Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 22: Những Quan Hệ Mới Với Liên Hiệp Anh

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Vào ngày 24/9/1975, tiếng trống kèn của người dân miền Cao nguyên Gordon đã vang lên trong buổi chia tay cuối cùng khi chiếc Mermaid của Hải quân Hoàng gia Anh rời khỏi căn cứ hải quân Sembawang. Nó chỉ là một chiếc tàu chiến có trọng tải 2.500 tấn – một bộ phận nhỏ bé của đội tàu chiến và tàu sân bay Hải quân Hoàng gia một thời đóng ở đó. Những binh lính Anh còn lại cũng rút ngay sau đó. Sự ra đi của họ đánh dấu sự kết thúc 150 năm ảnh hưởng về quân sự và chính trị của người Anh trong khu vực này.

Sức mạnh kinh tế của Mỹ, Nhật, Đức và Cộng đồng kinh tế châu Âu chiếm ưu thế đối với khu vực. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải xây dựng dần lên những mối liên kết với những cường quốc này từ đầu. Đối với cá nhân tôi, đó là một sự điều chỉnh khó khăn. Sau một đời gắn bó chặt chẽ, tôi hiểu rõ xã hội Anh và những nhà lãnh đạo của họ. Nghe đài BBC và đọc báo tiếng Anh trở thành một thói quen. Tôi đã có một mạng lưới những người bạn và những mối quen biết ở cả hai đảng Bảo thủ và Lao động. Thật dễ dàng sắp đặt một cuộc tiếp xúc và có sự đồng cảm. Sau sự rút quân của họ, tôi phải nghiên cứu và bắt đầu tìm hiểu về các nhà lãnh đạo người Mỹ cũng như phong cách và các tiêu chuẩn khác của giới truyền thông Mỹ, và để đạt được một vài sự hiểu biết về xã hội của họ, một xã hội rộng lớn hơn và đa dạng hơn rất nhiều. Làm được điều này với người Nhật, Pháp và Đức thậm chí còn khó hơn nữa bởi vì chúng tôi không nói cùng ngôn ngữ và cũng không hiểu được các phong tục của họ.

Những ràng buộc ngày xưa với nước Anh vẫn tiếp tục ngay cả khi chúng tôi mở rộng liên kết và thiết lập các mối quan hệ với các trung tâm kinh tế và quyền lực mới này, tuy nhiên, thật đáng buồn khi thấy ảnh hưởng kinh tế của Anh dần dần được thay thế bởi Nhật, Đức và Pháp. Đã nhiều lần, sự khôi phục nó bị trì hoãn bởi những cuộc bãi công của các nghiệp đoàn, xảy ra do sự đối kháng giai cấp chứ không chỉ là sự bất công về kinh tế. Tôi cho rằng một trở ngại lớn đối với việc điều chỉnh của nước Anh cho phù hợp với thời kỳ hậu đế chế là xã hội phân biệt giai cấp của nó. Việc xóa bỏ sự phân biệt giai cấp thật chậm chạp. Không còn địa vị đế quốc, Anh cần một chế độ nhân tài để giữ vị trí của nó như một quốc gia đứng đầu châu Âu, chứ không phải là một giai cấp thống trị tự tách mình khỏi giai cấp Lao động qua giọng nói, cung cách xã giao và các thói quen, hội bạn già, các câu lạc bộ và các ràng buộc Bảo thủ. Akio Morita là chủ tịch hãng Sony năm 1991 khi ông ta nói với tôi rằng Sony khó mà khiến được giới kỹ sư trong các công ty Anh chịu đi xuống các dây chuyền sản xuất. Các kỹ sư người Nhật đều bắt đầu từ cơ sở để kết thân và hiểu những công nhân sẽ làm việc dưới quyền của họ. Ông ta nói, những kỹ sư Anh thích làm việc trong các văn phòng riêng của họ hơn. Ý thức về những khiếm khuyết này, Thatcher – với cương vị là Thủ tướng, đã hạ thấp giai cấp và đẩy mạnh chế độ nhân tài. John Major, người kế nhiệm bà, nói đến một nước Anh “không giai cấp”, đảng Lao động mới của Thủ tướng Tony Blair muốn nước Anh từ bỏ ý thức giai cấp.

Những gì tồi tệ hơn là hệ thống phúc lợi xã hội do đảng Lao động đưa ra vào thập niên 40 và được đảng Bảo thủ chấp nhận trong sự nhất trí của cả hai đảng, đã bào mòn động cơ thúc đẩy sự tự cố gắng và vươn lên của người dân, không có lợi cho nền kinh tế. Hầu hết các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng chính, và thậm chí cả trong đảng Tự do, đều nhận thức được những ảnh hưởng làm suy yếu của hệ thống phúc lợi xã hội. Nhưng không ai giải quyết vấn đề này cho đến khi Margaret Thacher trở thành Thủ tướng.

