Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 6: Thu Phục Các Nghiệp Đoàn

Tác giả: Lý Quang Diệu
Chọn tập

Tôi bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng hoạt động đấu tranh vì các nghiệp đoàn với tư cách là cố vấn pháp luật và nhà thương thuyết của họ. Đến giữa thập kỷ 50, những người cộng sản đã giành được sự kiểm soát đối với hầu hết các nghiệp đoàn, và cả các nghiệp đoàn cộng sản và không cộng sản đều trở nên hiếu chiến. Để thu hút đầu tư, chúng tôi phải giải phóng các nghiệp đoàn khỏi sự kiểm soát của cộng sản, giáo dục các lãnh tụ nghiệp đoàn và các công nhân về nhu cầu tạo việc làm mới bằng cách thu hút đầu tư. Điều này nói thì dễ hơn làm.

Giả dụ cộng sản tiếp tục kiểm soát các nghiệp đoàn của chúng tôi thì chúng tôi tất yếu phải chịu cảnh đình công, lãn công và bạo loạn triền miên như từ cuối thập kỷ 40 đến thập kỷ 60. Trong thời gian từ tháng 7/1961 đến tháng 9/1962, chúng tôi có 153 cuộc đình công, một kỷ lục đối với Singapore. Năm 1969, lần đầu tiên kể từ trước chiến tranh chúng tôi không có đình công hay bãi công nào. Bằng cách nào chúng tôi làm được như vậy?

Hoạt động nghiệp đoàn kiểu Anh quốc ở Singapore là nguyên nhân gây tác hại cho phong trào công nhân của chúng tôi. Để chống lại ảnh hưởng của cộng sản, chính phủ thuộc địa đã đưa vào đây những cố vấn từ Đại hội nghiệp đoàn Anh quốc như Jack Brazier. Để kéo các lãnh tụ nghiệp đoàn không cộng sản ra khỏi ảnh hưởng của những người cộng sản, các vị cố vấn này dạy họ hết thảy các thói quen và việc làm xấu xa như gây sức ép bắt các chủ thuê công nhân trả lương và phúc lợi cao hơn bất chấp mọi hậu quả đối với công ty. Tại một cuộc họp mặt hồi tháng 7/1966 của Liên đoàn Dịch vụ Dân sự trong Quân đội của những người công nhân do quân đội Anh quốc thuê, tôi kêu gọi họ từ bỏ những hoạt động kiểu này của nghiệp đoàn Anh, những hoạt động đã tự hủy hoại nền kinh tế Anh quốc. Tôi thừa nhận là tôi có trách nhiệm về nhiều cách thức hoạt động khi tôi thương lượng cho các nghiệp đoàn. Lúc bấy giờ công nhân của chúng tôi bị bóc lột quá nhiều. Nhưng những hậu quả này – cộng thêm tình hình thất nghiệp của chúng tôi tồi tệ đến nỗi tôi ân hận về việc làm của mình. Ví dụ việc trả lương gấp ba cho những người làm việc vào các ngày nghỉ lễ đã khiến công nhân vệ sinh cố ý để mặc rác tích tụ trước ngày lễ để vào những ngày lễ họ vẫn phải làm việc. Mục đích nghỉ lễ là để công nhân nghỉ ngơi, song công nhân của chúng tôi muốn được nhiều lương hơn chứ không phải được nghỉ ngơi nhiều hơn. Vì vậy tôi yêu cầu các lãnh tụ nghiệp đoàn đổi mới các hoạt động nghiệp đoàn của chúng tôi.

Để nhấn mạnh rằng tôi kiên quyết giữ vững các quan điểm này, tại cuộc họp Ủy ban Tư vấn châu Á của Tổ chức Lao động Quốc tế hồi tháng 11/1966, tôi đã nhắc lại chúng nhiều lần trong sự có mặt của các quan chức của tổ chức Quốc tế này và các lãnh tụ nghiệp đoàn từ các nước châu Á khác. Tôi nói với các lãnh tụ nghiệp đoàn của chúng tôi rằng họ không được giết những con ngỗng đẻ trứng vàng vì chúng tôi đang cần những quả trứng vàng của chúng. Tôi nói các nghiệp đoàn của chúng tôi đã từng là một bộ phận của một phong trào chính trị chống Anh. Các nhà lãnh đạo chính trị – trong đó có tôi – đã chìa ra cho những người công nhân củ cà rốt độc lập: “Hãy đi cùng tôi tới tự do. Tôi sẽ cho bạn những gì mà ông chủ người Anh đã dành cho công nhân Anh”. Lời hứa đó bây giờ chúng tôi phải thực hiện, nhưng để làm được như vậy, chúng tôi phải thiết lặp lại “sự giám sát kỷ luật và các chỉ tiêu làm việc” để đạt được hiệu quả.

