Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

Chương 5: Thành Lập Trung Tâm Tài Chính

Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Hồi Ký - Tuỳ Bút
Chọn tập

Vào năm 1960, nếu có ai đó dự đoán rằng Singapore, sau khi tách khỏi Malaysia, sẽ trở thành một trung tâm tài chính thì hẳn sẽ bị coi là điên rồ. Làm thế nào để những hệ thống máy tính của các tòa cao ốc văn phòng hiện đại nằm trong trung tâm thành phố có thể liên kết Singapore với London, New York, Tokyo, Frankfurt, Hong Kong và các trung tâm tài chính lớn khác?

Chuyện đã có một khởi đầu khó tin vào năm 1968. Theo lời kể của Tiến sĩ Winsemius, ông ta nhớ lại một cuộc điện thoại với một người bạn là Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Mỹ ở Singapore lúc đó đang ở London rằng: “Này ông Van Oenen, chúng tôi (Singapore) muốn Singapore trở thành trung tâm tài chính của Đông Nam Á trong vòng 10 năm nữa.” Ông Van Oenen đáp lại “Được đấy, anh hãy đến London đi. Trong vòng 5 năm anh có thể phát triển nó.” Winsemius lập tức đến London và Van Oenen đưa ông đến trước một quả địa cầu lớn đặt trong phòng họp của ban giám đốc và nói rằng: “Anh hãy nhìn xem, thế giới tài chính bắt đầu ở Zurich. Các ngân hàng Zurich mở cửa lúc 9 giờ sáng, sau đó là Frankfurt, rồi đến London. Buổi chiều Zurich đóng cửa, kế đến là Frankfurt, rồi lại đến London. Trong lúc ấy New York mở cửa. Vì thế, London chuyển giao dịch tài chính cho New York. Buổi chiều, New York đóng cửa và họ chuyển giao dịch sang San Francisco. Khi San Francisco đóng cửa thì thế giới chìm trong màn đêm. Không có gì xảy ra mãi cho đến 9 giờ sáng hôm sau (giờ Thụy Sĩ), đó là lúc các ngân hàng Thụy Sĩ mở cửa. Nếu chúng tôi đặt Singapore vào giữa, trước lúc San Francisco đóng cửa thì Singapore sẽ nắm quyền kiểm soát. Và khi Singapore đóng cửa, nó sẽ chuyển giao cho Zurich. Vậy, lần đầu tiên kể từ khi hoạt động, chúng ta sẽ có một dịch vụ vòng quanh thế giới về tiền tệ và ngân hàng trong suốt 24 giờ một ngày”.

Theo yêu cầu của Winsemius, Van Oenen thảo một bản báo cáo về đề tài này và gởi cho Hon Sui Sen, lúc bấy giờ là chủ tịch EDB và là cầu nối đặc biệt giữa Winsemius và tôi. Sui Sen đến gặp và đề nghị chúng tôi nên tháo bỏ luật hạn chế kiểm soát ngoại hối trong mọi giao dịch tiền tệ giữa Singapore và các lãnh thổ bên ngoài khu vực đồng bảng Anh. Chúng tôi vẫn là thành phần của khu vực đồng bảng Anh vốn đòi hỏi quyền kiểm soát hối đoái trong việc luân chuyển tiền tệ. Khi Sui Sen thăm dò một quan chức ngân hàng Anh về khả năng thiết lập thị trường ngoại tệ giúp chúng tôi có một thị trường đồng đôla châu Á giống như Hong Kong, thì ông ta được bảo rằng việc dàn xếp ở Hong Kong là được phép vì những lý do lịch sử, còn Singapore – ông ta được cảnh báo rằng – sẽ có thể phải ra khỏi khu vực đồng bảng Anh. Tôi chấp nhận rủi ro này và bảo Sui Sen cứ tiến hành. Ngân hàng Anh không gây áp lực về vấn đề này và Singapore không phải rời bỏ khu vực đồng bảng Anh. Bất luận thế nào, nước Anh cũng giải thể nó 4 năm sau đó.

Không giống như Hong Kong, Singapore không thể dựa trên danh tiếng của thành phố London vốn là một trung tâm tài chính có lịch sử ngân hàng quốc tế lâu đời, cũng như không thể dựa vào sự giúp đỡ của Ngân hàng Anh vốn tiêu biểu cho sự dày dạn kinh nghiệm, độ tin cậy và uy tín về mặt tài chính. Năm 1968, Singapore là một nước thuộc Thế giới thứ Ba. Tình hình xã hội ổn định, môi trường sống và làm việc tốt, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn và lực lượng Lao động có chuyên môn giỏi cũng như có khả năng thích ứng được công việc là điều kiện cần của các chủ ngân hàng nước ngoài. Chúng tôi cũng phải thuyết phục được họ rằng Ủy ban Tiền tệ và Cơ quan giám sát tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore – MAS) có khả năng giám sát được ngành ngân hàng. Năm 1965, ngay sau khi độc lập, cả tôi và Keng Swee đều quyết định rằng Singapore không nên thành lập ngân hàng trung ương có khả năng phát hành và in tiền. Chúng tôi kiên quyết không để đồng tiền của chúng tôi mất giá so với những ngoại tệ mạnh của những quốc gia lớn, nhất là Hoa Kỳ. Vì vậy, chúng tôi vẫn duy trì Hội đồng Tiền tệ để đảm trách việc phát hành đồng đôla Singapore và chỉ phát hành khi được hỗ trợ bằng trị giá ngoại hối tương đương. MAS có trong tay mọi quyền hành của một ngân hàng Trung ương ngoại trừ quyền phát hành giấy bạc.

