Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 37: Trung Quốc Bên Ngoài Bắc Kinh

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Trong thập niên 80 và 90, hầu như năm nào tôi cũng đi thăm Trung Quốc để am tường hơn các động cơ và tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Bởi vì khởi đầu từ lập trường đối địch nhau nên chúng tôi cần có thời gian và sự tác động qua lại sâu sắc hơn để thúc đẩy mối tin cậy trong quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc đã xuất khẩu cách mạng nhằm biến Singapore thành một nhà nước cộng sản chủ nghĩa. Trong khi họ đang căng thẳng với Việt Nam, họ cần có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Chính trong thời kỳ này, từ năm 1978 đến 1991, chúng tôi đã thay đổi nhận thức về nhau. Trong mỗi chuyến đi, tôi bỏ ra hơn một tuần đi thăm một vòng các tỉnh và được một bộ trưởng trẻ tuổi Trung Quốc đi cùng. Đi cùng ông ta qua khắp nước Trung Quốc trong vòng từ 8 –10 ngày trên một chiếc phi cơ dành cho nhân vật quan trọng, trải qua nhiều giờ đồng hồ bên nhau, tôi có được một sự hiểu biết tốt hơn về tư tưởng và nguồn gốc của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vợ ông ta thường đi cùng Choo.

Cũng trong một chuyến thăm như vậy vào năm 1980, tôi nhận thấy Trung Quốc là một nước rất khác lạ. Con gái tôi Wei Ling ngạc nhiên mà thú vị. Nó đã tham quan Bắc Kinh và nhận thấy một tâm trạng thoải mái hơn trước của những người dân Trung Quốc mà nó gặp; bây giờ thì chủ tịch Mao đã qua đời và Bè lũ Bốn tên đã bị gạt bỏ. Cả các quan chức và quần chúng nhân dân được tự do hơn và thoải mái hơn khi nói chuyện với nó. Tôi còn nhớ một vài cảnh quan rất đẹp mà chúng tôi đã đến thăm như Thừa Đức, phủ nghỉ hè của Hoàng đế Càn Long và Dương Tử Tam Hiệp. Chuyến đi xuôi dòng Dương Tử từ Trùng Khánh (trước đây là thủ phủ của Tưởng Giới Thạch trong thời kỳ Thế chiến Thứ hai ở Tứ Xuyên) xuống đến Nghi Xương, nơi Tam Hiệp đổ ra biển, mất hết một ngày rưỡi. Ngước nhìn lên, tít trên cao, trên bề mặt thẳng đứng của vách đá dốc đứng, những dòng đại tự của Trung Quốc được khắc từ hàng nghìn năm trước để tưởng niệm những sự kiện và những tư tưởng khiến ta có cảm giác kinh sợ. Ta nghe như tiếng vang của lịch sử của một dân tộc chiến đấu chống lại những thế lực hung ác hùng mạnh. Đáng sợ hơn nữa là hình ảnh những con người đang làm việc như những súc vật thồ, kéo xà lan và những con tàu nhỏ như họ đã làm từ nghìn xưa. Cả đoàn người với những sợi dây thừng trên vai và lưng kéo những con thuyền ngược dòng hàng dặm. Thời gian tựa hồ vẫn đứng im và những máy móc được sử dụng ở các nơi khác trên thế giới đã bỏ qua họ.