Mỗi năm có 30.000 học sinh ra trường cần việc làm. Các hoạt động nghiệp đoàn của chúng ta – tôi giải thích – đang buộc các chủ thuê Lao động chuyển sang các ngành sản xuất cần nhiều vốn, đầu tư vào máy móc đắt tiền để thực hiện công việc, giảm thuê công nhân đến mức tối thiểu giống như ở Anh. Điều này đã dẫn đến tình trạng có một nhóm nhỏ công nhân nghiệp đoàn có đặc quyền được trả lương cao và một số đông ngày càng tăng các công nhân thiếu việc làm, được trả lương thấp. Nếu chúng ta duy trì được mối liên kết và ổn định của mình, và không lặp lại những điều ngu xuẩn trong quá khứ vốn đã làm lung lạc niềm tin, thì chúng ta có thể khắc phục những vấn đề này. Chúng ta cần có những quan điểm mới, trong đó quan trọng hơn hết là trả lương theo kết quả làm việc chứ không phải theo lượng thời gian đã bỏ ra cho việc làm đó. Các nghiệp đoàn và công nhân rất hoang mang trước sự chia tách và rất lo sợ trước khả năng người Anh rút khỏi Singapore, đến nỗi họ chấp nhận đường lối cứng rắn của tôi. Họ biết rằng chúng tôi đang đứng trước một tình trạng khẩn cấp có thể đe dọa sự tồn tại của mình với tư cách một quốc gia độc lập.

Tổng Thư ký Đại hội Nghiệp đoàn Toàn quốc (NTUC) Ho See Beng, nghị sĩ của đảng PAP và là cựu đồng nghiệp của tôi hồi tôi còn hoạt động nghiệp đoàn, đã phản đối các chính sách của tôi, chẳng hạn như việc bãi bỏ chính sách trả lương gấp ba cho công nhân làm việc vào những ngày nghỉ lễ. Ông ta cùng các đồng nghiệp nghiệp đoàn của mình đã thuận theo các sức ép từ cơ sở để lôi kéo các đoàn viên nghiệp đoàn đứng về phía mình và không bị các lãnh tụ nghiệp đoàn cộng sản tấn công. Tôi buộc phải dẹp bỏ những hành động phản đối của ông ta, nhưng mặt khác phải lo gặp gỡ riêng các lãnh tụ nghiệp đoàn để giải thích rõ những nỗi lo lắng của mình. Những cuộc gặp không chính thức này đã giúp họ hiểu được tại sao tôi phải đưa vào một khuôn khổ mới, hướng tới một lực lượng lao động lành mạnh, có kỷ cương.

Đã có một cuộc đụng độ quyết liệt với một lãnh tụ nghiệp đoàn dốt nát, lố lăng và không hiểu được rằng tình hình đã thay đổi; đó là K. Suppiah, chủ tịch Liên đoàn công nhân làm công nhật trong các dịch vụ công cộng. Trong một tối hậu thư gửi chính phủ ngày 18/10/1966, ông ta đòi dàn xếp mọi bất bình còn lại, nảy sinh từ cái mà họ gọi là việc không thực thi thỏa ước tập thể đã được ký kết năm 1961; ông ta muốn tăng 1 đôla Singapore mỗi ngày công cho 15.000 công nhân làm công nhật đã được xếp hạng và là đoàn viên nghiệp đoàn của ông ta.

Suppiah và tôi đã từng làm việc với nhau nhiều năm từ những năm 50, thời còn làm ở Hội đồng Thành phố trước đây. Ông ta là người ít học, sinh ở Ấn Độ, là một kẻ kích động nói tiếng Tamil (ngôn ngữ Madras) và là một lãnh tụ quả quyết nhưng ngoan cố. Thương lượng với ông ta thật chưng hửng vì ông ta bị lác mắt nên có vẻ như không nhìn bạn. Ông ta lãnh đạo một nghiệp đoàn với phần lớn hội viên là những Lao động người Ấn nhập cư không nghề nghiệp được người Anh đưa từ Madras sang Singapore để làm công việc vệ sinh. Ông ta không hiểu rằng chúng tôi không còn ở trong những năm 50 đầy hỗn loạn và dễ dãi nữa, đó là những năm mà sức mạnh nghiệp đoàn đang dâng cao; còn với Singapore vừa mới độc lập, chúng tôi phải tự lực cánh sinh và rất mong manh, chính quyền không cho phép bất kỳ nghiệp đoàn nào gây nguy hiểm cho sự sống còn của Singapore. Tôi gặp ông ta và các lãnh đạo nghiệp đoàn của ông ta. Trong một cuộc trao đổi kéo dài 40 phút, tôi nói rằng tôi có thể xem xét việc tăng lương trong ngân sách năm 1968 chứ không phải trong năm 1967. Tôi cảnh báo rằng 7000 người trong số hội viên là kiều bào Ấn của ông ta lúc này đang cần giấy phép để được tiếp tục làm việc. Nếu họ cứ tiếp tục đình công, họ có thể mất việc và phải quay về Ấn Độ. Suppiah dửng dưng. Ông ta nói rằng chỉ có 2000 hay 3000 người cần giấy phép làm việc và ông ta sẽ tiếp tục đình công. Nếu nghiệp đoàn này bị đàn áp thì cứ để ông Lý đàn áp nó. Ông ta buộc tội tôi rằng tôi đã quên tôi đang ở cương vị thủ tướng chính là nhờ phần lớn vào phong trào công đoàn.