MAS rất chuyên nghiệp trong việc giám sát tài chính, làm việc dựa trên những điều luật, điều lệ và quy định vốn được xem xét và sửa đổi định kỳ để bắt kịp những phát triển trong ngành tài chính. Chúng tôi phải chiến đấu từng bước một để tạo niềm tin về tính liêm chính, về năng lực cũng như khả năng phán đoán của chúng tôi. Lịch sử của trung tâm tài chính của chúng tôi là câu chuyện về cách làm thế nào chúng tôi thiết lập được sự tín nhiệm như một sở liêm chính, nâng cao kiến thức cũng như tay nghề cho các viên chức để chỉnh đốn và giám sát các ngân hàng, các trung tâm giao dịch chứng khoán và các cơ quan tài chính khác nhằm giảm thiểu mức rủi ro thất bại ngấm ngầm.

Chúng tôi có một khởi đầu khiêm tốn với một thị trường đồng đôla châu Á ở nước ngoài. Đó chính là bản sao của thị trường đồng đôla châu Âu và chúng tôi gọi đó là “Thị trường đồng đôla châu Á”. Ban đầu, thị trường này chủ yếu là thị trường liên ngân hàng ở Singapore, có khả năng nắm giữ các quỹ ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài rồi cho các ngân hàng trong khu vực vay và ngược lại. Sau đó, thị trường đồng đôla châu Á mua bán ngoại hối và những phát sinh tài chính bằng ngoại tệ gọi là trái khoản, đảm trách công việc cho vay, phát hành trái phiếu và quản lý vốn. Thị trường đồng đôla châu Á năm 1997 vượt hơn 500 tỷ đôla Mỹ, xấp xỉ gấp ba lần quy mô thị trường ngân hàng nội địa. Sự tăng trưởng này vô cùng to lớn bởi vì nó đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. Giao dịch tài chính quốc tế tăng theo cấp số nhân khi thương mại và đầu tư từ bên kia địa cầu lan tỏa bao trùm Đông Á với Singapore là một mắt xích chính.

Trong những năm từ 1968 đến 1985, chúng tôi hầu như một mình một chợ trong khu vực. Chúng tôi thu hút các cơ quan tài chính quốc tế bằng cách hủy bỏ thuế lợi tức đánh vào thu nhập lãi vay của khách gửi tiền không lưu trú. Mọi khoản tiền gửi bằng đồng đôla châu Á được miễn yêu cầu thanh toán và dự trữ pháp định. Vào những năm 90, Singapore đã trở thành một trong những trung tâm tài chính tầm cỡ thế giới với thị trường ngoại hối đứng hàng thứ tư sau London, New York và chỉ đứng sau Tokyo một chút. Nhờ vào thành công của chúng tôi sau giữa những năm 80, các quốc gia khác trong khu vực tranh đua phát triển trung tâm tài chính quốc tế, một số nước còn đưa ra nhiều ưu đãi về thuế suất hơn chúng tôi. Trung tâm tài chính của chúng tôi đặt nền tảng trên luật lệ, với bộ máy tư pháp độc lập cùng một chính quyền ổn định, có năng lực và trong sạch, một chính quyền theo đuổi những chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, ngân sách hầu như bội thu hằng năm. Điều này đưa đến kết quả là đồng đôla Singapore mạnh và ổn định, cùng với tỷ giá hối đoái hợp lý đã ngăn chặn tình trạng lạm phát từ ngoài lan vào.

Trong thập niên 70, chúng tôi phải đương đầu với một “đại gia” trong thành phố London. Tháng 3/1972, Jim Slater, một nhà đầu tư rất được vị nể người Anh chuyên mua bán tài sản đã đến Singapore gặp tôi. Khi Ted Heath trở thành Thủ tướng, báo chí đưa tin rằng ông ta đã giao tài sản và cổ phần cho Jim Slater quản lý trong một tơ–rớt (trust) kín. Do đó, Slater có được sự tin cậy cao. Tôi đã gặp Slater trước đó một năm tại buổi ăn tối ở số 10 đường Downing, do Ted Heath mời. Tôi hoan nghênh Slater góp vốn vào thị trường chứng khoán của chúng tôi.