Trong chuyến đi lần đó chúng tôi được Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Niệm Long và vợ ông ta tháp tùng. Cả hai người đều là những bạn đồng hành thân thiện, có năng lực và thông thạo. Lớn hơn tôi 10 tuổi nhưng ông ta rất hoạt bát, ứng xử nhanh nhẹn. Ông ta người nhỏ nhắn, quần áo luôn gọn gàng, có vẻ rất sành điệu trong ăn mặc kiểu châu Âu, lúc nào cũng mặc vét có gi–lê. Ông ta hiểu được tiếng Anh và tính tình dí dỏm. Trong chuyến thăm thứ hai, ông ta đã chỉ cho tôi biết thêm nhiều điều khiến tôi cảm thấy chuyến thăm rất thú vị. Ông ta phụ trách các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột với Việt Nam. Ở ông ta tôi nhận thấy người Việt Nam đang trực diện với một đối thủ đáng gờm. Ông ta rất am hiểu các vấn đề liên quan đến Việt Nam và Campuchia. Trung Quốc sẽ kìm chặt Việt Nam và làm cho họ phải kiệt quệ trong những năm tới, dù lâu dài đến đâu cũng vậy. Chúng tôi nói chuyện hàng giờ trong các bữa ăn trên con tàu. Họ có khẩu vị đơn giản và sau những ngày ăn uống thịnh soạn mà được cùng họ dùng một tô mì sợi thì quả là thoải mái. Chúng tôi được mời ăn những món yến tiệc cao lương mỹ vị nhưng chúng tôi yêu cầu cho ăn đơn giản. Ông ta người Quý Châu, nơi sản xuất rượu Mao Đài, thứ rượu rất nổi tiếng, mạnh hơn cả Vodka, là một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Tôi có vấn đề sức khỏe, thức uống này tôi đến phải kính nể vì cái vị ngon của nó – uống nó vào, tác dụng lâu lắm, ngay cả sau một bữa ăn thịnh soạn cũng chưa hết cảm giác của rượu. Mao Đài được uống thoải mái nhưng tôi gọi bia.

Chuyến tham quan trường đại học ở Vũ Hán, một trong những thành phố công nghiệp lớn của Trung Quốc dọc sông Trường Giang là một kỷ niệm buồn. Một số giáo sư mà chúng tôi gặp đã được học ở Mỹ. Mặc dù đã lớn tuổi và tiếng Anh thì bị mai một, nhưng hiển nhiên họ vẫn là những người uyên bác, ưu tú. Trong thư viện, Ling, lúc đó là một sinh viên y khoa, nói chuyện với một anh chàng đang đọc một cuốn sách sinh vật bằng tiếng Anh. Ling xin xem và nhận thấy quyển sách in vào những năm 50. Ling không tin. Làm sao họ lại có thể đọc một cuốn sách sinh vật đã lỗi thời xuất bản cách đây 30 năm? Nhưng họ đã bị đóng cửa hơn 30 năm; và mới được mở cửa với phương Tây, nên họ không có ngoại tệ để mua sách giáo khoa và báo chí mới nhất. Và họ chẳng có máy photocopy. Để xóa hết sự cách biệt to lớn về tri thức giữa họ và thế giới phát triển sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Cuộc Cách mạng Văn hóa đã khiến họ tụt hậu cả một thế hệ. Sinh viên ngày nay hồi phục từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa, phải học những quyển sách giáo khoa cũ kỹ, thầy cô thì sử dụng những phương pháp giảng dạy lỗi thời, không có giáo cụ nghe nhìn. Ở đây có lẽ lại mất thêm một nửa thế hệ nữa. Vâng, đúng là những người thông minh nhất trong số họ sẽ làm nên chuyện mặc dù phải chịu những điều bất lợi. Nhưng một xã hội công nghiệp đòi hỏi toàn bộ dân số phải có học chứ không phải chỉ cần có một số ít người lỗi lạc.

Sau bữa tối đón mừng chúng tôi ở Vũ Hán, ông bà Hàm Niệm Long cùng tất cả các quan chức đi cùng chúng tôi đều biến mất. Chúng tôi băn khoăn không biết có chuyện gì nên cho người của mình đi tìm hiểu. Họ báo cáo lại rằng người ta đang vây quanh chiếc ti–vi ở phòng khách, xem xét xử Bè lũ Bốn tên. Đó là lúc báo thù đối với những kẻ đã khủng bố họ trong nhiều năm, và bây giờ sắp phải nhận lấy một sự trừng phạt thích đáng.