Vào ngày 29/12, Suppiah kêu gọi một cuộc đình công do Liên Nghiệp đoàn của những người làm công nhật phát động ngay trước những lễ hội mừng năm mới. Tôi yêu cầu họ xem xét lại quyết định của họ và chuyển vấn đề tranh cãi này đến Tòa Lao động. Điều này làm cho bất kỳ cuộc đình công nào của công nhân đều bị coi là bất hợp pháp và tôi phát hành một thông cáo để thu hút sự chú ý của họ đối với vấn đề này.

Vào ngày 1/2/1967, Bộ Y tế bổ sung quy định làm việc mới cho công nhân vệ sinh. Cũng trong ngày hôm đó, khoảng 2400 công nhân của Nghiệp đoàn công nhân vệ sinh ăn lương công nhật và cũng là hội viên thuộc Liên đoàn của Suppiah, tiếp tục một cuộc đình công liều lĩnh. Suppiah ương ngạnh cảnh báo chính phủ rằng nếu những bất bình của các công nhân vệ sinh không được giải quyết trong vòng một tuần, thì tất cả 14.000 công nhân trong các nghiệp đoàn ăn lương công nhật khác thuộc Liên đoàn của ông ta sẽ tiếp tục ủng hộ đình công.

Cảnh sát bắt giữ và cáo buộc Suppiah cùng 14 lãnh đạo khác của Nghiệp đoàn công nhân vệ sinh tội kêu gọi đình công bất hợp pháp. Các thư ký công đoàn phát hành những thông báo đến các Nghiệp đoàn và Liên đoàn này nhằm phân tích rõ lý lẽ là tại sao họ không nên để bị xóa sổ. Cùng lúc đó, Bộ Y tế tuyên bố rằng những người đình công đã tự sa thải họ; trong số những người này, ai muốn được làm việc trở lại có thể xin vào làm việc vào ngày hôm sau. Sự cứng rắn có phối hợp này làm cho những người đình công hoang mang, 90% trong số họ xin làm việc lại. Hai tháng sau đó, cả Nghiệp đoàn công nhân vệ sinh ăn lương công nhật lẫn Liên đoàn của Suppiah bị xóa sổ.

Cuộc đình công này là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử công nghiệp của Singapore. Cách thức mà chính phủ đối phó với cuộc đình công đã giành được sự ủng hộ của quần chúng; và đã tạo ra một sự thay đổi trong văn hóa nghiệp đoàn, đó là từ hành động báng bổ luật pháp đến việc nhân nhượng vì lẽ phải. Tôi có khả năng hướng dư luận đi xa hơn nữa. Trong loạt bài phát biểu với các nghiệp đoàn, tôi đã chuẩn bị cho các công nhân những thay đổi mà chúng tôi đã hoạch định cho Luật Lao động. Chúng tôi cấm mọi cuộc đình công trong một số ban ngành thiết yếu và sắp đặt cho từng ủy ban lập pháp có nghiệp đoàn riêng.

Tại Hội nghị Đại biểu NTUC vào đầu năm 1968, tôi thuyết phục họ rằng mối quan hệ Lao động giữa người sử dụng Lao động và người làm công là quan trọng đối với sự sống còn của chúng tôi hơn là việc tăng lương, và chúng tôi phải cùng nhau đưa phong trào Lao động đi vào khuôn khổ tốt hơn bằng cách thôi dùng những thông lệ có tính hạn chế và sự lạm dụng những khoản trợ cấp thêm. Tôi tin họ là những nhà lãnh đạo có khả năng tạo ra một phong trào Lao động mới có uy tín nhờ những chính sách thực tiễn có lợi cho công nhân. Kể lại chi tiết, những năm bỏ phí của chính quyền thuộc địa Anh vào việc làm tê liệt những cuộc đình công của thợ thuyền đã dẫn đến việc mất giá đồng bảng Anh vào năm 1967, tôi cảnh báo rằng: “Nếu điều đó xảy ra ở đây, tại bến cảng của chúng tôi, tôi sẽ tuyên bố đây là tội phản quốc. Tôi sẽ ra tay chống lại những kẻ cầm đầu đình công, tội trạng thì sẽ bị xét xử ở tòa sau. Tôi sẽ chỉnh đốn bến cảng này lại. Đồng đôla Singapore sẽ không bao giờ bị mất giá và tôi nghĩ người dân Singapore trông chờ điều này từ nhà nước của họ”. Tôi vạch ra “tính ích kỷ của Lao động trong biên chế”. Vào năm 1967, hàng hóa do Cục Hải cảng Singapore quản lý tăng hơn 10%, song số công nhân có việc làm không tăng lên bởi vì toàn bộ công việc phát sinh đã được nhận làm ngoài giờ. Điều này không hợp lý trong thời điểm tình trạng thất nghiệp cao. Tôi nói với các đại biểu nghiệp đoàn rằng chúng tôi phải tự thoát ra khỏi hoạt động nghiệp đoàn độc hại kiểu Anh.