Sau đó vào năm 1975, Sui Sen, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Tài chính, cho tôi biết tập đoàn Slater Walker Securities đã cấu kết thao túng các cổ phần của Haw Par Brothers International vốn là một công ty yết giá công khai ở Singapore. Họ đang bòn rút hết tài sản của Haw Par và các chi nhánh của nó một cách bất hợp pháp vì quyền lợi của một vài giám đốc nào đó và của chính họ, một hành vi bị buộc tội bội tín: họ đang lừa đảo cổ đông của Haw Par và các công ty khác. Quá trình điều tra một “đại gia” ở Sở Giao dịch Chứng khoán London, nếu không tìm ra bằng chứng, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chúng tôi. Vậy có nên khởi tố Jim Slater không? Tôi quyết định phải khởi tố nếu chúng tôi muốn giữ vững uy tín của chúng tôi là một sở giao dịch chứng khoán được quản lý giỏi.

Cuộc điều tra đã phát giác ra âm mưu phân tán tài sản Haw Par một cách có hệ thống, và đây mới chỉ là một mánh khóe của một trò lừa đảo có quy mô hơn. Những hành động phạm pháp của Slater Walker lan rộng từ Singapore đến Malaysia, Hong Kong và London, sào huyệt cuối cùng của bọn chúng. Chúng sử dụng các chi nhánh Haw Par ở Hong Kong để mua những cổ phiếu niêm yết chính thức ở Hong Kong rồi bán cho Spydar Securities, tổ chức do những nhà quản trị của Slater Walker làm chủ – những kẻ chia nhau những lợi nhuận bất chính này. Những người chịu trách nhiệm là Jim Slater, Richard Tarling, chủ tịch của Haw Par và Ogilvy Watson, giám đốc điều hành. Watson trở về Anh trước khi trốn sang Bỉ, nước mà chúng tôi không có hiệp ước dẫn độ. Slater và Tarling vẫn trú ở London. Chúng tôi yêu cầu dẫn độ Slater và Tarling, nhưng chính phủ Anh không dẫn độ Slater. Thay vào đó, vào năm 1979, sau ba năm đấu tranh ở tòa án Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh ra lệnh dẫn độ Tarling chỉ với 6 tội danh với những hình phạt thấp nhất trong số 17 tội danh. Tarling bị truy tố và bị tống giam sáu tháng tù cho mỗi tội trong ba lời buộc tội về việc cố tình không tiết lộ những tin tức quan trọng trong bản quyết toán lỗ lãi năm 1972 của Haw Par. Nhiều năm sau khi thôi chức thống đốc ngân hàng Anh, Gordon Richardson lầm bầm trong văn phòng tôi rằng ông ta lấy làm tiếc vì đã không giúp được Singapore truy tố Slater ra tòa.

Trong những năm 70 và 80, danh tiếng về sự kỹ lưỡng và kiên quyết của MAS (trong việc chỉ chấp nhận những cơ quan tài chính có danh tiếng tốt) đã bị thử thách khi nó từ chối cấp giấy phép cho Ngân hàng Thương mại và Tín dụng Quốc tế (Bank of Credit and Commerce International – BCCI). Cú lừa đảo của BCCI ảnh hưởng đến hầu hết mọi trung tâm tài chính lớn vào thời điểm nó chấm dứt hoạt động. Được thành lập tại Luxembourg bởi một người Pakistan, cổ đông của ngân hàng này bao gồm những thành viên của các hoàng gia Ả Rập Saudi, Bahrain, Abu Dhabi và Dubai. Ngân hàng này có khoảng 400 chi nhánh hoặc văn phòng ở 73 quốc gia ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. Nó xin giấy phép Ngân hàng Hải ngoại tại Singapore năm 1973. Chúng tôi từ chối lời thỉnh cầu vì ngân hàng này quá non trẻ (mới chỉ bắt đầu hoạt động năm 1972) và ít vốn. Năm 1980, ngân hàng này lại đệ đơn xin cấp giấy phép. Một lần nữa, MAS không chấp nhận vì uy tín quốc tế của nó thấp.

BCCI không đầu hàng. Năm 1982, Van Oenen, người từng giúp chúng tôi thiết lập thị trường đồng đôla châu Á đã đề nghị xem xét đơn xin của BCCI. Koh Beng Seng với cương vị giám đốc phụ trách các thể chế tài chính và ngân hàng của MAS đã được vài nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương cho biết họ có những nghi ngại về BCCI. Vì vậy khi Van Oenen gặp tôi, tôi quyết định tốt nhất là nên ủng hộ Koh Beng Seng.

Không nhụt chí, BCCI thử lại lần nữa, lần này thông qua Harold Wilson. Có điều gì đó khác lạ về lá thư của ông ta. Thói quen của ông ta là ký tên bằng chữ viết tay “Yours sincerely Harold”. Lần này, chữ “Yours sincerely” được đánh máy và ông ta ký tên “(Harold) Wilson of Rievaulx”. Tôi cho rằng ông ta viết chiếu lệ trong trạng thái bị bạn bè ép buộc.

