Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lolita

Chương 10

Tác giả: Vladimir Nabokov

Lúc ra viện, tôi ngó nghiêng tìm nơi nào đó vùng thôn dã New England hoặc một thị trấn ngái ngủ nho nhỏ (hàng cây du, nhà thờ trắng) nơi tôi có thể qua mùa hè chăm chỉ, sống nhờ một thùng đầy chặt bản ghi chép đã gom góp được và tắm táp ở cái hồ nào đó gần gần. Công việc lại bắt đầu làm tôi thấy thích thú — tôi muốn nói về những nỗ lực uyên thâm của mình; việc khác, dự phần thiết thực của tôi vào di hương từ ông chú, lúc đó đã giảm xuống mức tối thiểu.

Một trong số những người trước đây làm thuê cho chú tôi, hậu duệ của một gia tộc đáng kính, gợi ý tôi sống vài tháng tại nhà người anh họ khánh kiệt của anh ta, ông McCoo nào đó, đã nghỉ hưu, và vợ ông ấy, người muốn cho thuê tầng gác trên, nơi bà dì vừa mới chết đã từng sống leo lắt. Anh ta nói họ có hai cô con gái nhỏ, một đứa mới sinh, đứa kia mười hai tuổi, một khu vườn đẹp, cách không xa cái hồ đẹp, và tôi thốt lên rằng, nghe chừng có vẻ hoàn toàn hoàn hảo.

Tôi trao đổi thư từ với những người này, thuyết phục họ là tôi biết ăn ở sạch sẽ, rồi qua một đêm tuyệt vời trên tàu hỏa, tưởng tượng mọi chi tiết có thể về nymphet bí ẩn mà tôi sẽ dạy kèm bằng tiếng Pháp và mơn trớn theo kiểu Humbert. Không ai đón tôi tại cái nhà ga nhỏ như món đồ chơi, nơi tôi xuống tàu với cái túi xách mới đắt tiền, không ai trả lời điện thoại; dẫu sao thì, ông McCoo quẫn trí trong bộ quần áo ướt sũng cuối cùng cũng ló mặt ra tại khách sạn duy nhất ở thị trấn Ramsdale xanh xanh đỏ đỏ này, báo tin rằng nhà ông vừa cháy ra tro — có lẽ do bắt lửa từ đám cháy lớn cùng khoảng thời gian ấy, cái đám cháy đã rừng rực cả đêm trong mạch máu tôi.

Gia đình ông, McCoo nói, phải lánh nạn về trang trại riêng, và đã đem xe ô tô theo, nhưng bạn vợ ông ta, một phụ nữ tuyệt vời, cô Haze ở nhà số 342 phố Lawn, sẵn lòng cho tôi trọ. Quý bà sống đối diện nhà cô Haze cho ông McCoo mượn chiếc limousine của bà, một chiếc xe cũ tuyệt diệu, mui vuông, được lái bởi một chú Nhọ vui vẻ. Giờ đây, vì nguyên cớ duy nhất làm tôi đến nơi này gần như đã tiêu tan, nên dàn xếp nói trên có vẻ vô nghĩa. Được rồi, nhà ông ta sẽ phải xây lại toàn bộ, thì sao nào? Ông ta có bảo hiểm nó đầy đủ không nhỉ? Tôi tức giận, thất vọng và buồn chán, nhưng là một người châu Âu lịch thiệp, không thể từ chối việc bị tống tiễn đến phố Lawn trên cái xe đưa ma này, cảm giác rằng nếu không thì ông McCoo sẽ bày ra một kế còn công phu hơn để thoát được khỏi tôi. Tôi nhìn ông ta chạy vụt đi, và tay tài xế của tôi lắc đầu cười mỉm. Trên đường đi, tôi thề với lòng mình rằng tôi sẽ không tơ tưởng đến chuyện ở lại Ramsdale trong bất kỳ tình huống nào mà sẽ chuồn ngay trong ngày đến Bermudas, Bahamas hay Bất cứ đâu. Mới gần đây thôi, viễn cảnh tương lai tươi mát trên bãi biển rực rỡ sắc màu còn nhỏ giọt dọc sống lưng tôi, và ngài McCoo, trên thực tế, đã đột ngột bẻ hướng dòng suy tưởng ấy bằng đề nghị thiện ý nhưng lúc này thành ra hoàn toàn ngớ ngẩn của ông ta.