Để công bằng, tôi phát biểu trong một cuộc gặp gỡ với những người sử dụng Lao động rằng họ phải công bằng đối với các công nhân của họ nếu như họ muốn công nhân nỗ lực làm việc ở mức cao nhất; rằng ở nơi nào mà các nghiệp đoàn và người sử dụng Lao động không thống nhất với nhau được về những mục tiêu cơ bản thì hậu quả là gây tổn thất cho nền kinh tế. Tôi thuyết phục những người sử dụng Lao động hãy thực hiện nhiệm vụ của họ, rồi thì các công nhân của chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình nhằm kiếm được những khoản thưởng cao nhất: những khoản thưởng trực tiếp vào lương và các khoản tiền trợ cấp của họ, và những khoản thu nhập gián tiếp thông qua ngân sách nhà nước như là nhà ở, trợ cấp y tế, giáo dục và xã hội.

Thông cáo của Anh về việc rút lực lượng quân đội vào tháng Giêng 1968 đã làm tăng thêm nỗi lo lắng của dân chúng. Tôi nắm bắt khoảnh khắc đó để thực hiện những cải cách triệt để nhằm giải thoát chúng tôi ra khỏi những hoạt động nghiệp đoàn. Những hoạt động này vốn đã tước đi quyền của những người sử dụng Lao động và làm mai một khả năng quản lý điều khiển công việc kinh doanh của họ. Sau khi chúng tôi thắng cử trong cuộc bầu cử vào tháng 4/1968 với sự áp đảo, cũng vào năm đó, nghị viện thông qua Luật Tuyển dụng Lao động và Luật Quan hệ Lao động (Luật sửa đổi). Sau đó, Luật Công đoàn được sửa đổi. Những điều luật này giải thích rõ ràng các điều kiện làm việc tối thiểu và đặt ra những giới hạn về trợ cấp, những khoản thưởng làm thêm giờ và trợ cấp thêm. Luật đưa ra những điều khoản cho các ngày nghỉ, những ngày nghỉ lễ, những ngày làm việc và nghỉ phép thường niên, nghỉ thai sản và nghỉ bệnh. Chúng trả lại cho giới quản lý quyền thuê và sa thải nhân viên, quyền đề bạt và thuyên chuyển công tác, cũng như những chức năng mà nghiệp đoàn đã xâm phạm trong suốt những năm xảy ra xung đột Lao động. Những điều luật này đã đặt nền tảng cho sự hòa giải Lao động.

Chúng tôi coi việc một công đoàn tổ chức đình công hay bãi công mà không có bỏ phiếu kín là bất hợp pháp. Nếu công đoàn này tiến hành bãi công, thì nó và các viên chức của nó sẽ bị truy tố. Việc này làm ngưng thông lệ bỏ phiếu bằng hình thức giơ tay biểu quyết công khai mà ở đó những người bất đồng ý kiến bị đe dọa buộc phải phục tùng.

Seah Mui Koh, một nhà lãnh đạo nghiệp đoàn, nghị sĩ của đảng PAP và là bạn thời nghiệp đoàn của tôi, đã phản đối việc cho phép những người sử dụng Lao động được quyền thuê và sa thải nhân viên rộng rãi, nhưng ông ta lại công nhận việc các nghiệp đoàn giảm bớt chạm trán nhằm tạo một bầu không khí tốt hơn cho các đầu tư nước ngoài là điều cần thiết. Tôi đã tính đến những biện pháp bảo vệ đề phòng việc lạm dụng những quyền này. Những thay đổi trong việc thuê nhân công, những điều luật quan hệ Lao động và những thói quen đã đem lại những lợi ích thật sự. Trong vòng một năm, vào năm 1969, có 52 xí nghiệp mới được thành lập tạo ra 17.000 việc làm mới. Trong năm 1970, những đầu tư mới cũng đã tạo thêm 20.000 việc làm. Thu nhập tăng lên.

Vào năm 1972, chúng tôi thành lập Hội đồng Lương bổng Quốc gia (National Wages Council – NWC) có đại diện các nghiệp đoàn, giới chủ và chính quyền. Hàng năm, sử dụng những thông tin chính xác từ chính phủ, NWC đạt được sự nhất trí cao trong các kiến nghị về tăng lương và về môi trường kinh doanh trong năm tới, chúng có tính hiện thực và sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự tăng trưởng kinh tế. Những kiến nghị chung của Hội đồng Lương bổng Quốc gia đều được coi là nguyên tắc chỉ đạo chung, được điều chỉnh để thích ứng với từng lãnh vực, cho tất cả các đàm phán giữa nghiệp đoàn và giới chủ. Ngay từ những năm đầu hoạt động của Hội đồng, tất cả các đảng phái đều nhất trí rằng việc tăng lương không được vượt quá mức tăng năng suất.