Những hoạt động không trung thực của BCCI dẫn đến những tổn thất to lớn cho các ngân hàng khác. Khi nó bị đóng cửa vào tháng 7/1991, những người gửi tiền và các chủ nợ đòi bồi thường 11 tỷ đôla Mỹ. Singapore tránh được tổn thất vì chúng tôi đã từ chối vi phạm các chuẩn mực.

MAS cũng từ chối cấp giấy phép hoạt động cho Ngân hàng Quốc gia Brunei. Đây là ngân hàng do một thương gia nổi tiếng người Hoa ở Singapore tên là Khoo Teck Puat quản lý. Khoo mua Ngân hàng Quốc gia Brunei và sắp xếp để anh trai quốc vương nước này là ông hoàng Mohamed Bolkiah, lấy tư cách chủ tịch ngân hàng, viết đơn xin MAS thành lập chi nhánh ở Singapore. Sau đó vài tháng, chúng tôi nhận được một lá thư khác thông báo cho chúng tôi rằng em trai của ông ta là ông hoàng Sufri Bolkiah đã được bổ nhiệm làm phó chủ tịch điều hành. Vì rõ ràng Khoo được sự ủng hộ của Hoàng gia Brunei về mặt chính trị nên MAS chuyển vấn đề này sang cho tôi. Tôi ủng hộ quyết định từ chối của MAS vào năm 1970 và từ chối một lần nữa vào năm 1983 khi ngân hàng này lại yêu cầu.

Năm 1986, quốc vương ra lệnh khẩn đóng cửa Ngân hàng Quốc gia Brunei. Đã có sự sụt giảm nhanh khách gửi tiền và mối nghi ngờ về những điểm trái quy cách trong khoản vay 1,3 tỷ đôla Singapore dành cho tập đoàn Khoo. Ông ta đã sử dụng quỹ của ngân hàng này cho các hoạt động riêng của ông ta, một trong những hoạt động đó là nỗ lực khống chế lãi suất Ngân hàng Standard Chartered Bank of London. Con trai trưởng của ông ta, chủ tịch ngân hàng, đã bị bắt ở Brunei. Các ngân hàng ở Singapore, chủ yếu là những ngân hàng nước ngoài, đã cho Ngân hàng Quốc gia Brunei vay tổng cộng 419 triệu đôla Singapore. Khoo đã mất hai năm để trả những khoản nợ này.

Bằng những điều luật khắt khe và sự giám sát chặt chẽ, MAS dưới thời Koh Beng Seng đã giúp Singapore phát triển thành một trung tâm tài chính. Để đáp lại sự cạnh tranh từ các ngân hàng quốc tế, MAS khuyến khích bốn ngân hàng địa phương lớn nhất – được biết như là “Big Four” (Bốn đại gia) – mua và sáp nhập với những ngân hàng địa phương nhỏ để trở nên lớn mạnh hơn. “Big Four” được Moody’s, Sở Định giá Hoa Kỳ xếp vào hàng những ngân hàng được đầu tư mạnh và tốt nhất trên thế giới.

Năm 1985, MAS phải giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng trong Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (Stock Exchange of Singapore – SES). Các nhà đầu cơ người Malaysia, cụ thể là Tan Koon Swan, đã dùng cổ phiếu của Pan Electric Industries và nhiều công ty Malaysia thế chấp cho những người môi giới chứng khoán với giá cao hơn giá thực tế trên thị trường. Họ cam kết thanh toán các cổ phiếu này đúng ngày, với một giá còn cao hơn. Khi thị trường chứng khoán hạ giá, họ cạn kiệt tiền và không thể thanh toán các cổ phiếu theo giá thỏa thuận. Điều này khiến một số công ty môi giới chứng khoán lớn là thành viên của SES vỡ nợ. SES bị đóng cửa ba ngày, trong khi các quan chức MAS do Koh Beng Seng lãnh đạo đã làm việc suốt ngày đêm với các ngân hàng Big Four để dàn xếp một khoản tiền “cấp cứu” khẩn 180 triệu đôla Singapore nhằm cứu các công ty môi giới chứng khoán. Những nỗ lực của Koh đã giúp SES tránh được sự thất bại thị trường lan tràn và khôi phục lại niềm tin của giới đầu tư. Đây quả là một công việc rối ren.

Nhằm tránh lặp lại một cuộc khủng hoảng như vậy, chúng tôi chỉnh sửa Điều luật ngành Chứng khoán để củng cố những yêu cầu về dự phòng của các công ty môi giới chứng khoán. Điều này giúp bảo vệ khách hàng của họ tốt hơn trong trường hợp các công ty thành viên SES trả nợ không đúng hạn, và tới lượt các công ty này lại phối hợp với nhau nhằm gia tăng vốn. Chúng tôi cho phép các công ty liên doanh tham gia làm thành viên của SES, và cả các công ty có 100% vốn nước ngoài sẽ đem đến những kỹ năng chuyên môn quan trọng. Nhờ vào những thay đổi sáng suốt mà chúng tôi đã thực hiện, SES có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán toàn cầu Black Monday (Ngày thứ Hai đen tối) vào ngày 19/10/1987, khi đó Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong đã phải đóng cửa trong 4 ngày.