Chúng tôi bước vào phòng khách của mình để xem. Một kiểu xử án Trung Quốc rập khuôn Liên Xô thời Stalin mà tôi đã từng được xem, chỉ có điều sẽ và không còn tự thú tội. Giang Thanh, vợ góa Mao Trạch Đông, trông có vẻ ngang ngạnh, dữ tợn, nói nhiều, gần như quát tháo, thét lên khi bà chỉ thẳng vào mặt tất cả các vị bồi thẩm và xỉ vả họ. Khi Mao còn là chủ tịch, họ là những con chó hễ ông ta bảo sủa là sủa. Làm sao họ dám phán quyết bà ta! Bà ta vẫn là một người đàn bà ương ngạnh, trâng tráo, dữ dằn, như khi bà quất roi đen đét hồi Mao còn sống.

Trong suốt phần cuối cuộc hành trình, Bè lũ Bốn tên và những hành động quỷ quái của chúng trở thành đề tài của vô số những cuộc trò chuyện giữa các quan chức Trung Quốc và các thành viên trong đoàn chúng tôi. Một số người kể lại những chuyện đau buồn mà họ đã phải trải qua. Thật kinh khủng, sao một nền văn minh lâu đời từ xa xưa lại có thể bị đẩy vào một trạng thái điên dại mà lúc đó người ta hãnh diện gọi là Cách mạng Văn hóa!

Nhiều việc khác cũng sai lệch. Một quan chức cấp tỉnh, lớn tuổi, thái độ thân thiện, người Phúc Kiến – một tỉnh phía Nam – trong khi tháp tùng tôi qua Vũ Hán, đã chỉ vào một tòa nhà đang xây sắp hoàn thành và nói: “Đại tử lầu” nghĩa là cao ốc cho hoàng tử. Tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Ông giải thích rằng “hoàng tử” nghĩa là con trai của các quan chức quan trọng trong tỉnh và thành phố. Ông ta lắc đầu và nói thế là lỗi về đạo lý nhưng ông ta không thể gì làm được. Tuy không nói ra, ông cũng đã thừa nhận rằng đó là một sự quay trở lại nước Trung Quốc xưa, nơi quyền lực luôn luôn đồng nghĩa với đặc ân và đặc ân có nghĩa là bổng lộc cho gia đình, người thân và bạn bè.

Trong số những lần dừng chân khác, lần dừng chân ở Hạ Môn và Gulangyu (theo tiếng địa phương Phúc Kiến là Amoy và Kulangsu) thì thật là đáng nhớ. Lần đầu tiên ở Trung Quốc, chúng tôi nghe được cái giọng nói phương ngữ giống tiếng Singapore. Tôi đã phải mất nhiều năm học thứ tiếng đó để tranh cử và vì vậy rất vui khi nghe họ nói với nhau theo giọng mà thầy tôi đã dạy tôi, cái giọng Hạ Môn lai lai của những người Phúc Kiến đã tiếp xúc với giới thương nhân và các nhà truyền đạo phương Tây trước chiến tranh.

