đối với một quốc gia vừa mới độc lập, vị trí này tạo mối liên kết với một mạng lưới chính phủ mà các thể chế của nó là tương đồng và các viên chức, lãnh tụ cũng cùng có chung một nền tảng. Họ đều là những chính quyền sử dụng ngôn ngữ Anh, với các cơ quan hành chính và hệ thống giáo dục, tòa án, luật pháp theo khuôn mẫu của người Anh.

Không lâu sau khi chúng tôi gia nhập, Thủ tướng Nigeria, ông Abubakar Tafawa Balewa, triệu tập một cuộc hội nghị các Thủ tướng Khối Thịnh vượng chung vào ngày 11/1/1966 ở Lagos để thảo luận về vấn đề đơn phương tuyên bố độc lập của Rhodesia. Khi đó Rhodesia là một thuộc địa tự trị với thiểu số 225.000 người da trắng cai quản 4 triệu người châu Phi da đen. Tôi quyết định tham dự cuộc hội nghị.

Trên chuyến bay 7 giờ từ London đến Lagos của hãng hàng không BOAC (Tập đoàn hàng không hải ngoại Anh) có mặt một số thủ tướng và tổng thống của những quốc gia nhỏ thuộc Khối Thịnh vượng chung. Chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện. Một người đồng hành đáng nhớ là Tổng giám mục Makarios, Tổng thống của Cyprus. Ông mặc chiếc áo choàng bằng lụa đen, đội chiếc mũ cao màu đen của Tổng giám mục của Chính thống giáo Hy Lạp. Khi đã lên máy bay, ông cởi mũ và áo choàng, lúc đó trông ông hoàn toàn khác – một người đàn ông thấp bé, hói đầu với râu cằm, ria mép rậm rạp. Ông ngồi ở phía bên kia lối đi cùng hàng ghế với tôi vì thế tôi có thể quan sát ông rất rõ. Tôi cảm thấy thích thú khi nhìn ông sửa soạn lại lễ phục lúc máy bay chạy vào bãi đỗ. Ông cẩn thận vuốt lại râu cằm và ria mép, đứng lên khoác lại áo choàng đen bên ngoài bộ quần áo trắng, đeo sợi dây vàng với mặt mề đay to, sau đó cẩn thận đội mũ. Người phụ tá phủi nhẹ những vết lốm đốm màu trắng trên áo choàng đen của ông, trao cho ông chiếc gậy Tổng giám mục; cuối cùng chỉ khi đó Đức ngài Tổng giám mục Makarios mới sẵn sàng bước xuống cầu thang trong phong thái chỉnh tề trước các ống kính camera đang chờ đợi. Không có chính trị gia nào có ý thức về giao tế hơn thế. Những thủ tướng khác lùi lại để cho ông đi trước – Ông không chỉ là tổng thống mà còn là Tổng giám mục.

Chúng tôi lần lượt được một đội quân danh dự chào đón và sau đó cùng tiến vào Lagos. Nơi này giống như một thành phố bị bao vây. Cảnh sát và binh lính xếp thành hàng, dọc theo lối vào khách sạn Federal Palace. Dây thép gai và những đội quân bảo vệ bao quanh khách sạn. Trong thời gian hai ngày của cuộc hội nghị, không có vị lãnh tụ nào rời khỏi khách sạn.

Đêm trước buổi họp, ông Abubakar Tafawa Balewa, người mà tôi đã đến thăm cách đây hai năm, tổ chức một bữa tiệc lớn tại khách sạn. Raja và tôi ngồi đối diện với một người Nigeria cao lớn, Tù trưởng Festus, Bộ trưởng Tài chính của Nigeria. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về buổi trò chuyện. Ông nói ông dự định về hưu sớm. Ông đã cống hiến đủ cho quốc gia và bây giờ ông phải coi sóc công việc kinh doanh của mình, một nhà máy sản xuất giày. Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, ông đã đánh thuế việc nhập khẩu giày để Nigeria có thể sản xuất mặt hàng này. Raja và tôi cảm thấy hoài nghi. Tù trưởng Festus là người háu ăn, đặc điểm đó bộc lộ qua thân hình mập mạp của ông, được ngụy trang quý phái trong chiếc áo choàng đầy màu sắc của người Nigeria với những trang trí bằng vàng và chiếc mũ tuyệt đẹp. Đêm đó, tôi đi ngủ với ý nghĩ họ là một dân tộc khác đang vận hành theo một quy luật khác.

Thủ tướng Abubakar đã phát biểu trong buổi lễ khai mạc của cuộc hội nghị ngày 11/1. Ông có thân hình cao, gầy, phong thái đĩnh đạc, cách phát biểu chậm rãi, có hệ thống. Trông ông rõ ra dáng một tù trưởng, một nhân vật quyền lực, trầm lặng, trong chiếc áo choàng của người Hausas vùng Bắc Nigeria. Ông triệu tập khẩn cuộc hội nghị này để thảo luận về sự tuyên bố độc lập không hợp pháp của Rhodesia, sự kiện đang cần hành động can thiệp của người Anh. Phó Tổng thống của Zambia, Reuben Kamanga phát biểu kế tiếp và sau đó là Harold Wilson. Rõ ràng là Wilson không thể và cũng không có ý định sử dụng vũ lực chống lại chế độ độc lập không hợp pháp của Ian Smith. Hành động đó sẽ phương hại về mặt chính trị trong lòng công chúng Anh đồng thời cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Rhodesia và các quốc gia châu Phi lân cận.

Tôi phát biểu vào ngày thứ hai của cuộc hội nghị. Tôi không có văn bản chuẩn bị sẵn, chỉ có một vài đề mục nhỏ và những ghi chú mà tôi đã ghi nhanh khi Thủ tướng Abubakar và những lãnh tụ khác phát biểu. Tôi đưa ra những lập luận rõ ràng. 300 năm trước, người Anh đã bắt đầu đánh chiếm Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và lập nhiều thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Họ định cư tại nhiều vùng đất mơ ước ở châu Á và châu Phi với tư thế của kẻ chinh phục chiến thắng và là những người chủ cai quản. Tuy nhiên vào năm 1966, một Thủ tướng Anh đã phát biểu trên tư thế bình đẳng với những người cầm quyền của những lãnh thổ từng là thuộc địa của họ trước kia. Đó chính là một mối liên hệ không ngừng tiến triển. Ông Albert Margai, Thủ tướng Sierra Leone cho rằng chỉ có người châu Phi mới thật sự quan tâm đến Rhodesia. Tôi không đồng ý với ông rằng chỉ có người châu Phi mới quan tâm đến vấn đề này. Tất cả những người tham dự liên quan đều quan tâm vấn đề này. Singapore kết hợp chặt chẽ với Anh về quốc phòng. Nếu Anh bị quy cho là người hỗ trợ Ian Smith chiếm lấy chính quyền bất hợp pháp thì tình thế của tôi cũng sẽ trở nên khó khăn.

Tôi không đồng ý với Tiến sĩ Milton Obote, Thủ tướng Uganda khi ông cho rằng Anh không muốn buộc những người châu Âu ở Rhodesia chịu sự kiểm soát hoặc nhờ Liên Hiệp Quốc áp đặt luật trừng phạt vì chủ ý quỷ quyệt của người Anh là để Ian Smith có thời gian củng cố chế độ của ông ta. Không ích lợi gì khi nói theo quan điểm phân chia chủng tộc giữa những người định cư da trắng và dân nhập cư. Giống như những dân tộc ở Canada, Australia và New Zealand, tôi là dân định cư. Nếu tất cả dân nhập cư đều là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thì thế giới lâm vào thời kỳ khó khăn. Chúng ta có hai giải pháp lựa chọn cho những vấn đề phát sinh từ việc di dân xảy ra trên khắp thế giới; hoặc chấp thuận mọi người đều có quyền bình đẳng hoặc trở về quy luật mạnh được yếu thua. Đối với các dân tộc da màu trên thế giới, yêu cầu sự trừng phạt cho những sai lầm trong quá khứ không phải là giải pháp để tồn tại. Ở châu Phi, cốt lõi của vấn đề không phải là Rhodesia mà là những mối quan hệ chủng tộc ở Nam Phi.

Tôi không tin là Anh không muốn kết thúc chế độ Smith bởi vì sự tồn tại của chế độ đó sẽ đe dọa vị thế của phương Tây đối với tất cả các dân tộc không phải người châu Âu. Nếu Wilson sử dụng vũ lực để tiêu diệt một dân tộc thiểu số kém phát triển, ông sẽ phải đối đầu lại với quan điểm trong nước. Tôi tin tưởng chính phủ Anh nghiêm chỉnh trong vấn đề này và không muốn trình vấn đề lên Liên Hiệp Quốc là vì Anh không muốn 130 thành viên của Liên Hiệp Quốc quyết định tình hình Rhodesia sau khi ông Smith bị cách chức. Anh phải trì hoãn thời gian vì những lợi ích kinh tế của mình ở Nam Phi và Rhodesia, và có nhu cầu bảo vệ nền kinh tế Rhodesia vì quyền lợi của người châu Phi cũng như của người châu Âu. Khi vấn đề Nam Phi được giải quyết, vấn đề lớn còn lại là những chủng tộc khác nhau làm thế nào để sống thuận hòa với nhau trong một thế giới đã trở nên nhỏ bé bởi những thay đổi về khoa học kỹ thuật.