Một bước tiến khác của trung tâm tài chính Singapore chính là Sở Giao dịch Tiền tệ Quốc tế Singapore (Singapore International Monetary Exchange – SIMEX). Năm 1984, Sở Giao dịch Vàng Singapore mở rộng những giao dịch kỳ hạn về vàng sang những giao dịch tài chính kỳ hạn và đặt tên là SIMEX. Nhằm thu phục niềm tin của các cơ quan tài chính quốc tế, chúng tôi phát triển SIMEX theo mô hình Sở Giao dịch Thương mại Chicago (CME) với hệ thống mua bán cổ phiếu tấp nập giữa các nhà môỉ giới. Chúng tôi cũng thuyết phục CME chấp nhận một cơ chế bù trừ qua lại với SIMEX vốn có khả năng giao dịch 24/24. Quan điểm cách tân này cho phép nhà đầu tư thiết lập một trạng thái cổ phiếu (rao bán hoặc đặt mua) tại CME ở Chicago, và hoàn tất trạng thái tại SIMEX ở Singapore hay ngược lại mà không phải trả tiền ký thác thêm, Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Hoa Kỳ (The US Commodity Futures Trading Commission) chấp nhận sự sắp xếp này. Sự sắp xếp bù trừ qua lại này hoạt động không có vướng mắc nào kể từ khi thành lập SIMEX. Năm 1995, khi một doanh nhân SIMEX, Nick Leeson của Barings, một ngân hàng London nổi tiếng, mất một tỷ đôla Mỹ do đầu cơ vào hợp đồng kỳ hạn về chỉ số Nikkei, ông ta đã mang thảm họa đến cho Barings nhưng không gây ảnh hưởng đến SIMEX hay gây tổn thất cho các thành viên SIMEX hoặc các khách hàng của họ.

Năm 1984, SIMEX bắt đầu kinh doanh các hợp đồng kỳ hạn lãi suất đồng đôla châu Âu và không lâu sau đó là đồng yên châu Âu. Vào năm 1998, SIMEX đã có trong danh sách một loạt hợp đồng trong khu vực bao gồm hợp đồng kỳ hạn về chỉ số chứng khoán của Nhật, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Hong Kong. Thời báo Tài chính Quốc tế (International Financing Review) tại London trao giải thưởng Sở Hối đoái Quốc tế trong năm 1998 cho SIMEX. Đây là Sở Hối đoái châu Á duy nhất từng đoạt danh hiệu này và cũng là lần thứ tư SIMEX đoạt giải thưởng này.

Khi khoản dự trù tài chính của chúng tôi tăng lên cùng với tiền tiết kiệm (chế độ hưu bổng của Singapore) trong Quỹ Dự phòng Trung ương (Central Provident Fund – CPF) và thặng dư khu vực quốc doanh hằng năm, MAS không thấy đầu tư dài hạn những khoản này với lãi suất cao. Tôi yêu cầu Keng Swee xem xét việc này. Tháng 5/1981, Keng Swee thành lập Cơ quan Hợp tác Đầu tư Singapore (Singapore Investment Corporation – GIC) với tôi là chủ tịch, Keng Swee làm phó chủ tịch, Sui Sen và nhiều bộ trưởng khác làm thành viên hội đồng. Thông qua mối quan hệ giữa Keng Swee với David Rothschild, chúng tôi tiến cử Công ty N.M. Rothschild & Sons làm cố vấn. Họ gửi một viên chức dày dạn kinh nghiệm đến làm việc với chúng tôi trong vài tháng nhằm thiết lập tổ chức GIC. Chúng tôi cũng thuê những nhà quản lý đầu tư người Anh và Mỹ để giúp chúng tôi phát triển các hệ thống cho nhiều dạng đầu tư khác nhau. Để lãnh đạo đội ngũ quản lý, chúng tôi bổ nhiệm Yong Pung How làm giám đốc điều hành thứ nhất của GIC. Anh ta đề cử James Wolfensohn làm cố vấn chiến lược đầu tư, người này sau làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Dần dần, họ xây dựng được một lực lượng nòng cốt các chuyên viên người Singapore do Ng Koh Song và Teh Kok Peng, những người đến từ MAS, lãnh đạo. Vào cuối những năm 80, họ và đội ngũ nhân viên của họ đã nắm được những trọng trách đầu tư và quản lý chính yếu.