Khi ảnh hưởng toàn cầu của Anh thu hẹp, thì quan điểm thế giới của các bộ trưởng và những nghị sĩ trẻ cũng thế. Vài người bạn cũ của tôi, những sĩ quan Anh đã từng chiến đấu trong thế chiến cuối cùng và đã từng phục vụ ở Singapore để bảo vệ chúng tôi chống lại sự đối đầu của Sukarno, đã so sánh những nhà lãnh đạo Anh thế hệ trước như những cây sồi với những cành vươn rộng và bộ rễ sâu. Họ mô tả những nhà lãnh đạo trẻ của họ là “những cây sồi kiểng”, cũng có hình dáng của cây sồi, nhưng bị thu nhỏ lại vì phạm vi cắm rễ của chúng đã co lại.

Việc điều chỉnh cho phù hợp với một vị trí quyền lực khác khá khó khăn đối với nước Anh. Chính đảng Bảo thủ được Margaret Thatcher dẫn đầu, được tiếp bước bởi John Major, đã làm đảo ngược chiều hướng tụt dốc. Các nhà doanh nghiệp Anh trở nên tự tin hơn và lấy sự phục hồi của họ ở Đông Nam Á, trong đó có Singapore làm mũi xung kích của cuộc phản công. Đảng Lao động quay trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 1997, thừa nhận những nguyên tắc kinh tế tương tự của thị trường tự do. Đảng này muốn cắt giảm phần của chính phủ trong toàn bộ giá trị tổng sản lượng quốc nội (GDP), khuyến khích xuất khẩu, tăng cường buôn bán và đầu tư ra nước ngoài để tạo công ăn việc làm ở Anh. Thắng lợi lớn của Margeret Thatcher và đảng Bảo thủ đã làm xoay chuyển được thái độ của dân chúng Anh. Điều này buộc đảng Lao động phải đổi mới.

Những thói quen và những quan hệ vốn đã hình thành từ lâu không dễ dàng thay đổi. Sinh viên của chúng tôi vẫn tiếp tục sang Anh để được học tập cao hơn. Khi tầng lớp trung lưu của Singapore phát triển, họ đã gởi con cái họ đến Anh để học đại học. Vào thập niên 90, khoảng 5.000 sinh viên Singapore đang theo học ở các trường đại học và các trường bách khoa ở Anh. Các sinh viên tốt nghiệp ở các trường Đại học Oxford và Cambridge vẫn chiếm ưu thế trong bộ phận ưu tú ở Singapore. Sức hút của lịch sử là nguyên nhân gây ra sự trì trệ về văn hóa này, một sự phản hồi chậm trễ đối với những hoàn cảnh đã thay đổi. Sau khi Anh rút quân thì cường quốc duy nhất còn lại ở Đông Á là Mỹ. Chúng tôi cần có những sinh viên giỏi nhất của mình được đào tạo tại đó để hiểu họ và kết giao với những nhà lãnh đạo tương lai trong các trung tâm xuất sắc của họ. Ngay cả đến thập niên 90, số lượng sinh viên của chúng tôi ở Mỹ chỉ bằng hai phần ba so với ở Anh.

Lịch sử đã khóa chặt chúng tôi trong hệ thống giáo dục của người Anh. Nhiều nghề nghiệp của chúng tôi gắn với các học viện chuyên nghiệp của Anh: phần lớn là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, kế toán. Những ràng buộc về nghề nghiệp tồn tại qua tất cả các cấp bậc của xã hội. Tuy nhiên, trong những lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như y khoa, bởi lẽ Mỹ chi khoảng 14% trong tổng thu nhập quốc dân vào y tế, nhiều gấp đôi Anh, các bệnh viện và bác sĩ Mỹ trội hơn hẳn. Chúng tôi dần dần hình thành những mối quan hệ với các học viện của Mỹ. Tuy nhiên, quá trình đào tạo cơ bản của chúng tôi trong ngành y vẫn theo kiểu Anh. Và cũng như thế đối với các ngành nghề khác.

Trong suốt nhiệm kỳ của Thatcher trong những năm 80, việc giao thương giữa Anh và Singapore phát triển đáng kể. Khi bà khai thông sự lưu thông tư bản, những đầu tư của Anh vào Singapore đã tăng lên. Họ đi theo một tính chất khác – vào những sản phẩm giá trị cao như dược phẩm, điện tử và lĩnh vực hàng không vũ trụ. Vào thập niên 90, một lần nữa Anh lại trở thành một trong những nhà đầu tư chính của chúng tôi, lớn hàng thứ tư sau Mỹ, Nhật và Hà Lan. Các nguồn đầu tư của Singapore ở hải ngoại chủ yếu là vào các nước Đông Nam Á, ngoại trừ một số đáng kể các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào Anh, đặc biệt là ngành du lịch. Một trong những công ty lớn của chúng tôi đã mua một mạng lưới khách sạn ở Anh và Cơ quan hợp tác đầu tư của chúng tôi mua cổ phần của một mạng lưới khác với trên 100 khách sạn, với niềm tin rằng ngành công nghiệp du lịch Anh sẽ tiếp tục phát triển, bất chấp những vấn đề do những vụ đánh bom của quân đội cộng hòa Ai–len (IRA) gây ra. Mối liên kết chính của Singapore với châu Âu vẫn là London. Hàng ngày, chúng tôi có nhiều chuyến bay đến London hơn đến các thủ đô khác ở châu Âu.

