Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 38: Thiên An Môn

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Tháng 5/1989, cả thế giới đã chứng kiến một tấn kịch kỳ lạ diễn ra ở Bắc Kinh. Nó được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh vì giới truyền thông phương Tây đang có mặt rất đông ở đó cùng máy quay sẵn sàng ghi lại cuộc gặp thượng đỉnh Đặng – Gorbachev. Đông đảo sinh viên trong trang phục gọn gàng tập trung tại quảng trường Thiên An Môn trước Đại sảnh đường Nhân dân. Họ mang theo biểu ngữ, áp phích để phản đối nạn tham nhũng, ưu đãi thân tộc và lạm phát. Cảnh sát rất ôn hòa. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương đã lên tiếng khích lệ rằng giới sinh viên muốn Đảng và chính phủ cải cách, và có mục đích tốt. Khi đám đông tăng lên, thì các biểu ngữ và khẩu hiệu càng trở nên mang tính chỉ trích, chống chính phủ gay gắt hơn. Họ bắt đầu tố cáo chính phủ và đích danh Thủ tướng Lý Bằng. Khi chưa có điều gì xảy ra, họ nhắm vào Đặng Tiểu Bình, chế giễu ông ta bằng những vần thơ châm biếm. Khi tôi xem sự kiện này trên truyền hình, tôi cảm thấy rằng cuộc biểu tình này sẽ kết thúc trong nước mắt. Không một vị hoàng đế Trung Quốc nào bị đả kích và chế giễu lại có thể tiếp tục trị vì.

Thiên An Môn là một sự kiện lạ trong lịch sử Trung Hoa. Lý Bằng đang đọc to bản tuyên bố về tình trạng thiết quân luật trên truyền hình. Tôi theo dõi đoạn trích của truyền hình Bắc Kinh được chuyển tiếp bằng vệ tinh qua Hong Kong tới Singapore. Một cảnh tượng sôi nổi xảy ra trước khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật là cảnh các đại diện giới sinh viên đang tranh luận gay gắt với Thủ tướng Lý Bằng trước Đại sảnh đường Nhân dân. Họ mặc quần jeans và áo thun ngắn tay. Lý Bằng trong bộ đồ Mao chỉnh tề. Đám sinh viên đã chỉ trích Lý Bằng kịch liệt trong cuộc chạm trán được truyền trực tiếp trên truyền hình đó. Tấn kịch đạt đến đỉnh điểm khi quân lính cố tiến vào quảng trường và bị đẩy lui. Cuối cùng, vào đêm 3/6, xe

tăng và ô tô chở lính có vũ trang ùn ùn kéo đến trong lúc cả thế giới đang theo dõi truyền hình. Một vài nhà nghiên cứu qua phân tích chứng liệu đã tin rằng thật sự không có cuộc đọ súng nào xảy ra tại

quảng trường Thiên An Môn, mà những cuộc đọ súng chỉ xảy ra khi quân lính hộ tống xe tăng và ô tô chở lính mở đường tiến vào qua các con phố dẫn đến quảng trường. Thật không thể tin được. Quân giải phóng nhân dân đã quay súng chống lại người dân của họ. Tôi cảm thấy buộc phải đưa ra lời phát biểu vào ngày hôm sau, 5/6:

Tôi và các đồng sự trong nội các của tôi bị sốc, kinh hoàng và đau buồn bởi diễn biến đầy thảm khốc của các sự kiện này. Chúng tôi mong đợi chính phủ Trung Quốc áp dụng học thuyết lực lượng tối thiểu khi sử dụng quân đội để dập tắt cuộc bạo loạn của dân chúng. Ngược lại, họ đã dùng hỏa lực và bạo lực gây chết chóc và thương vong. Chúng hoàn toàn không cân xứng với sự chống cự của những thường dân tay không.

Ở Trung Quốc, tầng lớp dân cư nào cũng đông, kể cả lớp người có học, do đó khi họ bất bình với chính phủ thì có nghĩa là rối ren, khi nhân dân phẫn uất với chính phủ thì có nghĩa là mọi cải cách đều đình trệ và kinh tế trì trệ. Trung Quốc với tầm cỡ ấy có thể gây khó khăn cho chính nó và các nước láng giềng của nó ở châu Á.

Chúng tôi hy vọng những lời khuyên sáng suốt hơn sẽ thắng thế để hướng tới hòa giải ngõ hầu nhân dân Trung Quốc có thể tiếp tục sự tiến bộ mà chính sách mở cửa đã mang lại cho họ.

Tôi không lên án họ. Tôi không xem họ là một chế độ cộng sản hà khắc như Liên bang Xô Viết. Trong hai tháng ấy, những cuộc biểu tình của quần chúng kia đã tạo ra tình hình nhất định.

Những phản ứng của các cộng đồng người Hoa ở Hong Kong, Đài Loan và Singapore khác nhau đáng kể. Dân Hong Kong thì đau buồn và khiếp sợ. Họ đã theo dõi tấn thảm kịch được chiếu trên truyền hình hầu như 24 giờ mỗi ngày. Họ coi mình cũng như sinh viên. Một số thanh niên Hong Kong thậm chí còn cắm trại với sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn. Đó là thời điểm Trung Quốc khuyến khích các nhà báo và du khách người Hong Kong và Đài Loan đến với Trung Quốc. Khi cuộc bắn giết xảy ra, người Hong Kong rất lo sợ trước viễn cảnh họ sẽ chịu sự kiểm soát của một chính phủ hà khắc như vậy. Đã có những bộc lộ tự phát sự đau khổ và thịnh nộ. Chẳng bao lâu sau những cảnh tượng diễn ra trên truyền hình, cả triệu người đã đổ ra đường. Nhiều ngày qua, họ vẫn tiếp tục những cuộc

biểu tình bên ngoài cơ quan Tân Hoa Xã – đại diện không chính thức

của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Hong Kong. Họ giúp đỡ những người chống đối thoát khỏi đại lục qua Hong Kong để đến phương Tây.

Ở Đài Loan, người ta đau buồn và đồng cảm với các sinh viên nhưng không hề sợ hãi. Không có những cuộc biểu tình phản đối hay đau khổ của quần chúng. Họ đâu có sắp bị Trung Quốc cai trị.

Dân Singapore thì bị sốc. Ít ai tin rằng cần thiết phải dùng đến hỏa lực như thế, nhưng không có ai biểu tình. Người dân biết rằng Trung Quốc là một thể chế khác, một đất nước của cộng sản. Một đoàn đại biểu sinh viên ở các trường đại học đã trao thư phản đối cho tòa đại sứ Trung Quốc.

Đây là một dịp hữu ích vì nó nêu bật sự khác biệt về quan điểm, sự nhận thức và những mối quan hệ về mặt tình cảm của ba nhóm sắc tộc người Hoa, thể hiện những cấp độ về chính trị khác nhau với Trung Quốc cộng sản.

Nếu Đặng không dự phần vào việc ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân quét sạch Thiên An Môn, hẳn Đặng đã được ca ngợi

ở phương Tây khi ông qua đời vào tháng 2/1997. Ngược lại, mỗi bài cáo phó lại bị pha thêm lời chỉ trích gay gắt về vụ đàn áp dã man diễn ra hồi ngày 4/6 và mỗi bản tin truyền hình đều kèm theo hình những cảnh đã diễn ra ở Thiên An Môn. Tôi không biết các sử gia Trung Quốc sẽ đánh giá vai trò của ông ấy ra sao. Với tôi, Đặng là một nhà lãnh đạo vĩ đại, ông ta đã thay đổi vận mệnh của Trung Quốc và của thế giới.

