Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 29: Kế Hoạch Mới Của Nước Mỹ

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Mối quan hệ của Singapore với nước Mỹ được chia thành 2 giai đoạn – trong và sau cuộc chiến tranh lạnh. Khi Liên Xô đang là mối đe dọa đối với Mỹ và thế giới, thì chúng tôi đã có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng hòa từ Johnson những năm 60 cho đến Bush những năm 90. Những mối quan tâm chiến lược của chúng tôi hoàn toàn trùng khớp với nhau. Mỹ đối nghịch với Liên Xô và Trung Quốc cộng sản. Chúng tôi cũng thế. Hơn nữa, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ sự có mặt của quân đội Mỹ ở Đông Á.

Sự sụp đổ của bức tường Berlin năm 1989 đã đánh dấu bước mở đầu của thời kỳ kết thúc chiến tranh lạnh, nhưng chỉ đến nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton từ năm 1993 người ta mới cảm nhận được những tác động của sự thay đổi về địa lý chính trị này. Với sự có mặt của thế hệ chống chiến tranh Việt Nam ở Nhà Trắng thì nhân quyền và dân chủ – những vấn đề từng được xem là thứ yếu, đã trở nên quan trọng. Chính phủ Mỹ đã ủng hộ Liên bang Nga dưới thời Tổng thống Yeltsin, họ muốn dân chủ hóa. Mỹ nói về nước Nga như về một người bạn và một đồng minh, và nói về Trung Quốc như một đối thủ tiềm tàng. Chúng tôi không bất đồng ý kiến với Mỹ về vấn đề nước Nga, cho dù chúng tôi có nhiều nghi ngờ đối với tương lai dân chủ của nó. Tuy nhiên, chúng tôi giữ thái độ cách biệt trước những mỹ từ đầy thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc. Chúng tôi sợ rằng việc nói và làm như thể Trung Quốc là kẻ thù sẽ biến họ thành kẻ thù thực sự. Chúng tôi không muốn điều này xảy ra; không một quốc gia nào ở Đông Nam Á muốn biến Trung Quốc thành kẻ thù. Đó là thời điểm mà Mỹ muốn giảm bớt sự có mặt của họ ở Đông Nam Á và Singapore đã không còn hữu ích như trước đây.

Nhiều người Mỹ đã cho rằng với sự sụp đổ ở Liên Xô, thì chế độ cộng sản của Trung Quốc cũng sẽ không tồn tại và rằng trách nhiệm đạo đức của Mỹ là cáo chung chế độ đó. Có hai cách: cách thứ nhất, được Tổng thống Bush ủng hộ, là khuyến khích thay đổi dần dần thông qua quá trình thực hiện cam kết mang tính xây dựng; cách thứ hai, được Quốc hội Mỹ ưu ái, là áp đặt sự trừng phạt và gây sức ép kinh tế và chính trị đối với vấn đề nhân quyền và cải cách chính trị. Bush đã áp đặt sự trừng phạt đối với Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn đồng thời chẳng bao lâu sau phải chịu sức ép để phủ nhận quy chế Tối huệ quốc (Most Favored Nation – MFN) đối với hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phủ nhận quy chế Tối huệ quốc đối với Trung Quốc cho đến khi vấn đề nhân quyền của họ được cải thiện. Bush bác bỏ Nghị quyết và điều này trở thành nghi thức phải thông qua hàng năm.

Việc khuyến khích nhân quyền và dân chủ luôn luôn là một phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Đồng thời, trong suốt cuộc Chiến tranh lạnh, mối quan tâm chiến lược chung trong việc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á đã hình thành tiếng nói chung trong các mối quan hệ song phương. Singapore có nhiều khác biệt với chính quyền Carter về vấn đề nhân quyền và dân chủ, với chính quyền Reagan và Bush trên những vấn đề về tự do báo chí, nhưng những khác biệt này không dẫn đến thái độ khiêu khích và chống đối.

Ví dụ như việc Patricia Derian, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề nhân đạo và nhân quyền của chính quyền Carter gặp tôi vào tháng 1/1978 để thôi thúc bãi bỏ tình trạng bị cầm tù mà không xét xử. Tôi bảo bà rằng phe đối lập chính thức phản đối luật pháp tại mỗi kỳ bầu cử và mỗi lần như vậy, một đa số áp đảo trong toàn thể cử tri vẫn bỏ phiếu cho chúng tôi và cho luật pháp. Singapore là một xã hội nho giáo đặt quyền lợi cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân. Trách nhiệm hàng đầu của tôi là hạnh phúc của toàn dân tộc. Tôi đã phải đối đầu với những kẻ đảo chính, những người mà chúng tôi không thể tìm được nhân chứng chống lại họ ở các phiên tòa công khai. Nếu tôi theo phương cách của bà, Singapore sẽ gặp tai họa. Nước Mỹ có thể làm được gì để cứu Singapore? Nếu nước Mỹ có thể cho Singapore hưởng quy chế như Puerto Rico và bảo hiểm tương lai của Singapore, tôi sẽ theo lời bà. Khi đó, nếu Singapore thất bại, nước Mỹ sẽ phải nhặt từng mảnh vỡ. Derian căng thẳng đến nỗi bà hỏi bà có thể hút thuốc được không, mặc dù bà đã được đại sứ Mỹ cho biết trước rằng tôi bị dị ứng với khói thuốc lá. Khi bà không thể chịu đựng được nữa, tôi cảm thấy ái ngại cho bà và đã đưa bà lên lầu, ra ngoài hiên thoáng đãng nơi bà làm dịu đi sự thất vọng bằng những hơi thuốc dài. Điều đó cũng chẳng cải thiện được các lý lẽ của bà. 20 năm sau, trong hồi ký của ngài Đại sứ John Holdridge, người có mặt trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi năm 1978, viết như sau:

“Lý Quang Diệu, người mà tôi đã vài lần được nghe ông tự mô tả là “người cuối cùng của triều đại Victoria”, thật sự đã và đang là một nho sĩ trung thành. Ông và các đồ đệ của ông đã nỗ lực khắc sâu giá trị đạo đức của nho giáo vào thế hệ trẻ Singapore. Trái lại, Derian là một người từng trải của phong trào dân quyền ở Nam Mỹ, nơi có những cuộc xung đột thường xuyên giữa những người biểu tình cho dân quyền với chính quyền địa phương và cuộc đấu tranh đó là hình ảnh thu nhỏ của những niềm tin về “quyền con người” vốn gắn liền trong hiến pháp Mỹ. Bà bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Lý cho rằng hạnh phúc của xã hội được ưu tiên hơn quyền cá nhân và những người bị giam giữ ở Singapore chỉ cần thề từ bỏ bạo lực thì sẽ được phóng thích. Cả hai tranh luận hơn 2 giờ đồng hồ để bảo vệ quan điểm của mình và đã không tìm được một sự thống nhất trong tư tưởng”.

Vì chúng tôi có cùng mối quan tâm chiến lược quan trọng hơn, nên sự bất đồng này không được đưa ra công khai.

Một ví dụ khác là vào tháng 6/1988, khi chúng tôi yêu cầu cách chức một nhà ngoại giao thuộc đại sứ Mỹ vì ông ta đã can thiệp vào chính trị nội bộ của Singapore. Nhà ngoại giao này đã xúi giục một cựu cố vấn pháp luật tuyển mộ các luật sư bất mãn cùng ông tham gia chống lại đảng PAP vào các kỳ bầu cử tới và đã sắp xếp cho một luật sư gặp gỡ một quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao ở Washington và người này đã bảo đảm với người luật sư rằng ông ta sẽ được tị nạn nếu ông ta cần. Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận những lý lẽ này và trả đũa bằng cách yêu cầu Singapore triệu hồi một nhà ngoại giao Singapore vừa mới đến. Trong một cuộc tranh luận ở Nghị viện, tôi đề nghị rằng vấn đề phải được giải quyết bằng một hội đồng gồm ba chuyên gia quốc tế trung lập có năng lực. Nếu hội đồng này nhận thấy rằng những gì nhà ngoại giao Mỹ đã làm là hoạt động ngoại giao hợp pháp, thì chính phủ Singapore sẽ rút lại lời kháng nghị và xin lỗi. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoan nghênh sự xác nhận một lần nữa của tôi rằng Singapore muốn chấm dứt cuộc tranh cãi này nhưng vẫn im lặng trước đề nghị của tôi. Chẳng có gì thêm cho sự việc này.

Những vấn đề mà người Mỹ đặt lên hàng đầu trong kế hoạch của họ vào thập niên 90 là nhân quyền và dân chủ, và những giá trị của phương Tây đối kháng với giá trị của phương Đông. Người Nhật, đang chịu sức ép từ phía người Mỹ để gán các chương trình trợ giúp của họ với mục tiêu nhân quyền và dân chủ ở các quốc gia nhận viện trợ. Tờ Asahi Shimbun, một tờ báo của người Nhật ủng hộ dân chủ, phản chiến và tự do, đã mời tôi đến diễn đàn ở Tokyo vào tháng 5/1991 để thảo luận các đề tài về dân chủ và nhân quyền với những người Mỹ và người Nhật có vai trò định hình dư luận nổi tiếng. Tôi nói rằng đã 50 năm kể từ khi người Anh và người Pháp lần đầu tiên trao trả độc lập với các thể chế kiểu phương Tây cho hơn 40 thuộc địa cũ của Anh và 25 thuộc địa cũ của Pháp. Không may là, ở cả châu Á và châu Phi, các kết quả đều tệ hại. Ngay cả Mỹ cũng không thành công trong việc để lại một thành quả dân chủ cho Philippin, một thuộc địa cũ mà nó đã giải phóng năm 1945 sau gần 50 năm bị giám hộ. Tôi cho rằng một dân tộc phải đạt đến một trình độ học vấn và một mức phát triển kinh tế cao, phải có tầng lớp trung lưu khá lớn và cuộc sống không còn phải là một cuộc chiến đấu cho những nhu cầu sinh tồn thiết yếu, trước khi xã hội đó có thể hoạt động như một hệ thống chính trị dân chủ.

Năm sau, diễn đàn Asahi Shimbun lại thảo luận về nhân quyền, dân chủ và ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển kinh tế. Tôi nói rằng bởi vì các xã hội khác nhau đã phát triển một cách riêng lẻ suốt hàng nghìn năm theo những cách khác nhau nên những tiêu chuẩn và tư tưởng của chúng buộc phải khác nhau. Vì thế, không thể cứ khăng khăng rằng các tiêu chuẩn về nhân quyền cuối thế kỷ 20 của Mỹ và châu Âu phải được áp đặt trên khắp thế giới. Tuy nhiên, với truyền hình vệ tinh, ngày càng khó khăn cho bất kỳ chính phủ nào muốn che giấu sự tàn bạo của nó đối với dân chúng. Tuy chậm nhưng không thể tránh khỏi, cộng đồng các quốc gia sẽ tìm một sự cân bằng giữa việc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia khác và quyền hợp đạo lý là đòi tất cả các chính phủ đối xử nhân đạo và văn minh hơn đối với nhân dân của nước họ. Nhưng khi các xã hội trở nên rộng mở hơn, sẽ có một sự hội tụ về phía một tiêu chuẩn chung của thế giới cho những gì có thể chấp nhận được. Những hệ thống vô nhân đạo, tàn bạo hoặc man rợ sẽ phải bị lên án. (Trong trường hợp của Kosovo khoảng 6 năm sau, mặc dù NATO và đa số thành viên Liên Hiệp Quốc không chấp nhận hành động dã man của Tổng thống Nam Tư Milosevic chống lại những người Kosovo gốc Albania, vẫn không có sự nhất trí rằng đây là lý do thích đáng để can thiệp mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đại diện 40% nhân loại, đã lên án việc ném bom của NATO vào Serbia năm 1999).