Khi người Anh tuyên bố rút quân vào năm 1968, có một số bài báo tỏ vẻ bi quan, bao gồm cả bài trên tờ Illustrated London News đã so sánh sự việc này với sự thoái lui của quân đoàn La Mã ra khỏi nước Anh khi đêm trường Trung cổ bắt đầu phủ xuống khắp châu Âu. Song chúng không hề giống nhau. Các phương tiện truyền thông và giao thông vận tải hiện đại đã đưa nhiều người Anh đến Singapore hơn so với trong thời kỳ thuộc địa. Hiện tại, cộng đồng người Anh chỉ ít hơn so với cộng đồng người Mỹ và người Nhật. Hiện nay ở Singapore có nhiều trường học của người Anh phục vụ cho con em của khoảng 10.000 gia đình người Anh, nhiều hơn thời điểm khi chúng tôi còn là thuộc địa của họ. Hàng trăm người Anh bây giờ tự đến Singapore để làm việc như những kỹ sư, kiến trúc sư và chuyên viên kỹ thuật – họ không còn là người tha hương và sống trong những khu vực tách biệt, mà đã trở thành người địa phương và sống trong cùng những căn hộ như người Singapore. Lương bổng của Singapore đã đạt đến bằng mức lương của người Anh. Nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính của Anh đã thành lập các chi nhánh ở Singapore khi Singapore trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế lớn. Toàn bộ quang cảnh kinh tế và chính trị đã thay đổi vượt ngoài tầm nhận định.

Năm 1982, thành phố London đã phong tôi là Người được hưởng đặc quyền của thành London, một vinh dự mà với vai trò là một cựu thần dân nước Anh, tôi rất cảm kích. Tôi rất cảm kích khi thấy họ chuẩn bị danh sách khách mời chu đáo đến chừng nào. Họ mời tất cả các bộ trưởng và các thống đốc Anh đã từng có mối quan hệ với tôi ở Singapore. Và họ yêu cầu tôi liệt kê danh sách những người bạn mà tôi muốn họ có mặt. Vì thế tôi đã sung sướng được gặp các cựu thủ tướng, bộ trưởng, các tổng tư lệnh, ngài thống đốc cuối cùng của Singapore và nhiều bạn bè người Anh của cá nhân tôi, tất cả đều ở Guildhall để san sẻ phút giây ấy. Trong số họ có Harold Macmillan, Jim Callaghan, Harold Wilson, Alec Douglas–Home, Alan Lennox–Boyd và Duncan Sandy. Đó quả là dịp để luyến tiếc quá khứ. Để đáp lại bài diễn văn tại buổi lễ, tôi nói:

50 năm trước, khi tôi còn là cậu học trò ở Singapore, thầy cô tôi đã nói một sự thật hiển nhiên là London là trung tâm của thế giới. Nó là trung tâm tài chính và ngân hàng cao cấp và cũng là trung tâm của nghệ thuật, nhà hát, văn học, âm nhạc và văn hóa. Nó là trọng tâm của thế giới… bởi vì trên thực tế vào tháng 9/1939, chính phủ Anh quyết định nhận trách nhiệm đối với Ba Lan, một năm sau khi Anh tìm cách che đậy trách nhiệm đối với Czech. Vậy là Thế chiến thứ hai đã bùng nổ và thế giới bị thay đổi hoàn toàn.

Một phần buổi lễ là một chuyến đi chơi bằng xe ngựa từ Westminster đến Guildhall. Chuyến đi phải bị hủy bỏ vì tắc nghẽn giao thông do ngành đường sắt đình công. Những vấn đề công nghiệp tiếp tục làm rối loạn nước Anh. Xung đột của Margaret Thatcher với liên đoàn công nhân hầm mỏ vẫn còn tiếp diễn.

Nhiều năm cầm quyền và mối ràng buộc lịch sử với Anh đã cho tôi cơ hội để quen biết những Thủ tướng Anh kế tiếp nhau từ Harold Macmillan tới Tony Blair.

Harold Macmillan thuộc thế hệ cha tôi, có vẻ một nhà quý tộc kiểu Edward VII theo diện mạo và cung cách với một dáng vẻ uể oải giả tạo và một lối tiếp xúc kiêu kỳ đối với những người dân thuộc địa trẻ như tôi. Ngài Alec Douglas–Home là người dễ chịu nhất trong số họ

– một quý tộc thật sự. Cung cách của ông trên truyền hình là mô tả ngược bản thân vốn là một nhà tư tưởng địa – chính trị sắc sảo. Ông có thể đã từng đếm bằng những que diêm như ông đã thẳng thắn thừa nhận, song ông lại là người có óc phán đoán đáng tin cậy hơn nhiều bộ trưởng đầu não của cả hai đảng.