Ông ta là người có đầu óc thực tế và thực dụng, chứ không theo ý thức hệ. Đã hai lần ông bị Mao thanh trừng, nhưng ông đã trở lại nắm quyền để cứu Trung Quốc. 12 năm trước khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, ông đã biết rằng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung là không hiệu quả. Ông mở cửa Trung Quốc, chào đón tự do kinh doanh và tự do thị trường, khởi đầu bằng những đặc khu kinh tế dọc bờ biển. Đặng là nhà lãnh đạo duy nhất ở Trung Quốc có vị thế và sức mạnh chính trị để đảo ngược chính sách của Mao. Cũng như Mao, Đặng đấu tranh để hủy bỏ một Trung Quốc xưa cũ. Nhưng ông đã làm những gì mà Mao không làm. Ông xây dựng nên một Trung Quốc mới, sử dụng tự do kinh doanh và tự do thị trường “mang đặc điểm Trung Quốc”.

Là một cựu binh chiến tranh và cách mạng, ông xem những sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn là mối hiểm họa đe dọa đẩy Trung Quốc trở lại tình trạng hỗn độn và bạo loạn, đình đốn thêm 100 năm nữa. Ông đã trải qua một cuộc cách mạng và nhận ra ở Thiên An Môn dấu hiệu ban đầu của một cuộc cách mạng. Không như Đặng, Gorbachev chỉ biết về cách mạng qua sách vở và đã không nhận ra dấu hiệu nguy hiểm của một sự sụp đổ sắp xảy ra của Liên bang Xô Viết.

20 năm sau chính sách mở cửa của Đặng, Trung Quốc đã cho thấy được mọi hứa hẹn trở thành nền kinh tế rất năng động và lớn nhất châu Á. Nếu tránh được sự hỗn loạn và xung đột, cả ở trong nước lẫn quốc tế thì Trung Quốc sẽ trở thành nước có nền kinh tế khổng lồ vào năm 2030. Khi mất đi, Đặng đã để lại cho nhân dân Trung Quốc một di sản khổng lồ đầy hứa hẹn. Nếu như không có ông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chắc hẳn đã sụp đổ như Liên bang Xô Viết sụp đổ. Nếu Trung Quốc tan rã, giới truyền thông phương Tây hẳn sẽ cảm tình với nhân dân Trung Quốc như họ đã làm với người Nga. Ngược lại, phương Tây phải cân nhắc viễn cảnh về một Trung Hoa hùng mạnh trong 30 đến 50 năm nữa.

Ba tháng sau vụ Thiên An Môn, vào ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Hồ Bình, người từng tháp tùng tôi trong chuyến tham quan các tỉnh thành vào năm 1988, đã ghé thăm tôi. Thủ tướng Lý Bằng muốn ông ta trình bày ngắn gọn cho tôi biết về biến cố “6–4” (Sự kiện Lục Tứ, dạng nói tắt trong tiếng Hoa; ở Trung Quốc người ta đề cập đến những biến cố lớn bằng tháng và ngày xảy ra biến cố đó). Tình hình bây giờ đã ổn định, song tác động của nó đối với Trung Quốc rất lớn. Trong suốt thời gian từ 40 tới 50 ngày xảy ra cuộc hỗn loạn, Trung Quốc đã không kiểm soát được tình hình. Giới sinh viên đã dùng các vấn đề tham nhũng và lạm phát để tập hợp quần chúng cho mục đích của họ. Cảnh sát thiếu kinh nghiệm đã không xử lý được những cuộc biểu tình như thế vì họ không có vòi rồng phun nước và các thiết bị dẹp loạn khác.

Hồ Bình nói rằng đến đầu tháng 6, các sinh viên đã tự quân sự hóa bằng cách đánh cắp vũ khí và các thiết bị từ Quân đội Giải phóng Nhân dân (Tôi đã không đọc được tin tức này). Vào ngày 20/5, quân lính cố tiến vào quảng trường Thiên An Môn nhưng đã bị cản lại. Họ rút lui và “chấn chỉnh lại”. Ngày 3/6, quân lính bắt đầu

cuộc tấn công khác. Một số người được trang bị vũ khí, nhưng nhiều người thì lại không. Tất cả đều nhận được lệnh không nổ súng. Thực ra, những bao đạn của nhiều binh lính chỉ đựng bánh quy. Họ không có đạn cao su. Ngày hôm sau sự kiện ấy, chính ông ta đã đi kiểm tra đường Trường An (con đường của hòa bình vĩnh cửu), đoạn từ nhà bảo tàng quân sự đến nhà khách Diaoyutai, và nhìn thấy xác 15 chiếc xe tăng và thiết giáp đang bốc khói. Binh lính đã hành động rất kiềm chế, họ bỏ lại xe cộ và nã đạn vào không trung. Cơ quan bộ của ông ta ở gần quảng trường và ông đã nhìn thấy đoàn biểu tình hàng triệu người. Thực tế là có đến 10% nhân viên trong bộ của ông ta và các bộ khác đã tham gia biểu tình. Họ cũng chống tham nhũng và đồng tình với giới sinh viên. Hồ Bình quả quyết rằng thương vong xảy ra khi quân lính cố gắng tiến vào quảng trường Thiên An Môn, chứ không xảy ra trong quảng trường như báo chí nước ngoài đã đưa tin.

Sau đó, doanh nhân nước ngoài và nhân viên người Hoa của họ đã trở lại làm việc. Ông ta tin rằng những người bạn nước ngoài của họ từ từ sẽ hiểu ra. Một số thanh niên Trung Quốc có những mối liên kết với một cơ quan tình báo của một nước phương Tây và đã truyền bá thông tin cũng như quan điểm phương Tây thông qua các thiết bị tối tân. (Tôi nghĩ ông ta muốn nói máy fax). Mặc dù các nước phương Tây hiện đang áp đặt những biện pháp trừng phạt, nhưng Trung Quốc không bao giờ cho phép nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Tuy nhiên hầu hết các quốc gia này, kể cả các ngân hàng quốc tế đã không tiến hành thêm những biện pháp trừng phạt. Các cuộc tiếp xúc đã được khôi phục. Ông ta hy vọng mối quan hệ song phương Singapore – Trung Quốc sẽ được duy trì tốt bởi vì cả hai bên đều có nền tảng vững chắc.

“Lục – Tứ” là một cú sốc với tôi và nhân dân Singapore, tôi đáp. Chúng tôi không mong nhìn thấy việc sử dụng vũ lực và hỏa lực khủng khiếp như thế. Chúng tôi đã quen nhìn thấy trên truyền hình, hầu như hằng đêm, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát, công nhân và sinh viên Hàn Quốc với nhau, những cảnh sát Nam Phi da trắng đánh đập người da đen, và lính Israel dùng hơi cay, đạn cao su và vũ khí khác đánh lại dân Palestin, thi thoảng một hoặc hai người thiệt mạng; nhưng xe tăng và thiết giáp thì chưa bao giờ được dùng đến. Người Singapore không thể tin được những gì họ nhìn thấy – một chính phủ Trung Quốc hồi tháng 5 còn rất tỉnh táo, kiên trì và

khoan dung bỗng trở nên tàn bạo, dùng xe tăng tấn công thường dân. Người Singapore, đặc biệt là người Hoa không thể hiểu được vấn đề này và cảm thấy vô cùng xấu hổ cho những hành động phản văn minh như vậy. Điều đó đã gây ra những vết thương nặng về mặt tinh thần.

Trung Quốc phải giải thích cho Singapore và thế giới biết tại sao cần phải dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách đó mà không phải bằng cách khác. Chỉ qua một đêm mà đã chuyển từ “mềm” sang “cứng” thì không thể nào giải thích được, vấn đề thực sự của Trung Quốc không phải là với các quốc gia ở Đông Nam Á – những nước không có của cải cũng không có công nghệ để giúp Trung Quốc hiện đại hóa. Vấn đề của Trung Quốc là với Mỹ, Nhật và châu Âu. Đặc biệt là Mỹ, thông qua Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã đáp lại Trung Quốc theo chiều hướng tốt. Trung Quốc phải xóa đi ấn tượng xấu mà họ đã tạo ra trước đây. Tôi gợi ý họ nên nhờ một cơ quan ngoại vụ nào đó của Mỹ giúp họ thực hiện nhiệm vụ này. Người Mỹ là những người nhạy cảm. Vô tuyến truyền hình có ảnh hưởng rất lớn đến họ. Các thượng nghị sĩ và thành viên của Quốc hội kiểm soát tổng thống và tiền bạc; Trung Quốc phải thật quan tâm tới họ. May mắn cho Trung Quốc, Tổng thống Bush đã từng sống ở Trung Quốc nhiều năm và hiểu Trung Quốc hơn phần lớn những người Mỹ khác. Ông ta đã và đang nỗ lực trấn an Quốc hội.