Một cuộc phỏng vấn mà tôi dành cho một tạp chí Mỹ được đánh giá cao là tờ Foreign Affairs, được xuất bản vào tháng 2/1994, gây ra một sự náo động nho nhỏ giữa những người Mỹ quan tâm đến cuộc tranh cãi về các giá trị của châu Á so với các giá trị của phương Tây. Trong những câu trả lời của tôi, tôi tránh sử dụng đến nhóm từ “các giá trị châu Á”, vốn có rất nhiều dạng khác nhau, và thay vào đó, tôi đề cập đến các giá trị Nho giáo, thịnh hành trong các nền văn hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, các quốc gia sử dụng chữ Hán và chịu ảnh hưởng của văn học Nho giáo. Có khoảng 20 triệu người Hoa trong số các dân tộc ở Đông Nam Á mà những giá trị Nho giáo của họ không giống với các giá trị của Phật giáo, Hồi giáo hay Ấn Độ giáo ở Nam Á và Đông Nam Á.

Không có mô hình châu Á nào như thế, song có các sự khác biệt căn bản giữa xã hội tự do phương Tây với xã hội Nho giáo Đông Á. Các xã hội Nho giáo tin rằng cá nhân tồn tại trong phạm vi của gia đình, đại gia đình, bạn bè và đoàn thể rộng lớn hơn, chính phủ không thể và không nên đảm nhận vai trò của gia đình. Nhiều người ở phương Tây cho rằng chính phủ có khả năng thực hiện bổn phận của gia đình khi gia đình thất bại, như với những bà mẹ đơn thân. Những người Đông Á tránh cách tiếp cận này. Singapore dựa vào sức mạnh và ảnh hưởng của gia đình để giữ xã hội trật tự, gìn giữ một nền văn hóa cần kiệm, chăm chỉ, hiếu nghĩa, kính trọng bề trên và sự uyên bác, ham học hỏi. Những giá trị này hun đúc nên một dân tộc có năng suất và giúp sự phát triển kinh tế.

Tôi nhấn mạnh sự tự do chỉ có thể tồn tại trong một tình trạng trật tự, chứ không phải khi có sự bất hòa liên tục hay tình trạng hỗn loạn. Trong các xã hội phương Đông, mục tiêu chính là có một xã hội ngăn nắp để mọi người có thể thụ hưởng tự do đến mức cao nhất. Một số phần tử trong xã hội Mỹ đương thời hoàn toàn không chấp nhận được đối với người châu Á bởi chúng đại diện cho sự suy sụp của một xã hội với súng ống, ma túy, tội ác bạo lực, lang thang bụi đời và hành vi dung tục nơi công cộng. Nước Mỹ không nên gán hệ thống của nó một cách bừa bãi vào các xã hội khác nơi mà hệ thống đó sẽ không hoạt động.

Con người cần một ý thức đạo đức về sự đúng, sai. Có cái gọi là tội ác, còn con người không độc ác bởi vì chỉ là những nạn nhân của xã hội. Tôi nói trong tờ Foreign Affairs rằng nhiều vấn đề xã hội ở Mỹ là hậu quả của sự xói mòn những nền tảng đạo đức của xã hội và sự thu nhỏ của trách nhiệm cá nhân. Vài trí thức tự do người Mỹ đã phát triển học thuyết rằng xã hội của họ đã tiến đến một giai đoạn nơi mọi người sẽ tốt hơn nếu họ được phép làm theo ý mình. Điều này khuyến khích người Mỹ từ bỏ nền tảng đạo đức hoặc luân lý của xã hội.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cuộc phỏng vấn này có lẽ sẽ trôi qua không ai chú ý như là một bài diễn thuyết mang tính tri thức. Không có sự thống nhất hình thành bởi sự đối lập chung với chủ nghĩa cộng sản, quan điểm của tôi công khai trước dư luận những khác biệt sâu sắc giữa thái độ của người Mỹ và người châu Á đối với tội ác và sự trừng phạt, và vai trò của chính phủ.

Vài người Mỹ cho rằng tôi hình thành các quan điểm này chỉ sau khi Trung Quốc trở nên nổi bật về mặt kinh tế nhờ các chính sách mở cửa của họ. Thật ra, chúng đã nảy sinh từ những kinh nghiệm của tôi ở đầu thập kỷ 50 khi tôi khám phá ra hố sâu văn hóa giữa trí thức kiểu Trung Hoa và trí thức kiểu Anh ở Singapore. Một dân tộc thấm nhuần các giá trị Trung Hoa có kỷ luật hơn, lịch sự hơn và kính trọng bề trên. Kết quả là một xã hội trật tự hơn. Khi các giá trị này bị pha loãng bởi một nền giáo dục Anh, kết quả là ít mạnh mẽ, kỷ luật và hành vi tùy tiện hơn. Tệ hơn, trí thức kiểu Anh nói chung mất đi sự tự tin vì họ không nói được ngôn ngữ bản địa của họ. Những đối đầu kịch tính giữa các sinh viên trung học người Hoa thân cộng và chính quyền của tôi đã làm hiện rõ những khác biệt to lớn về văn hóa và tư tưởng, được đại diện bởi hai hệ thống giá trị khác nhau.