Nhân lúc đang nói về những bước ngoặt đột ngột: chúng tôi suýt nữa thì cán lên chú chó bắng nhắng (một con trong lũ chó ngoại ô thích rình mò ô tô) khi rẽ vào phố Lawn. Xa thêm đôi chút là ngôi nhà cô Haze, một khối kinh tởm trăng trắng, ló ra, nhìn dơ dáy và cũ kỹ, ngả màu xám hơn là trắng — cái loại nhà mà ta biết là sẽ có ống cao su cắm vào vòi nước bồn tắm thay thế cho vòi sen. Tôi bo cho tay tài xế và hy vọng gã sẽ lái xe đi ngay để tôi có thể quay lại khách sạn mà không ai thấy rồi cuốn gói; nhưng gã vừa chạy qua bên kia phố nơi quý bà già nua cất tiếng gọi gã từ cổng nhà bà. Tôi có thể làm gì đây? Tôi nhấn chuông.

Người hầu gái da màu cho tôi vào nhà — và để mặc tôi đứng trên tấm thảm chùi chân trong khi chị ta vội vàng quay vào bếp, nơi có cái gì đó không được để cháy đang cháy khét.

Tiền sảnh được tô điểm bằng chuông gió treo cửa, một thứ quái quỷ gì đấy mắt trắng dã, làm từ gỗ, hàng chợ xuất xứ Mexico, và vật cưng quen thuộc đến nhàm chán thuộc về giới trung lưu chây bầy chất nghệ, bức “Arlèsienne” của Van Gogh. Cánh cửa hé mở phía bên phải cho thấy loáng thoáng căn phòng tiếp khách, có thêm vài thứ rác rưởi từ Mexico trong tủ góc và bộ sô pha kẻ sọc kê dọc tường. Cầu thang nằm cuối sảnh, và trong khi tôi đang đứng lau trán (chỉ lúc này tôi mới nhận ra bên ngoài nóng như thế nào) và nhìn chằm chằm, để dừng được mắt vào cái gì đó, một quả bóng tennis cũ, màu xám, nằm trên cái rương gỗ sồi, thì từ trên gác vọng xuống giọng nữ trầm của cô Haze, đang nghiêng người qua lan can cầu thang, du dương hỏi, “Ông Humbert đấy ạ?” Thêm vào đó là chút tàn thuốc rớt xuống từ chỗ ấy. Chẳng mấy chốc, đích thân cô chủ nhà — đôi dép xăng đan, chiếc quần hạt dẻ, áo lụa mỡ gà, mặt vuông chữ điền, theo thứ tự ấy — bước xuống cầu thang, ngón tay trỏ vẫn còn đang nhè nhẹ gõ trên điếu thuốc.

Tôi nghĩ, tốt nhất là tôi nên mô tả cô nàng ngay lập tức, cho xong chuyện. Quý cô đáng thương này tầm ba mươi lăm tuổi, trán bóng nhoáng, lông mày tỉa tót và có những nét hoàn toàn mộc mạc nhưng không phải không quyến rũ, thuộc cái kiểu có thể coi như nước ốc của Marlene Dietrich. Nắn lại búi tóc màu nâu đồng của mình, cô dẫn tôi vào phòng khách và chúng tôi trao đổi một lát về vụ cháy nhà ông McCoo và những đặc lợi của cuộc sống ở Ramsdale. Đôi mắt cô màu xanh rêu biển nằm cách xa nhau có kiểu nhìn ngồ ngộ, vừa chạy khắp người đối diện, vừa thận trọng lảng tránh ánh mắt họ. Nụ cười của cô chỉ là cái nhướng một bên lông mày đầy vẻ hoài nghi; rướn người khỏi sô pha khi đang nói, cô cứ vẩy vẩy về phía ba chiếc gạt tàn và tấm chắn lửa lò sưởi gần đó (trong đấy nằm lăn lóc một hột táo màu nâu); và rồi cô lại thả lưng ra sau, một chân gập xuống dưới mình. Cô rõ ràng là một trong những phụ nữ, mà ngôn từ tao nhã của họ có thể phản ánh hội đọc sách hoặc hội chơi bài bridge nào đấy, hoặc bất kỳ lễ nghi chết tiệt nào khác, nhưng không bao giờ phản ánh tâm hồn họ; những phụ nữ hoàn toàn không biết đùa; những phụ nữ tuyệt nhiên dửng dưng từ tận đáy lòng với cả tá chủ đề có thể có trong những cuộc trò chuyện nơi phòng khách, nhưng lại rất soi mói phép tắc những cuộc chuyện trò như vậy, xuyên qua lớp giấy bóng kính tươi sáng của những phép tắc ấy, có thể dễ dàng nhận ra nhiều cái đáng thất vọng và không được ngon lành cho lắm. Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, nếu do may rủi rồ dại nào đó mà tôi trở thành khách trọ của cô ta, cô ta sẽ từng bước từng bước, một cách bài bản, chiều tôi những thứ có lẽ vẫn định hình trong đầu cô ta bấy lâu nay về việc nhận khách trọ, và tôi sẽ lại bị trói vào một chuyện trăng hoa nhạt nhẽo mà tôi đã quá rành.