Tại Gulangyu, một hòn đảo sát kề Hạ Môn, chúng tôi được cho xem hai căn nhà một tầng thuộc về chính phủ Singapore. Hai ngôi nhà này do chính quyền thuộc địa mua trước Thế chiến thứ hai để làm nhà ở cho các viên chức thuộc địa Anh được cử đến Amoy học tiếng Phúc Kiến. Những gì chúng tôi nhìn thấy là hai tòa nhà đã đổ nát, mỗi tòa có 4 hoặc 5 gia đình cư ngụ, gấp nhiều lần so với số người mà người ta dự kiến tòa nhà có thể chứa được. Họ vội vàng cam đoan với chúng tôi là họ sẽ sửa sang lại và trao trả cho chúng tôi (Hon Sui Sen, Bộ trưởng Tài chính của tôi, sau này có nói với tôi là ông ta nghe được những câu chuyện khủng khiếp về các vị chủ nhà sau khi lấy lại được nhà cửa của mình đã phải trả những khoản tiền lương chăm sóc nhà cửa còn nợ của những người ở trong các nhà này từ năm 1949.) Gulangyu đáng được ghi nhận như là một di tích về thời người Âu cai trị. Có mọi kiểu kiến trúc châu Âu. Một số nhà lớn là sở hữu của các Hoa kiều giàu có trở về nước trước chiến tranh để dưỡng già ở đây. Họ đã sử dụng các kiến trúc sư của Pháp và Ý để xây những ngôi nhà đẹp đẽ một thời này với những cầu thang lượn và tay vịn bằng cẩm thạch, trong nhà ngoài nhà đều có các tượng cẩm thạch trang trí như thể họ đang ở Florence hay Nice vậy. Gulangyu hẳn đã là một ốc đảo sang trọng trước khi bị quân Nhật chiếm đóng năm 1937 cùng với Thượng Hải.

Ông bà Hàm Niệm Long chỉ tay qua eo biển theo hướng Kim Môn (Quemoy), một hòn đảo do Đài Loan kiểm soát. Vào những ngày quang đãng có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Đúng như điều mà Tổng thống Tưởng Kinh Quốc trước đó đã nói với tôi khi ông ta đưa tôi đến Kim Môn và chỉ tay thẳng qua eo biển về phía Gulangyu. Chỉ trước đó vài năm, người Đài Loan đã dùng những quả khinh khí cầu để gửi những thùng thực phẩm, những băng cassette ghi nhạc pop do các ca sĩ Đài Loan hát, trong đó có Teresa Teng, ngôi sao nhạc pop đứng đầu bảng xếp hạng của họ và những tờ truyền đơn tuyên truyền từ Kim Môn sang Gulangyu. Trong những năm 50 và 60 họ đã đấu pháo qua lại. Trong những năm 80, họ dùng loa phóng thanh chửi bới nhau qua eo biển.

Sự khác biệt về mức sống giữa Đài Bắc ở Đài Loan và Hạ Môn Phúc Kiến rất rõ ràng. Một bên được nối kết với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Nhật bằng tư bản, kỹ thuật, tri thức, chuyên gia nước ngoài và những sinh viên của họ trở về từ Mỹ và Nhật đang xây dựng một nền kinh tế hiện đại. Bên kia thì lê bước chậm chạp, tự hào về sự tài giỏi của mình trong nông nghiệp dựa trên những kiến thức của thập kỷ 50, hiếm thấy có máy móc nông nghiệp, phương tiện thông tin liên lạc lại tồi tàn và mức sống thấp.

Nấu ăn vẫn theo lối quen thuộc nhưng có hơi khác. Bữa trưa họ làm món baobing chính gốc, măng tre non được xắt lát mỏng cuộn trong một cái bánh xếp để tạo thành một cái bánh cuốn xào lên và ăn kèm với những loại rau và gia vị cần thiết. Nó khác với cách của Singapore. Họ có tất cả những loại kẹo quen thuộc, chẳng hạn như kẹo đậu phộng ép giòn được cuộn lại như bánh cuốn Thụy Sĩ, ngon hơn loại chúng tôi ăn ở Singapore. Tất cả chúng tôi đều biết rằng đây là quê hương của hầu hết tổ tiên của chúng tôi. Dù làng mạc của họ ở bất kỳ nơi nào trong tỉnh Phúc Kỉến, để đi ra biển Nam Hải đa phần họ đã đến Hạ Môn, một khu định cư quốc tế, để rồi lên những con tàu lớn đi về phương nam tới Nanyang (Nam Dương).