Tôi cảnh báo rằng nếu Trung Quốc chấm dứt việc gởi sinh viên ra nước ngoài do có thêm những khó khăn mà sinh viên đã gây ra qua việc truyền những ý tưởng của họ cho bạn bè ở Bắc Kinh, thì Trung Quốc sẽ tự tách mình ra khỏi thế giới của kiến thức và công nghệ. Khi đó sự tổn thất là không thể tính được.

Hồ Bình đảm bảo với tôi rằng chính sách của họ về vấn đề sinh viên và về việc mở cửa sẽ không thay đổi. Nhiều doanh nhân Đài Loan đang đến đầu tư. Chính sách của họ đối với Hong Kong và Đài Loan cũng không thay đổi. Tuy nhiên tình hình ở Hong Kong lại phức tạp hơn, ông ta nói. Các khẩu hiệu mà người ta tạo ra ở Hong Kong đã thay đổi từ “Người Hong Kong cai trị Hong Kong” sang “Người Hong Kong cứu lấy Hong Kong”. Ông ta đã không đề cập đến nỗi lo sợ tuôn trào và sự đồng cảm lớn của cả triệu người dân Hong Kong tuần hành trên đường phố phản đối sự kiện Lục – Tứ.

Một kỷ niệm buồn mà tôi còn nhớ về quảng trường Thiên An Môn đầy người hôm đó là hình ảnh của Triệu Tử Dương chen giữa đám

người biểu tình quấn khẩu hiệu trên đầu, với chiếc loa phóng thanh, nói gần như khóc, năn nỉ đám sinh viên hãy giải tán vì ông ta không thể bảo vệ họ được nữa. Hôm đó là ngày 19/5. Đã quá trễ. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định tuyên bố thiết quân luật và sử dụng vũ lực nếu cần thiết để giải tán đoàn biểu tình. Trong tình thế đó, sinh viên hoặc là phải tự giải tán hoặc bị dẹp tan bằng vũ lực. Triệu Tử Dương đã không có được sự cứng rắn cần thiết của người lãnh đạo một nước Trung Quốc đang bên bờ vực của sự hỗn loạn. Người ta đã để cho những người phản đối có trật tự trở thành những kẻ phiến loạn ngoan cố. Nếu xử trí không cương quyết, họ có thể đã gây ra tình trạng hỗn loạn tương tự trên khắp đất nước rộng lớn ấy. Thiên An Môn không phải là quảng trường Trafalgar ở London.

Trung Hoa cộng sản đã áp dụng chính sách “Kẻ vô danh tiểu tốt” của Liên Xô. Cho dù một người lãnh đạo có quyền lực đến đâu, một khi ông ta không tại vị nữa, ông ta sẽ trở thành kẻ vô danh tiểu tốt và sẽ không bao giờ được nhắc đến trước công chúng. Mặc dù tôi rất muốn gặp Triệu Tử Dương trong các chuyến thăm Trung Quốc sau đó, nhưng tôi không thể đưa ra vấn đề này. Vài năm sau sự kiện Thiên An Môn, tôi gặp một trong những người con trai của ông và anh ta đã cho tôi biết sơ về Triệu Tử Dương và gia đình ông ta đã sống ra sao sau khi ông ta bị cách chức. Triệu Tử Dương phải rời khỏi Trung Nam Hải, khu nhà ở của toàn bộ lãnh đạo đảng, và đến ở trong căn nhà mà Hồ Diệu Bang (nguyên Tổng bí thư đảng) ở khi còn là trưởng ban tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong vài năm đầu, Triệu Tử Dương có một lính gác ngay lối vào nhà và mọi hoạt động của ông đều bị theo dõi. Sau này, việc giám sát có lơi lỏng, ông có thể chơi gôn tại sân gôn của người Trung Quốc ở ngoại

ô Bắc Kinh, chứ không được chơi tại sân gôn liên doanh với nước ngoài. Ông có thể đi thăm các tỉnh trên đất liền nhưng không được đến các tỉnh ven biển, để giảm tối thiểu sự tiếp xúc với người nước ngoài và sự xuất hiện trước công chúng. Các con của Triệu Tử Dương đều sống ở nước ngoài, ngoại trừ cô con gái đang làm việc tại một khách sạn ở Bắc Kinh. Điều kiện sinh hoạt của ông rất tiện nghi. Gia đình ông được quyền thăm ông. So với mức độ đối xử của Liên Xô đối với “những kẻ vô danh tiểu tốt”, thì ông ta được đối xử

không tệ. Ông được đối xử tốt hơn cách mà Brezhnev từng đối xử với Krushchev, hoặc Yeltsin đối xử với Gorbachev.

Người bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích công khai về việc tuyên bố thiết quân luật và dùng vũ lực giải tán đám đông ở Thiên An Môn là Thủ tướng Lý Bằng. Thực tế, người ra quyết định là Đặng và có sự ủng hộ của các cựu chiến binh của cuộc Vạn lý Trường chinh. Lần đầu tiên tôi gặp Lý Bằng ở Bắc Kinh vào tháng 9/1988. Ông ta nhậm chức Thủ tướng từ Triệu Tử Dương, người đã trở thành Tổng bí thư. Lý không thoải mái như Triệu. Là một kỹ sư được đào tạo ở Nga nay đã ở tuổi 65, ông vẫn có một trí nhớ tốt, và luôn cẩn thận và ngắn gọn trong lời nói. Ông ta không phải loại người dễ tính, xuề xòa có thể vỗ vai được và dễ tự ái mặc dù chẳng có gì đáng giận. Tôi phải điều chỉnh để thích hợp với tính khí của ông ta và chúng tôi trở nên hợp nhau. Sau khi tôi hiểu ông nhiều hơn, tôi thấy ông là người biết điều cho dù có chút bảo thủ. Ông là con trai của một cán bộ cộng sản và được thủ tướng Chu Ân Lai nhận làm con nuôi. Giọng nói của ông không hề mang chất quê vì ông sống ở nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt các cơ quan đầu não, cùng với gia đình Chu Ân Lai ở Diên An, và sau này là

ở Bắc Kinh. Phu nhân của ông thì cởi mở hơn, một người dễ bắt chuyện với tính cách rất lôi cuốn. Không giống như hầu hết các phu

nhân của các vị lãnh đạo Trung Quốc vốn thường khép nép phía sau, bà Lý Bằng thường hay đứng làm chủ tiệc hay chủ trì các cuộc gặp gỡ. Bà nói tiếng Anh với mục đích giao lưu. Choo thấy rất dễ dàng nói chuyện bằng tiếng Anh với bà mà không cần phiên dịch.

Tại các buổi thảo luận chính thức của chúng tôi, Lý Bằng hay hỏi thăm về việc phát triển kinh doanh của Singapore ở Trung Quốc. Tôi nói các nhà đầu tư Singapore gặp nhiều khó khăn. Có quá nhiều người thua lỗ và trở nên nhụt chí. Người ta đồn rằng ở Trung Quốc lắm chuyện rối rắm, vì vậy việc đầu tư chậm lại. Họ không thể hiểu tại sao các quản đốc và cán bộ giám sát người Trung Quốc không thực thi kỷ cương đối với các công nhân Trung Quốc. Các khách sạn do Singapore và Hong Kong sở hữu cần tuyển người Hoa của họ làm giám sát viên để thực thi kỷ luật đối với nhân viên. Ngay cả như thế mà vẫn còn xảy ra rắc rối. Chẳng hạn như những công nhân bị sa thải do mang vật liệu của khách sạn ra ngoài phải được nhận làm việc lại bởi vì các công nhân khác gây rắc rối. Quan hệ lao động phải

thay đổi nếu Trung Quốc muốn đi lên. Họ nên cho phép các nhà đầu tư quản lý các doanh nghiệp của riêng mình, bao gồm cả việc thuê mướn và sa thải công nhân.