Tôi đồng tình với người dân châu Phi, song tôi cũng nhìn thấy những khó khăn mà thủ tướng Anh phải đối mặt nếu như ông đưa quân Anh dập tắt cuộc nổi dậy của dân định cư Anh đã tự trị trong nhiều thập niên từ năm 1923. Vấn đề hiện tại là cần triển khai phương pháp và thời gian để đạt được sự cai trị bởi đa số cho Rhodesia.

Một lợi điểm trong cuộc họp các lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung là cho dù quốc gia của bạn lớn hay bé, khi bạn đã tham dự, bạn sẽ được đánh giá dựa trên công lao của chính bạn. Nhiều người đã đọc các bài diễn văn được chuẩn bị sẵn. Tôi chỉ phản hồi lại những gì vừa được nghe và ghi chú. Tôi nói một cách chân thành và diễn đạt những suy nghĩ của mình mà không cần sử dụng uyển ngữ của một văn bản được chuẩn bị sẵn. Đây là bài phát biểu đầu tiên của tôi tại hội nghị các Thủ tướng thuộc Khối Thịnh vượng chung và tôi cảm nhận được sự tán thành nồng nhiệt của các đồng sự xung quanh tôi.

Sau này trong hồi ký của Wilson có viết “mặc dù chỉ là sự lặp lại, nhưng thật chẳng kiêng dè gì khi một nhà lãnh đạo châu Phi, sau một người khác, cố chứng minh rằng ông ta quan tâm đến châu Phi nhiều hơn các láng giềng của ông như thế nào. Từ châu Á, Cyprus và Caribbe, thông điệp chỉ trích cũng tương tự như thế. Sau đó, Lý Quang Diệu của Singapore đã phát biểu – chỉ là một bài ứng khẩu không chuẩn bị trong khoảng 40 phút song đã đạt được một mức độ tinh tế hiếm thấy trong bất kỳ cuộc hội nghị nào của Khối Thịnh vượng chung mà tôi từng tham dự.”

Sự hiện diện của tôi tại Lagos đã củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa tôi với Harold Wilson. Tôi hữu ích đối với người dân châu Phi và không vô ích đối với người Anh. Wilson chức mừng tôi bên ngoài phòng hội nghị và nói rằng ông hy vọng tôi sẽ có mặt ở các cuộc hội nghị khác của Khối Thịnh vượng chung. Ông cần một người làm nền tương phản với những lãnh tụ khó tính có những bài diễn văn cay cú và dài thườn thượt. Hai ngày sau, hội nghị kết thúc sau khi đã bổ nhiệm hai hội đồng để xem xét lại những tác động của sự trừng phạt và những nhu cầu đặc biệt mà Zambia cần đến sự hỗ trợ của Khối Thịnh vượng chung.

Địa điểm kế tiếp mà chúng tôi đến là Accra, thủ đô của Ghana. Có nhiều đội bảo vệ hơn dọc đường đến sân bay vì tình hình căng thẳng ở Lagos đã tăng lên trong bốn ngày từ khi chúng tôi đến.

Sau khi đến Accra ba ngày, chúng tôi được biết là đã xảy ra một cuộc đảo chính đẫm máu ở Lagos. Thủ tướng Abubakar và ông Festus bị ám sát. Thủ lĩnh quân đội Ibo phía Đông Nigeria, nơi mỏ dầu đang được phát hiện, đã dẫn đầu cuộc đảo chính giết hại nhiều người Hồi giáo Hausa vùng Bắc Nigeria. Viên thủ lĩnh nói ông ta muốn tống khứ các đảng phái chính trị và các bộ trưởng tham nhũng, đồi bại. Cuộc đảo chính này đưa Thiếu tướng J.T.U. Aguiyi Irons lên nắm quyền lực, nhưng theo sau đó chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc đảo chính khác.

Kwame Nkrumah, Tổng thống Ghana, không vui trước tin này. Hai năm trước, ông đã may mắn thoát được, chỉ trước khi tôi đến thăm ông vào tháng 1/1964. Vào năm 1966, “Osagyefo” (Chúa cứu thế), như Nkrumah được gọi, đã khôi phục lại vị trí của ông và ông mời tôi dự bữa ăn tối cùng với một số bộ trưởng thâm niên của ông và một hiệu trưởng trẻ tuổi, tài giỏi, Abraham. Vị hiệu trưởng này khoảng 30 tuổi, đã đoạt giải nhất về văn học cổ điển tại Oxford và là một thành viên ban giám hiệu của trường đại học All Souls. Nkrumah rất hãnh diện về Abraham. Tôi cũng có ấn tượng với ông, song tôi ngạc nhiên tại sao một quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp như thế lại có người tài giỏi nhất và ưu tú nhất hoạt động trong lĩnh vực văn học cổ điển Latinh và Hy Lạp.

Khi chúng tôi đến Accra, người đến gần máy bay để đón tôi là Krobo Edusei, Quốc vụ khanh. Ông ta bị tai tiếng là một bộ trưởng tham ô khi tự mua cho mình một khung giường bằng vàng, chuyện này đã được công bố trên báo chí thế giới. Nkrumah làm giảm căng thẳng vụ tai tiếng bằng cách hạn chế chức vụ bộ trưởng của Krobo, chỉ cho ông tiếp đón khách của chính phủ. Vào đêm thứ hai của tôi ở Accra, Krobo đưa tôi đến một hộp đêm. Ông tự hào tuyên bố rằng hộp đêm này do ông sở hữu và tất cả những VIP23 đều thích có những buổi tối ở nơi này.

Chúng tôi đi bằng xe hơi mất 3 giờ để đến đập High Volta. Trên đường đi, đoàn xe hộ tống dẫn đầu là một xe hơi với những chiếc loa phóng thanh phát ra điệu nhạc của người châu Phi; những bài tình ca có điệp khúc bằng tiếng Anh “work is beautiful”. Vài đứa trẻ xuất hiện từ những túp lều bên đường, lắc lư tự nhiên theo điệu nhạc khi chúng tránh vào lề đường để vẫy chào chúng tôi. Tôi bị mê hoặc trước những điệu lắc mềm mại của chúng.

Tôi là người khách thứ hai được giải trí trên du thuyền tuyệt đẹp được nhập khẩu và được lắp ráp toàn bộ từ Miami. Họ cho tôi biết nó được vận chuyển bằng đường sắt và trôi bồng bềnh trên hồ. Đi cùng với chúng tôi là Krobo Edusei và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ghana, Alex Quaison Sackey, một trí thức có tài hùng biện. Khi chúng tôi đang du ngoạn trên hồ, có rượu cốc–tai và bánh trên boong, Raja hỏi Krobo rằng ai đã may bộ trang phục đi đường tuyệt đẹp của ông. Krobo đáp: “Tiệm may của tôi ở Kumasi. Ông phải đến thăm nơi đó một ngày nào đấy và tôi sẽ may cho ông một bộ giống như của tôi”. Sau đó, ông nói về những hoạt động khác của mình. Ông đã từng là thư ký bưu điện với mức lương 30 si–linh (4 đôla Mỹ) một tuần; hiện tại ông có hai cậu con trai học ở Geneva, Thụy Sĩ. Ông nói một người đàn ông là phải có hoài bão. Ngoại trưởng Quaison Sackey, một người nhạy bén, từng là chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trông không được vui vẻ và thoải mái. Ông cố gắng lái câu chuyện của Krobo sang hướng khác nhưng Krobo vẫn cứ tiếp tục đề tài của mình và chúng tôi được thết đãi bằng một loạt những câu chuyện buồn cười. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho hai quốc gia này. Họ là những niềm hy vọng tươi sáng nhất của châu Phi, hai quốc gia đầu tiên giành được độc lập, Ghana vào năm 1957 và một thời gian ngắn sau đó là Nigieria.

Một tháng sau, vào ngày 24/2, trong khi Nkrumah đang được đón tiếp bằng 21 phát súng bắn chào mừng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, thì ở Accra xảy ra một cuộc đảo chính quân sự. Người dân nhảy múa trên đường phố khi các thủ lĩnh quân đội bắt giữ những thành viên đứng đầu của chính phủ Nkrumah. Alex Quaison Sackey và Krobo Edusei đang có mặt ở Bắc Kinh cùng với Nkrumah. Khi trở về Accra, họ bị giám sát chặt chẽ. Những lo lắng của tôi đối với nhân dân Ghana đã không đặt nhầm chỗ. Mặc dù những đồn điền ca cao trù phú, những mỏ vàng và hồ High Volta có thể tạo ra nguồn điện lực khổng lồ nhưng nền kinh tế của Ghana vẫn chìm trong đổ nát và không hồi phục như sự hứa hẹn buổi đầu mà nó đã đưa ra khi độc lập năm 1957.