Các viện sĩ tự do người Mỹ bắt đầu chỉ trích chúng tôi về thái độ đối với việc lưu hành báo chí phương Tây ở Singapore. Chúng tôi không theo kiểu mẫu của họ về sự phát triển và tiến bộ, kiểu mẫu mà khi một đất nước phát triển kinh tế thị trường tự do và hưởng thụ sự thịnh vượng, nó sẽ trở nên giống Mỹ hơn, dân chủ và tự do, không có hạn chế nào đối với giới báo chí. Vì chúng tôi không đồng ý các tiêu chuẩn của họ, nên những người Mỹ theo chủ nghĩa tự do sẽ không thừa nhận rằng chính quyền của chúng tôi, mà người dân Singapore nhiều lần bỏ phiếu bầu chọn, có thể là tốt đẹp.

Không có nhà chỉ trích nào có thể chê trách chính quyền Singapore về nạn tham nhũng, thói gia đình trị hay sự suy đồi đạo đức. Trong nhiều năm của thập kỷ 90, các tổ chức đánh giá rủi ro kinh doanh chẳng hạn như Cơ quan tư vấn rủi ro kinh tế chính trị, đặt trụ sở tại Hong Kong, đã đánh giá Singapore là quốc gia tham nhũng ít nhất châu Á; Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transperency International), trụ sở tại Berlin, xếp Singapore đứng thứ bảy trong số những nước ít tham nhũng nhất thế giới, đứng trước Anh, Đức và Mỹ. Singapore đã và đang khác so với các quốc gia nhỏ bé có kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu trái cây mà họ thường gán nhãn “độc tài”. Để biểu lộ sự phản đối, báo chí Mỹ mô tả Singapore là “sạch vô trùng”. Một Singapore có năng lực được gọi là “năng lực vô hồn”.

Giáo sư môn khoa học chính trị Harvard, Samuel Huntington, trong một cuộc diễn thuyết ở Đài Bắc vào tháng 8/1995, đã đối chiếu sự tương phản giữa mô hình Singapore với mô hình dân chủ ở Đài Loan. Ông trích một tiêu đề của tờ New York Times đã tóm tắt sự khác biệt giữa một Singapore “sạch và bần tiện” và một Đài Loan “dơ và tự do”. Ông kết luận: “Sự tự do và sáng tạo mà Tổng thống Lý (Lý Đăng Huy) đưa vào Đài Loan sẽ tiếp tục tồn tại. Sự lương thiện và năng lực mà Bộ trưởng cao cấp Lý (Lý Quang Diệu) mang đến cho Singapore có thể sẽ theo ông xuống mồ. Trong vài trường hợp, chủ nghĩa độc đoán có thể làm tốt trong thời gian ngắn nhưng kinh nghiệm cho thấy rõ ràng rằng chỉ có nền dân chủ mới sản sinh được chính quyền tốt đẹp về lâu dài”.

Người Mỹ và người châu Âu hân hoan phấn khởi sau thành công của họ giúp giải tán Liên bang Xô Viết bằng cách tạo áp lực về vấn đề nhân quyền và dân chủ theo các Hiệp ước Helsinki. Tuy nhiên, họ đã ảo tưởng khi hy vọng sẽ lặp lại tiến trình này ở Trung Quốc. Không như người Nga, người Trung Quốc không chấp nhận những tiêu chuẩn văn hóa của phương Tây là tốt đẹp hơn và đáng học tập.

Vào một tối, sau bữa ăn tối ở Singapore tháng 3/1992, cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt hỏi tôi liệu Trung Quốc có thể trở nên dân chủ và tuân thủ nhân quyền như phương Tây hay không. Choo, ngồi cạnh Schmidt, ngay lập tức bật cười trước ý tưởng rằng 1,2 tỷ người Trung Quốc trong đó có 30% thất học, lại đi bỏ phiếu bầu cho một tổng thống. Schmidt chú ý đó là phản ứng tự nhiên của bà ấy đối với sự vô lý trong ý tưởng đó. Tôi đáp rằng lịch sử hơn 4.000 năm của Trung Quốc là lịch sử của các triều đại trị vì, rải rác với sự vô chính phủ, những kẻ xâm lược ngoại bang, các viên tư lệnh và các nhà chuyên chế. Dân tộc Trung Hoa chưa bao giờ trải qua một chính quyền nào dựa trên việc đếm đầu người thay cho chặt đầu người. Bất kỳ sự phát triển nào hướng tới một chính phủ dân cử sẽ phải làm từng bước một. Gần như tất cả các quốc gia thế giới thứ ba trước đây là các thuộc địa; vậy mà, sau vài thập niên dưới sự thống trị thực dân không có quyền bầu cử hay quyền dân chủ, đã tiếp thu các kiểu hiến pháp dân chủ của những kẻ thống trị trước đây của họ. Tuy nhiên, các thể chế dân chủ của Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Mỹ đã phải mất hàng trăm năm để tiến hóa.