Từ Hạ Môn, chúng tôi tiếp tục bay đi Quảng Châu, sau đó trở lại Hong Kong bằng xe lửa. Đến lúc này thì họ đã chấm dứt hô hào thường xuyên qua loa phóng thanh và những bài diễn văn đơn điệu, lặp đi lặp lại về “những kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” và những lời sáo rỗng khác của Bè lũ Bốn tên. Người Trung Quốc cũng đã ít khắt khe hơn về cách ăn mặc của họ. Một lần khi rời Bắc Kinh, tôi thấy các nữ phiên dịch tháp tùng chúng tôi mặc những chiếc áo vải hoa và quần vải mỏng hay váy là những thứ mà năm 1976 họ không mặc. Nước Trung Quốc của Mao đang đi vào lịch sử. Những thói quen cũ của người Trung Quốc sẽ trở lại; một ít thói quen tốt, và không ít thói quen xấu, như chúng tôi phát hiện ra trong chuyến thăm kế tiếp năm 1985: tham nhũng, thói ưu ái người nhà và thiên vị đang ngày càng phát triển, đó là những căn bệnh đã luôn luôn đe dọa Trung Quốc.

Lần này chúng tôi ra về với một ấn tượng tốt đẹp hơn. Các vị đại diện nước chủ nhà cũng cảm thấy thoải mái, họ ăn uống ngon lành và chuyện trò vui vẻ với chúng tôi. Họ sẵn sàng nói chuyện về cái thập niên tai họa wen ge – văn cách, chữ nói tắt, có nghĩa là Cách mạng Văn hóa vĩ đại. Các nhà lãnh đạo và các quan chức chúng tôi gặp đều cởi mở và thoải mái, sẵn sàng bàn luận về những sai lầm của họ trong quá khứ và những khó khăn trong tương lai. Những khẩu hiệu từng được dán khắp Bắc Kinh và các thành phố khác và những tấm áp phích khổng lồ dựng trên những cánh đồng lúa và lúa mì ngày càng ít đi. Giờ đây chỉ có một số khẩu hiệu khiêm tốn hô hào mọi người hãy làm việc tích cực cho Bốn hiện đại hóa. Họ đang dần dần trở nên tự nhiên hơn, giống các xã hội khác nhiều hơn.

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã nhận thức được rằng do Cách mạng Văn hóa mà họ đã mất đi cả một thế hệ. Họ đã quay lưng lại với niềm tin của Mao về cách mạng không ngừng. Họ cần những mối quan hệ ổn định với các nước khác để có được sự hợp tác kinh tế và giúp đỡ Trung Quốc khôi phục lại. Tôi nghĩ chắc gì sau một thế hệ nữa Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia hiện đại.

Tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều khác nhau về địa lý, kinh tế, giáo dục và trình độ năng suất. Những mối bận tâm của các tỉnh trưởng cũng khác nhau. Mãi sau khi đến thăm Đôn Hoàng, đầu mối của con đường tơ lụa để xem những hang động thờ Phật nổi tiếng đã bị bỏ hoang phế nhiều thế kỷ, tôi mới nhận ra mức độ khô, bụi và cằn cỗi của miền bắc Trung Quốc. Khi Tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc cho tôi cưỡi lạc đà đến vùng “Những đụn cát hát”, không xa Đôn Hoàng lắm, tôi mới nhận ra rằng chúng tôi đang ở rìa sa mạc Gobi và Taklamakan. Giống lạc đà Bactri của họ là lạc đà hai bướu, lông bờm xờm trông rất đẹp, thanh tú hơn giống lạc đà một bướu ở bán đảo Ả Rập. Phong cảnh với những đụn cát cao trông thật đẹp, tuy là hoang vắng; nhưng cuộc sống đã và vẫn còn khó khăn.