Tin tức tôi đọc được làm tôi cảm thấy buồn. Tôi không bao giờ thăm lại Ghana. Hai thập niên sau, vào thập niên 80, Quaison Sackey gặp tôi tại Singapore. Trong một cuộc đảo chính, ông bị bắt giam và được phóng thích. Ông muốn mua chịu dầu cọ từ Singapore, nhân danh chính quyền Nigeria, hứa hẹn chi trả sau khi họ tổ chức cuộc bầu cử. Tôi nói rằng đó là một thỏa thuận trong công việc mua bán riêng tư mà ông phải giải quyết. Ông kiếm sống nhờ vào sự giao thiệp với các lãnh đạo các nước láng giềng châu Phi. Ông nói Ghana đang chìm trong sự hỗn loạn. Sau đó, tôi đã hỏi thăm về Abraham, vị hiệu trưởng trẻ tuổi tài cao. Quaison Sackey cho biết ông ta đã vào một tu viện ở California. Tôi cảm thấy buồn. Nếu những người tài giỏi nhất và ưu tú nhất từ bỏ cuộc chiến và tìm nơi ẩn náu ở một tu viện, không phải ở châu Phi mà là ở California, thì con đường khôi phục sẽ còn dài và gian khó.

Tôi không lạc quan về châu Phi. Chưa đầy 10 năm sau khi độc lập vào năm 1957, Nigeria đã xảy ra cuộc đảo chính và ở Ghana là một cuộc đảo chính thất bại. Tôi nghĩ lòng trung thành với bộ tộc của họ mạnh hơn ý thức về tình quốc gia dân tộc. Đây là một vấn đề đặc biệt ở Nigeria, nơi có sự phân chia sâu sắc giữa những người miền Bắc Hồi giáo Hausa, và những người miền Nam theo công giáo hoặc vô thần. Cũng như ở Malaysia, người Anh đã chuyển giao quyền lực, đặc biệt về quân đội và cảnh sát, cho người Hồi giáo. Ở Ghana, không có sự phân chia nam bắc, vấn đề sẽ bớt nghiêm trọng hơn, nhưng thực tế vẫn có những phân chia bộ lạc rõ rệt. Không giống như Ấn Độ, Ghana không có một thời gian dài được đào tạo và giám hộ theo những phương pháp và kỷ luật của một chính phủ hiện đại.

Kỳ hội nghị kế tiếp diễn ra ở London vào tháng 9/1966, khi đó tôi được gặp nhiều vị thủ tướng không có mặt trong cuộc hội nghị đặc biệt ở Lagos. Suốt hai tuần ở đó, tôi đã củng cố vị trí của Singapore trong lòng công chúng Anh và duy trì mối quan hệ tốt đẹp sẵn có với Wilson, với những bộ trưởng quan trọng của ông ấy, và với các lãnh đạo của đảng Bảo thủ.

Một lần nữa, vấn đề về Rhodesia lại chi phối toàn cuộc hội nghị (như nó tiếp tục chi phối trong mỗi cuộc hội nghị cho đến khi có một sự dàn xếp ổn thỏa tại cuộc họp ở Lusaka vào năm 1979). Các lãnh tụ châu Phi cảm thông sâu sắc đối với đồng bào châu Phi của họ ở Rhodesia. Họ còn muốn lập sự tín nhiệm trong chính dân tộc mình. Hơn nữa, việc tập trung chú ý vào vấn đề đơn phương tuyên bố độc lập (UDI) của Rhodesia đã xóa khỏi tâm trí của người dân châu Phi những khó khăn cấp bách về kinh tế và xã hội. Trong số những lãnh đạo da trắng, Lester Pearson của Canada rõ ràng là người có thiên hướng tự do nhất ủng hộ sự nghiệp của người châu Phi và những người bị thiệt thòi về quyền lợi.

Tôi nêu những vấn đề ở Đông Nam Á. Tôi nói rằng Việt Nam là sự xung đột về hai hệ tư tưởng đối lập, mỗi bên đều quyết tâm không nhượng bộ vì biết rằng toàn bộ khu vực sẽ bị mất nếu bên này chịu khuất phục bên kia. Thủ tướng Úc Harold Holt tỏ vẻ khó chịu khi tôi nói rằng quân đội Úc và New Zealand ở Nam Việt Nam không chỉ đơn thuần bảo vệ cho nền dân chủ và tự do của Việt Nam mà họ đang bảo vệ cho những lợi ích chiến lược của riêng họ. Ông nhanh chóng lấy lại thăng bằng và chấp nhận quan điểm của tôi khi tôi nói thêm rằng trong lợi ích của họ có cả sự tồn tại của tôi. Tôi giữ cho mình một quan điểm độc lập nhằm củng cố phẩm chất của mình để không bị xem là con rối của người Anh, Úc hay New Zealand, những quốc gia có quân đội đang bảo vệ Singapore. Tôi thẳng thắn nói rằng sự rút lui của Mỹ sẽ là thảm họa cho tất cả các quốc gia trong khu vực, kể cả Singapore. Lời nói đó làm cho quan điểm của tôi được chấp nhận mặc dù quan điểm thông thường của những lãnh đạo người châu Phi là chống lại sự can thiệp của Mỹ. Vị trí của Singapore với các lãnh đạo người châu Phi và châu Á cũng được cải thiện.

Tại kỳ họp kế tiếp vào tháng Giêng năm 1969 cũng ở London, với tư cách là chủ tọa, Wilson yêu cầu tôi khai mạc cuộc hội thảo về sự hợp tác của Khối Thịnh vượng chung. Tôi mở đầu bằng những nhận xét chỉ trích sự hỗ trợ nhỏ giọt của phương Tây đối với các quốc gia đang phát triển, sau đó tiếp tục giải thích những nguyên nhân sâu xa về sự thất bại của họ. Để tập hợp quần chúng trong cuộc tìm kiếm tự do, thế hệ đầu tiên của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chống thực dân đã xây đắp những ảo tưởng về sự phồn vinh mà họ không thể thực hiện. Sự bùng nổ dân số làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Hòa bình giữa các dân tộc, vốn từng được các lãnh chúa thuộc địa dùng uy lực duy trì, khó có thể giữ vững sau khi độc lập, khi quyền lực nằm trong tay của một sắc tộc chiếm đa số. Các thế lực, từng được sự ủng hộ của công chúng trước khi độc lập, phải chứng minh sự chính đáng liên tục của họ, và trong cuộc cạnh tranh với các đảng phái khác, họ đã không thể chống lại sức cám dỗ của những lời kêu gọi lòng trung thành đối với sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Những quốc gia bị thiệt hại khi những nhóm thiểu số của họ hầu hết là người Ấn Độ ở châu Phi, bị loại ra ngoài bởi bạo động hay bởi pháp luật. Thường họ là những chủ cửa hiệu hoạt động như những chủ ngân hàng nông thôn vì họ biết ai là người có khả năng chi trả. Vai trò chủ ngân hàng nông thôn này không ai thay thế được ngay cả chính quyền bản xứ, Tổ chức Hòa bình Mỹ hay các viên chức Cơ quan tình nguyện Anh. Lớp người được đào tạo quá ít và chính quyền mới lại quay về mô típ xã hội nhu nhược mà không có được bàn tay dẫn dắt cứng rắn của một nhà lãnh đạo giỏi và một cơ chế quản lý hiệu lực. Nạn tham nhũng bắt đầu và trở thành lối sống. Các cuộc đảo chính quân sự làm cho tình hình tồi tệ hơn. Nhưng trên hết là các chính phủ đều ủng hộ kiểm soát và kế hoạch hóa kinh tế, bóp chết các doanh nghiệp tự do. May mắn thay, Singapore và Malaysia đã không làm như thế và chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển. Trong quyển “The Labour Government 1964–1970”, Harold Wilson viết rằng tôi đã mô tả “những vấn đề kinh tế của các quốc gia mới giải phóng bằng cái nhìn của chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn… Phải công nhận rằng đây là một trong những bài tiểu luận xuất sắc nhất giải thích về thế giới hậu đế chế mà bất kỳ ai trong chúng ta đã từng nghe”.

Wilson đề nghị luân phiên các kỳ hội nghị hai năm một lần giữa London và một quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung, ông muốn tổ chức kỳ hội nghị tiếp theo ở Singapore. Các nhà lãnh đạo khác đã đồng ý. Tôi lấy làm vui mừng được làm chủ cuộc hội nghị. Sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý của thế giới đối với Singapore. Với hai năm chuẩn bị, đây có thể là cơ hội để Singapore đạt được sự thừa nhận nó như một ốc đảo năng lực và hợp lý trong Thế giới thứ Ba.