Người có tài chính trị nhất trong số họ là Harold Wilson. Thật may mắn là tôi được kết bạn với ông trước khi ông trở thành Thủ tướng. Tôi đã thuyết phục được ông ở lại Đông Suez thêm một vài năm nữa. Những năm tháng đó quan trọng vì sự hiện diện của người Anh vấn vương lại ở Singapore cho đến giữa năm 1975. Điều này đã cho chúng tôi thời gian để giải quyết mối quan hệ với Indonesia mà không phải thực hiện những hành động vội vã có thể làm chúng tôi hối tiếc sau này. Cá nhân tôi chịu ơn Wilson rất nhiều vì sự ủng hộ vững chắc của ông khi chúng tôi ở Malaysia và cả thời gian sau đó, như tôi đã từng thuật lại trước đây trong quyển hồi ký của mình. Những vấn đề mà ông đối mặt ở Anh là những vấn đề chiều sâu – chất lượng giáo dục và kỹ năng kém, năng suất sản xuất thấp do các nghiệp đoàn không hợp tác với các nhà quản lý. Đảng Lao động của thập niên 60, 70 đã bị các công đoàn chi phối và không thể khắc phục những vấn đề cơ bản này, vì vậy, Wilson được dự tính là người mau chóng ổn định tình hình. Để giữ sự ủng hộ của đảng, ông phải đi theo hình chữ chi, điều đó tạo cho ông cái vẻ xảo trá và quanh co.

Đối lập rõ ràng với Wilson, tôi thấy Ted Heath đáng tin cậy và kiên định. Tôi biết ông lần đầu tiên khi ông còn là bộ trưởng của Macmillan phụ trách việc đàm phán cho sự gia nhập của Anh vào châu Âu và tôi đã vận động ông bảo vệ vị trí của Singapore. Chúng tôi trở thành bạn bè trong suốt thời gian ông là lãnh đạo phe đối lập sau khi Wilson đắc cử vào năm 1964. Thường khi tôi ở London, ông hay mời tôi dùng bữa trưa tại căn hộ của ông ở Albany để bàn luận về Anh, châu Âu, Mỹ và Khối Thịnh vượng chung. Ông đánh giá châu Âu có tầm quan trọng đối với tương lai nước Anh hơn là Mỹ và Khối Thịnh vượng chung. Một khi ông đã quyết định chọn một chính sách thì ông sẽ không mảy may thay đổi, và ông đã đặt niềm tin vào châu Âu trước khi ông trở thành Thủ tướng. Nếu có ai đó yêu cầu tôi chọn một người trong các vị Thủ tướng và Bộ trưởng để kề vai sát cánh với tôi trong một công vụ nguy hiểm thì tôi sẽ chọn Ted Heath. Ông sẽ ở lại cho đến phút cuối cùng để hoàn thành những gì mà ông đã đề ra. Thật không may, ông thiếu khả năng tạo sự nhiệt tình và khơi dậy công chúng. Mặt đối mặt, ông rất sôi nổi, nồng nhiệt nhưng trên truyền hình, ông lại tỏ ra vụng về, một điểm bất lợi lớn trong thời đại thông tin điện tử. Chúng tôi vẫn là bạn tốt của nhau, thỉnh thoảng gặp nhau ở London, Singapore và trong các cuộc họp quốc tế như Davos.

Năm 1948, khi Jim Callaghan nói chuyện ở Câu lạc bộ Lao động của trường Đại học Cambridge, lúc đó tôi là sinh viên ngồi ở ghế khán giả. Người ta giới thiệu ông là một cựu hạ sĩ quan trưởng trong Hải quân Hoàng gia và đã trở thành thứ trưởng. Ông ăn nói rất tự tin và lưu loát. Tôi quen biết ông vào khoảng giữa thập niên 50 khi tham dự các buổi thảo luận về hiến pháp ở London và chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau nhiều năm sau. Do ông bất ngờ trở thành Thủ tướng ở độ tuổi khá lớn khi Wilson từ chức vào tháng 3/1976, nên ông không có chương trình hành động chính trị nào của riêng mình. Quả thật, nước Anh lâm vào những hoàn cảnh kinh tế vô cùng tệ hại đến nỗi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải can thiệp vào. Vì thế chương trình hành động đã được sắp sẵn cho ông.

Khi Jim Callaghan làm Thủ tướng, tôi đã thỉnh cầu ông cho phép Brunei, quốc gia mà Anh vẫn đang kiểm soát các vấn đề ngoại giao của họ, đồng ý cho Lực lượng vũ trang Singapore được tập huấn trong những khu rừng của họ. Bộ ngoại giao Anh và Khối Thịnh vượng chung đã ngăn cản quyết định này để tránh dính líu đến mối quan hệ quốc phòng nhạy cảm giữa chúng tôi và Malaysia. Tôi tranh luận rằng nước Anh sẽ không có trách nhiệm gì và dù sao đi nữa chúng tôi vẫn có thể tiến hành khóa huấn luyện trong khu rừng đó. Tại sao lại không cho phép điều này trong khi Anh đang chịu trách nhiệm, để nó sẽ trở thành một phần của quang cảnh chính trị khi Brunei trở thành độc lập? Ông ta đồng ý và chúng tôi thành lập trường huấn luyện trong rừng vào cuối năm 1976.