Ông ta trả lời rằng việc những nhà đầu tư nước ngoài làm ra tiền thì được hoan nghênh, nhưng chính sách của Trung Quốc là đảm bảo rằng họ không được kiếm quá nhiều tiền (Tôi hiểu điều này có nghĩa là cho dù đã được thỏa thuận, nếu theo quan niệm của họ lợi nhuận quá cao thì họ sẽ tìm cách làm cho việc phân chia lợi nhuận công bằng hơn). Các chính sách thuế của Trung Quốc đối với các đặc khu kinh tế tốt hơn so với chính sách của Hong Kong. Song ông ta thừa nhận rằng các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với sự kém hiệu quả cũng như lề thói quan liêu nặng nề của chính phủ. Trung Quốc rất khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp quốc doanh thừa nhân viên và làm ăn thua lỗ. Họ còn phải chăm lo cho các công nhân đã nghỉ hưu. Với thị trường tự do thì hệ thống lương bổng của Trung Quốc trở nên phi lý. Một giáo sư thâm niên ở một trường đại học nổi tiếng nhận khoản lương khoảng 400 nhân dân tệ. Con gái giáo sư, là nhân viên phục vụ ở một công ty nước ngoài cũng nhận một khoản lương tương tự. Không ai có thể nói rằng sự đóng góp của người con gái ngang bằng với người cha. Toàn bộ hệ thống lương bổng sẽ phải được thay đổi, nhưng ông không thể nâng mức lương của vị giáo sư đó lên được vì nguồn kinh phí của chính phủ không đủ. Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu kể từ

khi nó khởi xướng chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài, ông nói, tuy nhiên, lạm phát đã quá cao và cần phải được kiểm soát bằng cách giảm tỷ lệ đầu tư trong xây dựng. Trung Quốc sẽ không đảo ngược các cuộc cải cách. Ông ta tin rằng họ sẽ vượt qua được những khó khăn.

Khi được yêu cầu đánh giá về tình hình an ninh ở Đông Á, tôi vẽ ra một bức tranh lạc quan về sự phát triển và ổn định, với điều kiện là không có những xáo trộn an ninh. Liên bang Xô Viết đã bị Mỹ và Trung Quốc kiềm chế. Chính sách của Mỹ là hợp tác với Nhật vì nước này có sức mạnh kinh tế nhằm bổ sung thế lực cho nước Mỹ và bảo vệ an ninh cho Nhật. Chừng nào sự thu xếp này còn thắng thế, thì lúc ấy Nhật không cần thiết phải tái vũ trang. Nhật không có năng lực hạt nhân nhưng rất có thể Nhật sẽ làm một mình nếu người Mỹ tỏ ra không đáng tin cậy được nữa. Trong trường hợp đó, mối đe dọa

đối với tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ gia tăng. Hầu hết các nhà lãnh đạo Nhật Bản thuộc thế hệ già hơn muốn tiếp tục sự cộng tác này với Mỹ, một sự cộng tác đã mang lại cho họ thịnh vượng và cuộc sống tốt đẹp. Có một nguy cơ là thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ sau này không hề nếm trải cuộc chiến vừa qua có thể suy nghĩ khác, đặc biệt là nếu họ làm sống lại huyền thoại họ là hậu duệ của Nữ thần Mặt trời.

Lý Bằng nghĩ tôi đánh giá thấp sự nguy hiểm của Nhật Bản. Trung Quốc phải cảnh giác trước sự hồi sinh của giới quân sự Nhật. Mặc dù giới hạn cao nhất mà Nhật tự đặt cho mình là 1% tổng thu nhập quốc dân, chi phí quân sự của Nhật vẫn nhiều hơn Trung Quốc khoảng 26 – 27 tỷ đôla Mỹ. Một số nhà lãnh đạo Nhật Bản muốn đảo ngược sự phán quyết của lịch sử rằng Nhật đã từng phạm tội xâm lược Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Ông ta đưa ra hai ví dụ: cách người Nhật viết sách giáo khoa và việc các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật thăm đền Yasukuni (Đền Yasukuni thờ những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh). Sự thành công về mặt kinh tế của Nhật đã tạo điều kiện biến nó trở thành một

cường quốc về chính trị và quân sự. Ít ra thì một số nhà lãnh đạo Nhật cũng đang suy nghĩ theo chiều hướng này. Mối lo ngại của ông về khả năng hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật là thực tế. Cùng lúc, Trung Quốc trước sau như một, vẫn canh chừng mối hiểm họa từ Liên bang Xô Viết.

Hai năm sau, ngày 11/8/1990, Thủ tướng Lý Bằng đến thăm Singapore. Ông ta vừa mới tái lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Indonesia ở Jakarta. Chúng tôi gặp nhau chỉ với sự hiện diện của các thư ký và một phiên dịch. Trong nhiều dịp trước đây tôi đã nói rằng Singapore sẽ là nước cuối cùng trong khối Asean thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Lúc này, khi Indonesia đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao, tôi muốn giải quyết sự việc này trước khi tôi rời ghế Thủ tướng vào tháng 11 năm đó. Lý Bằng ghi nhận rằng trong nhiều năm tôi làm Thủ tướng, quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc đã phát triển tốt. Ông ta cũng muốn thu xếp ổn thỏa vấn đề này trước khi tôi từ nhiệm. Vì thế, ông mời tôi đến thăm Trung Quốc vào giữa tháng 10.

Khi đó, tôi đề cập đến các vấn đề đã cản trở những cuộc thảo luận ở cấp độ chính thức về thỏa thuận trao đổi đại sứ quán – vấn đề quân đội của chúng tôi đang tập luyện ở Đài Loan. Tôi không xem xét một thời hạn cuối cùng cho việc tập luyện của chúng tôi ở Đài Loan. Singapore chịu ơn Đài Loan rất nhiều, đặc biệt là cố Tổng thống Tưởng Kinh Quốc, người đã tạo điều kiện cho chúng tôi thoát khỏi khoảng không gian hạn chế của đất nước mình để tập luyện quân sự. Chúng tôi không thể quên món nợ của mình. Chúng tôi chỉ thanh toán các khoản chúng tôi tiêu thụ hoặc sử dụng và không phải trả thêm một đồng xu nào. Đó là một mối quan hệ đặc biệt. Chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau bởi vì cả hai chúng tôi đều là không cộng sản và cùng có chung một ngôn ngữ, một nền văn hóa và cùng chung tổ tiên. Lý bày tỏ sự thông cảm cho vị thế của chúng tôi, là Singapore giàu có nhưng không lớn. Cuối cùng ông ta nói Trung Quốc sẽ không khăng khăng đòi hạn định thời gian cụ thể cho việc kết thúc huấn luyện của Singapore ở Đài Loan.

Sau buổi gặp gỡ đó, một vấn đề nan giải – mà nhiều cuộc đàm phán về nó đã đình hoãn trong nhiều tháng – đang trên đường đi đến giải pháp. Không giống như năm 1976, tôi không còn lo ngại rằng một đại sứ quán Trung Quốc ở Singapore có thể đặt ra những vấn đề cho nền an ninh của chúng tôi. Tình hình trong nước đã thay đổi. Chúng tôi đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản trong việc dạy học bằng tiếng Hoa. Tất cả trường học của chúng tôi đã chuyển thành một hệ thống quốc gia lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy. Đại học Nanyang không còn dạy bằng tiếng Hoa và những người tốt nghiệp trường này dễ dàng tìm được việc làm. Chúng tôi đã chấm dứt việc nuôi dưỡng những thế hệ sinh viên tốt nghiệp không có cơ hội thuận lợi.