Vào tháng Giêng năm 1971, các vị khách Khối Thịnh vượng chung đã đến Singapore sạch và xanh với cách phục vụ thân thiện, nồng hậu, hiệu quả và lịch sự. Các khách sạn, cửa hiệu, taxi, nhà hàng hết lòng phục vụ. Tất cả đều gọn gàng và trật tự. Gia đình của những người bị quản thúc về chính trị do ủng hộ cộng sản đã tổ chức cuộc biểu tình chống chính phủ bên ngoài Tòa đại sảnh NUTC, nơi hội nghị đang diễn ra. Khi cảnh sát lặng lẽ giải tán họ, có những lời thì thầm phản đối từ giới báo chí Anh rằng chúng tôi nên cho phép họ tiếp tục. Song các viên chức chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho đoàn đại biểu thì không nghĩ thế.

Ngay sau khi trở thành Thủ tướng, Ted Heath tuyên bố rằng nước Anh sẽ bắt đầu lại việc buôn bán vũ khí với Nam Phi vốn đã bị đình chỉ bởi chính quyền đảng Lao động. Điều này đã kích động một sự phản kháng mạnh mẽ từ những nhà lãnh đạo da đen người châu Phi, nhiều người trong số họ đe dọa giải tán Khối Thịnh vượng chung nếu Anh ngoan cố. Ngay sau khi Heath đến Singapore, ông đồng ý với tôi và tuyên bố rằng Anh sẽ vui lòng xem xét vấn đề vũ khí đối với Nam Phi như một mục riêng biệt trong chương trình nghị sự. Sau hai cuộc họp chỉ dành cho những nhà lãnh đạo, chúng tôi tán thành việc cử ra một nhóm các nhà điều tra để xem xét tình hình cung cấp vũ khí hải quân và báo cáo những vấn đề phát hiện được lên tổng thư ký.

Heath không thoải mái trong khung cảnh đa chủng tộc của Thế giới thứ Ba. Đây là lần đầu tiên ông có mặt trong một cuộc tập hợp như thế. Các lãnh đạo châu Phi quyết tâm làm ông cảm thấy bị cô lập. Một chút dè dặt và đề phòng, ông khác xa với Harold Wilson vốn đầy sự thân thiện. Heath có vẻ cứng nhắc và không thoải mái, nói bằng giọng Oxford khỏe mạnh và nổi giận khi bị khiêu khích. May mắn là ông ấy hiểu rõ tôi và tin rằng tôi nghiêm túc lắng nghe ông ấy.

Tôi mời Ngài Seretse Khama, Tổng thống của Botswana phát biểu đầu tiên. Tôi biết ông ta là người ôn hòa, điềm đạm và thận trọng. Ông là con trai của người đứng đầu Botswana và đã kết hôn với một phụ nữ người Anh khi ông ở Oxford. Chính quyền Nam Phi đã gây áp lực một cách thành công với chính phủ Anh nhằm cản trở ông kế vị chức vụ thủ lĩnh trong nhiều năm vì cuộc hôn nhân khác màu da của ông là sự nhạo báng luật cấm của họ trong quan hệ giới tính giữa người da đen và da trắng. Ông nói Anh có toàn quyền quyết định lợi ích quốc gia của họ, nhưng quyết định bán vũ khí có thể chỉ gây tổn hại cho Khối Thịnh vượng chung. Đây là một bài diễn văn không ồn ào nhưng lại có sức thuyết phục.

Julius Nyerere, Tổng thống của Tanzania, trình bày những lý lẽ của ông ta trên nền tảng luân lý, rằng Nam Phi nằm ngoài Khối Thịnh vượng chung bởi vì hệ tư tưởng của nó mâu thuẫn với Khối Thịnh vượng chung đa chủng tộc. Ông yêu cầu “một cách nghiêm chỉnh” rằng Anh không nên giúp đỡ Nam Phi và buộc các quốc gia châu Phi phải phản ứng lại. Ông nói ngắn gọn bất ngờ. Ông ta đánh giá Heath và quyết định tốt nhất là đừng thuyết giáo với Heath. Nyerere là lãnh tụ người châu Phi mà tôi tôn trọng nhất. Ông gây ấn tượng với tôi là một người trung thực và chân thành. Ông trao quyền lực cho người kế vị theo quy định của hiến pháp và Tanzania chưa bao giờ rơi vào tình trạng hỗn loạn như Uganda.

Tổng thống Hasting Banda của Malawi nói rằng không có vị lãnh đạo người châu Phi nào có ý định bỏ mặc và làm sụp đổ Khối Thịnh vượng chung. Dùng vũ lực sẽ không đem lại thành công; những người đấu tranh cho tự do đã thử từ năm 1964 và không đạt được kết quả gì. Thay vì dùng vũ lực, cô lập và tẩy chay, ông kêu gọi sự hợp tác và đối thoại giữa người da trắng và người da đen. Các lãnh đạo người châu Phi biểu lộ công khai sự khinh thường đối với ông nhưng ông có vẻ hoàn toàn thản nhiên. Tôi cố gắng ngăn tính hoa mỹ hùng biện của ông nhưng một khi đang tuôn trào thì ông không thể dừng lại. Ông là người có cá tính, luôn đeo kính râm thậm chí lúc ở trong nhà và vào ban đêm, đồng hành với ông là một phụ nữ trẻ người châu Phi có thân hình tròn trĩnh. Trông ông già nhưng nói năng rất mạnh mẽ, vẫy cái cây xua ruồi để nhấn mạnh quan điểm của mình. Nhưng có lẽ ông giống hệt như người đang vẫy một lá cờ đỏ trước những con bò hung dữ24. Tôi không chắc là Heath đang lúng túng hay đang thích thú.

Heath đã đáp trả hợp lý. Việc bán thiết bị hải quân cho Nam Phi chủ yếu là vấn đề về chính sách quốc phòng, không liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Người Anh trông cậy vào việc vận chuyển tự do hàng hóa và quyền tự do đi lại trên vùng biển. Một nửa nguồn cung cấp dầu và một phần tư việc mua bán của Anh đi ngang qua tuyến đường biển vòng quanh mũi Hảo Vọng. Liên Xô đã tạo ra mối đe dọa về đường biển. (Vào ngày 16 tháng Giêng, bốn ngày trước khi Heath nói về vấn đề bán vũ khí cho Nam Phi, hai tàu chiến của Xô Viết, một chiến hạm và một tàu hộ tống đã đi công khai qua Singapore vào khoảng hai chiều từ vùng biển Đông hướng sang Ấn Độ Dương).

Tổng thống Keneth Kaunda của Zambia đã xen vào một phát biểu gây cảm xúc mạnh mẽ. Ông cảnh báo rằng lợi ích quốc gia của Anh không chỉ nằm ở Nam Phi hay Ấn Độ Dương mà còn ở nhiều vùng của châu Phi. Khi kể lại những hành vi độc ác mà người dân châu Phi đã chịu đựng dưới bàn tay của dân định cư da trắng, đột nhiên ông nức nở và lau nước mắt bằng một chiếc khăn tay trắng. Những người chứng kiến cảnh tượng này lần đầu tiên đã thực sự cảm động. Song ông lặp y hành động đó thường xuyên, hầu như tại mỗi kỳ họp của Khối Thịnh vượng chung bất cứ khi nào chủ đề về sự thống trị của người da trắng đối với người châu Phi được đưa ra. Nó đã trở thành một hồi kịch.

Tổng thống của Uganda, Milton Obote, khác biệt với Kaunda hay Nyerere. Ông nói về Rhodesia, Namibia và Nam Phi với sự thù hằn và căm ghét sâu sắc. Tôi cảm thấy có điều gì đó nham hiểm trong cử chỉ và ánh mắt ông. Vào thời gian tạm nghỉ của cuộc hội nghị, Obote được thông báo rằng Tướng Idi Amin đã lên nắm quyền đất nước ông sau một cuộc đảo chính. Trông ông thất vọng và chán nản. Tình thế khó khăn của ông cho thấy rõ sự bất ổn của nhiều chính quyền châu Phi.

Người phát biểu sau cùng về Nam Phi là Thủ tướng của Fiji, Ratu Sir Kamisese Mara. To con, đẹp trai, cao hơn 2 mét, trông ông còn nguyên dáng vẻ của một cựu cầu thủ bóng bầu dục. Thật hão huyền để kỳ vọng Thủ tướng Anh tuyên bố rằng chính quyền của ông ta bây giờ sẽ không bán vũ khí cho Nam Phi. Ngưng việc buôn bán vũ khí này cũng giống như hành động bóc đi lớp vỏ ngoài của một củ hành. Lớp vỏ kế tiếp sẽ là việc bán vũ khí của Pháp, kế đến là Ý. Sau lập luận hợp lý đó, chúng tôi đã hoãn cuộc họp vào lúc 4 giờ sáng.