Ý thức sâu sắc về khủng hoảng đang thịnh hành giúp tôi thay đổi hoàn toàn quan điểm nghiệp đoàn trong vài năm. Nguy cơ của một sự sụp đổ kinh tế do lực lượng Anh sắp sửa rút khỏi Singapore đã làm thay đổi tâm trạng và quan điểm của dân chúng. Họ nhận ra rằng trừ phi chúng tôi thực hiện một sự đảo ngược sách lược thoát khỏi những cuộc đình công và bạo động, hướng đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, chúng tôi sẽ tiêu vong.

Tôi nhờ giới quản lý đảm nhiệm vai trò mới của họ trong việc giành lấy sự hợp tác của công nhân, nếu không có sự hợp tác này, năng suất không thể tăng lên. Luật pháp nghiêm minh và biện pháp cứng rắn từ một phía hẳn không thể đạt được điều này. Chính sách bao trùm của chúng tôi là thuyết phục các công nhân và các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn hỗ trợ cho mục tiêu chính của chúng tôi: kiến lập niềm tin từ quốc tế vào Singapore và thu hút đầu tư cũng như tạo công ăn việc làm. Song, cuối cùng thì qua những năm dài liên kết, tôi đã có được sự tín nhiệm và niềm tin nơi họ, giúp biến đổi những mối quan hệ Lao động từ một mối quan hệ đấu tranh và đối đầu thành sự hợp tác và cộng tác.

Năm 1969, theo lời yêu cầu của tôi, Devan Nair từ Kuala Lumpur quay về Singapore để lãnh đạo lại NTUC. Ông ta đã ở lại Kuala Lumpur sau khi được bầu vào nghị viện Malaysia năm 1964. Tôi cần ông ta ở Singapore để đóng vai trò chính trong việc duy trì hòa giải Lao động và thuyết phục công nhân của chúng tôi tăng năng suất cũng như hiệu quả công việc. Việc có Devan làm tổng thư ký NTUC là một ưu thế lớn cho tôi. Ông ta phối hợp, điều chỉnh các chính sách của tôi và khắc sâu thái độ làm việc tích cực ở các nghiệp đoàn. Là người lãnh đạo NTUC từ năm 1970 đến 1981, ông ta được nghị viện bầu làm Tổng thống Singapore, ông ta đã dẫn dắt các lãnh đạo nghiệp đoàn đương đầu với sự thách thức cạnh tranh trong thị trường thế giới. Mỗi lần Winseminus đến thăm Singapore, ông ta cùng với tùy phái viên Ngiam Tong Dow báo cáo cho Devan tường tận về tình hình Lao động và kinh tế. Devan giáo dục các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế và giúp hội đồng ba bên NWC thành công. Một vấn đề mà ông ta phải đương đầu là việc giảm số lượng hội viên nghiệp đoàn, do sự giảm bớt tính chiến đấu của nghiệp đoàn. Để chống lại khuynh hướng này, vào tháng 11/1969, Devan tổ chức một cuộc hội thảo về công cuộc hiện đại hóa và làm cho các đại biểu nghiệp đoàn nhận thấy được nhu cầu hiện đại hóa những nhiệm vụ của họ nhằm đáp ứng môi trường đã thay đổi. Họ thành lập nhiều xí nghiệp hợp tác của nghiệp đoàn. Vào năm 1970, NTUC thành lập một hợp tác xã taxi gọi là NTUC Comfort nhằm dẹp bỏ mánh lới làm ăn lậu (không xin phép) của taxi vốn hoành hành trong những năm 60. Hợp tác xã taxi này bắt đầu bằng 200 chiếc taxi hiệu Morris Oxford và 200 chiếc xe buýt mini hiệu British Austin đuợc thanh toán bằng những khoản vay trong số tiền viện trợ của Anh. Cho đến năm 1994, với 10.000 taxi và 200 xe buýt đưa rước học sinh, hợp tác xã này đã được tập đoàn hóa và được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán của Singapore với cái tên là Comfort Group Limited. Để giảm bớt chi phí sinh hoạt cho các hội viên của mình, vào năm 1973, NTUC thành lập một hợp tác xã tiêu thụ gọi là NTUC Welcome để điều hành các cửa hiệu, cửa hàng và siêu thị. Sau đó dưới cái tên NTUC Fairprice, nó trở thành một chuỗi siêu thị thành công, giữ cho giá cả những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu xấp xỉ giá bán sỉ. NTUC Income vốn là một hợp tác xã bảo hiểm, thành lập vào năm 1970 với hoạt động bảo hiểm nhân thọ, khi đó tiếp tục đi vào bảo hiểm xe cộ và các lãnh vực khác. NTUC thuê các chuyên viên nhà nghề và những nhà quản lý có kinh nghiệm. Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn trong các ban quản trị giám sát những nhà quản lý chuyên nghiệp của các doanh nghiệp này và sớm hiểu ra rằng việc quản lý tốt là yếu tố quyết định cho sự thành công.