Sau cuộc thảo luận của chúng tôi, tại một cuộc họp có đầy đủ các thành viên của đoàn, Lý Bằng nhắc đến sự kiện Thiên An Môn là “sự gây rối ở Trung Quốc vào mùa hè qua”. Một số nước đã áp đặt sự trừng phạt và đã gây cho Trung Quốc ít nhiều khó khăn nhưng cũng làm tổn thương chính họ. Người Nhật đã nới lỏng sự trừng phạt của mình sau cuộc họp G–7. Không giống như giới truyền thông phương Tây, Singapore không coi Thiên An Môn là điều tồi tệ nhất trên đời, song điều đáng tiếc là Trung Quốc đã mất trắng trong mối quan hệ với quần chúng. Lý Bằng nói: “Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn không kiểm soát được tình hình”. Là thủ tướng mà ông ta thậm chí

“không thể bước ra đường. Tình trạng hỗn loạn này kéo dài đến 48 ngày”.

Lý Bằng không phải là người thích bông đùa. Thế mà hôm đó, mọi người phải ngạc nhiên khi nghe ông ta nói ông ta muốn “nói đùa một câu” về việc huấn luyện binh lính của chúng tôi ở Đài Loan: Họ có thể được tập dượt ở Trung Quốc với những điều kiện tốt hơn ở Đài Loan. Mọi người quanh bàn cười ồ lên. Ngày đó mà đến, tôi nói, thì hòa bình sẽ nổ bùng ở châu Á.45

Hai tháng sau, tôi đến thăm Bắc Kinh lần cuối cùng trong cương vị Thủ tướng để quyết định chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 3/10. Sau khi công việc hoàn tất, chúng tôi thảo luận về sự chiếm đóng của Irak đối với Kowait. Lý Bằng nói Irak không thể bị đánh bại dễ dàng bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng. (Khi chiến dịch Bão táp sa mạc với vũ khí tinh vi xuyên thủng các phòng tuyến của Irak chỉ trong mấy ngày, chắc hẳn nó đã làm cho các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự ở Trung Quốc ngạc nhiên).

Tháng 10/1990, tôi gặp Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông ta đón tiếp tôi niềm nở, trích dẫn cả lời Khổng Tử rằng: “Đón tiếp bạn từ phương xa là niềm vui.” Ông ta đã nhớ tôi khi ông sang thăm Singapore vào đầu những năm 80 và khi tôi thăm Thượng Hải năm 1988, khi đó ông là thị trưởng. Ông ta đã hai lần sang thăm Singapore, lần thứ nhất trong hai tuần để nghiên cứu bằng cách nào Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) của Singapore đã thu hút được đầu tư vào Singapore và chúng tôi đã phát triển các khu công nghiệp như thế nào. Khi đó ông ta được giao nhiệm vụ hình thành những đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và Phúc Kiến. Chuyến thăm thứ hai chỉ là quá cảnh. Lúc ra về, ông ta mang theo mình một ấn tượng sâu sắc về các quy hoạch đô thị, trật tự, điều kiện giao thông, sự sạch sẽ và chất lượng dịch vụ của Singapore. Ông ta nhớ lại khẩu hiệu của chúng tôi: “Lịch sự là nếp sống của chúng tôi.” Ông rất vui khi ông có thể nói chuyện với người dân trên đường phố bằng tiếng Quan thoại. Điều này làm ông dễ đi đây đó trò chuyện với nhiều người. Giang Trạch Dân nói rằng sau biến cố “Lục – Tứ”, phương Tây nói rằng thông qua vô tuyến truyền hình họ có thể can thiệp vào công việc của Trung Quốc. Phương Tây hành động theo hệ thống giá trị của họ. Ông ta có thể chấp nhận rằng có những quan điểm khác nhau nhưng không phải chỉ có một quan điểm là đúng. Không có gì

là tuyệt đối trong những khái niệm về dân chủ, tự do và nhân quyền. Chúng không thể tồn tại trong sự trừu tượng, mà liên quan với nền văn hóa và mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Không có những thứ như tự do báo chí. Các tờ báo phương Tây thuộc về và chịu sự quản lý của các tập đoàn tài chính khác nhau. Ông ta đề cập đến quyết định của Singapore năm 1988 giới hạn lượng bán ra của tờ báo Asian Wall Street Journal và nói lẽ ra Trung Quốc nên làm như vậy trong suốt cuộc viếng thăm của Gorbachev. Nhiều bài tường thuật của giới truyền thông phương Tây về biến cố “Lục – Tứ” là không chính xác.

Chính sách mở cửa ra thế giới và trung thành với chủ nghĩa xã hội của Đặng vẫn không có gì thay đổi. Vì tôi bày tỏ mối lo ngại về khả năng chính sách mở cửa này không được lâu dài, Giang cam đoan với tôi rằng nó sẽ “tăng tốc”. Họ đã quyết định thoát khỏi hệ thống kế hoạch hóa kiểu Xô Viết. Ông ta đã học ở Liên Xô hai năm và đã 10 dịp đến thăm đất nước này, vì thế ông biết những khiếm khuyết trong hệ thống của họ. Trung Quốc muốn thiết lập một nền kinh tế tổng hợp, kết hợp giữa cái tốt nhất của nền kinh tế kế hoạch hóa và sự điều tiết của thị trường.

Trung Quốc muốn duy trì tiếp xúc với các nước khác. Họ gặp khó khăn trong việc để nuôi dưỡng 1,1 tỷ dân. Chỉ để cung cấp ngũ cốc cho cả đất nước, họ đã phải nỗ lực rất lớn. Là thị trưởng thành phố Thượng Hải với dân số khoảng 12 triệu người, Giang nhận ra rằng để cung cấp 2 triệu ký rau mỗi ngày cũng đã khó. Trong suốt một giờ đồng hồ, ông ta toàn nói về những nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc. Tại bữa ăn tối, cuộc trò chuyện càng sôi nổi. Ông ta trích dẫn những cặp câu thơ và những vần thơ từ hợp tuyển thơ lai láng trong trí nhớ của ông được học thuộc từ khi còn bé. Những lời bình của ông ta có pha chút bóng bẩy văn chương, nhiều điều vượt quá sự hiểu biết hạn chế của tôi về văn học Trung Quốc, khiến cho người phiên dịch mệt thêm.

Thay cho hình ảnh một đảng viên cộng sản kiểu mẫu tóc hoa râm mà tôi mong đợi, tôi lại thấy một vị Chủ tịch Đảng sẵn sàng nở nụ cười, tóc đen chải thẳng về phía sau, khuôn mặt bành to, đeo kính, da ngăm, người tầm thước chắc nịch. Ông ta là nhân vật số một ở Trung Quốc, được Đặng Tiểu Bình chọn để thay thế Triệu Tử Dương sau biến cố “Lục – Tứ”. Ông ta rất thông minh, uyên bác và có khiếu

về ngoại ngữ. Ông ta thông thạo tiếng Nga, nói được tiếng Anh và tiếng Đức, và có thể trích dẫn Shakespeare và Goethe. Ông ta nói với tôi ông cũng có thể nói tiếng Rumani, vì ông ta đã từng làm việc ở Rumani.

Giang Trạch Dân sinh năm 1926 trong một gia đình trí thức ở trấn Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Ông của ông ta là một thầy thuốc nổi tiếng, còn là thi sĩ, họa sĩ và là nhà thư pháp tài hoa. Cha ông là con trai cả. Ông có một người chú gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản lúc 17 tuổi và hy sinh năm 28 tuổi trong cuộc nội chiến chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc46 năm 1939 và được xem là liệt sĩ cách mạng. Khi Giang Trạch Dân được 13 tuổi, cha ông đem ông cho người vợ góa của người chú này vì ông ta không có con. Vậy là Giang Trạch Dân có cha ông là những người cách mạng gốc rất liêm khiết khi ông gia nhập các nhóm sinh viên cộng sản ở các trường Đại học ở Nam Kinh và trường Giao Thông ở Thượng Hải.