Tôi nhớ lại cảnh những người cộng sản trong liên minh đã giữ tôi ngồi nhiều giờ liền như thế nào trên một chiếc ghế dài bằng gỗ cứng không có chỗ dựa. Rồi sau khi những người ủng hộ của tôi, không thuộc phe cộng sản, đã mệt mỏi bỏ đi và chúng tôi chỉ còn lại là thiểu số, khi đó họ sẽ chiếm được số phiếu bầu. Các lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung được ngồi thoải mái trên những chiếc ghế bành, nhưng bộ điều chỉnh nhiệt bị trục trặc và máy điều hòa làm cho không khí trở nên quá lạnh vào buổi sáng. Tạm ngừng buổi họp sẽ có nghĩa là mọi người sẽ khôi phục năng lượng và lấy lại sức để chuẩn bị cho những bài diễn thuyết dài bất tận. Tôi quyết định phải tiếp tục cuộc hội nghị và mọi người đã ở lại. Tất cả các nhà diễn thuyết từ châu Phi cảm thấy thỏa mãn vì họ được mọi người lắng nghe; không có nhà lãnh đạo nào bị cắt ngang khi họ trình bày những phần mà họ muốn thỏa mãn nhu cầu người nghe trong nước họ.

Vài giờ sau, khi cuộc thảo luận “về vấn đề an ninh của Ấn Độ Dương” bắt đầu lại, tất cả các lãnh đạo người châu Phi đều vắng mặt, và cuộc họp cũng sớm kết thúc. Ngoại trừ thời gian ngắn khi tôi sắp xếp nhờ một số vị thủ tướng khác ngồi ghế chủ tọa, tôi phải ngồi suốt 13 kỳ họp từ ngày 14 tháng Giêng đến 22 tháng Giêng. Quả là một hình phạt khi phải lắng nghe những bài thuyết trình lặp đi lặp lại nối tiếp nhau. Cũng từ đó, tôi có sự cảm thông với những vị chủ tọa của các cuộc hội nghị quốc tế nơi những vị đại biểu đến với những bài thuyết trình được chuẩn bị sẵn, cứ nhất định trình bày cho được phần chuẩn bị của mình bất kể những gì đã được nói trước đó.

Mặc dù hội nghị thảo luận về rất nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự nhưng báo chí tập trung chủ yếu vào cuộc tranh luận vấn đề vũ khí đối với Nam Phi.

Nói chuyện riêng trong tiệc rượu, Heath biểu lộ thất vọng đối với sự phô bày công khai các cuộc trao đổi riêng giữa những người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng người Canada, Pierre Trudeau, đồng ý và lấy làm tiếc rằng những nhà lãnh đạo châu Phi có xu hướng rập khuôn phong cách ngoại giao của Liên Hiệp Quốc. Tôi nói rằng điều này là không thể tránh khỏi khi các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba đều ảnh hưởng lẫn nhau ở quá nhiều cuộc hội nghị quốc tế, nơi thuật hùng biện và lối nói ngoa dụ là món ăn tiêu chuẩn. Tôi nói thêm rằng tất cả các nhà lãnh đạo thế hệ đầu tiên của các quốc gia độc lập đều là những nhà hùng biện lôi cuốn, nhưng sự cai quản của họ ít khi theo lời họ nói.

Với tư cách là chủ tọa, tôi biết rõ những hoạt động hậu trường của một cuộc hội nghị Khối Thịnh vượng chung. Đó là những kỳ họp kín, nhỏ, song phương, bất thường giữa các lãnh đạo chủ chốt, những cuộc họp này quyết định kết quả của hội nghị. Arnald Smith là tổng thư ký của Khối Thịnh vượng chung hơn 5 năm, năm 1962 khi còn là đại sứ của Canada, đã chiêu đãi tôi bữa tối ở Moscow. Ông biết rõ tính cách và lập trường của những lãnh đạo đang có mặt. Chúng tôi nói riêng với những lãnh đạo châu Phi rằng họ đừng bao giờ mong đợi Ted Heath công khai nhượng bộ. Chúng tôi triệu tập hai kỳ họp, chỉ dành cho những vị lãnh đạo, để đi đến tán thành những thỏa hiệp mà Smith khởi xướng. Giải pháp chính thức của toàn cuộc hội nghị được dàn xếp tại các cuộc họp nhỏ này. Cuối buổi họp, sau tất cả những trò làm bộ làm tịch, tổng thư ký cho những nhà lãnh đạo quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba hiểu rằng những vấn đề chính của Khối Thịnh vượng chung nằm trong sự hợp tác về kinh tế, xã hội, văn hóa và phụ thuộc vào sự tài trợ chủ yếu từ những quốc gia đã phát triển thuộc Khối Thịnh vượng chung gồm Anh, Canada, Úc và New Zealand. Sự hợp tác của Khối Thịnh vượng chung sẽ kết thúc nếu những quốc gia tài trợ thấy không có lợi khi so sánh giữa phí tổn và lợi ích. Với sự tế nhị và khéo léo, Smith đã thuyết phục những nhà lãnh đạo châu Phi và châu Á không đẩy vấn đề đến sự đổ vỡ. Sonny Ramphal, Bộ trưởng Ngoại giao Guyana, người kế nhiệm Smith vào năm 1975, tỏ ra khéo léo hơn khi để cho các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba sử dụng thuật hùng biện của họ trong khi ông vẫn tiếp tục giữ đường lối bằng cách đảm bảo sự cân bằng giữa phí tổn và lợi ích nhằm giữ lại những người tài trợ đã tham gia.

Rhodesia và nạn phân biệt chủng tộc chiếm nhiều thời gian tại mọi hội nghị. Đối với hầu hết các hội nghị, nếu không xem các biên bản, tôi sẽ không nhớ những vấn đề thời sự đã gây lo lắng cho các nhà lãnh đạo vào thời gian đó. Song tôi cũng có những đoản văn không thể quên về những cuộc gặp gỡ và các cuộc trao đổi của mỗi hội nghị. Tại Ottawa vào năm 1973, tôi nhớ ngài chủ tọa, Thủ tướng Pierre Trudeau, một người Canada gốc Pháp, đã sử dụng song ngữ thành thạo và truyền cảm. Ông nói với tôi rằng mẹ của ông là người Ai–len và cha ông là người Pháp. Trudeau có đầu óc thông minh cùng với ngôn ngữ sắc bén. Tôi đã quan sát cuộc họp báo của ông với sự khâm phục. Khi ông chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, nét mặt và cử chỉ của ông trở thành người Pháp. Ông thực sự là một người Canada thông thạo hai ngoại ngữ và hai nền văn hóa. Ông rất thương cảm những nạn nhân của sự bất công và luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, nhưng có thể hoàn toàn cứng rắn trong việc cắt học bổng của Canada dành cho sinh viên Singapore khi ông quyết định rằng chúng tôi có đủ khả năng để trả.

Một nhân vật đáng nhớ khác từ hội nghị Ottawa là Thủ tướng Sheikh Mujibur Rahman, người anh hùng đã chống lại Pakistan và đã lãnh đạo miền Đông Pakistan đi đến độc lập với tư cách là nước Bangladesh. Ông đã đến Ottawa bằng máy bay riêng. Khi tôi xuống máy bay, tôi thấy một chiếc Boeing 707 đã được đỗ ở sân bay với dòng chữ “Bangladesh” trang trí trên thân máy bay. Đến khi tôi rời khỏi, nó vẫn đứng cùng vị trí đó, không dùng đến trong tám ngày, đang để không chẳng đem lại ích lợi gì. Lúc rời khách sạn để đến sân bay, tôi thấy hai chiếc xe tải lớn đang được chất đầy những kiện hàng của phi hành đoàn Bangladesh. Tại cuộc hội nghị, Mujibur Rahman đã kêu gọi viện trợ cho đất nước của ông. Bất kỳ cơ quan dân vận nào hẳn cũng sẽ khuyên ông không nên để máy bay đặc biệt của ông đứng yên suốt tám ngày trên thềm đậu máy bay. Vào thời gian đó, mốt dành cho những nhà lãnh đạo các nước lớn thuộc Thế giới thứ Ba là đi công cán trên phi cơ riêng của họ. Tất cả các nhà lãnh đạo đều bình đẳng tại bàn hội nghị, nhưng những người từ những quốc gia có ảnh hưởng lớn đã tỏ ra rằng họ có khả năng hơn bằng cách đến tham dự trong những chiếc máy bay phản lực riêng lớn, người Anh dùng chiếc VC 10s và Comet, người Canada dùng máy bay Boeing. Người Úc gia nhập vào nhóm đặc biệt này năm 1979, sau khi chính phủ của Malcolm Fraser mua chiếc Boeing 707 cho Không lực Hoàng gia Úc. Những vị tổng thống người châu Phi mà quốc gia của họ sau này khấm khá hơn, như Kenya và Nigeria, cũng đã có những chuyên cơ đặc biệt. Tôi tự hỏi tại sao họ không phô bày thực trạng rằng họ đang nghèo nàn và rất cần sự trợ giúp để gây cảm động cho thế giới. Đại diện thường trực của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc ở New York giải thích rằng những quốc gia càng nghèo, họ lại thuê những chiếc Cadillacs càng lớn cho các nhà lãnh đạo của họ. Thế là tôi thực hiện một thói quen tốt trong việc đi lại là dùng máy bay thương mại bình thường, và nhờ thế đã giúp giữ được vị trí thuộc Thế giới thứ Ba của Singapore trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990, Ngân hàng Thế giới từ chối các yêu cầu của chúng tôi xin đừng xếp loại chúng tôi như một “quốc gia đang phát triển có thu nhập cao”, không cho điểm Brownie25 cho thói quen đi lại tiết kiệm của tôi. Chúng tôi đã mất tất cả các quyền ưu đãi của một quốc gia đang phát triển.