Ban đầu, GIC chỉ quản lý những khoản dự trữ tài chính của chính phủ. Đến năm 1987, nó còn có thể quản lý những khoản dự trữ của Hội đồng Tham tán Tiền tệ Singapore cũng như các tài sản dài hạn của MAS. Năm 1997, GIC đang quản lý số tài sản trị giá hơn 120 tỷ đôla Singapore. Trách nhiệm quan trọng nhất của GIC là phân bổ đầu tư giữa vốn cổ phiếu thường, trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu do chính phủ các quốc gia phát triển phát hành) và tiền mặt. Có một số sách giải thích những nguyên tắc mà những thị trường này hoạt động theo, song chúng không đưa ra chỉ dẫn nhất định để dự đoán những biến động giá cả tương lai, cũng như kiếm được những khoản lời đảm bảo. Trong thế giới đầy biến chuyển của những năm 1997– 1998, GIC có thể kiếm lời hoặc lỗ vài tỷ đôla chỉ nhờ vào đồng yên Nhật mất giá hay đồng mác Đức lên giá một cách đột ngột so với đồng đôla Mỹ. Đầu tư là công việc kinh doanh mạo hiểm. Mục đích chủ yếu của tôi không nhằm tăng tối đa mức lợi mà nhằm bảo vệ giá trị tiền tiết kiệm của chúng tôi và đạt được một khoản lợi tức vừa phải dựa trên số vốn. Trong vòng 15 năm kể từ năm 1985, GIC đã làm tốt hơn cả các mốc chuẩn đầu tư toàn cầu thích đáng, và vượt xa việc đơn thuần gìn giữ giá trị tài sản của chúng tôi.

Tuy nhiên, trung tâm tài chính của Singapore được đánh giá là bị kiểm soát quá mức so với trung tâm tài chính của Hong Kong. Những người chỉ trích viết rằng: “Ở Hong Kong, những gì không bị cấm là được phép; còn ở Singapore, những gì không cho phép là bị cấm”. Họ quên rằng lá cờ Anh và Ngân hàng Anh hậu thuẫn cho Hong Kong. Còn Singapore, không có được lưới bảo hiểm đó, nên không thể gượng dậy từ cùng một thất bại đầy kịch tính một cách dễ dàng tương tự. Singapore trước hết phải tự thiết lập danh tiếng của bản thân. Các chủ ngân hàng nước ngoài đến thăm từng nói với tôi rằng thị trường tài chính Singapore sẽ phát triển nhanh hơn khi chúng tôi cho phép họ giới thiệu những sản phẩm tài chính mới mà không phải đợi chờ cho đến khi chúng được thử nghiệm ở nơi khác.

Tôi đã lắng nghe chăm chú nhưng không can thiệp vào bởi lẽ tôi tin rằng chúng tôi cần có nhiều thời gian hơn để thiết lập vị trí và uy tín của chúng tôi.

Sau khi tôi từ chức Thủ tướng vào năm 1990, tôi có nhiều thời gian hơn để đi sâu vào lĩnh vực ngân hàng và có những bữa ăn trưa bàn công việc với các chủ ngân hàng Singapore. Một trong số họ là Lim Ho Kee, một nhà môi giới ngoại hối sắc sảo và thành công, người đang điều hành một ngân hàng nước ngoài lớn ở Singapore. Anh ta thuyết phục tôi xem xét lại những chính sách của chúng tôi mà anh ta cho là quá thận trọng và cản trở trung tâm tài chính mở rộng và bắt kịp các hoạt động của những trung tâm tài chính phát triển hơn. Khoảng giữa năm 1994, tôi cũng có vài phiên họp tự do thảo luận với những nhà quản lý hàng đầu người Singapore của các cơ quan tài chính nước ngoài. Họ thuyết phục tôi rằng, chúng tôi có quá nhiều tiền tiết kiệm quốc gia được cất giữ trong Quỹ Dự phòng Trung ương và ràng Ủy ban lập pháp của chúng tôi và các công ty liên kết với nhà nước quá Bảo thủ, thích đưa các khoản thặng dư của họ gởi vào ngân hàng. Họ có thể đạt doanh lợi cao hơn khi đầu tư qua những nhà quản lý quỹ đầu tư quốc tế có kinh nghiệm và tài giỏi ở Singapore. Điều này sẽ mở rộng kỹ nghệ quản lý vốn và thu hút nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư hơn, đến lượt những người này sẽ thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực.

Những quan điểm về môi trường điều tiết và hoạt động ngân hàng của tôi bắt đầu thay đổi sau năm 1992 khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ George Shultz, với tư cách chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế của JP Morgan, một ngân hàng huân chương băng xanh8 của Hoa Kỳ mời tôi làm thành viên hội đồng này. Thông qua các bản tóm tắt chi tiết và sự tiếp xúc qua lại với các chủ ngân hàng JP Morgan tại các cuộc gặp gỡ hai lần một năm, tôi có được sự nhận thức đúng về bản chất việc làm của họ và quan sát cách họ chuẩn bị cho công cuộc toàn cầu hóa ngành ngân hàng. Tài năng của các thành viên ủy ban kể cả các chủ tịch ngân hàng đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Có những Tổng giám đốc điều hành có năng lực và thành đạt cũng như những cựu lãnh tụ chính trị từ từng khu vực kinh tế lớn trên thế giới mang đến những nguồn tri thức khác nhau. Tôi có ích cho họ vì những hiểu biết của cá nhân tôi về khu vực. Những thành viên khác thì đem lại kiến thức sâu rộng về khu vực hoặc chuyên môn của họ.