Đối mặt với những vấn đề kinh tế vô tận, trong đó có nạn thất nghiệp, chính phủ đảng Lao động của Callaghan trở nên có khuynh hướng bảo hộ. Vào tháng 4/1977, George Thomson, lúc đó là một thượng nghị sĩ chứ không còn làm bộ trưởng nữa, đến với tư cách là phái viên cá nhân của Callaghan để hỏi xem liệu tôi có ý định nêu lên những vấn đề song phương với các nhà lãnh đạo Anh trong cuộc họp của Khối Thịnh vượng chung vào tháng 6 không? Tôi đáp rằng sẽ không thích hợp khi đưa ra những lời phàn nàn giữa hai bên tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm của Nữ hoàng, nhưng tôi phản đối việc người Anh đã thuyết phục Đức để EEC ngăn chặn việc nhập khẩu mặt hàng máy tính điện tử bỏ túi và ti–vi đen trắng của Singapore sản xuất. Không có cuộc thảo luận trước nào với chúng tôi cả. Tôi chỉ ra rằng mặt hàng máy tính bỏ túi của chúng tôi là những mẫu mã tinh vi được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến của Mỹ, vượt hẳn công nghệ của Anh. Việc ngưng nhập khẩu từ Singapore có nghĩa là người Anh phải trả nhiều hơn cho những sản phẩm tương tự nhập từ Mỹ. Với mặt hàng ti–vi đen trắng của Nhật sản xuất tại Singapore, tình hình cũng tương tự. Về sau hàng rào thương mại bị dỡ bỏ vì chúng thực tế không bảo đảm công ăn việc làm cho người Anh.

Có một lần Callaghan đã hỏi tôi: “Những người Nhật này thuộc kiểu người gì? Họ làm việc cần mẫn như loài kiến, họ tiếp tục gia tăng xuất khẩu nhưng lại không nhập khẩu”. Ông vẫn giữ ấn tượng của người phương Tây đối với người Nhật, bị định kiến bởi những hành vi vô nhân đạo của người Nhật trong suốt Thế chiến thứ hai. Ông không hiểu họ. Ông không nhìn sự đầu tư của người Nhật theo cách của Thatcher sau này, như một cách để tái công nghiệp hóa nước Anh. Ông quan tâm hơn đến châu Phi, Ấn Độ và những thành viên khác trong Khối Thịnh vượng chung. Quan điểm thế giới của ông tập trung vào vua và đế chế. Trong suốt cuộc họp của những người đứng đầu chính phủ Khối Thịnh vượng chung, ông tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo châu Phi trình bày quan điểm của họ, đặc biệt là về Rhodesia và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Ông là nhà lãnh đạo đảng Lao động Anh tiêu biểu, xuất thân từ tầng lớp lao động, thiên hướng của ông là ủng hộ những người bị áp bức, bóc lột. Tuy nhiên, ông cũng là người thiết thực trong những quyết định cứng rắn, như ra lệnh cho chính phủ đảng Lao động thực thi những điều kiện nghiêm ngặt mà IMF đã yêu cầu để đổi lại sự cứu giúp của họ trong cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh.

Ưu điểm của Callaghan là cách ông giải quyết những vấn đề một cách chín chắn và bình tĩnh. Ông không tìm kiếm những giải pháp nhất thời, ông rất trung thành với các công đoàn, dù vậy chính quyền của ông đã bị công đoàn hạ bệ.

Margeret Thatcher ngồi cạnh tôi tại bữa tối ở số 10 đường Downing vào tháng 10/1970 khi Ted Heath đang là Thủ tướng. Lúc đó bà là Bộ trưởng Bộ giáo dục và chúng tôi thảo luận với nhau về những thiệt hại đối với Anh khi Anh thay thế trường trung học bằng trường phổ thông hỗn hợp (trường dạy tổng hợp các kỹ năng, có nhiều chương trình học và thời gian học khác nhau). Những học sinh giỏi thì thua thiệt, còn những đứa khác thì chẳng được lợi lộc gì đáng kể.

Khi bà là lãnh đạo của Đảng đối lập, tôi có hỏi George Thomas, lúc đó là Chủ tịch Hạ viện, ông đã nghĩ gì về bà. Ông trả lời tôi bằng giọng xứ Wales: “Bà có một tình yêu mãnh liệt đối với nước Anh và sẽ làm những điều tốt đẹp cho nước Anh. Bà muốn thay đổi đất nước và tôi tin bà là người duy nhất có ý chí thực hiện điều đó”. Và khi tôi hỏi Jim Callaghan, lúc đó là Thủ tướng, nghĩ gì về bà thì câu trả lời của ông là: “Bà ta là người mặc quần tây ngồi hàng ghế đầu”. Những quan điểm của một Chủ tịch và một Thủ tướng đảng Lao động càng củng cố quan điểm của riêng tôi rằng bà đích thực là một “chính trị gia thuyết phục”.