Việc thay mới bộ phận lãnh đạo của NTUC đã làm cho họ thích hợp đối với một thế hệ công nhân trẻ hơn. Khi Devan từ chức vào năm 1981 để trở thành tổng thống Singapore, Lim Chee Onn, thư ký chính trị 37 tuổi đảm nhiệm chức tổng thư ký. Anh ta đã làm việc dưới quyền Devan sau khi trở thành thành viên nghị viện vào năm 1977. Là một người tốt nghiệp ngành kiến trúc hải quân hạng ưu của Đại học Glasgow, anh ta đưa ra những phương pháp quản lý hợp lý cho công việc nghiệp đoàn của mình. Tuy nhiên, kỹ năng giao tế của anh ta không giỏi bằng Devan, và đã nảy sinh việc hiểu lầm giữa anh ta và những người lãnh đạo nghiệp đoàn lớn tuổi, họ than phiền rằng họ nhận thấy anh ta có vẻ gì đó khó gần.

Đây là vấn đề mà tôi phải đương đầu mỗi khi có sự thay đổi thế hệ giữa những nhà lãnh đạo. Chee Onn trẻ hơn Devan 20 tuổi. Các lãnh đạo nghiệp đoàn thuộc thế hệ Devan đã quen với cách làm việc của Devan và không chịu theo phong cách làm việc khác lạ của Chee Onn. Vấn đề cơ bản là các lãnh đạo lớn tuổi không hoan nghênh một sự trẻ hóa ngay lập tức. Theo đề nghị của tôi, Chee Onn đưa vào NTUC nhiều người trẻ tuổi có trình độ để giúp đỡ anh ta. Việc làm này càng làm tăng thêm sự khó chịu của các lãnh đạo nghiệp đoàn lớn tuổi. Tôi kết luận rằng anh ta sẽ rất khó khăn khi tiếp tục làm việc với các nhà lãnh đạo lớn tuổi. Chee Onn lại hiểu đây là sự thất bại cá nhân và rút khỏi hoạt động chính trị vào năm 1982. Anh ta đi vào khu vực tư nhân và gia nhập Công ty Keppel, một trong những công ty lớn nhất liên kết với chính phủ. Anh ta thành công trong vai trò lãnh đạo công ty, là pháo đài vững chắc của Sim Kee Boon, người đã từ chức Trưởng ban Dân chính để trở thành Chủ tịch Công ty này.

Tôi và Devan nhất trí với nhau rằng Ong Teng Cheong, Bộ trưởng Thông tin kiêm Bộ trưởng Lao động sẽ làm việc ăn ý với các lãnh đạo nghiệp đoàn lớn tuổi. Ông ta đang ở lứa tuổi 40, lớn hơn Chee Onn 9 tuổi, tôi tin sẽ có ít sự khác biệt về mặt thế hệ. Tôi thuyết phục Teng Cheong làm việc với các nghiệp đoàn, ông ta đồng ý và cho đến năm 1983 ông ta được bầu làm tổng thư ký NTUC. Ông ta vẫn ở lại nội các và điều này tất có lợi vì các nghiệp đoàn nói lên được những quyền lợi của họ và chính phủ có thể tiếp nhận những ý kiến của họ để xem xét khi bàn thảo các chính sách. Teng Cheong là kiến trúc sư được đào tạo ở Đại học Adelaide, ông ta thông thạo tiếng Anh. Do được học hành bằng tiếng Hoa nên ông ta còn thông thạo tiếng Quan Thoại và tiếng Phúc Kiến là tiếng mẹ đẻ. Ông ta làm việc rất tốt với cả các lãnh đạo nghiệp đoàn lẫn công nhân thường. Ông ta đã đưa NTUC đi vào những lãnh vực mới, tạo điều kiện các hội viên giải trí và vui chơi tốt hơn. Tôi động viên ông ta về điểm này, song ông ta không cần ủng hộ nhiều. Những gì ông ta cần là nguồn tài chính và sự hỗ trợ về mặt chính trị mà tôi có thể đem lại cho ông ta.

NTUC mở rộng sang các dịch vụ y tế, chăm sóc trẻ, đài phát thanh, khách sạn nghỉ mát ở bãi biển dành cho công nhân gọi là Pasir Ris Resort và câu lạc bộ đồng quê Orchid, có sân gôn bên cạnh hồ nước nhân tạo Seletar. NTUC còn phát triển các chung cư có chất lượng mà các hội viên của nó có thể mua được. Những hợp tác xã mới này đem lại cho các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn nhiều kinh nghiệm thực hành hơn trong việc điều hành xí nghiệp. Những nhà lãnh đạo mới thuộc những thế hệ kế tiếp học hỏi về việc quản lý giỏi. Các câu lạc bộ, khách sạn bãi biển và các tiện nghi khác đem lại cho công nhân những sinh hoạt mà trước đây chỉ dành cho những người giàu có. Tôi tin những tiện nghi này sẽ làm giảm đi suy nghĩ cho rằng các công nhân thuộc vào tầng lớp thấp hơn của xã hội, bị loại trừ khỏi những kiểu sống mà chỉ những người thành đạt mới được hưởng thụ. Để các công nhân có được những thứ này, chính phủ bán đất công với giá không đáng kể.