Tôi thấy được họ đánh giá Đông Nam Á như thế nào so với các thị trường khác như: châu Mỹ La tinh, Nga, các thành viên khác của Liên bang Xô Viết và các quốc gia Đông Âu. Tôi bị ấn tượng bởi cách họ chuẩn bị và đón nhận những đổi mới và thay đổi của ngành ngân hàng, cụ thể là những phát triển trong công nghệ thông tin (IT). Tôi kết luận rằng Singapore đi sau họ rất xa.

Là chủ tịch của GIC, tôi đã có những cuộc thảo luận với các Tổng giám đốc điều hành của những ngân hàng lớn của Mỹ, châu Âu và Nhật về các vấn đề của ngành ngân hàng, và tìm hiểu cách họ nhìn về tương lai của ngành ngân hàng toàn cầu. Khi so sánh, các ngân hàng Singapore đều có khuynh hướng hướng nội. Các ban giám đốc cũng như những viên chức cấp cao trong ngành ngân hàng chủ yếu là người Singapore. Tôi bày tỏ những mối quan tâm của mình với chủ tịch của ba ngân hàng lớn của chúng tôi, đó là Oversea–Chinese Banking Corporation, United Overseas Bank và Overseas Union Bank9. Qua phản hồi của họ, tôi kết luận rằng họ không ý thức được những rủi ro của sự thuần chủng và thiếu cái nhìn hướng ngoại và hướng đến tương lai trong một thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng. Họ đang làm việc có hiệu quả và tránh được sự cạnh tranh. Họ muốn chính phủ tiếp tục hạn chế các ngân hàng nước ngoài mở thêm chi nhánh hoặc thậm chí cả những ATM (máy thu ngân tự động) nữa. Tôi cảnh báo họ rằng vì những hiệp ước song phương với Hoa Kỳ hay những hiệp ước của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sớm muộn gì Singapore cũng phải mở rộng ngành ngân hàng và xóa bỏ chế độ bảo vệ các ngân hàng địa phương.

Năm 1997, tôi quyết định phá bỏ khuôn phép cổ hủ này. Các ngân hàng Singapore cần một đội ngũ nhân tài nước ngoài và một nguồn tri thức khác. Nếu ba ngân hàng lớn này không đổi mới thì Ngân hàng DBS, mà chính phủ có cổ phần trong đó, sẽ đi đầu trong việc đổi mới. Sau sách lược chiêu mộ người tài vào năm 1998, Ngân hàng DBS đã thuê John Olds, một nhà điều hành dày dạn kinh nghiệm sắp rời khỏi JP Morgan. Ông ta đảm nhận chức phó chủ tịch và là Tổng giám đốc điều hành để đưa ngân hàng này trở thành một ngân hàng châu Á lớn mạnh. Không lâu sau, tập đoàn Oversea– Chinese Banking Corporation bổ nhiệm Alex Au, một chủ ngân hàng Hong Kong, làm Tổng giám đốc điều hành.

Trong hơn ba thập niên qua, tôi đã ủng hộ Koh Beng Seng về việc hạn chế quyền thâm nhập vào thị trường nội địa của các ngân hàng nước ngoài. Bây giờ, tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để cọ xát với các ngân hàng quốc tế nhằm buộc Big Four của chúng tôi nâng cấp các dịch vụ của họ, nếu không họ sẽ mất thị phần. Có một nguy cơ thực sự là họ có thể không cạnh tranh được, trong trường hợp này chúng tôi sẽ đi đến kết cục là không có được các ngân hàng do Singapore quản lý và sở hữu để dựa vào trong một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Dần dà, tôi kết luận rằng Koh, phó giám đốc quản lý nhóm các cơ quan tài chính và ngân hàng trong MAS đã không theo kịp những biến đổi lớn có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành ngân hàng trên toàn thế giới. Anh ta quá bảo vệ những nhà đầu tư của chúng tôi. Tôi tìm đến cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York), Gerald Corrigan, và cựu chủ tịch Ngân hàng London (Bank of London), Brian Quinn để xin lời khuyên. Họ đều khuyên tôi rằng Singapore có thể thay đổi kiểu và phương thức giám sát các ngân hàng mà không để mất đi bất kỳ tính nghiêm ngặt nào, cũng như không để tăng mức rủi ro thất bại lan tràn. Các trung tâm tài chính lớn như New York, London tập trung bảo vệ không chỉ những nhà kinh doanh thị trường khác hay những nhà đầu tư cá nhân mà còn bảo vệ cả chính hệ thống của nó nữa. Corrigan và Quinn thuyết phục chúng tôi rằng những cơ quan lớn mạnh hơn và được quản lý tốt hơn nên được dành cho nhiều quyền tự do xoay xở chấp nhận rủi ro hơn.