Khi Thatcher thắng cử vào tháng 5/1979, tôi chúc mừng bà. Bà tán thành sự cạnh tranh tự do trong một thị trường tự do. Trong suốt những năm bà ở vị trí đối lập, tôi có gặp bà ở London và trong vài dịp bà đến thăm Singapore, thường là trên đường bà tới Úc và New Zealand. Vào tháng 6/1979, một tháng sau khi bà trở thành Thủ tướng, tôi có buổi thảo luận với bà trong một tiếng đồng hồ trước bữa trưa tại số 10 đường Downing. Bà có vô số những ý tưởng. Tháng 7/1980 với tư cách là người đứng đầu đảng Bảo thủ, bà viết thư mời tôi làm diễn giả khách mời, diễn giả đầu tiên của Khối Thịnh vượng chung, trong hội nghị của Đảng tại Brighton vào tháng 10 năm đó. Tôi đáp lại rằng tôi không thể nhận vinh dự này được vì sự gắn bó lâu dài của tôi với đảng Lao động mà tôi đã có từ những ngày tháng còn là sinh viên ở Anh vào những năm 40.

Bà là một người mạnh mẽ, đầy quyết tâm và nghị lực, tự tin rằng bà có thể thực hiện chính sách kinh tế trong nước của mình, nhưng không ảo tưởng về những khó khăn từ phía công đoàn mà bà sẽ phải đương đầu. Vì thế khi cuộc đình công của công nhân hầm mỏ nổ ra vào tháng 3/1984, tôi có cảm tưởng bà sẽ chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, tôi không trông đợi sự giận dữ đến thế trong những cuộc xung đột giữa những người đình công và cảnh sát lại kéo dài cả năm như vậy. Những người tiền nhiệm của bà chắc hẳn sẽ không đủ cứng rắn đến cùng.

Tháng 4/1985, Thatcher viếng thăm chính thức Singapore. Tại bữa tối, tôi chúc mừng bà đã giải quyết xong tình trạng vượt quá giới hạn của hệ thống phúc lợi xã hội:

Gần 4 thập kỷ sau chiến tranh, các chính phủ Anh kế tiếp nhau dường như đã thừa nhận rằng việc tạo dựng của cải diễn ra một cách tự nhiên, và những gì cần đến sự quan tâm và tài khéo léo của chính phủ là sự phân phối lại tài sản. Vì vậy, các chính phủ phải đặt ra những phương cách khôn khéo để cân đối thu nhập giữa những người thành đạt và những người kém thành đạt. Theo bầu không khí này, nó đòi hỏi vị Thủ tướng phải có một hệ thần kinh vững vàng để nói sự thật với các cử tri rằng những người tạo ra của cải là những thành viên quý giá của xã hội, những người xứng đáng nhận vinh dự cộng với quyền hưởng phần hơn trong thu nhập… Chúng tôi đã từng tận dụng những gì Anh bỏ lại phía sau: ngôn ngữ Anh, hệ thống luật pháp, chính phủ nghị viện và chính quyền công bằng. Tuy nhiên, chúng tôi thận trọng tránh né những thông lệ của hệ thống phúc lợi. Chúng tôi đã thấy một dân tộc vĩ đại tự hạ mình trở thành tầm thuờng như thế nào bằng cách xóa bỏ mọi sự chênh lệch xã hội.

Thatcher ân cần trả lời theo phong cách tương tự: “Tôi rất vui khi nghĩ rằng trước đây quý vị học hỏi từ Anh, còn bây giờ thì chúng tôi đang học tập lại từ quý vị… Tài giỏi, chủ động, táo bạo, nỗ lực, mạo hiểm, tự tin, mạnh mẽ đã làm cho Singapore trở thành một tấm gương cho các quốc gia khác muốn thành công – một tấm gương mà thông điệp rõ ràng của nó là anh sẽ không thể hưởng thụ được thành quả của sự nỗ lực nếu trước tiên anh không nỗ lực”.

Ngày hôm sau, vài bài báo ủng hộ đảng Lao động Anh đưa tin về sự giận dữ từ phía Bộ trưởng Bộ Y tế chờ thời26 của đảng Lao động Frank Dobson: “Ông Lý nên ngậm cái miệng ngu ngốc của ông ta lại!” – Một nghị sĩ đảng Lao động, Allen Adams, nói thêm: “Nếu chúng ta lấy quốc gia của ông ta làm mẫu, đất nước sẽ trở về năm 1870 khi người dân làm việc suốt ngày đêm trong những xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ mà hầu như chẳng nhận được gì cả”.