Nhưng làm sao tôi trọ được ở đây. Tôi không thể nào thấy vui vẻ trong kiểu nhà ở có những tờ tạp chí sờn rách vương vãi trên mọi chiếc ghế và thể loại lai tạp tởm lợm giữa hài kịch của cái gọi là “đồ đạc hiện đại thiết kế hướng công năng” với bi kịch của xích đu gẫy và bàn đèn lung lay cùng những bóng đèn đã hỏng. Tôi được đưa lên trên nhà, và rẽ trái — vào phòng “của tôi”. Tôi ngắm nghía nó qua màn sương mù của sự từ chối dứt khoát; nhưng tôi vẫn nhận thấy trên đầu giường “của tôi” treo bức “Kreutzer Sonata” của Renè Prinet. Và cô ta gọi cái phòng cho chị hầu gái này là “bán-thư-phòng”! Chuồn ra khỏi chỗ này ngay, tôi kiên quyết tự nhủ trong khi giả bộ cân nhắc kỹ lưỡng trên mức giá thấp vô lý và đáng ngờ, mà bà chủ nhà u hoài của tôi hỏi xin cho cả ăn và ngủ.

Phép lịch sự Cựu lục địa, tuy nhiên, buộc tôi tiếp tục chịu cực hình. Chúng tôi đi ngang qua chiếu nghỉ đầu cầu thang bên tay phải nhà (nơi “tôi sống ở phòng này, còn Lo ở phòng kia” — Lo chắc là chị hầu gái), và vị Khách-Trọ-Nhân-Tình khó có thể giấu cái rùng mình khi anh ta, một người đàn ông rất kỹ tính, được cho xem trước phòng tắm duy nhất, một khoang chữ nhật bé xíu nằm giữa chiếu nghỉ và phòng của “Lo”, cùng những thứ ướt nhèm mềm oặt vắt vẻo trên cái bồn tắm đáng ngờ (sợi lông cuốn thành hình dấu hỏi trong đó); với cuộn rắn cao su đã đoán trước, và đi cùng bộ với nó — tấm nệm hồng nhạt, bẽn lẽn phủ lên nắp bàn cầu.

“Tôi thấy ông không có ấn tượng tốt đẹp lắm,” cô vừa nói vừa để tay mình thoáng tựa lên trên tay áo tôi: cô hòa trộn sự lạnh lùng quyết đoán — phần thừa thãi của cái mà tôi nghĩ được gọi là “thanh nhã” — với tính nhút nhát và vẻ buồn chán đã gây nên kiểu cách khác biệt trong lựa chọn từ ngữ của cô, có vẻ không tự nhiên, giống ngữ điệu của thầy dạy “phát âm”. “Đây không phải là mái ấm ngăn nắp, tôi thú nhận”, bên tai không may mắn tiếp tục bị tra tấn, “nhưng tôi cam đoan với ông là [cô nhìn môi tôi], ông sẽ thấy rất dễ chịu, rất dễ chịu, thật mà. Hãy cho phép tôi đưa ông đi xem vườn” (từ cuối cùng nghe tươi tỉnh hơn, với chút gì như reo lên vui sướng trong giọng nói).

Tôi miễn cưỡng theo cô xuống lại tầng dưới; rồi đi qua bếp ở cuối sảnh, bên phải nhà — bên có cả phòng ăn và phòng khách (nằm dưới phòng “của tôi”, phía trái, chẳng có gì ngoài gara). Trong bếp, chị hầu gái da đen, một phụ nữ mũm mĩm còn khá trẻ, nói, trong khi chị với tay lấy chiếc túi to đen bóng của mình khỏi nắm đấm cánh cửa dẫn ra hành lang đằng sau: “Cháu sẽ đi ngay bây giờ đây, cô Haze ạ”. “Được rồi, Louise,” cô Haze thở dài trả lời. “Tôi sẽ thanh toán với chị vào thứ Sáu nhé.” Chúng tôi đi ngang qua kho bếp nhỏ để bát đĩa, thực phẩm, đồ dùng nấu ăn, rồi bước vào phòng ăn, song song với phòng khách mà chúng tôi đã chiêm ngưỡng. Tôi để ý thấy chiếc tất ngắn màu trắng trên sàn. Với tiếng cằn nhằn tỏ vẻ không hài lòng, cô Haze cúi người, không dừng bước, quăng nó vào trong tủ tường ngay cạnh kho bếp. Chúng tôi ngắm nghía chiếu lệ cái bàn gỗ gụ với liễn đựng trái cây để ngay giữa, chẳng đựng gì ngoài một hạt mận vẫn còn ướt bóng. Tôi mò mẫm tìm tờ lịch trình nằm trong túi và lén moi nó ra để, ngay khi có thể, tìm kiếm chuyến tàu. Tôi vẫn theo gót cô Haze qua phòng ăn thì lúc ấy, phía bên kia phòng, đột nhiên bừng lên xanh rờn cây lá — “hàng hiên,” người dẫn đường của tôi reo lên, rồi sau đó, không có chút dấu hiệu nào báo trước, làn sóng biển xanh ngắt cồn lên ngay dưới trái tim tôi và, từ tấm thảm trong vũng nắng, gần như trần truồng, quỳ chân, xoay người trên đầu gối, tình yêu Riviera của tôi nhướng mắt chăm chú nhìn tôi trên chiếc kính râm.