Tại Kingston, Jamaica, vào tháng 4/1975, Thủ tướng Michael Manley, một người Tây Ấn da sáng, đã chủ trì cuộc họp với thái độ huênh hoang và nói năng rất hùng biện. Song tôi nhận thấy quan điểm của ông ta khá viển vông, ông chủ trương “tái phân phối tài sản của thế giới”. Quốc gia của ông là một hòn đảo phì nhiêu rộng khoảng 2.000 dặm vuông, có một số ngọn núi ở trung tâm, nơi trồng cà phê và các loại cây cận nhiệt đới khác. Họ có những khu nghỉ mát xinh đẹp do người Mỹ xây dựng làm nhà nghỉ đông. Họ có nền văn hóa thoải mái. Mọi người thuộc nhiều bài hát và các điệu nhảy, nói năng hùng hồn, nhảy múa sôi nổi và uống rượu nhiều. Họ đã bỏ lại đằng sau công việc nặng nhọc cùng cảnh nô lệ.

Một buổi chiều Chủ nhật, khi tôi và Choo bước ra khỏi hàng rào dây thép gai bao quanh các khách sạn dùng cho hội nghị để dạo bộ ngắm thành phố, một chiếc xe hơi đang chạy bỗng ngừng lại với tiếng gọi của người tài xế: “Ông Lý, ông Lý, đợi tôi với”. Một người Jamaica gốc Hoa, nói tiếng Anh giọng Caribbe, bước đến. “Ông không được quên chúng tôi. Chúng tôi đang ở trong giai đoạn rất khó khăn.” Ông ta đưa danh thiếp cho tôi. Ông là nhà kinh doanh bất động sản. Nhiều người có chuyên môn và những thương gia chuyển đến Hoa Kỳ, Canada đã nhờ ông bán đi các căn nhà và văn phòng của họ. Ông đã trông thấy tôi trên truyền hình Jamaica và ước ao được nói chuyện với tôi. Những người Hoa, người Ấn, và thậm chí cả người Jamaica da đen có chuyên môn cảm thấy không có tương lai dưới chính phủ xã hội chủ nghĩa cánh tả của Michael Manley. Các chính sách của chính phủ đều thất bại. Tôi hỏi ông dự định sẽ làm gì. Ông không phải là nhà chuyên môn, vì vậy ông có thể không đi. Tuy nhiên, khi đã bán tất cả các ngôi nhà lớn này và công việc kinh doanh bất động sản không còn nhiều để làm, ông có thể sẽ đi. Tôi mong ông sẽ gặp may mắn và kết thúc cuộc nói chuyện ngắn. Tôi thấy những nhân viên an ninh da đen người Jamaica đang bảo vệ chúng tôi dùng ngôn ngữ cử chỉ để yêu cầu chúng tôi quay lại. Về sau, tôi đọc những tin tức của Jamaica với sự thông cảm nhiều hơn.

Nhân lễ kỷ niệm 25 năm của Nữ hoàng, chúng tôi gặp nhau ở London vào tháng 7/1977. Mối quan hệ đã hoàn toàn khác. Nền kinh tế của Anh không còn mạnh; thật vậy, Denis Healey kêu gọi IMF giúp đỡ Anh thoát khỏi một số khó khăn vào năm 1976. Tôi nhớ mình đã đứng ở hàng phía sau Tổng giám mục Makarios của Cyprus khi Choo và tôi đợi ký vào sổ lưu niệm tại số 10 đường Downing, trước khi đi qua khu vườn phía sau để xem cuộc diễu binh mừng sinh nhật của Nữ hoàng. Đức ngài Phúc lớn không sử dụng cây bút do viên chuẩn úy người Anh đưa. Ông ấy rút cây bút của mình, ký vào sổ lưu niệm và đi. Khi tôi ký, tôi nói với người lính: “Vị Tổng giám mục đã ký bằng mực đỏ”. “Màu đỏ vì tay ông ấy dính đầy máu”, viên chuẩn úy trả lời, anh từng phục vụ ở Cyprus trong suốt những năm đẫm máu khi quân đội Anh phải ngăn cản những người theo chủ nghĩa dân tộc Cypriot muốn đánh đuổi quân Anh để liên minh với Hy Lạp.

Vào năm 1979, tôi thực hiện chuyến viếng thăm thứ ba đến Lusaka. Lần thứ nhất, vào năm 1964, là chuyến công du của tôi đến 17 thủ đô ở châu Phi, và lần thứ hai vào năm 1970, dành cho hội nghị thượng đỉnh các nước Không Liên kết. Từ năm 1970, kinh tế của Zambia đã suy yếu. Chúng tôi được tiếp đãi tại tòa nhà chính phủ, nơi tôi đã ở lại vào năm 1964 với tư cách là khách của viên thống đốc cuối cùng. Tòa nhà đã không còn vẻ xinh đẹp như trước. Số hươu và chim ngoại lai ở trong vườn ít hơn, và bề ngoài của ngôi nhà lớn cũng không còn cái vẻ bảnh bao như vốn có của các tòa nhà chính phủ thuộc địa Anh. Chúng tôi được sắp xếp ở trong những biệt thự gỗ như năm 1970, nằm xung quanh tòa đại sảnh do Nam Tư, một thành viên của phong trào Không Liên kết, xây cho họ. Tòa đại sảnh và những biệt thự gỗ đã không được sử dụng nhiều từ năm 1970, song chúng vừa mới được tân trang và trang bị lại với phí tổn khá lớn với những đồ đạc có nguồn gốc từ Tây Ban Nha.

Sự cung cấp thức ăn tại biệt thự gỗ nơi chúng tôi ở thật tồi tệ. Họ đã huấn luyện những sinh viên trẻ làm đầu bếp. Thực đơn về thức ăn của chúng tôi là thịt lưng lợn muối và trứng hoặc chỉ có trứng luộc lòng đào cho bữa điểm tâm, thịt bò cho bữa trưa và thịt bò cho bữa tối. Có quá nhiều rượu so với nhu cầu của chúng tôi.

Mọi thứ đều khan hiếm. Các cửa hiệu trống rỗng. Không có các vật dụng vệ sinh nhập khẩu từ nước ngoài và chỉ có một ít hàng địa phương thay thế. Choo đã thấy cảnh những phụ nữ xếp hàng chờ mua những thứ cần thiết. Đồ lưu niệm duy nhất mà Choo có thể mua là quả trứng làm bằng chất malachit, làm chúng tôi hiểu rằng Zambia có nền kinh tế gần như tự cấp tự túc, nhỏ bé, và giá của nó không bắt kịp với giá dầu và những mặt hàng nhập khẩu khác. Họ không có ngoại hối, và đồng tiền của họ đang giảm giá một cách nhanh chóng. Mối quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Kenneth Kaunda là chính trị, hoạt động chính trị của người da đen chống lại người da trắng, chứ không phải là sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước Zambia. Ông ta đã giữ chức tổng thống cho đến những năm 90 khi, với lòng tin của ông, ông đã chỉ đạo một cuộc bầu cử công bằng và đã bị thất cử. Sau khi Kaunda rời khỏi chức vụ, cuộc sống của nhiều người dân Zambia vẫn không được cải thiện nhiều.

Cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất của tôi tại hội nghị Melbourne vào tháng 10/1981 là cuộc gặp với một người Ấn tại phòng ăn. Chúng tôi là hai người duy nhất đang tìm các món ăn nhẹ. Tôi hỏi có phải ông ấy đi cùng với phái đoàn Ấn Độ không. Nhưng không phải, ông ta là nhà lãnh đạo của phái đoàn Uganda, thay mặt cho Tổng thống Milton Obote không thể đến được. Tôi ngạc nhiên (những người Ấn đã bị Idi Amin ngược đãi trong một thập niên và đã chạy trốn khỏi Uganda) và hỏi ông ta có trở về Uganda không. Không, gia đình ông đã định cư ở London và ông hiện là Cao ủy viên Uganda ở London. Ông đã ra đi trong thời gian cai trị của Idi Amin. Tôi hỏi ông điều gì đã xảy ra với Chủ tịch Hạ viện Uganda, người đã đón tiếp tôi và phái đoàn của tôi tại Tòa nhà quốc hội ở Kampala, vào tháng 1/1964. Ông ấy là một người Sikh với một chiếc khăn xếp trên đầu, tự hào về Tòa nhà quốc hội được ốp đá của ông. Thật ngẫu nhiên, cựu chủ tịch này cũng đang đến Melbourne để gặp người bạn Ấn Độ của tôi vào ngày hôm sau. Ông ta bị ép buộc phải rời khỏi Uganda và đã định cư ở Darwin, nơi đó ông trở thành một quan tòa. Tôi cảm thấy buồn. Lẽ ra Uganda có thể hợp tác với những người như thế nhiều hơn, để tạo động lực cho nền Uganda giống như những người Sikh đã từng giúp nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Singapore. Ông ta là nạn nhân của cuộc đảo chính vào năm 1971 khi Idi Amin truất phế Milton Obote lúc ông đang ở tại Singapore.

Hai năm sau tại Delhi, tôi được xếp ngồi cạnh phu nhân của Otobe trong bữa tiệc tối của Nữ hoàng. Bà ấy đã cho tôi biết một khía cạnh khác về bi kịch của Uganda khi thuật lại chi tiết về việc bà và ba đứa con đã trốn từ Kampala đến Nairobi trong cuộc đảo chính năm 1971. Họ bị gởi trả về nước. Họ trốn thoát một lần nữa và đã trải qua những năm tháng ly hương tại Dar–es–Salaam. Bà trở về Uganda vào năm 1980, một năm sau khi Idi Amin bị truất phế. Milton Obote, lúc này đã trở lại chức vụ Tổng thống, trở thành một người đàn ông nhiều sầu thảm và thờ ơ hơn. Tôi đã nắm được khái quát tầm nghiêm trọng thảm họa của người Uganda từ cuộc nói chuyện với phu nhân của ông. Bà phát hiện ra rằng mọi người đã thay đổi, không còn sẵn sàng làm việc cho những gì họ cần. Sau chín năm sống trong sự tàn bạo, tình trạng hỗn độn và đồi bại dưới thời Idi Amin, người dân đơn giản chỉ chộp lấy những thứ mà họ muốn. Họ đã đánh mất những thói quen của cuộc sống văn minh. Tôi phải hình dung lại cảnh tượng này khi đội quân cảnh sát của chúng tôi trong lực lượng Liên Hiệp Quốc thuật lại những điều họ đã trải qua ở Campuchia từ năm 1991–1993. Có thể, Campuchia đã tồi tệ hơn sau 20 năm hỗn loạn.

Tháng 10/1983, Margaret Thatcher thảo luận về vấn đề Hong Kong. Đặng Tiểu Bình kiên quyết đòi được trao trả Hong Kong. Bà cố gắng thuyết phục ông cho phép gia hạn hợp đồng thuê, ông nói rõ điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận; Trung Quốc phải lấy lại chủ quyền vào năm 1997. Quan điểm của tôi như thế nào? Bà đề xuất vấn đề vì viên thống đốc thông báo cho bà biết rằng Hong Kong thuê Lãnh Thổ Mới sắp hết hạn. Tôi hỏi bà sẵn lòng bảo vệ quan điểm của bà tới đâu khi sự tồn tại một Hong Kong thuộc địa Anh phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc. Bà chưa có câu trả lời sẵn sàng. Tôi nghĩ việc Trung Quốc đồng ý gia hạn hợp đồng cho thuê không thể xảy ra vì uy tín quốc gia sẽ bị đe dọa. Trong trường hợp của Ma Cao thì Bồ Đào Nha chỉ tiếp tục sự cai trị của họ mà không đặt vấn đề gì với Bắc Kinh. Bà nói viên thống đốc nói với bà rằng ông ta không có thẩm quyền theo luật định để gia hạn hợp đồng quá năm 1997, vì vậy bà phải nêu vấn đề.

Trước khi rời Delhi, tôi đã đưa ra quan điểm của tôi rằng bà đã có vài lá bài trong tay. Cách giải quyết tốt nhất là chuyển vấn đề này cho tòa án Trung Quốc, để nói với ông Đặng rằng Hong Kong có thể tồn tại và phồn vinh chỉ khi nào Trung Quốc muốn nó như vậy. Thuộc địa Hong Kong, chính hòn đảo này, và bán đảo Cửu Long không thể tồn tại nếu không có Lãnh Thổ Mới (New Territories) vốn đang là những bất động sản cho thuê theo hợp đồng. Vì vậy sẽ không thực tế nếu chấp nhận quan điểm theo pháp luật rằng Anh có thể tiếp tục nắm giữ thuộc địa ngoại trừ Lãnh Thổ Mới (New Territories); tốt hơn hết là tạo các điều khoản cho Hong Kong sẽ cho phép nó tiếp tục thịnh vượng như nó đã thịnh vượng nhưng dưới ngọn cờ của Trung Quốc.

Tôi chờ đợi cuộc hội nghị ở Nassau, Bahamas, vào tháng 10/1985. Đó là sân chơi của những người Mỹ giàu có. Khi đó, tôi đã đọc các hồ sơ của Anh về tình trạng thuốc phiện đã lan rộng khắp Bahamas và tội ác bạo lực đã tung hoành như thế nào. Tờ báo Sunday Times ở London đưa tin rằng Thủ tướng Sir Lynden Pindling có dính líu. Không có vụ kiện tội vu cáo nào theo sau. Để đến dự bữa tiệc tối của Nữ hoàng trên chiếc du thuyền Hoàng gia Britiannia, Pindling đã tổ chức cho tất cả các nhà lãnh đạo một chuyến đi bằng thuyền từ khách sạn của chúng tôi đến du thuyền Britiannia. Tôi quyết định đi bằng đường bộ. Gần cầu tàu nơi du thuyền Hoàng gia đang bỏ neo, chúng tôi đã đi ngang qua đám đông những người biểu tình với các tranh cổ động tố cáo Pindling; một số người nói: “Thủ tướng là một tên trộm”. Pindling và những người khách khác của ông đã mất nhiều thời gian đi bằng thuyền hơn so với chúng tôi đi bằng xe hơi. Hoặc vì biển động hoặc vì tàu chạy chậm, họ đã buộc Nữ hoàng đợi hơn một tiếng đồng hồ. Nữ hoàng luôn hòa nhã và tự chủ trong lời lẽ, nhưng không quen với việc phải chờ đợi. Bà ấy nói với tôi rằng các món sẽ bị nhừ. Món chính bị nhừ, nhưng món tráng miệng thì thật tuyệt.

Một ngày nọ, tôi đã dùng bữa trưa với Tổng thống Sri Lanka, Junius Jayewardence, và vị chánh án của Bahamas. Vị chánh án nói về thói quen sử dụng cocain rộng rãi trong nước và nhiều người đã tạo được nhiều của cải trong buôn bán thuốc phiện. Bọn buôn lậu bay đến Bahamas từ Nam Mỹ trên những chiếc phi cơ nhỏ. Cùng với sự đồng lõa của hải quan và các quan chức khác, thuốc phiện được vận chuyển bằng đường hàng không hoặc đường thủy đến đất liền Mỹ. Trong quá trình chuyên chở, chúng đã đưa thuốc phiện đến dân cư địa phương và đã làm tan nát nhiều gia đình. Nhiều bộ trưởng cấp cao trong chính phủ có liên quan. Khi rời Nassau, tôi đã đánh mất ảo tưởng cuối cùng của tôi về một hòn đảo thiên đường tại bất cứ nơi nào của thế giới.

Hội nghị cuối cùng của tôi là ở Kuala Lumpur vào tháng 10/1989. Như hội nghị trước đó ở Vancouver tháng 10/1987, không có biến cố và các vấn đề “nóng” nào ở hội nghị. Tôi đã trải qua một đêm dài ở đảo Langkawi, trong suốt thời gian “ẩn dật” (thời gian tụ họp thân mật của các thành viên hội nghị ở một địa điểm nào đó), tán gẫu với Thủ tướng Bhutto và chồng của bà, ông Asif Zadari, và học hỏi được rất nhiều điều về nền chính trị và văn hóa của Pakistan. Bà Thủ tướng có diện mạo trẻ trung, làn da trắng, khuôn mặt ăn ảnh và trang điểm khá đẹp. Chồng bà là một người sôi nổi và khéo mặc cả, không hề do dự khi nói với tôi rằng ông sẵn sàng thực hiện các vụ mua bán với bất kỳ mặt hàng nào. Ông đang kinh doanh trái cây và những mặt hàng xuất khẩu, bất động sản cùng với mọi thứ khác. Tôi hứa sẽ giới thiệu ông với một số hãng nhập khẩu trái cây để mua xoài của ông, và tôi đã thực hiện lời hứa khi ông cùng vợ đến Singapore tham dự các cuộc hội nghị vào năm 1995. Ông là một người láu cá đáng yêu. Song tôi không bao giờ nghĩ rằng ông có thể giết anh vợ mình như chính phủ Pakistan đã buộc tội sau khi vợ ông bị Tổng thống cách chức.