Lịch sử dạy chúng ta rằng dân chủ tự do cần có sự phát triển kinh tế, học vấn, một tầng lớp trung lưu đang lớn lên và các định chế chính trị ủng hộ cho nhân quyền và tự do ngôn luận. Nó cần một xã hội công dân dựa trên những giá trị chung làm cho người dân với những quan điểm khác nhau và mâu thuẫn nhau sẵn lòng hợp tác với nhau. Trong một xã hội công dân, giữa gia đình và chính quyền, có hàng loạt những tổ chức mà các công dân là hội viên, những hiệp hội người tình nguyện để phát huy những lợi ích chung cụ thể, các tổ chức tôn giáo, các công đoàn, các tổ chức chuyên nghiệp, và các đoàn thể tự lực khác.

Nền dân chủ sẽ hữu hiệu ở nơi mà nhân dân có nền văn hóa hòa giải và bao dung, khiến một thiểu số chấp nhận quyền điều khiển của đa số, và kiên nhẫn, thanh thản chờ đợi đến lượt mình lên nắm quyền bằng cách thuyết phục nhiều cử tri hơn ủng hộ quan điểm của mình. Dân chủ được nhồi nhét ở những nơi mà người dân có truyền thống chiến đấu đến cùng, như Hàn Quốc, thì nó sẽ không hoạt động hiệu quả. Người dân Hàn Quốc đấu tranh trên các đường phố bất kể là họ có một nhà độc tài quân sự hay một tổng thống được bầu một cách dân chủ đứng đầu. Các cuộc cãi vã trong Quốc hội của Đài Loan, cộng với những vụ xô xát trên các đường phố, là những phản ánh của các nền văn hóa khác biệt của họ. Người dân sẽ phát triển các hình thức chính phủ ít nhiều có tính dân cử của riêng họ, phù hợp với phong tục và văn hóa của họ.

Năm 1994, ngay sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, khi người Mỹ trong trạng thái tự tin, họ đã thử mang đến cho Haiti một nền dân chủ đẻ non36 bằng cách phục chức cho một vị tổng thống đã bị phế truất. Năm năm sau, người Mỹ lặng lẽ rút lui khỏi Haiti và kín đáo thừa nhận sự thất bại của mình. Như trong tờ New York Times có viết, Bob Shacochis – một tác giả người Mỹ hỏi: “Điều gì đã sai? Tạm thời bỏ qua một bên sự có tội của giới lãnh đạo người Haiti, thì các nhà hoạch định chính sách của Washington có lẽ biết rằng sự dân chủ hóa trong ống nghiệm là hành động mạo hiểm. Nền dân chủ của Haiti, ra đời một cách non nớt, sẽ không tồn tại nếu không có một hệ thống đa đảng đích thực, hệ thống ấy không tồn tại nếu không có một tầng lớp trung lưu vững chắc, tầng lớp đó không phát triển nếu không có một nền kinh tế vững mạnh, nền kinh tế như thế sẽ không tồn tại nếu không có một tập thể lãnh đạo đáng tin cậy đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để vực đất nước ra khỏi sự sụp đổ”. Bởi vì chính quyền Mỹ đã không công khai thừa nhận sự thất bại này và nguyên nhân của nó, nên đây sẽ không phải là lần cuối cùng nó phạm phải sai lầm này .

Tại buổi thảo luận vào tháng 3/1992, tôi đã nhấn mạnh với Schmidt rằng nhân quyền thì khác; kỹ thuật đã mang các dân tộc trên thế giới vào chung một ngôi làng toàn cầu, tất cả đều theo dõi những hành vi hung bạo trên truyền hình khi chúng xảy ra. Vì các dân tộc và chính phủ đều muốn được người khác tôn trọng và kính mến mình nên họ sẽ dần dần từ bỏ những hành vi làm cho họ mang tai tiếng. Lần kế, Schmidt tới Trung Quốc, tôi chú ý rằng ông ta nhấn mạnh những tiêu chuẩn nhân quyền mang tính toàn cầu chứ không phải là dân chủ. Sau đó, Schmidt viết trong tờ báo của ông, tờ Die Zeit, rằng Trung Quốc không thể trở thành dân chủ ngay tức khắc mà phương Tây nên thúc ép để vấn đề nhân quyền của họ trở thành có thể chấp nhận được.

Mối quan tâm của Mỹ, phương Tây và cả Nhật Bản về nền dân chủ và nhân quyền đối với châu Á bắt nguồn từ sự lo lắng của họ đối với hậu quả ở Trung Quốc, chứ không phải ở Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong hay Singapore. Nước Mỹ muốn “những con hổ” Đông Á này là tấm gương cho Trung Quốc về những xã hội tự do có nền kinh tế thịnh vượng nhờ vào các thể chế chính trị dân chủ. Tờ New York Times, trong bài báo Huntington trích dẫn vào năm 1995, đã chỉ ra rằng Đài Loan và Singapore là hai xã hội người Hoa thành công nhất trong 5000 năm văn minh Trung Hoa, và rằng nước này hoặc nước kia rất có thể là mô hình tương lai của lục địa Trung Hoa. Điều này không phải như thế. Trung Quốc sẽ vạch hướng đi riêng tiến về phía trước. Họ sẽ lựa chọn và kết hợp những đặc điểm đó và những hệ thống mà họ thấy có giá trị và tương thích với tầm nhìn riêng về tương lai của họ. Dân tộc Trung Hoa có một nỗi sợ sâu sắc và triền miên về sự hỗn loạn. Do diện tích quốc gia rộng lớn, các nhà lãnh đạo của họ đặc biệt thận trọng, và sẽ sát hạch một cách cẩn thận, điều chỉnh và thích nghi trước khi kết hợp những đặc điểm mới này vào hệ thống của họ.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về nhân quyền và dân chủ tập trung vào vấn đề Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Mỹ đã tạo đòn bẩy kinh tế cho Trung Quốc thông qua Hong Kong. Nếu Mỹ không được thỏa mãn rằng Hong Kong được cai trị một cách tách biệt với Trung Quốc, họ có thể cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu và các quyền lợi khác đối với Hong Kong. Số phận của 6 triệu người dân Hong Kong sẽ không ảnh hưởng gì tới Mỹ hoặc thế giới. Nhưng số phận của 1.200 triệu người Hoa ở Trung Quốc (rất có khả năng lên tới 1.500 triệu vào năm 2030) sẽ quyết định cán cân lực lượng trên thế giới. Người Mỹ tranh luận với Trung Quốc về việc “dân chủ” của Hong Kong nhằm tác động tới tương lai của Trung Quốc nhiều hơn đối với tương lai của Hong Kong. Tương tự, những người Mỹ theo phái tự do chỉ trích Singapore không phải vì họ quan tâm đến dân chủ và nhân quyền cho 3 triệu người dân của chúng tôi mà vì họ cho rằng chúng tôi là tiền lệ xấu cho Trung Quốc.