Ông lớn lên trong một mái ấm đầy sách vở, tranh ảnh và âm nhạc. Giang Trạch Dân biết hát, chơi piano và thích nghe nhạc Mozart và Beethoven. Có những khác biệt đáng kể trong thành tích học tập giữa những người thuộc những tỉnh thành khác nhau. Giang Tô là “Quận Hồ” của Trung Quốc, nơi mà cả hàng thiên niên kỷ nay, vị trí tiểu khí hậu dễ chịu của nó đã thu hút các quan lại về hưu và giới trí thức. Dòng dõi con cháu họ đã nâng cao trình độ học vấn của dân cư ở đấy. Tô Châu ở tỉnh Giang Tô từng một thời là kinh đô của một trong những quốc gia thời Xuân Thu (khoảng 770 đến 476 trước công nguyên) có một con đường mang tên đường Trạng Nguyên. Trạng Nguyên là học vị dành cho thí sinh đỗ đầu trong kỳ thi của triều đình từng được tổ chức ở kinh đô ba năm một lần. Các nhà lãnh đạo người Tô Châu tự hào tuyên bố rằng khá nhiều người trong số họ xuất thân từ con đường đó.

Mặc dù tôi đã được thông báo nhưng Giang Trạch Dân vẫn làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã không mong là mình được gặp một nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc cởi mở đến như vậy. Năm 1980 khi Giang Trạch Dân lưu lại Singapore trong thời gian hai tuần, Ng Pock Too, giám đốc Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) là sĩ quan liên lạc với ông ta. Sau khi Giang Trạch Dân lên làm Tổng bí thư, Ng Pock Too đưa cho tôi một bản phác thảo ngắn gọn. Ông ta ngạc nhiên khi Giang

được đặt ở vị trí hàng đầu đó. Ông ta nhắc đến Giang Trạch Dân như

một quan chức thấu đáo, tận tâm, cần mẫn và nghiêm nghị như: Giang Trạch Dân nghiên cứu chi tiết mọi vấn đề, ghi chép lại và hỏi những câu hỏi thăm dò. Ng Pock Too nể trọng ông vì ông không giống như các quan chức Trung Quốc khác, những người thường chọn ở các khách sạn 5 sao, mà Giang Trạch Dân chọn một khách sạn 3 sao cách xa đường Orchard sang trọng. Ông đi lại rất khiêm tốn – bằng ô tô của Ng Pock Too, bằng taxi hoặc đi bộ. Giang Trạch Dân là một quan chức trung thực, cần kiệm nhưng không tỏ ra là một chính khách tàn bạo.

Gần kết thúc hai tuần viếng thăm, Giang Trạch Dân nhìn vào mắt Ng Pock Too và nói: “Ông đã không cho tôi biết về tất cả mọi chuyện. Ông hẳn phải có một điều bí mật. Ở Trung Quốc đất đai rẻ hơn, nước rẻ hơn, điện rẻ hơn và nhân công rẻ hơn. Thế nhưng các ông thu hút được nhiều nguồn đầu tư, còn chúng tôi thì không. Vậy bí quyết của các ông là gì?” Bị bối rối, Ng Pock too giải thích về tầm quan trọng chính yếu của niềm tin chính trị và năng suất kinh tế. Ông ta lôi ra bản photo danh mục chỉ số rủi ro trong môi trường kinh doanh (BERI) và chỉ ra thứ hạng 1A của Singapore trong bảng phân loại gồm ba bậc từ 1A đến 3C. Trung Quốc thậm chí không được đưa vào trong bảng phân loại này. Singapore an toàn và được các nhà đầu tư ưa thích là nhờ vào an toàn về chính trị, kinh tế và các nhân tố khác. Không có nguy cơ bị tịch thu sung công. Công nhân của chúng tôi siêng năng và có năng suất. Hiếm khi xảy ra các cuộc đình công. Đồng tiền của chúng tôi có giá trị chuyển đổi. Ông ta đọc qua những đánh giá trên tờ BERI. Giang Trạch Dân chưa hoàn toàn tin, vì vậy Ng Pock Too đưa cho Giang Trạch Dân tờ BERI đem về nhà. Họ có một cuộc bàn thảo tóm tắt trong căn phòng khách sạn nhỏ của Giang Trạch Dân trước khi ra sân bay. Cuối cùng Giang Trạch Dân nói ông ta đã hiểu bí quyết kỳ diệu đó, rằng EDB có “bí quyết độc đáo trong rao bán niềm tin”. Ng Pock Too kết luận: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông ta sẽ là nhân vật số một ở Trung Quốc, ông ta quá dễ thương.” Sự tiếp xúc trực tiếp giữa chúng tôi với nhau diễn ra tốt đẹp. Giang Trạch Dân thích giao lưu. Tôi thì cởi mở và bộc trực. Ngược với Lý Bằng tôi phải cẩn thận, thậm chí cả khi nói đùa, Giang Trạch Dân hiểu tôi có thiện ý và không tự ái. Ông ta có một thói quen rất không Trung Hoa là nắm tay của khách và nhìn vào mắt người ấy một cách tha thiết như chờ đợi khi ông ta đưa ra một câu hỏi trực

tiếp. Đôi mắt của ông ta là máy dò nói dối. Tôi nghĩ hẳn ông ta hài lòng rằng tôi đã không lẩn tránh khi ông ta hỏi một số câu hỏi thăm dò về Đài Loan, Mỹ, phương Tây và cả về Trung Quốc.

Sự tiếp xúc trực tiếp giữa chúng tôi quả có tác dụng quan trọng đối với thái độ thoải mái trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn và nhạy cảm. Tôi đã không thể trò chuyện thoải mái với Hoa Quốc Phong hay Lý Bằng như với Giang Trạch Dân. Cũng có thể thoải mái với Triệu Tử Dương, nhưng không thoải mái như với Giang Trạch Dân.

Nhiều người, trong đó có tôi, đánh giá thấp khả năng duy trì quyền lực của Giang Trạch Dân, vì tính cách thân mật vui vẻ và sở thích trích dẫn thơ văn của ông ta mỗi khi có cơ hội. Song trong ông hẳn phải là một người đấu tranh không nhượng bộ, điều mà các đối thủ của ông đã khám phá và thấy không có lợi cho họ khi họ cản trở ông. Không có vấn đề gì nghi vấn về phẩm chất trung thực và lòng tận tụy của ông đối với sự nghiệp cao cả mà Đặng Tiểu Bình đã giao phó cho ông là tiếp tục thực hiện công cuộc hiện đại hóa, biến Trung Quốc thành một xã hội công nghiệp phồn vinh với “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Ông ta giải thích cho tôi một hồi về ý nghĩa của nó, rằng Trung Quốc phải có một nền kinh tế khác với nền kinh tế thị trường tự do của phương Tây vì người dân Trung Quốc là những người theo chủ nghĩa xã hội.

Hai năm sau, khi tôi gặp lại Giang Trạch Dân vào tháng 10/1992, một vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Mỹ, chúng tôi trao đổi về tình hình quốc tế. Tôi gợi ý Trung Quốc nên tranh thủ thời gian cho mình nếu Clinton thắng cử. Ông ta nên cho Clinton cơ hội để vận động và thực hiện một sự đảo ngược đối với một số chính sách của ông ta, chẳng hạn như quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc, nhằm tránh một sự đối đầu gay gắt. Một vị tân tổng thống trẻ tuổi đang háo hức chứng tỏ cho những người ủng hộ ông ta thấy rằng ông ta sẵn sàng thực hiện những gì ông diễn thuyết trong khi vận động bầu cử có thể thành vấn đề cho cả Trung Quốc và Mỹ.