Đầu năm 1997, vì không muốn tự mình đổi mới MAS, với sự cho phép của Thủ tướng, tôi đã lôi kéo Loong (Lý Hiển Long) vào cuộc. Loong bắt đầu gặp gỡ các chủ ngân hàng và những nhà quản lý quỹ, cũng như nắm vững những công việc trong khu tài chính của chúng tôi. Vào ngày 1/1/1998, khi Thủ tướng bổ nhiệm nó làm chủ tịch MAS, nó sẵn sàng hành động. Với sự giúp đỡ của một vài quan chức chủ chốt, nó tái tổ chức và điều chỉnh lại MAS để thực thi đường lối mới cho công cuộc điều tiết và phát triển khu vực tài chính.

Loong và đội ngũ của nó đã thay đổi đường lối giám sát tài chính của MAS; họ thực thi nó với phong thái nhẹ nhàng và cởi mở hơn với những ý kiến và đề xuất có tính chất nghề nghiệp. Với những lời khuyên từ các nhà tư vấn quản lý và các ủy ban ngành nghề, họ thực thi những thay đổi về chính sách có ảnh hưởng đến tất cả các thành phần trong khu vực tài chính. Họ tiến hành từng bước để đẩy mạnh ngành quản lý tài sản và chỉnh sửa các điều luật quốc tế hóa đồng đôla Singapore, để đẩy mạnh mức tăng trưởng thị trường vốn. MAS khuyến khích SES (Sở Giao dịch Chứng khoán) và SIMEX (thị trường mua bán kỳ hạn) sáp nhập, thả nổi mức hoa hồng và quyền tiếp cận các sở giao dịch này.

MAS tự do hóa việc thâm nhập vào khu vực ngân hàng nội địa bằng cách cho phép các ngân hàng 100% vốn nước ngoài mở thêm chi nhánh và các ATM. Nó tháo bỏ các hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài về các cổ phần ngân hàng nội địa, trong khi yêu cầu các ngân hàng thành lập các ủy ban trong hội đồng quản trị, rập khuôn những cách tổ chức tương tự ở nhiều ngân hàng Hoa Kỳ. Các ủy ban này xem xét việc đề cử vào hội đồng quản trị và những chức vụ quản lý chủ chốt được bổ nhiệm để đảm bảo những người được bổ nhiệm là có năng lực để trông coi quyền lợi của tất cả các cổ đông, chứ không phải chỉ của các cổ đông đang nắm quyền kiểm soát. Các ngân hàng tin rằng sự nới tay trong việc giám sát của MAS sẽ khiến họ đổi mới hơn nữa trong việc đưa vào hoạt động những sản phẩm tài chính mới. Lẽ ra, chúng tôi nên thực hiện những thay đổi này sớm hơn. Tuy nhiên, chỉ sau khi MAS chứng tỏ hết sức mạnh của hệ thống của nó để khắc phục khủng hoảng tài chính năm 1987 và 1997 – 1998, tôi mới có đủ niềm tin để đến gần hơn tới trạng thái mà “những gì không bị cấm là cho phép”. Đường lối thận trọng đã giúp chúng tôi khắc phục được khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 – 1998. Các ngân hàng của chúng tôi vững mạnh và không bành trướng quá mức. Không có sự thổi phồng trong thị trường chứng khoán của chúng tôi. Chúng tôi phải mất 30 năm kể từ lúc mở thị trường đồng đôla châu Á đầu tiên vào năm 1968 để thiết lập uy tín là một trung tâm tài chính quốc tế được quản lý một cách đúng đắn.

Tháng 7/1997, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Đông Á với sự rớt giá của đồng baht Thái, những thảm họa đã phá hủy tiền tệ, thị trường chứng khoán và các nền kinh tế khu vực, song không có ngân hàng nào ở Singapore bị ảnh hưởng. Các nhà đầu tư vội vàng rút khỏi những thị trường mới nổi mà Singapore cũng là một trong số những thị trường như thế. Khi những người quản lý quỹ đầu tư lo sợ có những bẫy ngầm thì việc giấu nhẹm thông tin không phải là một cách phản hồi khôn ngoan. Chúng tôi quyết định công khai tối đa thông tin. Để nhà đầu tư có thể đánh giá trị giá tài sản của chúng tôi, chúng tôi thuyết phục các ngân hàng của chúng tôi từ bỏ thông lệ về việc duy trì những dự trữ ngầm và không công khai những khoản vay không hiệu quả. Các ngân hàng của chúng tôi công khai những rủi ro cho vay trong khu vực. Họ chuẩn bị những dự phòng chung bổ sung quan trọng cho những khoản vay trong khu vực của họ, giải quyết những khó khăn tiềm tàng trước thay vì đợi các khoản vay chuyển hướng thành nợ khó đòi. Nhờ vào những bước đi quyết định này, MAS đã vượt qua được khủng hoảng và Singapore trở nên vững mạnh với vai trò trung tâm tài chính.

Chọn tập
Bình luận