Từ năm 1993 đến năm 1997, chính sách của Clinton đối với Trung Quốc trải qua một sự thay đổi lớn. Đây là kết quả của cuộc khủng hoảng do sự thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan vào tháng 3/1996 và sự phản ứng của Mỹ bằng việc đưa hai đội tàu sân bay tới hải phận phía đông Đài Loan. Sự cách biệt này đã dẫn đến một sự xem xét lại lập trường của cả Trung Quốc và Mỹ. Sau nhiều cuộc tranh luận căng thẳng giữa các viên chức an ninh cấp cao của họ, mối quan hệ đã trở nên ổn định. Chủ tịch Giang Trạch Dân đã thực hiện một chuyến thăm thành công đến Washington vào tháng 10/1997, và Tổng thống Clinton cũng đáp lại bằng một cuộc viếng thăm đến Bắc Kinh vào tháng 6/1998, và ông đã ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy Giang sẵn sàng trả lời cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp tại Washington. Khi ông đến Hong Kong trên đường về, ông nói Chủ tịch Giang Trạch Dân là “một người thông minh khác thường, có năng lực cao và tràn đầy sức sống. Ông có một phẩm chất hết sức quan trọng vào thời điểm lịch sử này của chúng tôi. Ông có một trí tưởng tượng tốt. Ông có một tầm nhìn, ông có thể mường tượng ra một tương lai khác xa với hiện tại.”

Tuy nhiên trong vòng vài tháng, sự nhiệt tình ấy trở nên lạnh nhạt khi bản báo cáo của Ủy ban Thượng viện điều tra vụ thất thoát bí mật tên lửa hạt nhân đã đổ lỗi sự việc này cho hoạt động tình báo của Trung Quốc. Sự tiết lộ bí mật của bản báo cáo đã gây nên tâm trạng thù địch trong Quốc hội đến nỗi Tổng thống Clinton đã bỏ qua lời đề nghị của Thủ tướng Chu Dung Cơ vào tháng 4/1999 ở Washington để kết thúc vụ Trung Quốc gia nhập WTO. Trong vòng hai tuần, vào tháng 5, Mỹ ném bom tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrade, một sai lầm bi thảm. Mối quan hệ trở nên gay gắt. Mối quan hệ gay go này giữa một quốc gia quyền lực nhất thế giới với một quốc gia có khả năng trở thành quốc gia quyền lực nhất thế giới trong tương lai gây lo lắng đối với tất cả các quốc gia ở châu Á.

Quan hệ Trung – Mỹ thay đổi theo chiều hướng đầy hứa hẹn vào tháng 11/1999 khi họ thỏa thuận về những điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Việc gia nhập của Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể các mối liên kết kinh tế của nó, dựa trên khuôn khổ các nguyên tắc được thiết lập với Mỹ và các nước thành viên khác. Điều này dẫn đến mối quan hệ lợi ích qua lại.

Thỉnh thoảng, chính quyền Mỹ có thể khó hợp tác như trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Clinton (1993–1996). Sau vụ rắc rối Michael Fay, Singapore đột nhiên trở thành người không được chấp nhận bởi vì chúng tôi không chịu theo đường lối tự do kiểu Mỹ đối với việc làm thế nào trở thành một đất nước dân chủ và phát triển. Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng tôi đã trở nên nồng thắm trở lại sau cuộc khủng hoảng tiền tệ vào tháng 7/1997. Mỹ nhận thấy chúng tôi là một người đối thoại có ích. Singapore là quốc gia duy nhất trong khu vực có nguyên tắc pháp luật và điều lệ ngân hàng vững chắc với sự giám sát chặt chẽ đã khiến Singapore có khả năng trụ vững được trước sự tuôn chảy tư bản hàng loạt ra khỏi khu vực. Tại một cuộc họp khối APEC ở Vancouver vào tháng 11/1997, Tổng thống Clinton chấp nhận lời đề nghị của Thủ tướng Goh Chok Tong tổ chức một cuộc họp đặc biệt các quốc gia bị ảnh hưởng và các thành viên G–7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế và giúp họ chấn chỉnh lại các hệ thống ngân hàng và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Bộ Tài chính G22 được tổ chức ở Washington tháng 4/1998.