Giang Trạch Dân lắng nghe. Ông trả lời một cách gián tiếp. Ông ta đã đọc các bài diễn văn mà tôi đã đọc ở Trung Quốc và những nơi khác. Trong suốt chuyến công du của Đặng đến các tỉnh phía Nam vào tháng Giêng năm đó, Đặng đã nhắc đến sự phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á và đặc biệt là Singapore. Đại hội Đảng lần

thứ 14 được dự kiến tổ chức vào tháng sau đó sẽ thi hành chính sách của Đặng về “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc”. Vì lý do này, Trung Quốc cần một môi trường hòa bình và ổn định ở trong nước cũng như quốc tế. Nền kinh tế thị trường sẽ phát triển ở Trung Quốc nhưng phải mất một thời gian dài. Còn về khái niệm dân chủ đối với Trung Quốc, phương Đông đã bị ảnh hưởng bởi những giáo huấn của Khổng Tử và Mạnh Tử. Bất kỳ “một liệu pháp sốc nào” (của một nền dân chủ đột ngột) đối với Trung Quốc, giống như

ở Liên bang Xô Viết, đều không thể áp dụng được, về tình trạng không vui hiện tại trong mối quan hệ Mỹ – Trung, lỗi không phải của Trung Quốc. Qua việc bán những máy bay chiến đấu và vũ khí cho Đài Loan, Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc của bản thông cáo năm 1982 đã được Trung Quốc và Mỹ nhất trí. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không làm lớn vụ việc này vì không muốn làm cho Tổng thống Bush gặp rắc rối trong cuộc vận động tranh cử của ông.

Ông ta mô tả tình hình kinh tế của Trung Quốc. Sau đó, ông ta hỏi tôi tỉ lệ tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân nào sẽ là thỏa đáng nhất đối với Trung Quốc. Mục tiêu trước đây của họ là 6%. Trong kỳ đại hội tới, mục tiêu đề ra của họ là 8 hoặc 9%. Bốn con rồng nhỏ và Nhật Bản, tôi đáp, đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng hai con số với mức lạm phát thấp trong những thời kỳ dài của các giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa. Trước khi có cuộc khủng hoảng dầu mỏ, Singapore đã đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 12% đến 14% và lạm phát thấp. Tỷ lệ tăng trưởng tối ưu của Singapore không dựa vào bất kỳ con số kỳ diệu nào, mà dựa vào sự đánh giá có bao nhiêu năng lực sản xuất và lao động chưa được sử dụng, và còn dựa trên lãi suất ngân hàng và tỷ lệ lạm phát. Tôi nói thêm rằng tiến sĩ Goh Keng Swee (nguyên Bộ trưởng Tài chính của tôi, người đã và đang cố vấn cho người Trung Quốc về việc xây dựng các đặc khu kinh tế của họ) cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Trung Quốc là ở chỗ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of China – PBOC) tức là ngân hàng trung ương của họ không đủ khả năng kiểm soát tín dụng. Mỗi chi nhánh của ngân hàng nhân dân ở các tỉnh thành phải chịu áp lực từ phía chính quyền tỉnh khi phát hành tín dụng. Hơn nữa, không có đủ các dữ liệu về lượng tiền phát hành ở bất kỳ thời điểm nào. Trung Quốc phải kiểm soát được lượng tiền phát hành để kiềm chế lạm phát, không cho phép các chi nhánh Ngân hàng nhân

dân ở các tỉnh thành phát hành tín dụng mà không được phép của ngân hàng trung ương và không báo cáo với ngân hàng trung ương.

Ông ta ghi nhận điều này. Ông ta nói rằng ông ta tốt nghiệp ngành kỹ sư điện nhưng đã bắt đầu học kinh tế và đang đọc các tác phẩm của Adam Smith, Paul Samuelson và Milton Friedman. Ông ta không phải là nhà lãnh đạo Trung Quốc duy nhất đang nghiên cứu kinh tế thị trường. Tôi khuyên ông ta nghiên cứu cách vận hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Bundesbank của Đức là hai ngân hàng trung ương rất thành công. Trong hai ngân hàng này, ngân hàng Bundesbank thành công hơn trong việc chống lạm phát. Chủ tịch của ngân hàng Bundesbank được Thủ tướng bổ nhiệm, nhưng một khi đã được bổ nhiệm, ông ta phải có quyền độc lập và Thủ tướng không thể ra lệnh cho ông ta tăng lượng tiền phát hành hay hạ thấp lãi suất ngân hàng. Trung Quốc phải kiểm soát được việc phát hành tín dụng và không quá lo ngại về việc không vượt qua được tỷ lệ tăng trưởng được cho là lý tưởng. Chẳng hạn, nếu tỉnh Quảng Đông có thể phát triển nhanh hơn các tỉnh khác nhờ có đầu vào từ Hong Kong, thì ông ta nên để nó tiếp tục như vậy, và khuyến khích sự tăng trưởng đó lan sang các tỉnh lân cận bằng cách nâng cấp đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường sông và đường biển. Ông ta nói ông ta sẽ nghiên cứu vấn đề này. Khi tôi gặp lại Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh tháng 5/1993, ông ta cám ơn tôi vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán Wang – Koo ở Singapore giữa các đại diện “không chính thức” của Trung Quốc và Đài Loan. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1949, hai phe đối nghịch của cuộc nội chiến gặp nhau mặc dầu “không chính thức”. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân nói rằng ông ta cảm thấy “kỳ lạ và thất vọng” khi nghe có nhiều tin tức nói rằng Đài Loan muốn gia nhập Liên Hiệp Quốc. Ông ta nghĩ thật là thiếu khôn ngoan khi phương Tây đối xử với Trung Quốc như là một kẻ thù tiềm tàng.

Tôi nói rằng Hoa Kỳ không khuyến khích Đài Loan cố sức xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Dick Cheney, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Reagan cho đến năm 1992 và Jeanne Kirlpatrick, cựu đại diện thường trực của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, cũng dưới thời Reagan, gần đây đã phát biểu ở Đài Bắc rằng việc Đài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc là không thực tế, và rằng Đài Loan có thể gia nhập UNESCO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức kỹ thuật khác, mà

không nên gia nhập Liên Hiệp Quốc. Tôi cho rằng ý muốn gia nhập Liên Hiệp Quốc của Đài Loan chỉ là thời kỳ thoáng qua khi Tổng thống Lý Đăng Huy muốn tách khỏi lập trường của Quốc Dân Đảng trước đây là Đài Loan không gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào vì nó không phải là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc (Sau này tôi phát hiện ra rằng tôi đã nhầm, đó không phải là thời kỳ thoáng qua. Lý Đăng Huy thật sự hy vọng được gia nhập Liên Hiệp Quốc và xác lập tính riêng biệt của Đài Loan với tư cách là nước Cộng hòa Trung Hoa tại Đài Loan).

Tôi cho rằng ý tưởng tốt nhất trong quan hệ Trung Quốc – Đài Loan là sự khớp nối một cách hòa bình và dần dần về các mặt chính trị, xã hội và kinh tế giữa hai nước. Ví dụ vào năm 1958, đại lục đấu pháo với Đài Loan ngang qua eo biển hẹp Quemoy và Matsu. Nếu khi đó Trung Quốc thành công trong việc tái thống nhất với Đài Loan thì bây giờ Trung Quốc sẽ ở một vào vị thế kém thuận lợi hơn. Bởi vì điều này đã không diễn ra, nên bây giờ Trung Quốc có thể khai thác nguồn lực của khoảng 20 triệu dân Đài Loan, những người đã có được những tài sản kinh tế và kỹ thuật thông qua việc liên kết với Hoa Kỳ. Ông ta gật đầu đồng ý. Sẽ không tốt hơn sao nếu để Đài Loan tiếp tục tồn tại như một thực thể riêng biệt, tôi gợi ý. Khi đó, Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tiếp tục để cho Đài Loan tiếp cận với kỹ thuật và công nghiệp của họ thêm 40, 50 năm nữa và Trung Quốc có thể được lợi nhiều hơn từ những gì mà Đài Loan có thể đem về cho đại lục. Ông ta lắc đầu không đồng ý.