Đây là đảng Lao động cổ điển rập khuôn, tư duy không theo kịp sự phát triển. Năm 1985, GDP trên mỗi đầu người của Singapore là 6.500 đôla Mỹ so với của Anh là 8.200 đôla Mỹ. Đến 1995, GDP trên đầu người của Singapore là 26.000 đôla Mỹ vượt trội hơn mức 19.700 đôla Mỹ của Anh. Công nhân của chúng tôi được trả công nhiều hơn công nhân Anh. Họ cũng có nhà riêng, và tiền tiết kiệm (trong Quỹ dự phòng trung ương và các tài khoản ngân hàng POS) nhiều hơn công nhân Anh.

Khi Thatcher từ chức vào tháng 11/1990, bà gửi cho tôi lá thư tạm biệt như sau: “Cuộc đời thật quá nhiều điều bất ngờ: ai có thể hình dung được rằng cả hai chúng ta rời nhiệm vụ cao nhất ở đất nước đáng kính của mình gần như cùng một ngày, sau nhiều năm làm việc cùng nhau. Nhưng khi tôi ra đi, tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã có được những lợi ích to lớn như thế nào từ sự liên kết giữa chúng ta và ngưỡng mộ biết bao trước những gì ông đã đấu tranh vì chúng. Có một điều không thể nghi ngờ là: Cuộc họp của những người đứng đầu chính phủ Khối Thịnh vượng chung sẽ rất tẻ nhạt nếu như không có sự góp mặt của một trong hai chúng ta!”

Tôi tiếp xúc với Margaret Thatcher nhiều hơn với các Thủ tướng Anh khác vì bà đắc cử ba nhiệm kỳ. Trong số tất cả các Thủ tướng, tôi nghĩ bà là người đem đến hy vọng tốt nhất cho nước Anh. Sức mạnh của bà chính là niềm tin mãnh liệt vào đất nước và ý chí thép để xoay chuyển đất nước. Bà được thuyết phục rằng doanh nghiệp tự do và thị trường tự do sẽ dẫn đến một xã hội tự do. Thiên hướng chính trị nền tảng của bà rất vững chắc dù bà có xu hướng quá tự tin và luôn cho rằng mình đúng. Điểm yếu của bà, trong một xã hội phân biệt giai cấp là bà xuất thân từ một gia đình bán tạp hóa. Đáng tiếc rằng quá trình xây dựng nước Anh vẫn bị những thành kiến này ám ảnh. Vào thời gian bà rời ghế Thủ tướng, người Anh trở nên bớt coi trọng tính giai cấp.

Tuy nhiên, Thatcher có thể gây ác cảm lớn đối với các Thủ tướng thuộc lãnh thổ tự trị của những người da trắng cũ. Trong cuộc họp các lãnh đạo chính phủ Khối Thịnh vượng chung tại Bahamas năm 1985, cả Thủ tướng Canada và Thủ tướng Úc, Brian Mulroney và Bob Hawke, đã thúc ép bà đồng ý với luật trừng phạt kinh tế chống lại Nam Phi. Tất cả những bài diễn văn khai mạc tại hội nghị, ngoại trừ bài diễn văn của bà, đều công kích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Nam Phi. Thatcher đơn độc chống lại sự đòi hỏi quá đáng là phải trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với Pretoria, thay vào đó bà kêu gọi một cuộc đối thoại. Tôi ngưỡng mộ sức mạnh khi bà trụ vững trước sự cô lập này. Bà không khuất phục trước sự đe dọa và vũ lực. Không may, bà đã ở vào phe sai của lịch sử.

John Major là Bộ trưởng Bộ Tài chính khi ông tháp tùng Margaret Thatcher đến dự CHOGM27 tại Kuala Lumpur vào tháng 10/1989. Tôi gặp lại ông tại số 10 đường Downing vào tháng 5/1996. Ông được giao phó một nhiệm vụ khó khăn. Margaret Thatcher trao lại cho ông gánh nặng sau khi ông đắc cử làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng, bà hy vọng ông sẽ tiếp tục các chính sách của bà ở châu Âu. Ảnh hưởng của bà trong đảng đã gây sức ép cho ông.

Giới truyền thông cũng không ưa ông lắm, và ông bị gạt ra ngoài trong vòng vài tháng. Và vì vậy, mặc dù nền kinh tế vẫn tiến triển tốt, nhưng điều đó cũng không thể giúp ông chống lại đảng Lao động Mới vào tháng 5/1997.

Tôi bị cuốn hút bởi sự trẻ trung đầy năng lực của Tony Blair khi lần đầu tôi gặp anh ta ở London vào tháng 5/1995, khi đó anh ta là lãnh đạo đảng đối lập. Anh ta thua Loong, con trai tôi, một tuổi. Jonathan Powell, cố vấn chính của anh ta, làm nhiệm vụ ghi chép và tháp tùng anh ta. Blair muốn biết các nhân tố tạo nên sự khác biệt giữa mức phát triển cao ổn định của Đông Á, và tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp hơn của châu Âu và của Anh. Tôi đề nghị rằng anh ta nên đi thăm Đông Á trước cuộc bầu cử, để thấy tận mắt sự thay đổi to lớn của đó. Sau khi đắc cử và nhậm chức, các nghi thức ngoại giao sẽ khiến anh ta bị tách biệt.