Trong nhiều năm, tôi đã khuyến khích NTUC thành lập một trường cao đẳng về Lao động. Vào năm 1990, với sự giúp đỡ của hiệu trưởng trường Cao đẳng Ruskin, Teng Cheong thành lập Học viện Nghiên cứu Lao động để giảng dạy những mối quan hệ Lao động và phát triển khả năng lãnh đạo.

Khi Teng Cheong được bầu làm tổng thống Singapore năm 1993, Lim Boon Heng, khi đó là Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp, trẻ hơn Teng 12 tuổi đảm nhận chức Tổng thư ký NTUC. Anh ta tốt nghiệp ngành kiến trúc hải quân ở Đại học Newcastle–upon–Tyne và đã làm việc với nghiệp đoàn từ năm 1981, nơi mà kỹ năng giao tiếp giỏi của anh ta trở thành một tài sản lớn. Anh ta đưa vào NTUC những thanh niên có trình độ và tài giỏi ở những lứa tuổi 20 và 30, họ là những người đỗ đạt ở các trường đại học nước ngoài và có những ý tưởng mới lạ. Đầu vào đầy nhiệt huyết mới này đã làm trẻ hóa suy nghĩ, những quan điểm của những người lãnh đạo nghiệp đoàn và gặt hái được nhiều thắng lợi cho nghiệp đoàn. Giống như Teng Cheong, Boon Heng vẫn làm Bộ trưởng, chính thức hóa một kiểu mẫu hợp tác giữa các nghiệp đoàn và nhà nước đã phục vụ Singapore tốt hơn.

Tôi phát động phong trào “tăng năng suất” vào đầu những năm 80 bởi vì tôi bị ấn tượng bởi những nhà thực hành người Nhật. Tôi khuyến khích các lãnh đạo NTUC làm việc với giới quản lý nhằm giới thiệu những dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm (Quality Control Circles – QCCs), khuyến khích các tập thể công nhân cùng nhau đề xuất những cách cải tiến công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, và đạt độ hư hỏng ở mức zero. Sự tiến triển đến chậm. Đi theo thực tiễn của các công ty Nhật, những kiểu đề xuất QCC nào đạt kết quả trong việc tiết kiệm hay cải tiến sẽ được trưng bày và được trao những phần thưởng nhỏ. Trung tâm Năng suất Nhật Bản đã trợ giúp bằng cách cung cấp chuyên viên, các học bổng thực tập, các phần mềm, thiết bị và tài liệu đào tạo. Thỉnh thoảng, tôi phát biểu tại những buổi lễ trao thưởng và trao tặng những giải thưởng năng suất hàng năm.

Một dịp nọ, vào năm 1987, sau khi trao phần thưởng cho viên giám đốc điều hành một công ty Nhật, tôi hỏi ông ta tại sao công nhân địa phương làm việc kém năng suất hơn công nhân Nhật Bản mặc dù họ dùng những máy móc như nhau. Câu trả lời thành thật của ông ta là công nhân Nhật có tay nghề cao hơn, đa năng hơn, linh hoạt hơn và dễ thích nghi hơn, cộng với việc ít vắng mặt mà không có lý do chính đáng và ít thay đổi chỗ làm hơn. Các kỹ thuật viên, các trưởng nhóm và các giám sát viên người Singapore không sẵn lòng đảm nhận những công việc làm bẩn tay họ. Ngược lại, các nhân viên tương nhiệm người Nhật không tự xem họ là Lao động trí óc hay Lao động chân tay; họ sẵn sàng giúp vận hành và bảo trì máy móc, nhờ vậy họ hiểu được những khó khăn của công nhân hơn.

Devan bị ấn tượng bởi những thành tựu của các nghiệp đoàn Nhật, ông ta lấy hai nghiệp đoàn chung nhiều nhánh tổ chức lại thành chín nghiệp đoàn ngành. Năm 1982, tổng thư ký NTUC lúc bấy giờ là Chee Onn bắt đầu công cuộc thay đổi từ nghiệp đoàn ngành sang nghiệp đoàn xí nghiệp. Việc làm này đem lại sự kết nối thông tin tốt hơn giữa lãnh đạo nghiệp đoàn và công nhân, và các lãnh đạo nghiệp đoàn có thể tập trung vào những vấn đề và khó khăn riêng của chính công ty họ trong quản lý. Năm 1984, bị thuyết phục bởi những lợi ích, NTUC đã chấp nhận quyết định ủng hộ các nghiệp đoàn xí nghiệp.