Đó là hội nghị Khối Thịnh vượng chung cuối cùng mà tôi tham dự khi tôi chuẩn bị từ chức Thủ tướng vào năm 1990. Hội nghị đầu tiên năm 1962 là hội nghị thuộc một thời đại khác với một nhóm những nhà lãnh đạo khác. Khối Thịnh vượng chung khi đó là một tổ chức tương đối nhỏ, có những mối quan hệ sâu xa về lịch sử và họ hàng giữa Anh và những thuộc địa cũ của nó. Họ vẫn có sự liên kết chặt chẽ về kinh tế và chính trị với những quốc gia mới độc lập, tất cả vẫn còn được hưởng sự ưu đãi thuế quan của Khối Thịnh vượng chung, và Anh là đối tác thương mại chính. Khi Thủ tướng Harold Macmillan, người đàn ông của đế quốc thuộc thế hệ đã từng đấu tranh trên mặt trận phương Tây trong chiến tranh Thế giới Thứ nhất, khởi xướng sự gia nhập Anh vào châu Âu, những kẻ thống trị người da trắng cũ đều sửng sốt. Họ cảm thấy bị bỏ rơi sau khi đã sát cánh cùng Anh trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Ngài Robert Menzies, Thủ tướng Úc, bằng sự can thiệp mạnh đã phá vỡ sự tự tin của Macmillan rằng Anh vẫn sẽ tiếp tục duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với Khối Thịnh vượng chung sau khi gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế châu Âu (European Economic Community – EEC).

“Tôi lãnh đạo một liên đoàn. Tôi biết các liên đoàn hoạt động như thế nào”, Menzies nói. Hoặc là chúng hướng tâm trong trường hợp các bang ngày càng tiến lại gần nhau như ở Úc, hoặc chúng ly tâm, với những bang chuyển động ngày càng xa nhau cho đến lúc cuối cùng chúng tách rời ra. Chúng không bao giờ đứng yên. Nếu Anh gia nhập vào EEC, mối dây ràng buộc giữa Anh và Khối Thịnh vượng chung sẽ trở nên lỏng lẻo và yếu ớt”. Nhìn lại hơn 40 năm qua, tôi nhớ lại Menzies đã tiên tri đúng như thế nào.

Anh và châu Âu đã tiến đến gần nhau hơn. Ngay cả các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung cũ, bất kể thân thuộc đến mấy, đã không còn chia sẻ với nhau những mối quan hệ tình cảm sâu sắc của những năm 60. Vận mệnh của họ đi trên những con đường khác nhau trong những lục địa riêng biệt. Hai mươi lăm năm sau, vào năm 1998, người Anh vẫn chưa thống nhất ý kiến trong việc liệu có nên dùng một loại tiền tệ, đồng Euro, và (điều mà nhiều người lo sợ và không muốn) có nên gia nhập vào khối liên bang siêu quốc gia của châu Âu hay không.

Rồi vào năm 1989, với hơn 40 nhà lãnh đạo, không còn tồn tại ý thức về các giá trị được chia sẻ. Đó là một câu lạc bộ mà các thành viên đến rồi đi bất ngờ với những thay đổi bất thường của các cuộc bầu cử và các cuộc đảo chính, không có thời gian để chào tạm biệt. Hầu hết các đề tài nóng hổi ngày nay đều mang tính phù du – trật tự kinh tế quốc tế mới, cuộc đối thoại Bắc – Nam, sự hợp tác Nam – Nam, Rhodesia, nạn phân biệt chủng tộc – tất cả là một phần của lịch sử. Tuy nhiên, mỗi hội nghị đều nhắm đến một mục đích. Một nhà lãnh đạo có thể nhấn mạnh một số vấn đề nào đó một cách trực tiếp với các nhà lãnh đạo khác và đưa phe chống đối vào thế phòng thủ, như đã xảy ra khi Ấn Độ ủng hộ Việt Nam chiếm đóng Campuchia. Mặt đối mặt, bà Gandhi, bằng uy tín của bà, không thể và đã không bảo vệ được quan điểm của Ấn Độ. Điều này tạo ấn tượng cho những nhà lãnh đạo khác và ảnh hưởng đến lập trường của họ đối với vấn đề này. Tham dự các hội nghị này rất có giá trị. Nhưng tôi đã tham dự quá nhiều hội nghị và đây là lần cuối cùng của tôi.

Trong suốt các hội nghị của Khối Thịnh vượng chung, mỗi nguyên thủ quốc gia đều được tiếp kiến Nữ hoàng với tư cách là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung. Ngoại lệ duy nhất là vào hội nghị năm 1971 tại Singapore, khi đó vì một số lý do, chính phủ Heath đã quyết định rằng Nữ hoàng sẽ không tham dự. Tôi đã thăm Nữ hoàng lần đầu tiên vào tháng 9/1966. Bà ấy thật xuất sắc trong việc làm cho khách cảm thấy thoải mái mà lại không tỏ vẻ là làm như vậy, một kỹ năng xã hội đã được hoàn thiện bằng rèn luyện và kinh nghiệm. Bà hòa nhã, thân mật và thành thật quan tâm đến Singapore vì cậu của bà, huân tước Louis Mountbatten, đã từng kể cho bà nghe về khoảng thời gian ông ở Singapore với tư cách là Tổng tư lệnh quân đồng minh thuộc Bộ tư lệnh Đông Nam Á.

Khi tôi gặp bà ở London vào tháng 1/1969, bà nói rằng bà lấy làm tiếc về việc người Anh đã quyết định rút quân khỏi Singapore. Trông bà có vẻ buồn khi xem một chương quan trọng của lịch sử nước Anh đi đến hồi kết thúc. Bà đến thăm Singapore vào năm 1972 để bù đắp lại chuyến viếng thăm mà bà đã không thực hiện vào năm 1971. Tôi thu xếp để bà xem tất cả những địa điểm mà huân tước Mountbatten kể với bà; gồm Tòa thị chính, nơi ông tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, Isata, nơi ông đã sống, và nghĩa trang chiến tranh của Khối Thịnh vượng chung Kranji. Những đám đông lớn tụ tập hai bên đường để chờ xem Nữ hoàng đi qua. Họ lao đến vây quanh Nữ hoàng bất kỳ khi nào bà bước xuống xe. Viên thư ký trợ lý riêng của Nữ hoàng, Philip Moore, từng là phó cao ủy Vương quốc Anh tại Singapore vào những năm 60, yêu cầu tôi không nên ra lệnh cho các nhân viên an ninh giữ đám đông lại vì họ rất thân thiện. Nữ hoàng hoàn toàn thoải mái, vui sướng và thư giãn.

Để kỷ niệm chuyến viếng thăm của bà, Nữ hoàng đã tặng tôi Bội tinh Hiệp sĩ cao quý của thánh Michael và thánh Geogre (GCMG). Trước đó, Harold Wilson với tư cách là Thủ tướng đã đề cử tôi vào Hội viên danh dự (Companion of Honour – CH) trong danh sách những người được nhận huân chương danh dự của năm mới 1970. Thật bất thường khi một huân chương cao quý như thế lại được trao cho một người đàn ông trẻ 47 tuổi. Trước lúc 50 tuổi, tôi đã nhận được hai huân chương cao quý của Anh do những người đã lãnh đạo đế quốc Anh xưa kia trao tặng. Những năm dài hợp tác đã nuôi dưỡng những giá trị xác định. Tôi đã nhận được những huân chương từ Tổng thống Nasser của Ai Cập, vua Hirohito của Nhật Bản, Tổng thống Suharto của Indonesia, Tổng thống Park Chung Hee của Hàn Quốc và Hoàng thân Sihanouk của Campuchia trong số nhiều cái khác. Chúng không mang lại ý nghĩa cảm xúc giống nhau. Tôi nghĩ thật không thích hợp để sử dụng tước hiệu “Sir” đi với GCMC, nhưng thật hạnh phúc khi nhận được hai chiến lợi phẩm đáng thèm muốn của người Anh ngay cả khi người ta không còn mở cửa với người Anh như họ đã từng thực hiện trong thời đại đế quốc.

Chọn tập
Bình luận
× sticky