Tháng giêng sau đó, anh ta đi thăm Nhật Bản, Úc và kế đến là Singapore, ở đây anh ta gặp gỡ các nhà lãnh đạo công đoàn của chúng tôi và thấy những lợi ích mà họ giành được cho các thành viên trong công đoàn. Anh ta quan tâm đến các tài khoản lương hưu được cá nhân hóa của chúng tôi – Quỹ dự phòng trung ương (CPF), quỹ này cũng cung cấp tiền cho việc mua nhà và các dịch vụ y tế. Anh ta chẳng giấu giếm gì về niềm tin sâu sắc của anh ta đối với Cơ đốc giáo đã khiến anh ta trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội hay là, như anh ta nói thêm khi tôi nhìn anh ta với vẻ ngờ vực, một nhà dân chủ xã hội. Anh ta đủ thẳng thắn để lặp lại “hay là một nhà dân chủ xã hội”, một điều mà đảng Lao động cũ coi thường. “Đảng Lao động Mới” của anh ta không phải là một sự giả tạo, màu mè. Anh ta hỏi tôi triển vọng đối với một chính phủ đảng Lao động thắng cử là gì. Tôi đáp, một khi đảng Lao động lên nắm chính quyền, anh ta sẽ gặp phải khó khăn trong việc thuyết phục đảng Lao động Cũ chấp thuận chính sách của mình. Anh ta còn quá trẻ so với lịch sử đảng Lao động nên không dễ dàng để có thể thay đổi nó.

Sau chuyến thăm của Blair một vài ngày, Chris Smith, Bộ trưởng chờ thời phúc lợi xã hội, đến nghiên cứu hệ thống của chúng tôi, và vài tháng sau, Peter Mandelson, phụ tá thân cận của Tony Blair đến quan sát dự trữ y tế, bảo hiểm y tế và những chức năng khác của Quỹ dự phòng Trung ương Singapore (CPF) của chúng tôi. Blair gây ấn tượng với tôi như một chính trị gia nghiêm túc muốn học hỏi sự phát triển ở Đông Á và những lý do họ thành công. Khi chúng tôi gặp lại nhau ở London vào mùa thu năm đó, đã có hàng lô câu hỏi được đặt ra trong suốt bữa tối.

Sự khiêm tốn khôn khéo mà anh ta và đảng của anh ta thể hiện sau chiến thắng to lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 5/1997 là một chỉ báo cho tính kỷ luật tự giác của anh ta. Tôi xem tin tức trên ti–vi về bài diễn văn chiến thắng của anh ta và bước đi của anh ta đến số 10 đường Downing. Nó có ảnh hưởng rất tốt đối với nhóm của anh ta. Tôi có mặt ở London một tháng sau khi anh ta chiến thắng. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong một giờ đồng hồ và không lãng phí thời gian cho những lời đùa cợt. Anh ta tập trung vào những nhiệm vụ mà anh ta đã đề ra cho chính phủ của mình để thực hiện những gì anh ta hứa hẹn trong cuộc vận động bầu cử. Anh ta hăng say làm việc nhưng không hề hãnh diện quá mức khi nắm quyền lực trong tay ở độ tuổi trẻ như vậy. Chúng tôi nói về Trung Quốc và việc trao trả Hong Kong sắp tới vào cuối tháng 6. Anh ta rất thực tế theo phong cách của mình trong việc không muốn khơi lại đống than mà Chris Patten đã nung cháy. Thay vì vậy, anh ta đang hướng tới một tương lai lâu dài hơn trong mối quan hệ Trung – Anh. Như tôi mong đợi, anh ta tham dự buổi lễ trao trả và có buổi nói chuyện với chủ tịch Giang Trạch Dân.

Một năm sau, tháng 5/1998, khi chúng tôi gặp lại nhau tại Số 10, anh ta hoàn toàn tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đặc biệt là cuộc đàm phán hòa bình Bắc Ai–len. Anh ta dành thời gian để thảo luận về phạm vi của những đề tài khác, nhưng không bàn đến những vấn đề song phương vì hiện tại không có vấn đề nào. Hoàn cảnh của chúng tôi đã đổi khác; Singapore đã không còn liên quan gì về quốc phòng và an ninh với Anh như với Mỹ, Úc và New Zealand. Thế hệ của tôi là thế hệ hướng đến nước Anh, còn thế hệ của con trai tôi thì tập trung nhiều hơn vào người Mỹ. Loong và những người cùng thời phải thấu hiểu nước Mỹ. Chúng đã được đào tạo trong viện quân sự của Mỹ và là những nghiên cứu sinh ở các trường đại học như Harvard và Stanford. Tôi sống trong hòa bình kiểu Anh; còn thế hệ của Loong phải sống trong hòa bình kiểu Mỹ.

Chọn tập
Bình luận
× sticky