Khi cuộc khủng hoảng ở Indonesia trở nên trầm trọng hơn, các quan chức chủ chốt của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ có hội ý kín với các quan chức của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao của chúng tôi nhằm cố gắng chặn đứng sự giảm giá đồng rupi của Indonesia. Tổng thống Clinton đã điện cho Thủ tướng Goh trước khi ông cử Thứ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers đến gặp Tổng thống Suharto vào tháng 1/1998. Vào tháng 3/1998, Clinton cử cựu Phó Tổng thống Mondale với tư cách là người đại diện cho cá nhân Tổng thống để giải thích sự trầm trọng của tình hình với Suharto. Những nỗ lực của họ đều thất bại vì Suharto không bao giờ hiểu được Indonesia đang trở nên khốn khổ như thế nào sau khi ông ta cho mở tài khoản vốn và cho phép các công ty Indonesia vay khoảng 80 tỷ đôla Mỹ từ các ngân hàng nước ngoài.

Vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính này, Singapore mở rộng tự do hơn cho các khu vực tài chính. Những gì chúng tôi làm là hoàn toàn theo nhận thức của riêng chúng tôi, nhưng nó trùng hợp với quy định của IMF và của Bộ Tài chính Mỹ về việc làm thế nào để phát triển một thị trường tài chính tự do. Chúng tôi được người Mỹ khen ngợi như là một tấm gương của một nền kinh tế tự do cởi mở.

Sẽ có sự thăng trầm trong mối quan hệ của Singapore với Mỹ bởi vì chúng tôi không thể luôn theo đuổi cách thức và hành động của họ như một mô hình cho sự tiến bộ. Singapore là một đảo nhỏ, dân cư đông đúc, định vị tại một khu vực không yên ổn, và nó không thể được quản lý giống Mỹ. Tuy nhiên, đây là những khác biệt nhỏ so với giá trị của sự có mặt của Mỹ ở châu Á, vốn bảo đảm an ninh và ổn định và làm cho nền kinh tế có khả năng phát triển. Mỹ thúc đẩy sự phát triển này bằng cách mở rộng thị trường đối với những mặt hàng xuất khẩu từ các quốc gia không theo chủ nghĩa cộng sản. Nếu Nhật chiến thắng trong cuộc chiến tranh, thì chúng tôi sẽ bị biến thành nô lệ. Nếu Mỹ không tham gia vào Thế chiến Thứ hai và người Anh tiếp tục tư cách là một cường quốc chính ở châu Á thì Singapore và khu vực sẽ không công nghiệp hóa một cách dễ dàng như vậy. Nước Anh không để cho các thuộc địa của mình tiến bộ về mặt công nghiệp.

Khi Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến Triều Tiên, đe dọa nền hòa bình và ổn định ở Đông Á, người Mỹ đánh trả lực lượng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và dừng lại ở vĩ tuyến 38. Họ giúp Nhật tái xây dựng đất nước bằng viện trợ và các nguồn đầu tư và tạo điều kiện cho sự công nghiệp hóa của Nam Triều Tiên và Đài Loan. Mỹ tiêu phí máu và tiền bạc ở Việt Nam từ 1965 đến 1975 hầu ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Các công ty của người Mỹ đến Đông Nam Á để tạo những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho lực lượng Mỹ ở Việt Nam. Sau đó họ xây dựng những nhà máy sản xuất không liên quan gì đến chiến tranh Việt Nam, và xuất khẩu các sản phẩm của họ qua Mỹ. Đây là khởi sự của quá trình công nghiệp hóa ở Đông Nam Á, trong đó có Singapore.

Tinh thần rộng lượng của Mỹ nảy sinh từ tính lạc quan bẩm sinh rằng họ có thể cho và vẫn có nhiều hơn để cho. Không may, tinh thần này suy yếu vào cuối thập niên 80 do sự thâm hụt ngân sách và mậu dịch. Để hiệu chỉnh những thiếu hụt, Mỹ yêu cầu rằng Nhật và các NIE37 khác mở cửa thị trường của họ, nâng giá tiền tệ, nhập khẩu nhiều mặt hàng của người Mỹ hơn và trả tiền bản quyền cho tài sản trí tuệ.

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Mỹ trở nên cực đoan và giáo điều. Họ muốn khuyến khích nền dân chủ và nhân quyền ở khắp nơi, trừ nơi mà nó sẽ gây tổn hại đến chính họ như ở bán đảo Ả Rập nhiều dầu lửa. Ngay cả như thế thì Mỹ vẫn là nước nhân từ nhất trong tất cả các cường quốc, tất nhiên là nhẹ tay hơn so với bất kỳ cường quốc mới nổi nào. Do đó, cho dù bất kỳ sự khác biệt và bất đồng nào đi chăng nữa, tất cả các nước không cộng sản ở Đông Á đều thích Mỹ làm đối trọng chi phối cán cân quyền lực của khu vực hơn.

Sự dè dặt của tôi trong những năm 60 xung quanh quan hệ trực tiếp với người Mỹ là vì họ hành động như thể sự giàu có của họ có thể giải quyết mọi vấn đề. Nhiều quan chức của họ lúc đó hỗn xược và thiếu kinh nghiệm nhưng tôi lại nhận ra rằng làm việc với họ dễ hơn là tôi tưởng. Tôi không cần các thông dịch viên để hiểu họ. Họ cũng có thể hiểu tôi một cách dễ dàng. Nếu các bài diễn văn của tôi chỉ bằng tiếng Hoa hay tiếng Malay thì Bill Bundy, trợ lý Bộ trưởng về Đông Á, hẳn sẽ không đọc chúng và không khởi xướng mối quan hệ giữa chúng tôi với chính quyền Mỹ, bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa tôi với Tổng thống Johnson vào tháng 10/1967. Tôi may mắn được quan hệ thân thiện với hầu hết các vị tổng thống Mỹ và những phụ tá chính của họ, đặc biệt là các bộ trưởng. Vài người vẫn duy trì tình bạn với chúng tôi ngay cả sau khi họ đã rời khỏi chức vụ. Cùng làm việc vì các mục tiêu chung, chúng tôi tin tưởng lẫn nhau và trở thành bạn tốt của nhau.