Những chuyến đi tham quan này cho chúng tôi thấy vì sao trong một đất nước rộng bao la và dân cư dày đặc như vậy mà lòng gắn bó với tình nhà lại rất mạnh mẽ. Giọng nói, bữa ăn và những tập quán xã hội của họ rất khác nhau. Những con người thuộc tầng lớp ưu tú không thể biết nhau như những người cùng tầng lớp như họ ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Mỹ có thể là một châu lục nhưng dân số không đông bằng và các phương tiện thông tin liên lạc tuyệt vời đã cho phép những nhân vật thuộc tầng lớp ưu tú của họ gặp gỡ và giao lưu một cách thường xuyên. Trung Quốc là một nước quá đông dân và trước những năm 80 khi họ chưa xây dựng các sân bay và nhập máy bay của phương Tây, thì các phương tiện thông tin liên lạc tồi tàn đến nỗi họ sống trong những thế giới tách biệt. Vì thế mỗi vị lãnh đạo khi leo tới đỉnh cao ở Bắc Kinh đều mang theo, trong khuôn khổ cho phép, càng nhiều đồng chí của mình ở cùng tỉnh càng tốt miễn là không gây ra bất bình từ phía những người bị loại ra. Các đồng chí cùng tỉnh hiểu và có thể đọc được ý nghĩ của lãnh tụ của họ.

Giữa các tỉnh luôn có sự kình địch quyết liệt với nhau. Mỗi tỉnh trưởng sẽ báo cáo liến láu những con số thống kê cơ bản của tỉnh mình: diện tích đất đai, dân số, đất trồng trọt, lượng mưa, sản lượng nông nghiệp hàng năm, dịch vụ công nghiệp và vị trí xếp loại của tỉnh trong số 30 tỉnh đối với từng mục riêng, bao gồm cả tổng GDP. Giữa các thành phố cũng có sự kình địch quyết liệt như vậy. Mỗi thị trưởng sẽ kể lể những con số thống kê quan trọng của thành phố và vị trí xếp loại trong số các thành phố. Việc xếp hạng do chính quyền trung ương quyết định nhằm khuyến khích cạnh tranh. Sự cạnh tranh dường như quá quyết liệt khi các nhà lãnh đạo cố gắng cải thiện vị trí của mình bằng mọi cách, thậm chí bằng chiến tranh thương mại. Một tỉnh phát triển nhanh như Quảng Đông cần nhập khẩu thực phẩm cho dòng công nhân “trôi nổi” từ các tỉnh khác đổ về đây; thì tỉnh kề bên lại từ chối bán ngũ cốc. Một tỉnh có nhà máy sản xuất xe máy thành công không thể xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các tỉnh lân cận vì những tỉnh này muốn bảo hộ các nhà máy sản xuất xe máy của tỉnh mình.

Tôi đã từng cho rằng hệ thống của họ được tạo ra là để trung ương thống nhất kiểm soát hoàn toàn. Nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra ở Trung Quốc. Từ các vương triều đầu tiên tới nay, chính quyền cấp tỉnh luôn luôn độc lập đáng kể trong việc diễn giải những sắc lệnh của hoàng đế và tỉnh nào càng xa trung ương thì càng tự do bấy nhiêu. Năm chữ shan gao, huang di yuan (núi thì cao, hoàng đế thì xa) diễn tả thái độ, tư tưởng hoài nghi của những thế hệ bất mãn, bị các nhà chức trách địa phương chèn ép. Chúng tôi có kinh nghiệm trực tiếp về điều này khi bắt tay vào một dự án lớn ở thành phố Tô Châu trong thập kỷ 90.

Tôi thấy rõ cung cách làm việc của chính phủ của họ nặng nề, nhiều tầng nhiều lớp, mỗi việc đều phải qua bốn cấp chính quyền – trung ương, tỉnh, thành phố hoặc hạt, và quận. Trên lý thuyết, những chỉ thị bằng văn bản từ trung ương được áp dụng bình đẳng trên toàn châu lục. Trên thực tế, cuộc chiến đấu nhằm giành được phần béo bở lại rất dữ dội và dẻo dai; bộ nào cũng khư khư bảo vệ quyền lợi và ra sức bành trướng thế lực của mình. Thường xuyên xảy ra các cuộc tranh đua giữa các bộ. Không có sự khác biệt giữa một công chức và một chính trị gia được bổ nhiệm. Đảng Cộng sản Trung Quốc là tối thượng nên bất kỳ ai có vai trò quan trọng đều phải có địa vị trong đảng. Để vươn lên làm một quan chức hay làm ăn thuận buồm xuôi gió trong một doanh nghiệp tư nhân thì danh hiệu đảng viên là vô giá.

