Những cây du và bạch dương xoay cái lưng rối bời của chúng lại với đợt tấn công dữ dội bất thình lình của gió, và mây giông đen ngòm lù lù hiện trên ngọn tháp trắng nhà thờ Ramsdale khi tôi đưa mắt nhìn quanh mình lần cuối. Vì những cuộc phiêu lưu chưa biết thế nào, tôi đang rời bỏ ngôi nhà xám ngoét nơi tôi đã thuê phòng chỉ mới mười tuần trước. Những chiếc mành — những chiếc mành tre tằn tiện, thực dụng — đã buông xuống. Trên hàng hiên và trong nhà, chất liệu sang trọng của chúng góp thêm nét kịch tính tân thời. Ngôi nhà thiên đường chắc hẳn nhìn có vẻ khá là trần trụi sau đó. Một giọt mưa rơi lên những khớp xương ngón tay tôi. Tôi quay vào trong nhà để lấy vài thứ linh tinh trong khi John xếp mấy cái túi của tôi vào trong xe, và khi ấy một chuyện vui vui đã xảy ra. Tôi không biết trong những ghi chép bi thảm này tôi có nhấn mạnh được đủ thích đáng hay không cái ấn tượng đặc biệt “mê li” mà vẻ đẹp của tác giả — kiểu Celt giả mạo, chất dã nhân lôi cuốn, nam tính một cách trẻ con — tạo được với phụ nữ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Tất nhiên, thông cáo như thế này mà lại được đưa ra từ đích thân chính chủ thì có thể nghe có vẻ buồn cười. Nhưng lúc này lúc khác tôi phải nhắc nhở độc giả về dung mạo của tôi cũng như tiểu thuyết gia chuyên nghiệp, đã đưa cho nhân vật của mình một phong cách riêng nào đó hoặc một con chó, buộc phải tiếp tục giơ con chó ấy hoặc phong cách ấy ra mỗi lần nhân vật ngoi lên trên dòng diễn biến của cuốn sách. Trong ca hiện thời thì có thể còn phải dùng thủ pháp này nhiều hơn nữa. Vẻ ngoài điển trai buồn buồn của tôi ắt sẽ còn lưu trong tâm tưởng độc giả nếu như câu chuyện của tôi được thấu hiểu. Bé Lo dậy thì đã ngây ngất trước sức quyến rũ của Humbert cũng y như nàng ngây ngất với tiếng nhạc nức nở; Lotte người lớn đã yêu tôi bằng niềm đam mê chín chắn, chiếm hữu, mà giờ đây tôi thấy xót thương và tôn trọng nhiều hơn là tôi cẩn trọng nói ra. Jean Farlow, ba mươi mốt tuổi và bị hoàn toàn rối loạn thần kinh chức năng, hình như cũng đem lòng mê tôi. Cô là một phụ nữ có vẻ ngoài gây ấn tượng theo kiểu một thứ đục đẽo nào đó của người da đỏ, với làn da mặt màu hoàng thổ sấy khô. Đôi môi cô giống như vết polyp rộng đỏ choét, và khi cô phát ra tiếng cười đặc biệt nghe như chó sủa, cô phô bày những chiếc răng to xỉn màu với nướu răng nhợt nhạt.
Cô rất cao, hoặc mặc quần và đi xăng đan hoặc mặc váy xòe và đi giày múa, nốc rượu mạnh như hũ chìm, đã bị sảy thai hai lần, viết truyện về động vật, vẽ, như độc giả biết, phong cảnh hồ, đã ủ bệnh ung thư, căn bệnh đó giết chết cô ở tuổi ba mươi ba, và vô duyên hết thuốc chữa với tôi. Sau đây, xin hãy phán xét về nỗi hoảng hốt của tôi vào khoảng vài giây trước khi tôi ra đi (cô và tôi đứng ở sảnh) Jean, bằng những ngón tay lúc nào cũng rung rung, ôm lấy hai thái dương tôi, và, lệ tràn đôi mắt xanh rực sáng, cố gắng, không thành công, dán mình vào đôi môi tôi.
“Bảo trọng anh nhé” cô nói, “hôn con gái anh giúp em.”
Một tiếng sấm rền vang khắp ngôi nhà, và cô nói thêm:
“Biết đâu, tại một nơi nào đó, trong một ngày nào đó, vào một dịp ít đau thương hơn, chúng mình có thể gặp nhau lần nữa” (Jean, dù cô có là gì, dù cô có ở đâu, trong cõi âm của không-gian-thời-gian hay cõi dương của thời-gian–tâm-linh, hãy tha thứ cho anh tất cả những lời này, kể cả đoạn trong dấu ngoặc).
Ngay sau đó, tôi bắt tay với cả hai người bọn họ ngoài phố, con phố dốc ấy, và mọi thứ quay cuồng bay lượn trước trận mưa trắng nhòa đang kéo đến, chiếc xe tải chở tấm nệm từ Philadelphia tự tin lăn bánh xuống ngôi nhà hoang, bụi cuốn quằn quại ngay trên phiến đá nơi Charlotte, lúc họ nhấc tấm chăn lên cho tôi, đã bị phơi ra, co quắp, đôi mắt còn nguyên, hàng mi đen vẫn đẫm ướt, bện vào nhau, như của em, Lolita.