Tuy nhiên, tiến trình chính trị của Mỹ có thể đang làm nản lòng những người bạn của Mỹ. Trong vòng 25 năm, tôi đã chứng kiến các vụ kiện bôi nhọ bắt đầu chống lại hai Tổng thống người Mỹ – Nixon năm 1974 và Clinton năm 1998. May mắn thay, không có tổn hại lớn đối với tình trạng đoàn kết. Nguồn gốc của mối lo lắng lớn chính là tốc độ thay đổi của các chính sách ở Washington cùng với những thay đổi các nhân vật quan trọng. Điều đó tạo ra các mối quan hệ không đoán trước được. Theo các nhà ngoại giao thân thiện ở Washington, các gương mặt mới này mang lại những ý tưởng mới và hành động như một “cơ chế tẩy rửa” nhằm ngăn chặn tình trạng củng cố hoặc xơ cứng của giới cầm quyền. Tôi cho rằng chỉ có một đất nước được thiết lập vững chắc và giàu có như Mỹ mới có thể vận hành một hệ thống như thế.

Bất kể tính công khai của tiến trình chính trị Mỹ, không một quốc gia nào biết được Mỹ sẽ phản ứng như thế nào đối với một cuộc khủng hoảng trong khu vực của họ trên thế giới. Nếu tôi là người Bosnia hay Kosovo, thì tôi sẽ không bao giờ tin rằng Mỹ sẽ dính líu vào Ban–căng. Nhưng họ đã nhúng tay vào, không phải để bảo vệ quyền lợi quốc gia cơ bản của Mỹ, mà là để giữ gìn nhân quyền và chấm dứt các tội ác phi nhân bản do chính phủ tối cao chống lại chính người dân của nó. Liệu rằng một chính sách như thế có thể chống đỡ được hay không? Và có thể được áp dụng khắp thế giới? Tại Rwanda, châu Phi, nó đã thất bại. Do đó, những người bạn Mỹ tiếp tục nhắc nhở tôi rằng chính sách đối ngoại của họ thường không phải được điều khiển bởi mối quan tâm về lợi ích chiến lược quốc gia, mà bởi thông tin đại chúng của họ.

Mặc dù có nhiều sai lầm và nhược điểm, Mỹ cũng đã thành công và thành công ngoạn mục. Vào những năm 70 và 80, các ngành công nghiệp của Mỹ giảm sút so với các ngành công nghiệp của Nhật và Đức, nhưng họ trở lại mạnh mẽ không ngờ vào những năm 90. Các công ty kinh doanh của người Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng máy vi tính và công nghệ thông tin. Họ đã khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số để san bằng và cơ cấu lại các tổ chức của họ, và gia tăng năng suất đến mức chưa từng có trước đây đồng thời vẫn giữ lạm phát thấp, lợi nhuận tăng mà vẫn đi trước người châu Âu và người Nhật trong cuộc cạnh tranh. Sức mạnh của họ là ở tài năng của họ, được nuôi dưỡng trong các trường đại học, những nhóm chuyên gia cố vấn, và trong các phòng thí nghiệm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của các công ty đa quốc gia của họ. Và họ đã lôi cuốn được một số trí tuệ sáng suốt nhất từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm nhiều người từ Ấn Độ và Trung Quốc, đến những khu vực phát triển cao, mới như thung lũng Silicon. Không một quốc gia châu Âu hoặc châu Á nào có thể cuốn hút và hấp thu nhân tài người nước ngoài dễ dàng như vậy. Điều này cho Mỹ một lợi thế quý giá, giống như có một nam châm để kéo về những con người giỏi nhất, thông minh nhất thế giới.

Phải mất một thời gian đáng kể để châu Âu công nhận tính ưu việt của nền kinh tế thị trường tự do của người Mỹ, đặc biệt là triết lý kinh doanh trong việc tập trung vào tỷ lệ lãi trên vốn cổ phần. Các ủy viên ban quản trị người Mỹ bị buộc phải không ngừng tìm cách làm tăng giá trị cổ đông thông qua tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Cái giá của hệ thống thành tích cao – phần thưởng cao này là xã hội người Mỹ bị phân hóa nhiều hơn xã hội châu Âu và Nhật Bản. Hai xã hội này không có giai cấp thấp tương đương như xã hội Mỹ. Nền văn hóa kinh doanh của châu Âu coi trọng sự thống nhất và hòa hợp xã hội. Các công ty Đức có các đại diện công đoàn trong ban quản trị của họ. Nhưng họ lại phải trả giá là tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư thấp hơn và giá trị cổ đông tệ hơn. Người Nhật thuê nhân công dài hạn và đánh giá cao lòng trung nghĩa của người làm công đối với họ và ngược lại. Mặt hạn chế là sự thừa nhân viên và mất tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, vào những năm 90, nhiều công ty châu Âu ghi tên vào Sở giao dịch chứng khoán New York. Điều này đòi hỏi họ tập trung vào lãi và giá trị cổ đông hàng quý. Việc chấp nhận những tiêu chuẩn của Mỹ trong việc quản lý công ty là sự ca ngợi mà những người châu Âu dành cho người Mỹ.

Miễn là kinh tế Mỹ dẫn đầu thế giới và Mỹ vẫn đi đầu trong đổi mới và kỹ thuật thì liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc cũng không thể thay thế vị trí ưu việt hiện tại của Mỹ.

Chọn tập
Bình luận