Phẩm chất của những người điều hành Trung Quốc thật ấn tượng. Nếu được đào tạo và tiếp xúc với các nền kinh tế thị trường tự do, thì họ có thể sánh ngang hàng với nhà quản trị hàng đầu ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Họ có một đầu óc bao quát, có khả năng phân tích và nhanh nhạy. Ngay cả khi nói chuyện thông thường, sự trình bày khôn khéo của họ cho thấy một trí tuệ sắc sảo mà ta chỉ có thể cảm nhận đầy đủ một khi ta hiểu được tiếng Hoa.

Tôi nghĩ rằng ở các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tất nhiên có đầy đủ phẩm chất này, nhưng tôi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng ở các quan chức cấp tỉnh của họ, những bí thư đảng, tỉnh trưởng, thị trưởng và các quan chức cao cấp cũng có phẩm chất cao. Lớp dày những tài năng trải rộng trên khắp châu lục thật là ấn tượng. Những người đạt được vị trí cao không nhất thiết là một tầng lớp tách biệt với những người không thành đạt. Trong một đất nước đông dân như Trung Quốc, sự may mắn đóng một vai trò đáng kể trong việc đạt được vị trí cao cho dù họ có một quá trình tuyển lựa kỹ càng, thấu đáo, chú trọng về mặt năng lực và tính cách, chứ không còn căn cứ vào sự trong sạch về ý thức hệ hay nhiệt tình cách mạng như trong những năm tháng tai họa của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Một nhà hoạt động cách mạng trước đây đã giúp tôi hiểu thấu đáo cung cách bộ phận nhân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn nhân tài hàng đầu của họ. Mỗi người phải có một hồ sơ lưu hay lý lịch bắt đầu từ học bạ tiểu học; trong đó không chỉ ghi thành tích học tập ở trường mà còn có những nhận xét của thầy cô giáo của anh ta về tư chất, tính cách, tư cách đạo đức và thái độ. Qua mỗi giai đoạn công tác đều có ghi lại những nhận xét đánh giá của đồng nghiệp và cấp trên của anh ta. Mỗi lần có đề bạt, tất cả các ứng viên thích hợp đều được thẩm định trước khi bổ nhiệm. Ở cấp cao nhất của hệ thống tổ chức hình kim tự tháp là một nhóm người nòng cốt khoảng từ 5.000 đến 10.000 người được chọn lựa và xếp hạng cẩn thận bởi Ban tổ chức của Đảng Cộng sản chứ không phải của chính phủ. Để đảm bảo sự xếp hạng đúng đắn, các đội thanh tra từ trung ương sẽ xuống tận các tỉnh và thành phố để thẩm định những người thẩm định và phỏng vấn trực tiếp đối tượng trước khi anh ta được đề bạt. Trong trường hợp có bất đồng ý kiến, thì vấn đề sẽ được xem xét lại ở Bắc Kinh. Tiến trình tuyển chọn rất sâu sắc và toàn diện. Cuối cùng, ở vị trí cao nhất, việc đề bạt thăng tiến sẽ do chính nhà lãnh đạo quyết định, trên cơ sở đánh giá không chỉ công trạng mà còn lòng trung thành của ứng viên. Chính Đặng Tiểu Bình đã chọn Triệu Tử Dương làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và trên danh nghĩa là số một ở Trung Quốc. Và chính Đặng là người đã đảo ngược quyết định của mình sau vụ Thiên An Môn năm 1989.

Chọn tập
Bình luận
× sticky