Vẫn cô bé ấy — vẫn đôi vai mảnh dẻ, màu mật ong ấy, vẫn cái lưng trần óng mượt mềm mại ấy, vẫn mái tóc màu hạt dẻ ấy. Cái khăn đen chấm bi quấn quanh ngực nàng che đậy khỏi cặp mắt khỉ đột đã già đi của tôi, nhưng không dấu nổi cái nhìn chòng chọc của trí nhớ trẻ trung, bầu vú non tơ tôi từng ve vuốt vào một ngày bất tử. Và, như thể tôi là bà nhũ mẫu của công chúa nhỏ nào đó trong câu chuyện thần tiên (lạc đường, bị bắt cóc, được tìm thấy trong bộ quần áo Di Gan tơi tả, xuyên qua chúng sự lõa lồ của nàng mỉm cười với nhà Vua và đàn chó săn của người), tôi nhận ra ngay nốt ruồi nhỏ xíu màu nâu thẫm bên sườn nàng. Kinh sợ và vui sướng (nhà Vua khóc vì hân hoan, kèn trumpet vang dội, bà nhũ mẫu nhậu say) tôi lại nhìn thấy bụng dưới đáng yêu của nàng thót lại nơi đôi môi tôi ngập ngừng đôi chút khi đang lướt xuống dưới; và cái hông trẻ thơ mà trên đó tôi đã hôn lên vết hằn hình những dấu răng do dải nịt quần soóc của nàng để lại — vào ngày điên cuồng bất tử cuối cùng ấy sau những “Tảng Đá Hồng”. Hai mươi lăm năm tôi đã sống từ hồi đó, thu nhỏ dần dần thành một chấm run rẩy, rồi tan biến.

Tôi thấy thật vô cùng khó khăn để diễn tả, với sự mãnh liệt tương xứng, chớp sáng ấy, run rẩy ấy, cú va chạm nhận diện đắm say ấy. Trong khoảnh khắc ngập nắng mà ánh mắt tôi trườn nhanh quanh cô bé đang quỳ gối (đôi mắt nàng chớp chớp trên cặp kính đen nghiêm khắc — Herr Doktor bé nhỏ, người chữa cho tôi khỏi mọi nhức nhối) khi tôi đi ngang qua nàng trong lớp vỏ người lớn (một gã đàn ông đẹp trai, to cao, lực lưỡng, quyến rũ, từ thế giới điện ảnh), khoảng trống rỗng trong tâm hồn tôi đã kịp ngấu nghiến từng chi tiết sắc đẹp rực rỡ của nàng, và so sánh với những đường nét từ cô dâu đã chết của tôi. Không lâu sau, đương nhiên, nàng, nouvelle này, Lolita này, Lolita của tôi, đã hoàn toàn làm lu mờ nguyên mẫu của mình. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, việc tìm được nàng là kết quả định mệnh của “công quốc bên bờ biển” trong quá khứ thống khổ của tôi. Mọi chuyện giữa hai sự kiện đó chỉ là chuỗi dò dẫm và vấp ngã, với những nguyên khởi lầm lỡ của niềm hoan lạc. Mọi thứ có chung với nhau liên kết chúng làm một.

Tuy nhiên, tôi chẳng có ảo tưởng nào hết. Các thẩm phán của tôi sẽ nhìn nhận tất cả những chuyện này như màn trình diễn trong vai kịch của kẻ điên dại có sở thích tục tĩu với fruit vert. Au fond, ça m’est bien égal. Tôi chỉ biết, khi gái già Haze và tôi bước xuống những bậc thang vào khu vườn ngạt thở ấy, đầu gối tôi hệt như ánh phản chiếu đầu gối lên mặt nước gợn sóng lăn tăn, môi tôi như cát, và —

“Kia là Lo của tôi,” cô nói, “và đây là hoa Ly của tôi.”

“Vâng,” tôi nói, “vâng. Chúng tuyệt đẹp, tuyệt đẹp, tuyệt đẹp.”

Bình luận