Trong hầu hết các trường hợp, các nghiệp đoàn xí nghiệp làm tăng số hội viên nghiệp đoàn. Chúng khuyến khích thái độ thẳng thắn và tin cậy có lợi cho những quan hệ giữa người Lao động với giới quản lý. Tuy nhiên, trong những năm 90, Boon Heng đã nhận ra rằng các nghiệp đoàn xí nghiệp đã không làm tốt nhiệm vụ như ở Nhật. Các công ty ở Singapore quá nhỏ, đa phần ít hơn một nghìn công nhân so với hàng chục nghìn công nhân trong các công ty Nhật. Hơn nữa, không giống như Singapore, ở Nhật những nhà điều hành, những người tốt nghiệp đại học và những người có chuyên môn khác có thể gia nhập nghiệp đoàn. Các nghiệp đoàn xí nghiệp Singapore không có đủ những hội viên có trình độ cho các vị trí lãnh đạo. Khi đàm phán với giới chủ sử dụng Lao động, họ phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của NTUC. Chúng tôi phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề này mà không lặp lại những bất lợi của các nghiệp đoàn lớn.

Những thay đổi đối với chính sách nghiệp đoàn ở Singapore được thực hiện với rất ít những cuộc đình công hay những xung đột Lao động. Quá trình trưởng thành của phong trào công đoàn và của các lãnh đạo của nó được nhiều viên chức tận tụy và có năng lực giúp đỡ, đây là những người mà tôi đề bạt từ ủy ban hành chính nhà nước đến Cục nghiên cứu Lao động của NTUC vào năm 1962; sau khi các nghiệp đoàn cộng sản rút khỏi Hiệp hội Công đoàn Singapore vào năm 1961 để thành lập liên đoàn của riêng họ, bỏ lại những nghiệp đoàn phi cộng sản không có những người thương thuyết đủ khôn khéo. Một trong những viên chức được tôi cử là S.R.Nathan, đã từng là nhân viên xã hội. Ông ta có óc phán đoán giỏi và làm việc tốt với các lãnh đạo nghiệp đoàn. Sau này Nathan trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và là đại sứ của chúng tôi ở Washington. Năm 1999, ông ta trở thành tổng thống Singapore. Một người nữa là Hsu Tse Kwang, một “người hành động” đầy nghị lực và sau này trở thành ủy viên thuế thu nhập của chúng tôi. Họ đã giúp đỡ các lãnh đạo nghiệp đoàn phi cộng sản trong việc thương lượng chung và trình những vụ kiện tụng của họ ra trước Tòa Lao động. Họ giáo dục các lãnh đạo nghiệp đoàn về những thực tiễn của việc sống còn về mặt kinh tế đối với Singapore và qua đó tạo dựng một giới lãnh đạo NTUC thực tế và hữu dụng. Sau này vào những năm 90, tôi khuyến khích những người có học vị đầy triển vọng trở về đảm nhiệm những công việc toàn thời gian trong NTUC nhằm tăng cường tính năng nghiên cứu và khả năng thương lượng của nó. Với nền giáo dục phổ cập và học bổng nhiều, lúc đó mọi học sinh giỏi – nghèo đều được vào đại học. Các lãnh đạo nghiệp đoàn có năng lực đi lên từ những công nhân bình thường trở nên ít hơn.

Để duy trì mối quan hệ cộng sinh giữa chính phủ PAP và NTUC, tôi khuyến khích NTUC nhận một vài nghị sĩ đến làm việc toàn thời gian với các nghiệp đoàn, và chỉ định những nghị sĩ khác làm cố vấn cho nhiều nghiệp đoàn khác nhau. Các nghị sĩ này đưa những vấn đề nghiệp đoàn vào nghị viện. Những bổ sung như vậy vào nhân lực của nghiệp đoàn tạo nên một sự khác biệt về chất lượng. Không có trí thức được rèn luyện và khả năng tiếp cận dễ dàng với cấp bộ trưởng của họ, các vấn đề của nghiệp đoàn sẽ không được đặt ra theo cách thức có thể dành được sự quan tâm và thỉnh thoảng mang lại việc sửa đổi chính sách.

Chúng tôi đưa ra một khuôn khổ hợp lý để quản lý những mối quan hệ Lao động. Những hạn chế về việc vượt quá giới hạn của các công đoàn được điều hòa bởi những thủ tục tư vấn và phân xử thông qua đó các nghiệp đoàn có thể bảo vệ quyền lợi của công nhân. Yếu tố chính đem lại sự bình yên và tính hài hoà trong xã hội là ý thức về một cuộc chơi công bằng, mà trong đó mọi người đều có phần trong thành quả gặt hái được của chúng tôi.

Việc tiếp cận tích cực của NTUC dẫn đến giảm bớt nạn thất nghiệp từ 14% trong năm 1965 còn 1,8% trong năm 1997. Trong vòng 25 năm, từ 1973 đến 1997, mức lương thực lãnh trung bình tăng hàng năm chỉ khoảng dưới 5%. Chúng tôi gặp suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997: nạn thất nghiệp tăng đến 3,2% vào năm 1998. Để lấy lại tính cạnh tranh của chúng tôi, các nghiệp đoàn và chính phủ đã nhất trí và thực thi một loạt những biện pháp làm giảm khoảng 15% lương và những chi phí khác từ ngày 1 tháng Giêng năm 1999.

Chọn tập
Bình luận
× sticky