Sau đó tôi lập luận rằng nếu ông ta muốn Hoa Kỳ giảm bớt ảnh hưởng của họ, ông ta nên mở cửa Trung Quốc đón nhận nhiều hơn các công ty đa quốc gia từ châu Âu. Lúc đó những nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ vận động chính phủ Hoa Kỳ chống lại những hành động đã gây tổn hại cho quyền lợi của họ ở Trung Quốc vì họ sợ sẽ mất hết cho các công ty đa quốc gia của Nhật và châu Âu. Ông ta nghĩ đó là một ý kiến hay. Tôi nói thêm rằng Hoa Kỳ và châu Âu có thể sẽ không cho phép xuất hiện thêm một nền kinh tế thị trường đóng cửa kiểu Nhật Bản ở một Trung Quốc chỉ xuất khẩu mà không nhập khẩu. Đối với Trung Quốc, để phát triển, họ phải sử dụng thị trường đầy tiềm năng rộng lớn để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài, cho phép họ bán sản phẩm của mình ở Trung Quốc và bằng cách đó “gắn chặt họ vào sự phát triển của Trung Quốc”. Giang Trạch Dân đồng ý rằng Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, nên muốn có một

nền kinh tế hoàn toàn theo định hướng xuất khẩu là không thực tế. Trung Quốc phải gia tăng xuất khẩu, nhưng không phải chỉ có Mỹ, và Trung Quốc phải phát triển một thị trường mở. Ông ta tán thành quan điểm của phó Thủ tướng Lý Lan Thanh (phụ trách thương mại) nhiều hơn quan điểm của Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ (phụ trách các ngành công nghiệp). Chu Dung Cơ chủ trương rằng các ngành công nghiệp trong nước phải được bảo vệ ở một mức độ nhất định. Giang Trạch Dân nói chính sách của Trung Quốc là học hỏi từ các nước khác nhau và chọn lọc những điểm mạnh của họ, không chỉ về bí quyết, công nghệ khoa học và kỹ thuật mà cả về kinh nghiệm văn hóa.

Tháng 10/1994, tôi cùng với Giang Trạch Dân có được một cuộc gặp sôi nổi bàn về vấn đề Đài Loan. Trước đó, vào hồi tháng 6, Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, có quá cảnh ở Singapore nhờ Thủ tướng Goh Chok Tong chuyển một đề nghị đến Giang chủ tịch. Đây là đề nghị thành lập một công ty quốc tế về vận tải đường biển, do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Singapore đồng sở hữu (trong đó Singapore chỉ góp phần gọi là) nhằm thực hiện việc buôn bán giữa Trung Quốc và Đài Loan. Tất cả các tàu giao thương với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều chịu sự quản lý của công ty này. Goh đã viết thư cho Giang Trạch Dân truyền đạt lời đề nghị này. Giang Trạch Dân không chấp nhận. Sau đó, Goh và tôi đã quyết định đưa ra một đề nghị của Singapore nhằm làm cầu nối qua eo biển giữa đại lục và Đài Loan bằng cách thành lập một công ty kinh doanh vận tải cả đường biển và hàng không, được đăng ký ở Singapore, do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Singapore đồng sở hữu với số cổ phần ít nhiều ngang bằng nhau. Công ty này sẽ cho thuê bao tàu và máy bay (với thủy thủ đoàn và phi hành đoàn) với số lượng từ Đài Loan và Trung Quốc bằng nhau. Sau ba năm, hai đối tác kia sẽ mua lại hết cổ phần của Singapore. Tổng thống Lý đã tán thành đề nghị này khi chúng tôi gặp nhau ở Đài Loan vào giữa tháng 9/1994.

Vài ngày sau đó, cụ thể là vào ngày 6/10, tôi gặp Giang Trạch Dân tại Đại sảnh đường nhân dân. Ông ta đề nghị chúng tôi nói chuyện theo nhóm nhỏ, cụ thể là ông ta với phó chủ tịch hội đồng quốc gia của ông ta (phụ trách các vấn đề Đài Loan), tôi với đại sứ của Singapore, Giang Trạch Dân nói: “Tôi có người phiên dịch, nhưng để chúng ta không lãng phí thời gian, ông sẽ nói bằng tiếng Anh, tôi có

thể hiểu được. Tôi sẽ nói bằng tiếng Hoa, ông có thể hiểu tôi. Khi nào ông không hiểu, thì người phiên dịch của tôi sẽ giúp.” Quả thật, chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian.

Tôi nói Tổng thống Lý đã đồng ý với đề nghị của chúng tôi song ông ta cho rằng sẽ có rất nhiều khó khăn khi đi vào chi tiết, vì thế ông ta muốn Singapore sẽ tham gia giải quyết những vấn đề đó. Ngoại trưởng Đài Loan muốn thiết lập tuyến đường biển trước. Họ đã chọn một khu đặc biệt ở Cao Hùng làm cảng trung chuyển hàng quốc tế. Sau khi tuyến đường biển hoạt động thành công được một năm thì tuyến đường hàng không có thể bắt đầu.

Giang Trạch Dân nói rằng đề nghị của Thủ tướng Goh chứa đựng nhiều ý định tốt, nhưng không phù hợp. Không có lý do gì để hai phía phải ngụy trang khi hợp tác với nhau. Ông ta đã nghe được những quan điểm tương tự từ nhiều nguồn. Sau đó ông ta đề cập tới bài trả lời phỏng vấn của Lý Đăng Huy với Ryotaro Shiba, đăng trên một tạp chí Nhật Bản hồi tháng 4 (Trong bài trả lời phỏng vấn này, Lý đã tự ví mình như Moses đang dẫn dắt dân tộc mình thoát khỏi Ai Cập đi tới miền đất hứa). Giang Trạch Dân nói thêm rằng việc Lý Đăng Huy cố gắng tham dự Thế vận hội châu Á tại Hiroshima đã chứng tỏ ông ta hoàn toàn không đáng tin cậy. Lý muốn hai Trung Quốc, tức là một Trung Quốc và một Đài Loan. Càng có nhiều cuộc bàn luận, khoảng cách giữa họ càng xa. Lý Đăng Huy đã nói một đàng làm một nẻo. Lý không nên nghĩ rằng Giang Trạch Dân là một kẻ khờ khạo và không thể đọc được quan điểm thật sự của ông ta. Ông ta nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cân nhắc lời lẽ cẩn thận và nói là làm, ý nói các nhà lãnh đạo Đài Loan thì không. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất xem trọng sự tin cậy và tính ngay thẳng, ngụ ý Lý Đăng Huy không có các đức tính này. Giang Trạch Dân tỏ thái độ giận dữ khi ông nói rằng Lý Đăng Huy đang ôm ấp ông chủ thuộc địa trước đây của mình (ý nói Nhật).

Ông ta đang tuôn hàng loạt những bức xúc đến nỗi ngay cả khi tôi không hiểu được những cụm từ đặc biệt mà ông dùng nhưng tôi chỉ nắm được ý khái quát, tôi cũng không ngắt được lời ông để hỏi lại cho rõ. Ông say sưa nói để nhấn mạnh tính nghiêm túc trong quan điểm của ông ta và chiều sâu của lời buộc tội do ông đưa ra.

Lúc đó, tôi không hiểu được cơn giận ông ta đang kìm nén trong lòng. Sau này, tôi phát hiện ra rằng trước cuộc gặp của chúng tôi ba

ngày, trong khi tôi đang ở tỉnh Hà Nam, Tổng thống Lý Đăng Huy đã phát biểu trên tờ Asian Wall Street Journal rằng: “Ở Bắc Kinh không có nhà lãnh đạo nào đủ mạnh, không ai có khả năng đưa ra quyết định cuối cùng. Đặng Tiểu Bình vẫn còn đang đâu đấy, song chúng tôi không nghĩ rằng ông ta còn có đủ sức để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông Đặng đang cố gắng củng cố vai trò của Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo hàng đầu đủ áo mũ cân đai. Sau khi ông Đặng ra đi, chúng tôi may ra có thể tìm được nhà lãnh đạo thực sự có khả năng đảm nhận vai trò này. Chúng tôi không biết liệu có người nào mà chúng tôi có thể tìm thấy bây giờ hay không hoặc ai đó đang giấu mặt nhưng sẽ xuất đầu lộ diện”.

Chọn tập
Bình luận